Lời cuối sách: 《 Ngón tay của Công Tử Ưu 》
—— Lý do vì sao lại có 《 Ngón tay những người nghệ sĩ 》
Phần này không nói về ý tưởng giúp tôi viết ra《 Ngón tay 》, cũng không kể lại chuyện gì ngoài linh cảm đằng sau nó, cuối cùng thứ gì đã khiến câu chuyện trở thành như bây giờ mà không phải là một hình thái khác.
Tháng trước tôi xem《 Đọc khố 》kỳ thứ 1803, trong phần đầu《 Tất Phi Vũ và Vương gia trang của ông ấy 》, Tất Phi Vũ có nói thời thơ ấu và niên thiếu rất có ảnh hưởng đến một tác giả, bởi vậy tôi bắt đầu suy nghĩ về những thứ đại loại như "linh cảm giúp tôi viết ra cuốn sách này", có phải đúng là chúng đến từ thời thơ ấu của mình, hay chính xác là một góc quá khứ của mình không? Những thứ mà tôi cho rằng "mình lựa chọn viết ra", có thật là tôi tự chọn lựa không, hay là kỳ thật tôi không cần chọn?
(*Đọc khố (Mook) là tên một tạp chí văn học dài kỳ do nhà xuất bản Tân Tinh phát hành, đồng thời cũng là một brand xuất bản sách phi hư cấu thông qua nhà xuất bản Tân Tinh.)
Ví dụ như, cảnh tượng ngày nhỏ Chung Quan Bạch lẻn vào hội trường xem biểu diễn từ thiện, lần đầu tiên gặp Ôn Nguyệt An, sau khi viết xong sách tôi mới nhận ra cảnh này đúng là có liên hệ với thời thơ ấu của mình.
Ngày học tiểu học tôi bắt đầu học piano, mẹ tôi dẫn tôi đến một nhà hát xem biểu diễn độc tấu. Lúc ấy trong thính phòng có rất nhiều bạn nhỏ học đàn, có lẽ bọn họ cùng với người lớn đi cùng đã chiếm khoảng bảy phần mười số lượng khán giả. Tôi không còn nhớ rõ đã diễn tấu những bài nào, nhưng lại không thể quên được cảnh tượng ầm ĩ lúc đó. Sở dĩ tôi nhớ rõ ràng như vậy là vì thật sự rất ồn, vị nghệ sĩ nước ngoài ngồi trên sân khấu chỉ đàn được một nửa đã không nói một lời tức giận rời khỏi sân khấu. Ngày nay ở trong nước có lẽ không còn bắt gặp cảnh tượng như vậy khi đi xem ca nhạc nữa. Khoảng ba năm trước tôi đến Nhà hát lớn quốc gia nghe dàn nhạc giao hưởng Brandenburg biểu diễn Dvorak đã là một cảnh tượng khác xa rồi.
Bây giờ tôi nhìn lại khung cảnh dưới khán đài toàn là các bạn nhỏ, một mình Chung Quan Bạch chạy lên sân khấu, phát hiện nó đúng là xuất phát từ cảnh tượng trong thời thơ ấu của mình, cho nên nó không mang hình thái khác, nó sẽ có người dẫn chương trình biết điều khiển hội trường, có những bạn nhỏ hưng phấn tự phát biểu quan điểm của mình, nó chính là hình thái trong văn của tôi hiện tại.
Đương nhiên trong cảnh này còn có một Ôn Nguyệt An dịu dàng kiên nhẫn. Ông ấy được xây dựng dựa trên ít nhất là ba người. Một người tôi chưa từng gặp qua, chỉ xuất hiện qua lời kể của một người bạn thời niên thiếu của tôi, người này là thầy giáo dạy dương cầm của bạn ấy, từ khi còn nhỏ gặp tai nạn nên phải cưa chân. Bạn tôi đã miêu tả về thầy dạy dương cầm của cổ thế này: Thầy ấy rất ôn hòa, bác học, rất có phong cách, là người lớn lịch thiệp nhất mà cô ấy từng gặp. Ở lứa tuổi của chúng tôi ngày đó, lịch thiệp thân sĩ không có ý gì sâu xa, chỉ đơn giản biểu đạt sùng kính và ngưỡng mộ thôi.
Vẻ ngoài và khí chất của Ôn Nguyệt An lại khởi nguồn từ một người khác. Ước chừng khoảng năm sáu năm về trước, tôi lên Đào Hoa Lĩnh ở Trường Sa trông thấy một ông lão ngồi xe lăn được một người trẻ tuổi đẩy. Khi đó đang là mùa xuân, suối nước trong xanh, hoa nở đầy núi, ông lão kia mặc một bộ áo dài vạt đối xứng bằng vải dày, mái tóc bạc trắng chải chuốt rất chỉnh tề, cử chỉ tao nhã, gương mặt bình thản dễ khiến người tin phục. Tôi chưa từng gặp qua ông lão nào có ánh mắt trong trẻo đến thế, lúc ấy liền nghĩ, trông thật giống những người đẹp chỉ có ở thời dân quốc. Hôm nay có lẽ người đó cũng đi ra ngoài ngắm hoa, đáng tiếc ông ấy không may mắn bằng tôi, không chỉ ngắm hoa mà còn được ngắm người.
Người thứ ba, là một người thầy của tôi. Hơn phân nửa quan hệ tình cảm xuất phát từ thầy trò được viết trong văn của tôi đều lấy cảm hứng từ người này, nên tôi không dám viết nhiều.
Không phải nhân vật nào cũng hoàn toàn có nguyên hình. Có vài người bạn cũng đọc văn của tôi nói rằng, cảm giác tôi, tức bản thân tác giả, là hợp thể của Chung Quan Bạch và Lục Ứng Như. Hai người bạn khác, một người nói thẳng một người ám chỉ, đều đồng lòng cho rằng khao khát theo đuổi âm nhạc trong cuốn sách, kỳ thật chính là phép ẩn dụ cho chuyện tác giả theo đuổi nghiệp viết lách của mình (hoặc nên nói là toàn bộ những việc liên quan đến sáng tạo nghệ thuật). Nhưng phải đính chính là tôi không có thiên phú như Chung Quan Bạch, cũng không có năng lực của Lục Ứng Như, chẳng qua chỉ giống một chút vụng về lỗ mãng của Chung Quan Bạch thôi.
Lúc một tác giả viết ra một thứ thường không phải chỉ có mục đích viết nó. Dùng âm nhạc làm vật dẫn, một phần nguyên nhân rất lớn đúng là vì tôi rất thích, thời gian viết ra cuốn sách này cho tôi một cái cớ đường hoàng để phí thời gian đi nghe hòa tấu, dạo viện bảo tàng âm nhạc, xem nhiều sách vở về âm nhạc cổ điển và tập đàn, bởi vì yêu thích không phải là một lý do chính đáng cho lắm, cái cớ phải dùng để viết văn chính đáng hơn nhiều.
Chuyện không thể phủ nhận là âm nhạc cực kỳ giống văn học (đương nhiên tôi không có ý cho rằng những thứ mình viết ra xứng đáng được gọi là văn học). Từng có nhà phê bình âm nhạc cũng so sánh như vậy: Âm nhạc là một thứ có tính quá trình, thưởng thức một bản nhạc cổ điển khác với thưởng thức một bức tranh, nó giống với việc đọc một cuốn sách hơn, nó không mang lại cảm giác trong nháy mắt, nó cần thời gian để tích lũy dần dần.
Thời gian viết《 Ngón tay 》, tôi thường nghe rất nhiều phiên bản của cùng một tác phẩm, cái này liên quan đến việc những nghệ sĩ hoặc người cải biên khác nhau lý giải về cùng một chủ đề như thế nào. Ví dụ như cùng là《 Lương Chúc 》, có phiên bản violin concerto của thầy Lữ Tư Thanh, phiên bản piano của Vu Y Lệ, phiên bản đơn giản hóa chỉ giữ lại giai điệu chính, còn có vô số phiên bản khác nữa, tất cả đều đả động tôi ở chỗ nào? Bọn chúng giống với vài tác phẩm văn học mà tôi thích, đều không phải đột nhiên đánh vào tâm trí, mà bất tri bất giác thẩm thấu từng ngày. Đôi khi tôi có thể phát hiện ra chỗ nào đã đả động mình, đoạn violin này, cung điệu này, câu này, nhưng trước đó chúng không hề làm tôi xúc động. Tôi biết chúng không uổng phí, không phải không tốt, không phải một sự sắp xếp không cần thiết, cũng không quá dư thừa đến mức phải cắt ngắn đi cho cô đọng, chúng nó là một loại tích lũy, dẫn tôi đến thời điểm tôi bị đả động. Cho nên từ ngày tôi viết《 Ngón tay 》, bắt đầu có những đoạn tán gẫu nhảm nhí, có vài thứ tôi cho rằng đủ đẹp đẽ để thêm vào văn, mạch truyện chậm lại, kiên nhẫn hơn, không phải viết chỉ vì mục đích khiến độc giả không ngừng lật sách đọc tiếp, cũng không phải để mau chóng kết thúc tiền căn hậu quả của một câu chuyện. Cách kể chuyện của《 Ngón tay 》lấy từ âm nhạc, tiết tấu và bố cục của nó đều được âm nhạc dẫn dắt, nó không giống bất kỳ cuốn sách nào tôi viết trước giờ.
Nói đến lý tưởng và sáng tác, xác thật trong《 Ngón tay 》cũng có một vài tư tưởng của tôi, nhưng tất cả đều nằm trong văn, tôi không lắm lời thêm làm gì.
Lúc viết đến đây, tôi hơi do dự có nên nói về lý do tại sao "đoạn lịch sử nào-đó" lại xuất hiện trong văn của mình. Tôi nghĩ, nếu là tôi của mười năm sau, vì muốn xem bản thân mình ở mười năm trước trông như thế nào mà đọc lại cuốn sách này, tôi không hy vọng chỉ thấy mình nói mấy lời qua loa văn mẫu. Mười năm sau, tôi vẫn muốn nhìn thấy năm đó mình không "lãnh khí"* theo như lời Lỗ Tấn nói, cho dù hoàn cảnh trên mọi phương diện kỳ thật đều không tốt như vậy.
(*Từ "lãnh khí" ở đây bắt nguồn từ trong văn của Lỗ Tấn nhằm phê phán thái độ thờ ơ, không dám lên tiếng, không dám hành động, ngại tiến về phía trước, chỉ quanh quẩn với những thứ thực dụng nhỏ nhặt của giới trẻ Trung Quốc - giải thích đại khái dựa theo mấy bài phân tích trên Zhihu)
Sau khi《 Ngón tay 》kết thúc, tôi có trò chuyện với vài bạn đọc, có một bạn hỏi tôi, nhà họ Lục có bóng dáng của gia đình tôi không? Tôi cực kỳ quyết đoán trả lời: Không có. Đương nhiên không thể hoàn toàn nói là không có, một tác giả luôn rất khó thoát khỏi cái bóng của gia đình, nó là nơi nuôi dưỡng, cũng là chiếc lồng giam. Có điều tôi muốn nói, nếu là nhà họ Lục, chi bằng nói là giống nhà họ Hạ. Nhà họ Hạ xa xăm trong quá khứ luôn ở trong đôi câu hay một góc trò chuyện tôi được nghe suốt thời thơ ấu và thiếu niên, từ ông bà đến mỗi một người lớn trong gia đình, đến ngày Tết bọn họ lại tụ tập ngồi kể chuyện xưa, từ trong những câu chuyện đó tôi nhìn thấy một góc lịch sử. Tôi không được chọn lựa, tôi mọc ra từ nơi đó.
Những đoạn kể xen về quá khứ trong《 Ngón tay 》 tương đối bi thương, nhưng chuyện buồn hơn lại là, tôi không hề viết những gì bi thảm hơn chuyện thật. Ông nội tôi từng cau mày nhìn toàn bộ sách vở trong nhà bị đốt trụi, ông nói trong đó có vài cuốn là độc bản, từ giờ về sau không còn nữa. Người lớn trong nhà thường kể cho tôi nghe những gì cha chú của họ từng nghiên cứu, miêu tả sân nhà và phòng ốc ngày bọn họ còn nhỏ, những hành lang gấp khúc và giếng trời, những thứ nho nhỏ thú vị bài trí trong nhà, tôi rất thích nghe, nhưng đã không còn duyên nhìn thấy tận mắt. Những đồ vật cũ tôi được nhìn thấy không nhiều lắm, ví dụ như một cái lu nước to đen như mực, nghe nói trên thân nó từng chạm khắc đầy tượng Phật, nhưng vì sợ người ta đập bỏ hoặc tìm cớ "mượn đi", toàn bộ tượng Phật bên ngoài đều bị cạy ra hết, trong nhà mới giữ lại được một cái lu tầm thường để đựng nước.
Tôi thường ngồi tán gẫu với chị tôi, chị ấy cũng hay kể cho tôi nghe những chuyện chị ấy được kể hồi nhỏ, tôi tiết lộ cho chị mơ ước của mình: Nếu chúng ta được ngồi ôm những chồng sách cũ và những độc bản chép tay đó xem cùng với nhau thì tốt quá. Một ước mơ như vậy nghe thật ngốc, không có tác dụng gì cả, nó là một mặt phiến diện của tôi, là thứ mà tôi đặt bút lên viết không lựa chọn. Sáng tác là một công việc chủ quan, không có thêm thắt giả dối thì không phải là sáng tác. Tôi kể ra rất nhiều hồi ức, nhưng những hồi ức đó không phải giả dối, thái độ khi đối mặt với hồi ức mới phải. Tôi biết ở thời đại văn minh này vẫn có những chuyện tương tự phát sinh, nhưng chúng ta vẫn nên tiến về phía trước đi, đây là thái độ của tôi. Nhưng cũng có khả năng chúng ta lại giẫm lên vết xe đổ, đây cũng là thái độ của tôi.
Viết xong cuốn sách này, có lẽ một thời gian dài sắp tới tôi sẽ không viết về đề tài tương tự. Tôi từng đọc dưới phần bình luận có một độc giả nói: "Cảm ơn tác giả đã nỗ lực lăn lộn viết ra cuốn sách này", câu này miêu tả rất chính xác trạng thái sáng tác của tôi đấy. Nội dung câu chuyện đau khổ nên viết ra cũng rất khó chịu, bởi vì năng lực viết lách của tôi cách xa cả thiên hà với yêu cầu của con chữ. Một tác giả đương nhiên rất rõ ràng năng lực và trình độ của mình nằm ở đâu, tôi rất muốn dùng những cái cớ như "Tôi chỉ là tay bút nghiệp dư không có nhiều thời gian viết lách", "Công việc bên ngoài rất bận không có đủ thời gian và sức khỏe" vân vân để giải thích vì sao tôi lại viết thành như bây giờ, dù sao thì nếu bạn nỗ lực hết mình nhưng vẫn viết dở thì sẽ bị cười vào mặt đúng không? Nhưng rồi tôi vẫn quyết định chấp nhận bị cười, thái độ nghiêm túc nhiệt tình rất quan trọng, còn quan trọng và ngầu hơn so với việc không cần cố gắng chút nào vẫn viết tốt (mặc dù ở điểm này Công Tử Ưu khó lấy được lòng tin ở mọi người, nhưng tôi thật sự viết rất nghiêm túc đấy). Nếu chấp nhận đối mặt với sự thật là mình không có thiên phú, năng lực và kinh nghiệm, như vậy vẫn còn có hy vọng tiến bộ.
Tiếp theo nói về những khung cảnh đẹp đẽ đi, không chừng đã có vài bạn độc giả từng gặp qua những cảnh đẹp giống như vậy rồi. Ở châu Âu có rất nhiều thiên nga, chỉ cần là nơi có hồ thì sẽ có thiên nga. Năm ngoái tôi thường ngồi tàu lửa đi sang thành phố cách nơi mình ở không xa xem thiên nga, ở thành phố đó có một vườn hoa hồng nằm trong một tòa lâu đài, trong vườn có mấy chục bức tượng màu trắng và rất nhiều hoa hồng đủ mọi màu sắc chủng loại. Gần nơi tôi sống cũng có một cái hồ, đôi khi bạn trai tôi sẽ đi cho thiên nga ăn cùng với ông bạn thân đồng tính của anh ấy (...... tôi cũng không rõ tại sao lại như vậy nữa, nhưng đương nhiên tôi tha thứ cho ổng rồi).
Nếu có độc giả nào từng đi thăm vườn nhiệt đới ở miền nam nước Pháp, có lẽ sẽ thật sự nhìn thấy tấm bảng viết Cắm rễ dưới mặt đất, đầu hướng về bầu trời (phần dịch tiếng Anh từ tiếng Pháp vẫn sai); đi vào một cửa hàng lưu niệm ở miền nam nước Pháp, có lẽ sẽ thật sự nhìn thấy những khối lập phương trong suốt có đàn dương cầm và đàn vĩ cầm lơ lửng bên trong; có lẽ thật sự có một tiệm hoa bán những đóa hoa nhỏ năm cánh màu xanh lam.
Kỳ thật từ 《 Bàn về cách theo đuổi một tên biến thái cùng chung chí hướng 》 đến 《 Đời chó 》 lại đến 《 Ngón tay những người nghệ sĩ 》hiện tại, Cố Cung lúc sáng sớm, rừng cây và cánh đồng tuyết ngoài cửa sổ tàu hỏa đi Rothenburg, mặt trời mọc trên Biển Hồ, tuyết trắng xóa trên đỉnh núi cao, Chùa Răng Phật ở thành phố núi Kandy, bông hoa sen xanh được thờ phụng, thính phòng âm nhạc ở Vienna, biển hoa hướng dương vàng rực cao ngang đầu người, sao trời trên biển Aegea, bức tường bò đầy dây thường xuân và hoa hồng...... Hình ảnh đẹp đẽ luôn từ ánh mắt đi vào trong tim, thời điểm cầm bút lại từ trong tim tuôn chảy ra giấy, rất tự nhiên, không cần cố tình sàng lọc, cũng không cần điểm tô thêm thắt cho đẹp, bọn chúng luôn ở đó.
Lục tìm trong trí nhớ những cảnh tượng không hề khó, chuyện khó chính là từ trong một vài cảnh tượng bí ẩn phát hiện ra ảnh hưởng của thời thơ ấu và niên thiếu xa xăm, khiến tôi cảm thấy càng động lòng. Ví dụ như cảnh ngồi luyện chữ bằng bút lông, ví dụ như giấu sách truyện dưới chồng nhạc phổ, ví dụ như quả dưa hấu được ướp lạnh dưới giếng, cây đàn dương cầm xưa cũ trong phòng học nhạc, thời gian tự do nằm đọc sách dưới gầm giường...... Những thứ này càng như giấc mộng, qua nhiều năm tháng đã bất tri bất giác được mang thêm bộ lọc, làm tôi phải nhắc tới bằng một ngữ khí khác hẳn mới có thể trở lại quá khứ. Không có cách nào.
Trong phần lời mở đầu của《 Ngón tay 》có nói áng văn này chứa vài loại tình cảm khác nhau, không cứ phải là tình yêu. Bản thân tôi không quá hiểu tình yêu. Tôi chỉ thấu hiểu phần cẩn thận, sợ đối phương tức giận, sợ đối phương buồn bã, thấu hiểu cảm giác đối phương quá tốt đẹp, sợ mình không xứng, thấu hiểu cảm giác sợ đối phương sinh bệnh, sợ người đó xảy ra bất trắc, sợ người đó không vui, sợ đối phương biết mình không ổn sẽ lo lắng... So với tình yêu, tôi càng thấu hiểu sự sợ hãi, hoặc nên nói là để tâm. Tôi không quá thấu hiểu bản thân tình yêu, không biết phải biểu đạt như thế nào, thật sự muốn nói cũng chỉ có thể miêu tả những biểu hiện của nó mà thôi.
Tôi càng thích một mối quan hệ khác hơn: Người chỉ dẫn và người được chỉ dẫn. Quan hệ của Lục Tảo Thu và Chung Quan Bạch chính là như vậy, Hạ Ngọc Lâu và Ôn Nguyệt An cũng có quan hệ như vậy. Rồi Ôn Nguyệt An đối với Chung Quan Bạch, Lục Tảo Thu và Tiểu Hạ là quan hệ này. Chung Quan Bạch, Lục Tảo Thu đối với Tiểu Hạ và các sinh viên khác cũng là quan hệ này. Cảm giác trả giá hy sinh và để tâm đương nhiên là gây xúc động, nhưng riêng tôi cảm thấy dường như chuyện được dẫn dắt và thế giới quan chịu ảnh hưởng của người kia mới là loại quan hệ càng gây xúc động hơn. "Khao khát" cũng sinh ra từ chính mối quan hệ này, mà không phải xuất phát từ tình yêu. Bởi vì như thế nên tuyến tình cảm trong cuốn sách mới như bây giờ, mà không phải là một hình thức khác.
Cuối cùng, tôi nên nói một chút vì sao đặt tên là "Ngón tay", "Ngón tay" rốt cuộc là cái gì. Mỗi người đều có những ngón tay của chính mình, hãy dùng nó để sáng tạo ra thứ mình muốn tạo ra, bảo vệ thứ mình muốn bảo vệ. Ở thời khắc vươn tay ra, tôi đã hiểu rồi.
Công Tử Ưu