*Khúc nhớ nhà - 思乡曲 (Song of Nostalgia): được nhạc sĩ Mã Tư Thông viết năm 1937, là bài thứ hai trong “Tổ khúc Nội Mông”, bản nhạc lấy cảm hứng từ bài dân ca “Phi ngựa trên tường thành”
*Trần Dung Huy - 陈蓉晖: nữ nghệ sĩ violin trẻ tuổi người Mỹ gốc Hoa
—------------------------------
Xe dừng trước cửa rạp hát.
Tối nay không có suất diễn, bên trong nhà hát tối đen, chỉ còn đèn sáng trên khu ghế lô lầu hai và dưới hành lang, là Quý Văn Đài dặn nhân viên công tác để lại.
Hạ Ngọc Lâu và Ôn Nguyệt An vẫn chưa bước ra ngoài.
Vài chục năm trôi qua, bọn họ có quá nhiều lời muốn nói, lại giống như không thể nào nói ra. Đời người đã đi qua hơn nửa, không biết trong thân thể đã già nua này còn giữ được bao nhiêu phần của thời niên thiếu.
Gương mặt Ôn Nguyệt An vẫn y hệt năm đó, có lẽ vì ông không dám thay đổi, chỉ biết dùng cả đời sống với bộ dáng Hạ Ngọc Lâu từng yêu cầu.
Dáng vẻ Hạ Ngọc Lâu vẫn có thể nhìn ra đường nét năm xưa, nhưng một người ngày trước thích cười là thế, bây giờ lại mang theo uy áp mạnh mẽ, ánh mắt thâm sâu, ít khi nói cười.
Đến lúc thật sự được ngồi đối diện Hạ Ngọc Lâu, Ôn Nguyệt An vẫn không gọi được một tiếng sư ca, ông nhìn Hạ Ngọc Lâu từ đầu đến chân, không chừa một phân nào, nhìn hồi lâu mới nhẹ giọng nói: “Anh...... cho em xem tay anh.”
Hạ Ngọc Lâu tiến lại gần, Ôn Nguyệt An men theo cổ tay trái từ từ sờ lên xương ngón tay ông ta, mỗi lần sờ đến một vết thương đầu ngón tay ông lại run lên một chút, nước mắt lăn dài, rơi xuống mu bàn tay Hạ Ngọc Lâu.
“Trước kia không có nhiều như vậy......” Những vết sẹo biến dạng này trông còn đáng sợ hơn lần cuối cùng ông nhìn thấy, Ôn Nguyệt An ngẩng đầu nhìn Hạ Ngọc Lâu, “Về sau anh......”
Nhất định còn chịu khổ, hơn nữa phải chịu khổ hơn gấp nhiều lần.
Hạ Ngọc Lâu đi ra sau xe lăn của Ôn Nguyệt An, cúi người sờ lên phần tóc bên thái dương đã bạc, động tác rất cẩn thận như đang chạm vào một món văn vật lúc nào cũng có khả năng vỡ nát.
Mà quả thật là thế, Ôn Nguyệt An tựa như món văn vật đã phủ bụi trong trí nhớ của Hạ Ngọc Lâu, không dễ dàng được lấy ra ngoài.
Ông ta đứng phía sau Ôn Nguyệt An, vẫn không nói gì.
“Anh...... đang nhìn tóc em sao?” Ôn Nguyệt An chậm rãi nói, “Xấu lắm. Nhớ thời thiếu niên cưỡi ngựa trúc, quay người nhìn lại đã bạc đầu...... Đừng nhìn em nữa.”
Hạ Ngọc Lâu nhìn mái tóc đã bạc, hốc mắt đỏ lên.
“Anh...... nghe A Bạch đàn xong, cảm thấy thế nào?” Ôn Nguyệt An hơi quay đầu lại nhìn sắc mặt Hạ Ngọc Lâu.
Ánh mắt ông ta và bàn tay vẫn dừng trên mái đầu Ôn Nguyệt An, như thể muốn qua một cái nhìn xem hết mấy mươi cái xuân thu cuộc đời ông.
“...... A Bạch, nó rất giống anh.”
Hạ Ngọc Lâu không trả lời, Ôn Nguyệt An tự mình nhớ lại, gương mặt vẫn chưa khô nước mắt hiện lên một chút ý cười, ngữ khí trầm thấp nhẹ nhàng như làn gió ban mai, như sợ mình sẽ quấy nhiễu một giấc mộng đẹp, “Từ nhỏ đã rất giống...... A Bạch ngày còn nhỏ thường đi gây hoạ, không chịu tập đàn, lớn thêm một chút lại biến thành bộ dáng bất cần đời, nhưng vẫn yêu đàn như mạng. Nó là đứa em thấy có thiên phú nhất...... trừ anh ra.”
“Ngày em gặp A Bạch là ở một buổi biểu diễn từ thiện, những đứa trẻ khác phần lớn đều đang học đàn nên được cha mẹ dẫn đến nghe độc tấu, chỉ có A Bạch là một mình lẻn vào, không mua vé. Sau này em mới biết, nó không có cha mẹ, lớn lên trong cô nhi viện, nghe nói tiền thu được từ buổi biểu diễn đó sẽ quyên tặng cho cô nhi viện nó sống, nên nó mới chạy vào xem......”
“Sau đó, em bắt đầu...... giống như anh từng dạy em......dạy nó đánh đàn, dạy viết chữ, chơi cờ...... A Bạch hơi ngốc, dạy thế nào cũng không chơi được cờ, thế là đành thôi.”
“Chỉ thích đánh đàn là đủ rồi.”
“A Bạch trưởng thành, bộ dáng nó đánh đàn càng giống anh, em liền không giữ nó lại nữa, chỉ xem băng ghi hình thi đấu, ảnh chụp biểu diễn, nghe nhạc nó mới sáng tác, nghe nó kể trong điện thoại chuyện nó cũng quyên tặng cho vài trung tâm giáo dục đặc biệt, cô nhi viện, đã thấy rất tốt rồi. Rốt cuộc là em quản giáo không nghiêm, A Bạch mất mấy năm đi đường vòng, gặp đủ phiền phức, may mà còn có thằng bé Tảo Thu, A Bạch cuối cùng cũng biết mình muốn gì, thời gian không tính là sớm, tuy vất cả, nhưng chung quy cũng còn quay lại được.”
“Hôm nay A Bạch có thể đàn được thế này, em yên tâm rồi, đối với anh...... đối với nhà họ Hạ, cũng có thứ để ăn nói...... Như thế, em cũng yên tâm ra đi.”
Ôn Nguyệt An nói thật lâu thật lâu, Hạ Ngọc Lâu vẫn luôn lẳng lặng nghe, nghe đến câu “cũng yên tâm ra đi” mới nói ra câu đầu tiên: “Em muốn đi đâu.”
Ôn Nguyệt An tinh tế nhìn gương mặt Hạ Ngọc Lâu, nhẹ giọng hỏi: “Anh...... chịu nói chuyện với em rồi sao?”
Cảnh tượng mình đứng sau lưng Ôn Nguyệt An như thế này, Hạ Ngọc Lâu đã mơ thấy vô số lần, cảnh trong mơ thường là Ôn Nguyệt An ngồi dưới tàng cây đánh đàn, hoa quế bay đầy đầu, hương thơm ngọt ngào bốn phía, ông ta cúi người xuống giúp Ôn Nguyệt An phất đi những cánh hoa, ở bên tai thấp giọng gọi: “Nguyệt An, anh là sư ca đây.”
Nhưng mỗi lần mở miệng liền tỉnh mộng.
Tỉnh dậy ở chuồng bò, tỉnh dưới ánh đèn chiếu xạ chói mắt, tỉnh dưới máy kéo, tỉnh trong xe lửa, tỉnh trong kho chuyên chở hàng hóa tàu thủy, tỉnh ở đầu đường bên kia đại dương, dưới gầm cầu, trong tầng ngầm, chung cư, dinh thự.
Cây hoa quế biến thành dây lưng, nước lạnh, ngói, hàng hóa, đồ đạc trong nhà; mùi hoa biến thành mùi máu tươi, mùi xăng, mùi rác rưởi hư thối.
Chỉ có lần này, ông ta không cần tỉnh lại.
Thế nhưng cảnh tượng lại không quá chân thật.
Hạ Ngọc Lâu sợ mọi chuyện giống như trong giấc mơ của mình, Ôn Nguyệt An sẽ không chịu nhận, liền tự giới thiệu: “Nguyệt An, anh là sư ca đây.”
“Em nhận ra mà.” Mong nhớ cả đời, sao lại không nhận ra cho được. Ôn Nguyệt An chậm rãi cởi nút cổ tay áo Hạ Ngọc Lâu, đặt ngón tay lên cánh tay ông ta. Làn da hai người đều không còn bóng bẩy như thời niên thiếu, chạm vào dường như có thể sờ thấy dấu vết năm tháng chảy qua.
“Nhận ra sao lại không gọi anh.” Hạ Ngọc Lâu nói.
“Nên gọi. Hai đứa nhỏ đều đàn bản nhạc anh viết, đàn rất tốt, anh vẫn thắng...... Sư ca.” Hai chữ cuối cùng của Ôn Nguyệt An hơi run rẩy, qua vài thập niên, những cự tuyệt ngày trước vẫn làm lòng ông sợ hãi.
Hạ Ngọc Lâu thưởng thức dư vị hai tiếng sư ca kia thật lâu rồi mới nói: “Hạ Âm Từ còn kém Chung Quan Bạch rất xa.”
“Cậu ấy còn nhỏ, năm tháng còn dài, thế đã là giỏi rồi.” Ôn Nguyệt An nhớ lại dáng vẻ Hạ Âm Từ an tĩnh đứng chờ ngoài hành lang vừa nãy, “Sư ca...... Đứa trẻ này được dạy dỗ tốt như thế, không biết là ai dạy dỗ cùng anh?”
Hạ Ngọc Lâu trả lời: “Không có ai khác.”
“Thế thằng bé......” Ôn Nguyệt An nhớ lại tướng mạo Hạ Âm Từ, mặt mày môi mũi đều cực kỳ giống Hạ Ngọc Lâu, là đúc ra từ khuôn nhà họ Hạ, thiếu niên Giang Nam đẹp như trong tranh, “Sư ca...... Mấy năm nay, rốt cuộc anh trải qua như thế nào?”
Trải qua như thế nào......
Bị giam giữ, bị đánh đập, được thả ra vẫn không yên lòng Ôn Nguyệt An, lại trở về nhà họ Hạ tìm kiếm, nhưng tìm thế nào cũng không thấy, lại bị bắt, chịu cực hình, cuối cùng lưu lạc đến hải ngoại. Một thiếu niên tàn tật vùng vẫy lăn lộn trên mảnh đất xa lạ bên kia đại dương, chờ đến ngày nắm tư bản trong tay trở về quê cũ, đã là rất nhiều năm về sau.
Hạ Ngọc Lâu chọn lựa từ những năm tháng đó vài ba chuyện không quá gian nan kể qua loa cho Ôn Nguyệt An nghe. Ông nghe qua một góc đã có thể tưởng tượng ra toàn cảnh, càng nghe nước mắt càng thấm ướt tà áo xanh.
Ôn Nguyệt An bừng tỉnh: “Sư ca...... Hóa ra anh cũng đi tìm em? Anh còn nhớ ngày xưa thầy Hạ gửi thư về hay nhắc tới một người tên Vương Bân không.”
Hạ Ngọc Lâu cẩn thận nghĩ: “Nhớ rõ.”
Ôn Nguyệt An kể tiếp: “Vương Bân đi lên phía Bắc nhờ cậy em gái, ông ấy xuất thân bần nông, thành phần gia đình tốt, về sau em gái ông ấy giới thiệu cho một công việc tốt hơn, ông ấy vẫn thường xuyên thư từ qua lại với thầy Hạ. Đến năm đó...... thầy Hạ không còn nữa, Vương Bân gửi rất nhiều thư nhưng không có hồi âm, sợ nhà họ Hạ xảy ra chuyện, vì thế vội vàng về phương Nam tìm thầy Hạ...... Lúc ông ấy đến thì trong nhà chỉ còn mình em...... Vương Bân liền đưa em theo về Bắc Kinh.”
“Sư ca...... Về sau em thường tổ chức biểu diễn ở nhiều nơi, vì sao anh không hề đến gặp em?” Ôn Nguyệt An đã đi qua rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, người khác không rõ vì sao đến cả những thành phố nhỏ ông cũng muốn đi, dù không có ai xem cũng muốn biểu diễn...... Chỉ có mình ông biết, ông sợ vạn nhất có một ngày Hạ Ngọc Lâu muốn tìm ông lại tìm không thấy.
“Nguyệt An......” Hạ Ngọc Lâu thở dài một tiếng.
Ông ta và Ôn Nguyệt An không giống nhau, Ôn Nguyệt An có thể cả đời chỉ làm một chuyện, Ôn Nguyệt An có thể phụ hết tất cả người trong thiên hạ, nhưng Hạ Ngọc Lâu thì không làm được.
Trong lòng Hạ Ngọc Lâu phải chứa quá nhiều thứ, trên vai mang quá nhiều gánh nặng.
Nhiều năm như vậy, ông ta vẫn luôn mang theo di thư và lời trăn trối của Cố Gia Bội: Nếu có cơ hội, phải tìm được Ngọc Các; nếu có cơ hội, phải sửa lại án sai cho cha.
Sau khi trở về Trung Quốc, chuyện thứ nhất Hạ Ngọc Lâu làm là đi tìm Hạ Ngọc Các đã bặt vô tin tức nhiều năm, chuyện thứ hai là tìm cách sửa lại án sai cho cha mình, khởi tố kẻ giết người năm xưa. Có quá nhiều chuyện phải làm, ông ta không dám đi tìm Ôn Nguyệt An bấy giờ đã vang danh khắp thiên hạ, cảm thấy làm như vậy quá thẹn với các vong nhân nhà họ Hạ. Hơn nữa vào những lúc cởi bao tay, nhìn thấy tay trái của chính mình, ông ta càng tìm không ra lý do để gặp Ôn Nguyệt An.
Ngôi nhà của tổ tiên họ Hạ đã thay tên đổi chủ trong quá trình cải cách ruộng đất, căn nhà cổ ba mươi sáu gian ở nông thôn đã bị phá hủy, bao nhiêu quý khí tích lũy qua từng thế hệ thư hương biến thành những đống ngói và gỗ vật liệu, bị thôn dân chia nhau mang về xây nhà cho chính mình. Những chiếc giường khắc hoa tinh xảo, tủ áo vẽ chim cá, thậm chí những chiếc ghế gỗ, bồn rửa mặt, cối xay tiêu bằng gỗ đặc cũng biến thành đồ đạc và tài sản của bọn họ. Còn lại một chút sách vở và gia phả cổ xưa đều bị cho là những thứ vô dụng, toàn bộ bị đốt trụi.
Vật đổi sao dời, muốn tìm một người đã mất tích mấy chục năm trước đúng là nói dễ hơn làm.
Còn chuyện lật lại bản án ngày trước thì do thời gian đã trôi qua quá lâu, đã hết hiệu lực truy tố, sửa lại án sai thì được, nhưng tìm cho ra hung thủ là chuyện bất khả thi. Những kẻ đó đã biến trở về thành công dân bình thường ẩn nấp giữa đám đông, tiếp tục sinh sản và giáo dục thế hệ sau của bọn họ.
Hạ Ngọc Lâu từ bỏ chuyện kháng cáo, ngược lại dùng tư bản mình đã tích lũy nhiều năm tài trợ và giúp đỡ những học giả nghiên cứu sâu về giai đoạn lịch sử kia, nếu pháp luật không thể phán xét, vậy hãy để lịch sử và tương lai cùng phán xét.
Ông ta tiếp tục một lòng tìm kiếm Hạ Ngọc Các.
Thuê đội ngũ chuyên nghiệp điều tra, tìm khắp một nửa đất Trung Quốc hết năm này qua tháng nọ, ngàn vạn gian khổ, cuối cùng đã tìm được.
Trong một tiệm gội đầu dơ bẩn.
Người phụ nữ gầy gò như que củi đã lớn bụng nằm trên chiếc giường đầy vết bẩn thỉu, bị một lão già đầu trọc đè lên người.
Lão già kia xong việc rất nhanh, nhét tiền vào giữa hai chân còn đang chảy dịch đục rồi bỏ đi. Người phụ nữ nằm trên giường dùng đôi mắt trống rỗng nhìn ra ngoài, si ngốc há miệng, nước bọt chảy ra cũng không biết tự lau đi.
“Có vài lão già thích chơi thai phụ, hơn nữa ả đàn bà kia đã điên lâu rồi, cũng tiện, may mà cô ta còn có cái mặt xinh đẹp, nếu không ai mà chịu tiêu tiền cho một con điên chứ.” Bà chủ tiệm gội đầu mang tất lưới rút số tiền lão già kia vừa nhét cất vào ngăn kéo, sau đó ngồi lên chiếc ghế sô pha màu hồng nhầy mỡ, đôi môi đỏ tươi hút một hơi thuốc lá, “Anh đừng nhìn tôi như vậy, làm như tôi ép người làm gái không bằng. Tiền con mụ điên kia kiếm được căn bản không đủ nuôi sống chính cô ta đâu, mấy năm nay nếu không phải tôi cho cô ta bát cơm ăn thì đã sớm chết ngoài đường không ai thèm nhặt xác rồi. Nếu anh muốn người thì cứ mang đi đi, tôi không lấy đồng nào cả.”
Lúc đó Hạ Ngọc Lâu đã kinh qua bao sóng to gió lớn, không còn bất kỳ thứ ghê tởm gì có thể khiến ông ta chau mày nữa. Ông ta đã sớm biết, kỳ thật nơi này không phải thiên đường, cũng không phải địa ngục, tất cả cùng lắm chỉ là thế gian chân thật mà thôi.
Hồng trần cuồn cuộn không có nơi nào là sạch sẽ, bởi vì nếu quá sạch sẽ thì cũng không thể sống nổi.
Hạ Ngọc Lâu bế Hạ Ngọc Các lên, đi ra khỏi tiệm gội đầu.
Nước bọt của Hạ Ngọc Các dây ra cánh tay, ông ta lấy giấy lau khô đi, Hạ Ngọc Các vẫn ngơ ngác nhìn ông ta, miệng vô thức lẩm bẩm hát: “Thời gian trôi, chẳng còn gì, hôm nay lại ly biệt...... Cùng chờ đợi tương lai, ra đi không do dự...... Ra đi không do dự......*”
(*Lời bài hát Tiễn biệt của Lý Thúc Đồng)
Hạ Ngọc Lâu đưa Hạ Ngọc Các đi làm kiểm tra mới biết được cô đã mang một thân bệnh tật, vì thế đành đưa người về Mỹ điều trị, dưỡng bệnh chờ sinh.
Mấy tháng sau, Hạ Ngọc Các sinh con.
Cô bị khó sinh, bệnh cũ biến chứng trở nặng, vất vả mất một ngày một đêm, sinh được một bé trai rồi kiệt sức qua đời.
Tất cả mọi người đều cho rằng đứa bé này là con trai Hạ Ngọc Lâu, ông ta cũng không phản bác, đặt tên cho đứa trẻ là Ince, xuất phát từ 'innocent', bởi vì, người bình thường luôn không có sự lựa chọn, chỉ có thể trở thành người mà mình không thể không trở thành, nếu một đứa trẻ sinh ra có thể vĩnh viễn thuần khiết trong sáng, đại khái tượng trưng cho việc nó có đủ hạnh phúc. Tên tiếng Trung của đứa bé lấy từ câu “Ngũ âm hề phồn hội, quân hân hân hề lạc khang*” và “Lộ man man kỳ tu viễn hề, từ nhĩ tiết nhi cao lệ**” của Khuất Nguyên, mỗi câu chọn một chữ, tạo thành hai chữ Âm Từ.
(*”Năm cung bậc chừ hợp điệu, Ngài hân hoan chừ tươi cười” - “Cửu ca” - bản dịch của Đào Duy Anh trên bookhunterclub.com
**”Quản bao nước thẳm non xa, Để ta tìm kiếm cho ra bạn lòng” - Ly Tao / Nỗi sầu ly biệt - bản dịch của Nhượng Tống trên thivien.net)
Khuất Nguyên (340 TCN - 278 TCN): là một chính trị gia, một nhà thơ yêu nước nổi tiếng thời Chiến Quốc thuộc nước Sở trong lịch sử Trung Quốc.
Hạ Ngọc Lâu ôm Hạ Âm Từ vẫn nằm trong tã lót, nhìn thi thể Hạ Ngọc Các bị đưa vào nhà xác.
Trong nháy mắt đó, ông ta đột nghiên nghĩ, mình từng cùng Ôn Nguyệt An quỳ gối trước di thể Cố Gia Bội đọc hết phong di thư, nhiều năm như vậy, không biết Ôn Nguyệt An có từng đi tìm Hạ Ngọc Các hay không.
Ý nghĩ này chỉ thoáng qua trong chớp mắt, ông lại càng khó đi gặp Ôn Nguyệt An hơn, chỉ có thể một mình nuôi nấng đứa trẻ......
Đảo mắt tới hiện tại.
Hạ Ngọc Lâu không kể ra toàn bộ chi tiết, chỉ nói qua mình tìm thấy Hạ Ngọc Các như thế nào, rồi làm sao có Hạ Âm Từ, dù sao bọn họ cũng già cả rồi, không thích hợp ngồi lại đào bới hết những ân oán ngày cũ nữa.
Ông ta lăn lộn cả đời, thực hiện hết tất cả bổn phận của một đứa con trai nhà họ Hạ, bây giờ tuổi đã cao, cuối cùng cũng được quay lại làm sư ca của Ôn Nguyệt An.
“Nguyệt An, năm nay anh vừa mua lại căn nhà chúng ta ở ngày còn nhỏ.” Hạ Ngọc Lâu ngồi xổm nhìn vào mắt Ôn Nguyệt An, “Không biết...... em có muốn quay về đó cùng anh không.”
Chung Quan Bạch nắm tay Lục Tảo Thu đi vào rạp hát.
Từ bên dưới nhìn lên, dưới ánh đèn ghế lô tầng hai có hai hình bóng giao nhau.
Bóng người ngồi trên xe lăn chậm rãi vươn tay, nhẹ nhàng sờ lên khuôn mặt người đang ngồi xổm, gật đầu.