Ngục Thánh

Chương 2: Q.5 - Chương 2: Chuyện phương bắc




Sau nửa tiếng lầm lũi, hai con dã yến kéo xe ngừng bước, xù lông rãy cổ rũ tuyết phành phạch như thông báo rằng chúng đã đến nơi. Vô Phong thò cổ ra ngoài, nhận ra xe đang dừng tại ngã ba. Án ngữ ở nơi không cho trục đường này trở thành ngã tư là khu biệt thự được bao bọc trong hàng rào màu xanh lá. Hàng rào trông bóng bẩy như mới sơn lại, cứ mươi mét lại treo một tấm biển gia huy họ Cát Giá và trải dài suốt một con phố. Mi Kha nghiêng đầu nói:

-Chắc ông Quản Gia đã chuẩn bị tiệc mừng tôi về. Hy vọng có món ngỗng quay. Quay kiểu phương bắc, nhồi con ngỗng nhỏ vào bụng con ngỗng to, nhồi thêm rau củ với nước sốt cay hoa hồi. Lâu rồi tôi chưa ăn món đó, cũng chẳng chỗ nào làm đúng khẩu vị của mình.

-Cô xa nhà bao lâu thế? – Vô Phong hỏi.

Cô ả xòe ngón trỏ và ngón giữa:

-Hai năm. Làm mọi thứ vì bộ mặt dòng họ và thành phố. Tôi không chỉ có con em họ Cát Giá. Nhiều gia đình ở đây đã thề trung thành với chúng tôi, có gia đình thề tận bốn, năm đời. Nếu muốn, tôi có thể tập hợp lực lượng riêng cỡ một tiểu đoàn. Bởi vậy, tôi không thể để gia đình họ sống trong một thành phố tồi tàn rách nát. Ít nhất là nó không còn mùi gia súc và bọn đàn ông bốc mùi rượu lê la ngoài phố nữa.

Vô Phong gật gù:

-Vực dậy cả thành phố… Cô tài năng đấy chứ? Tôi tưởng cô chỉ biết đánh thuê?

-Nhiều thứ mà tôi không biết, ví dụ như tính thuế. Thứ khó hiểu nhất trên đời là thuế. – Mi Kha nhếch mép cười – Nhưng tôi biết chắc rằng mọi thứ sẽ đơn giản hơn nếu ta có những người thông minh, được việc và không tham nhũng.

Phía ngoài, cửa khuôn viên từ từ tách ra cho xe ngựa tiến vào khu biệt thự. Hai con dã yến men theo một lối đi thẳng tắp giữa hai khoảnh vườn có xích đu sắt và nhiều cột đèn cao thấp khác nhau. Bóng chụp đèn hình kim cương tỏa ánh sáng nhiều màu soi rọi khoảnh vườn được cắt tỉa cẩn thận, trảng hoa được chăm bẵm, những ngọn lá rụng quanh gốc cây tần bì vừa đủ đẹp chứ không lộm cộm và bẩn thỉu. Trong làn sáng nhiều màu rũ xuống tựa bức màn, vài ảo ảnh kỳ lạ nổi lên: thăng vân tàu, bọn quái vật không trung như vân cước hay thiên tặc, vài con quái vật không trung mà Vô Phong chưa thấy bao giờ, hoặc đơn giản là Vạn Thế cùng thánh sứ. Thay vì đúng hình dạng thật, mấy ảo ảnh đó đã “cải biên” ít nhiều cho hợp mắt trẻ con. Rất đẹp, rất cổ tích. Mi Kha giải thích rằng chúng là “đèn cực quang”, làm bởi những thợ thủy tinh biết phép thuật:

-Biết cách thổi thủy tinh truyền thống chứ? Phải, một cái ống dài như vầy… – Mi Kha mô tả – …người thợ sẽ thổi thêm bụi phép thuật. Bóng đèn khi gặp ánh sáng sẽ đổi màu giống cực quang, đồng thời tạo ra ảo ảnh. Trẻ con thích lắm! Nhưng giờ không mấy ai làm đèn cực quang nữa, nghề ấy sắp biến mất rồi.

Cả khu biệt thự đều có loại đèn này. Những ngày họ Cát Giá còn hùng mạnh, đèn bật sáng suốt ngày đêm, khuôn viên bừng sáng những dải cực quang tuyệt đẹp như lôi cả bầu trời phương bắc về một khoảnh đất nhỏ. Đã có thời nơi đây hàng tháng mở tiệc đón tiếp ông hoàng cùng hoàng gia quyền lực nhất lục địa, những dòng họ lâu đời và chính khách nổi tiếng. Người ta kể rằng trẻ con Biên Ngoại thành thường tụ tập bên ngoài hàng rào xanh lá, trông vào khu biệt thự với ánh mắt khao khát lẫn ghen tị với lũ trẻ dòng họ.

Nhưng đấy là chuyện quá khứ. Bản thân Mi Kha chỉ nghe kể chứ chưa một lần thấy dải cực quang. Cô ả sinh ra và lớn lên trong thời kỳ Cát Giá sa sút, nhiều gia đình bỏ khu biệt thự vì không chịu nổi chi phí, tài sản dòng họ bị bán tống bán tháo. Những ngọn đèn vẫn đẹp, nhưng còn đó các vết cặn ố dù ai đó đã cố tẩy rửa. Chúng sạch sẽ tinh tươm song cũ kĩ, chừng như vừa thoát khỏi trạng thái trầm trệ cách đây chưa lâu, và cũng chỉ nơi đây có ánh sáng rực rỡ. Quá nửa khu biệt thự vẫn chìm trong bóng tối và chờ người tới ở.

Cỗ xe ngựa dừng chân trước tòa biệt thự phía cuối con đường. Tại đó, nam nữ phục vụ đã sắp sẵn hai hàng, chờ Mi Kha xuống xe là cúi đầu đồng thanh hô “Mừng tiểu thư đã về!”. Cô nàng chào trả rồi dẫn Vô Phong vào biệt thự, để đám phục vụ và ông Quản Gia sắp xếp hành lý. Bước qua cánh cửa gỗ màu cánh gián khảm bạc, hai người tiến đến phòng khách có mái trần cao và rộng, bốn bức tường xung quanh gắn giá nến mạ vàng. Cách Vô Phong mươi bước chân là một hốc lò sưởi ôm trong mình những khúc củi cháy tí tách, lửa thơm mùi gỗ sồi cùng muội than ám tảng trên lớp gạch đỏ. Nhờ nó, căn phòng ấm áp và dễ dàng xốc Vô Phong tỉnh ngủ sau hành trình giá rét.

Trong lúc chờ Mi Kha thay y phục, tên tóc đỏ rảo chân tham quan tầng một tòa biệt thự. Nơi đây gồm có phòng trà, phòng đọc sách, phòng tranh, phòng trưng bày đồ truyền thống, phòng họp và mấy căn phòng nữa như là phòng khách phụ. Đồ đạc cũ, báu vật cổ xưa, tranh vẽ, tặng phẩm hoàng gia… những thứ quý giá nhất vẫn ở lại tòa biệt thự, không hẩm hiu như nhiều món đồ đội nón ra đi để trả nợ. Nhưng hiện thời Vô Phong không có hứng thú với lịch sử hay nghệ thuật. Hắn đang tìm nhà ăn. Từ lúc rời Phi Thiên quốc, hắn chưa có một bữa ăn tử tế, hàm răng ngày nào cũng trệu trạo thực phẩm đóng hộp.

Đương lần mò, Vô Phong giật thót khi ông Quản Gia đột ngột xuất hiện. Chưa đợi tên tóc đỏ mấp máy môi, ông Quản Gia mở lời, hai tay đeo găng chìa ra với khay đựng bánh quy nấm cùng một ly sữa nóng:

-Tôi đang tìm Múy, hóa ra Múy ở đây. Xin mời! Tiểu thư của chúng tôi đang bận, một lát nữa mới xuống, xin Múy cứ tự nhiên như ở nhà.

Vô Phong bốc bánh ăn vội. Hắn cần lèn chút dinh dưỡng cho dạ dày rỗng tuếch, đồng thời nén mớ ruột gan đang chực vọt khỏi cổ. Giống cô chủ tiểu thư, ông Quản Gia cũng có phong thái thoắt ẩn thoắt hiện thích hù người. Sẵn bộ ria mép chia chỉa dữ tợn, ông ta chỉ cần trợn mắt một chặp là đủ dọa chết người yếu tim. Tên tóc đỏ thở phù:

-Đừng gọi tôi là Múy, tôi không phải quý tộc. Ồ?! – Vô Phong ngạc nhiên khi cắn miếng bánh, cảm giác vị ngọt ngậy lẫn ngăm ngăm đắng – Cái gì ngon vậy?

Ông Quản Gia trả lời:

-Là súc-cù-là, một thứ được chế biến từ giống cây cổ gọi là “ca cao”. Không nhiều nơi trồng được giống cây này. Đại bộ phận đất đai ở thế giới Tâm Mộng không phù hợp cho cây ca cao. Vậy nên hạt ca cao và súc-cù-là rất mắc. Nhưng đất Biên Ngoại thành chúng tôi trồng được nên rất sẵn.

Được miếng bánh súc-cù-là ngon tuyệt cùng sữa nóng xoa bóp, cái bụng lạnh đói của Vô Phong tạm nguôi. Hắn rảo qua phòng tranh chờ đợi Mi Kha, tiện thể tìm lại một dòng họ Cát Giá huy hoàng qua tranh ảnh. Kia là tranh vẽ ông tổ họ Cát Giá, kế bên là ông tổ đứng trong hàng ngũ mười lăm người đầu tiên đi theo Biệt Liên Đại Đế. Xa xa là bức phù điêu mô tả họ Cát Giá xung trận trên lưng ngựa, dã yến hoặc tàn ảnh, mang theo cờ gia huy thêu chín thanh kiếm bay rợp trời. Trang trọng hơn cả là bức họa hoàng hậu Băng Hóa quốc, cũng là thành viên dòng họ đầu tiên kết hôn với hoàng đế Băng Hóa. Theo lời ông Quản Gia, bức họa từng bị bán và Mi Kha phải tiêu tốn hàng trăm thùng vàng để chuộc lại.

Vô Phong để ý ảnh hơn tranh. Lần mò giữa hàng sa tấm ảnh đóng khung thủy tinh treo trên tường, kệ và tủ gỗ, rốt cục hắn cũng mò thấy ảnh gia đình Mi Kha. Dễ nhận ra cha mẹ cô ả đều là quý tộc từ trong trứng nước; bức hình chụp lúc dòng họ Cát Giá suy sụp nhưng đôi mắt hai người vẫn ngời ngời kiêu hãnh, tự tôn, không bao giờ chịu ngang hàng với người có địa vị thấp kém hơn. Bàn tay họ đều ôm lấy hoặc âu yếm đôi vai cô bé Mi Kha năm tuổi, trong khi hoàn toàn bỏ quên cậu con trai đứng kế bên. Trông như một đứa trẻ xa lạ đứng cạnh gia đình ba người, dùng kéo cắt ra thì được vừa vặn hai tấm ảnh. “Quỷ Nhãn!” – Vô Phong nhìn đứa bé trai và nghĩ thầm. Quỷ Nhãn dạo ấy đang độ thiếu niên, mặt búng sữa, rất có dáng một cậu ấm thông minh ngoan ngoãn nếu không sở hữu đôi mắt người chết và ăn mặc kín mít để che dấu vết hoại tử. Vẫn là Mắt Trắng, nhưng đứa trẻ Quỷ Nhãn không làm tên tóc đỏ sợ hãi. Hắn thông cảm nhiều hơn.

Đó là bức ảnh duy nhất về Quỷ Nhãn, không có cái thứ hai. Gã cũng mất hút trong bức ảnh chụp toàn thể dòng họ. Còn lại chỉ toàn em gái của gã. Mi Kha bảy tuổi chơi ngoài vườn. Mi Kha chín tuổi bắt đầu học kiếm. Mi Kha mười hai tuổi biết đánh kiếm thông thạo. Mi Kha mười lăm tuổi gia nhập lực lượng đánh thuê. Mi Kha hai mươi mốt tuổi làm hộ vệ thánh sứ. Mi Kha và Mi Kha. Nếu thực sự có chủ đích đẩy Quỷ Nhãn vào lãng quên và tôn đứa em gái làm tượng đài hy vọng cho dòng họ, cha mẹ gã đã thành công. Mấy lần tên tóc đỏ định hỏi ông quản gia về Quỷ Nhãn nhưng thôi. Hắn nghĩ im lặng là tốt hơn cả.

-Anh đang ở đây hả? – Tiếng Mi Kha cắt ngang tâm trí Vô Phong – Ăn thôi, tôi đói rồi!

Tên tóc đỏ ngoảnh lại, mắt mũi lập tức nghệt ra những chữ O chữ A. Mi Kha đã trở lại thân phận tiểu thư. Cô ta đang khoác lên mình chiếc váy màu huyết dụ thêu những họa tiết lẫn đường diềm vàng, rất giống màu sắc đặc trưng của gia huy dòng họ. Mái tóc vàng thắt bím mọi khi giờ xõa dài phủ kín lưng, nữ tính hơn, điệu đà hơn và rũ sạch mọi tàn dư thân phận đội trưởng đánh thuê Đội 11. Giả sử Vô Phong nói rằng chính cô nàng nữ tính này từng đấm mình hộc máu mồm, chắc chắn không ai tin.

Mi Kha không đi một mình mà còn dắt theo hai đứa trẻ ước chừng tám tuổi, một trai một gái. Tim Vô Phong khẽ đập thình thịch khi thấy chúng sở hữu Mắt Trắng. Cô ả ngoảnh xuống bọn nhỏ:

-Con của chú tôi. Chú và cô qua đời lâu rồi nên bọn nhỏ ở đây. Át Sa, An Lí, chào khách đi!

Đứa con trai An Lí và đứa con gái Át Sa cúi đầu, miệng bập bẹ lời chào. Tên tóc đỏ mỉm cười vẫy tay với tụi nhỏ. Hắn nhận ra Mắt Trắng của chúng chưa thành thục nên khó làm người đối diện sợ hãi. Vả chăng chúng chỉ là trẻ con. Tên tóc đỏ ghé tai hỏi nhỏ Mi Kha:

-Lũ trẻ đi học chứ?

-Không, học riêng tại nhà. – Mi Kha trả lời – Ông Quản Gia dạy cả hai. Trẻ con họ Cát Giá học đánh kiếm sớm nên trường lớp bất tiện lắm. Hai đứa ở đây vui nhỉ, đúng không?

Nói rồi cô ả cúi người thơm má bọn trẻ. An Lí cười tươi. Át Sa lại trầm hơn, chừng như nhận ra sự thiếu thốn trong căn biệt thự đầy đủ người phục vụ, đèn cực quang hay thú vui chơi. Tên tóc đỏ đoán chẳng bao lâu nữa con bé sẽ hiểu. Nhưng Mi Kha phải nói vậy để an lòng bọn trẻ.

Lát sau, bốn người theo ông Quản Gia đến phòng ăn ở rìa phải biệt thự. Ở đấy tiệc đã dọn sẵn trên chiếc bàn dài. Mùi thơm thức ăn, tiếng chén đĩa lanh canh cùng những người phục vụ nhanh nhẹn báo hiệu một bữa ăn ngon lành. Nhưng bữa ăn ngon lành nhiều nguy cơ thành dở tệ khi một giọng nói già nua vang lên the thé:

-Mi Kha đâu? Công chúa của ta đâu? Tại sao mấy người không gọi ta dậy chứ? Phục vụ kiểu gì vậy? Thật đáng hổ thẹn!

Người chưa đến, giọng đã đến trước. Đứng từ đây, Vô Phong nghe rõ một bà già đang cằn nhằn người giúp việc, chốc chốc phàn nàn ông Quản Gia, và sẽ không lạ nếu bà ta ê a than vãn suốt bữa ăn chỉ vì mấy điều nhỏ nhặt. Rồi người phụ nữ ấy xuất hiện với chiếc xe lăn, tóc vàng xơ xác chẻ ngọn, hốc mắt trũng sâu đầy dấu vết mất ngủ, môi mỏng thâm đen – ăn rơ hoàn hảo với cái miệng ưa nhiếc móc than phiền. Giả sử không ghé qua phòng tranh, Vô Phong đã chẳng tin bà ta là mẹ đẻ Mi Kha. Những dấu vết về một người phụ nữ trung niên sắc đẹp, uy quyền và kiêu hãnh đã mờ nhạt trên người đàn bà già quắt này. Trông thấy Mi Kha, bà ta gạt tay ông Quản Gia, tự mình lăn xe đến một cách khổ sở:

-Mi Kha! Mi Kha! Công chúa của mẹ! Lại đây con gái! Ôi, con gái ta! Hai năm qua, tại sao con chỉ gửi thư và gọi điện, mà không thăm ta một lần? Lại đây con gái, lại đây, để ta ôm con một chút!

Mi Kha cười gượng đoạn bước tới để mẹ mình bớt khổ sở với cái xe. Người đàn bà già quắt ôm chầm cô ả rồi nức nở từng hồi. Bà ta khó tính, khó gần, dễ làm người khác khó chịu nhưng cái sự mong chờ con gái là thực lòng.

Cái “một chút” của hai mẹ con Mi Kha kéo dài năm phút rồi mười phút, lê thê lê thê mãi. Phải đợi ông Quản Gia nhắc nhở, bà già mới chịu buông con gái để bắt đầu bữa ăn. Hai nữ phục vụ bế bà ta lên chiếc ghế đầu bàn dành cho chủ nhà. Mi Kha cùng bọn trẻ ngồi một bên, riêng Vô Phong trơ trọi một bên. Tiệc nhỏ song thịnh soạn gồm những khay bánh mì, cháo yến mạch, súp bắp cải thịt, súp lạnh ăn với sữa chua, xa lát trộn củ dền, mỡ lợn muối, thịt xiên nướng và những thức ăn lạ lẫm mà Vô Phong không biết gọi tên. Có cả món ngỗng quay kiểu phương bắc mà Mi Kha ưa thích đặt chính giữa bàn, mùi thơm cay cay ngào ngạt bốc lên từ lớp da giòn cánh gián. Tất cả ăn chung với rượu mật ong, một ly cũng đủ khiến người ngủ tít mít tới sáng bảnh. Tên tóc đỏ muốn ăn ngay nhưng e ngại bà chủ nhà, nhất là khi bà ta đang săm soi hắn bằng thái độ ít thân thiện. Phải đợi Mi Kha giới thiệu, bà già mới nở nụ cười hiếu khách:

-Ra là bạn của Mi Kha? Tôi có thể gọi cậu là… Phong? Tôi lấy theo tên chồng, cậu cứ gọi là “bà Tháp Tước”. Mời cậu! Mời cậu dùng! Xin cứ tự nhiên như ở nhà! À, xin lỗi cậu, tôi vui quá nên quên phép tắc. Nào mọi người, chúng ta phải cầu nguyện nữ thần Tashaya tối cao chứ!

Đương háo hức, Vô Phong phải bỏ dao nĩa rồi đần mặt cầu nguyện theo. Phía bên kia, Mi Kha tủm tỉm cười chế nhạo hắn. Dưới ánh nến, bà Tháp Tước cầu nguyện bằng giọng khàn the thé. Tuy không hiểu “Tashaya” là gì nhưng qua lời bà Tháp Tước, tên tóc đỏ đoán nó là phương ngữ chỉ Nữ Thần Tiên Tri. Thủ tục xong xuôi đâu đấy, bữa tiệc mới chính thức bắt đầu. Vô Phong cắm cúi khỏa lấp dạ dày. Bên kia bàn, Mi Kha phải giữ hình tượng tiểu thư quý tộc ăn uống từ tốn nhỏ nhẹ, khác xa một cô nàng đánh thuê thích hút thuốc và tu rượu cả chai như Vô Phong từng biết. Miệng cô ả không chỉ có thức ăn, mà phải dành hơi trả lời người mẹ đang phấn khích tột độ vì con gái trở về. Lần này đến lượt tên tóc đỏ nhăn răng giễu cợt cô ả.

Sau khi thồn một mớ bánh mì, ngỗng quay, thịt xiên và rượu mật ong vào bụng, Vô Phong tạm lưng lửng. Bấy giờ hắn mới nhận ra bà Tháp Tước đang thao thao bất tuyệt với Mi Kha cùng bọn trẻ An Lí, Át Sa. Thi thoảng bà quay sang nhìn lén, hy vọng thu hút sự chú ý của vị khách tóc đỏ. Bà kiêm cả vai một bà chủ khó tính xét nét và một ông chủ luôn tự hào về gia đình mình. Thấy Vô Phong đang nghe ngóng, bà Tháp Tước cao giọng:

-Họ Cát Giá luôn khiến Băng Hóa tự hào, cậu Phong à! Luôn tự hào! Thời phi cơ giới hay kỷ nguyên hiện đại, chúng tôi đều ở vị trí tiên phong nhằm đảm bảo Băng Hóa chiến thắng trong kiêu hãnh và thua trận trong danh dự. Đàn ông dòng họ này luôn dũng cảm nhất phương bắc! Cậu vào phòng truyền thống chưa? Chúng tôi có nhiều huân chương danh giá hơn cả họ Xuy Hạ. Điều này không thể chối cãi. Mười lăm dòng họ dựng nên Băng Hóa quốc, chúng tôi cống hiến nhiều nhất, hy sinh nhiều nhất. Từng viên gạch, mái nhà và kể cả những ngọn tháp pháo bảo vệ thủ đô Băng Hóa đều do chúng tôi góp sức. Điều này không thể phủ nhận. Tuyệt đối không thể phủ nhận, cậu Phong à! Rượu, rượu đâu? – Bà già quay sang những người giúp việc – Tôi đã nói là không được để ly rượu của khách cạn thế kia! Đây có phải họ Cát Giá không vậy? Ôi Tashaya, Tashaya, ai đó nhúc nhích đi chứ? Có ai không? Làm ơn!

Một người phục vụ vội bước tới rót rượu cho Vô Phong. Tên tóc đỏ ái ngại nhưng người nọ, đám giúp việc, ông Quản Gia, Mi Kha và hai đứa trẻ đều không biểu lộ cảm xúc, chừng như đã quá quen. Bà Tháp Tước mời khách rồi tiếp tục:

-Thật đáng hổ thẹn! Mong cậu thông cảm. Thuở trước, chúng tôi không bao giờ tắc trách như vậy. Những người phục vụ luôn chuyên nghiệp, cẩn trọng và chu đáo. Hồi ấy, mọi thứ chưa xô bồ như bây giờ, cậu Phong à! Phải có tài năng nhất định mới được bước chân qua cánh cổng khảm bạc của nhà này. Tại sao ư? Vì hoàng gia và khách quý thường xuyên ghé qua đây, họ Cát Giá không thể để các vị khách phàn nàn. Còn tại sao chúng tôi có nhiều khách ư? Vì các hoàng đế biết ơn họ Cát Giá, và bởi chúng tôi có những hoàng hậu tuyệt vời. Cậu ghé phòng tranh chưa? Sáu tiểu thư họ Cát Giá đã kết hôn với dòng máu Biệt Liên vĩ đại, cho ra đời những hoàng đế vĩ đại…

Bài ca tôn vinh họ Cát Giá của bà già cứ thế tuôn chảy. Rượu tới đâu, lời tới đó và không có dấu hiệu ngừng, tự hào xen lẫn hằn học như khe suối chảy qua những gờ đá nhọn hoắt. Để chủ nhà nói mãi, Vô Phong thấy ngại. Nhấp ngụm rượu, hắn cất lời:

-Vậy ông nhà đâu, thưa bà?

-Con bé chưa kể với cậu sao? Mi Kha?! – Bà già quay sang con gái, mái tóc vàng xơ rối phất phơ – Ôi, Mi Kha, tại sao con chưa kể? Ông nhà tôi mất rồi, cậu Phong ạ! Khi con gái tôi mười tuổi, ông ấy ra chiến trường đối đầu với Lực Lượng Mù Thủy. Lũ cặn bã ấy! Lũ giết người ấy! Lũ không có danh dự ấy! Chiến trường khó khăn, bọn Mù Thủy luôn dùng chiến thuật du kích khốn nạn và nhục nhã, nhưng ông nhà tôi không bao giờ lùi bước. Chiến tranh là sợ hãi, phải không? Nếu cậu nói không sợ tức là cậu chưa bao giờ biết nó. Nhưng trách nhiệm dòng họ luôn thôi thúc ông nhà tôi, khiến ông ấy vượt qua cả sợ hãi. Không như đám tướng lĩnh nhát chết tuyến sau, ông ấy dũng cảm chiến đấu tuyến đầu, ngã xuống trong danh dự và kiêu hãnh như bao thế hệ họ Cát Giá. Tôi không thể phàn bất cứ điều gì về chồng mình, cậu Phong à! Tận tâm, chung thủy, trách nhiệm, ông ấy là thế. Chỉ tiếc rằng sau khi chồng tôi mất, mọi thứ ở đây đều đi xuống.

Đương ăn, Mi Kha chen ngang:

-Chúng ta đi xuống từ lâu rồi, mẹ à! Năm mươi năm nay, chúng ta đâu có lên lần nào?

Bà Tháp Tước nhíu mày cao giọng:

-Nào, con gái, đừng tự hạ thấp chúng ta vậy chứ! Con gái tôi luôn thế đấy, cậu Phong à! – Bà già lại quay sang tên tóc đỏ – Tôi phải thú nhận rằng sau khi ông nhà mất, chúng tôi đi xuống và chẳng còn người ưu tú. Những kẻ hèn nhát quay lưng với truyền thống dòng họ, chúng bỏ đi và mặc chúng tôi điêu tàn với khu biệt thự này. Chỉ còn số ít trung thành nhưng cũng chẳng có tài năng. Các đồng minh cũ ngoảnh mặt làm ngơ. Tuy nhiên mọi chuyện đổi khác khi Mi Kha mười bảy tuổi. Con bé tự mình gặp họ Xuy Hạ, làm chiến binh rồi hộ vệ thánh sứ. Nhờ nó, dòng họ Cát Giá và cả thành phố này sống dậy!

-Con không tự mình gặp họ Xuy Hạ, là anh trai dẫn con đến. – Mi Kha chen ngang tập hai – Và anh ấy đã duy trì cái nhà và thành phố này cho tới lúc mọi người xua đuổi anh đi.

Bà Tháp Tước đấm bàn, sự giận dữ không biểu hiện qua cánh tay khẳng khiu yếu ớt chẳng làm rung nổi cái ly kế bên mà hằn trên khuôn mặt già nhăn rúm ró. Thấy vậy, Mi Kha đẩy hai đứa trẻ về phòng. Bà Tháp Tước yêu quý cưng chiều con gái nhưng chủ đề “anh trai” có thể khiến bà đổi ngoắt một trăm tám mươi độ. Bà ta rít lên với Mi Kha:

-Con đã kể với khách rồi sao, Mi Kha? Tại sao con lại kể? Thằng đó là nỗi hổ thẹn của nhà này. Nó không mang họ Cát Giá! Nó là con của quỷ dữ và ác thần ngoại đạo chuyên gieo rắc tai họa! Nó chẳng mang được cái gì có giá trị cho dòng họ và Biên Ngoại thành. Rồi một ngày kia, nó bỏ đi vô trách nhiệm như một con chuột chui lủi chốn xó xỉnh. Ôi Tashaya, ôi Mi Kha, đừng nhắc thằng đó nữa! Ta chết ngay bây giờ đấy, con hiểu không?

Mi Kha bảo tất cả người giúp việc ra ngoài, dặn dò ông Quản Gia điều gì đó rồi quay lại với bà mẹ:

-Anh ấy thiếu may mắn. Cả người ngoài lẫn người nội tộc, không ai chấp nhận Mắt Trắng. Nhưng có anh ấy, họ Cát Giá vẫn trụ vững trên đất này và thành phố vẫn thuộc về chúng ta, thay vì bị đem ra phát mại tài sản. Lực Lượng Mù Thủy từng mò tới đây khi chúng ta yếu nhất; nếu không có anh trai, cả nhà này, cả mẹ và con gái mẹ chẳng còn. Vì lần đó mà cả thành phố này thề trung thành với họ Cát Giá, sẵn sàng chờ đợi họ Cát Giá tái khởi. Mẹ biết vì sao anh ra đi không? Vì anh không thể chịu được chỉ trích, trong khi mẹ chẳng bảo vệ con trai mình. Đàn ông lúc chết luôn gọi “mẹ”, vậy lúc anh cần nhất, mẹ ở đâu? Nếu không phải anh dẫn đến thủ đô, có lẽ con chẳng bao giờ gặp được họ Xuy Hạ. Và thật vui làm sao, họ Cát Giá mất luôn kiếm sĩ giỏi nhất. Từ lâu lắm rồi, họ Cát Giá chẳng còn ai biết sử dụng chín thanh kiếm cùng lúc ngoài anh trai.

Bà Tháp Tước tức tối, phùng mang trợn má phun ra những lời cay nghiệt cho đứa con trai và quên khuấy rằng nhà đang có khách. Mái tóc vốn xơ xác nay xù lên như thể bộ não giận dữ đang tỏa ra những luồng điện xập xòe. Đứng giữa màn đấu khẩu, Vô Phong lặng lẽ thu gọn sự hiện diện của mình và tiếp tục ăn. Đồ ăn còn nhiều, hắn chẳng muốn bỏ phí.

Giữa lúc hai mẹ con cãi cọ, ông Quản Gia mang chiếc hộp kim loại tới. Vừa nhìn cái hộp, Vô Phong chột dạ. Phía đầu bàn, bà Tháp Tước vẫn giữ nguyên thành kiến với con trai:

-Đừng nói về thằng đó nữa, con gái! Chúng ta chấm dứt ở đây! – Bà già giơ tay – Hãy để nó mục rữa ở chốn xó xỉnh nào đấy trên Tâm Mộng, để mùi hôi thối của nó không tràn về đây và làm ô uế căn nhà xinh đẹp này. Con gái, công chúa của ta, hãy bớt bận tâm mấy chuyện nhỏ nhặt và tập trung việc chính. Con sắp lấy lại những vinh quang vốn thuộc về chúng ta, chỉ con mới làm được, không phải ai khác!

Mi Kha nhận cái hộp từ ông Quản Gia rồi đặt lên bàn. Đang nốc đầy miệng món ngỗng quay, Vô Phong ú ớ cầu xin cô ả đừng làm hắn nôn tại trận. Nhưng Mi Kha không nghe hoặc không quan tâm, đôi mắt xám chăm chăm vào bà mẹ:

-Mẹ nói đúng, anh trai đã mục rữa. Anh ấy một mình chiến đấu ở nơi nguy hiểm nhất thế giới và thất bại. Anh chưa bao giờ có bạn, luôn một mình làm tất cả. Anh trai hy sinh cho nhà này và thành phố này, còn anh ấy chẳng có gì hết.

Dứt lời, cô ả ấn nút trên đỉnh hộp. Từng mảng kim loại trên khối trụ ngũ giác tách nhau ra như hoa xòe cánh, để lộ phần lõi thủy tinh đựng phoóc-môn. Giữa khối chất lỏng màu vàng lơ xanh là một đầu người, chiếm vừa khít lõi thủy tinh[1]. Vô Phong không nôn ọe, hắn đã chứng kiến nhiều điều kinh khủng hơn trong chiến tranh. Có điều chẳng khía cạnh chiến tranh nào khiến hắn sợ hãi bằng cái đầu này. Dù đối diện thêm trăm lần nữa, hắn vẫn sợ như ngày đầu tiên. Cái đầu Quỷ Nhãn ở đó, lửng lơ giữa phoóc-môn, mắt trái mở trừng trừng còn mắt phải bị móc mất. Hắn đoán Trần Độ chỉ trả cho Mi Kha một nửa món hàng, nửa kia giữ lại để nghiên cứu Mắt Trắng.

Trong khi đó, bà Tháp Tước run rẩy, miệng lắp bắp không thành lời. Bà nhìn cái đầu lở loét, hai má trơ trơ xương trắng và không còn mũi miệng. Nửa mặt Quỷ Nhãn bị kéo xuống, để lộ cái miệng rộng hoác không còn lưỡi[2]. Đó thực sự là tử thi, là quái vật, không phải con người. Nhưng bằng một sợi tơ vô hình nào đấy, bà Tháp Tước vẫn biết rõ đó là đứa con trai mà bà luôn từ mặt và không thừa nhận. Cái đầu trừng trừng nhìn mọi thứ xung quanh bằng Mắt Trắng nhưng bà già không sợ hãi. Ít phút trôi đi, bà Tháp Tước im lặng nhìn cái đầu. Rồi bà ta đột nhiên há miệng cười đắc thắng, tay đấm bàn thùm thụp tới độ chén đĩa xung quanh rung bần bật, chừng như có cơn phấn khích tột độ giúp bà tự dưng khỏe khoắn lạ thường:

-Nó chết rồi sao? Thằng khốn đáng nguyền rủa đó đã chết! Này con gái, biết gì không? Từ giờ con thực sự là chủ gia đình. Con sẽ gánh vác dòng họ mà chẳng phải lo thằng khốn này về đây đòi quyền thừa kế nữa. Nó nên chết. Nó phải chết. Nó phải làm thế từ lâu rồi mới phải! Nó chết rồi, con gái à! Ôi, nó chết rồi. Ôi, con trai tôi… nó chết rồi… con trai tôi… ôi, Tashaya, con trai tôi chết mất rồi…

Tiếng cười đang giòn giã bỗng chốc méo mó dần và chuyển thành nức nở lúc nào không hay. Dưới ánh nến leo lét như những năm tháng đen tối nhất của họ Cát Giá, bà Tháp Tước ôm mặt khóc tu tu. Thân hình bà già vốn gầy gò nay xọp lại trên chiếc xe lăn như một hình nhân giấy bị vò nhàu nát. Lúc này chẳng thứ tự hào hay vinh quang nào có thể xen giữa bà và thủ cấp của con trai. Vô Phong đành bỏ dở bữa ăn và rời đi trước khi căn phòng đầy tiếng khóc than.

Đêm ấy, người ta nghe bà Tháp Tước khóc hờ suốt đêm cho người con mà bà ruồng bỏ.

Người phục vụ sắp xếp cho Vô Phong một căn phòng tại tầng hai biệt thự. Phòng cách âm nhưng Vô Phong cảm giác vẫn nghe được tiếng khóc đâu đây. Có thể cửa không kín, có thể hắn tự tưởng tượng song nỗi đau thực sự đang âm ỉ khắp các thớ gạch, cửa sổ và cầu thang biệt thự. Nghĩ ngợi một chút, hắn lần mò túi quần đoạn rút ra một phong thư. Bà Thát Hãn tại Hoàng Hôn Cảng đã nhờ hắn chuyển thư này nếu gặp được Thát Khan[3]. Từ đó đến nay, hắn luôn giữ nó bên mình để chờ ngày gửi lại bà Thát Hãn. Nhưng nghĩ tới bà Tháp Tước ban nãy, hắn lại ngần ngại. Hắn thực sự không muốn đóng vai người mang tai họa cho bà Thát Hãn.

Đương vân vê bức thư, Vô Phong chợt nghe tiếng gõ cửa. Là Mi Kha. Cô ả bước vào với thái độ gượng gạo khó xử. Tên tóc đỏ đáp lại bằng nụ cười thông cảm. Mi Kha nói:

-Hy vọng anh thích chỗ này. Ở hành lang bên trái có phòng làm việc cũ của tôi, anh có thể dùng nó. Ngày mai, ông Quản Gia sẽ chuyển cho anh các tài liệu cần thiết. Nếu muốn mua gì, hãy nhắn ông ấy. Đừng tự mình đi lại trong thành phố, nếu cần, hãy hỏi bảo tôi trước.

Vô Phong cúi đầu cảm ơn. Mi Kha im lặng. Hai người giữ cho mình những tâm sự riêng. Ngoài trời, mưa tuyết tháng hai rợp bóng đêm. Tên tóc đỏ chợt nhớ cái ngày Quỷ Nhãn chết, cả Hồi Đằng Cô Mộ cũng biến thành tuyết như thế. Hắn hỏi Mi Kha:

-Cô vẫn yêu thương mẹ mình, phải chứ?

-Phải. – Mi Kha đáp – Ở đây chẳng ai yêu thích bà ấy. Bà hay cằn nhằn, độc địa như một mụ phù thủy già làm bọn trẻ con phương bắc phát khiếp. Nhưng tôi biết trong sâu thẳm, bà ấy vẫn là mẹ, là con người, không phải quái vật.

Tên tóc đỏ gật gù, sau tiếp lời:

-Năm ngày nữa, chúng ta rời khỏi đây? Vậy cô không phiền nếu tôi muốn ghé qua Hoàng Hôn Cảng? Tôi cần đưa cái này cho bà Thát Hãn.

Nhìn bức thư trên tay hắn, Mi Kha nhíu mày:

-Gia đình họ Thát có con trai Thát Khan? Sao không để chuyện đó chìm vào dĩ vãng? Anh muốn làm người đem tai họa cho gia đình họ sao?

Vô Phong lắc đầu:

-Vì mẹ của Thát Khan không phải quái vật.

Mi Kha toan nói điều gì song lại thôi. Cô nàng nhìn Vô Phong một chút rồi bảo hắn nghỉ sớm, sau lặng lẽ rời phòng. Trong bóng tối, Vô Phong lại cảm giác được tiếng khóc hờ đứt quãng đang ngấm đẫm tòa biệt thự. Có thể bà Tháp Tước đang khóc, có thể Vô Phong tưởng tượng ra với tâm thế của kẻ góp phần vào cái chết của con trai bà. Nhưng cảm xúc của hắn là thật. Hắn dợm nghĩ ở Hoàng Hôn Cảng, bà Thát Hãn cũng đang ngồi trong tòa biệt thự sang trọng giàu có để chờ đợi con trai trở về. Xứ phương bắc luôn đầy những chuyện thường tình mà đau khổ như thế.

[1]: cấu tạo chiếc hộp từng được nhắc ở Quyển 3 Chương 47

[2]: bộ mặt thật của Quỷ Nhãn từng xuất hiện Quyển 3 Chương 44

[3]: bà Thát Hãn từng gửi thư cho Vô Phong, xem lại Quyển 3 Chương 86

Chữ “Tashaya” từng xuất hiện trong phần ngoại truyện, phần “Trà Kép”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.