Ngục Thánh

Chương 292: Q.5 - Chương 292: Di vật




Khi còn bé, Tiểu Hồ là con thú dữ khạc lửa đúng nghĩa. Nghịch ngợm, ương bướng, khó bảo... mọi đặc điểm của một đứa trẻ tai quái nhất đều tập trung ở Tiểu Hồ. Chẳng ai chịu được cô bé, trừ đại thánh sứ. Nhưng có lúc ngài đại thánh sứ mất kiên nhẫn, quát mắng cô bé một chặp vì phát hiện tờ công văn gửi hoàng đế bị cắt xén làm phi thuyền giấy. Tiểu Hồ vẫn nhớ. Giờ đây nàng rất muốn hỏi phải chăng vì chuyện năm xưa mà đại thánh sứ gửi nàng quả bom Cụ Cố Tổ. Bom đích thực, có thể nổ bất cứ lúc nào.

Hai ngày sau rắc rối ở nhà ga, Tiểu Hồ cùng Cụ Cố Tổ thuê xe địa hình ngược lên phía bắc Tây Vực Châu, một chặng đường dài đi qua nhiều trạm kiểm soát quân sự. Ba ngày đó Tiểu Hồ sống trong lo sợ. Người Bắc Thần ghét kẻ lạ làm loạn nhà họ, huống hồ bị đánh sập hai nhà vệ sinh và văng vãi vô số thứ bốc mùi. Tiểu Hồ mường tượng cảnh nàng cùng Cụ Cố Tổ trưng mặt lên sóng truyền hình Bắc Thần, bên dưới có hàng chữ chạy qua chạy lại “Những nghi phạm khủng bố cầu tiêu nhà ga”. Tới lúc đó, nàng chỉ còn nước độn thổ, không dám quay về Phi Thiên gặp mọi người.

Nhưng hai ngày hoàn toàn yên bình. Chuyến hành trình của Tiểu Hồ chưa bao giờ dễ dàng hơn thế, xúng xính thêm ít váy áo là thành chuyến du lịch. Không giấy thông hành cũng chẳng người bảo hộ nhưng bọn Tiểu Hồ cứ điềm nhiên qua cửa kiểm soát quân sự. Trước tổ hợp đầy nghi ngờ gồm một cô gái ngoại quốc tây phương và một ông già rách rưới nồng mùi rượu, binh lính Bắc Thần làm ngơ, kiểm tra qua loa rồi đẩy họ đi thật nhanh như tống tà. Nó thực sự khó tin trong bối cảnh Bắc Thần đang có xung đột biên giới với Diệp quốc. Tiểu Hồ đoán nguyên nhân nằm ở Cụ Cố Tổ, ông già có nhiều điều lý thú hơn vẻ bề ngoài của mình.

Nhưng cô gái không thể hỏi vì Cụ Cố Tổ say xỉn suốt. Suốt cuộc hành trình, cụ cố sinh hoạt bằng rượu. Đại để là sáng dậy súc miệng một lượt, ngủ; gần trưa tỉnh giấc, lè nhè gắt gỏng mấy đứa giúp việc, dặm miệng năm ngụm rượu nhỏ, ngủ tiếp; tối đến tỉnh giấc lần hai, hỏi Tiểu Hồ dăm ba câu rồi tọng họng ba ngụm rượu to, sau đấy ngủ tít mít sang ngày kế tiếp. Tiểu Hồ mua đồ ăn từ trước nhưng cụ cố chẳng đụng một miếng mà nốc cồn thay nước uống lẫn thực phẩm. Lần đầu tiên nàng thấy một người uống rượu nhiều như thế. Cụ Cố Tổ giải thích rằng ông ta không thích xe địa hình, bị bao bọc trong một mớ kim loại làm ông ta phát ngốt, vì vậy ông ta cần ngủ để quên nỗi phiền toái này. Mà thuốc ngủ dễ nhất là rượu.

Tới ngày thứ ba, cụ cố vẫn rượu đều, không ăn không uống nước. Nhưng rượu ngon đã vơi, ông già liền bảo Tiểu Hồ tạt vào một thị trấn để kiếm rượu rẻ tiền (không quên làu bàu nguyền rủa đám giúp việc), cũng vừa hay chiếc xe địa hình sắp cạn điện. Tiểu Hồ đánh lái. Chiếc xe đang băng băng trên vùng bình nguyên khô cằn một màu xám liền rẽ phải, tiến vào một con đường nằm giữa hai ngọn núi đá bị bào mòn bởi máy xúc máy khoan, thi thoảng xóc nảy vì sỏi đá rơi vãi trên đường. Vài xe cơ giới chở vật liệu đi ngược chiều tạt bụi lên cửa kính, Tiểu Hồ bật máy thổi cho dễ nhìn. Nàng cất lời:

- Cháu không hiểu?! Tại sao chúng ta không đi thẳng một mạch tới ngôi đền? Đền thờ ở cuối khe nứt?! Chúng ta đi một ngày là đến, tại sao phải vòng vèo qua các thị trấn trong hai ngày?

Hai ngày qua, mỗi khi vào thị trấn, Tiểu Hồ ăn ngủ trên xe còn Cụ Cố Tổ đi đâu không rõ. Nhanh thì sáu tiếng, lâu hơn thì nửa ngày, cụ cố trở về và nói “Xong rồi!”, hai người tiếp tục chuyến hành trình. Vài lần Tiểu Hồ thắc mắc nhưng ông già không đáp, chỉ nhe bộ răng sứt sở cười cợt như đang trêu đùa trẻ con.

- Thánh sứ hành hương tới Vạn Thế thì pháp sư cũng hành hương tới năm ngôi đền nguyên thủy. – Cụ Cố Tổ cuộn mình trong áo, đáp lời – Ban đầu ai cũng có thể viếng thăm, nhưng tới đầu kỷ Vạn Thế thứ ba, đám cao niên cây đa cây đề thiết lập nhiều cấm chế xung quanh năm ngôi đền nguyên thủy, những pháp sư hay kiếm thuật sư tầm thường không thể tới nữa. Dần dà hành hương trở thành đặc quyền của Ngũ Pháp Sư. Nhưng giờ Ngũ Pháp Sư đã từ bỏ thế giới, năm ngồi đền đó cũng thành nhà mồ. Ta nghĩ mày nên mua thêm củi đốt, nhãi con, đền thờ lạnh lắm đấy! Hờ hờ hờ!

Ông già cười nửa đùa nửa thật. Tiểu Hồ đăm chiêu, sau hỏi tiếp:

- Cháu chưa nghe Ngũ Pháp Sư hành hương bao giờ. Sách chỉ nói họ ngự trị ở nơi gần gũi với thánh thần, nhìn thấy nhiều điều chỉ kém Vạn Thế. Mà nếu có cuộc hành hương, tại sao không ai nói cũng không ai viết? Tại sao các Ngũ Pháp Sư không kể lại cho người đời sau biết?

- Đã gọi là đặc quyền thì ai muốn chia sẻ nào, nhóc con? Chẹp chẹp! – Cụ Cố Tổ vỗ đùi cười khanh khách, tép lưỡi chem chép – Nhưng không phải không có ai muốn viết, có người muốn khoe thành tích chứ! Cơ mà những gã thông thái nhất nhận ra con người không thể sống với quá nhiều niềm tin mà các vị tà thần lại nhiều như lá mít. Đã từng có tranh chấp giữa thánh sứ và pháp sư, thậm chí chiến tranh, những cuộc chiến mà nhóc con không bao giờ tìm thấy trong sách vở. Cuối cùng hai bên đình chiến, họp bàn, nghiên cứu, thống nhất rằng thế giới không thể thiếu Vạn Thế mà cũng không thể rời bỏ Ngũ Hành. Pháp sư và kiếm thuật sư tiếp tục tồn tại, lớn lên bằng truyền thuyết huyền thoại. Đám thánh sứ dựa trên nhiều tài liệu hơn, được kiểm chứng rõ ràng hơn mặc dù lắm điều do bọn viết lách rặn ra. Vậy nên pháp sư không sở hữu hội đồng cho riêng mình, cũng không có ai quản lý ngoài Ngũ Pháp Sư. Đó là cuộc chơi được thỏa thuận từ trước, nhãi con! Hờ hờ hờ! Nhưng đám Thánh Vực chơi giỏi hơn, còn Ngũ Pháp Sư ngày càng lép vế. Chẹp chẹp! Ta phải thừa nhận bọn Thánh Vực láu cá hơn nhiều...

Cụ Cố Tổ nhún vai thay cho mấy lời kế tiếp. Tiểu Hồ muốn hỏi thêm nhưng những mảng ánh sáng nhiều màu ập tới, kéo ánh nhìn của nàng ra khỏi ông già. Xe vừa vào thị trấn. Dựa theo tấm biển treo trên cổng ra vào, nơi này gọi là Cổ Lâu Trấn.

Tên gọi Tây Vực Châu vốn dựa theo một khe nứt lớn dài hơn năm mươi cây số, rộng khoảng bốn trăm mét. Người Bắc Thần khai thác khoáng sản trên khe nứt và lập ra nhiều nhà máy công xưởng. Rồi nhân công quá đông, người ta phải xây dựng các thị trấn bao quanh nhà máy. Tùy theo sự hảo tâm của ông chủ nhà máy mà mỗi thị trấn giàu nghèo, tiện nghi, xấu đẹp khác nhau. Người ta từng thảo kế hoạch xây dựng một thành phố quy mô cho Tây Vực Châu nhưng vì không có cây xanh, thiếu nguồn nước ngọt nên kế hoạch vẫn nằm trên giấy non nửa thế kỷ. Vả lại không ai muốn định cư ở nơi ô nhiễm. Tại các thị trấn, không phải thực phẩm nước ngọt mà xưởng lọc khí mới là thứ quan trọng nhất. “Quang tố có thể bỏ đi nhưng không bao giờ bỏ xưởng lọc khí!” – Cư dân nơi đây thường nói vậy.

Hai ngày trước, những thị trấn mà Tiểu Hồ ghé qua y hệt ổ chuột, chỉ hơn Chợ Rác hoặc các thị trấn sa mạc Hồi Đằng chút ít. Nhưng thị trấn mà nàng ghé vào hoàn toàn khác. Nói một cách thậm xưng, nó là phiên bản nhỏ của quận Mắt Trắng Phi Thiên thành. Vài tòa tháp cao tầng, nhiều tháp nhỏ hơn nằm kế bên, tiệm ăn, khu giải trí vui chơi, những biển hiệu cùng vô số hình ảnh quảng cáo lập thể xuất hiện trên đường phố... thị trấn này có đủ cả. Tiểu Hồ đoan chắc nếu vào sâu hơn sẽ thấy ổ sòng bạc lẫn gái điếm. Chẳng thành phố nào trên thế giới Tâm Mộng thiếu hai thứ đó. Nhưng nàng không có hứng tìm hiểu và cũng không thuê phòng nghỉ. Sạc điện xe, mua nhu yếu phẩm, đợi ông già Cụ Cố Tổ trở về cùng mấy chai rượu cắp nách, Tiểu Hồ sẽ đi ngay. Các dấu hiệu về Thôn Cơ đang nhạt dần theo thời gian, nàng cần phải nhanh chân trước khi chúng biến mất hẳn.

Tiểu Hồ thả cụ cố vào một tiệm rượu, lái thêm một đoạn nữa rồi dừng xe trước trạm sạc điện tại rìa thị trấn. Cô gái bước xuống và không quên đeo mặt nạ dưỡng khí. Ở Tây Vực Châu, nó là vật dụng bất ly thân và quan trọng hơn cả tiền bạc. Xưởng lọc bơm khí sạch vào bên trong công trình, giải quyết phần nào ô nhiễm cho các thị trấn chứ không thể thay đổi toàn bộ vùng mỏ. Ngay tại Cổ Lâu Trấn – khu vực sạch sẽ đẹp đẽ nhất Tây Vực Châu – bằng mắt thường, Tiểu Hồ dễ dàng nhận thấy làn sương mờ đục nhuốm khói bụi như cái lồng bàn úp xuống thị trấn. Ánh sáng gặp lồng sương bị tản mác, mặt trời bị dàn mỏng tựa mảnh trăng mờ dù đang là giữa trưa. “Mười hai giờ mười phút.” – Tiểu Hồ nhìn đồng hồ đeo tay, đoán rằng Cụ Cố Tổ sẽ quay lại tầm chiều muộn.

Một tiếng “Phì!” lớn rít lên từ xưởng lọc khí. Tiểu Hồ nghến đầu qua trụ sạc điện trông về khu xưởng. Nó có vẻ ngoài nom giống cây đàn đại dương cầm với giàn ống đồng thoát hơi đặt ở thánh đường, hễ bấm phím, ống đồng sẽ vang lên những âm du dương ngân khắp đại sảnh. Xưởng lọc cũng sở hữu nhạc điệu riêng. Bộ phím đàn của nó là các ống hút đầu loe cao ngất thò mồm lên không trung nuốt không khí, bộ dây thanh và hộp cộng hưởng là những nhà máy nằm san sát nhau ngày đêm gạn lọc bụi bẩn, giàn ống đồng là hệ thống cửa xả trực tiếp đưa khí sạch vào Cổ Lâu Trấn hoặc theo đường ống ngầm cung cấp đến công trình quan trọng. Với cư dân thị trấn, được nghe xưởng lọc khí rền rĩ mỗi ngày là hạnh phúc.

Đám con buôn thức thời nhận ra khí sạch là mặt hàng được giá. Xưởng lọc chỉ cấp khí cho công trình lớn hoặc người quyền lực, dân chúng muốn dùng phải mua. Thành thử ở Tây Vực Châu, khí sạch là mặt hàng thiết yếu. Người ta mua từng bình khí về nhà hoặc làm hợp đồng cung cấp cả năm. Cũng có khi khí sạch được bơm vào chai nhỏ bán lẻ, như gã đang chào hàng sản phẩm cho Tiểu Hồ là ví dụ. Gã này nói tía lia, giọng nói qua bộ lọc của mặt nạ nheo nhéo:

- Em không phải dân Tây Vực “Chau”? Tôi biết mà! Mái tóc vàng rồi cái mũi cao nhỏ nhắn của em hoàn toàn khác phụ nữ xứ này. Và em đang có chuyến đi dài ngày? Biết lái xe địa hình sao? Ấn tượng đấy! Nhưng tôi cá rằng em chưa biết nhiều về đường đi lối lại. Thị trấn kế tiếp cách đây khoảng ba mươi cây số, đường xa, không khí tệ hại nữa! Lúc ấy em sẽ biết ơn tôi vì những món quà mát lạnh trong lành! – Gã ngoe nguẩy vài chai khí sơn màu xanh đỏ tím vàng bắt mắt – Ba thùng vàng một chai, nhưng vì em là phái yếu nên tôi giảm giá, chỉ còn hai thùng! Quá rẻ, quá ưu đãi! Mua nhé?

Tiểu Hồ nhìn gã chào hàng một lượt. Nàng là người ngoại quốc nhưng gã nọ cũng chẳng bản địa bao nhiêu. Kẻ này cao lớn hơn hẳn đại đa số người nơi đây, da trắng tựa thể có tuyết dưới lớp mô bì, hai gò má đầy tàn nhang cùng mái tóc màu vàng úa. Trừ bộ đồng phục công nhân màu xanh trắng trên người và mặt nạ dưỡng khí, gã chẳng có điểm nào tương tự dân xứ Bắc Thần quốc, mà có lẽ xuất thân từ lục địa Băng Thổ. Tiểu Hồ lắc đầu cười:

- Tôi mua bình dự phòng từ xưởng lọc rồi, người ta bán bốn thùng vàng một bình lớn, dùng nửa tuần. Và đừng quảng cáo mấy cái chai của anh đặc biệt hơn bình lọc từ xưởng. Đúng là tôi không biết Tây Vực Châu nhưng tôi biết mua hàng, anh chàng phương bắc.

Bị bóc mẽ, gã nọ chưng hửng:

- Sao em biết tôi là người phương bắc?

- Anh gọi Tây Vực Châu là Tây Vực “Chau”. – Tiểu Hồ trả lời – Nhiều vùng ở Băng Thổ nói như thế.

Gã nọ bật cười đoạn tháo mặt nạ, lộ ra bộ hàm bạnh cùng râu quai nón màu vàng úa. Gã nhìn Tiểu Hồ bằng đôi mắt màu xanh lục, cái nhìn sâu nhưng trong veo khiến người đối diện cảm giác thấy đáy con ngươi và có thể chạm tay xuống đó. Trong mắt cô gái, tên này hơi xấu trai vì bộ hàm hơi to chưa kể tàn nhang lốm đốm khắp mặt, nhưng đôi mắt của gã khiến nàng quên đi chuyện xấu đẹp. Có điều gì đấy rất thu hút ở gã phương bắc này mà Tiểu Hồ chưa thể giải thích. Đương phân vân, nàng chợt thấy gã xắn tay áo, nghiêng người tựa vào xe địa hình, vừa phô trương cơ bắp vạm vỡ vừa buông lời trêu chọc:

- Em rất tinh tế! Tôi thích sự tinh tế của em, cả bộ quần áo em đang mặc nữa. Tôi biết vài tiệm rượu nhỏ trong thị trấn, chúng ta làm vài ly rồi trò chuyện. Tôi mời. Em thấy sao? Tôi có nỗi niềm của riêng mình. Trước khi tới đây, tôi đã làm Đạo Chích Không Trung. Em đã nghe quái vật không trung bao giờ chưa? Đã nghe Cội Gió chưa?

Ngay từ lúc gã này mở miệng, Tiểu Hồ đã biết tỏng những câu kế tiếp. Đợi gã kết thúc lời tán tỉnh, nàng ôm bụng phì cười rồi phẩy phẩy tay:

- Đây không có nhu cầu. Biến, biến gấp giùm tôi!

Sạc điện báo đầy, Tiểu Hồ lên xe đi thẳng bỏ lại gã phương bắc đứng ngẩn tò te. Qua gương chiếu hậu, cô gái nhìn thấy gã nọ xọm xuống, cơ bắp vừa mới căng phồng hoành tránh nay xì hơi, dúm dó lại. Tiểu Hồ bật cười. Giả như tên đó cứ thể hiện đúng bản chất, biết đâu nàng sẽ uống với gã chút đỉnh trong lúc chờ đợi Cụ Cố Tổ. Bấy giờ, Tiểu Hồ chợt hiểu thứ cảm giác kỳ quặc ban nãy là bởi nàng đang nhớ người khác và gã phương bắc vô tình tái hiện vài hình ảnh của người đó.

Ba tháng đã qua, Vô Phong vẫn bặt vô âm tín.

Tiểu Hồ quay lại quán rượu nơi Cụ Cố Tổ sà xuống. Nàng đỗ xe, ngả lưng trên ghế và cố dằn mình vào giấc ngủ. Nhưng liệu pháp ngủ chưa bao giờ hiệu quả khi não bộ Tiểu Hồ vẫn ở trạng thái chờ mong tên tóc đỏ. Nàng ghét thứ tâm trạng này vì nó luôn xuất hiện sai thời điểm. Oái oăm là càng ghét bao nhiêu thì Tiểu Hồ càng sa đà bấy nhiêu, y như cái cách nàng làm quen với Vô Phong. Cô gái khó ngủ.

Thâm tâm Tiểu Hồ không thích hoàn cảnh thực tại khi phải ở một mình dưới ánh đèn quảng cáo vô cảm của Cổ Lâu Trấn, lọt thỏm giữa những công nhân nhà máy vừa tan ca và rảo đôi chân mệt nhọc vô hồn trên đoạn đường rơi vãi sỏi đá lẫn rác thải, chìm sâu dưới bản hòa tấu chán ngắt vô thanh điệu từ xưởng lọc khí mà chốc chốc “Phì!” một tiếng giật nảy mình. Bằng cách khó hiểu nào đó, ký ức về đoạn hành lang cấm túc cùng lũ nhện manh nha xuất hiện trong đầu Tiểu Hồ. Cô gái nhăn mặt cựa mình, hai bàn tay ôm thu lu đầu gối. Nàng trốn tránh bọn chúng. Nàng tìm về quãng thời gian ở đất thánh Hỗn Nguyên, Vinh Môn quốc, lễ hành hương Sơ Khởi thành hoặc mảnh đất Lạc Việt. Đó mới là thực tại mà Tiểu Hồ tìm kiếm bởi lẽ chúng đầy màu sắc, giàu âm điệu và tràn ngập sự sống. Loài người ở thế giới tưởng tượng ấy thực sự sống, không phải thực tại nơi đây, nơi mà con người dễ dàng thỏa thuận với khói bụi và tồn tại cùng sắt thép công xưởng.

Ba tháng đã qua, Tiểu Hồ vẫn ngóng chờ tên tóc đỏ.

Trằn trọc mãi, cô gái dựng dậy mở máy chiếu cá nhân, bàn tay đặt hờ lên bàn phím ảo. Sau một hồi nghĩ ngợi, nàng bắt đầu gõ thư cho Vô Phong. Nàng từng gửi mười bức thư, cả mười lần đều không có hồi đáp. Dễ hiểu là Vô Phong đang chạy trốn và hắn không ngu tới mức đăng nhập vào hòm thư cá nhân. Đâu biết chừng Vô Phong đã thay đổi danh tính, sử dụng một loạt tài khoản mới, nhưng Tiểu Hồ chẳng biết cách nào khác để liên lạc với hắn. Nàng nghĩ sự việc theo hướng lạc quan hơn: một ngày kia Vô Phong trở về, mở lại hòm thư cũ và sẽ thấy hàng trăm bức thư mà nàng từng gửi hắn. Một sự lạc quan tếu mà ngay cả Tiểu Hồ cũng buồn cười. Cơ mà nàng thích gán cái lạc quan vào nỗi nhớ, biến chúng thành nỗi nhớ hài hước thay vì nhớ nhung u sầu. Nàng ghét chuyện buồn, ghét cả chuyện buồn sến rện.

Tiếng đập cửa xe dội đến. Thực tại đang gõ búa vào gáy Tiểu Hồ. Nàng chau mày ngước lên, nhận ra Cụ Cố Tổ vừa về, bên nách cắp chai rượu chưa bóc tem. Cô gái mở cửa xe nhưng ông già không bước vào mà nói:

- Ra ngoài đi, nhãi con, ta nhờ vài việc. Mày vẫn luôn hỏi về chuyện hành hương của Ngũ Pháp Sư, đúng không? Giờ là lúc phổ cập kiến thức đấy! Nhanh nào! À, nhớ theo mang theo thẻ... thẻ khạc ra tiền ấy! À, thẻ ngân hàng! Nhớ mang đấy!

Cô gái khóa xe rồi lật đật trở dậy theo gót Cụ Cố Tổ. Họ vòng ra sau quán rượu, rảo bước trên con phố nằm giữa tấm lưng của hai dãy nhà chạy song song nhau. Phố vắng, chỉ có mấy gã say xỉn đang giải quyết nỗi buồn lên bờ tường hoặc nôn ọe xuống nền đất, không gian vù vù tiếng quạt thông gió. Tiểu Hồ mở lời:

- Vậy rốt cục hành hương của Ngũ Pháp Sư là gì? Mấy ngày trước, ngài ghé qua các thị trấn có phải để hành hương? Nhưng sao cháu thấy cứ thế nào...? Đáng lẽ hành hương phải là...

Mớ thùng rác phía trước Tiểu Hồ bất thình lình động đậy, cô gái hoảng hồn khi thấy một cái bóng từ đó mò ra. Không phải ma, mà người, một gã say xỉn. Nàng lại thấy Cụ Cố Tổ đứng kế bên đang ôm ngực thở gấp. Dường như ông già cũng giật mình, người già vốn không khỏe tim. Cụ cố nổi quạu liền co chân một đạp đưa gã nọ về vị trí cũ, sau đấy trả lời trong tiếng thùng rác đổ vỡ loảng xoảng:

- Gọi hành hương cho lễ nghi quy củ chứ thực ra nó giống chơi trốn tìm. Đại khái thế này, đám pháp sư thời xưa để lại những di vật liên quan tới năm đền thờ nguyên thủy. Mỗi đền thờ có những di vật khác nhau, số lượng cũng khác nhau. Đền Thủy Thần có một di vật, đền Hỏa Thần có hai di vật, đền Mộc Thần có ba, đền Kim Thần có bốn, cuối cùng là Thổ Thần có năm. Mấy ngày qua, ta đến các thị trấn tìm lại những di vật của đền Mộc Thần, không có chúng thì không thể mở cửa đền.

- Ba di vật của đền Mộc Thần gồm những gì?

- Một cây tùng xanh tươi, một bức họa bốn mùa và một bức phù điêu mô tả sự tàn lụi của thế giới Tâm Mộng. – Ông già trả lời – Tìm mấy thứ đó phát mệt! Chẳng có ngụ ngôn hay ẩn ý gì đâu, nhóc con, lời thế nào thì nguyên văn như vậy. Phải tìm đủ ba thứ đó.

Tiểu Hồ ngẩn mặt và cảm giác có gì đấy sai sai. Rõ ràng ba thứ kể trên hoàn toàn lạc quẻ với vùng đất Tây Vực Châu, và nếu quả thực phải cần chúng để mở cửa đền Mộc Thần thì nàng cần thuê thêm một xe tải chuyên chở. Như biết nàng nghĩ gì, Cụ Cố Tổ chép miệng:

- Thời kỳ đầu là thế, giờ thì chúng xuất hiện trong hình dáng khác. Đám pháp sư đã đặt lời nguyền khiến các di vật trường tồn cùng Tâm Mộng cho đến tận thế. Bằng cách này hay cách khác, chúng vẫn tồn tại, chỉ là hình dáng khác đi tùy theo dòng chảy của thời gian và lịch sử. Trước khi một Ngũ Pháp Sư nghỉ hưu, kẻ đó sẽ quẳng tất cả di vật về tự nhiên, người kế nhiệm phải tìm ra chúng. Nếu người kế nhiệm để kẻ khác tìm thấy trước, quyền thừa kế sẽ mất và vị trí Ngũ Pháp Sư có chủ mới. Chẹp chẹp! Ngày xưa, cái vụ tìm di vật vui phải biết! Thằng pháp sư nào cũng chơi trò săn kho báu! Nhưng mấy trăm năm gần đây thì chán lắm rồi, nhạt thếch!

- Tại sao họ không đặt di vật cho dễ tìm mà quẳng chúng đi như vậy? – Tiểu Hồ thắc mắc.

- Nếu làm vậy thì đó không phải là Ngũ Hành. Sinh ra từ Ngũ Hành thì phải trả về Ngũ Hành. Đó là quy luật. Là trời! – Cụ Cố Tổ nhấn mạnh – Không ai có thể chống lại trời.

Con phố nhỏ hẹp nhưng dài ngoẵng, bọn Tiểu Hồ đi mãi vẫn chưa hết. Họ gặp nhiều thứ hơn ngoài đám say xỉn như người vô gia cư, những người tàn tật chờ nhà bếp phát thức ăn thừa hay mấy gã con buôn không muốn bàn chuyện làm ăn nơi đông người. Tiểu Hồ hỏi tiếp:

- Vậy ngài tìm được những gì?

Cụ Cố Tổ móc ra hai món đồ. Dẫu nằm mơ Tiểu Hồ cũng không tin chúng là di vật linh thiêng của đền thờ Mộc Thần. Đồ thứ nhất là một tẩu thuốc gỗ, nom qua chẳng có gì đặc biệt ngoài việc đầu ngậm mòn vẹt sắp gãy. Món thứ là cái bô đi vệ sinh bằng gỗ dành cho trẻ con. Cụ Cố Tổ giới thiệu:

- “Cây tùng xanh tươi” năm nào giờ thành tẩu thuốc của một thằng nhãi con sáu mươi tuổi. Ta hỏi mua cái tẩu rất tử tế nhưng thằng nhãi không chịu, vậy là ta đành lấy tẩu khỏi cái miệng đã hoạt động hơn sáu mươi năm theo cách thô bạo. Hình như còn dính dấu máu ở đây... để ta... – Lão già chùi cái tẩu thật lực vào quần – Còn cái bô, nguyên bản là “bức họa bốn mùa”. Ta phải rình mò một ngôi nhà, đợi thằng nhóc nhà ấy đi vệ sinh xong thì cướp cái bô. Dù sao cũng không nên bạo lực với trẻ con, làm gì cũng phải đàng hoàng, nhỉ? Đừng sợ, ta rửa cái bô rồi, không có mùi đâu!

Ông già phe phẩy cái bô trước mặt Tiểu Hồ. Cô gái quay đi cố ngăn một tràng nôn ọe xổ ra từ ruột.

Đi hết con phố, bọn Tiểu Hồ rẽ vào một đường lớn đông đúc người. Cổ Lâu Trấn hiện đại giàu có nhất, cố nhiên cũng náo nhiệt nhất Tây Vực Châu. Ở đây, màu áo xanh trắng công nhân hoàn toàn biến mất, thay vào đó là những y phục loang lổ màu sắc. Màu tóc, màu áo, màu mắt, màu những chiếc mặt nạ dưỡng khí... đủ mọi màu khác nhau và không lặp lại, như thể ai đó đã hất hàng ngàn thùng sơn xuống chốn này. Tiểu Hồ ngỡ ngàng, cảm giác như bước vào khu giải trí lớn nhất quận Mắt Trắng Phi Thiên thành chứ không phải là một thị trấn của Tây Vực Châu.

Cụ Cố Tổ dẫn Tiểu Hồ vượt qua đám đông rồi tiến vào tòa tháp cao nhất thị trấn. Hai phần ba tòa tháp có lối kiến trúc hiện đại với sắt thép và cửa kính, một phần ba nằm trên cùng được thiết kế theo kiến trúc cổ kiểu Bắc Thần quốc với mái ngói đổ dốc, thân mái hơi võng, phần góc cong chìa ra bốn hướng và có trụ đỡ bên dưới. Nóc tòa tháp chính là ba mái ngói xếp chồng lên nhau. Tiểu Hồ từng thấy loại kiến trúc đặc trưng này của Bắc Thần quốc vài lần.

Đến sảnh tòa tháp, Tiểu Hồ mới hiểu lý do tại sao Cụ Cố Tổ cần nàng. Muốn dùng thang máy lên tháp, người dùng phải có thẻ, thẻ do nhân viên tại sảnh cung cấp. Cụ cố không hiểu quy cách lấy thẻ nên đành lặn lội về chỗ cũ gọi Tiểu Hồ. Cô nàng ém miệng không dám cười to ông già mù tịt công nghệ.

Mười lăm phút sau, Tiểu Hồ cùng Cụ Cố Tổ lên đỉnh tháp cùng những chiếc thẻ ngu ngốc – cụ cố gọi chúng như thế. Tiểu Hồ bật nút trên thẻ, một ảnh ba chiều hiện lên cấu trúc tòa tháp cùng những chỉ dẫn. Cô gái nheo mắt đọc rồi nói:

- Tầng trên cùng là biệt thự của Tinh Ngôn Gia... ông chủ xưởng lọc khí, người Bắc Thần quốc. Tại sao ngài cần gặp ông ấy? Mà cháu nghe nói người này nắm nhiều quyền lực nhất Cổ Lâu Trấn và cả Tây Vực Châu, liệu ông ấy chịu gặp chúng ta?

- Hy vọng thằng nhãi này có tủ lạnh. – Cụ Cố Tổ ngoáy tai – Chẹp chẹp! Ta đói rồi!

Tiểu Hồ không hiểu ý ông già. Vừa lúc ấy, thang máy mở cửa. Trước mặt họ là một sảnh lớn dựng nhiều cột trụ đỏ dát vàng, bốn bức tường xung quanh tạc những bức tranh lớn nhỏ bằng ngọc, giá trị không đong đếm nổi. Tiểu Hồ ngơ ngẩn ngắm nhìn mớ vàng ngọc, thâm tâm dấy lên chút tham lam dù nàng vốn không phải người tham lam. Trong lúc đó cụ cố phăm phăm bước trên con đường lát gỗ nằm xuyên qua các cột trụ đỏ, cuối cùng dừng chân trước một cánh cửa vàng chạm trổ tinh xảo. Ông già đập cửa liên hồi, mãi khi có tiếng khóa mở lách cách mới chịu ngừng. Một gã hộ pháp thò nửa người ra, hấm hàm hỏi:

- Ông tìm gì?

- Đây là nhà thằng nhãi Tinh Ngôn Gia? – Cụ cố hỏi.

Gã hộ pháp nhíu mày trước câu hỏi bất lịch sự, nhưng chưa kịp trả lời thì Cụ Cố Tổ đã đẩy gã qua một bên rồi tự tiện bước vào. Tiểu Hồ chẳng biết làm sao đành theo chân ông già. Vừa qua cửa, nàng có chút đứng tim khi thấy một phòng khách với nội thất sang trọng bàn vàng ghế bạc, bậc thềm đá quý, ly tách bằng ngọc cùng hai chục tay vệ sĩ đứng rải rác. Giữa phòng khách, vị chủ nhân nơi giàu có này đang thưởng trà. Người đó cao dỏng, hơi hói, tóc đen dài buông vai phủ kín lưng. Có lẽ thú vui thưởng trà của ông ta bị gián đoạn, bởi bát trà gỗ trong tay mới kề bên miệng và còn nghi ngút khói. Không đợi vị chủ nhân lên tiếng, Cụ Cố Tổ đặt mông ngồi phịch xuống ghế, hỏi:

- Mày là thằng nhãi Tinh Ngôn Gia?

Trước một lão già rách rưới có giọng điệu xấc láo, đám vệ sĩ trong phòng liền xúm đến nhưng người đàn ông tóc dài xua tay bảo họ lui. Ông ta trả lời:

- Phải, tôi là Tinh Ngôn Gia, ông có thể gọi tôi là Tinh Gia. Nhưng dùng từ “thằng nhãi” nghe chừng có vẻ không thích hợp, dù quả thực là tôi ít tuổi hơn ông. Tuổi đời, không phải tuổi nhân cách. Vậy ông đây cần...

- Ta muốn mượn một thứ của mày, hơi khó một chút, nhưng việc rất gấp. Ta hứa sẽ trả ngay sau khi xong việc, không sứt mẻ dù chỉ một chút.

Tinh Gia bật cười đoạn chỉ tay vào chiếc bát gỗ uống trà:

- Là vật này? Xin lỗi, nó là bảo vật gia truyền, tôi có thể cho ngài dùng thử nhưng không thể mang đi. Ngài không phải người đầu tiên hỏi về nó, nhiều người thậm chí trả bằng quang tố, nhưng tôi vẫn từ chối bán. Chiếc bát có tuổi đời một ngàn năm, là bảo vật...

- Ai hỏi cái bát rếch xúc cơm nguội của mày? Ta còn đẻ ra cái bát ấy nữa kia! – Cụ Cố Tổ nổi quạu – Thứ ta cần là mấy cái bài vị trên bàn thờ nhà mày kia! Nói chung là bao nhiêu bài vị thì đưa tất cả ra đây! Ta cần mượn vài ngày!

Ông chủ Tinh Gia đờ mặt như vừa bị thoi một đấm vào mũi. Đám vệ sĩ lập tức quây tròn bọn Tiểu Hồ. Cô gái há hốc mồm, không phải vì đám vệ sĩ mà vì di vật thứ ba của đền thờ Mộc Thần. Nàng vỗ vai cụ cố thì thầm vài câu. Ông già nghe xong bỗng gắt lên:

- Nhầm thế nào được?! Nhầm cái con khỉ! Là mấy cái bài vị trên bàn thờ đó! Là “bức phù điêu” đó! Bốc mấy cái đó xuống đây, con nhãi, khẩn trương lên!

Tiểu Hồ nửa cười nửa mếu, không tin sẽ có ngày mình lật tung bàn thờ tổ tiên của một gia đình người Đông Thổ. Nàng thầm than phải chăng vì chuyện cắt máy bay giấy năm xưa mà đại thánh sứ Tây Minh dồn nàng vào cảnh khốn khổ này?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.