Ngục Thánh

Chương 47: Q.2 - Chương 47: Về với huyền thoại




Lúc bọn Vô Phong ra khỏi hoàng cung là giữa trưa. Thành phố Thiên Kỷ phơi mình dưới nắng gắt, mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt hai người họ. Cái nóng nơi đây vừa oi vừa nồng, Vô Phong cảm giác cơ thể mình đang bốc hơi. Nó hoàn toàn khác nắng hè êm dịu ở Phi Thiên thành. Nhưng nó chẳng hề gì với quyết tâm của hai gã háu ăn đương tìm thịt chó. Với đại đa số người Phi Thiên, chó mèo là bạn, ngược đãi chúng đủ kết thành tội tống vào tù chứ đừng nói làm thịt. Bất quá, Vô Phong và Hỏa Nghi không nằm trong “đại đa số”, một tên gặp gì cũng xơi, một tên chẳng bao giờ nuôi thú cưng. Vậy nên hai gã đồng quan điểm thịt nào cũng là thịt, không cần phân biệt đối xử. Hỏi han dân bản địa một hồi, họ tìm đến một tiệm bán thịt chó, xem chừng là nổi tiếng nhất Thiên Kỷ thành. Ông chủ cửa tiệm cười tươi trước hai vị khách ngoại quốc:

-Xin lỗi quý khách, hôm nay đầu tháng, chúng tôi không bán! Ăn thịt chó giờ xui xẻo lắm!

Mặt hai gã ngắn tũn. Người Xích Quỷ giải thích rằng đây là luật bất thành văn từ xa xưa, cửa hàng nào kinh doanh món này cũng phải tuân theo. Bọn Vô Phong nài nỉ mãi, thậm chí trả gấp đôi gấp ba số tiền song ông chủ nọ vẫn lắc đầu từ chối. Ăn uống sinh xui xẻo, tên tóc đỏ mới nghe lần đầu. Hai gã lần mò nhiều nơi nhưng câu trả lời không thay đổi. Tuy nhiên, một hướng dẫn viên du lịch đã giới thiệu họ đến một khu phố ẩm thực truyền thống, tại đó có rất nhiều món đặc sản khác. Bọn Vô Phong gật gù cam chịu rồi thẳng tiến. Mất mục tiêu thịt chó, quang cảnh thành phố trước mắt hai người rõ nét hơn nhiều.

Giữa thời đại của nhà cao tầng và đại lộ rực rỡ ánh sáng, Thiên Kỷ thành thật khác biệt. Cây xanh trải dọc hai bên lề của những cung đường nhỏ hẹp, người qua lại thưa thớt vì đa phần đang bận ăn uống hoặc nghỉ trưa. Vô Phong và Hỏa Nghi bước trên con phố lát đá đỏ rải lơ thơ lá úa cháy nắng. Bên cạnh họ, một dãy nhà im lìm dưới tán cây dài khoảng một trăm mét. Nhà khá nhỏ, bề rộng chỉ đủ cho bốn năm bước chân, mái nhà xuôi hình tam giác lát gạch nâu phủ đầy rêu xanh, thứ rêu của cơn mưa mới đây mọc trên cặn rêu của bao cơn mưa thời quá khứ. Chúng khoác lên mình một lớp sơn xỉn ố, loang lổ tựa vết nám đang phồng rộp giữa bầu không khí oi ả. Vô Phong đoán người ta cố gắng gìn giữ dãy nhà này vì giá trị văn hóa, nhưng có vẻ chúng như đám người già hụt hơi với thời đại.

Đi hết phố lát đá đỏ, Vô Phong và Hỏa Nghi gặp con đường khác bao quanh một hồ nước rộng, tên gọi Thuận Mệnh. Nước trong veo thu ánh mặt trời vào từng gợn sóng lăn tăn soi bóng cổ thụ mọc ven hồ. Giữa hồ có một tòa tháp hình nón, bao quanh thân tháp gắn chín tấm khiên lớn, mỗi mặt khiên vẽ hình thù khác nhau. Vô Phong mở máy chiếu ba chiều đeo tay, trang sách “Tâm Mộng thế giới – kiến thức căn bản” hiện lên cho biết các tấm khiên tượng trưng cho những dòng họ từng cầm quyền tại Xích Quỷ. Nhưng lịch sử Xích Quỷ trải qua mười dòng họ khác nhau, vậy đi đâu mất một tấm khiên trên tòa tháp kia? – Hắn tự nhủ. Vô Phong hỏi một nữ hướng dẫn viên du lịch thì cô ta trả lời:

-À! Có một dòng họ không được tôn vinh là họ Mạc. Vị vua khai triều họ Mạc – Mạc Dung đã quỳ gối xin hàng ngoại xâm phương bắc. Đó là điều không thể chấp nhận được!

Cô nàng hướng dẫn viên gay gắt như thể chính mình chịu đựng nỗi nhục ấy. Nghe chữ “Mạc Dung”, vài người dân bản địa gần đó lộ rõ vẻ khinh bỉ tột độ. Vô Phong cụp đuôi không dám hỏi thêm. Niềm tự hào dân tộc ở đây có vẻ cao, hắn nghĩ tốt nhất không nên đụng tới. Chưa kể chính quyền rất coi trọng vấn đề truyền thống và lịch sử. Quanh hồ, vô số bệ máy chiếu ba chiều hiển thị hình ảnh lập thể của danh nhân Xích Quỷ thời xa xưa, đa số toàn anh hùng trận mạc. Nhiều là thế nhưng tuyệt nhiên không có bức tượng nào về Kinh Dương Vương. Nó chẳng giống cái gọi “Kinh Dương Vương ngang hàng Vạn Thế trong tiềm thức người Xích Quỷ” như Nguyễn Lữ nói.

Do là thắng cảnh nổi tiếng nên người thăm quan hồ Thuận Mệnh khá đông. Từ du khách trong ngoài nước cho đến dân bản địa. Hỏa Nghi thúc sườn nhấm nháy Vô Phong, tên tóc đỏ quay ra và phát hiện gái đẹp người Xích Quỷ nhiều vô kể, đuổi đi không hết. Những khuôn mặt trắng bóc ngọc ngà, những đôi mắt sắc sảo hút hồn người, những áng tóc tuôn chảy như suối nguồn muôn vàn màu sắc; không khó để tìm ra những cô gái xinh đẹp hơn Lục Châu hay Tiểu Hồ nhiều lần. Chẳng cần đâu xa, ngay phía trước một cô gái đi ngược chiều, mái tóc mềm màu hung tựa ánh hoàng hôn giúp những người đàn ông xua tan phiền muộn. Đôi chân dài, dài ơi là dài trong chiếc quần bó sát gợi cảm, áo xúng xính những hoa văn đậm chất quý tộc, cơ thể như tác phẩm điêu khắc hoàn hảo của tạo hóa. Khuôn mặt thì ôi chao… biết dùng từ nào để miêu tả đây? Hỏa Nghi gật gù:

-Cái thứ gen tốt này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng…

Vô Phong cười sặc trước ý tưởng điên khùng ấy.

Về cơ bản, khu ẩm thực Thiên Kỷ thành rất giống Cửu Long: vỉa hè được trưng dụng để buôn bán hay ăn uống. Một con phố dài vài chục bước chân nhưng ngót nghét gần trăm hàng quán. Sẵn tiền, hai gã đánh chén thỏa thích. Đồ ăn thức uống tuyệt vời đến nỗi trong thoáng chốc, bọn Vô Phong đã quên bẵng món thịt chó. Vô Phong nhớ lại khi ở Cửu Long, món ăn đa phần khá ngọt mà hắn không hảo ngọt lắm. Còn tại đây, tất cả đều rất vừa miệng, tưởng như đạt ngưỡng đỉnh điểm của sự hài hòa hương vị. Tên tóc đỏ đặc biệt ấn tượng một món na ná Khuy tế của Cửu Long, nhưng khác là chỉ sử dụng thịt bò và nước dùng. Nghe đơn điệu song hắn đã xơi hai bát cỡ bự vì quá ngon miệng. Rồi một món mà hắn mường tượng nó như một cục xúc xích, vỏ ngoài chiên giòn rụm, bên trong đầy nhân gồm thịt heo cùng rau củ. Còn hàng đống món ăn khác mà hắn chẳng biết tên, chỉ biết chúng ngon miệng và cứ thế ních căng bụng.

Hàng quán chật hẹp là một kiểu văn hóa của Xích Quỷ, nhưng nó lại khiến bọn Vô Phong khó chịu. Người này kề sát lưng người kia, thành ra những câu chuyện riêng tư chẳng còn tính riêng tư nữa. Chẳng những thế, dân bản xứ còn có tật thích nói to để mọi người xung quanh biết mình là ai. Lúc ăn món “xúc xích chiên nhân tạp pí lù” (Vô Phong gọi thế), hắn nghe mấy gã hộ vệ thánh sứ ngồi phía sau liên tục huênh hoang về những nhiệm vụ từng trải qua. Chẳng biết độ chính xác của câu chuyện ra sao, nhưng Vô Phong dám khẳng định rằng không có con đọa ngã nào thân thiện, cũng chẳng có nữ thần tiên tri ngự trên ngai vàng ban phước lành như đám này nói. Tên tóc đỏ và Hỏa Nghi bấm bụng cười, Thiên Hải nổi tiếng xạo ke nhất Cửu Long chưa bằng một góc mấy anh chàng hộ vệ đây.

Thu hút sự chú ý của mọi người trong quán ăn, đám nọ bèn quay ra chê bai thánh sứ Xích Quỷ. Họ chê những gã thánh sứ phép thuật yếu kém, chê ông già Nguyễn Lữ chẳng chen chân nổi vào hội đồng Thánh Vực. Chủ đề thánh sứ nhạt dần, họ chuyển sang chế nhạo nền công nghiệp rèn kiếm. Một người nói:

-Tôi toàn sử dụng kiếm ngoại nhập! Chẳng thể tìm được thanh kiếm nào hữu ích ở Xích Quỷ hết!

-Nhớ gã Thanh Hoàng ở Cửu Long không? Tay đó định thành lập tập đoàn rèn kiếm dành cho người Xích Quỷ đấy!

-À, tôi biết gã đó! Thật ngu hết chỗ nói! Nghĩ sao mà đòi cạnh tranh với nước ngoài chứ? Mà gã chết rồi, nghe đâu phá sản rồi treo cổ thì phải!

Nhân vật đang được đề cập không ai khác là cha đẻ của Thanh Nhi. Nếu ngồi đây, hẳn cô gái sẽ quyết sống mái với đám người này. Nhưng chưa cần Thanh Nhi mà Hỏa Nghi đã tức sôi máu. Xét trên quan điểm nghề rèn, thanh “thăng thiên pháo” của Thanh Hoàng xứng đáng hai chữ “tuyệt phẩm”. Nhờ nó, Hỏa Nghi học hỏi được vô khối điều khi áp dụng vào thanh “bộc phá” phiên bản mới. Trông bản mặt gã này phừng phừng lửa, Vô Phong liền khuyên nhủ:

-Công chúa bảo chúng ta phải giữ bí mật, không được quậy đâu nhé!

Cuộc tám chuyện nọ kết thúc bằng tuyên ngôn tìm chân trời mới của đám hộ vệ thánh sứ. Họ nói sẽ tìm đường đến Phi Thiên, Lưu Vân hoặc Băng Hóa bởi xứ Xích Quỷ kìm hãm bọn họ. Về điểm này, họ khá giống Thanh Nhi, giống từng ly từng tí, gần như không sai khác. Có lẽ chỉ là vài trường hợp cá biệt! – Vô Phong nghĩ thầm.

Nhưng sự cá biệt ấy lại rất phổ biến. La cà khắp phố ẩm thực, hai gã Phi Thiên ngồi đâu cũng nghe thấy dân bản địa bàn tán cách ra nước ngoài sinh sống. Mô tuýp những cuộc đối thoại hệt như nhau: Xích Quỷ không tốt, Xích Quỷ tồi tàn, Xích Quỷ thế nọ thế chai và đi nơi khác sẽ giải quyết vấn đề. Hầu hết họ là những người trẻ tuổi cỡ Thanh Nhi. Dường như đang tồn tại một mâu thuẫn: họ tự hào dân tộc và căm ghét kẻ quỳ gối xin hàng như Mạc Dung, song họ căm ghét đất nước mình tận xương tủy. Tại sao vậy? – Vô Phong tự hỏi. Lẽ nào họ đồng cảnh ngộ với Thanh Nhi, sống trong quận 4 tù túng không lối thoát? Chắc là không bởi Thiên Kỷ thành chẳng có nơi nào như quận 4 hết.

Bọn Vô Phong không mất quá lâu để tìm câu trả lời. Hai gã đang tìm món ăn mới, bỗng một anh chàng bảnh trai đeo kính sán tới hỏi han Hỏa Nghi với vẻ mặt sửng sốt:

-Anh là Hỏa Nghi, thợ rèn của cây “cáo lửa” và “thiết giáp hạm”?

Hỏa Nghi nheo mắt:

-Sao biết?

-Tôi là thợ rèn kiếm mới tốt nghiệp. Tôi thấy ảnh của anh trong cuốn Thiên Kiếm tịch! – Anh chàng nọ hứng khởi – Tôi thật sự ấn tượng cây “thiết giáp hạm”, anh cải tiến nó ra sao vậy?

Người khác hỏi thành tâm, Hỏa Nghi nhã nhặn trả lời. Anh chàng đeo kính tỏ vẻ ngưỡng mộ hắn và còn xin chữ ký. Nhưng câu chuyện dần xa rời chủ đề chính khi anh ta liên tục hỏi về họ Hỏa và cách thức gia nhập dòng họ. Thay vì tự thừa nhận là kẻ thừa kế họ Hỏa, Hỏa Nghi chỉ nói mình có chút dây mơ rễ má chứ chẳng biết nhiều lắm. Hắn còn bịa thêm vài tình tiết ly kỳ nữa, tỷ như thế này:

-Muốn vào đấy, anh cần kiến thức kỹ thuật… ờm… gì nữa nhỉ, đúng rồi, anh cần thông thạo lịch sử Phi Thiên! Anh biết hết tất cả không?

Lịch sử Phi Thiên phức tạp và dài ngoằng, Hỏa Nghi chắc chỉ nhớ khoảng bảy phần mười. Song anh chàng đeo kính cười tươi:

-Tôi biết rất nhiều! Anh cần kiểm tra không?

Hỏa Nghi cười thầm rồi hỏi vài câu đơn giản, anh chàng đeo kính trả lời tốt. Hỏi vài câu khó hơn, anh ta trả lời cặn kẽ. Hỏi khó hơn nữa, anh ta thuyết giảng như một chuyên gia lịch sử thực thụ, lắm chỗ Hỏa Nghi còn đần mặt nghe anh chàng nói. Rõ ràng người này là dân trí thức, mọi vấn đề đều thông thạo. Có lẽ anh ta đang tìm kiếm cơ hội sinh sống tại Phi Thiên quốc nên mới tiếp cận Hỏa Nghi. Tên tóc đỏ bèn hỏi:

-Anh biết tộc Lạc Việt không?

Anh chàng nọ ngẩn tò te, sau bối rối trả lời:

-Hình như… là thủy tổ của tộc Lạc Việt, tôi nghĩ thế…

-Vậy anh biết Kinh Dương Vương chứ?

Anh chàng đeo kính nhún vai cười:

-Tôi chưa nghe bao giờ. Mà đâu cần thiết? Tôi chỉ muốn rời khỏi đây thôi!

Vô Phong và Hỏa Nghi nhìn nhau. Tên tóc đỏ hỏi:

-Tại sao anh muốn rời khỏi Xích Quỷ? Bộ nơi này có gì không tốt?

-Một cuộc sống tốt đẹp hơn! – Người nọ cười – Nơi này bí bách quá, như có bốn bức tường bao quanh vậy! Tôi không thể thở, không thể nhìn thấy bầu trời trên cao. Những người khác thỏa hiệp và học cách sống chung với bốn bức tường ấy, tôi thì không, tôi muốn thoát ra. Anh hiểu chứ?

Vô Phong không hiểu lắm ý tứ người này, bất quá hắn trả lời:

-Đơn giản thôi, chỉ cần lấy búa đập tường là xong!

Gã trí thức cười:

-Đập mà dễ sao? Có quá nhiều người đã thỏa hiệp, họ chẳng muốn đập hay thay đổi vì nhờ bốn bức tường, họ mới tồn tại. Nếu tôi cầm búa như anh nói, họ sẽ cầm búa giết tôi. Vì vậy, tôi phải ra đi.

Vô Phong thấy rõ đôi mắt người này chỉ nghĩ về viễn cảnh tươi đẹp nơi đất khách quê người. Xích Quỷ của anh ta hoàn toàn không tồn tại.

Anh chàng đeo kính rời đi và không quên gửi danh thiếp. Hỏa Nghi nhận lời giúp đỡ vì anh chàng này có thực tài, tạo điều kiện cho gã phát huy tài năng âu cũng tốt. Nhưng nó khiến Vô Phong suy nghĩ. Hắn vừa đi vừa nói:

-Thanh Nhi từng nói với tôi rằng “khi giấc mơ không thỏa mãn người khác, nó chỉ là trò lố bịch” (*). Phải chăng giấc mơ ở xứ này hoàn toàn là lố bịch sao?

Hỏa Nghi gãi gãi đầu:

-Chúng ta không phải người Xích Quỷ nên không đánh giá được. Nhưng… có lẽ thế.

Hai người rảo bước về hoàng cung. Nắng dịu bớt, Thiên Kỷ thành đông vui hơn. Nhưng ẩn sau nó là sự phai tàn diễn ra một cách bình lặng, như thể chờ đợi ngày biến mất vĩnh viễn cùng lịch sử. Nếu Lê Khải còn sống, ông ta sẽ nghĩ gì? Nếu Kinh Dương Vương chứng kiến con cháu mình muốn rời khỏi đất nước, ông ta sẽ nghĩ gì? Đến giờ Vô Phong mới hiểu thái độ bối rối của Nguyễn Lữ khi đưa họ vào hoàng cung. Rõ ràng ông không muốn người ngoại quốc có ấn tượng xấu về đất nước mình. Song ước muốn ấy của ông đổ bể từ khi vài vị quan chức thốt ra câu “Lạc Việc”. Nhớ lại thái độ khủng khiếp của nhà vua Lê Chiêu, hắn cảm tưởng ông hoàng phải điên tiết lắm khi biết đám bộ hạ của mình có kẻ lãng quên cội nguồn dân tộc. Nhưng nếu bảo ấy là cái tội thì chắc ông ta sẽ bỏ tù toàn bộ dân chúng Xích Quỷ không biết chừng.



Ba giờ sáng hôm sau, Vô Phong bị lôi ra khỏi giường. Đích thân hoàng đế Lê Chiêu lập đàn tế trước cửa hoàng cung, thắp ba nén nhang cầu cho chuyến đi an lành thuận lợi. Nhớ vụ bẻ chân nhang tại nhà ông già Bất Vọng, Vô Phong rùng mình sợ hãi. Hắn cầu mong không có hồn ma bóng quế nào đi theo ám mình. Ngoài ra, một hạm đội đi theo hộ tống nhóm công chúa nhằm đảm bảo an ninh. Đoàn phi thuyền khởi hành ngay sau khi lễ tế kết thúc và thẳng hướng tới vùng đông bắc Xích Quỷ.

Trên phi thuyền, ai nấy đều bận việc riêng. Công chúa say ngủ vì quá mệt. Tiểu Hồ thì không rõ vì nàng ta ngọ nguậy liên tục, Vô Phong muốn hỏi thăm nàng nhưng vẫn chùn bước trước bản tính tự ái nhỏ mọn. Còn con cú vọ Hoa vẫn thực thi công việc bới lông tìm vết. Gã liên tục ghi ghi chép chép không ngừng nghỉ, thi thoảng lại chất vấn Vô Phong và Hỏa Nghi bằng vài câu hỏi khó chịu. Người duy nhất không hó hé câu nào suốt cuộc hành trình là Tàn Thi – bác sĩ quân y Thổ Hành.

Nếu nói ai là kẻ khó gần nhất trong Thổ Hành, Vô Phong cam đoan ấy chính là Tàn Thi. Một người mà mặt mũi luôn thường trực sự u tối chán đời đằng sau mái tóc rối. Gã không lạnh lùng, không kiêu căng, chỉ khác gã là một bức tường đúng nghĩa. Ai hỏi gì, gã đáp nấy, và gã không bao giờ đặt câu hỏi. Gã luôn nói với một giọng hết sức khách sáo, trên dưỡi rõ ràng, xưng hô đúng mực. Chẳng ai quý mà cũng chẳng ai ghét Tàn Thi. Mười chín thành viên Thổ Hành không to thì cao, riêng gã bé một mẩu, nhưng bản thân mang vác túi quân trang to hơn người. Gã chào công chúa, gật gật đầu với Vô Phong cùng cái cưỡi xã giao, sau trốn biệt một góc phía cuối phi thuyền. Trời nóng nực nhưng gã vẫn cố thủ trong bộ quần áo che kín thân thể. Một kẻ quái dị.

Ngó thấy Hỏa Nghi vác theo một chiếc cặp sắt to đùng chẳng kém túi của Tàn Thi, Vô Phong hỏi:

-Món gì vậy?

-Đặc biệt lắm! Một trợ thủ đắc lực mới, rồi cậu sẽ thấy!

Chừng hai tiếng sau, đoàn thuyền đáp xuống trước một bìa rừng. Đợi nhóm công chúa ổn định, hạm đội lập tức quay về. Theo lời Nguyễn Lữ, quân đội không được xuất hiện trước mặt tộc người Lạc Việt. Ông ta dẫn cả nhóm men theo một lối mòn mà dẫn vào cánh rừng rộng lớn.

Rừng già, già hơn Kinh Dương Vương nhiều lần và cũng lớn, lớn hơn bất kỳ khu rừng nào khác ở Đại Lục. Một dải xanh trải dài trên Đông Thổ lục địa đi qua Xích Quỷ, và hàng chục nước khác khắp Đông Thổ. Người Đông Thổ không dám vào sâu trong rừng cũng như người Phi Thiên Quốc sợ đặt chân tới “chợ rác”. Mặt đất dày thảm lá, lớp lá khô đè lớp lá mục. Cây khô nghiêng ngả xiêu vẹo, cổ thụ vươn tán tầng tầng lớp lớp ngăn cản hơi ấm mặt trời. Không gian lạnh lẽo đầy tiếng chim hét vượn gào đang dọa dẫm những vị khách lạ. Kẻ săn đêm đi ngủ, kẻ săn ngày thức giấc, chốn độc địa bắt đầu một vòng sinh tồn mới. Bụi rậm yên ắng tới quái lạ là nơi trú ngụ của vô số cặp mắt háu ăn. Bóng dáng tử thần rình rập trong màu xanh chết chóc. Lục Châu lên tiếng:

-Rừng tên gì vậy, ngài Nguyễn Lữ?

-Nó có rất nhiều tên. Người phương bắc gọi nó là rừng Vô Hạn, người miền cực bắc gọi nó là Cội Rễ Thượng Ngàn, còn chúng tôi đơn giản gọi nó là rừng Quỷ.

- Xích Quỷ là con quỷ da đỏ hả? – Hỏa Nghi nói.

-Không. Từ ấy mang ý nghĩa thịnh vượng. – Nguyễn Lữ trả lời.

Hỏa Nghi cụp tai, không dám lạm bàn thêm vấn đề ngôn ngữ.

-Ông có thường hay tới tộc Lạc Việt không? – Công chúa hỏi tiếp.

-Tôi chỉ dẫn đường cho người muốn gặp bộ tộc thôi. Đời tôi mới gặp tổ tiên hai lần, cả hai lần ấy đều dẫn đường cho Trần Độ…

-Trần Độ?

Mọi người ngạc nhiên, đi đâu cũng nghe danh lão già xác chết. Nguyễn Lữ cười:

-Vậy ra không ai biết ông ta người gốc Lạc Việt à? Ông ta thuộc họ Trần, một trong những dòng họ nổi tiếng nhất bộ tộc.

Lục Châu là con Bạch Dương đệ thập song cũng mới nghe chuyện này lần đầu. Nhưng đó chỉ là một bí mật trong vô vàn bí mật về Trần Độ.

-Ông gặp Kinh Dương Vương bao giờ chưa? – Vô Phong hỏi Nguyễn Lữ.

-Chưa từng. Cả hai lần tới, ông ấy đều đi vắng.

Lối đi càng lúc càng tối tăm, cây chen chân lá cản bước. Đương lúc mọi người nghĩ rằng Nguyễn Lữ lạc đường thì chợt nghe tiếng nước chảy đằng xa. Nguyễn Lữ gật đầu:

-Đây rồi!

Rễ cây khổng lồ cuốn thành những đường hầm nhỏ tí chỉ đủ rộng cho một người. Gai góc nhọn hoắt lởm chởm chực xé nát quần áo. Vô Phong khom người, chân dò dẫm, thi thoảng nhói lên do tay đụng phải gai. Lục Châu khổ sở hơn, tóc bám lá rối tung, mặt đất ẩm nước khiến nàng loạng choạng. Hắn vội đỡ công chúa:

-Cẩn thận chứ?

Hai người nhìn nhau đôi chút. Cô gái gật đầu cảm ơn. Vô Phong cảm giác gáy mình nóng ran như thể có cặp mắt ai đó chiếu vào. Nhưng hắn cũng làm ngơ không để ý.

Thoát khỏi con đường đau khổ, bảy người đứng trước một con sông lớn, nước chảy êm đềm vương lá úa tàn. Bờ sông neo đậu một chiếc thuyền dài bằng gỗ và một người vắt chân chữ ngũ đang ngáy pho pho. Nguyễn Lữ ra hiệu mọi người ở yên tại chỗ, còn ông ta bước tới rồi lay vai người lái thuyền kia:

-Xin người tỉnh dậy, chúng tôi muốn tới tộc Lạc Việt.

Người đó choàng tỉnh, mắt nhắm mắt mở:

-Ai đây? Ô, con cháu chúng ta!

-Xin lỗi người. Tôi nhớ người lái thuyền cũ…

-À, Khánh Dư hả? Hắn nghỉ chục năm rồi, ta ở đây thay hắn!

-Vậy xin hỏi quý danh của người?

-À, ta tên Lộc Tục.

Người lái thuyền là một ông lão người Lạc Việt, y phục màu nâu đất bó người. Khuôn mặt vô vàn nếp nhăn trũng sâu đựng đầy sương gió, bàn tay trần hằn chai sạn. Song điều ấn tượng nhất là ông ta quá… lùn, chiều cao chắc chỉ như đứa trẻ mười một, mười hai tuổi. Đôi chân trần ngắn ngủn tuy rắn rỏi nhưng quả thực không thích hợp với vị trí lái thuyền. Vô Phong với Hỏa Nghi bụm miệng cười trước hình thể ông già. Hai tên quậy đoán rằng Lộc Tục quá siêng năng tập tạ nên cơ bắp phát tiết còn chiều cao thụt lùi. Không may là bản mặt tủm tỉm của cả hai bị Lộc Tục phát hiện. Ông ta cầm sào, khua khoắng trước mặt bọn họ:

-Tên tóc đỏ và tên ăn mặc lố lăng chớ khinh thường ta nhé!

Lục Châu lừ mắt cảnh cáo. Vô Phong với Hỏa Nghi nghiêm mặt không dám mạo phạm thêm. Nguyễn Lữ nói:

-Thưa người, các vị khách ngoại quốc rất muốn gặp tộc trưởng. Vạn Thế nói rằng Quỷ Vương đang ở đỉnh Hoành Sơn, họ cần người giúp đỡ.

Lộc Tục nhìn Lục Châu từ đầu tới chân:

-Thánh sứ hả?

-Dạ vâng! – Công chúa đáp.

Lộc Tục vuốt cằm suy nghĩ, sau nói:

-Lên đỉnh Hoành Sơn lúc này à? Đang tháng cô hồn, e hơi khó. Nhưng gặp tộc trưởng thì được, lên thuyền đi!

Thuyền dài và mỏng manh nhưng chứa đủ cả sáu người Phi Thiên, Nguyễn Lữ cộng thêm hai túi đồ to khủng bố của Hỏa Nghi và Tàn Thi. Chẳng biết run rủi thế nào, Vô Phong ngồi gần Tiểu Hồ. Tên tóc đỏ cảm giác một cái ấm nước sôi đang sẵn sàng đổ ụp lên đầu mình. Lộc Tục nói:

-Sẽ có sóng lớn, bám chắc thành thuyền nhé!

Nước lặng tĩnh như gương, lấy đâu ra sóng? – Mọi người đặt câu hỏi. Lộc Tục đứng phía đuôi thuyền, chống sào đẩy đi. Hai bên bờ, những gốc cây như hộ vệ của rừng già đang dõi theo con thuyền, lá vàng theo gió bay bay tìm về cội. Ông già ngửa mặt ngắm mây trời, giọng khàn khàn hát theo cảm hứng:

Chờ ta! Chờ ta! Chờ ta với, bằng hữu!Hãy cùng đi trên một con đường!Đi cho tới cùng trời cuối đất!Chẳng cần biết nơi nào, chỉ biết ta ở bên nhau…

Vần điệu bài hát hơi khô khan, giọng hát Lộc Tục cũng… dở tệ nên chẳng ai nghĩ đó là câu hát hay. Riêng Nguyễn Lữ tỏ vẻ vui thích:

-Có phải là câu hát truyền thống của người Lạc Việt, thưa người? Tôi thấy ai trong tộc cũng hát câu đó!

Lộc Tục cười lớn:

-Không. Không phải tộc chúng ta. Một kẻ ngoại tộc đã hát nó. Hắn hát tệ lắm! Nhưng chẳng hiểu sao ai nấy đều hát nó.

-Ai vậy, thưa ngài?

-Bỏ đi. Chuyện xưa, xưa lắm! Giờ này hắn là người thiên cổ rồi, xương cũng chẳng còn.

Con thuyền đột nhiên rung lắc dữ dội. Lộc Tục nói:

-Sóng tới rồi! Bám chắc nhé!

Mọi người hoảng hồn, vội bám chặt thành thuyền. Nước sông bỗng trào sóng cuồn cuộn hất tung thuyền tới đường ghềnh, trăm đá tảng nhấp nhô giữa dòng nước siết cực kỳ nguy hiểm. Lộc Tục vứt sào, ngồi xếp chân, tay lôi mái chèo phòng bị sẵn, ông ta cười:

-Ta không bảo đảm tính mạng các người đâu! Lâu rồi chưa đi qua chỗ này mà!

Vô Phong muốn hộc máu. Lão già nói vậy khác nào chốn này một đi không về? Mặt người nào cũng xám ngoét, Nguyễn Lữ tuy bình tĩnh song cũng căng thẳng tột độ. Lộc Tục gồng tay, miệng cười ha hả:

-Hai tên trai trẻ kia xem ta trổ tài nhé!

Mái chèo tát sóng, thuyền lái qua trái. Nước dữ gầm gào, ụp xuống người như hổ vồ. Mắt người ướt sũng, chưa kịp định thần thì đoàn quân đá tảng như bãi chông ngầm nổi lên. Lộc Tục đánh chèo sang phải, thuyền bật khỏi nước lao sát sạt trên ngạnh đá sắc lẻm. Nước ầm ào vung cánh tay nặng nề đấm tung mạn thuyền, Lộc Tục không chịu thua, mái chèo chọc xuống dòng nước giữ thăng bằng. Đám người ngồi trong suýt bị hất xuống văng lên, Vô Phong ho sặc nước. Hỏa Nghi hét:

-Vạn Thế ơi, con không muốn chết! Con còn phải cưới Thanh Nhi nữa!

-Tưởng hăng tiết vịt lắm cơ mà? – Lộc Tục cười.

Thuyền lắt léo theo dòng, mảng gỗ liên tục cọ sát với đá, đến khi lao về giữa ghềnh thì từ phía sau ầm ầm tiếng sấm. Cuồn cuộn chảy, nước cuồn cuộn chảy! Chúng hung dữ như lũ thú vật điên cuồng đòi nhấn chìm con người nhỏ bé. Ngay trước mặt là dòng thác dữ, Lục Châu không kiềm chế được sự hoảng sợ, một tay bám thuyền, tay kia bám chặt Vô Phong. Lộc Tục đứng thẳng, tay vung chèo, con thuyền bất ngờ tăng tốc lao khỏi ghềnh, vừa đúng lúc cơn lũ tràn qua. Ông già dậm chân, thuyền đang đổ dốc theo thác bỗng xoay ngang lao theo dòng thác rồi rơi ùm xuống mặt nước phía dưới.

Vô Phong ho sặc sụa, người ướt lướt thướt, mấy phút sau tinh thần mới trở về ổn định. Hắn nhận ra mọi người vẫn an toàn, tất cả đều ướt đẫm áo, mặt cắt chẳng còn hột máu. Riêng Lộc Tục tỉnh rụi, ông già sảng khoái, ngửa mặt hét lớn, cổ họng tràn ngập khí thế như sóng triều xô đá:

-VỀ RỒI!

Công chúa ngẩn ngơ:

-Chúng ta tới rồi!

Khoảng không lồng lộng, thác reo tưng bừng. Ánh mặt trời rộn rã bơi lội dưới dòng nước thanh thiên. Từng ngọn đồi thoai thoải bát ngát màu xanh lá từ những luống ruộng bậc thang. Một đàn chim mỏ dài lông xám đông hàng trăm con đâm qua thác, đôi chân to khỏe với móng vuốt bạc rẽ gió, xòe cánh nhào theo con sông. Nguyễn Lữ nhìn đàn chim, bồi hồi xúc động:

-Lạc điểu!

Đàn lạc điểu thét lên những tiếng vang vọng hòa ca thác chảy, chúng hướng về ngôi làng phía cuối con sông, thanh âm xoáy vào hang hốc trên những rẻo đá cao. Từng người đàn ông xuất hiện, họ đứng trên đỉnh, vẫy tay với Lộc Tục:

-VỀ RỒI!

Vô Phong bần thần, một cảm giác hùng vĩ tựa như bàn tay của người khổng lồ đang bao lấy hắn. Một thứ cảm giác mà hoàng cung tráng lệ ở Thiên Kỷ thành không bao giờ có. Mặt trời hửng nắng, đàn lạc điểu vần vũ cùng bình minh, tung hoành với biển mây bất tận, tiếng thét vang chín tầng trời như bài ca chiến trận gọi tên những linh hồn anh hùng đang lưu lạc bốn bể.

Về rồi.

Huyền thoại ở đây.

Ngàn năm vĩ đại ở đây.

Đây mới là Xích Quỷ quốc.

---------------------------------------------

*) chú giải: xem lại Quyển 2 Chương 6


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.