Ngày Cát Tị tháng hai là ngày hoàng hậu cử hành lễ "thân tàm". Trên đàn
tế tiên tàm(1) nằm ở cuối đầu bắc của hồ Thái Dịch trong Tây Uyển, một
chiếc lều vàng được dựng lên, trong lều thờ cúng bài vị của vị thần nuôi tằm là Luy Tổ(2), trên bàn thờ đã có các loại tế phẩm là bò, dê, heo và rượu.
Hoàng hậu ăn chay ba ngày, sau đó lại cùng đội nghi trượng ăn chay thêm một ngày trong Nữ cung. Đến ngày thân tàm, Hạ hoàng hậu đã phải rời khỏi giường từ lúc trời tờ mờ sáng, lấy đó làm gương cho chúng dân.
Đội Vệ binh nghi trượng tổng cộng một vạn người đã được bố
trí xong xuôi: năm nghìn bảo vệ quanh đàn tiên tàm, năm nghìn người đi
theo hai vị quý phi, các công chúa, các phu nhân gia đình quyền quý,
cùng thê thiếp, chị em chưa xuất giá và con gái từ tuổi mười ba của các
quan văn tứ phẩm và quan võ tam phẩm trở lên trong kinh.
Đoàn quý phụ do Hoàng hậu dẫn đầu, xếp thành bốn hàng, mỗi người mang theo một
thị nữ, mỗi thị nữ ôm một sọt vuông đựng dâu. Đoàn người gấm hoa rực rỡ, hương thơm lan xa mấy dặm; đội ngũ phụ nữ mà cả Đại Minh khó lòng gặp
lại được cuồn cuộn kéo về phía đền tế tiên tàm. Tiếc là suốt đoạn đường
diễn hành đều đầy trọng binh bảo vệ, bá tánh bình dân nào có cơ hội được trông thấy cảnh này!
Ấu Nương vốn nhỏ nhắn mà khoẻ khoắn, nay
tuy mang thai nhưng bụng lại không to lắm, trông không đến nỗi béo phệ,
lại khoác thêm khăn quàng và áo dài của tam phẩm Cáo Mệnh phu nhân khéo
che dáng người, nên trông vẫn yêu kiều, quyến rũ.
Hôm nay là lần
đầu tiên ba chị em Ngọc Đường Xuân, Tuyết Lý Mai và Đường Nhất Tiên cùng dắt tay nhau xuất hiện. Ngọc Đường Xuân và Tuyết Lý Mai cũng mặc áo dài Cáo Mệnh phu nhân, Đường Nhất Tiên mặc áo ngắn tay ống bó màu đỏ và váy dài màu vàng. Bốn người con gái bước đi uyển chuyển, trông cực kỳ nổi
bật giữa đoàn người.
Bước dưới lọng hoa tít trên hàng đầu, Hoàng
hậu nương nương cũng đoán rằng hôm nay là lễ thân tàm, biểu muội của
Dương Lăng - ả con gái khiến cho Hoàng thượng điên đảo thần hồn đó -
nhất định sẽ xuất hiện, cho nên thỉnh thoảng lại quay đầu tìm kiếm. Thế
nhưng mệnh phụ như mây, trang sức lấp lánh, biết tìm đâu mà thấy?
Là bậc mẫu nghi thiên hạ, chủ nhân của sáu cung, cô nàng không thể lơ đễnh trong buổi lễ long trọng này nên đành kiềm nén ghen tuông trong lòng mà tự đi dẫn đầu. Khi đến trước đàn tế tiên tàm, Hạ hoàng hậu thân vận Cúc y(3), đăng đàn cung kính dâng lễ tế, được các mệnh phụ quỳ lạy, cuối
cùng đi đến trước cây dâu, cầm móc đứng sẵn.
Các nữ quan cục Lục
Thượng(4) cung kính đứng hầu quanh, trong đó có một người cầm sọt liễu
đựng dâu. Hạ hoàng hậu cầm móc hái xuống ba lá dâu, nữ quan nọ nhặt lấy
bỏ vào trong sọt, xem như là đã thực hiện xong lễ Hoàng hậu "tự tay chăn tằm". Tiếp đó, hai mệnh phụ nhất phẩm, một mệnh phụ nhị phẩm, một mệnh
phụ tam phẩm, tuỳ theo phẩm cấp mà hái năm, chín hoặc mười hai lá dâu.
Đại quân vạn người, mấy nghìn người con gái mang theo ba mươi bốn lá dâu đã hái sẵn ùn ùn chạy đến tế đàn thượng uyển, tìm lấy mệnh phụ khác để băm nhuyễn lá dâu đút cho tằm (*) ăn. Đến lúc đó, cả một buổi nghi thức
rườm rà và tẻ nhạt mới được xem như là kết thúc.
(nguyên văn: tàm bảo bảo: silkworm: tằm cho tơ dệt lụa)
Được Khâu Tụ âm thầm thông báo từ trước, hai vị công chúa Vĩnh Phúc và Vĩnh
Thuần hớn hở chuẩn bị sẵn từ sớm. Đến khi đại đội nhân mã chuyển hướng
trở về cung, các mệnh phụ lần lượt chia tay tìm kiệu của mình đậu ở
trước cung để hồi phủ, thì Dương Lăng đã dẫn theo một đội kỵ binh chạy
tới. Y cho người mang kiệu mềm đưa ba vị phu nhân về phủ, còn Đường Nhất Tiên thì ngồi riêng trên một chiếc kiệu nhỏ theo sau đội ngũ của y.
Sau đó Dương Lăng đi đến trước thùng kiệu của công chúa, ngồi trên ngựa khom người hành lễ, rồi hô lớn:
- Phụng thánh dụ, Hoàng thượng muốn đến suối nước nóng Kế Châu du ngoạn
một chuyến. Mời trưởng công chúa và Vĩnh Thuần công chúa điện hạ đi
cùng.
Kiệu do hai vị công chúa ngồi khi xuất cung là loại kiệu
tám người khiêng hết sức xa hoa, nghe y tuyên xong, cả hai liền lập tức
rời kiệu. Lúc ngồi trong kiệu lớn hai vị công chúa đã thay cung trang
rườm rà phức tạp bằng áo lụa cân vạt ống bó màu vàng nhạt và váy xếp nếp ôm thân. Hai vị công chúa mặc đồ giống nhau, dáng người tuy mảnh mai lả lướt song lại không quá gầy nên trông rất đẹp.
Váy lụa màu vàng
lợt khiến làn da vốn trắng trẻo mượt mà của bọn họ trông càng xinh đẹp
vô ngần. Hai vị công chúa đều chưa xuất giá nên không thể búi tóc, nhưng trưởng công chúa Vĩnh Phúc khéo đội một loại búi giả(5), hình dạng
trông như kiểu búi ngã ngựa(6), vừa đẹp lại xinh tươi.
Dương Lăng vẫy tay, hai chiếc kiệu nhỏ gọn liền được khiêng đến trước mặt, hai vị
công chúa lên kiệu khởi hành. Hành động này sớm đã kinh động đến những
mệnh phụ triều đình còn túm tụm chưa về, bọn họ nhất thời bàn luận sôi
nổi. Dương Lăng lập tức phô bày dáng điệu quyền thần ngang ngược không
chút kiêng dè, thúc ngựa nghênh ngang phóng đi.
Đang đứng trước
cổng cung, Hạ hoàng hậu hay tin vội phái người đến hỏi ngọn nguồn thì
Dương Lăng đã mời xong hai vị công chúa, ba chiếc kiệu nhỏ đã giũ áo mà
đi cùng đội ngũ. Hạ hoàng hậu giận đến tím mặt, cô nàng phẩy tay áo, rồi cũng không thèm để ý đến mấy vị mệnh phụ công hầu đang bắt chuyện cùng
cô mình, lập tức chạy vào trong cung dâng cáo trạng.
Đại đội nhân mã của Chính Đức đã đợi ngoài thành từ trước, Dương Lăng hộ giá ba
chiếc kiệu nhỏ đi đến. Đầu tiên y mời hai vị công chúa đổi sang kiệu
ngựa, một tên tiểu hiệu trong đám người đến đón chính là hoàng đế Chính
Đức. Hai vị công chúa sớm biết anh mình sẽ cải trang thành hình dạng
này, nhưng khi gặp mặt thì vẫn thấy rất là mới lạ bèn không khỏi che
miệng cười trộm.
Chính Đức trừng mắt với bọn họ, rồi vội ngoắc
bọn họ lên kiệu, sau đó hắn đến trước kiệu Đường Nhất Tiên. Chính Đức đã không gặp Đường Nhất Tiên hơn mười ngày, lúc này sắc mặt rất là hào
hứng, trông thấy Đường Nhất Tiên ăn mặc sang trọng với kiểu áo quần mặc
xuân thịnh hành nhất của phụ nữ trong kinh thành tôn lên vóc người lung
linh kiều diễm mê người, thì mắt hắn sáng rỡ.
Nghe nói lần này ra ngoài du hành có Hoàng đế lẫn hai vị công chúa, thành thử Đường Nhất
Tiên cũng trở nên cẩn trọng thắc thỏm. Nhưng khi rời khỏi kiệu trông
thấy trước mặt mình ngoài biểu ca ra thì hơn chục thị vệ kia đều là
những người cùng đi với mình về từ Đại Đồng, hết sức quen thuộc, bất
giác lòng nàng cũng nhẹ nhõm hơn. Nhất là khi thấy cái gã Hoàng hiệu úy
đẹp trai anh tuấn đang nhìn mình đến ngây ngốc đó, lòng nàng vui sướng
pha lẫn chút ngọt ngào.
Dương Lăng thúc ngựa phi tới phía trước, hạ lệnh:
- Khởi giá!
Xe đi lộc cộc, đại đội nhân mã hướng về phía Kế Châu.
Công chúa Vĩnh Thuần còn nhỏ tuổi, xe vừa đi được một đỗi liền đã cảm thấy
buồn chán, thế là nàng bèn chui vào trong xe của Vĩnh Phúc. Hai người
ngồi trong kiệu hàn huyên một hồi, Vĩnh Thuần mới vén rèm vẫy Dương
Lăng, dịu dàng gọi:
- Dương đại nhân!
Dương Lăng thúc ngựa tới gần, cúi người hỏi:
- Công chúa có gì căn dặn?
Vĩnh Thuần tựa đầu vào khoang cửa, tò mò hỏi:
- Dương đại nhân, có vẻ như hoàng huynh rất thích biểu muội của ngài thì
phải, nhưng vì sao huynh ấy lại phải cải trang làm thị vệ? Huynh ấy
thích người nào thì chỉ cần hạ chỉ liền triệu được vào cung ngay, biểu
muội của ngài muốn được phong làm hoàng phi cũng chẳng khó gì.
Dương Lăng nháy mắt, cười đáp:
- Bởi vì Hoàng thượng hy vọng Tiên Nhi sẽ thật sự thích chính bản thân
ngài, mà không cần phải dùng oai quyền hoàng đế để nạp người mình thích
vào trong cung.
Vĩnh Thuần thấy khó hiểu bèn quay đầu lại nhìn
Vĩnh Phúc, song hai chị em vẫn không thể hiểu được. Dương Lăng ngước
đầu, trông thấy có đôi chim đang vui hót trên cành cây bên vệ đường, bèn giơ roi ngựa lên chỉ, giải thích:
- Điện hạ, người hãy nhìn đôi chim nhỏ trên cành cây kia, bọn chúng đến với nhau không vì địa vị hay
chức quan của đối phương, mà chỉ vì chúng thích nhau.
Nếu một
người con gái có thân phận cao quý, thì việc người con gái đó thích ai,
ai thích nàng ấy sẽ không còn quan trọng nữa, mà quan trọng sẽ là người
nàng được gả cho có môn đăng hộ đối với nàng hay không. Nếu Tiên Nhi có
người tình chung ý hợp, nhưng người đó đã có chính thê thì với địa vị
của nó, bất kể thế nào cũng sẽ không thể gả cho kẻ ấy được; có lẽ sau
này nó sẽ được gả cho người có danh phận và địa vị tương xứng nhưng nó
không hề yêu thích. Tình yêu phải chịu khuất phục trước sự tính toán
thiệt hơn của địa vị.
Còn việc được Hoàng đế hạ chỉ triệu vào
cung trở thành Hoàng phi quang vinh rạng rỡ, dĩ nhiên là chuyện cầu còn
không được trong mắt rất nhiều người. Nhưng đối với riêng người con gái
ấy, việc nàng ấy có thích Hoàng đế hay không sẽ không quan trọng nữa;
còn đối với Hoàng đế, ngài có được người con gái này cũng là nhờ vào
quyền lực tối cao của mình. Ngài sẽ mãi mãi không bao giờ biết được
người con gái đó có thật sự yêu thích mình hay không. Như thế chẳng phải đáng buồn lắm ư?
Dương Lăng cung kính nói tiếp:
- Con
người là bậc tinh anh trên hết muôn loài, cao quý hơn loài chim này rất
nhiều, nhưng hôn nhân của con người lại bị pha tạp bởi công danh lợi lộc và rất nhiều nguyên nhân khác.
Hoàng thượng yêu thích Nhất Tiên và hy vọng biểu muội cũng sẽ thích mình, thích mình với tư cách là một
người đàn ông, cho nên ngài mới cải trang làm thị vệ có địa vị thấp hèn
để làm một việc mà vốn dĩ một đế vương có thể dễ dàng hoàn thành. Đó chỉ là vì Hoàng thượng tôn trọng tình yêu, tôn trọng cảm giác của người con gái mà mình yêu thương. Từ cổ chí kim có mấy vị đế vương, có mấy nhân
vật cao cao tại thượng thực hiện được việc như Hoàng thượng làm hôm nay? Thần rất khâm phục Hoàng thượng. Ngài là Hoàng thượng, song cũng là một người đàn ông chân tình!
Bánh xe vẫn lăn lộc cộc, khuất đằng sau Vĩnh Thuần, công chúa Vĩnh Phúc đang chìm vào suy nghĩ. Nhớ tới những
vị hoàng cô đang sống tách biệt suốt quãng đời còn lại trong mười vương
phủ, lòng nàng chợt dấy lên một nỗi bi ai. Những vị hoàng cô này hằng
ngày đều trông ngóng được cùng phu quân gặp mặt, song lại bị quản gia và quan bộc trong cung ngăn cản. Nhưng giờ nghĩ lại, những kẻ đầu kề má ấp mà bọn họ ngày đêm trông ngóng, có bao nhiêu người thật sự yêu thích
bọn họ? Chẳng qua những kẻ ấy đã không còn nhiều sự lựa chọn hơn mà
thôi.
Sự bi ai của con gái nhà thường dân mà Dương Lăng vừa kể,
chẳng qua chỉ là nỗi bi ai phải khuất phục dưới lợi danh, không thể lựa
chọn người đàn ông mà mình thích. Còn con gái trong hoàng gia thì sao?
Bọn họ chẳng những không thể lựa chọn người mình thích, mà thậm chí ngay cả với phu quân mà họ không hề thích thì cả hai cũng như Ngưu Lang và
Chức Nữ - không thể thoải mái gặp nhau. Đằng sau sự quang vinh của dòng
dõi vua chúa là biết bao bi ai?
Nàng khẽ sờ chiếc váy lụa dệt
cống phẩm mềm mại cao quý mà mình đang mặc, rồi nhìn những trang sức cực kì xa hoa quanh xe, bỗng cảm thấy những người như mình mới là kẻ đáng
thương nhất trên đời. Nàng không khỏi có phần hâm mộ Đường Nhất Tiên.
Công chúa Vĩnh Thuần buông rèm xuống, vô tư cười nói:
- Tỷ à, chẳng trách hoàng huynh lại tin yêu Dương Lăng mù quáng đến vậy,
nghe y nói nhăng nói cuội một hồi mà đầu muội cũng muốn quay mòng mòng
rồi đây. Cái gì mà người không bằng chim, chim không bằng người?! Muội
thấy y mới không phải là thứ chim gì tốt lành đó! Hí! Hí!
Vĩnh Phúc cười yếu ớt, song sự hào hứng được đi du ngoạn đã phai nhạt dần...
*****
Suối nước nóng hoàng gia Kế Châu. Đội xa giá của Hoàng đế đã đến.
Tùy tùng và những người hầu trong hành cung lần lượt vận chuyển đồ dùng hoàng thượng mang theo vào các căn phòng.
Đằng xa, lọng vàng của vua di chuyển vào một cung điện rộng lớn nhất, sau đó thu xếp chỗ trọ cho hai vị công chúa.
Đường Nhất Tiên đã xuống xe, tò mò quan sát quang cảnh chung quanh. Nàng vừa
đảo mắt, chợt thấy Chính Đức đang nhìn mình chằm chằm, liền mắng khẽ một tiếng:
- Nhìn cái gì mà nhìn? Đồ ngốc!
Miệng thì mắng yêu, song hai má đỏ au lại mang theo mấy phần thẹn thùng và đắc ý.
Chính Đức cười nói:
- Đại nhân đang thu xếp chỗ trọ cho Hoàng thượng và công chúa, bố trí
canh gác. Mời tiểu thư đi theo tôi, nơi này sẽ là chỗ trọ của cô.
Chính Đức dẫn Đường Nhất Tiên bước vào một căn lầu hoa lệ nho nhỏ dựa núi. Đường Nhất Tiên vừa ngắm nghía chung quanh vừa nói:
- Hoá ra ngươi không phải là thị vệ của biểu ca. Mới nhỏ xíu mà đã làm đến chức đại nội thị vệ, giỏi thật đấy.
Chính Đức đắc ý khoe khoang:
- Đấy là lẽ đương nhiên! Cô không thấy những thị vệ này đều nghe lời tôi
à? Tôi tuy chỉ là hiệu uý nho nhỏ, nhưng Hoàng thượng rất tin tưởng và
yêu mến tôi đấy.
Đường Nhất Tiên bĩu môi đáp:
- Cứ khoác lác đi! Cẩn thận kẻo Hoàng đế lão gia tin yêu ngươi quá sẽ thiến ngươi, đưa vào cung làm thái giám đó!
Chính Đức cười gượng gạo, đang định đáp lời thì một giọng nói ngọt ngào giòn giã cất lên:
- Đường cô nương đấy à, trên đường tôi đã muốn gặp mặt cô rồi.
Theo giọng nói, công chúa Vĩnh Thuần tung tăng chạy lại. Cả người một màu
vàng nhạt, mặt đẹp như hoa, như thể được tạc nên từ người ngọc, khuôn
mặt mang đầy vẻ ngây thơ và hồn nhiên. Cốc Đại Dụng dẫn theo mấy cung nữ và thái giám bám theo sau với vẻ bất lực.
Chính Đức trừng mắt với cô nàng, rồi bất đắc dĩ bước lên vái:
- Bái kiến công chúa điện hạ Vĩnh Thuần!
Đường Nhất Tiên giật nảy mình, liền cũng vội uốn gối định vái lạy, song Vĩnh Thuần đã chạy qua giữ tay nàng, cười hì hì bảo:
- Không cần lạy! Không cần lạy! Đường cô nương quả nhiên xinh đẹp như
hoa, tuyệt sắc nhân gian, chẳng trách hoàng... Hoàng huynh ra ngoài du
ngoạn mà Dương đại nhân cũng dẫn cô theo bên người. Y thực là yêu quý cô lắm đó.
Chính Đức lầu bầu bực bội. Ngày thường đều là Vĩnh Thuần lạy hắn, hôm nay tiểu nha đầu đó được hưởng lây vinh quang của Đường
Nhất Tiên, không ngờ cứ để mặc cho mình vái lạy, làm như không thấy,
không thèm bảo mình đứng dậy. Chính Đức đành cố rống lên thật to:
- Tham kiến công chúa điện hạ!
Vĩnh Thuần liếc y cười đầy ranh mãnh, rồi mới khoát tay bảo:
- Miễn lễ! Bình thân!
Đoạn nàng kéo Đường Nhất Tiên ngồi lên ghế phủ gấm tán gẫu. Chính Đức trừng
ánh mắt quở trách Cốc Đại Dụng, mắng thầm: "Cái tên nô tài ngu xuẩn này, sao lôi Vĩnh Thuần đến đây làm gì?"
Cốc Đại Dụng bó tay vào
trong ống tay áo, bất lực trợn tròn mắt, thầm than: "Công chúa muốn tới
thì một nô tài như lão nô làm sao mà ngăn được?"
Hai người Vĩnh
Thuần và Đường Nhất Tiên hàn huyên được một chốc thì có thái giám trong
hành cung mang mấy thứ hoa quả bánh trái đến dâng. Đi đường nhọc nhằn
nên bọn họ vẫn cần phải ăn chút gì đó trước bữa ăn chính. Vĩnh Thuần
cũng không khách sáo, bèn tự cầm lấy cùng Đường Nhất Tiên ăn chung.
Trà thơm nấu sẵn trong ấm bạc, canh sâm đã đun nóng trong bình Kê Minh(?),
váng hạnh chuẩn bị sẵn trong chén, đều là những món ăn vặt mà công chúa
Vĩnh Thuần và Vĩnh Đức hay ăn. Cô nàng vừa ăn vừa cười hì hì nói:
- Đường cô nương, tối nay chúng ta cùng đến suối nước nóng tắm rửa rồi sau đó chơi đánh bài đi!
Dẫu rằng Đường Nhất Tiên cũng tinh nghịch, hơn nữa Vĩnh Thuần nói năng rất
ân cần, nhưng đây là lần đầu gặp được công chúa có thân phận tôn quý cho nên nàng vẫn còn hơi e dè, đành khom người mỉm cười đáp:
- Dạ, hết thảy nghe theo điện hạ thu xếp.
Vĩnh Thuần mở nắp chén vàng, nhìn thấy bên trong là sữa nai hấp, không khỏi
trợn tròn mắt kinh ngạc. Chính Đức trông thấy không khỏi hơi chột dạ,
đành cười gượng gạo. Nên biết rằng trong cung ăn gì uống gì cũng đều có
quy tắc, sữa nai thì chỉ Hoàng đế mới được dùng. Trong toà hành cung này có nuôi mấy con nai già, mỗi ngày chiết ra chưa tới nửa chén; ngoại trừ Hoàng đế, ngay cả Hoàng hậu cũng không được phép dùng. Nếu như Hoàng đế không ra ngoài tuần du, thì dù có đổ bỏ cũng không ai được phép đụng
đến sữa nai.
Đó là quy tắc trong cung, Vĩnh Thuần đương nhiên
biết rõ. Lúc nhỏ không hiểu chuyện, nàng đường đường là công chúa cũng
đã khóc lóc om xòm hồi lâu, phụ hoàng mới đành trái với quy chế đút cho
nàng mấy thìa, mà còn phải nhỏ nhẹ nhờ vả, bảo quan Khởi cư đừng ghi
chép lại. Nhưng nay hoàng thượng Chính Đức không ngờ lại hào phóng để
lấy lòng Đường Nhất Tiên như vậy.
Tiếc là Đường Nhất Tiên không
hề biết cái quy tắc này, thấy công chúa cứ nhìn chăm chăm chén vàng, ngỡ rằng đây là món nàng ấy thích, bèn vội lấy môi bạc múc đầy chén ngọc
cho nàng. Vĩnh Thuần cười khì khì, vừa cầm lấy nhấp từng ngụm vừa liếc
sang hoàng huynh đang đứng bên cạnh mình với vẻ mặt hả hê.
*****
Thu xếp chỗ ở cho Hoàng thượng ổn thoả và hỏi thăm tình hình bố trí các
phòng ven núi xong xuôi, Dương Lăng vừa đi ngang qua chỗ ngụ của công
chúa thì một đại nội thị vệ bỗng hấp tấp chạy tới tìm báo:
- Đại nhân! Bên ngoài hành cung có một người con gái mặc đồ đen cầm lệnh bài Nội xưởng xin được gặp đại nhân.
Dương Lăng nghe vậy thì lấy làm lạ, trong Nội xưởng làm gì có cô con gái nào? Y chợt giật thót mình, liền vội cầm ô nhấc áo, hệt như con gái Giang
Nam mừng rỡ lướt đi trong nước, vội bước theo tay thị vệ nọ ra ngoài.
Đến chỗ ở của thị vệ bên ngoài chân núi, phía trước có bốn thớt tuấn mã
đang đứng, có ba người là đàn ông tráng kiện to lớn mạnh mẽ, người còn
lại là một cô gái áo đen. Vóc người nàng cũng khá cao, nhưng khi đứng
chung với ba gã tráng niên đó trông lại nhỏ nhắn yêu kiều hơn nhiều.
Vừa thấy Dương Lăng, nàng liền nhẹ nhàng bước tới, quỳ xuống vái:
- Tiểu tì Sở Linh tham kiến Dương đại nhân.
Người con gái này vừa đến trước mặt, y liền ngửi được một mùi thơm ngọt ngào
như nhụy hoa, thanh nhã mà không tan. Cô nàng mặc giáp mềm tay bó, giày
Man vạt ngắn, dáng người mỹ miều, bộ đồ đen tôn lên làn da trắng ngần
như ngọc đẹp, như mỡ dê.
Dương Lăng thoáng ngẩn ra, ngạc nhiên hỏi:
- Cô nương là ai? Sao lại cầm lệnh bài của Nội xưởng?
Sở Linh dịu dàng liếc y, tuy mang ý hờn trách song mắt mi như nước, vẻ
phong tình ấy cực giống với Thành Khởi Vận. Dương Lăng chợt bừng tỉnh
ngộ, không đợi nàng ta giải thích, mừng rỡ thốt lên:
- Cô là... cô là cô nương bên người Thành đáng đầu!
Sở Linh nhoẻn miệng cười, đáp:
- Chính là tiểu tì. Tiểu thư muốn tiểu tì đưa tin đến cho đại nhân.
Dương Lăng cả mừng, vội bảo:
- Chỗ này không phải là nơi để nói chuyện, cô hãy đi theo ta.
Tiến vào cửa không bao xa là nơi trú đóng của thị vệ. Thấy có mấy căn phòng
trống, Dương Lăng đưa nàng vào một căn phòng yên tĩnh, rồi vội hỏi:
- Thành cô nương vẫn khoẻ chứ?
Sở Linh duyên dáng đáp:
- Đội ơn đại nhân quan tâm, tiểu thư vẫn mạnh khoẻ. Hơn nữa tiểu thư còn
dặn dò... Việc lớn mà đại nhân cực kì quan tâm nọ đã được tiểu thư an
bài thỏa đáng, quyết sẽ không có gì sơ xuất, cũng mong đại nhân yên tâm.
Dương Lăng thoáng đỏ mặt, vội chuyển đề tài:
- Thành cô nương phái cô đến, có phải là mọi thứ đều đã chuẩn bị ổn thỏa?
Sở Linh đáp:
- Dạ, đặc sứ của quốc vương Văn Quy Nhật Bản đã bí mật đến nơi, tiểu thư
đang đưa bọn họ đi tới kinh sư. Tiểu tì đi trước một bước, đoán chừng
trong vòng năm ngày tiểu thư sẽ có thể đến được kinh sư.
Thiên
hoàng Văn Quy của Nhật Bản đã kế vị được bốn năm, mới vừa đổi niên hiệu
thành Vĩnh Chính vào năm ngoái. Trung Nguyên tin tức tắt nghẽn, vẫn quen gọi là Văn Quy. Dương Lăng nghe xong thì thoáng ngẩn người. Đặc sứ của
thiên hoàng Văn Quy? Không ngờ Thành Khởi Vận cẩn thận như vậy, ngay cả
tì nữ tâm phúc của nàng ta cũng không biết sự thật? Có điều nàng ấy cẩn
thận như vậy âu cũng có lý, chỉ cần một chút bẩt cẩn sẽ thành tội lớn
tày trời, càng ít người biết thì càng thêm an toàn.
Nghĩ vậy, Dương Lăng ậm ờ đáp:
- Tốt lắm. Khi cô về hãy nói với Thành tiểu thư, dặn cô ấy tạm thời ở lại Thông Châu, đợi bên bản quan công thủ đến bước ngoặt cuối cùng rồi mới
mời Thành tiểu thư khởi hành vào kinh, đột xuất kì binh, một trận quyết
định thắng thua.
Sở Linh đáp:
- Dạ! Trước khi tiểu tì đi, tiểu thư có căn dặn, khoảng cách giữa hai kinh rất xa, rất khó mà nắm
được tình hình gần đây của kinh sư. Tiểu thư không biết đại nhân trù
liệu tình hình thế nào, vẫn mong dặn dò một hai để tiểu tì chuyển lời
với tiểu thư, cũng dễ bề tính trước.
Dương Lăng chắp tay bước đi thong thả, trầm ngâm một lát rồi mới khẽ cười bảo:
- Mọi việc xong xuôi. Hai ngày sau bản quan hồi kinh, sẽ lập tức xin
Hoàng thượng triệu tập "Đại triều hội", phát động quan viên dâng sớ
thỉnh cầu giải trừ cấm biển.
Thấy Sở Linh chần chừ, y cười nói tiếp:
- Sở Linh cô nương! Nghe Thành cô nương nói hai người các cô cũng từng đọc qua binh thư, vậy bản quan hỏi cô một việc.
Nếu như bản quan dẫn quân tấn công, cô có bốn nơi hiểm yếu để thủ, một
trong số đó đã bị bản quan âm thầm đánh chiếm, khiến cho phòng tuyến
xuất hiện lỗ hổng, nếu chia quân đóng giữ, sức mạnh yếu đi rất có thể sẽ bị quân của ta lần lượt đánh chiếm. Nếu đổi là cô, cô sẽ làm sao?
Sở Linh nhíu mày, đáp:
- Vậy đơn giản thôi! Nếu tiểu tì là phe thủ, hơn nữa đã xuất hiện thế
xấu, phòng tuyến đã xuất hiện lỗ hổng, vậy tiểu tỳ sẽ chủ động vứt bỏ
những quan ải khác, tập trung quân lại nơi hiểm yếu nhất, quyết chiến
trận cuối cùng.
Dương Lăng thở dài:
- Đúng vậy! Nhưng sở
dĩ quan ải hiểm yếu này khó công là bởi cô có địa thế hiểm trở để thủ,
hoặc là núi cao vạn nhận (khoảng sáu thước bốn tấc tám phân - ND) không
thể trèo, hoặc nằm nơi sông to sóng lớn ngất trời. Nhưng nếu bỗng nhiên
nơi hiểm trở này lại biến thành một vùng đất bằng phẳng, thì cô làm thế
nào?
Sở Linh cười khổ:
- Không phải đại nhân đang nói đến binh pháp mà giống như hai thần tiên đang đấu phép rồi. Nếu như thật sự xuất hiện tình huống như vậy, thì nơi mà tiểu tì tập trung binh lính sẽ thành ra là chốn đem binh lực tập trung lại chờ đại nhân đến chém giết
mà thôi. Như vậy chi bằng chia quân trấn giữ còn kéo dài được chút thời
gian.
Dương Lăng cười nói:
- Cho nên cô trở về trả lời
với Thành cô nương rằng, cứ việc yên tâm là được. Bản quan sẽ đứng trước ải này cho địch thấy họ yếu, khiến bọn họ coi nơi đó là nơi hiểm yếu
duy nhất có thể cậy nhờ, tập trung toàn bộ lực lượng phản đối đến chỗ
đó. Đến lúc đó, kì binh của các cô đột nhiên xuất hiện, nơi hiểm yếu
liền sẽ biến thành đường bằng, bọn họ nhất định sẽ thất bại thảm hại,
không còn sức phản kháng. Hiểu không?
Sở Linh khẽ lắc đầu, trả lời thật lòng:
- Tiểu tì vẫn không hiểu.
Dương Lăng bật cười:
- Không hiểu cũng không sao! Cô cứ trả lời với Thành cô nương như vậy, cô ấy nghe xong tự nhiên sẽ hiểu.
Sở Linh che miệng cười, đáp:
- Lúc tiểu thư dặn tiểu tì báo với đại nhân rằng việc lớn cực kì quan
trọng đó đã được an bài thoả đáng, tiểu tì cũng không hiểu; tiểu thư
cũng bảo chỉ cần thưa lại với đại nhân y như vậy, đại nhân nghe xong tự
sẽ hiểu! Không ngờ bây giờ đại nhân cũng nói giống hệt như tiểu thư nhà
tiểu tì.
Rồi nàng khẽ cười nói tiếp:
- Vậy tiểu tì sẽ chuyển lời y như vậy với tiểu thư.
Sau cùng tiểu tì còn có một câu bẩm báo. Tiểu thư nhà tiểu tì nói rằng:
“Ngày mà tiểu thư vào kinh, sẽ còn có một hậu lễ tặng cho đại nhân. Đại
nhân trông thấy nhất định sẽ nở ruột nở gan.”
Dương Lăng ngạc nhiên hỏi:
- Là lễ vật gì, quan trọng như vậy à?
Sở Linh mỉm cười đáp:
- Nô tì cũng không rõ.
Tiểu thư nhà tiểu tì từng bảo chuyện này có thể báo với đại nhân mà cũng có
thể không. Nếu đại nhân đã nói những lời khiến tiểu tì không hiểu, vậy
chi bằng tiểu tì cũng báo ra để đại nhân cũng không hiểu một chút luôn.
Ha ha...
Đoạn cô nàng dịu dàng thi lễ, giọng đắc ý:
- Tiểu tì xin cáo từ!
Chú thích:
(1) vị thần dạy dân nuôi tằm trong truyền thuyết cổ đại
(2) vợ của Huỳnh Đế trong truyền thuyết, người khai sinh nghề nuôi tằm ở Trung Quốc
(3) một trong sáu loại y phục của hoàng hậu thời cổ đại, có màu lá dâu non
(4) nha môn trông coi việc thờ cúng trong cung
(5) nguyên văn "Vân kế", là một loại trang sức hình tóc búi cao dành cho phụ nữ chưa chồng
(6) búi tóc kiểu kị sĩ ngã ngựa ()