Đội nghi trượng của Khâm sai chậm rãi đi về phía dịch quán, dân chúng trong thành đã quen với các đội quân lớn nên chẳng để tâm lắm tới đám chỉ hơn hai trăm quan binh này, vẫn tiếp tục bận rộn cùng hưởng thụ cuộc sống của bản thân.
Yêu cầu của những người dân sống tại tầng đáy của xã hội không hề cao, chỉ cần giặc Thát tránh xa đi một chút, gió nhẹ đi một chút, ánh mặt trời ấm áp hơn một chút, đó đã là những chuyện đáng để bọn họ cảm thấy may mắn và vui mừng rồi.
Tại Đại Đồng có hơn trăm ngôi chùa chiền, am ni cô hay đạo quán, có thể thấy khắp nơi trong thành là tòa viện liền kề, am miếu san sát, hương khói vờn quanh, tiếng tụng kinh vang lên không ngớt, khiến nơi sát phạt này vẫn là một thắng địa của Phật giáo.
Theo lệ thường, khoảng đất trống phía trước các chùa chiền, đạo quán là nơi tập trung của các quầy hàng. Bởi vì Đại Đồng là con đường huyết mạch từ Mông Cổ thông đến Tấn Ký Lỗ Dự (Tên gọi tắt của 4 tỉnh Sơn Tây, Hà Bắc, Sơn Đông và Hà Nam – ND), nên tuy hai bên chém giết không ngừng nhưng phần lớn chủng loại hàng hóa được bày bán trong chợ vẫn là da lông, thuốc men, vật dụng cho ngựa của người Mông Cổ.
Trong chợ cũng có rất nhiều người Mông Cổ nhưng không người Hán nào có thái độ thù địch với bọn họ. Hai bên ở gần nhau như thế, có rất nhiều người Mông Cổ không thể sống tiếp ở quê mình nữa đã lén chạy tới địa phận của người Hán làm nhân công lao dịch, buôn bán. Một số gia đình người Hán giàu sang còn có thêm một nhóm võ sỹ Mông Cổ vừa trung thành vừa dũng mãnh. Những người này đã nhiều năm sinh sống ở đây, tình cảm đối với người Hán còn sâu sắc hơn đối với bộ tộc mình.
Hơn nữa thời đó còn chưa có phương thức truyền tin nhanh nên căn bản gian tế chẳng có bao nhiêu tác dụng. Dù thật sự nghe ngóng được tin tức tình báo nào đó thì đợi đến khi gửi được về đến nơi thì cũng sớm đã mất đi tác dụng rồi, còn kém xa một trinh sát được phái đi trên chiến trường. Do đó nha môn Tuần phủ cũng không trông chừng bọn họ quá chặt, chỉ cần có người bảo lãnh, trên người không mang theo vũ khí thì quyền tự do nhân thân của bọn họ cũng chẳng khác gì của người Hán cả.
Phía trước một ngôi chùa đang có một gánh hát đang biểu diễn, tại ngã tư phía trước lại có một đội xe ngựa rất dài đang vận chuyển lương thảo. Hoàng đế Chính Đức đang ở trong quân, Dương Lăng không dám đi thẳng tới sợ trong lúc hỗn loạn có kẻ thừa cơ hành thích Hoàng đế, nên y bèn hạ lệnh cho toàn quân dừng lại nghỉ ngơi tại chỗ.
Thời đó hí khúc đã dần hình thành phong cách riêng biệt của từng vùng, nhưng loại gánh hát nhỏ ở địa phương thế này tất nhiên chỉ hát mấy bài dân ca vùng quê, hơn nữa phần lớn còn chứa những lời thô tục.
Năm Hồng Vũ thứ 22, Chu Nguyên Chương từng đích thân hạ lệnh phàm tướng sỹ nào trong quân mà học những lời hát dâm ô sẽ bị cắt lưỡi; đáng tiếc có một số chuyện dù là Hoàng đế hạ lệnh cũng vô dụng. Những năm trở lại đây, nếp sống dân gian ngược lại còn càng ngày càng cởi mở hơn. Chính Đức ngồi trên lưng ngựa, cùng một đám thị vệ ngoảnh đầu nhìn về phía gánh hát, xem với vẻ rất hứng thú.
Câu chuyện kể về một vị Tiết độ sứ thời Đường, trong tay có tới mấy chục vạn quân, nhưng lại sợ vợ như sợ cọp, ngay một người thiếp cũng không dám nạp. Về sau khó khăn lắm ông ta mới dụ dỗ được một tiểu nha hoàn xinh đẹp, nhưng vì quá sợ vợ nên mãi chẳng dám bước nốt bước cuối cùng. Vị đại tướng quân oai phong lẫm liệt đó đang đứng trên đài mặt mày sầu khổ hát:
- Gió nhẹ mây trong trời gần sáng, bà xã phạt ta quỳ trước giường. Hàng xóm đâu tỏ tường nổi khổ, còn tưởng (ta) thanh nhàn hóa ẩm ương.
Chính Đức và đám thị vệ đều ôm bụng cười vang, vô cùng vui vẻ. Gánh hát diễn tiếp đến đoạn Tiết độ sứ hẹn hò với tiểu nha hoàn ở hậu hoa viên, vừa gặp mặt liền vội vã nhào tới ôm ấp hôn hít cô nàng, rồi lại hát:
- Nha hoàn xinh đẹp, muốn giết ta ư, sao mãi lúc này nàng mới tới, mừng lắm thay, quần áo y nguyên ngồi ôm ấp, toàn thân trên dưới nàng đều thật đẹp, dù không thể chung giường ân ái, ta sờ chút thôi cũng đỡ thèm.
Khi hát đôi tay gã diễn viên còn không ngừng lên lên xuống xuống, bộ dạng hạ lưu vô cùng.
Người dân dưới đài lớn tiếng khen hay, có vài người lấy ít tiền đồng vứt lên trên đài. Gã diễn viên đóng vai tên lính quèn canh gác vội vàng cúi người xuống nhặt, đồng thời còn nháy mắt với người xem dưới đài, độc thoại rằng:
- Tiểu nha hoàn chỉ được mẽ xinh đẹp, hơn mười lăm tuổi rồi còn chưa từng lên đỉnh; phải biết là lão gia nhà ta sợ vợ, nếu không còn tưởng là thạch nữ(*) ở hậu hoa viên. Hê hê hê, xấu hổ thay, chẳng biết thiếu nữ hoài xuân làm sao chịu được cơn ngứa ngáy này!
(*): Phụ nữ bị dị tật bẫm sinh, có dị vật che chắn âm hộ;
Dưới đài lập tức vang lên vô số những tiếng huýt sáo, tiếng cười đùa, lại càng có nhiều tiền đồng được vứt lên đài hơn. Những người dân vùng biên ải cả ngày phải lăn lộn giữa sự sống và cái chết này quả biết hưởng thụ cuộc sống hơn người Trung Nguyên.
Nghe thấy những lời dâm dật đó, Trương Vĩnh cảm thấy hơi không ổn bèn ngoảnh đầu nhìn qua Chính Đức, thấy hắn đang nghe một cách say mê, nếu không phải còn nhớ mình đang ở trong hàng ngũ, e cũng sớm đã lao đến dưới đài cùng đám thảo dân kia hò hét không ngừng rồi. Lão hơi khó xử, nói với Dương Lăng:
- Đại nhân! Những lời hát này thực tục tĩu quá, để Hoàng thượng nghe thấy rất không ổn! Ngài xem… có nên kêu người đuổi bọn họ đi không?
Dương Lăng ngoảnh đầu nhìn lại, y thấy Chính Đức đang mặt mày hớn hở, không ngờ nghe đến chỗ thích chí còn quên cả địa vị mà đưa tay vỗ vai gã thị vệ bên cạnh, tiếng cười vang lên không dứt. Trong lòng y đột nhiên cũng cảm thấy vui vẻ, đưa mắt nhìn Chính Đức với vẻ cưng chiều, rồi ngoảnh đầu lại mỉm cười:
- Thôi, mấy điệu hát này tuy đúng thực là bất nhã, nhưng cũng chưa đến mức dạy hư được người ta đâu.
Y thầm nghĩ: “Nhớ khi xưa mình còn xem av đạt đến cảnh giới tối cao, không gì là không tỏ tường, vậy mà bây giờ cũng có bị dạy hư gì đâu. Những kẻ phạm tội đó có người là nông dân chẳng hiểu gì về đồ điện tử hay máy móc, có kẻ là con ông cháu cha tiền chất đầy nhà; đây hoàn toàn là vấn đề nhân phẩm mà thôi!
Cái gì mà xem phim heo nên bị biến chất, chẳng qua là mấy kẻ bị bắt lại kiếm cớ nói càn mà thôi. Ngay đến mấy câu hát hơi phóng đãng này mà cũng không nghe được thì tiểu Hoàng đế làm sao chịu nổi sự chinh phạt của ba ngàn giai lệ chốn Hậu cung chứ?”
Trương Vĩnh nghe y nói như vậy bèn không nói gì thêm. Vì trích đoạn kịch này chuyên diễn cho người đi dường xem nên không hề dài, chẳng mấy chốc đã diễn đến đoạn thủ hạ của viên Tiết độ sứ đó hiến kế cho ôn ta giương cờ làm phản lại bà xã, rồi lấy tiểu mỹ nhân kia về làm vợ. Đại tướng quân toàn thân giáp trụ, tay cầm Thanh Long Yển Nguyệt đao, sát khí đằng đằng đi vào phòng trong, phía sau có bốn gã tiểu tốt vào vai thiên quân vạn mã.
Bà vợ xấu xí của Tiết độ sứ ở trên giường tỉnh giấc, nhìn thấy bộ dạng đó của trượng phu thì trừng mắt lên hỏi:
- Kêu chém kêu giết cái gì, ông muốn giết ai?
Viên Tiết độ sứ lập tức rùng mình, rồi quỳ ngay xuống trước giường cười nói:
- Chuyện này… Vi phu định giết gà cho nàng ăn.
Xem đến đây, Chính Đức liền cười nghiêng ngả, chảy cả nước mắt.
Đội xe ngựa chở lương thảo phía trước đã đi hết, đội quân của Dương Lăng tiếp tục tiến lên, Chính Đức ngoái đầu nhìn lại phía sau vẻ không nỡ. Lúc đó, bà vợ hung hãn kia đã biết rõ ý đồ của trượng phu khi mang đao tới phòng bèn nổi giận đùng đùng. Đại tướng quân phải chạy ra khỏi phủ, nhảy lên lưng ngựa bỏ trốn, còn hiềm ngựa chạy chậm nên vội rút cờ hiệu sau lưng ra quất lấy quất để vào lưng ngựa. Bộ dạng thảm hại đó khiến Chính Đức không kìm được lại bật cười.
Thì ra cuộc sống của người dân lại thú vị như vậy, tuy vấn đề ăn mặc có hơi kém một chút, nhưng thật là nhẹ nhàng thoải mái biết bao.
Chính Đức hệt như một đứa nhóc ở vùng quê nghèo khó vừa vào thành, nhìn thấy cái gì cũng cảm thấy mới mẻ. Người ở đây nhìn thấy gã cũng không quỳ xuống, còn gã thì không cần cả ngày căng mặt ra không nói lời nào, chú ý giữ gìn sự uy nghi của thiên tử. Một cuộc sống như vậy chính là điều mà gã mong ước bấy lâu.
Chính Đức hơi thúc ngựa, đi nhanh tới bên cạnh Dương Lăng, trên mặt vẫn còn nét tươi cười, hào hứng cất tiếng:
- Dương… Dương đại soái! Cuộc sống của những người dân bình thường này thật thú vị! Tuy có hơi khổ, nhưng bọn họ vẫn có thể tìm được rất nhiều niềm vui.
Dương Lăng gật đầu đáp:
- Đúng rồi, cho nên mới nói trăm họ là những người dễ đối đãi nhất. Nếu không có thiên tai khiến bọn họ chịu cảnh đói rét, khó có thể sinh tồn; nếu không có đám tham quan ô lại chèn ép bọn họ khiến bọn họ nhà tan cửa nát; thì chỉ cần có cơm ăn, có nơi ở, được đối xử đàng hoàng tử tế một chút, trăm họ ắt sẽ là những người dân tốt hết sức biết vâng lời.
Chính Đức cẩn thận ngẫm nghĩ về những lời này, trên đường trầm tư suốt một hồi lâu, sau đó mới thúc ngựa đuổi theo Dương Lăng, nở nụ cười nhẹ, trịnh trọng gật đầu nói với y:
- Ta hiểu rồi!
Đội nghi trượng đi qua cửa hàng da nhà họ Hàn. Dương Lăng ngoảnh đầu lại nhìn về phía đó một lần nữa, một thiếu niên đang đứng ở cửa nhìn thấy y liền không kìm được hé miệng cười. Bộ dạng tinh nghịch đó khiến y thầm cảm thấy ấm áp, bất giác nhớ đến người vợ yêu dấu Ấu Nương ở kinh sư.
Y thoáng gật đầu chào thật kín đáo với Hàn Mãn Thương rồi thúc chân vào bụng ngựa, tăng tốc độ lên. Cửa hàng da họ Hàn vừa là nơi y an bài để cha con Hàn Lâm kiếm sống vừa là tai mắt ngầm quan trọng nhất mà y sắp đặt ở Đại Đồng, quan hệ giữa hai bên không thể để lộ. Trước mắt bao người, y không tiện đi gặp nhạc phụ của mình.
Thêm vào đó lần này y xuất kinh với nhiệm vụ quan trọng. Trước khi đạt thành hiệp nghị với Đóa Nhan Tam Vệ, thân phận của Hoàng đế Chính Đức và mục đích thật sự của hắn khi tới đây càng để ít người biết tới thì càng tốt. Muốn đi gặp người thân, xem ra chỉ có thể đành phải đợi đến sau khi gặp đại thủ lĩnh của Hoa Đáng mới được.
***
Trong một căn phòng ở tầng hai của một ngôi tửu lầu bên đường, một gã trung niên thân hình cao lớn mặc bộ quần áo da nghiêng đầu ra ngoài cửa sổ quan sát đoàn quân Dương Lăng đi qua. Sau đó hắn quay trở lại ngồi xuống bàn, nhấp một ngụm rượu, cau mày:
- Dương Lăng vâng chỉ tuần tra vùng biên cảnh, tuy lần này đội ngũ hơi lớn hơn bình thường một chút, nhưng dù sao hắn cũng vừa bị bắt cóc ở kinh sư nên việc phòng vệ nghiêm ngặt hơn cũng chẳng có gì là khó hiểu. Thật chẳng nhìn ra là Hoàng đế đang ở đây!
Hắn nở một nụ cười khinh miệt, quắc cặp mắt sắc bén lên nhìn về phía đối diện:
- Hoàng đế của người Hán các ngươi giống như một bông hoa yếu ớt, giống như một con chim lông vàng được nuôi trong lồng, chỉ có thể nấp trong Tử Cấm Thành mà đưa hiệu lệnh. Chả được như Khả Hãn của bọn ta, đó là hùng ưng của đại mạc, anh hùng trên thảo nguyên. Thông tin Giáo chủ của các ngươi vừa báo không phải là giả đấy chứ?
Đối diện hắn là một thương gia béo tròn trắng trẻo tuổi chừng hơn năm mươi, trên người mặc một chiếc áo gấm dung tục, khuôn mặt nở một nụ cười đầy hòa khí, cứ tựa như là phật Di Lặc.
Tên thương gia nghe thế liền cười hà hà:
- Khất Khắc Nông tướng quân! Di Lặc giáo thần thông quảng đại, đệ tử của bọn ta có mặt ở khắp nơi, cho dù là tin tức của Hoàng đế cũng có thể thăm dò được. Chính Đức nhất định đang ở trong quân của Dương Lăng, tuyệt đối không giả!
Ánh mắt của kẻ được gọi là Khất Khắc Nông quắc lên nhìn chằm chằm vào gã hồi lâu, cuối cùng mới xoa tay bảo:
- Nhưng bọn hắn định gặp mặt Hoa Đáng ở đâu chứ? Lúc nào thì gặp mặt? Chúng ta rốt cuộc có cơ hội nào để lợi dụng không? Bọn ta đã không thể đợi tiếp nữa rồi.
Đại quân của Khả Hãn là những võ sỹ dũng mãnh nhất trên thảo nguyên, nhưng bọn họ không phải là thần, cũng cần có thức ăn. Hiện nay lương thảo của bọn ta đã dùng hết; không chỉ những con ngựa chết mà ngay đến những con ốm yếu hay bị thương cũng đều bị giết để ăn thịt cả rồi. Cứ tiếp tục như thế này nữa thì bọn ta chỉ có thể ăn thịt người thôi!
Gã Phật Di Lặc ngồi đối diện hoàn toàn chẳng hề quan tâm đến vẻ hung hăng của đối phương. Híp đôi mắt mọng nước lại, từ trong hai cái khe hẹp dài kia lộ ra những tia sáng rực, thân hình hơi ghé về phía trước, gã cười nhạt nói:
- Khất Khắc Nông tướng quân! Hãy nghĩ xem người các ngài muốn giết là ai? Là Hoàng đế! Hoàng đế của Đại Minh! Cơ hội này còn không đáng để các ngài đợi tiếp ư?
Hiện nay khác với thời Anh Tông ở Thổ Mộc Bảo; Anh Tông còn có anh em, Chính Đức thì không có. Chính Đức mà chết, những kẻ nắm binh quyền được hắn tin tưởng như Dương Lăng, Lưu Cẩn, Trương Vĩnh đều sẽ vì tội xúi giục Hoàng đế tới biên cảnh mà bị xử tử hết. Lý Đông Dương, Tiêu Phương và Dương Đình Hòa thân là Đại học sỹ, nhất định sẽ vì không làm tròn bổn phận, hộ chủ bất lực mà bị bãi chức.
Người của bọn ta sẽ thừa cơ xúi giục khiến các phiên vương nổi dã tâm, triều đình nhà Minh ắt sẽ đại loạn. Đến lúc đó bản giáo thuận theo ý trời, chọn lúc ấy mà khởi binh, sẽ dễ dàng đoạt được thiên hạ. Khi đó… tất nhiên cần tới sự giúp đỡ của thiết kỵ Thát Đát. Thử nghĩ mà xem, chúng ta sẽ giúp các vị thôn tính Đóa Nhan Tam Vệ; vùng Liêu Đông cũng thuộc hết về Khả Hãn, còn cả các vùng Cam Túc, Thanh Hải mà bọn ta đã đồng ý cắt nhượng nữa, những thứ này còn không đáng để các vị đợi tiếp sao?
Gã mỉm cười dựa lưng vào chiếc ghế, ung dung nhấp một ngụm rượu, lại gắp lấy một miếng thức ăn, nheo mắt nói tiếp:
- Người Hán bọn ta có câu “nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Để có một viên danh tướng còn mất cả vạn tính mạng như thế, huống chi điều các vị muốn đạt được còn lớn hơn nhiều, kiên nhẫn chờ thêm một quãng thời gian nữa thì có sao?!
Hoàng đế Đại Minh chuẩn bị gặp thủ lĩnh của Đóa Nhan Tam Vệ, loại hoạt động ngoại giao lớn như thế thì bọn chúng có muốn giấu cũng khó. Nhất định bọn ta sẽ thăm dò được những thông tin tiếp theo. Xin trở về hồi báo với Khả Hãn: bọn chúng đã tới đây rồi, thời cơ cũng không còn xa nữa.
Khất Khắc Nông nghiến răng đáp:
- Được, Du hộ pháp, ta sẽ chuyển lời về. Các ngươi hãy giúp bọn ta thăm dò rõ ràng xem xung quanh những thôn trang nào ở phía trước Đại Đồng không có phục binh, trong thôn còn có trâu ngựa lương thực không. Bọn ta… bọn ta nhất định phải phái dũng sỹ đi vòng qua đại quân nhà Minh, cướp lấy một ít lương thảo ở vùng phụ cận mới được.
Du hộ pháp vui vẻ đáp:
- Điều này thì bọn ta có thể làm được. Việc phòng ngự ở phía Liêu Đông của các vị cũng cần buông lòng hơn một chút, để các thủ lĩnh của Đóa Nhan Tam Vệ có thể bình an đến đây. Ha ha ha! Hoàng đế Đại Minh và tướng quân thân tín nhất của hắn, còn cả những thủ lĩnh bộ lạc có uy vọng nhất của Đóa Nhan Tam Vệ nữa. Khi bọn chúng đột nhiên bị giết chết thì đó chính là lúc bọn ta hô mưa gọi gió rồi.
Khất Khắc Nông nghe xong những lời đầy mê hoặc ấy, trong mắt không khỏi thoáng qua một nét hưng phấn và tham lam. Hắn uống một ngụm rượu lớn, đứng dậy nói:
- Được! Có tin tức gì hãy lập tức thông báo cho bọn ta, còn cả chuyện lương thảo cũng không thể chậm trễ! Để có thể vững chân tại đây, ngày mai bọn ta sẽ đại chiến với quân Minh một trận nữa!
Hắn túm lấy chiếc mũ da chó đội lên đầu, hậm hực mắng:
- Tên Dương Nhất Thanh đáng chết, bọn ta lùi hắn liền cắn chặt không buông, bọn ta đánh hắn liền rút vào trong thành, làm tiêu hao lương thực của bọn ta. Vương Thủ Nhân thì lưu manh vô lại, chuyên chơi mấy trò xấu như dùng độc, đặt bẫy. Hừ! Tướng quân người Hán các ngươi chẳng kẻ nào là hảo hán hết!
***
Ngày hôm sau, Dương Lăng và Trương Vĩnh dẫn binh ra ngoài thành, đến Trấn Khương Bảo ủy lạo sỹ tốt.
Tiền phương đang có chiến tranh, Dương Lăng và Trương Vĩnh không dám để Hoàng đế mạo hiểm nên lưu lại ba trăm thị vệ đại nội canh gác dịch quán. Y biết Chính Đức hiếu động, e hắn không nhịn nổi mà lại chạy ra ngoài chơi bèn phái người đi tìm luôn gánh hát nhỏ kia đến biểu diễn, hy vọng có thể giữ chân được vị tiểu Hoàng đế này.
Đại quân bắt đầu tiến đi. Mặt đất hơi chấn động, tiếng vó ngựa vang lên như sấm rền. Dân thường và binh sỹ đang tản mạn trên đường đều cố gắng tránh qua hai bên, mấy ngàn kỵ binh ào ạt đi qua, khôi giáp sáng ngời, đao thương bóng loáng.
Dương Lăng thúc ngựa đi trên con đường lớn bằng phẳng trong thành, thân quân hộ vệ ai nấy đều anh dũng mạnh mẽ, đi sát theo ở bốn phía trước sau phải trái y và luôn giữ vững cự ly nhất định.
Đại kỳ của Khâm sai thêu hình rồng màu vàng đen, chiến kỳ màu đỏ máu, soái kỳ thêu chữ Dương màu xanh sẫm, tất cả cùng tung bay trước gió, phát ra những tiếng phần phật. Cả đội ngũ đều là khinh kỵ tinh nhuệ, đội ngũ chỉnh tề uy nghiêm, đao thương bóng loáng tỏa ra ánh sáng lạnh ghê người, nhất thời sát khí ngợp trời, thể hiện rõ vẻ dũng mãnh thiện chiến của đội ngũ này.
Tất cả sỹ tốt đều mặc giáp nhẹ. Đi đầu tiên là đội lính ném lao, mỗi người đều mang theo năm cây lao dùng khi đánh bộ, cán lao được làm bằng gỗ mềm, dài chừng hai mét, trước to sau bé, đầu được bọc sắt, trọng tâm nằm ở phía trước. Loại lao này không thể ném xa, nhưng trong phạm vi mấy chục bước ắt có thể xuyên qua cơ thể người, giáp trụ cũng khó mà khăn cản, có sức uy hiếp rất lớn với kỵ binh Mông Cổ dũng mãnh.
Dù loại lao này không thể ném xuyên qua lá chắn, nhưng khi bị ném trúng rồi thì đối phương cũng không thể sử dụng lá chắn tiếp được nữa, chỉ có thể bỏ lá chắn đi mà chiến đấu. Còn nếu ném trúng cơ thể người hay ngựa, dù có thân thể to lớn như chiến mã cũng phải gục ngã ngay, khi đó kỵ binh phía sau sẽ khó mà tăng tốc tiếp cận quân mình, ngăn cản được ưu thế của kỵ binh.
Tiếp sau đó là đội súng ống, còn đội cung nỏ thì được xếp cuối cùng ở phía sau đội lính mang đao thuẫn và lính cầm côn sắt. Toàn bộ đội cung nỏ đều sử dụng những chiếc nỏ rất cứng, phải dùng chân mới có thể trương dây, có thể bắn tên xa tới năm sáu trăm mét, tên xuyên thủng giáp trụ là chuyện dễ như trở bàn tay.
Vốn kỵ binh sử dụng loại nỏ cứng này không thích hợp, nhưng Dương Lăng dẫn binh xuất kinh thì tác dụng chủ yếu của đội quân là phòng thủ, do đó y đã sắp xếp thêm tám trăm người sử dụng nỏ cứng bắn tầm xa. Thử nghĩ mà xem, khi khinh kỵ của đối phương đang ào ào xông tới, bầu trời phía trên đỉnh đầu bọn chúng đột nhiên xuất hiện một loạt tên dày đặc, rồi mấy trăm người ngựa bị bắn xuyên cơ thể gục ngã xuống đất, ngay sau đó lại là từng hàng từng hàng lao được ném tới.
Kế sau đó là loạt đạn đầy trời, rồi côn sắt và đoản đao cùng phát ra như mưa, trong thời gian ngắn đủ khiến cho bất kỳ đội tiên phong dũng mãnh nào của đối thủ cũng phải tan vỡ. Đợi khi đội ngũ chính của đối phương kịp xông tới thì đám khinh kỵ bọn họ đã quay đầu bỏ chạy xa rồi.
Trong hành dinh Khâm sai, Chính Đức cười híp mắt ngồi trên một chiếc ghế lớn bọc vải nhung, trước ngực ôm một đống lớn đồ ăn vặt, dáng vẻ rất khoan khoái, chẳng khác gì một đứa bé ngoan được dỗ dành nên hết sức vui vẻ. Để giữ bí mật thân phận của gã, người của gánh hát không được báo cho biết họ đang diễn cho ai xem, cũng không nhìn thấy Chính Đức. Trong sảnh treo rèm, hắn ngồi ngay sau bức rèm nên có thể nhìn rõ mọi thứ bên ngoài, nhưng đứng bên ngoài thì lại không thể nhìn rõ người bên trong.
Trên đài vừa mới bắt đầu biểu diễn, Chính Đức liền cười hà hà một tiếng, nhảy xuống bảo gã thị vệ bên cạnh:
- Ban thưởng cho bọn họ ra sức hát tiếp, sau khi trở về sẽ còn có trọng thưởng. Chúng ta đi thôi!
Viên thị vệ đại nội hơi ngẩn người, vội thấp giọng hỏi:
- Hoàng thượng! Chúng ta đi đâu?
Chính Đức trừng mắt nhìn gã, cười mắng:
- Đồ ngốc! Dương thị độc và Trương Vĩnh đi đâu thì trẫm tất nhiên cũng phải tới đó. Ở kinh thành thì không có cách nào cựa quậy được, nhưng đến đây rồi mà trẫm còn không thể tận mắt xem đại quân tác chiến, há lại chẳng nuối tiếc ư?
Sắc mặt viên thị vệ biến đổi hẳn, gã kinh hãi thưa:
- Hoàng thượng! Dương đại nhân đã dặn đi dặn lại xin Hoàng thượng ngàn vạn lần đừng rời khỏi dịch quán. Đang lúc có chiến tranh với giặc Thát ngoài biên cảnh, sự an toàn của Hoàng thượng quan trọng vô cùng, không thể đi được!
Chính Đức bất mãn:
- Lời của Dương Lăng thì ngươi nghe, lời của trẫm ngươi không nghe sao? Muốn kháng chỉ chắc? Hừ! Cứ nói là muốn phò tá trẫm làm một thiên tử anh minh; trông cái trò này, Dương khanh cũng muốn dỗ dành trẫm như dỗ dành trẻ con chắc, tức quá!
Thị vệ đã quen nghe mệnh lệnh của Hoàng đế, hai vị Khâm sai lại không ở đây, gã nào dám khảng chỉ nhưng vẫn thấp giọng van vỉ:
- Hoàng thượng! Sự an nguy của người quan trọng vô cùng, nếu người bị tổn thương gì thì dù róc xương lóc thịt bọn thuộc hạ cũng không bù đắp được.
Chính Đức đắc ý đáp:
- Ngươi không đoán được là trẫm muốn đi theo, Dương khanh cũng không đoán được là trẫm muốn đi theo. Ngươi tưởng trên đời này thật sự có thần tiên đoán được suy nghĩ nhất thời của trẫm hay sao chứ? Huống chi trong thành Đại Đồng có rất nhiều binh mã, một hiệu úy nhỏ nhoi như trẫm đi lại giữa thiên quân vạn mã, trên đầu lại không hề che lọng vàng, ai nhận ra ta được?
Hơn nữa ra khỏi Đại Đồng còn có Trường Thành, kế đó là hơn hai mươi công sự đóng quân như Hồng Tứ bảo, Trấn Xuyên bảo, Đắc Thắng bảo và hơn trăm phong hỏa đài. Trong thành thì có hơn mười vạn quân, giặc Thát vẫn còn ở ngoài Trường Thành, trẫm lại sợ đến nỗi không dám ra khỏi cửa ư? Bớt lằng nhằng, đi thôi!