Người Chốn Xưa

Chương 6: Chương 6: Lo nghĩ




Edit: Ryal

Uông Sở Lương không cho Lương Hiệt nói thêm câu nào nữa, thẳng thừng cúp máy.

Y tiếp tục thản nhiên ăn bữa sáng, vờ như không thấy những tin nhắn liên tục được gửi tởi từ phía Lương Hiệt.

Uông Sở Lương nhàn nhã ở nhà hết một buổi sáng, nhưng đến chiều vẫn không tự chủ được mà đâm lo.

Y không coi Kha Địch là tình địch, nhưng cậu ta đúng là rất dính người. Uông Sở Lương khỏi cần nghĩ cũng biết, chắc chắn tên kia vừa thấy mặt Lương Hiệt là sẽ xáp ngay vào người hắn cho coi.

Chẳng biết cái đồ Lương Hiệt kia đã hạ cái thuốc gì mà người ta đang yên đang lành cứ phải mặt dày dính lấy hắn, ý đồ hiến thân liên tục thất bại nhưng càng thua lại càng đánh tiếp.

Ý chí bất khuất kiên cường, đúng là khiến người ta phải bội phục.

Uông Sở Lương ngồi trước cửa sưởi nắng xem điện thoại, cứ thoát ra rồi vào lại vòng bạn bè của Lương Hiệt.

Thực ra y biết chắc hắn chẳng đăng gì đâu.

Nhưng y không nhịn được.

Giờ mới là ngày thứ hai, mấy ngày nữa y sẽ thành thế nào đây?

Uông Sở Lương có cảm giác lần này mình đã nghịch dại.

Y buông điện thoại, dựa người ra sau ghế rên hừ hừ, rên chán rồi thì thay quần áo tới cửa hàng.

Lúc Uông Sở Lương đến nơi, sư huynh vẫn còn đang bận bịu.

Dạo này cả hai người đều có việc, Uông Sở Lương thì không gấp nên làm từ từ cũng được, nhưng sư huynh thì đã đẩy nhanh tiến độ không quản ngày đêm được mấy hôm rồi nên râu ria xồm xoàm khắp mặt.

“Ăn cơm chưa?“. Ông hỏi. “Đỡ sốt chưa?“.

Uông Sở Lương cười cười: “Em đỡ rồi“.

Y bước lên tầng: “Anh chưa ăn gì đúng không?“.

Tòa nhà hai tầng này cũng là do sư phụ để lại, tầng trên là chỗ sư huynh ăn ở hàng ngày, tầng dưới là cửa hàng.

“Sáng nay làm bát mì rồi“.

Uông Sở Lương vừa vào bếp đã thấy nguyên một thùng mì gói, mà cái người này ăn xong vẫn chưa dọn dẹp.

Y dọn sơ qua một chút, điện thoại trong túi lại bắt đầu rung.

Uông Sở Lương rửa tay rồi lấy nó ra, Lương Hiệt lại gửi tin nhắn: [Anh đang làm gì thế?].

Chắc giờ này Kha Địch đã xuống máy bay rồi.

Y cười cười, trả lời Lương Hiệt: [Khách hàng đưa tôi đi xem triển lãm].

Hắn mãi không nhắn lại, Uông Sở Lương trợn mắt, bỏ điện thoại vào túi.

Lúc xuống tầng, sư huynh nói: “Đúng lúc đấy, cho anh xin ngụm nước nào, khát khô cổ rồi này“.

Tay sư huynh còn đang bận việc, nên Uông Sở Lương đưa cốc nước tới tận miệng cho ông.

“Đúng rồi, em đã cân nhắc chuyện kia chưa?“.

“Em không đi đâu“. Đúng là Uông Sở Lương phải đi công tác, nhưng y từ chối rồi. Lần trước có một người giàu có khoảng độ năm mươi tới tiệm, có thể coi là người quen của sư phụ họ năm xưa.

Ông chú ấy ngày trước cũng theo học nghề cùng sư phụ, sau này chán cái cảnh không kiếm ra tiền nên bước vào con đường “nghệ thuật thương mại”, mở vài phòng tranh bán cả tranh chữ và dụng cụ, kiếm lời không ít.

Uông Sở Lương và sư huynh vẫn cứ thấy khó tin. Hai người đều nghĩ những thứ mình làm ra chẳng có bao nhiêu giá trị, đủ để sống qua ngày thôi, nhưng không ngờ sau khi sư phụ qua đời thì ông chú kia lại tìm tới, đưa ra một con số trên trời cho mấy món gốm màu họ làm ra trong lúc tập luyện.

Khi ấy, ông ta nói: “Có là nghệ thuật thì cũng không được coi rẻ bản thân chứ“.

Uông Sở Lương và sư huynh đều không biết nên làm gì, dù sao nhờ ông chú này mà cuộc sống của họ cũng được những lúc dư dả hiếm hoi, không cần thắt lưng buộc bụng cho chi phí sinh hoạt nữa.

Ai ngờ ông ta lại giở trò cầm thú, thừa dịp Uông Sở Lương đang rửa kệ để hàng trong kho thì hết ôm eo rồi tới sờ tay, lại còn nói với y: “Tháng sau ở chỗ anh có triển lãm cá nhân, có mấy ông chủ muốn gặp em đấy, đi với anh đi“.

Đây là một cơ hội phát tài rất tốt. Nếu Uông Sở Lương làm quen với những người đó thì có thể nói sau này y sẽ bước lên con đường “ngụy nghệ thuật gia”, không cần nghĩ ngợi nhiều về tiền bạc, y và sư huynh không cần lo lắng xem có nên đóng tiệm hay không, y và con trai cũng chẳng cần sống trong căn hộ vừa chật chội vừa cũ kĩ từ xưa lắc xưa lơ nữa.

Nhưng trên đời làm gì có bữa cơm nào miễn phí, Uông Sở Lương biết rất rõ điều ấy.

Tuy y có vẻ không để bụng bất cứ chuyện gì, nhàn nhã thảnh thơi, nhưng y cũng giữ lại chút trong sạch cho chính mình.

Trước khi đi ông chú kia còn nói lại chuyện mình mời mọc Uông Sở Lương cho sư huynh nghe, dĩ nhiên là phiên bản sạch sẽ có chọn lọc.

Sư huynh cảm thấy đây là một cơ hội tốt, ông hỏi ý Uông Sở Lương, nhưng y không nói gì.

Hôm qua cả thông tin vé máy bay và thông tin khách sạn đều được gửi tới, sư huynh bèn nhắc lại.

Uông Sở Lương cười: “Đồng chí nhà em không cho đi, em ấy bảo là lão già kia có ý đồ không tốt“.

Sư huynh đơn thuần không hiểu ý y là gì.

“Hôm đó lão già kia sờ eo em“. Uông Sở Lương ngồi xuống băng ghế nhỏ bên cạnh. “Em kể cho em ấy rồi“.

“Sờ eo á?“. Sư huynh trợn tròn mắt. “Bảo sao hôm ấy Lương Hiệt đi về mà mặt mũi cứ hằm hằm, anh còn tưởng cậu ấy bực vì em nấu cơm cho anh!“.

Uông Sở Lương cười cười cầm lấy cốc nước của mình, nhìn ánh nắng ngoài khung cửa sổ, tâm trạng lại tốt lên.

Sư huynh cũng biết chuyện của y và Lương Hiệt, người duy nhất mù mờ về chân tướng chỉ có mình hắn mà thôi.

Lúc đùa giỡn, bao giờ Uông Sở Lương cũng gọi Lương Hiệt là đồng chí nhà mình. Thi thoảng sư huynh lại khuyên y đừng nghịch ngợm nữa, cứ nhanh nhanh ngả bài rồi sống bình an bên nhau đi, nhưng Uông Sở Lương không nghe – y muốn Lương Hiệt yêu mình của hiện tại.

“Thế thôi anh cũng không đi đâu“. Sư huynh nói. “Mà không ngờ sư thúc lại là loại người như thế đấy“.

“Đâu thể trông mặt mà bắt hình dong được“. Uông Sở Lương đáp. “Cũng có thể do anh ngây thơ quá đấy“.

Y uống một ngụm nước, đột nhiên mỉm cười: “Sư huynh à, ổng lại tới nữa kìa“.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.