Mới đây tôi lại đến Struthof vào một ngày đông trong trẻo và lạnh giá. Đi qua Schirmeck là rừng ngập tuyết, phủ trắng cây cối và nền đất. Khuôn viên của trại tập trung là một khoảnh đất thuôn dài trên nền đồi dốc xuống với tầm nhìn xa xuống vùng đất trũng trắng xóa dưới ánh mặt trời. Những tháp canh hai, ba tầng và dãy lán quét sơn xanh xám tương phản thân thiện trên tuyết. Dĩ nhiên, có cổng vào chăng mắt cáo mang dòng chữ Struthof-Natzweiler và quanh trại là hai lớp rào dây thép gai. Nhưng nền đất giữa những lán gỗ còn sót lại bị lấp dưới lớp tuyết phủ lóng lánh, nơi ngày xưa các lán xây sít nhau, không nó gợi lại chút gì về trại giam nữa. Có thể lẫn nó với sườn dốc trượt tuyết cho bọn trẻ con đang nghỉ đông trong những lán gỗ thân thiện có cửa sổ chia ô ấm cúng, và người ta sắp gọi chúng vào nhà uống cacao nóng.
Trại giam đóng cửa. Tôi dò dẫm đi lại trong tuyết và ướt cả chân. Có thể nhìn sâu vào khu trại và nhớ lại hôm xưa, khi đến đây lần đầu, tôi đo bước chân dọc những bậc thang giữa móng tường của những lán gỗ bị dỡ đi ra sao. Tôi cũng nhớ đến những là thiêu người mà ngày xưa người ta trưng bày trong lán, và trong một lán khác là các xà lim. Tôi nhớ hồi đó đã cố gắng vô ích ra sao để mường tượng cụ thể ra cảnh trại giam đầy tù nhân và lính gác cũng như nỗi khổ ải ở đó. Thật sự là tôi có cố gắng ngắm nghía một lán gỗ, nhắm mắt lại và xếp những lán gỗ như thế sát vào nhau trong tưởng tượng. Tôi lấy bước chân đo lán, dựa theo tờ hướng dẫn tham quan để tính ra số lượng tù nhân và tưởng tượng ra cảnh chặt ních. Tôi được biết là những bậc thang giữa các lán được dùng làm nơi điểm danh và nghĩ ra những tấm lưng sít cạnh nhau trên các bậc từ đầu trại đến cuối trại. Nhưng nhọc công vô ích, và tôi thấy mình bất lực đến thảm hại và xấu hổ. Trên đường về tôi thấy ở chân dốc một ngôi nhà nhỏ đối diện quán ăn, ghi là phòng hơi ngạt. Nhà quét màu trắng, cửa ra vào và cửa sổ có viền khung sa thạch, có thể coi là kho đựng rơm cỏ hay nhà ở của lao động cũng được. Ngôi nhà ấy cũng đóng, tôi nhớ là ngày xưa đã vào bên trong rồi. Tôi dừng xe một lát để nhìn ra nhưng không tắt động cơ, rồi lại đi tiếp.
Mới đầu tôi ngại đi quanh co qua các làng xóm của vùng Alsace trên đường về nhà và tìm quán ăn. Nhưng nỗi ngại ngần ấy không xuất phát từ linh cảm nào rõ rệt, mà do suy nghĩ, sau khi đến xem một trại tập trung người ta phải có cảm xúc gì. Tôi tự nhận ra điều đó, nhún vai và tìm thấy ở cuối dốc một quán ăn mang tên Cậu bé. Từ chỗ ngồi, tôi có thể nhìn ra vùng đất trũng. Hanna vẫn gọi tôi là cậu bé.
Lần đầu đến xem trại tập trung, tôi đi quanh quẩn cho đến giờ đóng cửa. Sau đó tôi ngồi xuống bên đài kỷ niệm phía trên trại giam và nhìn xuống khu trại. Tôi thấy cực kỳ trống trải trong lòng, tựa như khi đi xem tôi đã không tìm gì ngoài trại, mà tìm ngay trong chính mình và nhận ra là trong tôi chẳng có gì.
Trời đã tối. Tôi phải chờ một tiếng trước khi một chiếc xe tải không mui cho tôi leo lên sàn chở hàng và đi đến ngôi làng gần đó. Tôi bỏ ý định vẫy xe đi nhờ về đến nhà trong cùng ngày. Tôi kiếm được một phòng trọ rẻ ở quán ăn trong làng, gọi một lát thịt mỏng dính với khoai tây và đỗ.
Ở bàn bên cạnh, bốn người đàn ông ầm ĩ chơi bài. Cửa mở, một ông già nhỏ thó bước vào. Ông mặc quần ngắn, có một chân gỗ. Ông gọi một cốc bia ở quầy. Ông quay lưng và cái sọ to tướng hói trụi lại với bàn bên. Mấy người đang chơi đặt bài xuống, moi trong gạt tàn mấy đầu mẩu thuốc và ném trúng ông. Ông già đứng bên quầy huơ tay sau gáy như đuổi ruồi. Chủ quán đem bia lại. Không ai nói gì.
Tôi không nhịn được, đứng dậy đi đến bàn bên. “Các ông thôi đi!” tôi giận run. Đúng lúc đó ông già nhảy lò cò lại gần, nghí ngoáy đùi rồi chợt cầm chiếc chân gỗ trong tay và nện đánh rầm lên mặt bàn làm cốc chén và gạt tàn nhảy tưng rồi thả phịch người xuống chiếc ghế trống vừa cười hinh hích với chiếc mồm móm, những người khác cũng cười theo, tiếng cười ồn ã của hơi men. “Các ông thôi đi!”, họ cười và chỉ tay vào tôi. “Các ông thôi đi!”
Buổi đêm gió thổi như bão quanh nhà. Tôi không thấy lạnh, và tiếng gió hú, tiếng cành cây nghiến và thỉnh thoảng tiếng cửa sổ đập cũng không to đến mức khiến tôi phải mất ngủ. Nhưng trong lòng tôi xáo động càng lúc càng dữ, đến lúc tôi run khắp người. Tôi kinh hãi, không phải vì đợi chuyện gì khủng khiếp xảy ra, mà vì thể trạng mình. Tôi nằm đó, lắng nghe tiếng gió và thở phào khi thấy gió nhẹ và lặng dần, chỉ sợ nó lại mạnh lên và không biết ngày mai làm sao thức dậy để vẫy xe đi nhờ về nhà, tiếp tục học hành và tương lai có công việc, có vợ con.
Tôi vừa muốn thấu hiểu vừa muốn lên án tội ác của Hanna. Nhưng nó quá ghê rợn. Nếu tôi cố thấu hiểu tội ác ấy thì lại có cảm giác không thể lên án nó ở mức độ xứng đáng. Nếu tôi lên án nó ở mức độ xứng đáng thì không có chỗ cho sự thấu hiểu. Nhưng đồng thời tôi muốn hiểu Hanna; không hiểu cô sẽ đồng nghĩa với phản bội cô lần nữa. Tôi không đến được hồi kết. Tôi muốn đương đầu với cả hai: thấu hiểu và lên án. Nhưng cả hai đều bất thành. Ngày hôm sau lại là một ngày hè tuyệt đẹp. Vẫy được xe ngay, vài tiếng sau tôi về đến nhà. Tôi đi qua thành phố, cứ như vắng mặt lâu lắm; phố xá, nhà cửa và mọi người đều lạ. Nhưng thế giới xa lạ của trại tập trung không vì thế mà nhích lại gần tôi hơn. Ấn tượng về Struthof hòa đồng vào một vài hình ảnh của Auschwitz, Birkenau và Bergen-Belsen mà tôi đã sẵn có, và đông cứng lại cùng chúng.