Tuần kế tiếp cực bận rộn. Tôi không nhớ là bài báo cáo mà tôi đang làm cũng đang bị áp lực thời gian, hay chính tôi tự đặt áp lực cho mình về công việc và thành tích.
Ý tưởng của tôi vào thời điểm bắt đầu bản báo cáo thì không ra gì. Khi kiểm tra lại, tôi liên tục vấp vào những sự ngẫu nhiên, thay vì ý nghĩ và quy luật. Đáng lẽ phải chấp nhận điều đó thì tôi cứ tìm tòi tiếp trong bức xúc, ngoan cố và dè dặt, tựa như ý tưởng của tôi về thực trạng đã sai thì thực trạng cũng sai theo, và tôi đã sẵn sàng bóp méo, phóng đại hay hạ thấp các số liệu. Tôi sa vào một tình trạng bất ổn kỳ lạ, lên giường muộn thì vẫn ngủ thiếp đi nhưng chỉ vài tiếng sau là tỉnh như sáo, cho đến khi tôi quyết tâm ngồi dậy đọc tiếp hoặc viết.
Tôi cũng làm những việc cần thiết để chuẩn bị cho Hanna ra tù. Tôi trang hoàng căn hộ của cô với đồ gỗ của cửa hàng Ikea và vài đồ cổ, báo tin cho ông thợ may Hy Lạp và cập nhập các chương trình xã hội cùng các khóa học. Tôi mua sẵn đồ ăn, xếp sách lên giá và treo tranh. Tôi gọi một thợ làm vườn đến chăm sóc mảnh vườn nhỏ xung quanh khoảng sân trước phòng khách. Mọi việc tôi đều làm một cách bức xúc và ngoan cố kỳ lạ, tất cả đều quá sức tôi. Nhưng ít nhất cũng đủ để tôi không phải nghĩ tới lần vào thăm Hanna nữa. Chỉ thỉnh thoảng, khi tôi đi ô tô hoặc mệt mỏi ngồi bên bàn viết thì đầu óc lại bị chế ngự bởi ký ức tuôn trào. Tôi thấy Hanna trên ghế băng, mắt nhìn tôi, thấy cô ở bể bơi, ngoảnh mặt về phía tôi, và lại phẫn nộ chống lại cảm giác, và tôi buộc tội cô, cho rằng cô đã lẩn trốn tội trạng của mình một cách hèn hạ và dễ dàng. Chỉ cho phép những người đã chết đòi cô giải thích, quy gọn tội lỗi và sám hối thành chứng khó ngủ và những cơn ác mộng - vậy những người sống thì sao? Nhưng cái mà tôi ám chỉ không phải là những người còn sống, mà là tôi. Tôi không được đòi cô giải thích hay sao? Tôi không được làm điều đó sao?
Buổi chiều trước hôm đi đón Hanna tôi gọi điện đến nhà tù. Trước tiên tôi nói chuyện với bà giám đốc.
“Tôi hơi chộn rộn. Bình thường ra thì không ai được thả sau một thời gian dài như vậy mà trước đó không ra ngoài vài giờ hay vài ngày. Bà Schmitz không chịu, và ngày mai sẽ không đơn giản”.
Tôi được nối điện thoại với Hanna.
“Em nghĩ xem ngày mai chúng mình sẽ làm gì nhé. Em muốn về nhà ngay, hay chúng ta đi vào rừng, hay ra bờ sông”.
“Em sẽ suy nghĩ. Anh vẫn luôn là người vạch kế hoạch giỏi, đúng không?”
Tôi bực mình. Tôi bực mình như đôi khi nghe các bạn gái nói là tôi không bột phát mấy, hành động quá thiên về lý trí thay cho cảm tính.
Qua sự im lặng, cô nhận ra tôi bực mình và cười. “Chớ bực mình, cậu bé ạ, em không nói theo nghĩa xấu”.
Tôi gặp lại Hanna ngồi trên ghế băng là một bà già. Cô trông như một bà già và thoảng mùi như một bà già. Tôi không chú ý đến giọng nói. Giọng cô vẫn còn rất trẻ.
10
Sáng hôm sau Hanna đã chết. Cô thắt cổ lúc bình minh.
Khi tôi đến nơi, người ta đưa tôi gặp bà giám đóc. Lần đầu tiên tôi thấy bà, một người phụ nữ nhỏ gầy, tóc vàng sẫm, đeo kính. Trông bà mờ nhạt, cho đến khi bà bắt đầu phát biểu với mãnh lực và nhiệt tâm, ánh mắt nghiêm trang và cử chỉ dứt khoát. Bà hỏi tôi về cuộc điện thoại tối qua và lần gặp nhau trước đây một tuần. Liệu tôi có linh cảm hay phỏng đoán điều gì. Tôi lắc đầu. Cũng không có điều gì trong linh cảm hay phỏng đoán mà tôi cố quên đi.
“Hai người quen nhau từ đâu?”
“Chúng tôi sống gần nhau”. Bà nhìn tôi dò hỏi, và tôi nhận thấy phải nói thêm. “Chúng tôi sống gần nhau, làm quen nhau và kết bạn. Lúc còn là sinh viện tôi đã ở phiên tòa xử bà ấy”.
“Vì sao ông gửi cassette cho bà Schmitz?”
Tôi im lặng.
Ông đã biết bà ấy mù chữ, đúng không? Sao ông biết?”
Tôi nhún vai. Tôi cho là chuyện Hanna và tôi chẳng liên quan gì đến bà. Nước mắt tôi nghẹn trong ngực và cổ. Tôi sợ không nói lên lời. Tôi không muốn khóc trước mặt bà.
Chắc là bà thấy được tâm trạng của tôi. “Ông đi với tôi, tôi chỉ cho ông xem phòng của bà Schmitz”. Bà đi trước, luôn quay lại để nói với tôi hay giải thích điều gì. Nơi này là có vụ bọn khủng bố tấn công, đây là xưởng may mà Hanna đã làm việc, ở kia Hanna đã ngồi đình công cho đến khi quyết định cắt ngân sách thư viện được chỉnh lý, đây là đường tới thư viện. “Bà Schmitz không sắp xếp đồ đạc. Ông chứng kiến căn phòng như lúc bà ấy sống ở đó”.
Giường tủ, bàn ghế, giá sách gắn ở tường phía trên bàn, ở góc nhà sau cánh cửa là bồn rửa tay và bồn vệ sinh. Thay vì cửa sổ là gạch kính. Bàn trống. Trên giá là sách, đồng hồ báo thức, con gấu vải, hai cốc, cà phê bột, hộp trà, máy cassette và các băng của tôi ghi để trong hai ngăn thấp.
“Không phải tất cả băng ghi âm ở đó”. Bà giám đốc dõi theo ánh mắt tôi. “Bà Schmitz hay cho tổ dịch vụ của tù nhân khiếm thị mượn vài cuốn băng”.
Tôi lại gần giá sách. Primo Levi, Elie Wiesel, Tadeusz Borowski, Jean Améry - sách của các nạn nhân bên cạnh tự thuật của Rudolf Hoess, ghi lại của Hannah Arendt về Eichmann ở Jerusalem cũng như sách nghiên cứu về trại tập trung.
“Hanna đã đọc những sách này?”
“Bà ấy luôn chọn sách với chủ định rõ rệt. Trước đây mấy năm tôi đã phải kiếm cho bà ấy danh mục tổng quát về trại tập trung, rồi trước đây một, hai năm bà ấy nhờ tôi tìm hộ sách về phụ nữ trong trại tập trung - tù nhân và quản tù. Tôi viết thư đến Viện lịch sử hiện đại và cận đại, ở đó người ta gửi cho tôi một danh mục sách đặc biệt. Sau khi học đọc, bà Schmitz bắt đầu đọc ngay về trại tập trung”.
Phía trên giường treo nhiều tranh nhỏ và mảnh giấy. Tôi quỳ chân lên giường và đọc. Câu trích dẫn, thơ, tin ngắn, cả công thức nấu ăn mà Hanna chép lại hoặc cắt trong báo ra. “Mùa xuân thổi dải lụa xanh phất phới bay trong gió”, “Bóng của mây in trên đồng” - những bài thơ tràn đầy vui sướng và khát vọng thiên nhiên, và trong tranh là rừng xuân sáng rực, đồng cỏ sặc sỡ hoa, cây anh đào với những quả anh đào chín, cây dẻ hực lửa thu vàng đỏ. Một bức ảnh cắt trong báo cho thấy hai người đàn ông bắt tay nhau, một già một trẻ trong bộ đồ sẫm màu, tôi nhận ra mình là người trẻ đang cúi mình. Tôi vừa tốt nghiệp phổ thông và nhận quà từ tay thầy hiệu trưởng. Vào thời điểm đó Hanna đã bỏ thành phố đi từ lâu. Hanna không biết đọc, nhưng cô có đặt mua dài hạn tờ báo địa phương mà trong đó có đăng tấm ảnh này? Dù thế nào thì cô cũng đã bỏ ít nhiều công sức để biết đến tấm ảnh và kiếm được nó. Khi xử án liệu cô có tấm ảnh này trong tay? Tôi lại thấy nước mắt nghẹn trong ngực và cổ.
“Bà ấy đã học với ông. Bà mượn ở thư viện những cuốn sách mà ông đọc vào băng rồi lần theo từng chữ, từng câu mà bà đã nghe. Máy ghi âm không chịu nổi bật tắt, tua đi tua lại nhiều lần như vậy, hay bị hỏng và phải đem chữa. Muốn chữa phải viết đơn xin, vì vậy tôi cũng biết bà Schmitz làm gì. Mới đầu bà ấy không muốn nói ra, nhưng khi bắt đầu viết và nhờ tôi tìm một quyển sách có chữ viết thì bà ấy không cố giấu nữa. Đơn giản là bà ấy tự hào đã làm được việc ấy và muốn chia sẻ niềm vui”.
Trong khi bà giám đốc kể, tôi vẫn quỳ trên giường xem các tranh và giấy ghi chép và cố cầm nước mặt. Bà nói, khi tôi quay lại và ngồi xuống giường: “Bà Schmitz luôn hi vọng là ông sẽ viết thư. Bà ấy chỉ nhận được bưu phẩm của mình ông, khi phát thư, bà ấy hỏi Không có bưu phẩm cho tôi à? và không ám chỉ gói cassette. Tại sao ông không viết thư bao giờ?”
Tôi lại im lặng. Nếu mở mồm thì tôi cũng không nói được, chỉ nghẹn lời và khóc mà thôi.
Bà đi ra giá sách lấy hộp trà, ngồi xuống cạnh tôi và rút trong túi áo ra một tờ giấy gập đôi. “Bà Schmitz để lại cho tôi một bức thư, một dạng di chúc. Tôi đọc cho ông nghe đoạn nói đến ông”. Bà mở tờ giấy. “Trong hộp trà màu tím còn có tiền. Nhờ bà đưa cho Michael Berg để chuyển số tiền này cùng với 7000 Mark ở quỹ tiết kiệm cho cô con gái đã sống sót trong vụ cháy nhà thờ cùng mẹ. Cô ấy sẽ tự quyết định làm gì với số tiền. Và nhờ bà chuyển hộ lời tôi chào anh ấy”.
Thế nghĩa là cô không để lại lời nào cho tôi. Cô muốn nhục mạ tôi? Cô muốn trừng phạt tôi? Hay tâm hồn cô đã mệt mỏi đến mức cô chỉ còn có thể làm và viết những chuyện cần thiết nhất? “Trong tất cả những năm ở đây, bà ấy như thế nào”, tôi đợi đến khi nói được, “và trong những ngày cuối như thế nào?”
“Bà ấy sống ở đây nhiều năm như trong tu viện. Tựa như tự nguyện lui về đây và tự nguyện chịu đựng nội quy ở đây, tựa như công việc khá đơn điệu ở đây là một kiểu ngồi thiền. Bà thân mật nhưng giữ khoảng cách và có uy tín lớn đối với những người phụ nữ khác. Hơn thế nữa, bà còn được trọng vọng, được hỏi ý kiến khi có vấn đề, và khi bà can thiệp vào một vụ cãi cọ thì quyết định của bà được chấp nhận. Cho đến khi bà buông trôi mọi việc từ cách đây vài năm. Bà ấy luôn chú trọng mình, cao lớn nhưng giữ người thon thả, và sạch sẽ đến phát sợ. Giờ thì bắt đầu ăn nhiều, ít tắm rửa, lên cân và có mùi. Trông bà không có vẻ bất hạnh hay không bằng lòng. Thực ra thì nguyên nhân là rút lui vào tu viện có lẽ chưa đủ, tựa như ngay trong tu viện cũng còn quá đông đảo và ầm ĩ và vì thế bà phải trốn vào một trai phòng cô đơn để không thấy mặt ai, và ở đó thì bộ dạng, trang phục và mùi vị chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Không nói là bà ấy buông trôi mọi việc là sai. Bà tự xác định một chỗ mới của mình, với một phương thức đúng cho mình, nhưng không được những người khác nể trọng”.
“Và những ngày cuối?”
“Vẫn như mọi khi”.
“Tôi có được nhìn thấy bà ấy?”
Bà gật đầu, nhưng vẫn ngồi. “Những năm cô đơn phải chăng đã làm người ta không chịu nổi cuộc đời này nữa? Thà tự sát còn hơn rời chốn tu viện ẩn dật để quay lại với cuộc đời?” Bà quay sang tôi. “Bà Schmitz không viết tại sao tự sát. Còn ông không nói giữa hai người có gì khả dĩ đưa đến chuyện bà Schmitz tự sát trong đêm cuối cùng, trước khi ông đến đón”. Bà gập giấy lại, đứng dậy và phủi váy cho phẳng. “Ông biết không, cái chết của bà Schmitz làm tôi bàng hoàng, và trong giây phút này tôi đang trong cơn thịnh nộ đối với bà Schmitz và với ông. Nhưng ta đi thôi”.
Bà lại đi trước, lần này lặng tiếng. Hanna nằm trong một phòng nhỏ của bệnh xá. Chúng tôi vừa vặn lọt vào giữa xe cáng và tường. Bà giám đốc lật tấm khăn ra.
Người ta buộc một dải khăn quanh đầu Hanna để nâng cao cằm cho đến xác cứng lại. Khuôn mặt không quá bình lặng, cũng không quá đau đớn, cứng đờ tử khí. Tôi nhìn một lúc lâu, và trong khuôn mặt chết hiển hiện khuôn mặt sống, trong khuôn mặt già nua hiện lên khuôn mặt trẻ trung. Đó phải là cảm giác của những đôi vợ chồng già, tôi nghĩ vậy; đối với bà vợ thì trong ông chồng già vẫn còn nguyên chàng trai trẻ, và ông vẫn thấy trong bà vợ già vẻ đẹp và duyên dáng của cô vợ trẻ. Tại sao tôi không nhìn thấy vẻ hiển hiện ấy trước đây một tuần?
Tôi không khóc. Một hồi sau, khi bà giám đốc nhìn tôi dò hỏi thì tôi gật đầu, và bà đậy lại tấm khăn lên mặt Hanna.