Chương 37
Thành phố Vatican
Thật may là Đức Ông, bạn của ông yêu cầu chúng tôi cho các ông đi nhờ xe”, Cảnh sát trưởng đội cảnh sát Carabinieri nói. “Chẳng thế thì không bao giờ các ông đi được từ Fiumicino đến Vatican”.
Gabriel nhìn ra ngoài cửa sổ máy bay trực thăng. Rome nằm bên dưới anh. Những người biểu tình đã chiếm biệt thự Borghese làm sân khấu và biến khu vực này thành một biển người. Những người diễu hành đầu tiên đang đổ ra Via Veneto từ cuối công viên.
“Các ông có thể ngăn họ tiến về Vatican được không?”
“Chúng tôi sẽ cố”. Viên Cảnh sát trưởng chỉ tay ra ngoài cửa sổ. “Các ông có thấy những chướng ngại vật kia không? Kế hoạch của chúng tôi là gom họ lên đồi vào công viên Janiculum. Nhưng chúng tôi ước đoán có khoảng hai triệu người biểu tình. Nếu mọi việc nằm ngoài tầm kiểm soát…”. Ông ta nhún vai theo đúng kiểu người Ý. “Tôi mừng rằng mình không phải lo về các vụ bạo động. Khu vực biểu tình dưới kia có thể biến thành chiến trường”.
Chiếc máy bay trực thăng đảo chiều lượn nghiêng về phía thành quốc. Mái vòm của Toà thánh, bị che một phần dưới tấm vải dầu lớn của các nhóm thi công, phản chiếu ánh nắng chói chang. Lời thỉnh cầu hòa bình của Giáo hoàng bay phấp phới bên ngoài trong cơn gió nhẹ buổi sáng. Chiếc trực thăng chúi xuống trên Viale Vaticano, nó bay trên không phận Ý một lúc lâu, sau đó vượt qua bức tường đáp xuống sân bay của Giáo hoàng. Donati, trong trang phục áo khoác đen và khăn choàng màu đỏ tươi, đang đứng chờ ở đó. Đứng bên cạnh ông là một người lính cận vệ Thụy Sĩ mặc thường phục. Vị tăng lữ cao cấp nghiêm mặt bắt tay Gabriel thật nhanh và giữ nét mặt nặng nề khi dẫn anh băng qua vườn Vatican về phía cung điện Thánh Tông đồ.
“Lần này nghiêm trọng đến mức nào, Gabriel?”
“Rất nghiêm trọng”.
“Anh có thể cho tôi biết tại sao?”
“Người đưa tin”, Gabriel đáp. “Người đưa tin”.
Họ lên lầu ba, vào phòng của Donati rồi, Gabriel mới kể cho ông thêm chi tiết. Donati hiểu ông chỉ được thông báo một phần của câu chuyện. Ông quá quan tâm đến sự an toàn của thầy mình nên không phản đối.
“Tôi muốn anh ở bên cạnh ông ấy cho đến khi Tổng thống rời khỏi Vatican”.
Lần này Gabriel không phản đối.
“Anh trông giống như vừa chui qua máy vắt”, Donati nhận xét. “Lần cuối anh ngủ là khi nào?”
“Thật sự tôi không nhớ nổi”.
“Tôi e rằng anh không còn thời gian để chợp mắt”, Donati nói, “Nhưng chúng ta phải sửa sang vẻ bề ngoài của anh cho chỉnh tề hơn. Tôi đoán anh không mang theo bộ trang phục nào đúng không?”
“Ước gì tôi có thể diễn tả được câu hỏi của Cha nghe có vẻ buồn cười đến thế nào”.
“Anh sẽ cần một bộ quần áo đàng hoàng. Nhóm lính cận vệ Thụy Sĩ bảo vệ cho Đức Giáo hoàng mặc đồ vest. Tôi chắc rằng người chỉ huy có thể kiếm cho anh một bộ ưng ý”.
“Có thứ tôi cần hơn là một bộ đồ màu xanh, Luigi”.
“Đó là thứ gì?”
Gabriel nói với ông.
“Đội lính cận vệ Thụy Sĩ cũng có thể lấy cho anh thứ đó”.
Donati nhấc điện thoại lên quay số.
Mười phút sau đó, một người lính đã chờ Gabriel trong Sân- San Damaso vẫn là người lính cận vệ Thụy Sĩ đã ở bên Donati tại bãi đáp máy bay trực thăng. Anh ta cao bằng Gabriel, có bờ vai ngang bè ra dưới lớp áo vest và chiếc cổ cuộn cơ bắp như của một vận động viên chơi bóng bầu dục. Mái tóc vàng hoe cắt ngắn đến gáy quanh đầu hình viên đạn, phô ra sợi dây đeo tai của anh ta.
“Chúng ta đã gặp nhau bao giờ chưa?”. Gabriel hỏi người lính cận vệ bằng tiếng Đức khi họ đi qua Via Belvedere”.
“Chưa, thưa ông”.
“Trông cậu quen quen”.
“Tôi là một trong những lính cận vệ giúp ông đưa Đức Thánh Cha vào cung điện Thánh Tông đồ sau vụ tấn công”.
“Tôi cũng nhớ như vậy”, Gabriel trả lời. “Cậu tên gì?”
“Hạ sỹ Erich Muller, thưa ông”.
“Cậu là người bang nào nhỉ?”
“Nidwalden, thưa ông. Đó là demi - canton ở kế bên“
“Tôi biết bang ấy rồi”, Gabriel đáp.
“Ông biết Thụy Sĩ à?”
“Rất rõ”.
Ngay trước khi đến cổng Thánh Anne, họ quẹo phải tiến vào khu lính cận vệ Thụy Sĩ. Tại phòng tiếp tân, một sỹ quan trực ban đang ngồi nghiêm nghị sau chiếc bàn hình vành trăng. Trước mặt anh ta là một dãy màn hình giám sát. Trên bức tường đằng sau treo một cây thập tự giá và hàng cờ đại diện cho từng bang, trong hai mươi sáu bang của Thụy Sĩ. Khi Gabriel và Muller đi ngang qua, viên sỹ quan trực ghi chú trong quyển sổ ra vào. “Khu Thụy Sĩ đang kiểm soát rất nghiêm ngặt”, Miller nói. “Còn ba nơi có thể ra vào nữa, nhưng đây là chỗ chính”.
Họ rời phòng tiếp tân rồi quẹo phải. Hành lang dài tối tăm trải dài trước mắt họ, nằm dọc hai bên là khu tập chia thành nhiều ô nhỏ cho những người tập kích. Cuối hành lang là mái vòm, đằng sau mái vòm đến sân trong lát đá. Ở đó, một trung sỹ đang huấn luyện sáu tân binh đi đều cùng súng trường bằng gỗ. Họ bước vào toà nhà bên kia sân và bước xuống một dãy các bậc thang bằng đá để vào khu tập bắn súng trong nhà. Nơi này yên ắng vì không có ai tập.
“Đây là nơi chúng tôi thực hiện việc huấn luyện vũ khí. Các bức tường được cách âm, nhưng thỉnh thoảng những người hàng xóm vẫn phàn nàn về tiếng ồn”.
“Hàng xóm?”
“Đức Thánh Cha có vẻ không để ý, nhưng Hồng y Ngoại trưởng không thích tiếng súng. Chúng tôi chuyển sang tập bắn vào chủ nhật hay các ngày lễ trong đạo”. Muller đi về phía tủ kim loại, mở khóa. “Súng chuẩn của chúng tôi là khẩu SIG-Sauer 9mm có ổ đạn mười lăm viên”. Anh ta nhìn Gabriel qua vai mình khi mở cửa tủ. “Đây là vũ khí do Thụy Sĩ làm. Rất chính xác… và rất mạnh. Ông có muốn bắn thử không?”
Gabriel gật đầu. Muller lấy khẩu súng, một ổ đạn, cùng một hộp đạn đầy rồi mang đến khu tập bắn. Anh ta bắt đầu nạp đạn, nhưng Gabriel ngăn lại. “Tôi sẽ làm việc này. Cậu ra xem bia bắn giùm tôi”. Người cận vệ Thụy Sĩ gắn bia vào đường dây và kéo đến một nửa đường bắn. “Xa hơn”, Gabriel nói. “Đến chỗ xa nhất”. Muller làm theo lời anh. Đến lúc bia tập bắn được kéo đến phía bên kia đường bắn, Gabriel đã nạp xong mười lăm viên đạn vào ổ, và lắp ổ đạn vào khẩu súng lục. “Ông làm nhanh quá”, Muller nhận xét. “Tay ông chắc phải khéo lắm”.
“Tôi đã luyện tập nhiều”.
Muller đưa dụng cụ bảo vệ tai và mắt cho Gabriel.
“Không cần, cám ơn”.
“Đây là qui tắc trong trường bắn, thưa ông”.
Gabriel quay người không báo trước và nổ súng. Anh tiếp tục bắn cho đến khi súng hết đạn. Muller kéo bia tập bắn lại trong khi Gabriel tháo ổ đạn trống rỗng ra và nhặt ống lót lên.
“Lạy Chúa tôi”.
Tất cả mười lăm phát đạn đều ghim ngay chính giữa bia bắn.
“Ông có muốn bắn nữa không?”. Muller hỏi.
“Đủ rồi”.
“Ông có muốn lấy bao đeo súng ở vai không?”
“Tôi để súng ở túi quần”.
“Để tôi lấy cho ông thêm một ổ đạn”.
“Cho tôi hai ổ. Thêm một hộp đạn nữa”.
Gabriel lấy quần áo từ phòng chỉ huy, rồi vội vã quay lại cung điện Thánh Tông đồ. Anh lên lầu ba và theo Donati đến phòng khách nhỏ có buồng riêng. “Tôi lén lấy lưỡi dao lam đó của Đức Thánh Cha”, Donati nói. “Khăn tắm ở trong tủ dưới bồn rửa tay”.
Gần chín mươi phút nữa Tổng thống mới đến. Gabriel thong thả cạo râu đứng dưới vòi sen vài phút. Bộ quần áo được đội cận vệ Thụy Sĩ chuẩn bị vội vã hoá ra lại rất vừa vặn với anh. Vào lúc 11 giờ, chúng đúng như mong muốn anh bước dọc hành lang trang trí bích hoạ để đến phòng riêng của Đức Giáo hoàng.
Gabriel yêu cầu Donati thêm một việc trước khi đến khu doanh trại đội cận vệ Thụy Sĩ: bản báo cáo cuối cùng của Lực lượng an ninh Vatican và Ý về vụ tấn công tháng Mười được thực hiện. Anh vừa nhâm nhi cà phê và bánh vừa đọc bản báo cáo trong phòng ăn riêng của Đức Giáo hoàng, sau đó anh đảo một lượt các kênh trên truyền hình tìm xem có tin tức gì về mười một xác chết trong ngôi nhà ván ở Thụy Sĩ. Không có kênh tin quốc tế nào đề cập về việc này. Anh đoán rằng đội của Carter đã hoàn thành nhiệm vụ.
Donati đến tìm Gabriel vào lúc 11 giờ 45 phút. Họ cùng nhau đi tới cung điện Belvedere và tìm thấy một văn phòng trống có thể bao quát khu vườn. Một lúc sau, những thân cây bắt đầu vặn vẹo, sau đó hai chiếc máy bay trực thăng cánh quạt đôi xuất hiện, hạ xuống bãi đáp máy bay ở góc xa của thành quốc. Gabriel thấy bớt căng thẳng khi chiếc trực thăng đầu tiên hạ cánh xuống an toàn dưới đầu các ngọn cây. Năm phút sau họ thoáng thấy Tổng thống Mỹ tự tin sải bước về phía cung điện, đi theo ông là vài tá nhân viên an ninh vũ trang đầy đủ, bộ dạng lo lắng.
“Các nhân viên sẽ phải đợi trong vườn”, Donati nói. “Người Mỹ không thích việc này, nhưng đây là nghi thức tiếp đón. Anh có biết là họ đã cố ý cài vài nhân viên Cục Tình báo vào đoàn đại biểu chính thức không?”
“Không phải vậy chứ”.
Donati nhìn Gabriel. “Anh muốn nói với tôi điều gì à?”
“Vâng”, Gabriel nói. “Chúng ta nên quay trở lại cung điện các Thánh tông đồ. Tôi muốn có mặt ở đó trước khi Tổng thống đến”.
Donati quay lại dẫn đường.
Năm phút trước khi Tổng thống tới, họ đã có mặt trong Sala Clementina. Đây là một phòng tiếp khách cao vút với các bức bích hoạ phủ đầy quanh tường. Nó nằm ngay trên phòng riêng của Giáo hoàng. Đức Thánh Cha vẫn chưa đến. Một đội cận vệ nghi thức đứng bên ngoài lối đi rộng, và thêm vài đội nữa mặc thường phục đứng bên trong. Cuối góc phòng dài hình chữ nhật đặt hai chiếc ghế chạm trổ; ở góc bên kia là nhóm phóng viên, nhiếp ảnh gia, và những người quay phim. Tâm trạng chung của họ là không được hài lòng lắm. Các công cụ tìm kiếm và kiểm tra an ninh của cận vệ Thụy Sĩ và Cục Tình báo trở nên gắt gao hơn bao giờ hết, và ba đội quay phim châu u không được cho vào phòng vì có những sơ hở nhỏ trong giấy giới thiệu. Báo giới được phép ghi lại những hình ảnh đầu tiên của cuộc gặp lịch sử và phát sóng hình ảnh này trên toàn thế giới, sau đó họ sẽ được đưa ra ngoài.
Donati vào lại trong hành lang chờ Đức Thánh Cha. Gabriel nhìn quanh một lúc, sau đó đi đến phía trước phòng đứng cách chiếc ghế dành cho Đức Thánh Cha vài bước. Trong hai phút kế tiếp mắt anh nhìn lướt qua đám nhà báo, tìm kiếm bất cứ dấu hiệu nào không tụ nhiên, hay một khuôn mặt trông có vẻ không hợp chỗ. Sau đó anh làm điều tương tự với các Giám mục trong Hội đồng Hồng y đang đứng bên trái.
Ngay trước lúc giữa trưa, Đức Thánh Cha bước vào phòng trong bộ bạch y, theo sau Donati, Hồng y Ngoại trưởng, và bốn cận vệ Thụy Sĩ mặc thường phục. Erich Muler, người cận vệ đã đưa cho Gabriel vũ khí, cũng nằm trong số những người này. Mắt anh ta dừng một chút trên Gabriel, rồi gật đầu chào nhẹ. Giáo hoàng bước ngang phòng và dừng lại trước ghế ngồi của mình. Donati, cao và nổi bật trong chiếc áo choàng màu đen và khăn choàng cổ màu đỏ, đứng bên cạnh Giáo hoàng. Ông nhìn lướt qua Gabriel, sau đó hướng ánh nhìn về phía cửa khi Tổng thống Mỹ bước vào.
Gabriel nhanh chóng điểm qua đoàn đại biểu chính thức của Tổng thống. Bốn nhân viên Cục Tình báo có mặt trong đoàn này, thậm chí có thể hơn. Sau đó ánh nhìn của anh đảo khắp phòng giống như ánh đèn pha: những phóng viên, các Giám mục trong Hội đồng Hồng y, những cận vệ Thụy Sĩ, Tổng thống, và Đức Thánh Cha. Bây giờ họ đang bắt tay, mỉm cười nồng ấm với nhau trong ánh đèn lóa mắt của máy chụp ảnh.
Sự việc diễn ra nhanh chóng đến nỗi Gabriel không ngờ tới. Sau này nghĩ lại, anh thấy thật ra nếu không nhờ Donati, có lẽ không bao giờ anh có thể nhận biết được tình hình. Mắt Donati bất ngờ mở lớn, sau đó ông bước về phía Tổng thống. Gabriel quay người lại và thấy khẩu súng bên mình. Vũ khí là khẩu SIG-Sauer 9li- bàn tay đang cầm súng chính là của hạ sỹ Erich Muller.
Gabriel rút khẩu súng của chính mình và bắt đầu nhả đạn, nhưng Muller vẫn kịp bắn hai phát. Anh không nghe tiếng la hét hay chú ý đến ánh đèn chớp của máy chụp ảnh. Anh chỉ bắn mãi cho đến khi tên cận vệ Thụy Sĩ nằm chết cứng trên sàn đá cẩm thạch. Các nhân viên Cục Tình báo được ngụy trang trong đoàn đại biểu của Mỹ nắm lấy Tổng thống và đưa ông ra cửa. Pietro Lucchesi, Giám mục thành Rome, Giáo chủ tối cao, người kế nhiệm thánh Peter, khuỵa đầu gối xuống cầu nguyện bên cạnh cơ thể bất động của vị cha xứ cao lớn trong bộ áo choàng màu đen.
Chương 38
Rome
Trạm xá Gemelli còn khá nhiều phòng trên tầng 11 mà ít người biết đến. Chúng là phòng của các cha xứ. Phòng có giường bệnh. Phòng thứ hai có trường kỷ và ghế. Căn phòng thứ ba có nhà nguyện riêng. Hành lang bên ngoài lối vào có bàn dành cho lính gác. Lúc nào cũng có người đứng gác ở đó, ngay cả khi các phòng không có bệnh nhân.
Tối nay, chiếc giường bệnh của nhân vật đứng đầu một tỷ người theo đạo Thiên Chúa La Mã trên khắp thế giới, được dành cho viên thư ký riêng đáng tin cậy của ông. Hàng ngàn người với đức tin mãnh liệt đứng chật ních con đường bên dưới cửa sổ phòng bệnh. Vào lúc 9 giờ, họ im lặng lắng nghe bản tin đầu tiên từ văn phòng báo chí của Vatican. Bản tin cho biết Đức ông Luigi Donati đã trải qua bảy giờ phẫu thuật để chữa trị vết thương gây ra bởi hai viên đạn 9 li. Bản tin mô tả Đức ông đang ở trong tình trạng “cực kỳ nghiêm trọng”, và nói rõ rằng chưa thể xác định được Đức ông có qua khỏi hay không. Bản tin kết thúc bằng thông báo Đức Thánh Cha đang ở bên cạnh ông và dự định sẽ còn ở đó một thời gian nữa. Bản tin không đề cập đến sự có mặt của Gabriel.
Họ ngồi cùng nhau trên chiếc ghế trường kỷ trong phòng khách. Ở phía bên kia cánh cửa mở nối hai phòng, Donati đang nằm bất động và xanh xao. Một đội y tá và bác sỹ vây quanh ông, nét mặt nặng nề. Mắt Đức Thánh Cha nhắm nghiền còn tay thì lần tràng hạt. Một vệt máu lớn loang lổ trên tấm áo trắng của ông. Ông không chịu cởi áo ra. Gabriel nhìn Đức Thánh Cha và nghĩ đến Shamron cùng chiếc áo da sờn rách. Anh hi vọng ông không tự trách mình vì những việc xảy ra hôm nay.
Gabriel nhìn màn hình. Đoạn video về cuộc tấn công, một trong những giây phút kịch tích nhất từng được truyền hình trực tiếp, đang chiếu trên màn ảnh. Đoạn video này được phát đi phát lại. Gabriel đã xem đoạn băng này ít nhất một tá lần, và bây giờ đang xem lại. Anh nhìn thấy Muller nhô người khỏi đám cận vệ Thụy Sĩ, khẩu súng vươn ra trên tay. Anh thấy chính mình rút súng khỏi túi trong áo khoác, và Donati lấy thân mình che chắn cho Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ khi Muller nhả đạn. Một phần giây, anh nghĩ. Nếu anh nhìn thấy Muller một phần mười giây trước đó, có lẽ anh đã có thể nhả đạn trước. Donati sẽ không phải nằm đây cận kề cái chết trên tầng 11 của trạm xá Gemelli. Gabriel nhìn Giáo hoàng. Mắt ông không còn nhắm mà nhìn chăm chú lên màn hình tivi.
“Làm sao mà Donati biết để bước ra che cho Tổng thống Mỹ chứ không phải cho ta?”
“Con nghĩ rằng Đức ông biết Muller đã có thể giết Đức Thánh Cha rất gần nếu hắn muốn. Muller sẽ giết Tổng thống trước, và Đức ông hiểu điều đó”.
“Donati hiểu được điều đó chỉ trong nháy mắt”.
“Đức ông Donati là một trong những người thông minh nhất con từng gặp, thưa Đức Thánh Cha”. Gabriel nhìn Donati. “Đức ông đã cứu sống Tổng thống, nhưng có lẽ chính Cha cũng không nhận thức được điều đó khi lấy thân mình che chắn cho Tổng thống”.
“Luigi chỉ ngăn được những viên đạn”, Giáo hoàng nói, “Nhưng cậu mới là người cứu ông ấy. Nếu không nhờ cậu, chúng ta sẽ không bao giờ biết cảnh giác về những chuyện như vậy. Làm sao cậu biết bọn chúng sẽ tấn công Vatican một lần nữa?”
“Chúng ta sẽ phải nói về chuyện này vào một ngày khác. Một ngày rất xa trong tương lai”.
“Cậu đang thực hiện một nhiệm vụ, đúng không?”
Gabriel im lặng.
“Erich Muller, một người trong đội lính gác của ta…”. Giọng Giáo hoàng nhỏ dần. “Ta vẫn không tin điều này. Làm sao họ làm được điều đó, Gabriel? Làm cách nào họ trà trộn một tên sát nhân vào đội cận vệ Thụy Sĩ được?”
“Chi tiết khá phức tạp, thưa Đức Thánh Cha, nhưng có vẻ như Muller được tuyển mộ một khoảng thời gian sau khi hắn rời quân đội Thụy Sĩ. Hắn không có công ăn việc làm, nên dành một năm rưỡi du lịch châu u và Địa Trung Hải. Hắn trú chân ở Hamburg vài tháng, và thêm vài tháng nữa ở Amsterdam. Hắn là thành viên tích cực tham gia các cuộc biểu tình chống Mỹ, chống Israel. Có lẽ hắn đã cải đạo sang Hồi giáo. Chúng tôi nghĩ rằng hắn được tuyển mộ vào mạng lưới khủng bố do một tên tự xưng là Giáo sư Ali Massoudi tổ chức”.
“Massoudi? Thật vậy sao? Lạy Chúa, Giáo sư Massoudi có nộp một vài bài viết cho ủy ban đặc biệt của ta về việc cải thiện mối quan hệ giữa Hồi giáo và phương Tây. Ta nghĩ có lẽ hắn đã đến thăm Vatican”.
“Cải thiện mối quan hệ giữa Hồi giáo và nhà thờ không phải là một phần trong chương trình hành động thực sự của hắn, thưa Đức Thánh Cha”.
“Rõ ràng là vậy”, Giáo hoàng thừa nhận. “Ta đoán giờ đây chúng ta đã biết ai mở Cánh Cửa Tử Thần cho những tên đánh bom cảm tử hồi tháng Mười. Chính là Muller đúng không?”
Gabriel gật đầu nhìn màn hình khi đoạn phim về vụ tấn công được phát lại.
“Ta tự hỏi không biết bao nhiêu người xem đoạn băng ngày hôm nay”, Giáo hoàng nói.
“Hàng tỷ người, thưa Đức Thánh Cha”.
“Có điều gì đó mách bảo ta rằng những ngày làm điệp viên bí mật của cậu không còn nữa. Chào mừng quay trở về thế giới thật, Gabriel”.
“Thế giới này làm con cảm thấy thoải mái”.
“Dự định của cậu là gì?”
“Con phải trở lại Israel”.
“Sau đó thì sao?”
“Tương lai của con khá bất định”.
Giáo hoàng nhận xét. “Francesco Tiepolo bảo với ta cậu và Chiara đã quay trở lại với nhau”.
“Vâng, thưa Đức Thánh Cha. Hiện tại cô ấy đang ở Israel”.
“Kế hoạch của cậu là gì?”
“Con phải cưới cô ấy trước khi cô ấy lại bỏ con ra đi”.
“Thật là thông thái. Sau đó thì sao?”
“Con mới tính được đến đó thôi, thưa Đức Thánh Cha”.
“Cậu cho phép ta cho cậu thêm một lời khuyên nhé?”
“Dĩ nhiên”.
“Vào lúc này, cậu là người nổi tiếng nhất nước Ý. Một vị anh hùng quốc gia. Có cái gì đó mách bảo với ta đất nước này sẽ rộng tay chào đón cậu. Lần này cậu không phải mang tên Mario Delvecchio nữa”.
“Đến đó rồi hãy tính”.
“Nếu là cậu, ta sẽ xây một cây cầu nối trở lại Venice”.
Giáo hoàng nhìn sững xuyên qua cánh cửa một lúc. “Ta không biết phải làm gì nếu Chúa mang ông ấy khỏi tay ta. Ta không thể quản lý nhà thờ Thiên Chúa giáo mà không có Luigi Donati”.
“Con còn nhớ ngày Đức ông đến Jerusalem tìm con”, Gabriel hồi tưởng. “Khi cùng dạo bước trong Thành Cổ, con đã ngu ngốc bảo rằng Cha ấy là người không có đức tin nếu so với một người có niềm tin thành kính. Nhưng bây giờ con hiểu rằng phải là người có niềm tin mãnh liệt thì mới dám bước ra trước đầu đạn”.
“Luigi Donati là người có niềm tin phi thường. Ông ấy chỉ chưa nhận ra điều này. Bây giờ ta cũng cần có niềm tin. Ta phải tin rằng Chúa sẽ thấy nên để ông ấy bên ta lâu thêm một thời gian nữa - rằng phải cần chấm dứt sự điên loạn này”.
Câu hỏi kế tiếp Giáo hoàng hỏi là câu hỏi ông đã đặt ra với Gabriel sau vụ tấn công tháng Mười.
“Mọi chuyện chấm dứt chưa?”
Lần này Gabriel chăm chú nhìn màn hình mà không nói gì.
Không, thưa Đức Thánh Cha, anh nghĩ. Chưa hẳn.