Người Giải Mã Tử Thi

Chương 36: Chương 36: Vụ Án Thứ Mười Hai – Mảnh Xác Chốn Núi Hoang Phần 3




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

“Cưa xương sọ đi.” Sư phụ ra lệnh, tôi nhanh chóng lấy cưa điện ra, tránh phần lỗ hổng, cưa một đường vòng quanh xương sọ, tách rời toàn bộ phần xương đỉnh đầu.

Sư phụ dùng kính lúp soi mặt cắt trên xương sọ, nói: “Khoảng xương xốp ở nơi vừa cưa rất sạch, đều là màu trắng.” Sau đó sư phụ cầm phần xương đỉnh đầu có lỗ hổng, soi xung quanh bề mặt xung quanh vết gãy xương, nói tiếp, “Đường gãy xương này có phản ứng sinh hoạt rất rõ. Tức là khi nạn nhân còn sống bị tấn công vào đầu dẫn đến việc hình thành lỗ hổng này, sau đó da đầu mất đi khiến cho các mảnh xương vỡ rơi ra.”

“Ý ngài là chấn thương sọ não đúng không?” Giọng bác sĩ Lý đầy sự ngưỡng mộ.

“Suy đoán này hẳn là không sai.” Sư phụ nói xong, bác sỹ Lý liền vội vàng ghi chép vào biên bản khám nghiệm tử thi.

“Thi thể phân hủy rất mạnh, chúng ta cần tiết kiệm thời gian mới được, anh kiểm tra vùng ngực, tôi xem khoang bụng”, sư phụ nói với tôi. Những người xung quanh thấy sư phụ sắp xếp như thế, có lẽ nghĩ rằng thầy không đặt nhiều hi vọng vào việc tìm ra manh mối ở bước khám nghiệm tiếp theo. Nhưng tôi lại nghĩ thầy đang mượn cơ hội để thử thách tôi. Bởi tôi biết rõ, nếu hung thủ đã từng gây đè ép lên phía trước của nạn nhân, thì rất có thể sẽ để lại manh mối trên cổ hoặc nội tạng vùng ngực.

Tôi gật đầu, lấy mảng xương trên lồng ngực xuống, cẩn thận xem xét các bộ phận trong lồng ngực.

Nội tạng vùng ngực không có bất cứ tổn thương nào, sắp xếp chỉnh tề trong lồng ngực. Tôi ngẩng đầu nhìn bên sư phụ, thấy thầy đang tự tay xếp lại mớ nội tạng tanh tưởi ngổn ngang cho ngay ngắn. Chỉ cần liếc mắt liền thấy ngay, các bác sỹ pháp y địa thương đã không quan sát kỹ nội tạng vùng bụng trong lần giải phẫu đầu tiên, bởi khi sư phụ lật mớ ruột ra còn thấy trên ruột dính cả lá cây. Hiển nhiên chiếc lá này bám vào ruột khi phần nội tạng bị lôi ra ngoài mương cạn. Rõ là trong lần giải phẫu đầu tiên, nội tạng đã không được thu xếp cẩn thận, càng không được làm sạch.

Khi lấy khí quản của nạn nhân ra, tôi phát hiện xương móng không gãy, nhưng phần mềm giữa họng lại có dấu hiệu xuất huyết. Tôi cẩn trọng tách sụn giáp ra, phát hiện ở góc trên sụn giáp có vết gãy rõ ràng.

“Góc trên sụn giáp gãy.” Tôi bình thản nói ra những gì mình thấy, bác sỹ Lý ghi chép lại trong nỗi xấu hổ.

“Đúng vậy, có thể hung thủ đã dùng một tay bóp chặt cổ nạn nhân, để đè giữ cô ấy lên một vật có mép thẳng, tay còn lại dùng vật tày đánh lên đầu nạn nhân.” Sư phụ bắt đầu dựng lại tình huống theo thói quen, “Tại sao các anh không phát hiện ra điều này?”

“Cũng chẳng phải chết vì bị bóp cổ, có tác dụng gì chứ?” Bác sỹ Lý vẫn lầm bầm lấp liếm.

“Sao lại không có tác dụng?” Sư phụ nói, “Chỉ cần dùng một tay để giữ chặt một người trưởng thành, một bàn tay còn có thể làm gãy sụn giáp, điều đó chứng tỏ cái gì?” Sư phụ tiếp, “Chứng tỏ hung thủ có sức hơn nạn nhân rất nhiều, có thể là đàn ông khỏe mạnh, đúng không?”

Bác sỹ Lý không nói gì.

“Bên cạnh đó, trong khoang bụng cũng có manh mối quan trọng.” Sư phụ nói, “Xem nửa bầu ngực còn lại này, là nửa dưới bầu ngực phải. Trên bề mặt da dưới ngực có dấu vết rõ ràng như thế mà các anh không thấy sao?”

Chúng tôi cùng nhìn qua, thấy phần mềm dưới ngực có một vết gì đó có vẻ giống sẹo.

“Là sẹo đúng không?” Tôi mừng rỡ hỏi. Bởi vì việc tìm thấy sẹo hoặc bớt trên thi thể rất có lợi cho công tác tìm kiếm nguồn gốc thi thể.

“Hình như không phải sẹo, trông không giống lắm.” Bác sỹ Lý nói, “Gan ruột đều bị thú hoang gặm cắn, không còn gì mấy, nội tạng nào còn hay mất, nội tạng nào từng qua phẫu thuật đều khó có thể nhận ra. Phần mềm lại thối rữa như vậy, không thể kết luận những vết đậm màu là sẹo được, cũng có khả năng là dấu vết hình thành do mức độ phân hủy khác nhau.”

“Nếu kết hợp với thứ này thì sao?” Sư phụ mỉm cười giơ tay phải đang cầm kẹp lên.

Chúng tôi thấy rõ chiếc kẹp trên tay sư phụ đang kẹp một đoạn chỉ khâu ngắn màu đen. Có thể tìm thấy thứ này giữa đoạn ruột dính đầy nước bùn, cỏ dại, cành cây… thật không dễ dàng. Tôi biết đoạn chỉ khâu ấy có ý nghĩa gì đó, nhưng vấn đề là nó phải có quan hệ với nạn nhân.

“Có chắc rằng đoạn chỉ khâu này nằm trong cơ thể không ạ?” Tôi nói, “Nội tạng đều bị cắn phá nghiêm trọng, vì sao đoạn chỉ này lại xuất hiện một cách trùng hợp như vậy?”

Sư phụ cười ha ha nói: “Giữa núi hoang lấy đâu ra chỉ khâu chuyên nghiệp thế này? Tôi khẳng định nạn nhân khi còn sống đã từng phẫu thuật, đoạn chỉ này lưu lại trong cơ thể từ lúc đó. Còn tại sao chúng ta trùng hợp tìm được nó, thì tôi chỉ có thể nói là do Thượng đế sắp xếp.”

“Thầy có biết cô ấy từng làm phẫu thuật gì không?” Tôi hỏi tiếp.

Sư phụ dùng kẹp chỉ vào khoảng dưới lá gan đã bị thú hoang gặm gần hết, nói, “Ống dẫn mật có vết thắt, hẳn là đã từng phẫu thuật mật.”

“Nhưng dù biết cô ấy đã từng mổ mật cũng chẳng dễ điều tra hơn.” Bác sỹ Lý nói, “Các trạm xá xã ở đây không đủ khả năng làm phẫu thuật, nhưng hàng năm trên bệnh viện huyện vẫn có rất nhiều ca phẫu thuật mật. Chúng ta không thể kiểm tra tất cả những người phẫu thuật mật trong nhiều năm qua đúng không? Nếu làm thì số lượng công việc phải lớn đến thế nào chứ?”

“Có thể tiến thêm một bước thu nhỏ phạm vi điều tra.” Sư phụ bắt đầu cảm thấy bác sỹ Lý thật phiền phức, “Dù chúng ta không thể thu nhỏ phạm vi thì cũng phải kiểm tra, mạng người là quan trọng, làm thêm chút việc có đáng gì đâu.”

Trong khi sư phụ phê bình bác sĩ Lý không có đủ cả tư tưởng lẫn tố chất làm pháp y, thì tôi lại hứng thú với vấn đề khác. Tôi hỏi sư phụ: “Làm thế nào để thu hẹp phạm vi ạ?”

Sư phụ lại trở về với nét mặt vừa hào hứng vừa thần bí, nói: “Có ba căn cứ. Thứ nhất, bệnh về mật thường xuất hiện ở độ tuổi trên dưới bốn mươi, mà thông qua liên hợp xương mu, chúng ta đã chắc chắn rằng nạn nhân khoảng 27 tuổi, vậy bác sĩ phẫu thuật hẳn sẽ có ấn tượng với bệnh nhân trẻ tuổi này.”

Tôi thấy bác sỹ Lý lại lắc đầu. Tuy rằng tôi rất khó chịu với thái độ của anh ta, nhưng tôi cũng hiểu rằng suy đoán này của sư phụ vẫn hơi đại khái, có lẽ chẳng đưa ra kết quả gì.

“Thứ hai,” Sư phụ biết chúng tôi không chịu phục, liền nói tiếp, “Hãy nhìn loại chỉ khâu này. Đây là loại chỉ tự hấp thụ chuyên dụng trong giải phẫu ngoại khoa. Loại chỉ khâu này sẽ dần được cơ thể hấp thụ trong khoảng hơn một tháng sau khi phẫu thuật. Nói cách khác, sau khi phẫu thuật hơn một tháng thì chỉ khâu này sẽ tự tiêu vào cơ thể, không thể nhìn thấy. Hiện giờ chúng ta tìm ra đoạn chỉ khâu còn khá nguyên vẹn, bắt đầu thấy rõ hiện tượng được hấp thụ, chứng tỏ thời điểm người này chết nằm trong khoảng một tháng sau khi mổ mật. Kết hợp với phỏng đoán thời gian lưu giữ thi thể là khoảng một tháng rưỡi, suy ra cần kiểm tra danh sách những người phẫu thuật mật trước thời điểm tìm thấy thi thể khoảng ba tháng, có khả năng sẽ tìm ra nguồn gốc thi thể.”

Nghe sư phụ nói vậy, trong lòng tôi lập tức tràn đầy niềm tin.

“Nhưng có thể khẳng định người này là dân ở đây không?” Bác sỹ Lý hỏi.

“Vấn đề này rất quan trọng, theo như suy đoán lúc trước của tôi, người này là dân vùng núi. Những bệnh viện huyện gần vùng núi đều phải điều tra.” Sư phụ nói.

“Năm huyện quanh đây đều là vùng núi.” Bác sỹ Lý nói, “Năm huyện, thời gian ba tháng, có bao nhiêu ca phẫu thuật mật chứ!”

“Không nhất thiết cứ ai rạch mật ra là phải điều tra.” Sư phụ tiếp, “Đây chính là điều thứ ba tôi muốn nói, lấy dấu vết dưới ngực nạn nhân, kết hợp với đoạn chỉ chúng ta vừa tìm thấy, cơ bản có thể kết luận đây là sẹo còn lại sau khi phẫu thuật mật.”

Chúng tôi hoang mang gật đâu, không biết điều thứ ba này có gì đặc biệt.

Sư phụ nói, “Phẫu thuật mật có phải rạch rộng đến tận chỗ này không?”

“Ý ngài là sự cố phẫu thuật? Rạch nhầm à?” Bác sỹ Lý giật mình nói.

Sư phụ lắc đầu, tôi cũng lắc theo, ra vẻ coi thường khả năng suy đoán chẳng có logic của bác sỹ Lý.

“Bác sỹ ở bệnh viện huyện mổ mật còn có thể mổ nhầm sao?” Sư phụ nói.

“Em cảm thấy là do túi mật nằm ở vị trí khác thường.” Tôi đưa ra một phỏng đoán táo bạo.

“Giỏi lắm.” Sư phụ thấy tôi nói chính xác đáp án liền tỏ ra rất vui vẻ. “Rất nhiều người có túi mật nằm ở vị trí khác thường, kiểm tra trước khi phẫu thuật chưa chắc đã phát hiện ra. Trong khi phẫu thuật, nếu phát hiện sự sai biệt này thì chỉ có thể mở rộng miệng vết mổ. Dựa vào vị trí ống mật mà lúc này chúng ta nhìn thấy, cơ bản có thể kết luận, túi mật của nạn nhân nằm ở vị trí cao hơn bình thường, cho nên bác sỹ phẫu thuật phải kéo dài vết mổ ra.”

“Tức là chúng ta chỉ cần tìm trong các bệnh viện huyện quanh đây một người tầm 27 tuổi, phẫu thuật mật cách đây khoảng ba tháng, túi mật có vị trí khác thường là được. Em nghĩ sẽ nhanh có kết quả thôi.” Tôi cướp lời sư phụ, xâu chuỗi những manh mối vừa được phát hiện lại với nhau. Sư phụ nhìn tôi, gật đầu khen ngợi.

Chiều hôm đó, tôi cùng sư phụ tràn đầy tự tin, oai hùng dũng mãnh hiên ngang tiến vào phòng họp ban chuyên án.

Do không nhận được manh mối hỗ trợ từ phía chúng tôi, việc điều tra gặp phải nhiều khó khăn. Dưới sự chỉ huy tận tay của Trung đoàn trưởng, các điều tra viên được phái đi điều tra không ai dám cẩu thả, cho nên khi chúng tôi đến phòng họp, phần lớn điều tra viên còn chưa kịp chạy về.

“6 giờ họp, hiện giờ chắc các điều tra viên còn đang ăn cơm.” Trung đoàn trưởng nói, “Thế nào? Có phát hiện gì không?”

Sư phụ gật đầu cười, nói: “Có phát hiện. Chờ điều tra viên đến chúng tôi sẽ nói chi tiết.”

Những đồng chí đã đến phòng họp đều đang cặm cụi xem hồ sơ và tài liệu điều tra. Nhìn khuôn mặt họ, hẳn là vẫn chưa có tiến triển đáng kể.

Sư phụ ngồi một mình ở góc phòng họp, ôm laptop, chậm rãi xem từng bức ảnh chụp hiện trường. Đột nhiên thầy gọi: “Tần, lại đây xem này. Cái gì đây?”

Tôi vội chạy lại nhìn, sư phụ phóng to một bức ảnh chụp. Trong ảnh là đường núi tuyết phủ trắng mênh mông, chỉ thấy một mảng tuyết trắng, chẳng có gì khác.

“Tuyết đấy ạ.” Tôi trêu chọc sư phụ.

Sư phụ trừng mắt lườm tôi, nói: “Trong tuyết có dấu vết loáng thoáng, nhìn kỹ đi.”

Tôi lại nhìn chằm chằm vào màn hình. Không phải chứ, phóng to ra, nhìn kỹ vào, đúng là có thấy cái gì đó thật.

Trong ảnh chụp, giữa mặt đất phủ đầy tuyết, lờ mờ có thể thấy một đường thẳng lõm xuống, in vào bề mặt gập ghềnh.

“Cái này… là gì nhỉ?” Đầu óc tôi nhanh chóng hoạt động, “Hay là vết bánh xe?”

“Đúng!” Sư phụ thấy ý kiến của tôi giống với thầy, lập tức tỏ vẻ hứng thú, “Tôi cũng biết đó là vết bánh xe. Bánh xe đi trên đường tuyết sẽ để lại dấu vết, sau đó tuyết rơi xuống sẽ không thể nhìn rõ nữa. Nhưng mắt thường không thấy rõ, không có nghĩa là phóng to ảnh chụp sẽ không thấy gì!”

Tôi cũng hào hứng theo, gật đầu nói: “Chứng tỏ máy ảnh được cấp trên trang bị cho quá xịn.”

Sư phụ không để ý tới suy nghĩ lạc đề của tôi, thầy nói tiếp: “Nhìn kỹ xem, vết bánh xe này là hai đường song song, nếu là một đường lúc đi, một đường lúc về thì rất khó song song với nhau, vậy nên…”

“Nên đó là xe đẩy tay!” Tôi cướp lời. Sư phụ nói: “Đúng, dùng xe đẩy tay để chuyển xác!”

Trung đoàn trưởng nghe nói chúng tôi tìm ra manh mối khi xem ảnh chụp cũng chạy lại góp vui: “Chuyển xác bằng xe đẩy tay, việc đó có giúp gì cho điều tra không?”

“Tức là trong nhà hung thủ có xe đẩy tay.” Tôi nói.

Cả phòng chìm trong im lặng. Suy đoán này có vẻ không giúp ích gì cho vụ án, bởi nhà dân ở đây đến quá nửa là có xe đẩy.

Sư phụ cười nói: “Đừng nóng vội, trước mắt coi như nó không có giá trị với vụ án, nhưng chưa biết chừng lại có lúc cần, hoặc có khả năng dẫn đến phát hiện bất ngờ.”

Sau đó tổ chuyên án nhanh chóng có mặt đông đủ, Trung đoàn trưởng vội yêu cầu chúng tôi mau đưa ra những phát hiện của mình.

Sư phụ nhấp một ngụm nước, đều đều nói: “Qua khám nghiệm tử thi, trước tiên chúng tôi xác định nguyên nhân cái chết là chấn thương sọ não nghiêm trọng dẫn đến tử vong. Đồng thời chúng tôi cũng suy đoán, hung thủ giữ chặt cổ nạn nhân, đè cô ấy xuống một vật dụng trong nhà, sau đó dùng vật tày đánh vào đầu, gây ra cái chết cho nạn nhân. Sau khi nạn nhân tử vong, hung thủ giấu xác trong sân vườn. Khoảng hơn một tháng trước, thi thể bắt đầu phân hủy bốc mùi, hung thủ không thể tiếp tục che giấu, vì vậy nhân một đêm tuyết lớn, dùng xe đẩy tay đưa thi thể ra bãi tha ma vùi lấp qua loa. Khi tuyết ngừng rơi, thú hoang trong núi liền coi thi thể là thức ăn mà lôi ra.”

Nghe sư phụ nói thế, tôi đột nhiên nhớ đến lời sư phụ nói lúc trước, rằng phải đem nguyên nhân tử vong kết hợp với quá trình giấu xác. Bây giờ đã tìm ra nguyên nhân dẫn đến cái chết, làm rõ được quá trình giữ xác, vậy có thể suy đoán ra điều gì?

Quả nhiên sư phụ bắt đầu nói đến vấn đề này: “Nạn nhân bị vật tày đập vào đầu, xương đầu bị vỡ nát, da đầu cũng bị đánh rách, nếu như giấu một thi thể bị thương trên đầu thì…”

“Nơi giấu xác hẳn sẽ có vết máu của nạn nhân!” Tôi không nén được sự vui sướng, bỗng nhiên cướp lời sư phụ định nói.

Các điều tra viên đều giật mình với câu tôi vừa thốt ra, mọi người đều quay đầu nhìn tôi.

Sư phụ cười nói, “Đúng. Căn cứ vào các điều kiện khác, chúng tôi cho rằng hung thủ là một người đàn ông trẻ, khỏe mạnh, quen biết với nạn nhân, trong nhà có xe đẩy tay, trong sân nhà hẳn là có chỗ giấu xác, nơi đó có lẽ có vết máu của nạn nhân.”

Hình ảnh minh họa:

Phần xương xốp (Spongy bone) trong xương sọ

Gan, mật, ống dẫn mật

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.