Người Phiên Dịch

Chương 10: Chương 10




Kiều Phi

Tôi đã mất rất nhiều thời gian giải thích cho mẹ nghe làm thế nào tôi kiếm được món tiền lớn đó. Tôi dùng thủ ngữ nói: “Thầy cô và bạn bè quyên góp giúp con một ít, còn bình thường con đi làm thêm cũng kiếm được đôi chút, mẹ không tin con à? Con học rất tốt, con còn làm hướng dẫn viên du lịch ở Bắc Kinh, làm cả phiên dịch nữa nên cũng kiếm được mẹ ạ. Mẹ có nhìn thấy anh vừa đi ban nãy không? Anh ấy rất tốt, cho con mượn rất nhiều tiền, còn giúp con tìm việc.

Lúc tôi đi, mẹ tôi đưa tôi một túi trứng kho lá trà. Tôi đi tàu tới Thẩm Dương, từ đó lại bắt tàu về Bắc Kinh, mất một ngày rưỡi.

Đã thực sự nghỉ hè, nhưng trong trường vẫn còn một số sinh viên không về quê. Trong kí túc xá Ba Ba vẫn ở lại để cùng ôn tập thi thạc sĩ với bạn trai mình.

Tôi nghỉ ngơi một ngày, sau đó gọi vào số điện thoại mà Trình Gia Dương đưa cho. Người nhấc máy là nam giới, khi nói chuyện cố nhấn mạnh vào âm uốn lưỡi, ngữ âm điển hình của người Bắc Kinh.

“Xin hỏi chỗ anh đang cần hướng dẫn viên du lịch tiếng Pháp phải không ạ? Trình Gia Dương cho em số điện thoại của anh.”

“Ái chà chà, cuối cùng thì em cũng đã gọi điện tới, anh cứ tưởng em mất tích rồi. Em tới công ty anh đi, anh muốn nói chuyện với em một lát.”

Tôi tìm đến chỗ công ty du lịch đó, tận mắt nhìn thấy bạn của Trình Gia Dương - Ngô Tiểu Bình. Khi gặp tôi, anh ta tỏ vẻ nghi ngờ: “Em bao nhiêu tuổi rồi? Đã tốt nghiệp cấp ba chưa?”.

“Em hai mốt tuổi” Tôi nói thêm một tuổi. “Là sinh viên năm thứ ba, cuối năm thứ ba.”

“Anh nhờ Trình Gia Dương tìm giúp một phiên dịch thành thạo, thế mà thằng cha lại làm thế này với anh.”

“Anh chưa nghe em nói tiếng Pháp, thế thì làm sao biết em có thành thạo hay không? Anh lấy bất kỳ một bản thuyết minh cho khách, em sẽ dịch miệng ngay tại chỗ cho anh.”

Tôi đoán chắc anh ta một chữ tiếng Pháp bẻ đôi cũng không biết lại định nắn gân mình.

Anh ta liền cười hì hì đáp lại: “Được rồi, cô bé à, thôi thì nể mặt Trình Gia Dương, anh tin em vậy. Anh chàng đang ở Canada nhưng đã gọi điện cho anh mấy lần hỏi về việc em đã tới chưa đấy. Anh sẽ bảo nhân viên lấy tài liệu cho em, những từ ngữ tối thiểu như đưa khách đi sân bay, đi nhà hàng đối với em chắc không có vấn đề gì đúng không? Tới địa điểm nào là lại có hướng dẫn viên bản địa đi cùng, chắc cũng không khó khăn lắm đâu”.

Đoàn du lịch Pháp này sẽ ở Trung Quốc mười lăm ngày, tuyến du lịch Bắc Kinh - Tây An - Thành Đô - Côn Minh - Quế Lâm - Thượng Hải, sau đó từ Thượng Hải xuất cảnh về nước.

Tôi mua đủ thực phẩm và nước rồi bắt tay ngay vào việc xem Tiếng Pháp giao tiếp thông dụng và bản thuyết minh. Đây là việc làm thêm đứng đắn đầu tiên của tôi, không những thế Trình Gia Dương còn nói thu nhập cũng khá, không thể cho phép bản thân lười biếng được.

Trước khi đoàn khách du lịch tới, tôi cùng Ba Ba đi mua đôi xăng đan đế mềm, rồi lại đứng trước gương tập cười, để lộ hàm răng trắng bóng: “Soyez les bienvenues en Chine!” (Chào mừng tới Trung Quốc).

Ngày thứ hai tôi đón đoàn khách du lịch hơn ba mươi người gồm cả nam lẫn nữ, trạm đầu tiên là tới quán Toàn Tụ Đức ăn món vịt quay nổi tiếng, chú ngồi cùng bàn với tôi ăn tới hơn hai mươi cái bánh cuốn thịt vịt, sau đó chỉ món nước chấm rồi hỏi: “Tương màu sô cô la kia làm bằng nguyên liệu gì vậy?”.

Tôi hỏi người phục vụ, anh ta trả lời: “Được làm bằng bột mì chế biến đặc biệt”.

Sau khi dịch xong tôi mới phát hiện cụm từ “chế biến đặc biệt” thực sự rất hữu hiệu, thích hợp để giải thích mọi vấn đề liên quan tới lĩnh vực ăn uống.

Chúng tôi đi tham quan Cố Cung. Đúng vào mùa du lịch nên các đoàn khách du lịch hối hả nối đuôi nhau, tôi vừa giới thiệu từng thắng cảnh vừa tập hợp khách để đảm bảo không để lạc bất kỳ một vị khách nào. May mà tôi đều làm tốt những việc đó. Tôi đã học thuộc hết những bản giới thiệu các di tích. Khi đoàn tham quan cung điện và viện bảo tàng, tuy đôi lúc tôi nói không được lưu loát lắm nhưng cơ bản đã hoàn thành việc truyền tải chính xác thông tin, những người nước ngoài tấm tắc khen hay khi tôi giới thiệu về nền văn minh huy hoàng của Trung Hoa cổ đại.

Hai ngày tiếp theo tôi dẫn đoàn tham quan Thập Tam Lăng, Thiên Đàn, Trường Thành, Bát Đạt Lĩnh. Tới Thập Tam Lăng gặp một đoàn du khách Pháp khác, hướng dẫn viên là một anh chàng, anh ta cứ lẽo đẽo đi theo đoàn của tôi. Lúc tôi cho khách chụp ảnh tự do, anh ta tiến tới chỗ tôi hỏi: “Cô bé mới làm hướng dẫn viên à?”.

Tôi đã từng học ở thành phố này hai năm, từ đó tới giờ tôi vẫn không hề có ấn tượng tốt với khẩu âm uốn lưỡi địa phương, cùng với những người bản địa mày râu nhẵn nhụi nơi đây. Tôi uống một ngụm nước khoáng rồi đáp lại: “Đúng vậy”.

“Anh nhận ra ngay. Hôm qua, lúc ở Cố Cung anh đã nhìn theo em suốt.”

Tôi lườm anh ta một cái. Phần lớn đàn ông ở cái thành phố này đều cho rằng mình biết tuốt.

“Anh biết cái gì thế?”

Tôi lại nhấm một ngụm nước nữa.

“Anh thấy em nói vất vả quá, chắc mệt lắm hả?”

Thật không thể nào đoán được lời nói của anh ta mang ý tốt hay ý xấu nữa.

“Xin hỏi anh làm công việc gì? Anh không hướng dẫn cho khách à? Anh làm như thế mà cũng đòi dẫn khách hả?”

“Em giận gì chứ? Nội dung giới thiệu đều có trong sách hướng dẫn, bên cạnh vật trưng bày chẳng phải còn có cả Tiếng Anh rồi sao? Cứ để bọn người nước ngoài đó tự xem, anh đây chỉ muốn dạy cô em cách tiết kiệm sức thôi mà.”

Người này thật khiến tôi không thể nén giận được nữa: “Anh cứ lẽo đẽo theo đoàn của tôi, mục đích là để khách của anh có thể nghe được lời tôi giới thiệu, còn bản thân thì tiết kiệm sức lực chứ gì.”

Anh ta cười hì hì.

“Ôi chao mẹ ơi, khó chịu quá đi mất.” Tôi dùng tiếng Đông Bắc nói, tôi luôn cảm thấy tiếng của quê hương mình thật hay, rất thích hợp để chửi người khác. Tôi dẫn đoàn đi nhanh, để cắt luôn cái đuôi khó chịu kia.

Đây là thành phố lớn đang trong quá trình quốc tế hóa, những anh tài ngoại ngữ ở khắp mọi nơi không hẹn mà gặp.

Buổi tối trước hôm xuất phát đi Tây An, tôi dẫn đoàn tới Vương Phủ Tỉnh ăn bữa ăn nhẹ. Đầu phố có hai quán thịt xiên rán, những người nước ngoài nhìn thấy những con ve trên xiên nướng nên hiếu kỳ dừng lại xem.

Anh đầu bếp rất nhanh nhẹn, nhìn thấy người da trắng liền chào: “Hello.”

Người Pháp đó chỉ cười.

Anh đầu bếp ngay lập tức nói: “Salut”, từ này chính là “hello” trong tiếng Anh.

Người Pháp đó rất vui liền luôn miệng nói: “Salut. Salut.”

Người Pháp chỉ vào con ve hỏi: “Quoi?”. (Cái gì đây?)

Anh đầu bếp: “Cigale”. (Con ve.)

Người Pháp lại hỏi: “Comment manger?”. (Ăn như thế nào?)

Anh đầu bếp: “Fried”. (Chiên.)

Rồi giơ ngón cái lên: “Parfumée”. (Thơm lắm!)

Những người Pháp lúc này đã rất tò mò, họ đếm số người muốn ăn rồi gọi hai mươi xiên, và thêm một số xiên thịt khác nữa, anh đầu bếp vui mừng thu tiền, tiếp tục rán.

Tôi nghĩ thầm trong bụng, đúng là anh hùng không ra làm quan thì lui về ở ẩn.

Hai ngày do cố gắng làm việc, họng tôi vừa đỏ vừa rát, tôi nhớ lại lời của gã đàn ông hôm trước, có lẽ mình nên có biện pháp để làm biếng.

Tới Tây An, đón chúng tôi là hướng dẫn viên bản địa khoảng trên dưới bốn mươi tuổi. Tạm thời tôi có thể nghỉ ngơi đôi chút được rồi. Tiếng Pháp của người đó rất chuẩn, sau đó tôi mới biết anh là giảng viên tại Học viện Ngoại ngữ ở Tây An. Nhưng do đãi ngộ đối với giảng viên của học viện không tốt lắm, trong khi Tây An lại là thành phố có ngành kinh tế du lịch chủ đạo nên anh tìm việc làm thêm, cơ hội vừa nhiều lại vừa có thêm thu nhập cho gia đình.

Đi theo giảng viên này, tôi lại học thêm được một chiêu mới.

Khách sạn chúng tôi ở rất nhiệt tình, đã tổ chức một bữa “Tiệc bánh sủi cảo” để tiếp đãi những người bạn quốc tế. Trước bữa tiệc, đầu bếp chính của khách sạn đích thân giảng giải cho các vị khách quốc tế cách gói bánh sủi cảo. Ông ta vừa làm vừa hướng dẫn, đương nhiên, hoàn toàn bằng tiếng Trung.

“Xin mọi người hãy nhìn, đầu tiên chúng ta nhồi bột, xong sau đó cắt thành những miếng nhỏ đều nhau, rồi dùng chày cán bột trong tay quý vị, cán thành những miếng nhỏ hình tròn, sau đó chúng ta cho nhân vào, không quá nhiều hay quá ít, sau đó chúng ta dùng tay khép miệng bánh lại, tay chúng ta nên chấm một chút nước sạch để khép miệng bánh thật chặt, có thể tạo thành hình sóng, hoặc hình cánh hoa, tùy theo sở thích của mình.”

“Sủi cảo là loại bánh truyền thống của người Trung Quốc, tục ngữ có câu: Đứng không lộn ngược, ngon không gì bằng sủi cảo...”.

Tôi hơi lo lắng cho vị giảng viên này. Nhưng chỉ thấy anh uống một ngụm nước khoáng, sau đó dịch qua quýt cho các du khách Pháp như sau: “Sủi cảo là món ăn truyền thống mà người Trung Quốc thích ăn nhất. Vừa rồi mọi người đều đã nhìn thấy sư phụ biểu diễn rồi phải không? Mọi người cứ làm giống như ông ấy thì có thế gói được sủi cảo ngon, chú ý rửa tay trước khi gói nhé.” Anh ta nhìn tôi, chớp chớp mắt nói: “Nói nhiều họ cũng chẳng hiểu”.

Tôi dỏng tai lắng nghe, nội dung dịch các đoàn khách Anh, Nhật, Hàn, Nga… ở bên cạnh cũng chẳng nhiều hơn. Lúc đó tôi thật sự rất vui, cho rằng mình đã học được một kinh nghiệm, học được kỹ năng ứng phó với những từ khó không thể dịch chuẩn được.

Rời khỏi Tây An, cả đoàn đi Thành Đô, Côn Minh, cả chặng đường không ai nói gì, hướng dẫn viên bản địa ở hai địa điểm này giống với vị giảng viên đại học kia, họ rất giỏi xuất chiêu, chẳng tốn công sức chút nào cũng kiếm được rất nhiều tiền bo.

Tới Quế Lâm, thì xảy ra chuyện. Chúng tôi xuống máy bay, hướng dẫn viên bản địa hớn hở tiến về phía chúng tôi nói: “Hallo!”.

Tôi thắc mắc: “Anh nói gì vậy? Phải là bonjour chứ”.

Anh ta sững người: “Không phải đoàn khách Đức à?”.

“Pháp.”

Chúng tôi nhìn nhau không nói gì, những người nước ngoài kia vẫn đang bận rộn lấy hành lý.

“Anh có thể tìm gấp một hướng dẫn viên bản địa tiếng Pháp được không?”

“Không thể nào, bây giờ đang là mùa du lịch, đã phái đi hết rồi.”

Tôi ngã ngửa, bản giới thiệu những danh lam thắng cảnh tại Quế Lâm tôi chưa xem chút nào cả.

“Anh có thể tìm cho em chút tài liệu được không? Dù gì thì em cũng phải chuẩn bị đôi chút mà.”

“Được, anh về lấy ngay đây, tối nay anh sẽ đem tới phòng khách sạn cho em.” Nói rồi anh ta nhanh chóng biến mất dạng, không biết còn đi làm thêm ở chỗ nào nữa.

Một thân một mình ở thành phố, ngoài bản thân mình ra không được tin bất kỳ ai nữa. Nếu không biết điều đó tôi đã không sống nổi tới ngày hôm nay. Cho tới khi rời khỏi Quế Lâm, tôi vẫn không thấy mặt mũi anh chàng tiếng Đức kia đâu.

May mà chúng tôi chỉ dừng lại ở Quế Lâm một ngày, vừa về tới khách sạn tôi đã bò ra tìm tài liệu du lịch trên mạng, nhanh chóng học thuộc, chuẩn bị sơ sơ.

Lần này, tôi đã tích lũy được chút ít kinh nghiệm để tiết kiệm sức. Trước khi bắt đầu tham quan, tôi mời hướng dẫn viên di tích giới thiệu bằng tiếng Anh tương đối chậm cho khách nghe, tiếng Anh của nguời Pháp rất tốt, họ đều hiểu được. Thỉnh thoảng có chỗ nào thực sự không hiểu mới hỏi tôi, mặc dù đêm trước tôi đã chuẩn bị rồi nhưng vẫn hỏi thêm hướng dẫn viên, cuối cùng cũng vượt qua được sự cố.

Đúng vào lúc tôi tưởng có thể thở phào nhẹ nhõm, hóa hiểm thành yên thì lại bất ngờ xảy ra chuyện.

Đêm hôm trước khi đi Thượng Hải, để đề phòng tình huống tương tự có thể xảy ra ở Thượng Hải, tôi ôm đống tài liệu nằm trên giường đọc trước. Bỗng dưng có người hối hả gõ cửa phòng tôi. Tôi vội vàng mở cửa thì hóa ra là người đàn ông ăn liền một lúc hai mươi cái bánh cuốn thịt vịt. Ông ta đứng ở bên ngoài, một bên mặt sưng vù, run bần bật hỏi tôi: “Tôi có làm phiền cô không? Răng tôi đau quá, không chịu nổi nữa rồi. Tôi muốn đi bệnh viện khám răng”.

Tôi khoác vội áo rồi đi cùng ông ta đi ra ngoài, tới bệnh viện gần nhất chúng tôi liền đăng ký khám nha khoa.

Bác sĩ thấy bệnh nhân là người nước ngoài nên rất nhiệt tình, sau khi kiểm tra cẩn thận xong xuôi, bắt đầu nói rõ bệnh tình.

Nửa đêm rồi, trời đất vạn vật đều nghỉ ngơi rồi, tôi rất mệt mỏi mà còn phải ở đây làm phiên dịch cho vị nha sĩ này.

Bác sĩ: “Sâu răng rồi”.

Tôi: “Trên răng có lỗ”.

Bác sĩ: “Viêm dây thần kinh rồi”.

Tôi: “Bây giờ ngài cảm thấy đau, trong răng mưng mủ rồi”.

Bác sĩ: “Phải giảm đau sau đó mới tiêu viêm”.

Tôi: “Chúng tôi sẽ lấy phần mưng mủ ra, sau đó sẽ tiêm giảm đau cho ngài”.

Bác sĩ: “Phải nhổ tận gốc phần răng bị sâu, còn phải mài một chút nữa, sau đó trồng răng lên. Mời ngài chọn chất liệu, chất liệu sẫm màu một chút thì chắc hơn, chất liệu trắng thì đẹp hơn”.

Tôi không thể nhẫn nại hơn được nữa liền nói: “Ông xem phải làm gì thì làm thôi, sao mà nhiều lời thế? Tôi đi khám răng, bác sĩ lấy kìm, nhổ một cái là xong, có khi nào nói nhiều như ông đâu chứ”.

Vị bác sĩ cũng bắt đầu nổi nóng, nhìn tôi nói: “Không hiểu có phải cô học ngoại ngữ không vậy? Răng của cô và răng của người nước ngoài có giống nhau không? Trong ngoại giao không có chuyện gì là nhỏ cả biết không?”.

Tôi ức đến nghẹn cả cổ, không nói gì được.

Ông người Pháp kia khó nhọc ngồi xuống ghế rồi nói với tôi: “Làm thế nào cũng được, cô nói với bác sĩ nhanh lên một chút, tôi đau chết đi được”.

Quá trình khám chữa kéo dài hai tiếng, ông người Pháp sau khi tiêm thuốc tê đã ngủ thiếp đi, tôi cứ phải ngồi canh bên cạnh. Mệt tới mức mơ mơ màng màng, tôi mơ thấy Trình Gia Dương, sau khi tôi về, anh hỏi chuyến đi lần này thế nào, tôi nắm chặt tay trái, tức tối nói: “Cả đời này em không thể để người ta khinh thường mình được”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.