Người Phiên Dịch

Chương 45: Chương 45




Chương 45

Kiều Phi

Bỗng nhiên mẹ tôi nói được, mẹ vuốt tóc tôi rồi hỏi: “Có vất vả lắm không con?”.

Tôi cười xòa rồi đáp lại: “Vất vả gì đâu mạ. Con còn sống rất vui vẻ nữa kìa”.

“Phi Phi, con gầy quá”.

“Đó là do con chăm chỉ luyện tập thể thao”. Tôi đứng dậy, “Bây giờ con còn biết trượt ván nữa đấy”.

Dường như tôi muốn gì thì ngay lập tức có thứ đó. Dưới chân tôi xuất hiện một tấm ván trượt, tôi liền dẫm lên rồi bắt đầu biểu diễn cho mẹ xem. Bỗng một làn gió nhẹ lướt qua người tôi, ZuZu Ferrandi trượt qua ngay bên cạnh. Trông anh thật khoáng đạt, tuấn tú biết bao. Phía sau anh chú chó con đang chạy theo.

Tôi nói: “ZuZu, anh trượt chậm lại một chút đi, chờ em với”.

Nói rồi tôi định đuổi theo nhưng ZuZu không quay lại. Dưới bóng cây, một mình anh chơi rất vui, càng lúc anh càng xa tôi. Tôi bắt đầu lo lắng, vội vàng đuổi theo. Bỗng mọi thứ thay đổi, tôi ngã xuống đất, đau tới mức không thể chịu đựng hơn được nữa, tôi liền hét lên.

Sự đau đớn khiến tôi thoát khỏi thế giới trong mơ. Tôi mở mắt, bốn bề trắng toát, một khuôn mặt người nước ngoài rất hiền từ nhẹ nhàng hỏi tôi: “Cô à, cô tên là gì?”.

Hóa ra thượng đế là người Pháp, may mà mình lại học loại ngôn ngữ này.

“Có phải tôi đang ở trên thiên đường không?”

“Bệnh viện Thánh tâm Paris”.

“Tôi đau quá”

“Trên người cô có rất nhiều vết thương nhưng đều là vết thương nhẹ không đáng ngại lắm”.

“Tôi muốn đi ra ngoài”.

“Cô cần phải điều trị một thời gian nữa”

“Cảm ơn. Tôi là lưu học sinh TQ, Kiều PHI. Hiện tôi đang học tại đại học Paul- Vallery”.

“Rất tốt. Đây chính là thông tin chúng tôi muốn biết”. Bác sĩ cười với tôi.

Tôi nằm trên giường, toàn thân đau ê ẩm, thế nhưng tôi vẫn cảm nhận rõ cả người mình đang quấn băng. Tôi muốn chụp lại bộ dạng của mình lúc này, sau này xem lại chắc buồn cười lắm đây.

“Đã xảy ra chuyện gì vậy thưa bác sĩ?”

Vị bác sĩ nói chuyện với tôi từ đầu tới giờ là một người đàn ông trung niên rất dịu dàng. Ông ta trầm ngâm một chút: “Ga Lyon hôm qua bị đánh bom, chính vì thế mà cô bị thương”.

Tôi có cảm giác trái tim mình trĩu xuống: “Tôi muốn hỏi một chút, bên cạnh tôi lúc đó có một hiến binh, bây giờ anh ấy đang ở đâu?”

“Có phải là ZuZu Ferrandi không?”

“Đúng rồi”.

“Lúc xảy ra vụ nổ, vì bảo vệ sự an toàn cho cô và các hành khách khác, anh ấy đã lao vào kẻ xấu...Chúng tôi đã cố hết sức, nhưng rất tiếc”.

Trái tim tôi như ngừng đập.

Hóa ra con người khi chết đi, đúng là có linh hồn thật. Tôi vừa mơ thấy ZuZu, có lẽ anh đến để chào tạm biệt tôi.

Nhưng sao anh lại ngượng ngùng, ít nói đến vậy? Tôi gọi anh nhưng anh không trả lời mà lặng lẽ bỏ đi.

Anh vẫn còn trẻ con lắm, vì giận tôi nên chỉ cho tôi nhìn thấy bóng lưng mà thôi.

ZuZu, em đã làm tổn thương con người ngây thơ thẳng thắn như anh. Chính cái tính tùy tiện và sự lạnh lùng của em đã làm tổn thương anh.

Em còn chưa kịp nói lời xin lỗi.

Đúng vậy ZuZu à, anh đã giận em rồi phải không, nếu không anh đã mang em đi cùng.

Bác sĩ dặn: “Cô à, cô phải nghỉ ngơi cho tốt đấy”.

“Bác sĩ”. Tôi chậm rãi gọi vị bác sĩ xa lạ kia, “Bác sĩ có biết không? Hiến binh Ferrandi mới chỉ mười chín tuổi thôi thế nhưng anh ấy đã xin đi Kenya để gìn giữ hòa bình đấy”.

“Cô à, anh ấy ở đây, cũng đã làm hết trách nhiệm với người dân Paris rồi.” Ông ấy đáp.

Không biết là cơn đau trong tim hay trên thân thể đã khiến tôi ngủ li bì, những lúc tỉnh dậy tôi lại muốn đếm cừu để tiếp tục chìm vào giấc ngủ. Tôi luôn cảm thấy ZuZu rất tốt, lẽ nào anh ấy lại không cho tôi một cơ hội. Liệu anh ấy có tới gặp tôi nữa không?

Lúc tỉnh táo, tôi phát hiện băng quấn trên người ngày càng ít đi. Bác sĩ tới thăm nói với tôi rằng tôi hồi phục rất nhanh. Còn có một số người tới thăm tôi, đều là người TQ. Họ nói với tôi, họ là giáo viên trong đại sứ quán. Khi biết tình hình của tôi liền tới thăm hỏi. Họ còn nói: “Lưu học sinh gặp nạn cũng chạm tới trái tim của tổ quốc”. Rồi họ hỏi về tình hình điều trị và sinh hoạt của tôi, hỏi yoi6 còn có yêu cầu gì khác không?

Tôi đáp: “Mong mọi người không thông báo chuyện này cho bố mẹ tôi biết”.

Một thời gian sau, tôi có thể xuống giường đi lại. Thế nhưng tay vẫn còn bị băng bó, bác sĩ nói tay tôi bị thương rất nặng phải giữ gìn cẩn thận nếu không sẽ gặp khó khăn khi cử động. Tôi thường đi dạo trong vườn hoa của bệnh viện. Thời gian trôi qua thật nhanh, chẳng mấy chốc đã vào hè. Paris lúc này đã tràn ngập ánh nắng như các thành phố phương Nam. Đôi khi tồi ngồi trên ghế trong vườn hoa của bệnh viện tới tận chiều, trái tim lúc nào cũng không nguôi nhớ về ZuZu.

Có người tới thăm tôi, là Audeux.

Các trường đại học đã nghỉ hè, luận văn của tôi được nhà trường cho nộp sau. Audeux tới Paris sau khi giúp tôi làm mọi thủ túc kết thúc việc học tại trường, trả phòng, thu dọn hành lý cho tôi, rồi gửi ở văn phòng liên lạc của người Hoa. Cô ấy còn mang con chó ZuZu của tôi về chăm sóc.

Cô ấy rất chu đáo, tôi không biết phải làm thế nào để cảm ơn nữa. Tôi nợ cả hai chị em họ quá nhiều. Không hiểu cả đời này tôi có trả hết không.

Audeux đưa cho tôi một điếu thuốc rồi tự châm cho mình một điếu. Chúng tôi đang ngồi trong vườn hoa.

“Lúc ZuZu mới mất mình đã thề sẽ không bao giờ gặp lại cậu nữa”.

“Nhưng sau này mình nghĩ lại, nếu ZuZu còn sống chắc chắn nó sẽ vẫn làm những việc đó vì cậu”.

“...”

“ZuZu được chôn với quốc kì Pháp, còn được các đồng nghiệng khiêng linh cữu. Nó nằm ở nghĩa trang các anh hùng quốc gia tại Paris. Cậu có muốn đi thăm nó không?” Audeux hỏi, cô ấy vẫn tiếp tục hút thuốc.

“Mình có được đi không Audeux?” Tôi hỏi.

Cô ấy nhìn tôi hồi lâu, sau đó dang tay ôm tôi: “Phi à, đây không phải là lỗi của cậu. Thượng đế đưa nó đi, nhất định ngài có việc cho nó làm”.

Tôi tới thăm mộ của ZuZu, nơi anh nằm ở một góc của nghĩa trang. Bia mộ đơn giản không cầu kì chút nào, trên đó chỉ khắc sơ sài mấy chữ: ZuZu Ferrandi, hiến binh trẻ tuổi, hạ sĩ, vì Paris đã lưu lại nơi đây.

Bên cạnh mộ có rất nhiều hoa, không biết ai đã tới thăm anh. Tôi đặt bó hoa ly trắng cạnh những bó hoa khác. Mặt tôi lúc này rất gần với bia mộ của anh, tấm bia bằng đá xanh tỏa ra hơi lạnh. Tôi hôn lên dòng chữ khắc tên anh rồi khẽ hỏi: “ZuZu, anh có lạnh không?”

“ZuZu, lần này hãy để em ôm anh được không?”

Rồi tôi nép người lên mộ anh. Lạnh thật! ZuZu à, lần này hãy để em truyền hơi ấm cho anh nhé.

Có ai đó vừa đi ngang qua, tôi ngẩng đầu lên thì phát hiện ra đó chính là bà lão tôi gặp trên chuyến tàu hôm đó. Tôi nhìn bà, bà cũng nhìn tôi.

“Cô sao vậy?” Bà ấy hỏi.

“Bạn cháu qua đời rồi”.

“Thế thì sao chứ?”

“...”

“Cô xem chỗ này có rất nhiều người, họ sống ở thế giới bên kia còn vui vẻ hơn kìa, cô có tin không?”

“Cháu không tin, bên đó lạnh như vậy. Bạn của cháu lại là người miền Nam, anh ấy sẽ không thích đâu”.

“Sao cô biết? Cô đã tới chỗ đó rồi à?”

“Bên đó rất tốt. Không giống với tưởng tượng của cô đâu”

“Làm sao bà biết được? Bà đã từng tới nơi đó rồi ư?”

“Ừ”.

“Vậy bà đưa cháu đi với”.

Bà nhìn tôi khinh miệt: “Tôi nói cho cô biết, họ chỉ đi tới một nơi khác mà thôi, cũng giống như Francois của tôi”

“Cô hiểu không vậy? Đối với họ, mọi thứ không phải là đã kết thúc mà mới chỉ bắt đầu”.

Bà lão đó vẫn đạp một cách kỳ quái, vẫn điên điên khùng khùng như trước.

Câu nói cuối cùng của bà ta vẫn văng vẳng bên tai tôi: Mọi thứ không phải là đã kết thúc mà mới chỉ bắt đầu.

Tôi rất muốn tin như vậy.

Mãi tới hôm tôi xuất viện bác sĩ mới tháo băng ở tay tôi. Tôi chăm chú ngắm nhìn bàn tay của mình. Trên đó có một vết sẹo hồng mới liền da.

Tôi cười, rồi nhận ra một điều, ZuZu tốt bụng không hề rời xa tôi, anh ấy sẽ ở lại với tôi vĩnh viễn.

Khi tôi ra khỏi bệnh viện thì xảy ra một chuyện.

Xe cấp cứu hú còi ầm ĩ phóng vào, nạn nhân được khiêng trên cáng mình mẩy bê bất máu. Các bác sĩ thông báo sơ tình hình là có tai nạn giao thông.

Tôi dừng bước, bỗng nghe thấy nạn nhân rên rỉ bằng tiếng Trung: “Mau cứu tôi với!”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.