Người Tù Khổ Sai

Chương 9: Chương 9: Giờ hoàng đạo




Thủy triều lên sẽ kéo dài sáu giờ. Thêm một tiếng rưỡi đợi nước ròng nữa: như vậy tôi có thể ngủ bảy tiếng đồng hồ, mặc dầu tôi đang ở vào một trạng thái phấn khích dữ dội. Tôi phải ngủ bằng được, vì một khi đã ra khơi rồi, tôi còn ngủ vào lúc nào được nữa? Tôi nằm xuống giữa cái thùng ton-nô và cái cột buồm, Maturette căng một tấm chăn làm mái giữa cái thùng và tấm ván ngang, thế là tôi đã được che mưa che gió tươm tất, tha hồ ngủ cho kỹ. Tuyệt nhiên không có gì đến quấy rầy giấc ngủ say như chết của tôi, dù là một giấc chiêm bao, là mưa gió hay là tư thế nằm không thoải mái. Tôi ngủ, ngủ mãi cho đến khi Maturette đánh thức tôi dậy:

- Papi ơi, hình như đến giờ rồi, hay gần gần như thế. Nước thủy triều bắt đầu xuống từ lâu rồi.

Tôi thò tay xuống nước thì thấy luồng nước chảy về phía mũi thuyền, tức về phía biển, rất nhanh (chúng tôi cho thuyền quay mũi sẵn ra biển). Trời đã tạnh mưa. Một vành trăng khuyết cho phép chúng tôi nhìn thấy khá rõ trước mặt chúng tôi hàng trăm mét, dòng sông đang cuốn đi những đám cỏ, những thân cây, những khối gì đen ngòm. Nơi chúng tôi buộc thuyền không có gió. Liệu ra giữa sông sẽ có chăng? Gió có mạnh không? Chúng tôi từ dưới lùm cây rậm chui ra, thuyền vẫn buộc vào một rễ cây bằng một cái nút thòng lọng. Tôi nhìn lên trời để xác định đâu là bờ biển, đâu là nơi dòng sông kết thúc và cửa biển bắt đầu. Chúng tôi đã xuống đến gần cửa biển hơn nhiều so với dự tính, và tôi có cảm giác chỉ độ không đầy mười cây số nữa là ra đến biển.

Chúng tôi uống mấy ngụm rượu rhum cho thật tỉnh người. Tôi trưng cầu ý kiến hai bạn: ta dựng cột buồm ở đây chăng? Phải, chúng tôi cùng dựng nó lên: nó đứng rất vừng trên cái ổ của nó ở đáy thuyền, và cái lỗ tròn trên tấm ván ngang khoét vừa khuýp giữ nó rất chặt. Tôi kéo buồm lên nhưng không trương ra, cứ để nó cuộn tròn xung quanh cột. Buồm chéo và buồm foc đã được sắp sẵn đâu vào đấy để Maturette có thể lắp vào ngay khi nào tôi thấy cần. Để trương buồm ra, chỉ cần buông sợi dây quấn nó xung quanh cột buồm. Chính tôi sẽ từ chỗ cầm lái mà làm thao tác này. Maturette ngồi ở phía trước cầm chèo; tôi cũng cầm chèo ngồi ở phía sau. Phải rứt ra khỏi bờ thật mạnh và thật nhanh, vì luồng nước cứ ép chúng tôi vào đấy.

- Coi chừng, chuẩn bị Lên đường, tùy ơn Chúa

- Tùy ơn Chúa! - Clousiot nhắc lại.

- Xin phó thác thân tôi vào tay Người, - Maturette nói.

Chúng tôi giật mạnh con thuyền ra khỏi bờ.

Rất đều tay, chúng tôi vục chèo xuống nước và kéo thật mạnh: thuyền tách ra một cách dễ dàng. Mới ra cách bờ chưa được hai mươi thước mà đã đi được một trăm thước về phía xuôi. Đột nhiên gió ập tới và đẩy chúng tôi ra giữa sông. Lắp buồm chéo và foc, dây buộc cho chặt. Gió lùa vào hai cánh buồm, và chiếc thuyền chồm lên như một con tuấn mã rồi lao tới, nhanh như mũi tên. Chắc chúng tôi lên đường muộn so với giờ đã định, vì dòng sông đột nhiên sáng bừng lên như giữa ban ngày. Có thể trông rõ bờ bên phải thuộc dịa phận của Pháp cách chúng tôi khoảng hai cây số, và bên trái, cách một cây số, là bờ thuộc địa phận Hà Lan. Phía trước mặt có thể trông rất rõ những đợt sóng biển bạc đầu, giống như một đàn cừu.

- Trời đất ơi! Chúng mình nhầm giờ mất rồi, - Clousiot nói. - Liệu có kịp ra biển không?

- Không biết. - Tôi đáp xẵng. - Xem kìa: sóng biển cao quá, đỉnh sóng trắng quá! Không khéo thủy triều bắt đầu lên rồi cũng nên.

- Không thể được, tôi vẫn thấy các thứ đang trôi xuôi đấy Maturette nói:

- Chúng mình không được rồi, chúng mình sẽ không tới kịp.

Tôi liền gắt:

- Câm mồm đi, ngồi cho sát chỗ dây buồm foc và buồm chéo. Cả cậu nữa Clousiot ạ. Cậu im mồm đi cho tôi nhờ.

Đoàng - ình... ! Đoàng - ình... ! Mấy phát súng các bin bắn về phía chúng tôi. Phát thứ hai tôi định vị được rất rõ ràng. Hoàn toàn không phải bắn từ phía bọn cai ngục, mà là từ phía Guyane thuộc Hà Lan. Tôi trương buồm lớn. Nó phồng lên mạnh đến nỗi chỉ thiếu chút nữa nó giật cổ tay lôi tôi ra khỏi thuyền. Con thuyền nghiêng hơn bốn mươi lăm độ. Tôi cố hứng gió đến mức tối đa: điều đó chẳng khó gì, vì gió quá nhiều. Đoàng - ình, đoàng - ình, đoàng - ình, rồi không nghe thấy gì nữa. Gió đưa chúng tôi về phía bờ Pháp nhiều hơn, và chắc hẳn vì thế mà tiếng súng trường ngừng bặt. Thuyền chúng tôi lao đi với một tốc độ khủng khiếp dưới một ngọn gió mãnh hệt tưởng có thể cuốn phăng mọi vật. Thuyền lao nhanh đến nỗi tôi có cảm giác như bị ném về phía giữa cửa bể rồi chỉ vài phút nữa là đâm vào bờ Pháp. Có thể trông thấy rất rõ mấy người chạy ra bờ sông.

Tôi từ từ đảo buồm bằng cách kéo thật mạnh sợi lèo. Bây giờ buồm chính đã dòng thẳng trước mặt tôi. Buồm foc tự nó đảo lại, cả lá buồm chéo cũng thế. Chiếc thuyền xoay ba phần tư, tôi liền thả buồm ra và chúng tôi ra khỏi cửa biển với gió thổi thẳng từ sau lưng. Uf! Xong rồi! Mười phút sau, đợt sóng biển đầu tiên tìm cách chặn chúng tôi lại, chúng tôi cưỡi lên trên ngọn nó một cách dễ dàng, và tiếng suýt-suýt của con thuyền khi còn lướt trên sông nhường chỗ cho tiếng tắc-i-tắc i-tắc của sóng biển vỗ vào ức thuyền. Sóng rất cao, thế mà chúng tôi vượt qua một cách dễ dàng chẳng khác gì một cậu bé nhảy cừu. Tắc-i-tắc, chiếc thuyền leo lên một ngọn sóng rồi lại trượt xuống mà không hề rung hay lắc. Chỉ có tiếng "tắc" của vỏ thuyền đập xuống mặt nước khi từ một ngọn sóng cao trượt xuống.

- Urra! Urra! Ra được rồi! Ra được rồi! - Clousiot gào cật lực.

Và để thêm hào quang cho trận thắng này của chí kiên quyết của chúng tôi trước những sức mạnh của thiên nhiên, Chúa lòng lành đã gửi cho chúng tôi một cảnh mặt trời mọc sáng chói.

Các đợt sóng biển cứ tiếp nối nhau theo một nhịp điệu đồng đều. Chúng tôi càng tiến ra biển cả thì sóng càng bớt cao. Nước biển còn gợn bùn trông rất bẩn. Trước mặt chúng tôi, về phía bắc, màu nước trông như đen: lát nữa nó sẽ là màu xanh biếc. Tôi không cần nhìn địa bàn: cứ để mặt trời đúng bên vai phải, tôi lao thẳng phía trước, gió đầy buồm nhưng thuyền không nghiêng nhiều như ban nãy vì tôi buông một phần dây buồm chính, nó chỉ phồng một nửa mà không bị căng. Cuộc phiêu lưu lớn của chúng tôi bắt đầu. Clousiot nhổm dậy. Anh muốn chồm cả người lên, ngẩng đầu lên để nhìn cho rõ. Maturette liền đến đỡ anh ngồi dậy quay mặt về phía tôi, lưng dựa vào cái thùng ton-nộ Anh vấn cho tôi một điếu thuốc lá, châm lên rồi chuyền cho tôi. Cả ba chúng tôi cùng hút thuốc.

- Đưa chai rhum đây, ta uống một chầu mừng chuyến vượt cửa biển, - Clousiot nói.

Maturette rót rõ đầy ba cái ca sắt: thế là chúng tôi chạm cốc. Maturette ngồi sát cạnh tôi bên tay trái. Chúng tôi nhìn nhau. Gương mặt hai bạn tôi sáng ngời hạnh phúc. Chắc hẳn gương mặt tôi cũng vậy. Clousiot nói:

- Thưa thuyền trưởng, xin ngài cho biết chúng ta đang đi đâu?

- Đi Columbia, nếu Thượng đế vui lòng.

- Thượng đế vui lòng quá đi chứ! - Clousiot nói.

Mặt trời lên rất nhanh, chẳng mấy chốc chúng tôi đã khô ráo. Mấy chiếc áo sơ mi của bệnh viện được cải biến thành khăn choàng "burnous" kiểu A-rập. Chốc chốc chúng tôi lại thấp nước đội lên đầu cho mát để khỏi bị say nắng. Biển cả một màu xanh ngọc bích, sóng cao ba mét nhưng rất dài cho nên thuyền đi rất thoải mái. Gió vẫn mạnh, nên khoảng cách giữa chúng tôi và bờ biển tăng lên rất nhanh. Chốc chốc tôi lại ngoái nhìn dải bờ đang mờ dần ở chân trời. Càng cách xa, cái khối màu lá cây ấy càng phô rõ những đường nét thêu thùa bí ẩn của nó ra. Tôi đang mải nhìn về phía sau thì một đợt sóng đánh ngang sườn nhắc cho tôi nhớ đến trách nhiệm của mình đối với tính mạng của các bạn và của bản thân.

- Em đi thổi cơm đây, - Maturette nói.

- Để tớ cầm cái lò cho, - Clousiot nói, - còn cậu cầm cái nồi.

Cái can xăng được chèn rất kỹ ở tít mũi thuyền, nơi tuyệt đối cấm hút thuốc. Cơm chín tới thơm phức. Chúng tôi ăn cơm nóng trộn với hai hộp cá xác đin. Sau đó là một chầu cà-phê ngon tuyệt. "Một chầu rượu rhum nhé?" Tôi từ chối, vì trời nóng quá. Vả lại tôi chẳng phải là tay bợm rượu. Cứ chốc chốc Clousiot lại quấn thuốc lá rồi châm lên cho tôi. Bữa cơm đầu tiên trên thuyền đã diễn ra một cách êm đẹp. Cứ vị trí của mặt trời thì lúc bấy giờ là mười giờ sáng. Chúng tôi mới ra khơi được có năm tiếng đồng hồ, nhưng có thể cảm thấy biển dưới đáy thuyền rất sâu.

Sóng đã bớt cao, thuyền cắt sóng mà không thành tiếng vỗ. Một ngày tuyệt đẹp. Tôi nhận thấy rằng ban ngày chẳng mấy khi cần đến la bàn. Thỉnh thoảng tôi mới phải so vị trí mặt trời với kim chỉ nam và cứ theo đấy mà định hướng, dễ lắm. ánh nắng phản chiếu trên mặt biển làm cho tôi mỏi mắt. Tôi thấy tiếc là đã không nghĩ đến việc kiếm một cặp kính râm. Bỗng dưng, Clousiot nói với tôi:

- Tôi gặp được anh ở bệnh viện thật may cho tôi quá!

- Đâu phải chỉ có anh là may? Anh đến cũng là rất may cho tôi. - Tôi nghĩ đến Dega, đến Fernandez... Giá họ đồng ý, có phải bây giờ đã cùng ở đây cả rồi không

- Chưa chắc, - Clousiot nói. Anh sẽ gặp những chuyện rắc rối vì khó lòng có thể thu xếp sao cho thằng A-rập vào phòng đúng lúc thuận tiện cho anh.

- Đúng, Maturette đã giúp ích cho chúng ta rất nhiều, và tôi đang mừng cho mình là đã đưa cậu ấy đi, vì cậu ấy rất tận tâm, can đảm và tháo vát.

- Cám ơn anh, - Maturette nói, - và cám ơn cả hai anh đã không khinh em còn ít tuổi và... ẻo lả thế này, mà vẫn tin tưởng vào em. Em sẽ cố sao cho xứng đáng với lòng tin của hai anh.

Rồi tôi nói: "Cả Francois Sierra nữa, giá có cả anh ta cùng di thì hay biết mấy! Cả Galgani nữa... "

- Cứ như sự tình đã diễn ra thì không thể được, anh Papi ạ. Ví thử Jésus là người đứng đắn, kiếm được cho ta một chiếc thuyền tốt, ta có thể đợi hai anh ấy ở chỗ nấp còn hắn, tức Jésus ấy, có thể giúp cho họ trốn và đưa họ đến đây với tạ Vả chăng, họ đều biết rõ anh và hiểu rằng sở dĩ anh không cho tìm họ chẳng qua là vì không thể làm như thế được mà thôi: à Maturette, nhân thể cũng hỏi cậu luôn, đầu đuôi ra sao mà cậu lại được xếp vào phòng dành cho loại phạm nhân nguy hiểm trong bệnh viện?

- Dạo ấy em không biết là em bị cấm cố. Em đi khám vì em thấy đau họng, và cũng để kiếm cớ đi đâu cho đỡ buồn. Thế rồi ông bác sĩ, khi nhìn thấy em, liền nói: "Xem phiếu của cậu tôi thấy là cậu bị cấm cố ở quần đảo. Vì tội gì thế "- "Thưa bác sĩ tôi không biết ạ.Bị cấm cố là thế nào ạ?" - "Thôi được rồi. Chẳng là thế nào cả. Vào bệnh viện đi". Thế là em được nhập viện, có vậy thôi.

- Ông ta muốn gia ân cho cậu đấy, - Clousiot nói. Ai mà biết được vì nguyên do gì ông ta làm như thế, cái ông Toubib*(*cách gọi thân mật dùng cho thầy thuốc). Chắc bây giờ ông ta đang tự nhủ: "Cái cậu có bộ mặt như thằng bé giúp lễ trong nhà thờ ấy kể ra cũng không đến nỗi tồi: nó dám vượt ngục kia mà?".

Chúng tôi nói chuyện tầm phào một lúc. Tôi nói biết đâu ta sẽ gặp Julot, "con người cầm búa" ấy. Chắc bây giờ anh ta đi xa lắm rồi, trừ phi anh ta vẫn ẩn náu trong rừng". Clousiot nói: "Tôi ấy mà, lúc ra đi tôi có để lại một mảnh giấy dưới cái gối ấy, đề là: "Đã ra đi không để địa chỉ lại". Cả bọn cười phá lên. Chúng tôi dong thuyền trong năm ngày không có chuyện gì xảy ra.

Ban ngày, mặt trời, trong cuộc hành trình từ đông sang tây của nó, được tôi dùng làm địa bàn. Ban đêm thì tôi xem địa bàn để chỉnh hướng. Sáng ngày thứ sáu, một vầng thái dương rạng rỡ đón chào chúng tôi, biển lặng hẳn đi, mấy đàn cá chuồn bay vọt lên cách chúng tôi không xạ Tôi mệt nhừ cả người ra. Đêm qua, để tôi khỏi ngủ quên, Maturette chốc chốc lại lấy khăn lông thấm nước biển lau lên mặt tôi, ấy thế mà tôi vẫn ngủ như thường. Lúc bấy giờ Clousiot dúi điếu thuốc lá đang cháy vào người tôi. Sáng nay, thấy biển lặng gió, tôi quyết định ngủ. Chúng tôi hạ buồm lớn và buồm foc xuống, chỉ để lại cái buồm chéo, thế là tôi lăn ra lòng thuyền ngủ như chết. Lá buồm lớn đã được căng ra trên đầu tôi để che nắng cho tôi. Không rõ tôi đã ngủ được bao lâu thì Maturette lay tôi dậy nói: "Bây giờ chỉ độ mười hai giờ hay một giờ trưa, nhưng em đánh thức anh dậy vì có cơn gió lạnh bắt đầu nổi lên, và ở chân trời, từ phía gió thổi tới, thấy đen kịt lại".

Tôi choàng dậy và ra ngồi bên tay lái. Cánh buồm foc lúc bấy giờ được căng một mình, kéo chúng tôi đi trên mặt biển phẳng như gương. Sau lưng tôi, về hướng đông, trời đen kịt lại, và gió thổi mỗi lúc một lạnh hơn. Buồm chéo và buồm foc cũng đủ kéo thuyền lướt đi rất nhanh. Tôi cho cuốn lá buồm chính xung quanh cột buồm và buộc lại thật chặt. - Hai cậu giữ cho vững nhé, vì đây là một trận bão. Những giọt mưa nặng trịch bắt đầu rơi lộp bộp trên lưng chúng tôi. Cái đám đen ngòm trên vòm trời phía đông tiến về phía chúng tôi với một tốc độ thần kỳ, nhìn mà chóng cả mặt: chỉ trong mười lăm phút mà từ chỗ mãi tít ở chân trời nó đã đến ngay sát chúng tôi. Thôi xong, nó đến rồi. Một luồng gió hung hãn vô cùng xô vào chúng tôi. Những đợt sóng bỗng dưng nổi lên một cách bất ngờ như do một phép thần thông, đợt nào cũng sủi bọt trắng xóa. Mặt trời mất đi đàng nào không còm tăm tích, mưa đổ xuống xối xả, xung quanh tối mịt không còn trông thấy gì, và sóng đánh vào thuyền tung tóe quất mạnh vào mặt tôi rát buốt như những nhát roi dạ Bão biển. Đây là trận bão đầu tiên của tôi, với toàn bộ giàn nhạc binh khủng khiếp của những sức mạnh thiên nhiên được tháo củi sổ lồng, với đủ lệ bộ sấm, sét, mưa, sóng gào, gió hú, từ khắp bốn phương đổ với vây chặt lấy chúng tôi, đâm bổ vào chúng tôi.

Chiếc thuyền của chúng tôi bị tung lên như một mảnh rơm rác, khi thì nhấc bổng lên đến những chiều cao khó lòng tưởng tượng nổi, khi thì ném xuống những vực sâu thăm thẳm, sâu đến nỗi khó có thể hình dung rằng nó có thể ngoi lên được. ấy thế nhưng, sau những cuộc đâm đầu xuống vực quái đản như thế, nó vẫn bay vút lên, vượt qua một ngọn sóng bạc đầu nữa, rồi cứ thế mà lao tới. Hai tay tôi nắm chặt lấy tay lái, sẵn sàng chỉnh hướng cho con thuyền để đón những đợt sóng cả hiểm nghèo. Có một lần, nghĩ rằng nên cưỡng lại một phần nào đợt sóng cả cao ngất đang tiến tới, tôi hướng mũi thuyền vào nó. Có lẽ tôi quay thuyền quá nhanh, cho nên kết quá là nước tràn vào rất nhiều, ngập hết cả lòng thuyền, phải đến bảy mươi lăm phân nước là ít. Tôi cuống quít quay trở thế nào không biết mà rốt cuộc đã để cho một đợt sóng đánh thẳng vào bên sườn chiếc thuyền - một điều cực kỳ nguy hiểm làm cho nó nghiêng hẳn về một bên, suýt lật úp xuống, đến nỗi bao nhiêu nước trong lòng thuyền đều bị dốc ra ngoài gần hết.

- Cừ quá! - Clousiot reo lên. - Cậu quả là tay sói biển điêu luyện, Bươm bướm ạ! Nhoáng một cái đã hắt hết nước ra rồi!

Tôi nói: "Đấy, đã thấy chưa?" Cậu ta có biết đâu là do tôi thiếu kinh nghiệm mà cả lũ suýt toi mạng vì để thuyền lật sấp giữa biển khơi. Tôi quyết định thôi không vật lộn với các đợt sóng nữa, chỉ lo tới hướng đi, cố gắng giữ sao cho thuyền được thăng bằng đến mức tối đạ Tôi đón sóng chênh chếch ba phần tư, tôi để cho thuyền hạ xuống theo đà sóng, và cùng lên một cách thụ động với mặt biển. Tôi nhanh chóng nhận ra rằng đó là một phát kiến quan trọng: làm như thế, tôi đã thủ tiêu được chín mươi phần trăm nguy hiểm.

Mưa đã tạnh. Gió vẫn thổi như điên như dại, nhưng bây giờ điều đó cho phép tôi nhìn thấy rõ phía trước và phía sau tôi. Phía sau thì sáng, phía trước thì tối đen, chúng tôi đang ở giữa hai cái thái cực ấy. Đến khoảng năm giờ, mọi sự đều đã quạ Mặt trời lại chói sáng trên nền trời, gió đã trở lại bình thường, sóng không còn cao lắm nữa. Tôi giương buồm lớn lên, và chúng tôi lại lên đường, vui khấp khởi vì hài lòng với bản thân. Hai bạn tôi dùng cà-mèn tát nốt chỗ nước còn đọng lại ở đáy thuyền. Họ lấy mấy tấm chăn ra phơi: buộc lên cột buồm, cứ gió thế này chẳng mấy chốc mà khô. Chúng tôi nấu cơm, chiên bột với dầu, ăn xong lại uống cà-phê hai suất, rồi làm một chầu rượu rhum ra trò.

Mặt trời sắp lặn, bao nhiêu lửa tàn ném hết ra soi lên mặt biển xanh biếc, vẽ thành một bức tranh không sao quên được: nền trời một màu huyết dụ, vầng thái dương đã chìm một nửa xuống biển chiếu lên trời với mấy làn mây trắng và dọi lên mặt biển những chùm tia sáng vàng. Nhưng đợt sóng khi dâng lên thì xanh biếc ở phần gốc, xanh lục ở phần giữa, còn phần ngọn thì đỏ, hồng hay vàng tùy theo màu của tia sáng dọi vào. Một cảm giác thanh thản và êm dịu lạ lùng tràn vào hồn tôi. Và cùng với trạng thái thanh thản ấy là một niềm tin vừng chãi ở bản thân. Tôi đã qua cuộc thử thách một cách trót lọt, và trận bão ngắn vừa qua đã rất bổ ích cho tôi. Tôi đã tự mình học được cách điều khiển con thuyền trong những trường hợp như thế. Tôi sẽ bước vào đêm nay một cách hoàn toàn thanh thản.

- Thế nào, Clousiot, cậu đã thấy rõ cái thao tác dốc nước ra khỏi thuyền chưa?

- Bạn ơi, giả sử cậu không làm như vậy và để cho một đợt sóng thứ hai xô vào sườn, thì thuyền đã đắm mẹ nó rồi. Cậu quả là một quán quân.

- Anh học qua các thứ đó trong hải quân đấy à? - Maturette nói:

- Đúng, cậu thấy đấy, kể ra được huấn luyện trong hải quân cũng có ích ít nhiều đấy chứ, nhỉ.

Chắc chúng tôi đã đi chệch hướng khá nhiều. Nhưng với những cơn sóng gió như vừa qua, ai mà biết được trong bốn tiếng đồng hồ chúng tôi đã chệch hướng mất bao nhiêu? Tôi sẽ theo hướng tây bắc để chỉnh lại. Đúng đấy. Đêm đổ sập xuống ngay sau khi mặt trời lặn hết xuống biển, ném lên chân trời những tia cuối cùng của trận pháo hoa, lần này màu tím. Chúng tôi lại dong buồn đi thêm sáu ngày nữa mà không có chuyện gì xảy ra trừ vài ba cơn mưa bão không lần nào kéo dài quá ba tiếng đồng hồ, và cũng không thể nào sánh kịp trận bão đầu tiên mà chúng tôi có cảm giác như đã kéo dài vô tận.

Sáng hôm ấy đến mười giờ gió đứng hẳn, mặt biển không một gợn sóng. Tôi ngủ được một giấc gần bốn tiếng. Khi thức dậy tôi thấy rát môi quá: nó tróc hết cả da rồi, mũi tôi cũng vậy, bàn tay phải của tôi cũng không còn da, thịt cứ phô trần ra đỏ hỏn. Maturette và Clousiot cũng chẳng khá hơn. Chúng tôi phải bôi dầu lên mặt và lên hai bàn tay mỗi ngày hai lần, nhưng như thế vẫn chưa đủ: chỉ mấy tiếng là nắng nhiệt đới đã làm cho lớp dầu khô rang. Lúc bấy giờ chắc vào khoảng hai giờ trưa theo bóng nắng. Tôi ăn trưa, rồi chúng tôi thu xếp căng lá buồm lên làm mái để tránh nắng, vì trên biển không có lấy một hơi gió thoảng.

Có một đàn cá xúm lại quanh thuyền, nơi Maturette vừa rửa chén dĩa. Tôi cầm lấy con dao phát rừng và bảo Maturette ném mấy nắm gạo xuống nước (chỗ gạo của chúng tôi từ khi bị ướt đã bắt đầu lên men). Đàn cá ngoi lên sát mặt nước đớp gạo. Một con gần như nhô hẳn đầu lên trên mặt nước, tôi liền chém cho một nhát, thế là nó quay đơ ra, ngửa bụng lên. Con cá nặng đến bốn ki-lô. Chúng tôi đánh sạch vảy rồi đem luộc lên. Tối hôm ấy chúng tôi ăn cá luộc với bột sắn. Chúng tôi ra khơi đã được mười một ngày. Trong suốt thời gian ấy chỉ có một lần chúng tôi nhìn thấy một chiếc tàu rất xa ở tận chân trời. Tôi bắt đầu băn khoăn tự hỏi không biết chúng tôi đang ở đâu thế này. Dĩ nhiên là ở ngoài khơi, rất xa mọi vùng đất liền; điều đó thì hoàn toàn chắc chắn rồi. Nhưng ở vị trí nào so với Trinidad hay bất cứ một hòn đảo nào thuộc Anh? Cái này thì chịu.

Nhưng vừa nghĩ tới đã có câu trả lời ngay... Quả nhiên, ngay trước mặt chúng tôi, có một cái chấm đang từ từ to dần lên. Tàu viễn dương hay sà-lúp đi biển? Thôi nhầm rồi, nó không đi về phía chúng tôi Bây giờ đã trông thấy rõ đó là một chiếc tàu lớn, đang đi về phía bên hông chúng tôi. Nó đang đi lại gần thật, nhưng đi chênh chếch, và chúng tôi không nằm trên đường đi của nó. Vì lúc ấy không có gió cho nên mấy lá buồm của chúng tôi buông thõng xuống một cách thảm hại, chiếc tàu chắc chúng trông thấy chúng tôi. Nhưng bỗng có tiếng còi tàu hú lên, sau đó là ba tiếng "tu tu tu, ngắn, rồi chiếc tàu đổi hướng và đi thẳng về phía chúng tôi.

- Miễn sao nó đừng đến gần quá - Clousiot nói.

- Không có gì nguy hiểm dâu, biển lặng như dầu thế này...

Đó là một chiếc tàu chở dầu hỏa. Nó càng đến gần chúng tôi càng trông rõ có người đứng trên boong. Có thể đoán chắc họ đang băn khoăn tự hỏi không biết mấy con người kia đang làm gì trên cái vỏ đậu phụng ở giữa biển khơi thế này. Tàu từ từ tiến về phía chúng tôi bây giờ đã trông thấy rõ mấy viên sĩ quan và đám thủy thủ, có cả người đầu bếp, rồi lại thấy mấy người đàn bà mặc áo dài hoa và mấy người đàn ông mặc sơ-mi màu. Chúng tôi hiểu đó là những hành khách trên tàu. Nhưng tàu chở dầu mà lại có cả hành khách chúng tôi thấy cũng hơi lạ. Chiếc tàu tiến tới rất chậm, và viên thuyền trưởng nói với chúng tôi bằng tiếng Anh.

- Where are you coming from? (Các ông từ đâu đến?). - French Guyanẹ (Guyan thuộc Pháp).

- Vous parlez francais? (Các ông nói được tiếng Pháp chứ?) - một bà nói.

Tôi liền trả lời bằng tiếng Pháp:

- Thưa bà vâng,

- Các ông làm gì giữa biển khơi thế này?

- Chúng tôi đi theo đường Trời định.

Người đàn bà quay sang nói chuyện với viên thuyền trưởng một lát rồi lại nói với chúng tôi:

- Ông thuyền trưởng mời các ông lên tàu, ông ấy sẽ cho trục thuyền của các ông lên luôn.

- Bà nói giúp là chúng tôi cảm ơn ông thuyền trưởng, nhưng chúng tôi xin đi thuyền này thôi.

- Tại sao các ông không để cho chúng tôi giúp đỡ?

- Vì chúng tôi là những tù nhân vượt ngục, và vì chúng tôi không đi cùng hướng với tàu của các vị.

- Các ông định đi đâu?

- Đi Martinique, có lẽ còn xa hơn nữa. Chỗ này là chỗ nào?

- Giữa biển khơi.

- Muốn đến quần đảo Antilles phải đi như thế nào?

- Các ông có biết đọc bản đồ hàng hải của Anh không?

- Có.

Một lát sau họ giòng dây xuống biếu chúng tôi một tấm bản đồ hàng hải, mấy tút thuốc lá, súc bánh mì, một cái đùi cừu rô ti.

- Ông xem bản đồ đi?

Tôi xem bản đồ rồi nói:

- Tôi phải đi hướng tây 1/4 nam mới có thể vào quần đảo Antilles thuộc Anh, có phải thế không?

- Đúng.

- Chừng bao nhiêu hải lý?

- Đi hai ngày thì đến, - viên thuyền trưởng nói.

- Tạm biệt, cảm ơn tất cả các vị!

- Thuyền trưởng có lời khen ngợi lòng cam đảm hải hồ của các ông!

- Cám ơn, vĩnh biệt!

Chiếc tàu chở dầu từ từ ra đi. Nó rà sát cạnh chúng tôi, tôi phải cho thuyền tránh ra, sợ luồng nước xoáy sau chân vịt. Vừa lúc ấy một thủ thủ ném cho tôi một cái mũ lưỡi trai của sĩ quan hàng hải. Nó rơi đúng vào giữa thuyền. Tôi đã đội chiếc mũ lưỡi trai có gắn chiếc mỏ neo và thêu một lon vàng kim tuyến này khi chúng tôi đến Trinidad sau hai ngày dong buồm bình an vô sư.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.