Người Yêu Tôi Đã Ra Đi Mãi Mãi

Chương 7: Chương 7




Như là đã tìm thấy lối ra vậy. Ẩn nhẫn suốt một thời gian dài, vừa áp lực vừa bất an, chúng tôi cuối cùng cũng đến với nhau, tình yêu đến vô cùng ngọt ngào, thực sự thật hạnh phúc. Cảm giác tuyệt vời ấy tôi không thể mô tả được, chỉ có thể nói rằng, đó là khoảng thời gian hạnh phúc không gì sánh bằng. Nụ cười của Tôn Dập trở nên vui vẻ hơn, tâm tư cũng chậm dần mở rộng, nhưng em vẫn ăn hoa quả ướp lạnh. Việc lén đọc nhật kí kia tôi không nói cho em, nhưng nhìn thấy em ăn thứ đó tôi lại bóng gió mà hỏi.

“Sao lại thích hoa quả lạnh như vậy, rất ngon sao?”

Em cười cười, đáp: “Cũng không hẳn, mỗi lần đi siêu thị thấy liền mua, bây giờ đã quen. Hương vị cũng rất ngon mà.”

Tôi thở phào nhẹ nhõm, em ăn hoa quả ướp lạnh là vì thói quen, cũng không phải vì nguyên nhân ngu ngốc kia nữa. Hiện tại tôi và em cùng nhau, em sẽ hạnh phúc hơn đúng không?

Quãng thời gian ấm áp kéo dài không lâu, tiết trời bắt đầu trở lạnh.Một buổi sáng xuống khỏi giường, lại theo thói quen tới nhìn em, em vẫn còn đang ngủ, ban đêm xoay qua xoay lại không ngủ được, đến sáng lại không tài nào dậy sớm. Lấy tay xoa xoa mái tóc mềm ấy, lại làm em tỉnh, mở mắt ra nhìn tôi. Tôi cười thầm, vô tình phát hiện ổ chăn của em căng phồng, chỗ bụng còn phình lên một bọc lớn, liền đùa em: “Này, em mang thai con chúng ta từ bao giờ thế? Đã lớn thành như vậy rồi.”

Em trừng mắt nhìn tôi, bật cười, từ trong chăn lấy ra một cái gối ôm.

“Em có thói quen, đi ngủ thì phải ôm thứ gì đó, nếu không sẽ không ngủ được.”

Thể nào trước đây lúc tôi nằm cùng, em cả đêm đều ôm lấy tôi, không nghĩ rằng đây là do thói quen, tự nhiên cảm thấy hụt hẫng. Thật lâu về sau tôi mới biết rằng khi ngủ nếu cần ôm vật gì đó, đó là do cảm giác thiếu an toàn, làm như thế sẽ giúp thoải mái hơn và đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.

Màn đêm bình thản buông xuống, chúng tôi ngồi xe tới khu phố trung tâm dành cho người đi bộ, ở đây có rất nhiều người nước ngoài, vốn cũng đã vô cùng huyên náo, khắp nơi là những cửa hàng lưu niệm, quà tặng được gói bọc đẹp đẽ.

Ở quảng trường còn có một sân khấu lớn, người biểu diễn đang ra sức thu hút những ánh nhìn của người qua lại, vừa có thể chơi lại có phần quà, cho nên mọi người tụ tập lại rất đông. Rất tự nhiên mà quay qua nhìn em, em đang rướn lên để nhìn qua lớp người chật chội, hai tay đút trong túi áo. Tôi cũng mặc áo dài tay, vì thế liền dùng ngón trỏ tiến vào trong túi áo em, tìm nắm lấy bàn tay ấy.

Cảm giác được người em thoáng run lên, đôi mắt vẫn nhìn về đám đông phía trước nhưng chắc chắn không quan tâm đến màn biểu diễn nơi đó. Sửng sốt vài giây, em cúi đầu, khóe miệng chậm chậm vẽ lên một nụ cười. Nụ cười ngọt ngào rung động lòng người, em cũng không biết, tôi đã ngây ngốc nhìn mãi nụ cười ấy.

Chúng tôi cứ như vậy dùng tay áo mà che, lại lợi dụng trời tối mà nắm tay nhau đi dạo thật lâu. Tối đó chơi trò gì tôi cũng không nhớ rõ, chỉ có nụ cười trên khuôn mặt em là không thể nào quên, tựa như một đứa nhỏ vui vẻ nắm lấy bàn tay tôi, bước qua dòng người ngang dọc trên phố.

Khoảng mười giờ tối, trời lấm tấm mưa phùn, những người dạo chơi ở đây cũng vì thế mà bị ảnh hưởng, chúng tôi cũng định quay về, vì trời mưa sẽ khiến em rất khó chịu. Tuy rằng em nói bệnh cũng đã qua, chỉ là đi mưa có chút không thoải mái, nhưng tôi sao lại không biết mọi chuyện không phải đơn giản như thế. Mỗi lần mưa là mỗi lần em đau nhức, ngay cả ngồi còn khó, trông rất thống khổ.

Ngồi trên chuyến xe buýt số 3 trở về trường, chiếc xe cũ kĩ vắng vẻ, trên xe chỉ có vài ba hành khách mệt mỏi ngủ gật, chúng tôi ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Vì chiếc xe đã cũ, những âm thanh cũ mòn ấy cũng vang theo khắp đường đi, gặp đoạn đường xóc nảy thì từ từ mà đi. Người tài xế bật đài lên, vô tình là một ca khúc Giáng Sinh, nhẹ nhàng đến não nề. Tôn Dập đưa mắt nhìn những hạt mưa lất phất bên ngoài cửa kính, trong màn đêm thi thoảng sáng lên một tia chớp. Biểu tình vui vẻ của em chẳng còn sót lại chút nào, khuôn mặt lại trở nên trầm mặc như ngày thường, chỉ là so với bình thường càng thêm lãnh đạm, càng thêm buồn bã đơn độc... Em như vậy là sao? Có phải thân thể bắt đầu khó chịu hay không? Tôi thấp thỏm không yên, lại thấy thương em quá, chạm vào đôi bàn tay trong túi áo, lại thấy nó đã lạnh đến thấu xương. Tôi đem bàn tay em xiết chặt, em cũng không hề động, chỉ là cũng áp chặt vào lòng bàn tay tôi. Ngay khoảnh khắc đó tôi nhận ra rằng bản thân sẽ không thể sống thiếu em, nếu như ai đó muốn mang em đi khỏi tôi, chi bằng để tôi chết sẽ đỡ đau khổ hơn ngàn vạn lần.

Đường về trường rất xa, tay chúng tôi nắm chặt, ở hàng ghế sau cùng hôn môi. Xin lỗi em, tôi chỉ biết làm cách này để giữ em lại bên mình, sợ rằng tương lai em kì vọng vĩnh viễn cũng không có được, dưới ánh mặt trời rực rỡ tôi sẽ không thể nắm tay em bước đi. Mặc dù cái nhìn đã thoáng hơn nhưng xã hội này vẫn cổ hủ như cũ, tôi sợ chúng tôi sẽ không chống đỡ nổi những định kiến tai ác, mặc dù chúng tôi ở bên nhau là vì tình yêu, nhưng tình yêu trong xã hội này có nghĩa lí gì chăng? Đối với nhiều người mà nói, yêu, chỉ là làm cho cuộc sống đỡ tẻ nhạt mà thôi, khi có tuổi sẽ tìm một người để chung sống. Đồng tính luyến ái có lẽ chỉ là trò cười của bọn họ trong những cuộc nhậu, những gì chúng tôi coi là cả sinh mệnh đó, đối với bọn họ chẳng đáng một xu. Bởi vậy, xin để chúng tôi cứ thế mà yêu nhau, không cần được đưa ra ánh sáng, chỉ cần, đừng để tôi mất em.

Trời trở lạnh, tôi cũng bắt đầu công việc ủ chăn cho em, chỉ là sau đó không về giường của mình nữa, trước đây cảm thấy giường hơi nhỏ, giờ chỉ mong nó nhỏ thêm một chút. Mỗi tối ôm em đi vào giấc ngủ, sáng vừa mở mắt ra cũng nhìn thấy em đầu tiên, đó là điều khiến tôi thấy hạnh phúc.

Thi thoảng cũng có khi em thức dậy trước tôi, lúc tôi vừa mở mắt sẽ thấy đôi mắt em đang nhìn mình, “Facing the morning eye to eye”, thực sự rất ngọt ngào, tôi lại nhớ đến câu nói đó. Chỉ là, kì nghỉ đông rất nhanh cũng tới, chúng tôi đều buồn rầu không thôi, nhưng không có cách nào khác, chuyện gì tới rồi cũng phải tới.

Chúng tôi tại nhà vệ sinh của trạm xe lửa gắt gao ôm lấy nhau, cố sức cảm nhận hơi ấm đối phương, ai cũng luyến tiếc không buông.

Sau cùng, em nặng nề hôn lên trán tôi, nhẹ giọng nói: “Gọi điện thoại cho em.” sau đó kéo hành lí đi không ngoảnh lại. Nhìn em đi thật lâu, tôi vội vàng nắm chặt tấm vé trong tay, chạy về hướng chuyến xe của mình.

Tôi đã mua một phiếu gọi điện đường dài, mỗi ngày đều chạy sang khu bên cạnh để gọi điện cho em, thường nói vài giờ liền. Mỗi lần đều rét run quay về nhà, còn phải nghĩ lí do nói dối mẹ, thật sự là mệt vô cùng.

“Anh gọi suốt như thế, cuối tháng nhìn hóa đơn thể nào mẹ cũng làm thịt anh, lần sau để em gọi.”

“Không sao không sao, anh là ở bên ngoài gọi điện cho em, ở nhà mà ngày nào cũng gọi điện cho em mẹ không nghi mới lạ. Gia đình em không nghi gì sao?”

“Bọn họ đâu quản em, em ở lầu trên còn bọn họ lầu dưới. Hơn nữa bọn họ về quê người kia đã hai ngày rồi.”

Tôi đương nhiên biết “người kia” là ai, nhưng vẫn là bị giật mình. Năm ấy là năm cuối của thế kỉ 20, khắp thế giới vô cùng náo nhiệt, phấn khích đón chờ thế kỉ mới, em thế nhưng lại cô độc trong căn nhà đó.

Tôi hỏi: “Sao em không đi cùng? Bọn họ không đưa em đi sao?”

“Em trước kia từng tới một lần rồi, người nhà bên đó có vẻ không thích, một mình vẫn tốt hơn.”

Giọng nói em vang lên không chút cảm xúc nào.

Ngẫm lại cũng đúng, tính cách em như vậy, đến nhà những người kia sẽ không biết a dua nịnh hót, cũng không lấy lòng ai, em ít nói như vậy, có lẽ bọn họ cũng không vui vẻ gì. Em thật là một đứa nhỏ quá ngốc, nhưng vẫn khiến người khác thương. Chỉ là, tôi không đành lòng khi biết em một mình đơn độc trong khi xung quanh là sự huyên náo, vồn vã như thế. Tôi quyết định thương lượng với mẹ.

Mẹ tôi thật sự là mến em nhiều, nghe tôi kể về hoàn cảnh gia đình em, mẹ lại càng thương em hơn. Cùng trò chuyện một lúc lâu, mẹ hỏi: “Sao không bảo Tôn Dập đến nhà mình mà con phải đến nhà thằng bé?”

Tôi nói: “Thân thể cậu ấy không tốt, ba cậu ấy không cho đi lại nhiều, kì nghỉ hè vừa rồi cũng mới mổ lại.”

Cuối cùng mẹ cũng đồng ý để ngày mùng ba tôi qua bên ấy. Kì thực để em sang đây cũng không khó khăn gì, ba em ngoài cho em tiền cũng chẳng đoái hoài gì đến em, nhưng là, tôi không muốn để em một mình kéo hành lí ngồi trên xe lửa đón giao thừa. Thoạt nhìn giống như cần nơi nương tựa, rất đáng thương. Hơn nữa cũng là vì muốn cho em bất ngờ, lại cũng muốn nhìn nơi em đã sống bao nhiêu năm qua như thế nào. Trong lòng thấp thỏm thế rồi năm mới cũng đến, như lệ cũ, mùng một sẽ đi thăm ông bà nội, mùng hai là ông bà ngoại, mùng ba ăn tiệc ở nhà cậu...Sau khi ăn ở nhà cậu xong, tôi liền vội vã xách theo hành lí bước lên chuyến xe lửa, tới gặp người tôi yêu.

Nói về địa chỉ nhà em, có một sự việc nhỏ liên quan đến nó. Mấy ngày liền tôi đau đầu vô cùng, không biết làm thế nào lấy được địa chỉ nhà em. Mở miệng hỏi, em nhất định sẽ đoán được ý định này, thật may ngày đó, em gửi đến cho tôi một phong thư. Phải nói, thông minh đúng chỗ rất có ích. Nhìn dòng chữ nắn nót trên lá thư, tôi mừng rỡ đến phát điên, lăn lộn trên giường mà cười. Mở phong thư ra là một tấm thiệp rất đơn giản với lời chúc như thế này: “Hạo Nhiên, thế kỉ này may mắn nhất là gặp được anh. Sang thế kỉ sau, chúng ta vẫn sẽ cùng một chỗ. Dập.” Lúc đó cầm tấm thiệp trên tay mà tôi thấy ngọt ngào không thôi, đứa ngốc, nhất định sẽ cùng một chỗ, vĩnh viễn cùng một chỗ.

Mà hiện giờ xem ra, tình yêu của chúng tôi lúc ấy chẳng mang chút khiếm khuyết, nhưng “vĩnh viễn cùng một chỗ” hiển nhiên từ đầu tới cuối cũng là tôi tự huyễn hoặc mình mà thôi. Chuyến đi dài cũng không khiến tôi cảm thấy mệt mỏi, trên đường đi cứ nghĩ mãi đến việc em trông sẽ thế nào khi nhìn thấy tôi, em có vui đến mức chạy ngay lại mà ôm tôi không? Bất qúa, nhà em cũng không khó tìm, xuống xe lửa đi thêm không lâu là tới.

Đó là một khu căn hộ cao cấp, xung quanh rất đẹp, khắp nơi đều được bao phủ trong lớp tuyết trắng. Mặc kệ phong cảnh xung quanh, rất dễ dàng tìm thấy nhà em, ấn chuông cửa...Hình như đi vắng cả, không có ai ra mở cửa. Nghĩ lại mới thấy trước đó nên báo cho em biết, nhỡ như em không có ở nhà. Nhưng hiện tại đã muộn rồi, không lẽ tôi đi ngủ trọ một đêm, sáng hôm sau đi xe lửa trở về nhà? Tôi đây cũng giỏi hành hạ mình quá. Huống hồ sau khi về không biết phải ăn nói thế nào với mẹ. Lúc trước tôi có bảo “Tôn Dập khóc lóc đòi con sang với cậu ấy”, hiện tại phải giải thích làm sao. Tôi thở dài thườn thượt ngồi trên túi hành lí, chẳng biết phải làm sao, phương Bắc lạnh đến nỗi thân nhiệt tôi như thế cũng không là gì, đang định đứng dậy bỏ đi lại nghe thấy tiếng bước chân tới gần mình...Tiếng bước chân ấy quen thuộc quá, là Tôn Dập.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.