Nhà Quý Tộc Tài Ba Xứ Mantra

Chương 39: Chương 39




NGƯỜI TÙ TƯỜNG THUẬT LẠI CUỘC ĐỜI MÌNH CÙNG NHỮNG BIẾN CỐ ĐÃ XẲY RA

- Quê tôi thuộc miền núi Lêôn, cảnh vật đẹp mắt nhưng đồng tiền eo hẹp. Tuy nhiên, trong khắp vùng nghèo đói ấy, cha tôi được tiếng là có của và quả là cha tôi sẽ giàu có thật sự nếu như người biết giữ gìn gia sản không phá tán nó đi. Cái tính nết rộng rãi hoang toàng đó, cha tôi đã mắc phải từ hồi còn trẻ, khi người vào lính. Quân đội là một trường học ở đó anh hà tiện trở thành rộng rãi, anh rộng rãi trở thành hoang toàng; còn nếu có người lính nào tỏ ra bủn xỉn thì đó chỉ là những hiện tượng quái gở, hãn hữu mà thôi. Tính cha tôi vượt quá sự rộng rãi và xấp xỉ mức hoang toàng; điều này hoàn toàn bất lợi đối với một người đã có gia đình và con cái để nối nghiệp mình. Cha tôi có ba người con, đều là con trai và đã đến tuổi lập thân. Thấy không thể sửa được tính nết - cha tôi vẫn tự nói như vậy, - người muốn trừ bỏ nguyên nhân đã khiến người trở nên phung phí hoang toàng, đó là tự tước quyền sử dụng gia sản, một khi không có của cải trong tay thì ngay Alêhanđrô Đại Đế cũng trở nên keo kiệt. Một hôm, cha tôi gọi riêng ba anh em chúng tôi vào buồng và nói với chúng tôi đại để như sau: "Các con, để thấy rằng cha cầu mong những điều tốt lành cho các con, chỉ cần biết và nói rằng các con là con ta, nhưng muốn nghĩ rằng cha định làm hại các con, chỉ cần biết là cha đã vung tay quá trán phá tán cơ nghiệp trong nhà. Để cho các con từ nay nghĩ rằng ta yêu các con với tấm lòng một người cha và ta không muốn làm hại các con, ta định làm cho các con một việc, một việc ta đã suy nghĩ và chuẩn bị từ bao ngày nay. Các con đã đến tuổi trưởng thành, hay ít ra cũng đã đến lúc phải chọn một nghề để sau đây trở nên người có danh vọng tiền tài; bởi vậy, ta muốn chia gia tài ra làm bốn phần: ta dành ba phần đều nhau cho ba con và giữ lại cho mình một phần để tiêu dùng trong những ngày còn lại mà trời kia để cho ta được sống. Nhưng ta muốn rằng sau khi đã nhận phần gia tài của mình, mỗi con sẽ đi theo một con đường do ta vạch ra. Ở Tây Ban Nha chúng ta có một câu phương ngôn mà ta thấy rất đúng, cũng đúng như tất cả các câu phương ngôn khác vì đó là những lời lẽ cô đọng rút ra từ những kinh nghiệm quý báu lâu đời; câu phương ngôn nói như sau: "Giáo hội, trùng dương hoặc vương gia", nói rõ hơn nữa là: "Ai muốn danh giá và giàu có hãy gia nhập giáo hội, hoặc vượt biển đi buôn, hoặc vào hầu trong hoàng cung"; người ta lại nói rằng: "Một miếng vua ban hơn một sàng chúa tặng". Ta nói thế bởi vì ta muốn rằng một trong ba con ta theo học chữ, một đứa đi buôn và đứa thứ ba phụng sự đức vua ngoài trận tiền vì phụng sự được đức vua trong cung là một điều khó thực hiện. Quả thật chiến tranh không mang lại của cải nhưng làm cho con người ta nên danh nên giá. Trong tám ngày, ta sẽ trao phần gia tài cho các con bằng tiền mặt, không thiếu một xu như các con sẽ thấy. Bây giờ, các con hãy nói cho ta rõ các con có thuận làm theo ý kiến ta vừa đề ra không". Cha tôi bảo tôi nói trước vì tôi là con cả. Sau khi đã thưa với cha tôi rằng người cứ giữ cả gia tài mà sử dụng riêng theo ý thích vì chúng tôi đã lớn và có thể kiếm ra tiền, tôi đáp là sẵn sàng làm theo ý muốn của người và sẽ đi theo nghiệp võ, phụng sự Chúa và đức vua. Người em thứ của tôi cũng nhận làm theo ý của cha tôi và sẽ dùng số tiền được chia để sang buôn bán ở châu Mỹ. Đứa em út (theo tôi, nó là người khôn ngoan nhất) đáp là muốn gia nhập Giáo hội, trước mắt là tiếp tục theo học ở Xalamanca.

Sau khi cha con đã nhất trí trong việc chọn ngành nghề, cha tôi ôm hôn ba anh em chúng tôi và thực hiện ngay điều đã hứa. Tôi còn nhớ là cha tôi đưa cho mỗi đứa chúng tôi một số tiền mặt là ba ngàn đồng vàng (một ông chú trong họ đã nhận mua lại gia sản của cha tôi vì không muốn để lọt vào tay người ngoài và đã trả ngay bằng tiền mặt). Thế là một ngày kia, ba chúng tôi từ giã người cha thân yêu ra đi; riêng tôi không nỡ để cha mình sống những ngày còn lại với một số tiền quá ít ỏi nên đã đưa lại cho người hai ngàn trong số ba ngàn đồng thuộc phần tôi vì số tiền còn lại cũng đủ để tôi sắm sửa những đồ dùng cần thiết cho một người lính. Theo gương của tôi, hai đứa em tôi cũng để lại mỗi đứa một ngàn đồng cho cha. Như vậy là cha tôi có bốn ngàn đồng tiền mặt cộng với phần gia sản dành cho mình đáng giá ba ngàn đồng; cuối cùng, ba anh em tôi từ biệt cha và chú; phút chia tay thật là cảm động, không ai cầm được nước mắt. Hai vị dặn dò chúng tôi mỗi khi có dịp thuận tiện phải cho biết tin tức, dù hay dù dở, và chúng tôi đều hứa sẽ làm đúng lời dặn. Rồi hai vị ôm hôn và tiễn chúng tôi lên đường. Sau đó, một đứa em tôi đi Xalamanca, một đứa đi Xêviia, còn tôi đi Alicantê; tại đây tôi được biết có một thuyền buôn chở len về Hênôva 1.

Năm nay vừa đúng hai mươi hai năm, tôi rời khỏi ngôi nhà của cha tôi; trong suốt quãng thời gian đó, tôi có viết một vài lá thư gửi về nhưng không hề nhận được tin tức của cha và các em tôi. Bây giờ tôi xin kể lại vắn tắt những gì đã đến với tôi trong thời gian đó. Tôi đáp tàu ở Alicantê và tới Hênôva bình yên vô sự; từ đó tôi đi Milan; tại đây tôi mua sắm vũ khí và một số quân dụng cần thiết với ý định gia nhập đạo quân Piamôntê; trên đường đi Alêhanđria đê la Paia, được tin ngài công tước Alba đã sang miền Phlanđêx, tôi đổi ý kiến và đi hầu ngài. Tôi đã theo ngài dự nhiều trận, đã được chứng kiến cái chết của các bá tước Eghêmôn và Ornô, sau đó được phong làm sĩ quan kỳ thủ cho một đại úy nổi danh ở Guađalahara tên là Điêgô đê Urbina. Vài tháng sau khi tôi đến Phlanđêx, có tin thành lập liên minh giữa Giáo hoàng Piô Đệ Ngũ với Vênêxia và Tây Ban Nha để chống lại kẻ thù chung là quân Thổ Nhĩ Kỳ; khi ấy, thủy quân Thổ vừa chiếm được đảo Síp thuộc quyền cai trị của Vênêxia; thất bại đó thật là tai hại.

Có tin đồn chắc chắn rằng tướng chỉ huy liên minh mới thành lập là ngài Đôn Huan đê Aoxtria, em ruột đức vua Đôn Phêlipê của chúng ta; thiên hạ bàn tán về bộ máy chiến tranh khổng lồ đang được xây dựng; tất cả những sự việc đó thôi thúc lòng tôi và tôi ước sao được tham dự cuộc đọ sức lịch sử sắp tới. Mặc dù khi đó cấp trên hứa hẹn sắp sửa thăng chức đại úy, tôi đã có ý định bỏ hết để đi Ý-đại-lợi, và cuối cùng tôi đã làm theo ý mình. May mắn thay, giữa lúc đó thì ngài Đôn Huan đê Aoxtria cũng vừa tới Hênôva rồi đi Napôlêx để chuẩn bị sáp nhập với thủy quân của Vênêxia (việc sáp nhập này đã được tiến hành tại Mêxina). Cuối cùng, tôi đã có hạnh phúc được tham dự cuộc thủy chiến đó với cương vị đại úy bộ binh, một chức vụ mà tôi đã đạt được nhờ vào sự may mắn hơn là bằng tài cán. Đó là một ngày vô cùng sung sướng cho các nước theo đạo Kitô vì tất cả các quốc gia trên thế giới đã nhận ra sai lầm của mình khi nghĩ rằng quân Thổ Nhĩ Kỳ là vô địch trên mặt biển; ngày đó, sự kiêu căng ngạo nghễ của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị đập tan. Trong lúc mọi người đều vui mừng hớn hở (những người Kitô giáo đã chết trong trận đó còn sung sướng hơn cả những người sống và chiến thắng), riêng tôi không gặp may. Đáng lẽ phải được tặng thưởng một vòng hoa vinh quang như ở dưới thời La Mã, trong cái đêm tiếp theo cuộc chiến thắng lẫy lừng đó, tôi đã bị đeo gông cùm xiềng xích vào chân và tay, sự việc xảy ra như sau: vua Arhêl là Uchali, một tên cướp biển liều lĩnh và luôn luôn gặp may, đánh chiếm được thuyền hạm trưởng Malta trên đó còn ba chiến sĩ của ta bị thương chưa chết; thấy vậy, chiến thuyền Huan Anđrêan trên đó có tôi và đại đội của tôi vội xông tới cứu nguy; với ý thức đầy đủ về nhiệm của mình trước một tình huống như vậy, tôi nhảy sang thuyền địch; bỗng dưng chiếc thuyền lùi ra xa để tránh một cuộc đụng độ, thành thử các chiến sĩ của tôi không nhảy sang theo được. Thế là một mình tôi phải đương đầu với một kẻ địch đông hơn gấp bội, không sao chống đỡ nổi, cuối cùng bị thương nặng phải đầu hàng. Như các ngài đã biết, sau đó Uchali vội chạy trốn cùng với cả hạm đội và tôi trở thành tù nhân của y. Trong lúc mọi người vui sướng hưởng tự do - trong ngày hôm đó có mười lăm ngàn người Kitô giáo chèo thuyền cho thủy quân Thổ Nhĩ Kỳ đã được giải phóng -, riêng tôi chịu số phận hẩm hiu của một kẻ bị bắt làm tù binh.

Chúng đưa tôi tới Cônxtantinôpla. Tại đây, đại đế Thổ Nhĩ Kỳ là Xêlim phong tướng cho Uchali vì y đã anh dũng làm tròn nhiệm vụ trong chiến đấu, mang được về lá cờ của Malta . Năm sau, tức là năm 1572, tôi chèo thuyền trên một chiếc tư lệnh hạm ở Navarinô và tôi nhận thấy rằng quân ta đã bỏ lỡ cơ hội để bắt toàn bộ hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ. Khi ấy, tất cả binh lính trên các chiến thuyền địch đều đinh ninh rằng chúng sẽ bị tấn công ngay trong cảng, và chúng đã chuẩn bị khăn gói sẵn sàng chạy lên bờ thoát thân không chờ ta đánh; điều đó chứng tỏ chúng rất sợ lực lượng thủy quân của ta.

Thế nhưng trời kia đã không muốn như vậy, không phải do sự sơ suất của viên tướng chỉ huy quân ta mà do tội lỗi của những người theo đạo Kitô, và cũng do Chúa muốn rằng chúng ta luôn luôn bị những tên đao phủ trừng phạt. Sau đó, Uchali rút về Môđôn, một hòn đảo gần Navarinô; y đưa hết quân lên bộ, củng cố hải cảng và chờ cho tới khi ngài Đôn Huan quay trở lại tấn công. Trong trận này, quân ta bắt được của quân Thổ chiến thuyền La Prêxa, chỉ huy trưởng là con trai tên cướp biển khét tiếng Barbarôha. Chiến công này do thuyền hạm trưởng La Lôba lập nên; người chỉ huy của nó là hầu tước ở Xanta Crux tên là Đôn Alvarô đê Baxan, một viên tướng bách chiến bách thắng có những đòn sấm sét, người cha của binh lính. Tôi muốn kể thêm một chuyện trong việc đánh chiếm thuyền La Prêxa. Con trai của tên Barbarôha vốn rất độc ác và đối xử với tù binh rất tàn tệ; bởi vậy khi thấy tàu La Lôba của ta lao tới nơi, những người chèo thuyền nhất tề buông mái chèo, túm lấy viên chỉ huy lúc đó đang hò hét thúc họ nhanh tay, rồi vừa chuyền tay nhau tên chỉ huy từ đằng lái tới phía mũi, họ dùng răng cắn vào người y đến nỗi chưa tới cột buồm thì linh hồn y đã bay xuống âm phủ; tôi kể ra đây để thấy sự độc ác của y và lòng căm thù của những tù nhân phải chèo thuyền cho y. Tôi bị đưa trở về Cônxtantinôpla. Năm sau, tức là năm 1573, tôi biết tin ngài Đôn Huan đã chiếm được Tunêx trong tay quân Thổ và giao cho Mulây Amét khiến Mulây Amiđa, tên Môrô độc ác có một nhưng cũng dũng cảm có một, cụt hy vọng trở lại cai trị. Mất Tunêx, đại đế Thổ Nhĩ Kỳ đau lắm; với một sự minh mẫn truyền thống của dòng họ, y cầu hòa với người Vênêxia (thực ra, Vênêxia cũng rất muốn có ngưng chiến); sang năm sau tức là năm 1574, quân Thổ lật lọng tấn công La Gôlêta 2 và một đồn binh ở gần Tunêx mà ngài Đôn Huan xây dở dang. Trong khi đó, tôi vẫn bị cột vào chiếc mái chèo trên chiếc thuyền của quân Thổ, không hy vọng thoát thân; tôi cũng không mong tìm thấy tự do bằng cách chuộc tiền vì tôi nhất định không chịu viết thư báo tin buồn này cho cha tôi.

Cuối cùng, pháo đài La Gôlêta và đồn binh nói trên rơi vào tay địch; tại hai nơi này, bảy mươi nhăm ngàn quân Thổ cùng với hơn bốn mươi vạn quân Môrô và Arập của toàn châu Phi bỏ mạng; vũ khí đạn dược nhiều vô kể; lính công binh đông đến nỗi chỉ cần mỗi tên dùng tay bốc đất cũng đủ phủ kín cả pháo đài La Gôlêta lẫn đồn binh. Pháo đài La Gôlêta từ trước vẫn được coi như bất khả xâm phạm thất thủ trước tiên, lỗi không phải ở những người bảo vệ nó (họ đã làm hết bổn phận và hết sức) mà vì kinh nghiệm cho thấy rằng việc dựng tường cao ở bãi sa mạc này rất dễ dàng. Người ta cứ tưởng có nước ngay dưới mặt đất nhưng trong thực tế quân Thổ đã đào rất sâu mà vẫn không thấy nước đâu cả, và bằng những bị cát, chúng đắp những bức lũy rất cao, vượt cả tường thành của đồn binh, rồi chúng đứng trên đó bắn xuống khiến bên trong quân ta không sao chống đỡ nổi.

Dư luận chung cho rằng đáng lý quân ta không nên cố thủ trong pháo đài La Gôlêta mà phải kéo ra chờ quân địch ở ngay ngoài bến. Những người nói như vậy đã không hiểu tình hình cụ thể và chưa có kinh nghiệm vì La Gôlêta và đồn binh chỉ có ngót nghét bảy ngàn binh lính. Với số quân quá ít ỏi như vậy, dù có chiến đấu dũng cảm bao nhiêu cũng không thể đương đầu với một kẻ địch đông gấp bội. Làm sao họ có thể giữ nổi vị trí La Gôlêta một khi không có viện trợ và nhất là quân địch bao vây họ vừa nhiều, vừa ngoan cường, lại chiến đấu ngay trên đất mình? Tuy nhiên, rất nhiều người trong đó có tôi nghĩ rằng trời kia đã đặc biệt thương tới đất nước Tây Ban Nha ta nên mới xui khiến ra như vậy vì pháo đài này đã gây ra bao nhiêu tai họa và đã ngốn không biết bao nhiêu tiền của chỉ để lưu truyền chiến công của Carlôx Đệ Ngũ vô địch như những tấm bia đá nọ ghi lại mãi mãi cho hậu thế. Sau đó tới lượt đồn binh thất thủ; tuy nhiên quân Thổ Nhĩ Kỳ đã phải chật vật mới chiếm được vì những người lính bảo vệ đồn chiến đấu rất dũng cảm kiên cường và đã tiêu diệt trên hai mươi nhăm ngàn quân trong hai mươi hai cuộc tấn công của chúng. Trong số ba trăm quân ta bị địch bắt sống, không một người nào còn lành lặn; điều đó chứng tỏ họ đã chiến đấu anh dũng ngoan cường và kiên quyết bảo vệ vị trí. Còn một đồn binh nhỏ nữa cũng đầu hàng; đó là một cái tháp dựng lên ở giữa đảo Extanhô, thuộc quyền chỉ huy của Đôn Huan Xanôghêra, một hiệp sĩ sinh trưởng ở Valenxia có nhiều thành tích trong chiến trận. Tướng chỉ huy pháo đài La Gôlêta là Đôn Pêđrô Puertôcarêrô bị địch bắt; ông ta đã chiến đấu hết sức mình; sau khi pháo đài thất thủ, ông ta rất buồn phiền và đã chết trong lúc bị giải tới Cônxtantinôpla. Viên chỉ huy đồn binh cũng bị bắt; đó là tướng Gabriô Xerveyôn, một hiệp sĩ sinh trưởng ở Milanô, một kỹ sư có tài và một quân nhân rất dũng cảm. Còn nhiều nhân vật nổi tiếng khác đã chết trong hai trận này, như Pagan đê Ôria, huân chương Xan Huan, tính tình quảng đại như xem cách đối xử rộng rãi của ông ta với em là Huan Anđrêa đê Ôria, một hiệp sĩ nổi tiếng. Cái chết của ông càng đáng thương vì ông đã bị mấy tên Arập sát hại; số là khi đồn binh thất thủ, mấy tên này bảo ông cải trang làm dân Môrô và nhận đưa ông đi lánh ở Tabarca, một hải cảng nhỏ của những người Hênôva chuyên đi kiếm san hô. Trên đường đi trốn, những tên Arập này đã chặt đầu ông đem nộp cho viên tướng chỉ huy hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ; thế nhưng viên tướng này đã thực hiện câu phương ngôn của ta nói rằng: "Nếu như sự phản bội làm cho ta hài lòng, trái lại những kẻ phản phúc thật đáng ghét" và y đã hạ lệnh treo cổ những tên Arập nọ với lý do đã không bắt sống tù binh mang về.

Trong số những người Kitô giáo trong đồn binh bị bắt có một người tên là Đôn Pêđrô đê Aghilar, không biết quê quán thuộc tỉnh nào của miền Anđaluxia; anh ta là sĩ quan cầm cờ, một chiến binh rất dũng cảm và thông minh, có biệt tài làm thơ. Tôi kể lại chuyện này vì số phận đã run rủi anh ta ngồi chung một hàng ghế và cùng chèo thuyền với tôi trên chiếc thuyền của tên tướng Thổ Nhĩ Kỳ. Trước khi thuyền chúng tôi rời bến, anh ta đã làm hai bài thơ khóc than số phận của pháo đài La Gôlêta và đồn binh. Tôi muốn đọc ra đây vì tôi đã thuộc lòng, và tôi nghĩ rằng các ngài sẽ phải thích chứ không chán.

Khi nghe nhắc tới tên Đôn Pêđrô đê Aghilar, Đôn Phernanđô đưa mắt cho mấy người bạn rồi cả bọn tủm tỉm cười; đến lúc Người Tù nói tới những bài thơ thì một người trong bọn của Đôn Phernanđô lên tiếng:

- Trước khi ngài tiếp tục câu chuyện, xin hãy nói cho tôi được biết số phận của Đôn Pêđrô đê Aghilar ra sao.

Người Tù đáp:

- Theo chỗ tôi được biết, sau hai năm tù tội ở Cônxtantinôpla, anh ta đã cải trang đi trốn cùng với một người do thám Hy Lạp, không hiểu có thoát không; tuy nhiên tôi nghĩ rằng anh ta trốn được vì một năm sau, tôi gặp lại người do thám Hy Lạp ở Cônxtantinôpla nhưng không tiện hỏi về kết quả cuộc đi trốn.

- Kết quả tốt, người kia đáp, vì Đôn Pêđrô là anh tôi và hiện nay đang sống ở quê nhà, khỏe mạnh, giàu có, đã lấy vợ và có ba con.

- Cảm ơn Chúa đã ban phước lành cho anh ta. Người Tù nói; theo tôi, ở đời không có gì sung sướng bằng tìm thấy tự do bị mất.

- Tôi cũng thuộc những bài thơ do anh tôi làm.

- Nếu vậy, xin ngài hãy đọc lên, chắc ngài sẽ đọc sẽ hay hơn tôi.

- Rất vui lòng; bài thơ về pháo đài La Gôlêta như sau

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.