Nhạc Phi Diễn Nghĩa

Chương 36: Chương 36: Hồi thứ ba mươi sáu




Thê Ngô sơn là quan ải trước mắt mà Nhạc Phi phải đánh chiếm.

Để chuẩn bị cho trận đánh, một mặt Nguyên soái sai người đi thôi thúc lương thảo cho thật nhiều, một mặt cho gọi Trương Dụng đến hỏi:

- Ngươi ở đây đã lâu, có biết Tào Lương và Tào Thành dụng binh thế nào không?

Trương Dụng đáp:

- Hai người ấy đánh thủy giỏi lắm, lại có phó tướng là Hạ Võ và Giải Van võ nghệ cũng cao cường, binh sĩ có mấy mươi ngàn. Còn Tào Thành tính nết ưa kết bạn, nên anh hùng các xứ đến đầu thuận rất dông, nhưng đều là bọn hữu dũng vô mưu không đáng sợ. Duy có núi Thương Ngô còn có một tên tướng sức đánh muôn người, Nguyên soái phải đề phòng người ấy lắm mới được.

Nhạc Nguyên soái mừng thầm, nhưng phải chờ cho lương thảo đến đầy đủ, sẽ xuất quân đánh Thê Ngô sơn.

Lại nói đến việc quan tổng binh Tạ Côn hộ tống lương thảo nhằm Trà Lang quan đi tới, bỗng nghe quân sĩ bẩm:

- Thưa lão gia, phía trước có hai đường, lão gia muốn đi đường nào?

Tạ Tổng binh hỏi:

- Đường nào gần hơn?

- Thưa đường nhỏ gần hơn.

Tạ Tổng binh nghĩ thầm:

- "Đường nhỏ gần thường có ăn cướp, chi bằng ta đi đường lớn, dẫu có xa hơn cũng chẳng hại chi ''.

Nghĩ rồi truyền quân đi theo đường lớn. Ba quân vâng lệnh, nhằm đường lớn kéo đi.

Đi được vài ngày, đến một hòn núi kia; trên núi ấy có một vị đại vương tên Đổng Tiên và bốn người anh em là: Đào Tấn, Giải Tuấn, Vương Tín và Vương Nghĩa tụ tập hơn năm nghìn lâu la chuyên nghề ăn cướp.

Bọn lâu la vừa thấy Tạ Côn giải lương đến vội chạy lên núi phi báo:

- Nay Nhạc Nguyên soái đóng binh tại Nhữ Nam, có quan Tổng binh giải lương đi ngang qua đây, chúng còn cách núi Cửu Cung ta chừng vài dặm.

Đại vương Đổng Tiên nghe báo, cười ngất rồi kêu bốn người em vào nói:

- Lâu nay ta muốn thâu đoạt thiên hạ nhà Tống làm Hoàng đế, chứ ăn cướp mãi thế này ta không thích nữa, song Tống triều có tên Nhạc Phi vô cùng lợi hại, nếu bắt được hắn thì lo chi việc chẳng thành, nay lương thảo của hắn giải đi ngang qua đây, lẽ nào ta tha sao?

Nói rồi chọn đủ một nghìn lâu la xuống cửa núi chờ đợi Khi thấy Tạ Côn dẫn binh vừa đến, truyền lâu la ào ra cản ngang giữa đường quát lớn:

- Hãy để hết lương thảo lại đây rồi cút hết cho mau, bằng không ta giết không chừa một mạng.

Quân sĩ thất kinh chạy lùi lại báo với Tổng binh Tạ Côn.

Tạ Côn biến sắc mật, nói:

- Thế thì ta đi lầm đường rồi, ấy là lỗi tại ta.

Vừa nói vừa múa đao lướt tới, trông thấy tên đầu đảng mình cao chín thước, mặt đen như nhọ nồi, mày vàng râu đỏ, đầu đội tân thiết khôi, mình mang ô du giáp, cưỡi con ngựa thanh tông, tay cầm cây hổ đầu nguyệt nha sảng. Hắn nhìn thẳng vào mặt Tạ Côn hét lên một tiếng như sấm nổ chấn động một vùng trời rồi cất tiếng nói oang oang:

- Có phải ngươi là đứa cầm đầu toán quân giải lương này không? Nếu quả vậy, hãy dâng hết lương thảo giải lên núi cho ta thì ta dung mạng, bằng chống lại ta chỉ cần huy động cây hổ đầu này một tý là mi toi mạng ngay.

Tạ Côn kinh hồn, hoảng vía bèn vòng tay nói:

- Xin Đại vương chớ giận, tôi là Tổng binh Hổ Khẩu tên Tạ Côn vâng lệnh Nhạc Nguyên soái giải lương, nay tôi đã già rồi không phải là đối thủ của Đại vương, nếu Đại vương đoạt hết lương thảo thì chắc Nhạc Nguyên soái sẽ bắt cả nhà tôi trị tội, xin Đại vương xót thương tha cho tôi một phen, tôi cảm ơn vô cùng.

Đổng Tiên trông thấy Tạ Côn đầu râu bạc trắng có vẻ thương hại nói:

- Được rồi, ta cũng không thèm giết làm gì một kẻ già nua như ngươi. Ngươi hãy đóng dinh lại đây rồi chạy về báo cho Nhạc Nguyên soái ngươi hay rằng, có ta là Thiết diện Đổng Tiên Đại vương ngăn trở lương thảo, người hãy nài nỉ cho được Nhạc Phi đến đây hội chiến với ta, phải đi báo cho mau, ta sẽ đợi tin ngươi, nếu để lâu chớ trách ta độc ác.

Tạ Côn dạ dạ liên hồi rồi lui ra, còn Đổng Tiên cũng truyền lâu la về trại.

Tạ Côn đóng binh tại đó rồi viết ngay một tờ văn thư sai quan kỳ bài đi suốt đêm ngày về Trà Lang quan phi báo.

Lúc bấy giờ Nhạc Nguyên soái đang cùng chư tướng nghị việc, quân sĩ vào báo:

- Nay có Tạ Tổng binh gửi văn thư về cáo cấp.

Nhạc Nguyên soái truyền lệnh cho vào. Quan kỳ bài vào quỳ xuống dâng bức văn thư, Nhạc Nguyên soái mở ra xem, cả giận mắng:

- Loài cường đạo nó dám ngăn trở lương thảo của ta chẳng hay chư tướng có ai dám đến đó trừ khử tên cường đạo đó, hộ tống lương thảo về chăng?

Thi Toàn bước ra xin đi, Nguyên soái liền phát cho năm trăm binh mã nhắm Cửu Cung sơn xuất phát.

Cuộc hành quân vô cùng gấp rút, chưa đầy một ngày đã đến nơi. Thi Toàn vào ra mắt Tạ Côn. Tạ Côn hỏi:

- Tướng quân ra đây, có ai cùng đi với tướng quân nữa không?

Thi Toàn đáp:

- Chỉ một mình tôi thôi.

Tạ Côn lắc đầu chán nản nói:

- Tôi xem tên cường đạo ấy mười phần lợi hại, nếu chỉ có một mình tướng quân, tôi e khó thắng.

Thi Toàn mỉm cười đáp:

- Xin ngài hãy yên tâm, tôi đủ sức trừng trị tên cường đạo ấy.

Tạ Tổng binh lập tức dọn cơm cho Thi Toàn cùng quân sĩ ăn uống no nê. Thi Toàn nói:

- Bây giờ trời hãy còn sớm, để tôi gấp rút đi bắt cường đạo cho rồi.

Nói rồi xách kích lên ngựa, dẫn binh đến núi kêu lớn:

- Quân cường đạo, hãy mau mau xuống đây chịu trói.

Đổng Tiên nghe lâu la phi báo lập tức lấy cây nguyệt nha sảng, lên ngựa dẫn lâu la chạy như bay xuống núi, trông thấy Thi Toàn vội quát hỏi:

- Mi có phải là Nhạc Phi không?

Thi Toàn trợn mặt nói:

- Tên khốn kiếp kia, ngươi là loài thảo khấu, muốn trừ khử ngươi hà tất Nguyên soái ta phải thân chinh?

- Ta đây là bộ hạ của người làm chức Đô Thống tên Thi Toàn cũng đủ trừng trị ngươi rồi.

Đổng Tiên giận tím gan huơ cây nguyệt nha sảng nhằm ngay đầu Thi Toàn đánh xuống. Thi Toàn đưa kích ra đỡ, nhưng đối phương quả có sức mạnh phi thường khiến Thi Toàn cảm thấy bải hoải cả hai tay. Đổng Tiên thừa thế giáng cho mấy sảng nữa mười phần cực mạnh, Thi Toàn liệu thế chống cự không lại, liền quay ngựa chạy dài.

Đổng Tiên giục ngựa đuổi theo hét to như sấm:

- Mi chạy đi đâu cho khỏi tay ta?

May thay con ngựa của Thi Toàn là con thần mã, sải bốn vó như bay nên chạy được bấn năm dặm, Đổng Tiên không theo kịp nữa phải quay ngựa trở về. Thi Toàn kinh hồn hoảng vía không dám chạy về dinh lương, phải rẽ cương chạy vào rừng. Trong lúc tâm thần bất định cứ nghe nhạc ngựa của mình lại tưởng Đổng Tiên còn đuổi sau lưng nên chạy mãi đến vài mươi dặm mới dám ngó lại.

Thi Toàn mệt thở hổn hển, bỗng thấy phía trước có một gã thiếu niên, đầu tóc bờm xờm phủ đến ngang mày, nhưng mặt sáng như trăng rằm, đầu đội tam sao kim quang có gắn lưỡng long tranh châu, mình mặc chiến bào bông lớn, phía ngoài buộc dây lụa vàng, cưỡi con ngựa hồng, theo sau có mười lăm tên gia tướng, người nào cũng cưỡi ngựa tay cầm binh khí, tớ thầy dắt nhau xăm xăm đi tới.

Thi Toàn nghĩ thầm:

- "Người thiếu niên này chắc con cháu nhà giàu có đi săn bắn chi đây, nếu rủi gặp bọn ăn cướp lợi hại ấy chắc khó bảo toàn tính mạng. Thôi để ta mách cho hắn biết kẻo bị tai họa tội nghiệp.

Nghĩ đoạn, Thi Toàn kêu lớn:

- Bớ chú nhỏ kia, hãy trở lại cho mau chớ nên đi ngả ấy nguy hiểm lắm.

Thiếu niên ấy nghe gọi vội quay ngựa lại hỏi:

- Tướng quân gọi tôi lại có việc chi?

Thi Toàn nói:

- Phía trước đây có bọn cường đạo rất lợi hại, ta sợ ngươi đi đến đó tính mạng khó bảo toàn nên ta mách giùm cho ngươi biết, cần phải tránh đi là hơn.

Thiếu niên lại hỏi:

- Sao tướng quân lại biết phía trước đó có ăn cướp.

Thi Toàn đáp:

- Ta chẳng giấu chi ngươi, ta đây chính là bộ hạ của Nhạc Nguyên soái tên Thi Toàn làm chức Đô Thống, nhân vì quan Tổng binh Tạ Côn đi giải lương bị cường đạo Cửu Cung sơn ngăn trở nên ta vâng mệnh Nguyên soái đến đó bảo hộ, ngờ đâu tên tướng cướp này võ nghệ quá cao cường, ta đánh không lại bị nó rượt đến đây nên mới mách cho ngươi biết để đề phòng.

Thiếu niên nói:

- Tướng quân có lòng tốt, tôi rất cảm ơn.

Nói rồi gọi gia tướng bảo:

- Hãy lấy áo giáp đem ra đây cho ta.

Gia tướng vội mở giáp trao ngay, công tử xuống ngựa mặc giáp vào. Thi Toàn trông thấy công tử mang huỳnh kim giáp và dây đai loan oai phong lẫm lẫm, tướng mạo đường đường, chép miệng khen thầm: "Con nhà ai mà tốt tướng quá".

Công tử vừa tung mình lên ngựa thì gia tướng đã khênh cây hổ đầu thương tới. Công tử xách cây hổ đầu thương một cách nhẹ nhàng rồi bảo Thi Toàn:

- Thí tướng quân hãy dẫn đường cho tôi đi bắt lũ cường đạo ấy cho.

Thi Toàn nhìn sững cây thương trên tay gã thiếu niên rồi nghĩ thầm: "Cây thương của hắn trông nặng gấp mấy lần cây kích của ta thế thì thằng nhỏ này chắc võ nghệ không vừa đâu".

Nghĩ rồi vội hỏi:

- Công tử tên họ là chi? Ta xem tên tướng cướp ấy mười phần lợi hại, công tử chớ nên khinh thường.

Công tử vẫn thản nhiên đáp:

- Để tôi đi đánh tên cướp ấy đã, nếu tôi thắng được nó tôi sẽ cho biết tên, bằng thất bại tưởng tướng quân cũng không cần biết tên tôi làm gì, xin tướng quân vui lòng dẫn đường cho tôi đi.

Trong lúc Thi Toàn đang kinh hồn hoảng vía mà bảo dẫn đường lại càng sợ hãi hơn nữa, nên cứ do dự không biết quyết định ra sao. Bọn gia tướng thấy vậy cười thầm: "Làm một vị Đô Thống mà gặp lũ ăn cướp đã bị mất tinh thần đến thế thì làm sao đánh quân Kim Phiên cho được?"

Thi Toàn cũng cảm thấy hổ thẹn nên cực chẳng đã phải dẫn đi.

Vừa đến Cửu Cung sơn, Thi Toàn đưa tay chỉ lên núi nói:

- Quân của lũ cường đạo đóng trên lưng chừng núi kia kìa.

Công tử liền giục ngựa đến sát chân núi kêu lớn:

- Bớ lâu la, hãy gọi Đổng Tiên xuống đây cùng ta giao chiến.

Lâu la vào phi báo, Đổng Tiên giục ngựa vung sảng chạy xuống, Thi Toàn vội nói với công tử:

- Thằng hung ác nó chạy xuống kia kìa, tiểu tướng phải cẩn thận mới được.

Công tử liền giục ngựa lướt tới, Thi Toàn cùng bọn gia tướng ở sau xem chừng.

Đồng Tiên gò ngựa, không thèm đếm xỉa gì đến vị công tử, chỉ nhìn Thi Toàn cười khẩy rồi nói:

- Thi Toàn, ngươi thật chẳng ra sao, đã đánh không lại ta thì cút đi, sao lại xúi đứa con nít chưa sạch máu đầu đến đây chịu chết là nghĩa gì?

Công tử nổi giận tròn xoe đôi mắt nhìn thẳng vào mặt tên cường đạo nói:

. Mi có phải là Đổng Tiên đó không?

Đổng Tiên nói:

- Mi đã biết tên ta, sao không trốn cho xa lại đến đây chịu chết.

Công tử nói:

- Ta xem tướng mạo ngươi cũng là một tay anh hùng hảo hán, nay đang lúc triều đình trọng dụng người tài, sao ngươi không cải tà quy chính mà lập chữ công danh. Chính ta đây cũng định đi đầu Nhạc Nguyên soái, vậy ngươi hãy cùng ta đến đó quy thuận người lập công, bằng nghịch lý ta e tính mạng ngươi khó bảo toàn. Ngươi nên suy nghĩ kỹ kẻo không còn ăn năn kịp nữa đấy.

Đổng Tiên ngửa mặt lên trời cười hô hố.

- Ngươi là thằng con nít mũi dãi còn lòng thòng sao lại dám vô lễ với ông bà đến thế? Thôi, số ngươi chết yểu rồi, ta cũng vui lòng giúp ngươi về với tổ tiên.

Vừa nói vừa vung nguyệt nha sảng đánh tới. Công tử liền vung cây hổ đầu thương đánh hất ra rồi đâm lia lịa một hồi làm cho Đổng Tiên luýnh quýnh không biết hướng nào mà đỡ cứ thối lui mãi, mồ hôi toát ra ướt đầm.

Đổng Tiên ráng sức đánh bậy một sảng rồi quay ngựa bỏ chạy lên núi gọi to:

- Chư đệ ơi, nguy tai rồi! Hãy ra tiếp với ta mau lên.

Bọn Đào Tấn bốn người liên giục ngựa ào xuống, vừa trông thấy gã thiếu niên cùng "ồ" lên một tiếng và nói:

- Té ra công tử đây rồi!

Dứt lời, bốn người cùng xuống ngựa quỳ lạy tạ tội.

Công tử bước xuống ngựa, đỡ dậy nói:

- Khi trước ông nội ta có dặn các ngươi phải đi đầu Nhạc Nguyên soái, sao mãi đến nay chưa đi còn ở đây làm quân cường đạo như vậy?

(Nguyên vì bốn người ấy trước kia là bộ hạ của Trương Sở Đại Nguyên soái nên mới biết mặt công tử).

Bốn người nghe công tử hỏi, đồng thanh nói:

- Chúng tôi định đi đầu Nhạc Nguyên soái, nhưng vừa đi qua đây bị Đổng đại huynh bắt được rồi kết làm anh em, nên dù muốn dù không cũng phải ở tại đây. Chẳng biết công tử vì sao đi đến chỗ này?

Công tử đáp:

- Ta vâng lệnh ông nội ta đi đầu thuận Nhạc Nguyên soái dọc đường lại gặp Thi tướng quân bảo rằng bọn ngươi ngăn trở lương thảo nên phải đến đây giúp sức. Ta thiết nghĩ bọn ngươi chớ nên nấn ná ở đây nữa làm gì hãy khuyên Đổng Tiên cùng về với triều đình, ngày sau lập được công lao ắt được diệu tổ, vinh tông, để tiếng đời chẳng tốt hơn sao?

Bọn Đào Tấn vâng lời, cùng nhau lên núi khuyên bảo Đổng Tiên.

Thi Toàn trông thấy công tử thu phục bốn tên cường đạo liền hỏi nhỏ gia tướng:

- Công tử của các ngươi là ai mà lại biết được bọn ăn cướp ấy?

- Gia tướng đáp:

- Công tử của chúng tôi tên Trương Hiến cháu nội của Kim Lăng đại Nguyên soái Trương Sở. Lão gia tôi nay đã già lại lâm bệnh, nên sai công tử tôi đi đầu Nhạc Nguyên soái để lập công danh.

Thi Toàn nghe nói vui mừng khôn xiết, vội xuống ngựa đến ra mắt công tử, Tạ Côn cũng mở cửa dinh tiếp đón, kế bọn Đào Tấn bốn người xuống nói với công tử:

- Chúng tôi nói rõ việc lợi hại, Đổng ca đã thuận tình đi đầu nhưng người còn phải thu góp đồ đạc trong trại, xin công tử hãy chờ đợi cho một ngày, chúng tôi sẽ cùng đi với.

Công tử gật đầu rồi bảo bọn gia tướng lên núi giúp đỡ Đổng Tiên thu góp đồ đạc.

Tạ Côn và Thi Toàn mời Trương Hiến về dinh làm lễ ra mắt rồi dọn tiệc thết đãi.

Sáng hôm sau, bọn Đổng Tiên thu dọn xong đồ đạc liền nổi lửa đốt dinh trại, dắt hết mấy ngàn lâu la xuống núi. Tạ Côn nghênh tiếp vào dinh ra mắt với Trương Hiến và Thi Toàn rồi hiệp nhau phân binh làm hai đội kéo thẳng về Trà Lang quan.

Bây giờ xin nhắc qua Thang Hoài và Mạnh Bang Kiệt cùng vâng lệnh Nhạc Nguyên soái đi vận tải lương. Cánh quân này cũng đi đến ngã ba đường rồi lưỡng lự không biết đi đường nào cho tiện. Nếu đi đường tiểu lộ thì gần hơn đến hai mươi dặm song lại e có ăn cướp đón đường.

Thang Hoài suy nghĩ giây lâu rồi quyết định:

- Lương thảo phải đến sớm mới có công lao, chúng ta đang thèm gan cường đạo, nếu gặp chúng là may cho chúng ta đấy.

Quân sĩ vâng lệnh đẩy xe qua phía tiểu lộ, đường xá chật hẹp, phải trèo non vượt suối khổ nhọc trăm bề, cho nên đường tuy gần mà chưa chắc đã sớm hơn đi đại lộ.

Ngày kia đi đến một chỗ bằng phẳng rộng rãi, Thang Hoài bèn truyền quân đóng dinh lại nấu cơm ăn uống nghỉ ngơi rồi tiếp tục lên đường.

Quân sĩ y lệnh an dinh hạ trại, Thang Hoài lại nói với Mạnh Bang Kiệt:

Mấy hôm đi đường khổ nhọc, hôm nay được chỗ rộng rãi mát mẻ nghỉ ngơi, anh em ta hãy đi dọc theo núi kiếm thịt thú rừng chén một bữa cho thỏa thích. Mạnh Bang Kiệt còn trẻ tuổi tính ham vui nên khi nghe Thang Hoài nói thế thì vui mừng lắm. Thang Hoài bèn bảo gia tướng bảo vệ dinh trại và dặn:

- Chúng bay hãy gìn giữ dinh trại, hai anh em ta đi chơi một lát rồi về ngay đấy.

Dặn rồi hai người lên ngựa đi rảo theo triền núi vào mấy cụm rừng tìm săn thú rừng, bỗng thấy phía trước có con hươu lớn đang đứng gặm cỏ. Thang Hoài giương cung lắp tên bắn một mũi trúng ngay giữa lưng.

Con hươu đau quá chạy bay tới trước, hai người giục ngựa đuổi theo, nhưng mũi tên không trúng chỗ hiểm nên con hươu còn khỏe cứ chạy mãi.

Hai người đuổi theo chừng mười dặm đường bỗng thấy từ trong khu rừng có một tốp thiếu nữ dắt tay nhau đi ra.

Thiếu nữ đi đầu, mày cung mặt nguyệt, má ửng đỏ như cánh hoa hồng, môi tựa thoa son, mình mang giáp liên hoàn lưng buộc sợi dây hồng quần tú. Một nàng cầm thanh bình kiếm, một nàng cầm nhật nguyệt đao, cả hai đều có mang cung tên, nên khi thấy con hươu vừa chạy tới, nàng cầm đao bắn một mui tên hươu kia ngã lăn ra đất.

Bọn gia đinh áp tới trói lại khiêng đi.

Thang Hoài thấy thế nói với Mạnh Bang Kiệt:

- Kìa, hai đứa con gái nào lại đến chốn này bắt mất con hươu của chúng ta vậy?

Mạnh Bang Kiệt nói:

- Chúng nó phỗng tay trên ta, tức qua, chúng mình phải đến đòi lại mới được.

Thang Hoài lướt tới kêu lớn:

Con hươu kia vốn của anh em ta bắn trước sao các tiểu thư lại hớt mất đi, hãy trả lại cho mau, bằng không chúng ta không chịu hòa.

Nàng cầm thanh bình kiếm "hứ" một cái rồi nói:

- Nói bậy, con hươu ấy rõ ràng của chị em ta bắn được ngươi đừng nhận vơ như vậy! Ta cũng muốn trả lại cho ngươi nhưng ngặt vì thanh gươm của ta đây nó không bằng lòng trả thì biết liệu sao?

Thang Hoài giận tím mặt lớn tiếng mắng:

- Thật là đê tiện, ta thấy đàn bà con gái không thèm hơn thua làm gì, sao lại dám buông lời vô lễ đến thế? Hãy xem cây thương của ta đây.

Thang Hoài quay thương lại dùng cán lướt tới đánh thiếu nữ nhưng thiếu nữ này cũng không vừa, thản nhiên đưa gươm ra đỡ và đón đánh quyết liệt với Thang Hoài. Đánh được mấy hiệp, nữ tướng ngăn đỡ không nổi nữa, thiếu nữ cầm đao vội xông ra trợ lực, bên này Mạnh Bang Kiệt cũng xông ra ngăn đánh. Hai trai, hai gái đánh nhau mấy hiệp, hai nữ tướng đuối sức phải quay ngựa chạy dài. Thang Hoài và Mạnh Bang Kiệt giục ngựa đuổi theo, không đầy ba dặm đã thấy một trang viên nguy nga dựa bên triền núi nấp dưới một lùm cây mát mẻ, nữ tướng chạy thẳng vào đó đóng cửa lại.

Thang Hoài gò cương ngựa đừng ngoài cửa kêu lớn:

- Hai con tiện tỳ, hãy mau trả con hươu lại cho ta, bằng không ta sẽ đốt gia trang này cháy rụi cho mà xem.

Nhưng bên trong vẫn im lặng không một tiếng đáp lại Mạnh Bang Kiệt nói:

- Thang ca, chúng mình cứ việc phá cửa vào tội gì kêu réo cho hao hơi, tổn tiếng.

Hai người vừa muốn ra tay, bỗng thấy cửa gia trang mở rộng, bên trong bước ra một người trạc tuổi ngoài sáu mươi, mặt vuông, râu bạc, đầu bịt khăn tiêu diêu, mình mặc áo nhung bào màu lục theo sau có ba bốn tên gia tướng, người nào cũng có mang binh khí.

Lão ta nhìn thẳng vào mặt hai người khiển trách:

- Hai ngươi ở đâu lại dám lên đây hành hung, buông lời lỗ mãng như vậy?

Thang Hoài chưa kịp đáp, Mạnh Bang Kiệt đã vòng tay thưa:

- Thưa lão tiên sinh, hai anh em chúng tôi đều là bộ hạ của Nhạc Nguyên soái, nhân đi vận lương qua đây, đóng dinh an nghỉ, chúng tôi vào rừng, vừa bắn được một con hươu lại bị hai người con gái ở nhà này bắt mất nên mới đến đây đòi lại.

Ông lão dịu giọng đáp:

- Chỉ vì một con hươu mà làm dữ vậy sao? Nếu quả hai người là lương tướng của triều đình thì lão xin mời vào gia trang uống trà đàm đạo cho vui. Hai đứa con gái ấy đều là con gái của lão, để lão hỏi nguyên do rồi sẽ trả con hươu ấy lại cho.

Thang Hoài và Mạnh Bang Kiệt thấy ông lão ăn nói ôn hòa liền xuống ngựa theo chân bước vào gia trang. Trang đinh ra dắt ngựa bỏ cỏ cho ăn, còn hai người thì bước thẳng vào thính' đường để binh khí xuống làm lễ rồi phân ngôi chủ khách ngồi.

Ông già hỏi:

- Chẳng hay nhị vị tên họ là chi, làm quan đến chức gì?

Thang Hoài đáp:

- Tôi họ Thang tên Hoài, kết nghĩa anh em với Nhạc Nguyên soái từ thuở còn bé, còn em tôi đây tên là Mạnh Bang Kiệt, người Sơn Đông, chỉ vì căm thù Lưu Dự nên tìm đến theo Nhạc Nguyên soái, chúng tôi đều làm chức Đô Thống, nay vâng lệnh Nguyên soái đi giải lương. Khi đi đến đây vì ham vui theo đuổi con hươu nên thất lễ với tiên sinh, chẳng hay tiên sinh tên họ chi, chỗ này là chỗ nào xin cho chúng tôi biết.

Lão già nói:

- Ta họ Phàn tên Thoại, xưa làm chức Tổng binh, nay vì già nua nên cáo bệnh về hưu. Hòn núi phía sau đây là Bát Quái sơn, lại nhân vì ta họ Phàn nên thiên hạ đều gọi nơi đây là Phàn gia trang. Hôm nay nhị vị tướng quân đến đây thì xin nán lại dùng cơm với lão gia một bữa.

Cả hai cùng đáp:

Nếu vậy lão tiên sinh cũng là quan gia của triều đình, chúng tôi không biết nên có lời xúc phạm, xin tiên sinh bỏ qua cho.

Câu chuyện đến đây, đã thấy trang đinh bưng mâm rượu thịt lên, hai người hơi ngại nên đứng dậy từ tạ và nói:

- Anh em tôi có việc quan trọng không dám ở lâu, con hươu ấy không cần phải trả lại, chúng tôi xin phép kiếu từ.

Phàn Thoại nói:

- Chẳng mấy khi nhị vị đến chốn này, xin ngồi lại giây lát, vì ta muốn hỏi thăm một chuyện.

Hai người cực chẳng đã phải ngồi lại. Hai tên trang đinh rót rượu, Phàn Thoại cất tiếng mời hai người.

Uống được vài chén, Phàn Thoại hỏi:

- Nhị vị tướng quân mải lo việc binh gia, có khi nào thương nhớ cha mẹ vợ con ở nhà không?

Thang Hoài nói:

Chẳng giấu gì lão tiên sinh. Cha mẹ tôi mất sớm, từ ấy đến nay tôi theo Nhạc Nguyên soái đánh Nam dẹp Bắc trơ trọi một mình, có ai đâu mà thương nhớ?

Phàn Thoại nói:

- Thế thì khỏi lo chi việc nhà, nên càng hết sức hết lòng vì xã tắc. Còn Mạnh tướng quân chắc song thân còn sức khỏe phải không?

Mạnh Bang Kiệt nghe nói rưng rưng nước mắt rồi đem chuyện Lưu Nghê sát hại gia đinh kể lại một hồi rồi nói:

- Cũng vì vậy nên tôi chưa nghĩ đến chuyện thành thân.

Phàn Thoại nghe hai người nói, gật đầu lia lịa và nói:

- Nay lão có một lời muốn nói với nhị vị, thiết tưởng nhị vị cũng không nên chối từ.

Ngừng một lát lão tiếp:

- Xưa lão làm chức Tổng binh, cũng vì gian thần hoành hành nên không muốn làm quan, về ẩn nơi đây, tuổi đã ngoài sáu mươi, con vẫn còn nhỏ, duy có hai đứa con gái vừa biết qua nữ công lại thích đao kiếm. Lão có cái tính cưng con nên chúng nó đã đến tuổi cặp kê mà chưa hứa gả cho ai. Đêm hôm qua lão nằm chiêm bao thấy hai con hùm rượt một con hươu chạy thẳng vào nhà nay lại gặp nhị vị tướng quân đến đây lão chắc duyên trời đã định, nên lão muốn gả hai đứa con gái cho nhị vị để cho chúng sửa túi nâng khăn, song không biết nhị vị nghĩ sao?

Hai người nghe nói mừng rỡ, nhưng giả vờ nói:

- Cám ơn lão bá có lòng thương, song xét chúng tôi thô lỗ, vũ phu đâu dám sánh cao với tiểu thư khuê các.

Phàn Thoại nói:

- Xin nhị vị chớ có khiêm nhường, em tôi là Kim Tiết ở tại Ngẫu Đường quan có gửi thư đến cho tôi hay Nhạc Nguyên soái đã bỏ cái luật chiêu thân rồi. Nay nhị vị bận giải lương tất nhiên không được ở lâu. Vậy hôm nay là ngày Hoàng đạo cũng nên làm lễ hợp cẩn cho rồi.

Nói rồi khiến trang đinh ra dắt hai con ngựa đem ra sau cho ăn, một mặt truyền trang hoàng động phòng hoa chúc. Lại cho đi mời thân bằng cố hữu đến dự tiệc tân hôn.

Đêm hôm ấy trong nhà đèn đuốc sáng trưng. Lại mời Phàn Phu nhân ra để hai chàng rể ra mắt. Thang Hoài kết hôn cùng cô chị. Mạnh Bang Kiệt nhỏ tuổi hơn, lấy cô em. Hai người lạy mừng nhạc phụ, nhạc mẫu rồi mới lạy trời đất.

Làm lễ xong, mới vào chỗ động phòng làm lễ hợp cẩn.

Sau đó hai người ra tiếp đãi họ hàng. Trong lúc đang ăn uống, bỗng có gia đinh vào báo:

- Công tử đã về.

Rồi thấy gia đinh khiêng nào là hươu, nai, mang, thỏ vào nhà, đi sau là một thiếu niên trạc chừng mười hai mười ba tuổi xem qua đủ biết là viên hổ tướng. Công tử tên Phàn Thành.

Phàn Thành bước vào nhà trình diện với cha, cha hỏi:

- Con đi lần này sao lâu về thế?

Phàn Thành đáp:

- Thưa cha, vùng này con đã săn hết thú rừng rồi nên phải đi xa thành thử về trễ như vậy.

Phàn Thoại nói:

- Con hãy làm làm lễ ra mặt hai người anh rể con đi.

Phàn Thành ngạc nhiên hỏi:

- Con không hay biết chi hết, vì sao con đi vắng có mấy bữa lại có hai anh rể?

Phàn Thoại với giới thiệu:

- Một người họ Thang tên Hoài, một người họ Mạnh tên Bang Kiệt đều là thủ hạ của Nhạc Nguyên soái, đang làm chức Đô Thống, nhân dịp giải lương qua đây nên cha mời vào gả hai chị con cho hai người.

Phàn Thành nghe nói bước đến ra mắt hai anh rể, chào hỏi bà con thân hữu, ăn uống chuyện trò đến canh hai mới mãn tiệc. Đêm ấy hai chàng ở lại Phàn gia trang làm lễ hợp hôn.

Hôm sau vừa tảng sáng đã thấy Phàn Thoại hối gia đinh mang trâu dê và mấy mươi hũ rượu đầy đem đến trung dinh khao thưởng ba quân.

Sau ba ngày hai người thưa với nhạc gia:

- Chúng con hiện đang mang trọng trách của triều đình hôm nay xin bái biệt nhạc phụ đế lên đường.

Phàn Thoại nói:

- Đó là việc lớn của quốc gia cha đâu dám lưu giữ các con?

Dứt lời Phàn Thoại sai quân dọn tiệc tiễn hành. Khi rượu được vài tuần, Phàn Thoại nói:

- Hai con phải cho hết lòng vì vua vì nước. Nếu đón được Nhị Đế về, lão đây cũng được rỡ ràng. Nay vợ các con ở nhà, cha mẹ sẽ thăm lo cho, hai cơn cứ an tâm đi.

Phàn Thành lại xen vào nói:

- Bây giờ em còn nhỏ, chứ vài năm nữa em cũng xin theo hai anh để giết sạch quân Phiên báo thù cho vua, cho nước!

Sau khi bái biệt xong hai ông bà nhạc và Phàn Thành, Thang Hoài và Mạnh Bang Kiệt về dinh giải lương đi.

Lại nói đến Tạ tổng binh giải lương về đến Trà Lang quan, đóng dinh trại xong liền dắt hết chư tướng vào đến cửa viên môn chờ lệnh.

Quan Kỳ bài bẩm với Nguyên soái mọi việc đã xảy ra. Nguyên soái truyền lệnh cho vào.

Tạ Côn và Thi Toàn vào ra mắt xong, đem việc gặp Trương công tử và Thiết Diện Đổng Tiên tại Cửu Cung sơn muốn quy hàng nói rõ đầu đuôi cho Nguyên soái nghe... Nhạc Nguyên soái mừng rỡ cho mời Trương công tử vào.

Trương Hiến vào ra mắt rồi lấy phong thư của ông nội mình dâng lên. Nhạc Nguyên soái tiếp lấy thư xem rồi bước xuống đỡ dậy nói:

- Công tử theo ta đây, chỉ vì cùng một lý tưởng trung quân ái quốc mà thôi.

Rồi dặn dò Trương Bảo đem hành lý của Trương công tử cất vào phòng dành riêng. Trương Bảo vâng lệnh dắt Trương công tử đi ngay.

Nhạc Nguyên soái lại cho đòi bọn Đổng Tiên vào. Sau khi Đổng Tiên và bốn tướng kia làm lễ ra mắt xong, Nhạc Nguyên soái vỗ về:

- Các ngươi đã đến đây thì phải cố sức lập công danh cho vinh thê, ấm tử để khỏi mai một chí khí nam nhi.

Bọn Đổng Tiên tạ ơn, Nhạc Nguyên soái lại truyền đem binh mã của Đổng Tiên giao cho quan chánh ty tổ chức lại đội ngũ và thao luyện cho tinh thục, còn lương thảo thì nhập vào kho.

Mọi việc sắp đặt xong xuôi, truyền bày yến tiệc khao thưởng ba quân và ăn mừng sáu tướng mới đến.

Trong lúc đang ăn uống vui vầy, thì Thang Hoài và Mạnh Bang Kiệt đã giải lương về.

Quân canh dinh, vội chạy vào báo:

- Bẩm Nguyên soái, hai tướng quân Thang, Mạnh đã giải lương về, hiện đang đứng ngoài chờ lệnh.

Nhạc Nguyên soái truyền cho vào.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.