Nhấn Chuông Đi, Đừng Đợi

Chương 14: Chương 14




15

CÂU HỎI: Lee J. Cobb. Fredric March và Dustin Hoffman đều đóng vai Willy Loman bất hạnh trong vở kịch nào của Arthur Miller năm 1949?

TRẢ LỜI: Cái chết của người bán hàng.

***

“Bố tớ là người bán kính hai lớp, một công việc thật buồn cười, vì đó là một trong những nghề mà người ta nghĩ có thể cười nhạo, giống như nhân viên trông xe, thanh tra thuế hay thợ thông cống. Tớ nghĩ đó là bởi, chung quy thì, chẳng ai thích kính hai lớp cả. Dù sao đi nữa, bố chắc chắn là không thích, sau mười năm bán kính thì chắc chắn là không. Trước đây ông ở trong quân đội, nơi ông gặp mẹ và sinh ra tớ. Ông hoàn thành quân dịch, là một trong những người cuối cùng làm việc đó, đại loại cũng thích việc đó, mà không biết phải làm gì khác nên ông đã lưu lại một thời gian. Tớ nhớ là mình đã lo sợ, bất cứ khi nào nghe bản tin nói có chiến sự ở một nơi nào đó, căng thẳng với Nga, hoặc khi Bắc Ailen có xung đột hoặc điều gì tương tự, lo sợ là ông bị triệu tập, bị nhét vào bộ quân phục, bị dúi súng vào tay. Nhưng tớ không nghĩ ông có kiểu cách một người lính thực thụ, tớ nghĩ ông thiên về nhân viên văn phòng hơn. Dù sao thì khi có tớ, mẹ đã kiên quyết phản đối và bắt ông phải rời quân ngũ vì phát ngấy chuyện lúc nào cũng di chuyển, bà còn ghét cả Tây Đức nơi tớ sinh ra nữa, thế nên ông bèn quay lại Southend, nhận công việc bán kính hai lớp và chuyện thật ra cũng chỉ có vậy.”

“Ông có thích công việc đó không?”

“Trời ạ, không. Ý tớ là, lúc đầu chắc ông cũng thích, tớ cho là vậy, nhưng dần dà ông trở nên chán ghét nó. Cậu thấy đấy, công việc đó kéo dài nhiều giờ, vì phải chộp được khách hàng ngay khi họ tới, điều đó có nghĩa là mỗi buổi sáng sớm, mỗi buổi chiều và buổi tối, vì vậy khi ông về nhà thì trời thường đã tối, ngay cả vào mùa hè. Và tớ nghĩ là việc rao hàng đến tận cửa cũng có liên quan: ‘Xin lỗi bà, nhưng bà có nhận thấy sự khác biệt to lớn mà kính hai lớp có thể đem đến cho hóa đơn điện lò sưởi hay không,’ đại loại thế. Và tớ biết thu nhập chính là nhờ vào tiền hoa hồng, đồng nghĩa với việc lo lắng thường trực về tiền nong. Bất kể phải làm công việc gì sau này, tớ cũng không bao giờ muốn được trả lương bằng hoa hồng. Tớ biết đó là một động lực, nhưng chỉ là động lực để làm rối tung cuộc đời cậu, chẳng khác gì làm việc với một khẩu súng chĩa vào đầu. Tớ nghĩ, nó đúng là tệ hại. Bất kể thế nào. Buồn bã. Tẻ nhạt.

“Dù sao đi nữa, ông cũng ghét công việc đó. Dĩ nhiên ông chưa bao giờ kể với tớ là ông ghét, tại sao lại phải kể cho một thằng oắt con kia chứ, nhưng chắc chắn ông ghét nó vì ông tỏ ra giận dữ bất cứ khi nào ông từ chỗ làm về; không quát tháo, đánh đập hay làm gì tương tự, chỉ có cơn giận dữ nín lặng, căng thẳng, nghiến răng, đỏ mặt bộc phát từ những chuyện nhỏ xíu xiu, như đồ chơi bị vứt lung tung hay thức ăn bị bỏ phí. Ta muốn ký ức về bố mẹ sẽ là những buổi cắm trại ngoài trời hoặc được cõng trên vai, hay trò ném gậy xuống sông, hoặc tương tự, nhưng không ai có thời thơ ấu hoàn hảo cả và tất cả những gì tớ còn nhớ là ông cãi nhau với mẹ trong bếp về tiền nong hoặc công việc hoặc bất kỳ chuyện gì, mặt ông đỏ gay, ông siết chặt rồi thả lỏng nắm tay.”

“Kinh khủng vậy.”

“Thế à? Ừm, tớ cũng hơi thổi phồng một chút. Tớ nhớ là mình hay ngồi xem ti vi với ông, nếu được phép thức cho đến khi ông về nhà. Ngồi trên nền nhà giữa hai chân ông. Chương trình đố vui. Ông thích các chương trình đố vui, và những phim tài liệu về thiên nhiên, David Attenborough, những chương trình giáo dục, lúc nào ông cũng nói giáo dục quan trọng như thế nào, tớ cho rằng bởi vì ông nghĩ đó là chìa khóa để có một cuộc sống tốt hơn, không phải chịu bất hạnh, được làm công việc mà mình không thấy chán ghét.”

“Thế, làm sao mà ông, cậu biết đấy...?”

“À, tớ cũng không biết chính xác. Tớ không thích hỏi mẹ về chuyện đó, vì nó sẽ khơi gợi nỗi đau của bà, nhưng hình như ông đi ra ngoài làm việc, ở nhà mấy khách hàng, cố thuyết phục họ về lợi ích của kính hai lớp hay gì đó, rồi đơn giản là ông... quỵ. Ngay tại đó, trong phòng khách của họ. Tớ đi học về, đang xem ti vi còn mẹ đang pha trà thì có tiếng gõ ở cửa, và có mấy người đang nói chuyện ở lối đi, tớ chạy ra xem có chuyện gì thì thấy có hai viên cảnh sát, rồi mẹ tớ ngã sụp xuống tấm thảm. Lúc đầu tớ nghĩ có lẽ bố bị bắt giam hay gì đó, nhưng nữ cảnh sát đã nói ông đang ở trong tình trạng xấu, và rồi họ giục mẹ đến bệnh viện trong khi tớ sang ở nhờ nhà hàng xóm, và chẳng bao lâu sau khi mẹ tớ đến đó thì bố tớ mất. Ồ, xem này. Hết rượu rồi. Cậu uống nữa không? Thêm một chai nhé? Tớ đã qua đêm ở nhà hàng xóm và sáng hôm sau thì họ cho tớ biết chuyện. Làm ơn lấy thêm một chai Lambrusco, không chúng tôi chưa quyết món tráng miệng, cho chúng tôi năm phút được không?”

“Dù sao đi nữa. Nhớ lại hồi đó, tớ cũng chẳng ngạc nhiên, mặc dù ông chỉ mới bốn mươi mốt tuổi, vì ông chỉ giống như cái... mấu nút chai này, lúc nào cũng vậy. Và ông đã uống, ý tớ là rất nhiều, ở các quán rượu vào giờ ăn trưa và sau giờ làm việc, lúc nào cậu cũng có thể ngửi thấy mùi bia trên người ông. Ông còn hút khoảng sáu mươi điếu mỗi ngày. Trời ạ, tớ từng mua thuốc lá làm quà Giáng sinh cho ông. Tớ không nghĩ trong ký ức của mình về riêng ông, có khi nào ông không rít thuốc. Thậm chí có một tấm ảnh của ông và mẹ với tớ trong khu phụ sản, ông đang châm lửa cho điếu thuốc. Trong một bệnh viện, với tàn thuốc và một chai bia để thăng bằng trên đầu cái giường cũi. Ông già dớ dẩn.”

“Thế cậu phản ứng ra sao?”

“Trước cái chết của ông hả? Ừm. Không rõ nữa. Kỳ quặc, tớ nghĩ thế. Ý tớ là tớ đã khóc và đủ mọi thứ, nhưng họ muốn tớ nghỉ học, điều đó làm tớ lo lắng vì tớ không muốn bỏ lỡ bài học, chắc cậu cũng phần nào nhận thấy tớ thuộc loại người nhỏ tuổi nhưng dị hợm, lạnh lùng, học gạo. Thành thật mà nói thì tớ buồn vì mẹ nhiều hơn vì mẹ thật sự yêu bố, lúc ấy bà mới có, bao nhiêu nhỉ, ba mươi ba tuổi, và ông là người đàn ông duy nhất bà từng ăn nằm cùng, trước đó và mãi về sau, theo như tớ biết, và bà đón nhận chuyện đó đau đớn lắm lắm. Ừ thì bà vẫn ổn chừng nào còn có người ở xung quanh, và dĩ nhiên trong hai tuần đầu ngôi nhà rất đông đúc - đủ loại nào là mục sư, bạn học của bố, những người hàng xóm, ông bà, và cô dì chú bác - không có thời gian để mẹ cảm thấy thật sự đau khổ, vì lúc nào bà cũng bận rộn làm bánh mì sandwich và pha trà, dọn giường chiếu cho những người họ hàng xa lạ đến từ Ailen mà hai mẹ con chưa bao giờ gặp mặt trước đây và kể từ dạo đó cho đến giờ. Nhưng sau hai tuần, tất cả bọn họ đều bắt đầu bỏ đi và chỉ còn tớ và mẹ. Và đó chính là thời điểm tồi tệ nhất, cái lúc mà mọi chuyện lắng xuống và người ta bỏ hai mẹ con tớ trơ trọi một mình ấy. Một sự kết hợp hoàn toàn không bình thường, một cậu thiếu niên và bà mẹ. Ý tớ là, cậu sẽ dễ nhận ra rằng... thiếu người nào đó.

“Và tớ nghĩ là, hồi xưa, lẽ ra tớ nên đối xử tốt hơn với mẹ, ngồi với bà và nhiều chuyện khác nữa. Nhưng tớ thường ghét ngồi trong phòng khách đó mỗi tối, ngó bà xem bộ phim Dallas hay bất cứ cái gì rồi bà tự dưng khóc ầm lên. Khi ta ở độ tuổi đó thì kiểu tình cảm đó, nỗi buồn khổ đó, ừm, nó... chỉ làm ta khó xử mà thôi. Phải làm gì chứ? Choàng tay qua người bà ư? Nói điều gì đó ư? Mà một thằng nhóc mười hai tuổi thì nói được gì đây chứ? Thế là tớ bắt đầu bực bội với việc đó một cách quái gở và khủng khiếp. Tớ thường tránh mặt bà. Tớ chỉ đi từ trường đến thư viện công cộng và từ thư viện về phòng để làm bài tập về nhà; theo như tớ nhớ thì chẳng bao giờ có đủ bài tập về nhà để làm cả. Chúa ơi, thật là hèn.”

“Còn chuyện ở trường thì sao?”

“Ồ, mọi chuyện ổn cả. Sự thương cảm không xuất hiện dễ dàng ở những cậu nhóc mười hai tuổi, dù sao thì cũng không phải ở trường tớ, và thật ra tại sao cần phải như vậy nhỉ? Một số đã cố gắng, nhưng cậu có thể nhận ngay ra là họ đang giả bộ. Hơn nữa - và điều này mới thật đáng hổ thẹn - vào lúc đó tớ chẳng nghĩ gì nhiều về người đã thật sự, cậu biết đấy, mất đi, bố tớ, chết bất đắc kỳ tử ở tuổi bốn mươi mốt, hoặc thậm chí về chuyện đó ảnh hưởng tới mẹ nhiều như thế nào, tớ chỉ nghĩ làm thế nào mà chuyện đó lại xảy đến với tớ. Từ chỉ việc đó là gì nhỉ? Thuyết duy ngã hay lầm lạc hay gì nhỉ? Lầm lạc.”

“Tớ nghĩ là dù sao chuyện đó cũng khiến tớ được chú ý, theo một cách kinh khủng; thằng-bé-mồ-côi-cha, cái tiếng tăm ủy mị và đáng sợ ấy, cậu biết không, những đứa con gái trước đây chưa bao giờ nói chuyện với cậu bước đến chìa cho cậu một thanh sô cô la Kit-Kat và vỗ vỗ lên lưng cậu. Dĩ nhiên cũng có những trò bắt nạt, và có hai đứa oắt con lấy tớ làm trò cười, gọi tớ là thằng mồ côi, kiểu như vậy, cái đấy cũng chả có gì hóm hỉnh cả, vì đâu phải tớ không còn mẹ. Nhưng tớ có một đứa bạn tên Spencer, vì lý do nào đó mà cậu ta quyết định chăm sóc tớ, và điều đó thật sự hữu ích. Đứa nào cũng hãi Spencer. Cũng phải thôi, vì Spencer là một thằng mất dạy khó chơi, cái thằng Spencer...”

“Cậu có hình không?”

“Spencer á? À, ý cậu là hình bố tớ hả. Không, không để trong ví tớ. Sao, cậu nghĩ tớ nên mang theo à?”

“Không hề.”

“Ở nhà tớ có đấy. Cậu có thể đến nhà tớ. Không nhất thiết phải là tối nay rồi, nhưng, cậu biết đấy, bất cứ khi nào...”

“Và cậu nghĩ về ông chứ?”

“Ồ, phải, dĩ nhiên rồi. Mọi lúc. Nhưng chuyện đó khó lắm vì bố con tớ chưa bao giờ hiểu nhau hẳn hoi. Dù sao thì cũng không giống như hai người lớn với nhau.”

“Tớ chắc là ông yêu cậu lắm.”

“Cậu nghĩ vậy à?”

“Dĩ nhiên. Cậu thì không?”

“Không chắc. Thành thực mà nói, tớ nghĩ ông cho rằng tớ hơi không bình thường.”

“Ông chắc hẳn tự hào lắm đây.”

“Sao lại thế?”

“Nhiều lý do lắm. Vào được đại học. Là ngôi sao của đội tuyển, sắp lên ti vi và còn nhiều chuyện khác nữa...”

“Cũng có thể. Điều duy nhất tớ vẫn còn nghĩ mãi mà không biết tại sao, vì nó không hợp lý chút nào, mà nói chính xác thì cũng chẳng phải lỗi của họ, nhưng tớ muốn gặp người đã thuê ông, người đã hái ra bộn tiền từ việc bắt ông làm việc như thế, vì tớ nghĩ mấy người đấy là một lũ đểu giả. Xin lỗi - nói hơi thô tục. Tớ không hẳn biết tên cũng như nơi ở của họ, có thể trong cái biệt thự chết tiệt bự tổ chảng nào đấy ở Algarve hoặc đâu đó, và tớ cũng chẳng biết nói gì khi gặp họ, vì họ không làm điều gì sai trái cả, họ chỉ điều hành việc kinh doanh, chỉ kiếm lời, và bố tớ có thể nghỉ việc bất cứ lúc nào nếu ông quá chán ghét nó, nhảy lên xe đạp và tìm một nơi làm khác, vả lại, dù gì đi nữa, cậu biết đấy, ông ra đi quá sớm như vậy có thể là vì nguyên nhân khác, ngay cả khi ông là một người bán hoa hay một giáo viên tiểu học hay gì đó cũng vậy, nó không giống như việc sơ ý phạm tội, tai nạn hầm mỏ hay tàu bè đánh cá hay gì đó, ông chỉ là một người bán hàng, nhưng thật không đúng khi có người lại ghét công việc của mình nhiều đến vậy, và tớ nghĩ đến người đã khiến ông trở nên như thế, à, dù sao đi nữa, tớ nghĩ bọn họ thật đểu giả và tớ căm thù họ, mỗi ngày, bất kể họ là ai, vì đã cướp đi... Mà dù sao thì, chờ tớ một lát được không? Tớ phải đi vệ sinh đã.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.