Nhất Kiếm Động Giang Hồ

Chương 63: Chương 63: Công đức vô lượng




Thu xếp hành trang xong, Hạnh Bội Thi dẫn mẹ trở ra, nói :

- Để nhị vị phải chờ đợi, thật có lỗi.

Văn Nhân Tuấn tươi cười :

- Nào có chi! Chỉ mong sao bảo vệ được võ lâm Trung Nguyên thì đừng nói là chỉ trong chốc lát, mà dầu có phải chờ đợi đến mười năm, tại hạ cũng vui lòng.

Hạnh Bội Thi nhìn thật sâu vào ánh mắt Văn Nhân Tuấn, ca ngợi :

- Văn đại hiệp đúng là một con người nhiệt tâm hiếm có.

Văn Nhân Tuấn đáp :

- Môi hở răng lạnh, ổ tan trứng nát...Tại hạ đúng ra là nhiệt tâm với chính bản thân trước mà thôi.

Hạnh Bội Thi tươi cười :

- Văn đại hiệp quá khiêm nhượng...

Tiếu Bao Tự mau mắn bước tới, vui vẻ đề nghị :

- Xin lão phu nhân đưa bao phục cho tiểu bối mang giúp, tiện hơn.

Hạnh mẫu xua tay, nói :

- Đa tạ hảo ý của cô nương, không dám làm bận cô nương, chiếc bao phục này thật ra cũng nhẹ lắm, để lão thân tự mang lấy, chẳng mệt nhọc gì đâu.

Hạnh Bội Thi lên tiếng :

- Cỗ xe ngựa đưa nhị vị đến cuối đường ngoài ấy chắc đã trở về tiểu trấn rồi. Cũng không hề chi, từ đây ra tiểu trấn chẳng xa mấy, chúng ta đi nhanh, hy vọng sẽ đến nơi trước khi trời tối.

Văn Nhân Tuấn khẽ gật đầu :

- Cô nương nói đúng, chúng ta lên đường nhé.

Chàng liền cùng Tiếu Bao Tự đi trước.

Hạnh Bội Thi dắt mẹ nối gót theo sau.

Ra khỏi cốc, Văn Nhân Tuấn quay lại nói :

- Làm nhọc lão phu nhân, vãn bối thật chẳng an tâm.

Hạnh mẫu vui vẻ :

- Văn thiếu hiệp xem thường lão thân rồi! Một đoạn đường ngắn ngủi này có đáng gì đâu. Mấy năm qua lão thân từng đi biết bao nhiêu viễn lộ thiên lý, nào có hề chi đâu. Huống chi chỉ cần để bảo vệ võ lâm Trung Nguyên thì dù phải đi đến rụng cả đôi chân, lão thân vẫn vui lòng.

Văn Nhân Tuấn nói :

- Lời của lão phu nhân càng khiến vãn bối thêm áy náy, vì lão phu nhân nguyên không phải là người Trung thổ...

Hạnh mẫu ngắt lời :

- Văn thiếu hiệp lầm rồi! Tuy không phải là người Trung Nguyên nhưng lão thân kết hôn với người Trung thổ và sống tại nơi đây suốt cuộc đời, tất nhiên đã đương nhiên trở thành người Trung thổ, nghĩa là chẳng khác chi chư vị hết.

Văn Nhân Tuấn thành khẩn :

- Lão phu nhân khiến vãn bối vô cùng bội phục.

Hạnh mẫu hùng hồn tiếp lời :

- Phàm những kẻ vô cố đến đây gây sự, xâm phạm đến sự an toàn của người khác là phi nghĩa, còn người bị xâm phạm phải chiến đấu để tự vệ sự tồn tại của mình, là chánh nghĩa. Lão thân quyết đứng về phía chánh nghĩa...

Văn Nhân Tuấn càng cảm phục, chàng nhìn Hạnh mẫu bằng ánh mắt thân thiết. Và chẳng nói gì thêm, cũng chẳng để Hạnh mẫu từ chối, chàng đến bên dìu bà đi.

Hạnh Bội Thi nói :

- Đa tạ Văn đại hiệp.

Văn Nhân Tuấn tươi cười :

- Cô nương cứ khách sáo mãi, có chi mà đa tạ. Nào chúng ta đi!

Nhờ Văn Nhân Tuấn dìu giúp, Hạnh mẫu cảm thấy cước bộ cứ như bay, vì vậy bốn người không ngớt lướt nhanh trên quãng lộ vắng, khi trở ra đến tiểu trấn mặt trời vẫn chưa lặn.

Tiểu trấn không có khách sạn, Hạnh Bội Thi đề nghị :

- Văn đại hiệp, Diệp cô nương, đêm nay chúng ta nghĩ lại tiểu trấn này, mai sẽ đi sớm nhé. Mời nhị vị cùng đến trại Như Ý, chúng ta làm khách của Trại chủ phen này vậy.

Trại chủ thoáng thấy bốn người tiến vô cổng, đã đon đả chạy ra đón rước.

- Lão thái thái, Hạnh cô nương, nhị vị cùng quí khách có việc chi cần sai bảo, xin...

Hạnh Bội Thi mỉm cười nói :

- Trại chủ, ta có việc, phải đi xa một chuyến, với hai vị bằng hữu đây, nhưng bây giờ cũng sắp tối rồi, đành phải nghỉ lại một đêm, mà tiểu trấn này lại chẳng có khách sạn, nên đành đến trọ quí trại, xin làm phiền trang chủ, không biết có tiện chăng?

Trại chủ quả là một con người hảo tâm, hiếu khách, đáp ngay khôn chút lưỡng lự :

- Vâng, vâng... rất tiện, lại càng vinh hạnh cho tiểu nhân. Xin mời, xin mời chư vị vào nhà dùng trà...

Chẳng riêng Trại chủ mà cả đến bà vợ và các gia nhân thẩy đều hoan hỉ, rối rít hẳn lên, lo tiếp đãi khách. Hai gian phòng được quét dọn ngay cho khách ngủ. Trong khi khách dùng trà thì Trại chủ đã cho làm mấy con gà mái to béo nhất để nấu mấy món ngon, rồi dọn bữa cơm thịnh soạn đãi khách. Bầu không khí vui vẻ, thân thiện. Sẵn đói, mọi người ăn một bữa no nê, khoái khẩu.

Sau bữa ăn, dưới ánh đèn ấm cúng, phu thê Trại chủ ngồi đàm đạo cùng khách. Hạnh mẫu bỗng hỏi :

- Hiền khang lệ dường như chưa có đứa con nào?

Đang vui, Trại chủ liền lộ nét buồn, thở dài đáp :

- Phu thê tiểu nhân từ lâu nay làm ăn sinh nhai ở tiểu trấn này tuy chẳng giàu có gì nhưng cũng tạm đủ sống, khá đầy đủ, dễ chịu, duy có điều khổ tâm là cho đến bây giờ vẫn chưa có một mụn con nào, e rằng tiểu nhân đến phải tuyệt tự mất.

Văn Nhân Tuấn đặc biệt chú ý, liền hỏi :

- Người hảo tâm như Trại chủ lẽ nào lại gặp cảnh tuyệt tự, chẳng hay nhị vị đã từng nhờ y sĩ xem cho, để tìm hiểu nguyên nhân hay chăng?

Trại chủ khẽ lắc đầu :

- Thưa, nhờ y sĩ thì chưa, nhưng phu thê tiểu nhân đã đến khắp đền miễu chùa chiền để cầu tự rồi...

Văn Nhân Tuấn nói :

- Xin cho tại hạ nói thẳng một lời, nhị vị đi cầu tự chỉ là hao tốn công lao, hương đăng trà quả mà thôi, chớ chả ích chi cả. Tại hạ cũng biết đôi chút về y dược, nếu nhị vị đồng ý thì tại hạ có thể khác xét có bịnh hay không và sẽ giúp cho chứng hiếm muộn để sang năm nhị vị có con để bồng ẵm.

Trại chủ sáng hẳn mắt, hỏi lắp bắp :

- Qúi khách bảo sao? Có thể... có thể giúp phu thê cúng tôi có con ư? Qúi khách... chắc am tường...

Văn Nhân Tuấn gật đầu :

- Vâng, tại hạ có biết cách chữa trị chứng hiếm muộn, xin mời Trại chủ bước vào trong một lúc để tại hạ khám thử.

Chàng đứng lên tỏ vẻ chờ đợi Trại chủ dẫn mình vào phòng trong.

Trại chủ cũng đứng dậy, nhưng lại đứng thừ ra đó.

Hạnh mẫu ân cần khuyến khích :

- Trại chủ nên mau mau đưa Văn đại hiệp vào trong mà khám đi. Văn đại hiệp là cao đồ duy nhất của đại quan Đông Môn Trường Thanh, nhất thân sở học uyên bác, ắt sẽ giúp cho Trại chủ sớm có con, mà khỏi phải đi cầu tự ở đâu cả.

Trại chủ “dạ” một tiếng liền hướng dẫn Văn Nhân Tuấn vào gian phòng phía trong.

Chừng nửa khắc sau Văn Nhân Tuấn song song cùng Trại chủ bước trở ra, vừa nói :

- Cơ thể Trại chủ rất bình thường, khỏe mạnh bây giờ tại hạ cần khám đến hiền nội...

Bà vợ đứng tuổi của Trại chủ đỏ bừng mặt mũi.

Văn Nhân Tuấn quay sang Tiếu Bao Tự, bảo :

- Thu Ngân, hãy đưa phu nhân vào trong...

Tiếu Bao Tự sửng sốt :

- Nhưng.. tiểu muội đâu biết khám...

Văn Nhân Tuấn ngắt lời :

- Tại hạ chỉ cách cho.

Chàng bước lại kề tai Tiếu Bao Tự nói nhỏ một hồi.

Tiếu Bao Tự hỏi khẽ :

- Như thế là xong, khỏi làm gì khác nữa chứ?

Văn Nhân Tuấn gật đầu, “ừ” một tiếng.

Tiếu Bao Tự đứng lên hăng hái :

- Xin mời phu nhân vào trong.

Nàng nắm tay kéo bà vợ Trại chủ cùng tiến nhập nội thất, trong khi bà ta cứ ngơ ngơ ngác ngác.

Trại chủ nghiêm trang sắc diện, lên tiếng :

- Mau vào cho cô nương quí khách khám cho, quả đúng như lời Hạnh lão thái thái vừa dạy, vụ này khỏi phải đến miếu cầu tự nữa.

Bà vợ ngoan ngoãn đi theo Tiếu Bao Tự, mặt vẫn chưa hết đỏ hồng.

Trại chủ lộ nét đầy tin tưởng, vừa nôn nao, ngó Văn Nhân Tuấn nói :

- Văn đại hiệp, như thế tức là...

Văn Nhân Tuấn mỉm cười xua tay :

- Đừng gấp, xin Trại chủ chờ chốc lát, để tại hạ nghe Diệp cô nương cho hay kết quả khảm chấn cái đã.

Bỗng thấy Tiếu Bao Tự trở ra, nhìn Văn Nhân Tuấn nói :

- Đúng như lời đại ca dự đoán.

Văn Nhân Tuấn mừng rỡ, liền quay qua Trại chủ ôm quyền, đưa lời chúc mừng :

- Trại chủ, cung hỉ! Cung hỉ! Bệnh chứng của hiền nội không phải bẩm chất thành tật, nên sẽ chữa được. Tại hạ cam đoan với nhị vị là sang năm quí gia sẽ tăng thêm nhân khẩu.

Trại chủ mừng cuống lên, chụp lấy cánh tay Văn Nhân Tuấn hỏi gấp :

- Thật vậy chớ, Văn đại hiệp?

Văn Nhân Tuấn tươi cười đáp :

- Tại hạ không dám nói đùa đâu, chắc chắn sang năm quí gia sẽ có thêm người nữa. Nếu không đúng thế thì Trại chủ có quyền.. gỡ bản dẹp tiệm của tại hạ đấy.

Nghe chàng nói mọi người đều bật cười.

Trại chủ cũng cười, mà cười mà nước mắt vòng quanh vì quá cảm kích, và tự dưng khom lưng quì mọp xuống.

Văn Nhân Tuấn vội vàng thò tay kéo y dậy, ôn tồn bảo :

- Trại chủ không nên làm vậy.

Trại chủ run giọng xúc động :

- Văn đại hiệp, đại ân đại đức của đại hiệp...

Văn Nhân Tuấn nói :

- Trại chủ xin đừng bận tâm, nếu quả có ý muốn đền ơn, thì sang năm khi tại hạ trở lại thăm thì nhị vị đãi cho một bữa tiệc mừng đầy tháng hài nhi là thõa ý mãn nguyện rồi. Bây giờ chúng ta lại vào trong một hồi nữa.

Chàng nắm tay Trại chủ toan cất bước. Bỗng Hạnh mẫu tươi cười hỏi :

- Văn đại hiệp, vụ này xem chừng đại hiệp tính giấu kỷ bí quyết, chẳng cho ai học nghề phải không?

Văn Nhân Tuấn cười hì hì :

- Lão phu nhân nói vậy tội nghiệp, chẳng những vãn bối không dấu nghề mà sẵn sàng mời chu vị nếu thấy hứng thú xin vào xem.

Hạnh mẫu vịn tay Hạnh Bội Thi, đứng lên bảo :

- Bội Thi, dắt ta vào, ta không nhìn thấy nhưng con nên xem.

Tiếu Bao Tự cũng thân mật đi bên cạnh bà vợ Trang chủ, cùng theo vào.

Văn Nhân Tuấn bảo bà vợ Trại chủ lên giường, nằm xuống. Bà ta ngoan ngoãn làm y theo lời chỉ dẫn, nhưng trông dáng diệu thật là lúng túng, e thẹn đến tội nghiệp.

Thò tay vào túi, Văn Nhân Tuấn lấy ra một hộp thiếc nhỏ xinh xắn, mở nấp, trong hộp đựng những kim vàng, dao ngọc và vài ba dụng cụ tinh vi khác.

Hạnh Bội Thi chưng hửng, lên tiếng :

- Không ngờ Văn đại hiệp lại mang theo trong người cả những món này!

Văn Nhân Tuấn mỉm cười :

- Vì tại hạ có cái tật, bất luận môn nào cũng tò mò muốn biết, nên nghiên cứu, học hỏi lung tung, rồi lại sắm sẵn mấy món này mang theo để có khi nào cần đến thì dùng.

Vừa nói chàng vừa khéo léo hơ hai cây kim vàng trên ngọn đèn, đoạn bắt đầu châm cứu.

Cứ cách một lớp y thường mà ghim kim vàng vào huyệt dưới bụng bà vợ Trại chủ, thủ thuật thật khéo léo mau lẹ, chẳng kém bất cứ y sư châm cứu nào.

Hạnh Bội Thi và Tiếu Bao Tự đều trố mắt, chăm chăm chú chú theo dõi.

Văn Nhân Tuấn quay lại khẽ bảo Trại chủ :

- Trại chủ cho mượn bút mực, giấy...

Trại chủ “dạ” một tiếng mau mắn chạy đi ngay, chỉ chốc lát đã mang vào đầy đủ văn phong tứ bảo, trân trọng đặt lên bàn. Sắc diện y luôn luôn tin tưởng, hoan hỉ.

Văn Nhân Tuấn kê một toa thuốc, trao cho Trại chủ, dặn :

- Tất cả dược liệu và các phương cách sử dụng cũng như kiêng cử những gì tại hạ đều có nghi rõ ràng trong đây, xin người cứ chiếu theo mà nhắc nhở phu nhân cùng thực hành.

Trại chủ run run tay tiếp nhận vừa kính cẩn hỏi :

- Tức khắc bây giờ đại hiệp có cần sai bảo, căn dặn thêm điều chi chăng?

Văn Nhân Tuấn xua tay :

- Chẳng cần vội, sáng mai hãy hốt thuốc chưa muộn.

Trại chủ “dạ” một tiếng và hết sức cẩn thận xếp toa thuốc cất vào túi.

Trong khi đó Văn Nhân Tuấn đã rút nhẹ hai cây kim vàng ra, lau nhẹ và cất vào hộp.

- Phu nhân cứ nằm nghĩ, chúng ta ra ngoài...

Hạnh Bội Thi hỏi :

- Như thế là xong rồi ư?

Văn Nhân Tuấn mỉm cười gật đầu :

- Xong rồi, cô nương xem rõ chứ?

Hạnh Bội Thi đáp :

- Vâng, xem rất rõ và cũng đã hiểu cách.

Văn Nhân Tuấn khen :

- Cô nương thật là trí tuệ hơn người.

Mọi người kéo nhau ra khách sảnh, đồng an tọa và trò chuyện thêm một lúc rồi đi ngủ.

Sáng sớm hôm sau mọi người thức dậy rửa mặt xong thì bữa ăn sáng đã được dọn sẵn, ai nấy cùng ngồi vào trong bầu không khí thân mật đậm đà.

Một cỗ xe song mã đo đích thân Trại chủ hợp lực cùng lão Ngưu chuẩn bị đâu vào đấy đậu trước sân.

Trại chủ chấp tay nói với Văn Nhân Tuấn :

- Chư vị đi đường xa, nhất là có lão thái thái cùng đi tưởng nên dùng xe cho tiện, tiểu nhân xin kính biếu cỗ xe để chư vị sử dụng, gọi là chút lòng thành của phu thê chúng tôi.

Văn Nhân Tuấn tươi cười :

- Cần đến xe thì quả tình chúng tôi rất cần, nhưng chỉ xin mượn mà thôi cho đến khi xong việc, sẽ kính trả lại cho lão trượng. Chúng tôi không dám nói tiếng thuê xe vì biết là có nói sẽ trái ý Trại chủ, song lại chẳng dám nhận làm chủ hẳn, mặc dù Trại chủ đã thật tâm biếu tặng, vì chúng tôi sau khi dùng xong cũng chẳng biết dùng nó làm gì. Thôi thì xin hoàn lại cho Trại chủ làm kế sinh nhai.

Hạnh mẫu và Hạnh Bội Thi, Tiếu Bao Tự đều phụ họa ý kiến Văn Nhân Tuấn và hợp lý, nên phu thê Trại chủ đành không dám kỳ kèo thêm chuyện biếu tặng nữa.

Văn Nhân Tuấn bảo :

- Thu Ngân, hãy mời lão phu nhân và Hạnh cô nương lên xe, chúng ta thượng lộ.

Cuôc chia tay giữa chủ khách hết sức chân thành, quyến luyến Hạnh mẫu, Hạnh Bội Thi và Tiếu Bao Tự đã ngồi yên chỗ trong mui, Văn Nhân Tuấn giữ phần dong xe.

Chàng ôm quyền thi lễ, nói :

- Xin tạm biệt, xin hẹn sang năm sẽ về thăm quí tử...

Chàng vung roi dánh vèo một cái, song mã cất vó...

Hạnh Bội Thi từ trong mui xe nói vọng ra :

- Thật là làm phiền Văn đại hiệp.

Văn Nhân Tuấn ngoái cổ lại bông đùa :

- Tại hạ đánh xe cũng khá lắm, có chi mà phiền. Vả lại, trong tình thế này ngoài tại hạ ra ai sẽ làm xà ích đây, ai bảo tại hạ là nam nhân mà chi.

Mọi người đồng cười xòa...

Cỗ xe song mã ra khỏi tiểu trấn, Hạnh Bội Thi hỏi :

- Văn đại hiệp đã định chúng ta sẽ đến đâu chưa?

Văn Nhân Tuấn đáp :

- Từ bây giờ trở đi chúng ta chỉ có mỗi một hướng tới là đi tìm những người từ A Tu La sang...

Hạnh Bội Thi nói :

- Đi tìm lung tung e bất tiện lắm. Tôi có biết một nẻo đường mà mỗi khi sang Trung thổ họ nhất định phải đi ngang, đề nghị chúng ta cứ đến đó đón chờ họ tiện hơn.

Văn Nhân Tuấn hỏi :

- Nẻo đường đó ở đâu?

Hạnh Bội Thi đáp :

- Nhắm hướng tây mà đi sẽ tới.

Văn Nhân Tuấn gật đầu, dong cương cho xe tiếng thẳng hướng Tây, tốc độ thật nhanh.

Từ sáng sớm, mã xa cứ chạy đến giữa trưa, ánh thái dương khiến mọi người thấy nóng bức. Tiếu Bao Tự gợi ý :

- Chúng ta có cần kiếm chỗ nghỉ ngơi một lúc không?

Hạnh Bội Thi tán thành :

- Chúng ta cần nghỉ ngơi đã đành mà cặp song mã cũng cần ăn cỏ, uống nước.

Văn Nhân Tuấn nói :

- Phía trước cách đây nửa dặm có cây cao bóng mát, có cả quán nước chúng ta sẽ đến đó dừng xe tạm nghỉ vậy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.