Đó là tên của một câu chuyện được học từ thời còn nhỏ. Cũng chẳng nhớ của lớp mấy nữa. Nhưng cái cảm giác thương con mèo con lần đầu tiên tới căn bếp lạ dưới sự soi mói của bác nồi đồng, chị chổi xuể… vẫn còn y
nguyên. Và giờ, với cái tết này, không hiểu sao mình lại nhớ đến câu
chuyện ấy.
…Gói bánh chưng…
Năm nay, thấy mẹ bảo: “gói bánh chưng” làm mình lo lắng. Tính mình
vốn chậm chạp, rồi lại cẩu thả nữa, nên rất không yên tâm nếu cọ lá, hay làm bất cứ cái gì quan trọng.
Nhớ hồi còn học cấp 3, con bạn thân yêu anh khóa
trên, dở hơi lại xung phong đến nhà anh ấy nhận phần cọ lá. Mình thương
bạn, lại nể vì lời rủ rê, nên cũng đi. Thế là từ sáng sớm đến trưa muộn, hai con bé chưa cọ được mấy trăm lá thì đã hát hết các bài đã thuộc,
chưa thuộc hay chỉ ư ử âm điệu rồi. Đành lòng vừa làm vừa mắng nhau là
đồ ngu thôi. Giờ nghĩ đến gói bánh mà sợ.
Năm nay công ty cũng bận, nhiều hợp đồng nên công việc thiết kế cũng
thường xuyên phải về sau 8h tối. Sếp hí hửng lắm, giáp tết mà mình vẫn ở lại làm cho xong việc. Có lần sếp bắt tay an ủi: “cố gắng em nhé, tết
này sẽ thưởng em to nhất !!!” . Sếp đâu biết rằng, mình cũng vui lắm khi có việc mà làm đến giờ này. Mình trốn mấy cái bánh chưng thôi !!!
…Đi sắm tết…
Khác hẳn những ngày xưa tết tết, năm nay mình ky cóp để nhỡ đâu đi
sắm tết với mẹ chồng. Nhưng mẹ đuổi, mẹ bảo thà đi với mấy bà già còn
hơn đi với mình. Mẹ bảo đi với mình rách việc lắm. Đành lòng ngậm ngùi
biếu mẹ tiền sắm tết, còn thui thủi chờ tối chồng về thì mách chồng
thôi.
……………..
- Thì em kệ mẹ, em cứ phải đi cùng làm gì. Mẹ thích thế.
- Nhưng mà em muốn thân thiết hơn
- Em chỉ lắm chuyện, nhà anh thế đấy. Không phải đi đâu. Kệ mẹ làm gì thì làm.
Chàng quay mặt vào cái game mobile chết tiệt làm mình buồn thối ruột. Chàng sống thoáng quá thì phải. Thoáng đến nỗi những cố gắng vun đắp
tình đồng đội đồng chí của mình với gia đình nhà chàng thổi bên tai phải sẽ chạy ào luôn ra tai trái thì phải. Chàng không giúp mình như gián
điệp giúp quân đội ta, như hoa tiêu chỉ lối, chàng cho rằng mình lắm
chuyện. Mình chỉ có chàng là đồng minh thôi mà. Sao chàng lại thế chứ.
- Này, em bảo
Mình làm vẻ thân thiết sán tới bên chàng với bộ mặt nghiêm túc.
- Gì?
Chàng nhíu mày vì trả lời các câu hỏi của mình chàng sẽ không liền mạch chơi game được.
- Anh nên bỏ em đi.
- Sao lại thế
Mắt chàng vẫn dán vào điện thoại, mồm vẫn nói và toàn thân vẫn không thay đổi.
- Em lấy giấy bút cho anh nhé
- Có gì thì em nói đi, cứ vòng vèo. Anh ghét nhất tính vòng vèo của em đấy.
Chàng gắt lên nhưng vẫn ở mức độ kiềm chế được. Còn mình, sự kiên
nhẫn của mình cũng trào lên gần đến cổ rồi. Mình đang cố dìm nó xuống
đây. Chàng ghét tính đó ư? Mình không nhớ rõ, nhưng chắc thời yêu nhau
chàng sẽ không nói thế. Vì tất nhiên, nếu nói thế thì giờ ngồi bên mình
là anh khác chứ không phải là chàng.
- Em thấy chỉ có 3 thứ anh nên lấy làm vợ chứ không phải là em: tivi
kênh HBO, máy tính với internet, và cái điện thoại với game nữa đấy.
Chàng im lặng. Mắt vẫn nhìn điện thoại, tay vẫn bấm bấm. Cái điện thoại vẫn bíp bíp như để trêu tức mình.
…….
………..
5 phút sau…
- Hả, em vừa nói cái gì cơ, nói lại anh nghe nào?
……………
Mình xông vào, giằng lấy điện thoại trên tay chàng, kéo cái cạp quần
chàng, và….vứt cái điện thoại vào trong đó. Cho cái điện thoại chết vì
sặc.
…Tết đến rồi…
Mình là con một. Ngày xưa bố mẹ ham vui nên không nhớ ra là phải đẻ
thêm thì phải. Vì vậy mà đi lấy chồng rồi, thương bố mẹ ở nhà đơn độc
lắm. Tết đến, lại càng thương bố mẹ nhiều hơn.
Ngày trước, tết đến hai mẹ con còn tíu tít đi mua đồ ăn tết. Ngày tất niên còn bày trò món nọ món kia. Mấy ngày tết bạn bè mình còn đến ăn
uống tán phét với bố. Giờ thì có còn ai nữa đâu.
Từ cách đó mấy hôm, mình đã xin phép mẹ chồng cho phép hôm tất niên
được ăn một bữa ở nhà ngoại, và một bữa sẽ ăn ở nhà nội. Mẹ chồng đồng
ý, mình tưng bừng chờ đón cái tết. Mẹ mình cũng thế, tưng bừng chuẩn bị
làm cơm để con gái về.
….
Đêm giao thừa, giữa cái rét của bà già mùa đông vô duyên, đứng bên
chàng, bên cả Hồ Tây nữa, pháo hoa nổ đì đẹt mà đẹp mê hồn, mình vẫn
được chàng mừng tuổi. Lần này là 100.000đ. Mình cười: “Tiền mất giá quá
anh nhỉ, mới có lúc nào chỉ cần mừng 2000đ phải không anh”. Chàng cười,
xoa đầu mình, vòng tay ôm lấy vợ, và thì thầm: “chúc mừng năm mới, bà xã !!!”
Mình đã khóc vì hạnh phúc. Ước gì thời gian đừng trôi.
…Sáng mùng 1…
Mới 8h sáng, mình còn chưa muốn chui ra khỏi chăn vì tối qua đi đón
giao thừa, qua Quốc Tử Giám xin chữ và về Hà Đông đi lễ Bia Bà đến 3h
sáng. Năm nào cũng thế, mình quen đón giao thừa như vậy rồi. Thế nhưng
có lệnh triệu tập, chàng hốt hoảng gọi mình dậy chỉnh chu nhanh chóng vì bố tổ chức buổi họp thì phải. Mình mắt nhắm mắt mở làm theo yêu cầu. Lạ nhỉ, có việc gì vào sáng mùng 1 đâu.
Xuống đến tầng 1, mình là đứa xuống muộn nhất. Nhưng không khí âm u
cũng đủ để mình hiểu có điều gì không hay đang xảy ra rồi. Cả nhà im
bặt. Chỉ có chàng là cúi gằm. Thôi chết, lại chuyện gì nữa đây. Lặng yên trước bài nói đang dở dang và đang cao trào của bố, mình mới hiểu ra
rằng, việc mình về nhà đẻ ăn tất niên là đi ngược lại truyền thống gia
đình nhà chàng. Bố không cho phép 2 bữa tất niên không có đủ các thành
viên. Và mình đã gián tiếp giết chàng.
….
Sau cơn bão ấy, chàng đã bị đánh gục. Về phòng, nằm cuộn tròn không
ăn gì, không đi đâu cho đến ngày hôm sau. Khổ thân, cái ao bèo của mình
ngoài biết ghen còn biết dỗi nữa. Mình cũng sợ. Cũng chỉ vô hồn ngồi góc nhà ăn hết cái này đến cái khác. Thương chàng mình không dám nói, chứ
thực lòng mình cũng buồn. Không lẽ bố mẹ đẻ mình ngày tất niên thui thủi 2 thân già hay sao? Không lẽ không có quyền ăn cơm với con gái hay sao?
Kết thúc câu chuyện của mèo con, chú mèo đã thắng. Nó không còn sợ
hãi nữa, nó có thể vượt qua hoàn cảnh để trưởng thành. Còn mình, nỗi
thất vọng và sợ hãi bắt đầu bao trùm nhiều hơn, cái mốc để có thể trưởng thành ngày một xa hơn. Và hình như, những ngày tới mới là bắt đầu.