Nhật Ký Đặng Thùy Trâm

Chương 3: Chương 3: Chương 03




2.6.68

Chiều mưa, những giọt mưa rả rích rơi từ trên mái lá, từ những lá cây tạo thành một âm thanh đều đều buồn đến lạ lùng. Lâu rồi mình quên đi cái cảm giác của một cô học sinh Chu Văn An ngồi ngậm chiếc đuôi bút quên nghe thầy giảng bài, lơ đãng nhìn ra mặt hồ Tây mờ mịt trong mưa phùn mà nghĩ vớ vẩn. Cái cảm giác xa xưa vừa tiểu tư sản, vừa trẻ con mới lớn ấy sao hôm nay lại sống dậy trong mình - một cán bộ đang lặn lội trong cuộc kháng chiến sinh tử này. Một năm qua đã cho mình hiểu thêm về hai chữ thực tế. Không, cuộc đời thực tế gồm hai mặt. Cuộc đời vẫn bao la niềm ưu ái, người ta vẫn dễ dàng tìm thấy niềm thương yêu, miễn là chân thành và có lòng vị tha. Nhưng… dù anh có chân thực bao nhiêu đi chăng nữa rồi vẫn có lúc anh đau xót thấy rằng vẫn có những kẻ dùng mánh lới khôn khéo, lừa đảo anh để giành cướp với anh từng chút uy tín, từng chút quyền lợi, có khi chỉ là những chuyện vô cùng nhỏ nhặt như miếng ăn, đồ vật. Anh muốn sống vô tư hoàn toàn chỉ biết có lẽ phải, có tình thân ái thôi ư? Không được, sẽ có kẻ cho anh là ngốc là để cho kẻ khác đè đầu cưỡi cổ dễ dàng. Vậy thì phải đấu tranh, mà đấu tranh phải có lý cộng với kinh nghiệm sống. Cuộc đấu tranh ấy đâu phải giữa một cá nhân này với một nhóm người khác mà đó là một cuộc đấu tranh giữa hai luồng tư tưởng lạc hậu và tiến bộ.

4.6.68

Càng đi vào thực tế càng thấy phức tạp. Con người sao sống với nhiều đòi hỏi quá đi. Không bao giờ thỏa mãn được cả. Càng ngày càng muốn hoàn chỉnh, càng ngày càng lắm yêu cầu và trong những bước tiến lên ấy bao nhiêu là gai góc cản trở, nếu không vững trí bền tâm sẽ dễ dàng thất bại.

Ơi cô gái sống với bao suy nghĩ kia ơi, nghĩ làm gì cho nhiều để rồi phải nặng những đau buồn. Hãy cứ tìm lấy những niềm vuiđi, hãy cứ sống giàu lòng tha thứ, giàu sự hy sinh một cách tự giác đi. Đừng đòi hỏi ở cuộc đời quá nhiều nữa.

Mưa vẫn cứ rơi hoài. Mưa càng thêm buồn thấm thía và mưa lạnh làm cho người ta thèm khát vô cùng một cảnh sum họp của gia đình. Ước gì có cánh bay về căn nhà xinh đẹp ở phố Lò Đúc để cùng ba má và các em ăn một bữa cơm rau muống và nằm trong tấm chăn bông ấm áp ngủ một giấc ngon lành. Đêm qua mơ thấy Hòa bình lập lại, mình trở về gặp lại mọi người. Ôi, giấc mơ Hòa bình lập lại đã cháy bỏng trong lòng cả ba mươi triệu đồng bào ta từ lâu rồi. Vì nền Hòa bình độc lập ấy mà chúng ta đã hy sinh tất cả. BIết bao người đã tình nguyện hiến dâng cả cuộc đời mình vì bốn chữ Độc lập Tự do. Cả mình nữa, mình cũng đã hy sinh cuộc sống riêng mình vì sự nghiệp vĩ đại ấy.

15.6.68

Nhật ký ơi! Đừng trách Th. nghe nếu như Th. cứ ghi vào nhật ký những dòng tâm sự nặng trĩu đau buồn. Tiếng súng chiến thắng đang nổ giòn khắp chiến trường Nam Bắc. Thắng lợi đã đến gần chúng ta rồi… Nhưng trên mảnh đất Đức Phổ này vẫn còn nặng những đau thương, ngày từng ngày máu vẫn rơi, xương vẫn đổ. Điều đáng buồn nhất là trong những hy sinh gian khổ ấy, Th. chưa thấy được sự công bằng, sự trung thực. Chưa có một sự đấu tranh để thắng được những cái ti tiện, đớn hèn cứ xảy ra làm sứt mẻ danh dự của hai chữ Đảng viên và làm mòn mỏi niềm vui say công tác của mọi người trong bệnh xá. Cả mùa khô ác liệt không một lúc nào mình thấy bi quan, mình luôn cười trong gian khổ vậy mà bây giờ mình đau khổ quá đi. Kẻ thù phi nghĩa không sợ, mà sợ những nọc độc của kẻ thù còn rớt lại trong đồng chí của mình.

Hãy giữ vững tinh thần đấu tranh, hãy tìm lấy niềm vui của kẻ chiến thắng, hãy tự tin ở mình. Mong Th. hãy giữ vững nghị lực để đấu tranh đến cùng vì sự nghiệp cách mạng.

20.6.68

Thư Đường gửi về, lá thư đẫm nước mắt từ ngục tù lọt qua bàn tay hợp pháp về đây với mình. Đường viết: “Lá thư tay đơn sơ, nhưng xin chị hãy giữ làm kỷ vật, vì nó gói trọn cả tấm chân tình của em trong đó, nếu em không còn nữa thì chị hãy nhớ rằng mãi mãi cho đến lúc chết em vẫn tôn thờ yêu quí chị”.

Mình gặp Đường vào một buổi chiều nắng gắt khi mình xách ba lô từ tỉnh tìm về Đức Phổ. Mảnh đất Phổ Phong lạ lùng đã đón mình bằng tất cả mến thương, điển hình là Đường. Chỉ một ngày sống cạnh Đường, cậu bé ấy đã quấn quít bên mình. Đó là một cậu bé học sinh thông minh, can đảm, nếu ở chế độ Xã hội Chủ nghĩa có thể đó là một cây bút trẻ có triển vọng. Nhưng ở đây dưới mái trường của địch có những hạn chế đau xót đối với tâm hồn ham hiểu biết, giàu ước mơ như Đường. Mình đã cảm thông với tâm tình của cậu học sinh ở đó. Trong một thời gian ngắn, hai chị em đã cảm thấy gắn bó. Chiều hôm sau, mình trở về vị trí, Đường ở lại. Ít lâu sau em bị bắt trong lúc đi làm công tác trở về. Chúng đã đánh đập Đường dã man tàn ác hết sức, nhưng Đường không nửa lời khai, chúng lập hồ sơ đưa đi Côn Đảo may nhờ có một thầy dạy cũ xin cho Đường ở lại. Bây giờ, chúng đưa Đường đi lính, đang trong thời kỳ luyện tập – liệu đến lúc ra chiến đấu Đường có trở về được với đội ngũ cách mạng hay không? Hay một viên đạn nào đó sẽ làm đứt đoạn cuộc đời đầy hy vọng của Đường?

28.6.68

M. ơi, M. lại vô đó ư? Lại là M. của những tối thứ tư trên con đường cũ đó ư? Nếu M. nói rằng trong quan hệ chúng ta, M. chưa hề phạm một sai lầm nào đối với Th. cả. Nếu là như vậy thì.. cuộc đời sẽ ra sao M. nhỉ?

Th. đây phải đứa hẹp hòi, cũng không là kẻ thiển cận, vậy mà Th. đã đi đến kết luận như thời gian qua, nghĩa là đã có cả một quá trình suy nghĩ. Cũng chẳng biết sẽ nói với M. như thế nào. Không! M. ơi, hãy đi đi, đừng gieo đau buồn lên con tim rớm máu của Th. nữa. Giữa chúng ta không thể nào có một hạnh phúc vĩnh viến dù cả hai chúng ta còn sống sau cuộc chiến tranh này.

30.6.68

Mùa thu chưa đến mà lá vàng chìm ngập cả không gian. Chưa bao giờ mình cảm thấy đau khổ và cô đơn đến mức này. “Đời phải trải qua giông tố nhưng chớ cúi đầu trước giông tố”. Thì hãy đứng dậy Th. ơi, dù gió mưa giông bão đang nổi lên, dù nước chảy tràn suối nguồn đau khổ thì cũng hãy giữ vững tinh thần. Th. hãy bằng nghị lực, bằng niềm tin ở chính nghĩa, bằng lí tưởng cuộc đời mình mà đi tiếp những bước đường gai góc gian lao. Có thắng lợi nào đến với chúng ta mà khong phải đổi bằng mồ hôi nước mắt, bằng suy nghĩ khổ đau, có khi bằng cả xương máu nữa Th. à.

Khi biết tình yêu tan vỡ, Th. không rơi một giọt nước mắt vậy mà sao bây giờ lại yếu mềm đến vậy hở Th.?

3.7.68

Tháng Bảy lại về với những cơn gió nam xào xạc thổi rung cây, từng buổi sớm mai dịu mát và từng đêm trăng êm ả giữa rừng. Trong cái nắng chói chang cháy bỏng, tháng Bảy năm vẫn nặng trĩu đau thương căm thù. Từ những năm xa xôi, mình đã biết tháng Bảy với những ngày 20, ngày Hội nghị Hiệp thương. Nhưng nhận thức cho đầy đủ về ngày đó, về cả một quá trình cách mạng vĩ đại trên mảnh đất Việt Nam ngàn lần anh hùng này thì hình như mới độ sáu năm nay. Đó là một mùa hè ở Hà Nội, khi đêm tháng Bảy êm dịu ôm trùm lấy không gian, trên con đường vắng mình từ giã người chiến sĩ giải phóng quân, tiễn anh lên đường đi vào cuộc kháng chiến thần thánh. Từ đó đến nay mình đã lớn lên mỗi khi tháng Bảy lại về.

Giờ đây, cũng là một ngày tháng Bảy – giữa núi rừng mình cùng thương binh chạy càn, chạy càn ở tư thế chiến thắng. Chỉ có những người Việt Nam chúng ta mới thấy được khí thế chiến thắng dù địch đang đuổi sau lưng, dù vai nặng trĩu ba lô, dù chân đạp rừng băng suối đi lánh địch.

Bỗng nhớ đến câu thơ của Tố Hữu:

Có nơi đâu trên trái đất này

Như miền Nam đắng cay chung thủy

Như miền Nam gan góc dạn dày,

Nhà thơ của chúng ta đã nói đúng vô cùng. Vì có nơi đâu như mảnh đất này không? Có nơi đâu mà mỗi người dân đều là một dũng sĩ diệt Mỹ, mảnh đất thấm máu kẻ thù, mỗi gia đình đều mang nặng khăn tang mà vẫn kiên cường chiến đấu với niềm lạc quan kỳ lạ.

Thùy ơi, vinh dự biết bao khi Thùy được đứng trong đội ngũ chiến đấu ấy.

5.7. 68

Một người bạn của M. về bệnh xá. Câu chuyện mà anh nói với dụng ý vun đắp cho quan hệ giữa mình với M. người lại chỉ làm mình thêm tự ái và buồn. Quả thực M. không xứng đáng với tình yêu chung thủy của mình, tại sao mọi người lại khuyên mình hãy tha thứ và trở lại vơi M.? Không đâu, mình không bao giờ chịu một tình yêu chắp vá. M. cũng phải là kẻ chịu van xin mình tha thứ để được một tình yêu chắp vá. M. nói rằng anh không hề phạm một sai lầm nào dù nhỏ đối với mình, đó là một lời nói không thực, chính buổi chia tay nhau cách đây tám năm về trước M. đã nhận sai lầm là tại sao lại ngỏ tình yêu với một người con gái mà anh biết không nên đặt vấn đề yêu đương và xây dựng gia đình. Sai lầm đó là khởi đầu để rồi sau này M. tiếp tục sai lầm nữa.

M. ơi, Nếu anh đọc những dòng này anh sẽ nói sao? Sẽ mất bao nhiêu đêm để tranh luận cùng em cho ra lẽ.

6.7.68

Những lá thư mộc mạc chân thành vẫn không sao an ủi và làm vơi đi nỗi nhớ thương của mình. Anh em bè bạn ở đâu cũng nhớ, cũng thương mình vậy mà sao mình vẫn thấy cô đơn. Mình chưa được đứng trong một tập thể tiên phong nhất. Trái tim mình thiếu ngọn lửa của Đảng và của tình yêu sưởi ấm. MÌnh đã đến với Đảng bằng cả con tim chân thành tha thiết, nhưng hình như sự đáp lại lại không hề như vaỵa.

Và với M. - anh cũng đã không xứng đáng. Cuộc đời có ba việc lớn” Lý tưởng, Sự nghiệp và Tình yêu, chưa việc nào mình đạt được cả. Vì vậy không buồn sao được.

Những ngày này nhớ nhà vô kể, trong gió rừng mình nghe tưởng như khóm mía sau nhà đang xao xác trở mình cọ lá vào nhau. Nắng hè chói chang, mình tưởng như đang cùng bạn bè học tập và vui đùa trong những chiều hành lang đầy nắng ở bệnh viện Bạch Mai. Bất cứ một hình ảnh, một âm thanh nào cũng đều có thể gợi lại những ngày sống trên miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa. Bây giờ ngoài ấy ra sao? Ba má làm việc có thoải mái không? Có gặp vướng mắc gì trong công tác không? Ba má yêu thương ơi, đứa con gái mà ba má đã cưng từ thuở nhỏ ấy bây giờ đang thật sự bước vào một cuộc đời, một cuộc đời thực tế hết sức với đầy đủ mọi mặt: Yêu thương, căm giận, tin tưởng, đau buồn, một cuộc đời có đầy đủ máu, nước mắt, mồ hôi và cả thắng lợi giành được từ trong muôn vàn gian khổ ấy.

Ba má có tin rừng con sẽ vượt qua được không? Đứa con gái đa sầu đa cảm nhưng lại giàu niềm vui và nghị lực của ba mé sẽ thắng. Đó là một lời hứa nghiêm túc đó ba má à.

8.7.68

Mấy bức tranh và dòng chữ đơn sơ của Mùi gửi tặng làm cho mình cảm thấy bâng khuâng. “Lần này mình không viết cho TT một bức thư không phải vì mình không thương yêu người bạn gái rất quý của mình…”. Vậy thì vì sao hở Mùi? Tâm tình những đứa tiểu tư sản bao giờ cũng phức tạp. Có điều lạ là mình vẫn muốn như vậy hơn chỉ giản đơn rành mạch chất phác như người nông dân.

Tính tiểu tư sản của mình còn ở đó đó, chứ không phải như họ nói mình tác phong tiểu tư sản đâu. Tiểu tư sản gì đâu trong tác phong khi mà mình hòa mình được khắp trong mọi tầng lớp nhân dân.

11.7.68

Một đêm dài nói chuyện với Luân - một học sinh trong lớp bổ túc y tá. Những buổi nói chuyện thế này đã bồi đắp cho tình thương của mình thêm phong phú, đã xây dựng cho mình một ý thức về sự giác ngộ cách mạng và về nhân sinh quan của một người Cộng sản.

Hơn những bài lý thuyết, cuộc đời Luân là một bài học về những vấn đề ấy. Từ mười tuổi đầu, Luân đã biết làm cách mạng, em biết nỗi căm thù của một gia đình bị cô lập trước chính quyền Mỹ, em biết nỗi thương bà già, thương mẹ trẻ em thơ đang chịu muôn vàn đau khổ dưới chế độ của chúng. Và em đã đi, đêm đêm băng rào của ấp chiến lược, đưa tin cho cán bộ. Rồi mới mười lăm tuổi đầu em cầm súng tham gia du kích, từ ấy đến nay bàn tay của cậu bé hai mốt tuổi ấy đã bao lần bắn gục giặc Mỹ và cũng đã bao lần đỡ trên tay những đồng chí của mình ngã xuống trên mảnh đất quê em. Cả mùa khô năm qua Luân đã trụ bám cùng đồng đội du kích Phổ Vinh, ngày nằm công sự, đêm đi làm công tác. Mưa gió phong sương đã đọng lại trên khuôn mặt của tuổi hai mươi. Luân hơi già trước tuổi và già hơn rất nhiều so với tuổi đời. Mình thương Luân, phục Luân, tuy Luân còn có một số nhược điểm nhưng đó là một trong những người dân Việt Nam anh hùng.

Đêm khuya, đài phát thanh đã hết nói từ lâu nhưng hai chị em vẫn còn thao thức, mỗi người một ý nghĩ. Mình nghĩ đễn ngày hòa bình, mình mong ước Luân cũng như muôn nghìn thanh niên miền Nam đã hai mươi năm ròng đắng cay gian khổ sẽ còn sống còn được hưởng những ngày hạnh phúc ấy. Còn Luân, em nghĩ gì hở em? Hãy nuôi mãi niềm tin hy vọng của tuổi trẻ. Chị không muốn thấy sự khổ đau đọng lại trong đôi mắt còn thoáng nét thơ ngây của em đâu.

14.7.68

Được tin cha chết, Thuận ngã trên giường khóc nức nở. Tiếng khóc cố kìm lại vẫn bật lên, tiếng khóc của một người con trai đầy nghị lực như Thuận làm mình thấy xót xa như thấy ai đó xát muối vào ruột. Thương Thuận vô vàn mà chẳng biết nói gì với Thuận.

Thuận mồ côi mẹ từ nhỏ, người cha cặm cụi nuôi ba đứa con, người chị gái của Thuận mới bị pháo bắn chết cách đây hơn nửa tháng, bỏ lại bốn đứa con thơ dại. Đó phải chăng là nỗi buồn thỉnh thoảng hiện lên trong đôi mắt rất đẹp của người con trai trẻ tuổi ấy. Thuận còn một em gái, đứa em từ lúc chưa đến tuổi trưởng thành cũng đã từ lâu thoát ly đi theo du kích và theo anh đi làm cách mạng.

Ngay từ buổi đầu gặp gỡ, mình đã cảm thấy mến thương Thuận, không phải vì thấy Thuận có gương mặt của Ác tơ (13)khi anh còn là sinh viên, mà vì tính nết chăm học chăm làm, biết đối xử có tình có lý với mọi người xung quanh của Thuận.

Bây giờ biết nói gì để an ủi Thuận được đây? Cha Thuận chết, ai sẽ nuôi mấy anh em thoát ly đi công tác, nhà cửa ruộng vườn sẽ bỏ cho ai. Chính mình mình cũng chẳng hiểu sẽ giải quyết ra sao để trọn vẹn đôi đường. Thuận đang ngồi trước mắt mình, đôi mi dài chớp chớp cố giấu nỗi nghẹn ngào nhưng giọng nói vẫn hơi đứt quãng. “Chị cho em về nhà giải quyết sắp xếp việc gia đình mấy bữa rồi sẽ lên, nhà em bây giờ trâu bò ruộng đất chỉ còn em giải quyết, chị thông cảm cho em”. Không hiểu Thuận còn định nói gì nữa không mà câu nói dừng lại tại đó.

Vuốt nhẹ trên đôi tay đang nóng bừng vì sốt rét của Thuận, mình cũng nghẹn lời: “Em cứ về lo giải quyết cho xong công việc nhà, vấn đề học tập em đừng lo, chị và lớp sẽ lo tất cả cho em. Mong sao em vững vàng trong công tác và học tập”.

Đi nghe em, đi cho vững trên con đường máu lửa nhưng vô cùng vinh quang mà em đã chọn.

18.7.68

Nhận được mười lá thư miền Bắc một lúc. Mỗi người một vẻ nhưng tất cả đều toát lên niềm thương yêu tha thiết đối với mình và mỗi người mỗi nét vẽ thành một bức tranh sôi động về miền Bắc anh hùng. Miền Bắc thân yêu vẫn khỏe mạnh vươn lên trong bom rơi lửa đạn. Chiến tranh không hề làm chậm bước đi của đất nước ta trên đường chiến thắng. Đất nước như một người trai đầy nghị lực, dù vết thương đau nhưng chàng trai vẫn đi nụ cười trên môi và niềm tin trong đôi mắt. Mình đã gặp biết bao người trai như vậy trên đất miền Nam anh hùng này và hôm nay, qua những lá thư miền Bắc, hình ảnh chàng trai ấy lại hiện lên vĩ đại và sinh động.

Chú thích

13 Ác tơ: Nhân vật trong tiểu thuyết “Ruồi trâu” của Ê ten Li-li-an – Voi-ni-sơ


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.