Chị là của tất cả chúng ta
TT - Đây là một câu chuyện kỳ lạ. Rất kỳ lạ khi
những ghi chép riêng tư của một cô gái Việt cộng lại được những người
bên kia chiến tuyến gìn giữ như một kỷ vật thiêng liêng.
Hình ảnh cuốn nhật ký tại Viện lưu trữ Lubbock, Texas (Mỹ)
“Thùy Trâm không định viết cho cả thế giới này đọc, nhưng có lẽ chính vì thế
mà niềm tin sâu thẳm nơi chị được viết ra một cách chân phương, rõ ràng
và tôi đã thấy chị có đủ dũng cảm để theo đuổi niềm tin ấy trong trận
thử thách cuối cùng...”. Trong lá thư gửi cho người mẹ của người đã mất
họ viết vậy, ngày 28-5-2005.
35 năm đã trôi qua, nhưng có một người con gái như thế vừa bất ngờ trở lại...
Sáng 25-4-2005, tôi nhận được một cú điện thoại bất ngờ. Đó là điện thoại
gọi đến từ văn phòng Quaker (1) Hà Nội. Người của văn phòng báo tin hiện có một người Mỹ đang giữ cuốn nhật ký của chị gái tôi - liệt sĩ Đặng
Thùy Trâm. Chị Thùy của chúng tôi.
Chị tôi hi sinh năm 1970 tại
chiến trường Quảng Ngãi. Cống hiến của chị tôi ghi trong hồ sơ đề nghị
truy tặng Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhì rất đơn sơ: bác sĩ,
hi sinh tại chiến trường. Thời gian công tác: năm năm, ba tháng, năm
ngày...
Nước mắt của người cựu chiến binh
Trung tuần tháng
3-2005, một cuộc hội thảo thường niên về chiến tranh VN được tổ chức tại Trung tâm Việt Nam - Đại học Texas, Mỹ. Rất nhiều người đến dự. Tại hội thảo, người ta thảo luận về chiến tranh VN ở nhiều khía cạnh khác nhau. Frederic Whitehurst (2) và Robert Whitehurst (3) đã đến với bài nói về
nhật ký của một nữ bác sĩ Việt cộng mà Frederic nhận được khi tham gia
chiến tranh ở VN...
Ted Engelmann (4) là một trong những người có
mặt ở hội thảo. Ba ngày sau khi hội thảo kết thúc, Ted sang VN. Ở Hà
Nội, anh đã nhờ một người bạn làm ở văn phòng Quaker Hà Nội tìm giúp gia đình bác sĩ Đặng Ngọc Khuê. Những nhân viên ở đây rất nhiệt tình, lần
theo manh mối ít ỏi có trong cuốn nhật ký, họ đã tìm sang tận Đông Anh,
nơi bố tôi làm việc từ gần 50 năm trước. Nhưng ở đó, người duy nhất làm
việc cùng thời với bố tôi cũng đã nghỉ hưu từ năm 2000.
Bệnh
viện Đông Anh cử người về tận quê ông để hỏi địa chỉ gia đình tôi. Ông
lại chỉ sang Trường đại học Dược Hà Nội, nơi mẹ tôi công tác trước khi
về nghỉ hưu từ 20 năm trước. Cứ như thế, bao trái tim nhân hậu đã chuyển tiếp cho nhau tín hiệu để cuối cùng giúp Ted tìm được gia đình tôi và
trao lại chiếc đĩa CD chứa đựng tâm huyết của người viết nhật ký 35 năm
về trước.
Những ngày sau đó tôi nhận được rất nhiều thư của hai anh
em Frederic Whitehurst và Robert Whitehurst. Họ kể về những năm tháng ở
VN và hành trình bao năm qua họ đã tìm kiếm gia đình tôi như thế nào. Có những lúc họ tưởng như tuyệt vọng không thể nào tìm được gia đình tôi,
đã sợ rằng khi họ chết đi, hai cuốn nhật ký của chị tôi sẽ nằm trong
đống giấy má bình thường không ai biết đến, bị quẳng đi, bị mục nát, bị
quên lãng.
Họ nói với tôi rằng vì không còn hi vọng tìm được gia
đình tôi, họ đã có ý định in hai cuốn nhật ký thành sách để cả thế giới
được biết về một nữ bác sĩ cộng sản người Hà Nội đã sống và đã chết ra
sao. Họ mong rằng từ cuốn sách đó sự nghiệp y tế của chị tôi sẽ còn được tiếp nối... Và trong nỗi tuyệt vọng như thế, họ đã trao tặng hai cuốn
nhật ký cho Viện lưu trữ về VN Lubbock tại Trường đại học Tổng hợp
Texas, để chúng có thể được gìn giữ và chăm chút hơn khả năng họ có thể
làm được