Nhất Niệm Chi Tư

Chương 34: Chương 34






Chỉ cần Nghiêm Thiện Hoa không phải đi tái khám hay đi lấy thuốc, thì hầu như Kỷ Thần Phong sẽ ở đây với tôi nguyên lúc ban ngày. Để không làm Nghiêm Thiện Hoa lo lắng, hắn không kể cho bà ta nghe về chuyện mình đã nghỉ làm ở bệnh viện thú y. Trong mắt Nghiêm Thiện Hoa, hắn chỉ vừa bước qua kỳ thực tập và đang bắt đầu khoảng thời gian làm việc cố định kéo dài từ mười giờ sáng đến sáu giờ tối.

Thông thường, Kỷ Thần Phong sẽ đến khách sạn vào khoảng mười giờ sáng, đầu tiên hắn cho rùa ăn, sau đó sẽ đánh thức tôi dậy.

Nếu tối hôm trước tôi đi ngủ sớm, việc thức dậy sẽ khá dễ dàng. Nhưng nếu bốn, năm giờ, hoặc đến tận sáng mới đi ngủ thì việc thức giấc sẽ trở thành một cực hình đối với tôi.

Trước giờ, Kỷ Thần Phong chưa bao giờ gọi tôi dậy bằng cách kêu la om sòm, cũng sẽ không quấy nhiễu tôi liên tục mười phút một lần như Đường Tất An, hắn không vo ve bên tai tôi như một con ruồi khổng lồ đáng ghét mà chỉ mải miết hôn lên đường tóc tôi, mân mê vành tai tôi bằng đôi môi mềm mại, rồi nhẹ nhàng gọi tên tôi hết lần này đến lần khác. Nếu cách này không có tác dụng, hắn sẽ hôn tiếp xuống cổ, ngực, bụng dưới… hay thậm chí là cả nơi nào đó rất có tinh thần vào buổi sáng.

Mấy cái trước tôi còn nhịn được, chỉ cần nhắm mắt làm ngơ cho qua là xong, nhưng còn riêng cái cuối thì đến thần tiên cũng không chống cự nổi. Rõ ràng đang vừa mệt vừa buồn ngủ, nhưng tôi vẫn phải chịu đựng cảm giác hưng phấn một cách bị động, buộc phải đổ mồ hôi. Khủng khiếp hơn nữa, nhiều khi hứng quá bản thân còn vô tình “cướp cò”, mơ màng kéo hắn lên giường rồi leo núi ngay giữa ban ngày.

Lắm lúc tôi cảm thấy trái tim mình như sắp không gắng gượng nổi, nảy sinh ra ảo giác rằng bất cứ khi nào nó cũng có thể chạm tới điểm giới hạn rồi nổ tung trong lồng ngực. Dù lần nào cũng vượt qua trong bình an vô sự, nhưng dư âm do cảm giác mạo hiểm thập tử nhất sinh kia để lại vẫn chưa khiến tôi hết sợ.

Không phải là tôi chưa từng dặn dò Kỷ Thần Phong rằng đừng cố đánh thức mình dậy, nhưng hắn luôn lấy lí do vì muốn tốt cho sức khỏe thể chất của tôi ra để phản đối.

Tôi, sức khỏe, tốt ư? Hắn nói thế mà chẳng biết ngượng mồm. Có khi tim đập nhanh thế này mới làm tôi đoản mệnh ấy chứ.

Đại thụ có thể cung cấp chất dinh dưỡng cho dây tơ hồng vàng để nó tồn tại, đây là nhiệm vụ của vật bị ký sinh; chứ sao lại có chuyện dây tơ hồng vàng đổi khách thành chủ, tham lam rút sạch chất dinh dưỡng, ép cho đại thụ trở nên quắt queo được?

Để ra oai phủ đầu cho hắn biết ai mới là người có quyền quyết định, ngay từ tối hôm trước, tôi đã khóa trái cửa phòng ngủ lại rồi đeo luôn cả nút bịt tai. Tôi đánh một giấc đến tận chiều hôm mới tỉnh, cứ tưởng Kỷ Thần Phong sẽ ngoan ngoãn đợi tôi ở phòng ngoài, nào ngờ, đến khi mở cửa phòng ngủ ra, tôi chỉ thấy cơm canh nguội ngắt trên bàn, còn Kỷ Thần Phong thì chẳng biết đang ở đâu.

Sau khi Nghiêm Thiện Hoa đổ bệnh, Kỷ Thần Phong trở thành người nấu ăn trong gia đình. Tất cả các bữa ăn của tôi đều được hắn chuẩn bị ở nhà từ sáng sớm và được mang đến bằng hộp giữ nhiệt. Buổi trưa mang ra thức ăn sẽ vẫn còn ấm, nhưng nếu để đến chiều thì sẽ khô cứng cả lại.

Ngồi nhìn ba món ăn trên bàn, tôi chờ suốt nửa tiếng đồng hồ nhưng vẫn chưa thấy Kỷ Thần Phong về, cũng không nhận được bất cứ tin nhắn nào của hắn. Nếu là trước đây, tôi sẽ mặc định cho rằng đây là dấu hiệu của việc “chia tay”, không gọi điện, càng không mở miệng níu kéo, không được thì đổi sang người khác. Thế nhưng… không ai thay thế được Kỷ Thần Phong cả, hắn là độc nhất, là người duy nhất. Tôi không thể làm gì khác ngoài việc tiếp tục hao tốn sức lực cho hắn.

Bất đắc dĩ, tôi đành gọi điện thoại cho Kỷ Thần Phong. Tôi đã chuẩn bị xong xuôi bài chất vấn hắn, thậm chí còn tưởng tượng ra cảnh mình hất văng đống thức ăn nguội lạnh xuống chân người kia, bảo hắn tự coi lại hành động của mình xem có vô lý hay không?

Lương tháng hai mươi ngàn tệ đấy, sao có thể bỏ mặc ông chủ một cách tùy ý như thế này được?

Chỉ sau vài hồi chuông, Kỷ Thần Phong đã nhanh chóng bắt máy.

“Em dậy rồi à?” Đi kèm cùng giọng nói của hắn là tiếng mưa rơi ồn ã.

“Cậu đang ở đâu?” Tôi đứng dậy, bước đến bên cửa sổ, nhận ra ngoài trời đang đổ mưa phùn. Bầu trời xám xịt, mây xuất hiện ở tầng thấp.

“Ở tòa nhà văn phòng nằm gần khách sạn.” Hình như hắn vừa thay đổi vị trí đứng, tiếng mưa nhỏ hơn một chút, “Trong tủ lạnh hết sữa rồi, tranh thủ lúc em đang ngủ thì tôi ra siêu thị mua thêm ít nữa, không ngờ đang trên đường về trời lại đổ mưa to. Tôi không mang ô nên đành trú tạm ở tòa văn phòng, chờ bao giờ tạnh mưa mới về. Em thấy thức ăn trên bàn chưa? Bỏ vào lò vi sóng quay trong hai phút là ăn được rồi, chưa no thì còn mấy món khác trong tủ lạnh đấy.”

Trông trời thế này thì chắc còn mưa dài dài, nếu hai tiếng nữa mưa vẫn không tạnh, chẳng lẽ hắn vẫn ngớ ngẩn đứng chờ suốt chừng ấy thời gian sao? Nếu biết tôi dậy rồi thì hắn có thể gọi tôi đến đón mà. Sáng sớm đè lên người tôi làm này làm kia thì không nghĩ mình đang quấy quả tôi đâu, đến lúc mắc mưa thì lại ngại không dám nhờ tôi đến đón. Có lúc, tôi cảm thấy mình như đọc vị được hắn, bắt thóp được suy nghĩ của hắn, nhưng cũng có lúc, tôi lại không thể hiểu nổi hắn, không rõ rốt cuộc hắn đang muốn làm gì.

“Gửi vị trí cụ thể đi, tôi sẽ đến đón cậu.” Tôi nói.

Kỷ Thần Phong im lặng, không vui vẻ tiếp thu.

“Mưa to lắm, em ăn gì trước đi…”

“Gửi đi, tới giờ đây.”

Tôi đã quyết định thế nào thì phải chấp nhận y nguyên như thế đó, không có chỗ cho cái mỏ hắn ti toe đâu.

Dặn hắn đứng yên ở chỗ cũ, tôi tất tả thay vội quần áo, xuống mượn hai chiếc ô ở quầy lễ tân khách sạn rồi hộc tốc chạy đến vị trí tọa độ.

Trời mưa khá to, tôi cầm ô đi trên đường mà như đang trải mình bước qua Thủy Liêm động. Ống cống không rút nước kịp, nước dềnh lên trên mặt đường khiến ống quần và giày da ướt sũng, lạnh đến mức khiến người ta muốn chửi thề.

Chật vật mãi mới đến được tòa nhà văn phòng nơi Kỷ Thần Phong đang đứng trú, trên người tôi đã chẳng còn mấy chỗ khô ráo. Đi bộ có hai, ba trăm mét thôi nhưng tôi vẫn thấy mệt mỏi như vừa tham gia chạy marathon. Tôi giũ những hạt trai nước đang bám trên tán ô, đứng dưới mái hiên che mưa ba mặt thoáng, giờ mới thấy hối hận vì cái tính bép xép của của bản thân.

Nó muốn đợi thì cứ để nó đợi đi, giả bộ ân cần làm gì không biết?

Việc cố gắng tiếp xúc với cơn bão tuyết thổi bên ngoài qua tấm kính cường lực khổng lồ của tòa nhà chọc trời là một điều bất khả thi. Nếu đã không phải là tình yêu chân thành không tạp chất, thì việc gì phải để tâm đến việc thấu hiểu trái tim nhau?

Hãy cứ đứng yên trong không gian an toàn của riêng mình mà chiêm ngưỡng trận bão tuyết ở ngoài kia, chẳng cần biết nó đang gào thét hay đang nhảy múa bay lượn, miễn sao không dao động đến tôi thì tôi và nó sẽ chẳng liên quan gì đến nhau cả. Sao tôi lại muốn quan tâm đến sự hình thành của gió, để ý tới sự tan chảy của tuyết làm gì?

Tôi vẩy nước còn đọng trên ô đi một cách sốt ruột, đứng ngoài cửa mà không thấy bóng dáng của Kỷ Thần Phong đâu, tôi đang tính lấy điện thoại ra gọi cho hắn thì cánh cửa kính trước mặt bị đẩy ra. Kỷ Thần Phong đang xách túi siêu thị rảo bước ra ngoài.

“Xin lỗi, mưa thế này mà tôi còn bắt tội em đến đón.”

Tôi gạt nước mưa nhỏ sượt xuống trán, vì lạnh nên không kiềm chế nổi mà khẽ rùng mình.

Kỷ Thần Phong cau ngay mày lại, đến khi đứng trước mặt tôi, nếp gấp giữa hàng lông mày đã hằn sâu hoắm.

“Ướt hết quần áo rồi…” Hắn lẩm bẩm, chưa bàn bạc gì đã cởi khăn quàng cổ ra, quấn lên cổ cho tôi.

Chiếc khăn mang theo nhiệt độ thân thể hắn, tức thì làm ấm cơ thể sắp đông cứng của tôi. Choàng khăn xong, hắn đặt túi đồ xuống, nhanh nhẹn cởi luôn áo khoác, định choàng thêm ra ngoài cho tôi.

“Cậu làm gì vậy?” Tôi vội cản hắn lại.

Hắn mặc mỗi cái áo len cổ lọ màu đen ở bên trong, nếu đưa cả áo khoác lẫn khăn quàng cổ cho tôi, thì chỉ bằng cái áo len lọt gió ấy, có bung dù hay không cũng chẳng có ý nghĩa gì, khác nào tự đội mưa đi về?

Diễn đến nước này rồi, còn chưa tới hai trăm mét cuối cùng thôi.

“Mặc áo vào.”

“Nhưng trông em rét lắm…” Hắn nắm chặt áo khoác của mình, có chút ngập ngừng.

Tôi kéo khăn quàng cổ, đáp: “Có cái này là đủ rồi.”

Kỷ Thần Phong vẫn hơi do dự: “Thế hay chúng mình đổi áo khoác nhé?”

Tôi ném thẳng chiếc ô cất trong túi cho hắn rồi bước vào cơn mưa trước.

“Tang Niệm!”

Hắn gọi với theo tôi, tôi quay đầu, liếc hắn, dừng lại một lúc.

“Cậu không mặc vừa áo của tôi đâu.” Vừa dứt lời một cái là tôi ngoảnh mặt bỏ đi ngay, trong khi hắn còn chưa kịp bật dù.

Đáp lại hành động “săn sóc” này chính là một trận cảm dài.

Cho dù tôi đã tắm nước nóng ngay sau khi trở về phòng, xong xuôi còn bọc chặt cơ thể mình trong chăn bông, cơm nước cũng được Kỷ Thần Phong bưng đến tận giường để phục vụ, sang đến hôm sau, tôi vẫn bị mắc cảm.

Cổ họng tôi khản đặc, mũi nghẹt cứng, đầu còn đau nhức nữa, thực sự rất khó chịu, nhưng may mà không bị sốt. Phải đến một tuần sau, trận cảm này mới hoàn toàn khỏi hẳn.

Tất cả là do khóa cửa mà thành, toàn tự mua dây buộc mình không thôi, sau này tôi cứ để kệ cho Kỷ Thần Phong gọi mình dậy theo cách của hắn vậy, tôi sẽ không bao giờ ngăn cản hắn nữa.

Trời mưa liên miên đến tận chủ nhật, vừa là ngày nghỉ của Kỷ Thần Phong, cũng vừa là ngày tôi đến nghĩa trang tảo mộ bà Tang.

Bản edit này chỉ có ở wordpress của Hải Đường Lê Hoa.

Tám giờ sáng, Hứa Tịch đưa Monica đến khách sạn đón tôi. Vừa lên xe một cái, Monica ngồi phía trước đã quay ngoắt đầu lại mà săm se nhìn tôi, cái nhìn chằm chằm khiến tôi vô cùng khó chịu.

“Nhìn gì?”

Cũng giống như Hứa Tịch, cô ấy vận nguyên một bộ đồ đen trang trọng, trên tay cầm theo bó hoa tươi yêu kiều, nghe tôi nói vậy thì cười hỏi: “Yêu rồi chứ gì? Không thì sao đang yên đang lành, tự dưng lại chuyển từ ở chung cư sang ở khách sạn? Sợ bọn này đa sự, làm hỏng chuyện tốt của anh đúng không?”

Phụ nữ đáng sợ thật, đoán đúng gần như hoàn toàn.

“Tại ai đấy cứ không mời mà đến, nhất quyết muốn kéo anh mày ra ngoài phơi nắng, anh mày hết đường, đành trốn vào khánh sạn để tránh khỏi sự quấy rối của bả thôi.” Tôi chụp mũ Hứa Tịch.

“Dì làm thế là vì muốn tốt cho cháu, cái thằng ranh không biết phân biệt này!” Hứa Tịch mạnh mẽ đốp chát.

“Dì bắt đầu biết lấy lí thuyết ‘vì muốn tốt cho cháu’ ra để bao biện từ bao giờ vậy?” Tôi chế nhạo.

“Từ lúc mày trở thành thằng mất dạy biết làm tan nát trái tim dì đấy.”

“Lisa, người ta không cho phép chị nói như thế.” Monica chêm vào, nói bằng giọng õng ẹo, “Trái tim chị chỉ được tan nát vì người ta thôi.”

Hứa Tịch trầm ngâm trong chốc lát, hỏi: “… Em học cái kiểu ăn nói sến sẩm đấy từ ai vậy?”

“Sến á? Em tưởng nghe bùi tai.”

“Lần sau đừng nói nữa…”

“Chị lạnh lùng thật đấy!”

Nhờ có Monica nói leo mà việc tôi sống ở khách sạn mơ hồ được cho qua, xuyên suốt đường đi, cả Monica lẫn Hứa Tịch đều không đề cập lại chuyện này.

Khi chúng tôi đến nghĩa trang, Tang Chính Bạch cũng đã có mặt. Trước bia mộ bày đĩa bánh kem trái cây mà Hứa Uyển Di từng thích ăn nhất khi còn sống, hai bên thắp hương nến, ngoài ra còn có một bó hoa hồng đỏ. Vào ngày giỗ hàng năm, tất cả những thứ này đều do một tay Tang Chính Bạch chuẩn bị, ông ta chưa từng sai người khác làm bao giờ.

Hứa Tịch và Hứa Uyển Di có ngoại hình rất giống nhau, cả hai đều sở hữu đôi mắt tròn và khuôn mặt trái xoan, nụ cười tươi tắn lay động lòng người, mi mục sắc sảo, ngời lên vẻ tự tin tỏa sáng.

Có lẽ vì sợ “nhìn vật nhớ người”, nên dù là nhà họ Tang hay là nhà họ Hứa, mọi bức ảnh có mặt Hứa Uyển Di và mọi vật dụng bà từng sử dụng khi còn sống đều bị đem đi bỏ xó. Vết tích duy nhất còn sót lại về bà chính là căn biệt thự nhỏ nơi Tang Chính Bạch đang sinh sống, suốt mấy chục năm qua, ngôi nhà vẫn giữ nguyên được dáng vẻ như hồi đầu bà tự thiết kế. Đây cũng là lý do vì sao mà Tang Chính Bạch chưa bao giờ chuyển nhà, dù có giàu đến mấy.

Bầu trời âm u, không khí lạnh và ẩm ướt, tưởng chừng như mưa có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào.

Monica trao bó hoa trong tay cho Hứa Tịch để dì đặt xuống bia mộ. Hứa Tịch nhận lấy, đặt hoa xuống ngay bên cạnh bó hồng, sau đó, dì thắp ba nén hương rồi vái ba vái trước bia mộ.

“Chị ơi, chúng em đến thăm chị đây.”

Nghĩa trang như sở hữu một nguồn ma lực đặc biệt, nguồn ma lực ấy có thể lấy đi mọi thứ cảm xúc vui vẻ, biến con người ta thành một con rối ngã lòng — hàng năm làm cùng một việc, cùng một biểu cảm.

Hồi nhỏ, tôi cực kỳ ghét ngày giỗ của bà Tang, vì cứ đến hôm ấy, ai nấy đều mặt ủ mày chau, sự tồn tại của tôi cũng càng trở nên lúng túng.

Ngày giỗ của bà Tang là ngày cuối cùng của cuộc đời bà, nhưng lại là ngày đầu tiên tôi bước chân đến thế giới này.

“Đứa con tội nghiệp của mẹ, đứa con gái ngoan ngoãn của mẹ… Biết thế, biết thế…”

“Biết thế” là lời mà bà cụ Tịch thốt lên mỗi khi tấm tức khóc bên bia mộ, nhưng chưa bao giờ bà nói được một câu trọn vẹn.

Biết thế xong gì nữa? Lúc còn bé tôi không hiểu lắm, nhưng khi lớn lên, tôi đã dần ngộ ra.

Biết thế đã không để bà ấy sinh nở để rồi phải đánh đổi bằng chính mạng sống của mình như thế, không đáng giá chút nào, không đáng giá chút nào!

Có lẽ đây là tiếng lòng của mỗi người.

Tôi cũng từng thấy phẫn uất, bất bình, hay thậm chí là đau khổ, thế nhưng, sau khi biết mình vốn không phải là con của Tang Chính Bạch và Hứa Uyển Di, tất cả những cảm xúc ấy đã bị kéo tuột ra khỏi cơ thể tôi.

Không ai bỏ mạng vì tôi cả. Tôi chỉ là một người ngoài cuộc đi lạc vào mà thôi. Một khi đã đóng vai “khán giả”, thì mọi sự oán giận, oan khổ, đau đớn đều sẽ mất đi lập trường. Mặt khác, khi nhìn lại quá trình trưởng thành của bản thân, tôi bỗng phát hiện ra một điều rất nực cười — Vậy mà cũng có lúc tôi tin sái cổ rằng, mình chính là nguồn cơn gây ra nỗi bất hạnh cho mọi người.

Tại Kỷ Thần Phong cơ mà. Là tại nó đấy chứ. Nó là kẻ đã hại chết mẹ mình, nó mới là kẻ không nên được sinh ra. Đánh nhẽ nó phải là người gánh vác tội nghiệt, đáng nhẽ nó mới là người bị bỏng sẹo thuốc lá khắp châu thân. Tôi chỉ… chịu khổ thay nó mà thôi.

Vì vậy, nó nên trả ơn tôi bằng tất cả những gì nó có.

Hứa Tịch lùi ra sau, đến lượt tôi tiến lên lễ bái. Tôi châm hương một cách thuần thục, chắp tay vái ba lần trước người phụ nữ có nụ cười rạng rõ như mặt trời trên bia mộ.

“Xin mẹ phù hộ cho chúng con.” Nói rồi, tôi cắm nén hương vào trong lư.

15/4/2022



Cre: 黛青一禾

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.