Cán chổi trong tay mợ Trâm đột ngột rơi xuống, mợ đứng như trời chồng
giữa sân, không cười, không khóc, cũng không một lời oán hận. Mợ Chi lay mãi mà người đối diện cứ cứng đơ, mợ hoảng quá rối rít thừa nhận.
-”Ê, mợ Trâm...tui đùa...mợ Trâm nè...đùa tý mà...ông thầy kia làm gì có
cháu gái. Với giả như có cũng lấy sao được, ít nhiều cũng phải môn đăng
hậu đối, đợi tới lúc cậu đỗ đạt thì may ra chứ. Mấy người có địa vị, mợ
tưởng rước con gái nhà người ta dễ lắm à? Như tui nè, thầy Kim chả tốn
mấy hòm vàng đó, chưa kể gấm vóc lụa là...”
Mợ Trâm sau một hồi
định thần mới hoàn hồn, mợ điên tiết bẻ cành na quật mợ Chi vun vút. Từ
vườn hồng sang vườn mận, một mợ chạy hối hả, một mợ vừa đuổi thục mạng
vừa quát.
-”Tui giết mợ nghe, cái mồm độc địa, làm người ta sợ muốn xỉu.”
-”Tại mợ cũng ngu nữa đi, muốn có cu tí cũng phải chín tháng mười ngày chứ
bộ, thế mà cũng tin? Nhưng mà có thư của cậu hai thật đó, tháng trước
thầy tui xuống kinh thành chơi mà, rồi tui dặn thầy tui ghé qua trường
cậu, thầy tui cưng tui lắm, thầy tui đi liền à.”
-”Thật á?”
-”Không tin thì thôi, tui giữ làm của riêng vậy, chữ cậu hai đẹp ghê nhỉ?”
Mợ Chi hươ hươ bức thư ra chọc ghẹo, mợ Trâm mắt sáng long lanh, nịnh nọt
mợ Chi không tiếc lời, mợ Chi xinh gái, mợ Chi dễ thương, mợ Chi tốt
bụng nhất trên đời. Mợ Chi phổng mũi lắm, kéo mợ Trâm ra sau đống rơm,
ngó nghiêng ngó dọc thấy vắng tanh liền hắng giọng đọc mợ ấy nghe.
Chuyện cậu hai đi học chỉ có vài người biết thôi, mợ Trâm bắt mợ Chi giấu
tiệt, một phần sợ người làng mỉa mai, phần nữa sợ bà cả hãm hại. Cậu hai cẩn thận ghê lắm, hễ cái gì cậu gặp mà lạ lạ, từ những toà nhà gần kinh thành được lợp mái ngói ra sao tới ở đây có cái lò nung gạch từ đất sét nó lạ như nào, cậu đều ghi chép cẩn thận tỉ mỉ kể mợ hai. Rồi mang
tiếng cuối thư cậu dặn mợ cái này cái kia cũng hết cả hai mặt giấy.
-”Chữ này là gì? Là tên tui hả?”
-”Ừ, tên mợ. Trâm, Ngọc Trâm.”
-”Hử? Đâu ra vậy? Tui làm gì có tên đệm đâu?”
-”Không biết, chắc cậu đặt cho mợ!”
Là cậu đặt thật á? Ngọc Trâm, nghe hay ghê đó, mợ sướng râm ran, mợ ôm khư khư bức thư trong lòng mãi. Kể từ đó, mỗi lúc mợ Chi rảnh mợ lại chạy
sang nhờ đọc hộ, đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần mà mợ chẳng
chán gì sất, cứ cười tủm tỉm hoài thôi, còn dựa vai mợ Chi kêu kinh
thành nhiều thứ hay nhỉ, giá kể được tới một lần, mơ mộng ghê lắm.
Được cỡ một tháng thì mợ chẳng cần nhờ vả nữa, tại mợ thuộc rồi. Đi đâu mợ
cũng đem theo, rảnh rang lại mang ra ngắm, mợ dốt chứ không được sáng dạ như mợ Chi, mặt chữ mợ không nhớ hết được, nhưng riêng cái dòng cuối
cùng mợ đọc vanh vách luôn.
Cậu bảo, mong tới ngày tái ngộ.Mỗi
lần đến cái đoạn ấy tinh thần mợ phấn chấn lạ thường. Có bữa người ta
thuê gánh khoai lang cả ngày, trả công bảy tiền lận, nhưng lúc về vai
sưng rộp, đau khủng khiếp, cơ mà mợ lại thắp đèn dầu, mở thư của cậu ra
xem ngấu nghiến, rồi mợ quên mất mợ mệt, mợ ngủ thật ngon.
Bức
thư thứ hai cậu gửi đầu tháng chạp, nhưng phải hai mươi chín Tết mới tới tay mợ. Cậu hai là một trong mười học trò được thầy chọn để cuối tháng
sáu tham dự thi Hội, mợ Chi cứ chúc mừng mợ mãi thôi, vậy là kỳ này cả
hai cậu cùng thi, hai mợ đêm ba mươi còn rủ nhau ra chùa xin lộc non lấy may.
Mợ Chi cầu cho cậu cả đỗ giải Hội Nguyên làm rạng danh
dòng họ, mợ Trâm thì chẳng dám mơ cao đến vậy, nếu như thi Hương lọt tam bảng là cu tí được xoá phận hèn thì thi Hội chỉ cần lọt danh sách ba
mươi người đứng đầu thôi. Mợ cầu cho cậu được vào cái bảng đó, còn đứng
thứ mấy cũng được, chả quan trọng.
Cái Tết đầu tiên của bu con
mợ khi cậu vắng nhà cũng gọi là tươm tất. Tuy chẳng có lợn rừng nhưng
được thằng Toàn cho chục cân thịt ba chỉ với ít nếp nương là đủ gói bánh chưng rồi. Trang còn chưa thèm vác mặt về nhà cơ, đợt này nó làm mình
làm mẩy kinh lên được, đòi ra giêng thầy thằng Thóc phải đem trầu cau
tới rước nó thêm lần nữa nó mới chịu.
Nó đang nghén đợt hai đấy, ông Trần bà Thanh mong cháu phấn khởi hết cả người, chốc chốc lại giục
Toàn nhặng xị ngậu, Trang được thể càng kiêu tợn. Bu Trinh, Trâm, Trí
nom cái điệu bộ ngúng nguẩy của nó mỗi lần chồng sang nịnh nọt mà chụm
đầu cười khúc khích. Cái bụng to chềnh ềnh lên kia kìa, giận dỗi cái
kiểu gì vậy hả trời? Đầu giường cãi nhau cuối giường làm lành hử?
Mồng năm Trang Thóc chó theo Toàn về dinh thì mồng bảy thôn cũng có thêm đám nữa, cô Hoàng Anh lấy chú Phường, con trai cai tổng. Nghe đồn chú phải
trồng cây si mấy năm lận người ta mới ưng, thôi kể cũng xứng đáng, rước
được cô đẹp người đẹp nết đẹp hết phần thiên hạ.
Cỗ nhà cô to
lắm, chắc thua mỗi nhà phú ông. Chuyện, con gái trưởng thôn cơ mà, coi
như đại diện cho bộ mặt của cả thôn, không làm hoành tráng thôn bên kia
nó lại chả cười cho.
Cả thôn tụ họp từ sáng sớm tinh mơ, thanh
niên trai tráng người bắc rạp người tết cổng lá dừa, chị em phụ nữ cũng
chia dăm bảy nhóm, con Quỳnh đảm nhiệm nhóm tiếp khách, nhóm nấu nướng
do thím Vân quản, nhóm nếm thử cỗ bà hai đứng đầu, nhóm cắm hoa bà cả
phụ trách, nghe đâu bà đợt này chơi sang, hoa do bà đầu tư cả đấy, toàn
mẫu đơn thược dược chuyển từ phố huyện về, cỡ phải gần trăm quan.
Riêng nhóm văn nghệ ông trưởng thôn tin tưởng giao cho dì Hồng và cô Mõ.
Thường ngày dì quê quê bẩn bẩn thế thôi mà quẹt thỏi son trát tý phấn
vào nom cũng ra gì ra phết, chú Hảo dắt đàn bò đi qua cứ phải gọi là đua nhau nhìn không chớp mắt, nhìn đến rụng rời chân tay.
Trong
buồng mợ Trâm hì hụi tết tóc cho cô Hoàng Anh, không khí nó cứ ngượng
ngập ghê ý, ôi chao, đối diện với tình địch một thời ai mà tự nhiên cho
nổi. Với cả ở cô cũng toát lên khí chất kiêu sa đài các, mợ thấy mợ dân
đen chẳng sánh được.
-”Cậu hai đi làm xưởng gỗ chắc cực lắm, Tết cũng không thấy về mợ nhỉ?”
Cô dịu dàng hỏi thăm, mợ giả bộ tỉnh bơ chối đây đẩy.
-”Đâu có, giao thừa cậu về nhưng mồng một lại đi sớm rồi, cậu vẫn còn thương
tui nhiều ghê ý, mang cho tui bao nhiêu quà kia kìa.”
Phải nói
đại thế để cô còn yên tâm đi lấy chồng, chứ cứ tương tư nhòm ngó chồng
mợ mãi mợ mệt lắm. Cô cười hiền khen mợ có phúc, mợ đỏ mặt, lí nhí thừa
nhận mợ phải cua cậu mãi chứ đâu được người ta si mê say đắm ngay từ đầu như cô. Cô lặng thinh hồi lâu, rồi lúc thay yếm đỏ xong, cô kéo mợ lại
thủ thỉ.
-”Ngày xưa ấy, cũng có lần tui bắt chước mợ, tui dùng
một quan tiền mua cây chổi mười chín đồng. Cậu hai có chiếc hộp phân
loại tiền rất ngăn nắp, chỉ một cái chớp mắt cậu đã trả tui đầy đủ tiền
thừa. Ngược lại, mợ đưa có một tiền thôi, nhưng cậu phải đổ cả đống xu
lẻ trong ống ra, mày mò, đếm đếm, tìm hoài kiếm mãi mới hối lại được cho mợ. Mợ hiểu không?”