Danh sách quà thưởng, chao ôi nó dài cơ man là dài, từ phú ông, bà cả,
bà hai, vợ chồng cậu cả, mợ hai, ai ai cũng có phần. Đã thế mỗi hộ gia
đình ở cùng làng với Trạng Nguyên còn được thêm một bức thư pháp đẹp mê
li, làng bên được dịp ghen nổ đom đóm mắt.
Cái cậu hai lầm lì như pho tượng đó hử? Tưởng đang làm dưới xưởng gỗ chứ? Thi Hương trượt, thi Hội kết quả còn chẳng báo về thôn, đùng một cái đỗ thi Đình là sao? Mấy mụ ghen ăn tức ở sồn sồn thắc mắc, bu Trinh cu Trí giải thích bở hơi
tai, nói hoài nói mãi tụi nó chả chịu tin, hai bu con mệt quá chả buồn
đoái hoài nữa. Kệ, đậu thì cũng đậu rồi, thưởng thì cũng thưởng rồi,
phục hay không cũng chẳng ảnh hưởng gì sất.
Bu kêu cu Trí chạy
về báo cho Trâm mau đi, Trí hí hửng chỉ tay lên đống rơm, í ới gọi. Mợ
Trâm nghe, cơ mà đầu óc mợ vẫn còn chuếnh choáng, người ngợm loạng
choạng thế nào bước hụt một cái, như con xoay lăn lông lốc mấy vòng. Mợ
Chi hốt hoảng trèo xuống, bu Trinh cu Trí cũng cuống quít lao tới.
-”Mợ Trâm, sao không mợ? Đau không?”
-”Ừ.”
-”Cậu đỗ rồi đó, đỗ cao hẳn hoi, mợ giờ làm bà lớn nha, sau này có lộc lá gì nhớ cho tui hưởng ké!”
-”Ừ.”
-”Ừ ừ cái gì mà ừ...mợ bị điên hả?”
-”Ừ.”
Thôi toi, đích xác là vui quá hoá rồ rồi. Cu Trí tặc lưỡi kéo chị gái về, cả buổi mợ ngồi ngẩn ngơ như con dở ngoài hiên, thi thoảng lại nhìn trời
nhìn đất nhìn mây tủm tỉm cười một mình. Cười chán thì mợ với cái nón
của bu, chạy ra giữa sân vừa hát vừa múa, mợ múa kể cũng đẹp, cơ mà lòng bu cứ lo lo kiểu gì ý.
-”Thôi chào bu, chào cu Trí, tui ra chợ đây!”
Mặt mợ tươi roi rói, bu thót tim hỏi dò.
-”Ra chợ làm gì?”
-”Ra mua son phấn để trát, với mua váy mới nữa, sớm mai còn đón cậu. Quan chả bảo đấy thôi, bu quên rồi hử?”
-”Ừ...không...không...quên...”
Mợ vẫy tay tạm biệt, bu nom theo dáng mợ thở phào nhẹ nhõm, tốt quá, mợ
xem ra vẫn còn tỉnh chán. Chứ mòn mỏi đợi chồng ba cái Tết, nay chồng
sắp về mà lại bị lú lẫn thì uổng chết.Lần đầu tiên kể từ khi sinh ra mợ
dám tiêu hoang, thấy cái gì đẹp đẹp, có thể đắp lên người là mua liền.
Nhát nhát lại có người trêu mợ lớn, mợ lớn ăn gì vào đây em miễn phí, mợ lớn thích món nào em giảm giá cho, mợ lớn ơi phú ông bố trí cho mợ gian nhà trên khang trang lắm, để em hầu mợ dọn đồ.
Ôi chao ôi, lớn
bé cái gì chứ, thẹn muốn xỉu à. Với mợ chưa muốn chuyển đâu, lều lá tuy
lụp xụp nhưng đầy ắp kỉ niệm của cậu mợ, giường cậu đóng, nền cậu ốp tấm gỗ, cả nhành phong lan treo trên bậu cửa sổ nữa, thôi mợ nằm ở đây một
đêm cho đỡ lưu luyến, mai cậu về tính sau.
Bà hai thì chuyển lên
nhà trên trước rồi. Ban đầu nghe con mụ Trinh kể lể sự việc, biết bị cậu mợ lừa vố đau bà uất ứa nước mắt. Nhưng nom bà cả ngất xỉu, rồi lúc sau mời bao nhiêu thầy lang tới bắt mạch kê thuốc cũng chẳng nuốt nổi thìa
cháo bà lại như mở cờ trong bụng.
Tiểu thư Đinh Phi Yến mà cũng có cái ngày này cơ à?
Khốn khổ là thế, vậy mà phú ông nào có ở bên dỗ dành được đâu? Ông còn bận
ra đình hội ý với trưởng thôn cùng các bô lão kế hoạch ngày mai đón tiếp Võ Trạng Nguyên. Từ lúc quan về tới giờ dân làng nhìn ông khép nép kính cẩn, ai gặp cũng chúc tụng ca ngợi, nói không có chút mát mặt nào là
nói điêu.
Ông dốt, bà hai dốt, vậy mà lại tòi ra được cậu hai
thông tuệ hơn người, nhà có phúc ghê. Các cụ thường bảo, phúc đức tại
mẫu, xem ra công lớn thuộc về bà hai. Bà mặc chiếc yếm thêu hoa cải
vàng, ưỡn ẹo sánh bước bên ông, thủ thỉ tâm sự bao nhiêu ngày ăn dè ở
xẻn tích tiền cho cậu trốn quê tìm thầy xin học. Bà nghẹn ngào chấm nước mắt, ông nghe vừa cảm động vừa thán phục.
Đỗ thi Đình, ôi chao,
cả cái làng này, cả cái thôn này, à không, cả cái xã này đi, mấy chục
năm rồi làm gì có ai? Lại còn đứng đầu bên võ, rạng danh cả gia tộc chứ
đùa à? Đất đai rộng rãi thẳng cánh cò bay, vàng bạc châu báu tích đầy
dưới kho, lại còn có người làm quan, ở cái xứ này, còn dòng họ nào địch
được với dòng họ Phạm nhà ông đây?
Ông bước từng bước oai phong
bệ vệ, mặt vênh ngang cái bánh đa nướng. Phàm là người trước đây khinh
ông, giờ ông chỉ nhìn nó bằng nửa con mắt. Cái thằng cai tổng chứ ai,
khi xưa tranh Yến với ông, tranh chẳng nổi, dám chê ông dốt thơ hử? Ừ
ha, dốt đấy, ông đây dốt nhưng con ông đây thi văn vẫn được Thám Hoa
nhé, chê chê cái khỉ.
Quan cho mười lợn mười bò, ông đầu tư thêm
gà vịt ngan ngỗng. Gớm của nhà ông đâu có thiếu, chỉ sợ dân thôn làm
không xuể thôi. Công nhận cũng tấp nập rộn rã thật, mọi người tụ tập
suốt từ canh một tới canh năm chuẩn bị cỗ bàn. Cỗ nhà phú ông mà, đám
cưới cô con gái trưởng thôn so ra chỉ là con tép.
Các cụ già với
mấy đứa nhỏ lít nhít thì dậy muộn hơn, không có việc gì phải phụ trách
nên đi bộ ra ngoài bờ đê xếp hàng hai bên đón Trạng Nguyên. Mợ hai đêm
qua cũng nào có chợp mắt được, nhưng chân tay bủn rủn đụng đâu hỏng đấy
nên bị bu mợ với các thím các dì đuổi ra, mợ đi dạo loanh quanh từ lúc
trời còn nhá nhem tối, xong nhọc quá mợ chọn vị trí đẹp ngay cạnh cổng
đình đứng đợi cậu.
Có vài canh giờ thôi mà mợ ngỡ như cả năm,
từng khắc trôi qua sao mà chậm đến lạ kỳ? Mãi tới khi mặt trời đứng
bóng, mợ nhớ mợ đang ngó ngó nghiêng nghiêng thì nghe tiếng pháo nổ lộp
độp, tiếng vỗ tay giòn giã, tiếp theo là tiếng tụi nhỏ gào thét ầm ĩ.
-”Bớ bà con làng nước, bớ tụi bay ơi...ông Trạng...ông Trạng về làng, ông Trạng về rồi...bớ tụi bay ơi...”
Mợ cố kiễng chân, mợ thấy cờ đỏ rực rỡ, mợ thấy kiệu lớn hẳn mười sáu
người khiêng, cả một đoàn lính trang nghiêm hộ tống phía sau. Họ đi đến
đâu, người dân tươi cười vẫy chào tới đấy. Chỉ một kiệu thôi nên mợ cũng bớt lo, sợ hai kiệu lại có cô nào ngồi kiệu sau thì hỏng. Cơ mà kiệu to quá nhỉ? Nhỡ đâu lại ngồi chung?
Trống ngực mợ đập thình thịch,
mợ nín thở cầu nguyện. Cầu được ước thấy, trong kiệu, chỉ có mình cậu.
Võ Trạng Nguyên đó, cái người oai phong bệ vệ hào khí ngút trời chính là cậu hai nhà mợ đó, cái người đĩnh đạc đang bước xuống kiệu ý, chồng mợ
đấy. Thế còn con nhỏ mặc áo nâu quần vải, từ đâu ẻo lả chạy lăng xăng
lên trước, yểu điệu chỉnh áo phủi bụi cho chồng mợ, e ấp ghé tai chồng
mợ thì thầm, nó là ai?
Là ai mà chồng mợ lại vỗ về nó? Là ai mà
tim mợ đau thế này? Mợ gạt nước mắt, tủi thân chạy một mạnh lên núi, leo lên ngọn thác cao nhất, chua xót nhìn theo dòng nước chảy xiết bên
dưới.