Tháng mười ba là tháng nào hử? Có phải giữa tháng chạp và tháng giêng
không? Là cách tính của người trên kinh thành à? Phải chăng trên đó
tháng ngắn hơn dưới thôn quê nên một tháng mới nhiều ngày? Hội các bà
các mẹ bắt đầu nhao nhao bàn luận, hiển nhiên vẫn có mấy thím tinh ý
hơn, biết thừa Võ Trạng Nguyên lấp liếm bênh vợ, nhưng mà thôi, đã nói
tới mức đó nghĩa là Trạng cũng chẳng ưng, có lẽ phải tìm tới bà hai thưa chuyện vậy.
Khổ nỗi, bà hai giờ kiêu ngang bà cả chứ đùa à. Gớm, gả cho cậu? Nguyên mợ Trâm gái làng còn chưa đủ hay sao? Muốn rước thêm cả dàn đồng quê về nữa hử? Mơ đi, giờ muốn làm con dâu bà, chí ít cũng
phải con quan lục phẩm trở lên, nhé!
Đám đông giải tán dần, trong khi đó đoàn người đi phát quà đã bắt đầu đến nhà vợ chồng ông Tứ. Con
trai ông Tứ thua bạc, đem trâu đi cắm mà vẫn chưa đủ trả nợ, nhà cửa tan hoang xơ xác, nghe nói Tết vừa rồi còn không có nổi cái bánh chưng. Cậu hai đặc biệt cho vợ chồng ông thêm năm quan tiền lấy vốn làm ăn, ông bà mừng mừng tủi tủi, chẳng rõ cậu còn nói gì nữa mà khiến bà vợ ông Tứ
khóc lóc um sùm, đến đầu chiều thì tự động ra đình gõ kẻng thú tội.
Rốt cuộc sau bao nhiêu năm, mợ Trâm cũng được giải oan cái vụ ăn cắp, sự
thật là mợ chỉ đi mót lúa sót thôi, lấy đâu ra nửa sào ruộng mà chôm
chỉa cơ chứ. Dân làng bấy giờ mới rõ đầu đuôi câu chuyện, thi nhau bu
vào xin lỗi mợ, nịnh nọt mợ, mong mợ tha cho cái tội móc mỉa đặt điều
không hay về mợ.
Một điều dạ, hai điều vâng dạ, ba điều mợ lớn,
cái kiểu người ta cứ gặp mình là khép nép kính cẩn, mợ Trâm quả thật vẫn chưa quen nổi. Mợ ngượng chín mặt, len lén chạy ra chỗ cậu với cu Trí
đang bàn chuyện. Vừa có người sang báo tin con Dung mới bị đánh sưng
trán, thằng bé sốt sắng lắm, nó cầu cậu hai sớm mai đi chuộc vợ giùm nó.
Bởi cỗ ngày thứ ba chủ yếu khách của phú ông thôi nên cậu đồng ý liền. Cậu với nó quyết nhanh quá, hại cả nhà Trâm toán loạn chuẩn bị.
Bên ngoài Toàn Trí, cậu hai cùng lính của cậu trang hoàng nhà cửa thì
bên trong Trâm, Trang tất bật may váy yếm cho nàng dâu mới. Chuyện cỗ
bàn đã có bu Trinh, các thím các dì lo toan, cả hội bà tám rộn ra rộn
ràng ghê lắm, vú Năm lên tiếng móc mỉa.
-”Đó, thím Vân nói đúng mà, cậu có rước ai đâu.”
-”Ôi dào, ba mươi chưa phải Tết nghe! Với có mấy quả đậu mà lâu la kề cà thế, nhanh nhanh cái tay lên.”
Dì Hồng bĩu môi dằn mặt vú, thằng Thóc con Lúa lững chững bò tới, dì véo
cho mỗi đứa ít xôi rồi xui ra đòi cậu hai bồng cho lây cái thơm của cậu. Chúng nó nghe lời nhí nhéo chạy tới ôm chân ông Trạng, cậu nhấc bổng
tụi nó lên, ôm thằng Thóc trước ngực, kiệu con Lúa trên vai, hai đứa
cười khanh khách, ngay cả con chó cũng ngó lên đầy ghen tỵ.
Phía
trong mợ Trâm mặt mày u ám, từ cái lúc biết tỏng mợ chối bà hai của cậu, bề ngoài thì tỏ ra bình thường giữ thể diện cho mợ, chứ trong lòng chắc ghét mợ lắm, suốt từ sáng tới giờ chẳng thèm nói với mợ câu nào. Mãi
đến khi trời khuya, cả nhà đi nghỉ hết rồi, còn mỗi cái yếm nhỏ mợ đem
ra ngoài hiên dựa theo ánh trăng cố may nốt mới thấy cậu đi tới ngồi
xuống cùng, cẩn thận khoác cho mợ chiếc áo choàng.
-”Tôi tưởng cậu hai hết thương tôi rồi cơ. Cả ngày tôi lảng vảng quanh cậu suốt mà cậu cứ lờ tôi hoài.”
Mợ nhớ lời mợ Chi nên đổi cách xưng hô, trình bày vô cùng trịnh trọng. Cậu vòng tay qua ôm mợ, cằm ghì nhẹ lên vai mợ nhưng vẫn lặng thinh.
-”Đang còn bực tôi hử?”
Bực chứ, không bực mới là lạ đấy. Khi xưa cậu làm mặt lạnh cái là mợ cuống
quít tít mù, lao vào ôm cậu, nhảy lên người cậu, chui rúc bấu víu. Nay
thì sao? Lúc chiều cậu đứng ở bụi chuối rõ lâu mà mợ chẳng quấn cậu như
trước nữa. Tất nhiên tức tức vậy thôi chứ cậu không nói ra, lầm lì một
hồi lâu, đợi tới lúc mợ khâu xong mũi cuối cùng, quay sang thơm chụt một cái lên trán cậu, ra sức năn nỉ mặt cậu mới bắt đầu dãn dãn ra.
-”Thôi tôi xin mà, rước mấy cái đứa đấy về làm gì cho chật nhà. Bà hai, bà ba, bà tư hay bà năm, để tôi làm tất cho, nha.”
Tay mợ dịu dàng luồn qua tóc cậu, nịnh nọt, ỉ ôi, mè nheo đủ trò. Thực ra
mợ vẫn thế, chẳng qua nghe lời bu nên ban ngày giữ ý cho ông Trạng thôi, chứ lúc không có ai mợ khác hẳn, có quan tâm tới lễ tiết phép tắc mấy
đâu, cứ thế chủ động trèo vào ngồi trong lòng cậu, nép mặt vào ngực cậu
thỏ tha thỏ thẻ.
-”Nếu còn chưa hết giận hay là cậu hai phạt tôi đi, phạt như tối qua ý.”
Chịu mợ, khôn lỏi là không ai bằng. Nhưng đối diện với cặp lông mày đen
nhánh, mi mắt cong vút đang chớp chớp lấy lòng, tim cậu cũng loạn nhịp,
cũng chẳng có cách nào cưỡng chế. Cậu cúi xuống, nhá lên gò má tròn đầy, lần này thực sự là phạt thật, bởi mợ thấy đau râm ran, eo còn bị nhéo,
nhưng chẳng như mọi khi chỉ nhéo không, bàn tay kia lần qua váy mợ, trêu chọc nơi nhạy cảm nhất.
Cả người mợ nóng rẫy, lồng ngực phập
phồng tưởng chừng muốn nổ tung. Gió thổi mây trôi bồng bềnh, trăng khuất dần dần, gà trong chuồng bắt đầu gáy té le, phía buồng nhỏ đã vang
tiếng bu Trinh đánh thức con Trang, mợ thẹn đỏ mặt, ngượng ngượng nhoài
người xuống. Cậu thế mà không có nửa điểm bối rối, giúp mợ soạn đồ rồi
chuẩn bị sang nhà con Dung.
Lần đầu tiên mợ hai được ngồi kiệu
mười sáu người khiêng, lính gặp mợ cúi đầu rầm rập, hại mợ bối rối quá
cơ. Cậu mợ phải sang trước thương lượng chuyện chuộc vợ, tháng chín năm
ngoái mợ với cu Trí, vợ chồng Trang Toàn sang một lần rồi đó chứ, mang
hẳn năm chục quan tiền mợ gom góp lúc trước để đổi vòng, cơ mà nhà đó
thấy nhà mợ cần người quá nên kiêu không chịu. Hi vọng lần này cậu ra
mặt sẽ khác.
Cậu mợ vừa xuống kiệu đã bắt gặp cảnh con Dung ngồi rửa rau ngoài giếng, thằng chồng tay cầm điếu cày đập liên tục vào đầu
nó, miệng chửi inh ỏi đòi tiền đi uống rượu. Dung nó đã không còn là con nhóc ngố tàu năm xưa nữa rồi, máu rỉ đầm đìa dưới trán mà vẫn im phăng
phắc, việc nó nó làm, việc chồng nó đánh, nó mặc kệ.
Mợ Trâm vội
chạy vào kéo con bé về phía mình, thằng kia đang định choảng mợ thì bị
cậu Lâm túm cổ áo, nhấc lên, rồi một phát ném thẳng vào chuồng lợn. Thầy nó đang băm bèo gần đấy, cầm dao ra hực máu quát lớn.
-”Mả cha thằng nào oánh con ông, ông băm sống nghe.”
Hùng dũng là thế, vậy mà khi dân làng chỉ trỏ vào ông Trạng, chân tay lại
run cầm cập, con dao phay bất giác rơi xuống, toàn thân sững sờ hoảng
hốt. Trạng kiệm lời, chỉ hỏi ông đúng một câu, rằng giờ muốn đưa thằng
con ông xuống phố huyện để quan xử tội hành hung gây thương tích hay
muốn nhận tiền rồi trả người? Tất nhiên, ông đâu có ngu mà chọn phương
án một.
Mọi chuyện coi như ổn thoả, mợ Trâm đưa cái Dung về nhà
nó, giúp nó cầm máu, trang điểm rồi thay váy yếm. Nó cứ khóc hoài, nãy
chồng đánh không khóc, giờ lại sướt ma sướt mướt, khóc từ lúc thằng Trí
sang rước về đến khi đôi vợ chồng trẻ mời nước hàng xóm láng giềng. Đôi
lúc vẫn có vài người xì xào bàn tán, mỉa mai bu Trinh mang tiếng mẹ vợ
Trạng mà rước phải đứa con dâu bẩn, hàng tồn, đồ bỏ đi, nhưng bị mợ Trâm chấn chỉnh ngay, nói nhăng nói cuội mợ chửi cho vỡ mặt ý chứ.
Cũng may giờ mợ lớn rồi nên người ta cũng nhịn đôi ba phần, chứ không lại
cãi nhau to. Bu nhìn mợ, lắc đầu cười khổ. Đúng lúc bu chuẩn bị mời quan khách vào mâm thì có lính đến truyền tin, quan về làng, thông báo về
việc nhậm chức của Võ Trạng Nguyên. Cậu hai ngay lập tức phải ra đình,
mọi người cũng ồ ạt kéo theo hóng hớt.
Cậu được bổ nhiệm làm Đề
đốc, được nắm giữ binh quyền, Chánh nhị phẩm. Vì cậu cũng thi đỗ Thám
Hoa bên văn nữa nên còn được thăng thẳng lên làm Trấn thủ, quan đứng đầu và quản chế trấn Đoài. Cái xã nãy, huyện này thì chính là thuộc trấn
Đoài đó, nhưng là phạm vi thôn quê rừng núi xa lắc xa lư thôi, chứ còn ở trung tâm của trấn nhộn nhịp sầm uất lắm, người ta hay gọi là xứ Đoài,
một trong tứ trấn lừng lẫy có vị thế quan trọng, bao bọc quanh kinh
thành tráng lệ.
Thế nghĩa là chức còn to hơn cả cha của bà cả
Đinh Phi Yến cơ đấy! Ôi cái làng này, mát mặt ghê nhỉ? Đã làm quan thì
chớ, lại còn được ban biệt phủ rộng hai mươi mẫu đất, mợ Trâm nghe hoang mang kinh hồn, xưa ước có sào ruộng để cấy cũng khó, nay lại những hai
mươi mẫu đất lận, cộng thêm gần trăm kẻ ăn người ở đi kèm, gì vậy trời?
Gà ri hoá phượng hoàng đây hử?
Ý nghĩ thoáng vụt qua trong đầu,
mợ lén che miệng cười thầm. Người làng tay bắt mặt mừng ôm nhau nhảy
cẫng lên, già trẻ gái trai ai ai cũng sướng. Đám cưới cu Trí càng thêm
phần náo nhiệt, mọi người đến chúc cứ phải gọi là ầm ầm, người có ngô
cho ngô, người có nếp biếu nếp, vợ chồng trẻ thi nhau hưởng sái quan
lớn.
Phú ông quyết định mở tiệc thêm bảy ngày nữa, bà cả ngất
xỉu, tháng sau cậu mới chính thức nhậm chức nhưng bà hai đã ra giá
trước.
-”Cậu xa nhà nhớ bu quá thì về thăm bu thôi chớ bu không
chuyển xuống trấn đâu, hàng tháng nhớ gửi bu tiền là được...à...thêm tổ
yến nữa... cả bào ngư với gấm vóc lụa là, có gì đẹp cậu cứ khuân tất về
cho bu nhé! Cả đời bu lam lũ vất vả vì cậu, giờ cậu không phụng dưỡng bu thì phụng dưỡng ai nữa, cậu nhể?”
Cậu lễ phép dạ, mợ dự tính tối sẽ rất đông khách từ các nơi tới kêu con Thuận chuẩn bị nước để tranh
thủ gội đầu. Cậu cũng lén vào cùng, vò bồ kết giúp mợ, mợ đang tư thế
cúi xuống nên cậu không nhìn được mặt mợ lúc này, cười toe toét luôn à.
Khổ nỗi ghét cái thằng Húng, nó lại nhí nhéo ngoài cửa kêu cậu ra đình
gấp, tiếp tục có quan về, tiếp tục có tin mừng.
Cậu đi rồi, mợ
vội vàng gột tóc cho sạch, đoạn với cái khăn, cũng nhanh nhanh chóng
chóng định ra chung vui với cậu. Cơ mà có lẽ không cần, vì cô Mõ đã đi
gõ kẻng khắp làng, lanh lảnh rêu rao.
-”Thứ nam nhà phú ông, Trấn thủ xứ Đoài, học rộng tài cao, tính tình hào sảng, vinh dự được quan
Thái phó cùng quan Chưởng cơ chọn làm rể, tiểu thư nhà quan Thái phó gả
cho cậu làm chính thê, tức mợ lớn, tiểu thư nhà quan Chưởng cơ gả cho
cậu làm mợ ba.”