Padma - cô nàng Padma phốp pháp của chúng ta đang cực kỳ sưng sỉa. (Cô không biết đọc và như mọi người mê cá, ghét người khác biết cái mình không biết. Padma: khỏe khoắn, vui tươi, niềm an ủi của tôi những ngày cuối đời. Nhưng đích thị là một ả chó cái giữ xương.)
Cô cố dỗ tôi rời khỏi bàn: “Ăn đi, nào, thức ăn hỏng mất.” Tôi vẫn ương ngạnh gò lưng trên giấy.
“Gì mà quý hóa thế.” Padma hỏi, tức tối huơ tay chém gió lia lịa, “ba cái trò viết lách-rặn ỉa này?”
Tôi trả lời: giờ tôi đã kể chi tiết chuyện tôi ra đời, giờ tấm ga giường khoét lỗ đã giăng giữa bác sĩ và bệnh nhân, tôi không lùi được nữa.
Padma khịt mũi, đập tay lên trán. “Rồi, chết đói thì chết, kệ thây nhà anh!”
Một cú khịt lớn hơn, dứt khoát... nhưng tôi không lấy thế làm giận. Cô sống bằng nghề quấy một cái vại sôi sùng sục suốt ngày, tối nay có gì đó, cay và chua đã khiến cô bốc hỏa. Hông dày, lông tay hơi rậm, cô vùng vằng, hoa chân múa tay, bỏ đi. Khổ thân Padma. Mọi thứ luôn trêu tức cô. Có lẽ cả tên cô cũng vậy: dễ hiểu thôi, vì hồi cô còn bé, mẹ bảo cô được đặt tên theo nữ thần hoa sen, mà danh hiệu quen thuộc nhất của bà trong dân gian lại là “Bà Chúa Phân.”
Trong sự im lặng vừa khôi phục, tôi trở lại với xấp giấy phảng phất mùi nghệ, sẵn sàng và quyết tâm chấm dứt nỗi thống khổ của mạch truyện bị bỏ lửng từ hôm qua, giống như Scheherazade, bảo toàn tính mạng bằng cách bỏ Quốc vương Shah-ryar cho cơn tò mò gặm nhấm, từng làm đêm này qua đêm khác! Tôi sẽ bắt đầu ngay: bằng việc tiết lộ rằng dự cảm của ông tôi ở hành lang nọ không phải là không có cơ sở. Suốt những năm sau này, ông đã mắc phải cái mà tôi chỉ biết gọi là bùa phép của tấm vải khoét lỗ khổng lồ (nhưng chưa hề vấy bẩn) kia.
“Nữa à?” Mẹ Aadam đảo mắt nói. “Ta nói con nghe, con bé đấy sống trong nhung lụa nhiều quá sinh ốm đấy thôi. Ăn lắm của ngọt và được nuông chiều quá mức, vì thiếu bàn tay cứng rắn của người mẹ. Nhưng thôi, đi chăm sóc cô bệnh nhân vô hình của con đi, mẹ con chỉ đau đầu vặt chẳng làm sao đâu.”
Chả là, những năm ấy, Naseem Ghani con gái lão chúa đất đã mắc phải một số lượng khá bất thường những chứng bệnh vặt, mỗi lần như thế một người lái đò lại được cử đi triệu anh bác sĩ Sahib trẻ cao lớn với chiếc mũi to, người đang gây được tiếng tăm ra trò trong thung lũng. Những cuộc viếng thăm của Aadam Aziz đến căn phòng có một vạt nắng và ba mụ đô vật đã thành chuyện hằng tuần, và mỗi lần anh lại được ban cho thấy, qua tấm vải khoét lỗ, một hình tròn hai mươi xăng ti mét khác nhau của thân thể cô gái.
Cơn đau bụng đầu tiên được tiếp nối bởi một cú trẹo rất nhẹ ở mắt cá chân phải, một cái móng mọc quặp ở ngón cái bàn chân trái, một vết xước tí ti dưới bắp chân trái. (“Uốn ván chết người đấy, Bác sĩ Sahib ạ,” lão chúa đất nói, “Naseem con ta không thể chết vì xước da.”) Rồi đầu gối phải của cô bị tê, và chàng bác sĩ buộc phải xoa bóp qua cái lỗ trên tấm ga... và được ít lâu các chứng bệnh bắt đầu leo lên cao, né tránh một số vùng không thể nói ra được và bắt đầu phát ra ở nửa người trên cô gái.
Cô mắc một chứng bệnh bí hiểm mà cha cô gọi là Thối Ngón, khiến tay cô bị tróc da; cho tới bệnh yếu xương cổ tay, mà Aadam kê đơn viên calcium; cho đến những cơn táo bón, mà anh cho cô uống thuốc nhuận tràng, vì không đời nào anh lại được phép tiến hành thụt ruột. Cô bị sốt và cả bệnh thân nhiệt thấp. Mỗi lần như vậy chiếc nhiệt kế của anh lại được đặt vào nách cô và anh sẽ ậm ừ về sự thiếu hiệu quả tương đối của phương pháp này. Ở nách kia có lần cô phát bệnh nấm da nhẹ và anh phải thoa phấn vàng cho cô.
Sau lần điều trị này - buộc anh phải xoa phấn tận nơi, nhẹ nhàng nhưng chắc tay, dù thân hình bí ẩn mềm mại kia bắt đầu run rẩy và anh nghe thấy tiếng cười không nén nổi từ sau tấm ga, vì Naseem Ghani rất có máu buồn. Cơn ngứa dứt hẳn, nhưng Naseem mau chóng tìm được một cơ số những lời than vãn mới. Mùa hè cô bị thiếu máu và mùa đông cô bị suyễn. (“Khí quản nó mong manh lắm” Ghani giải thích, “như mấy ống sáo nhỏ ấy.”) Ở phương xa cuộc Thế chiến đi từ biến động này đến biến động khác, cùng lúc đó tại ngôi nhà chăng đầy mạng nhện Bác sĩ Aziz cũng bước vào cuộc chiến tranh tổng lực chống lại những lời than vãn không dứt từ người bệnh bị chia cắt của mình.
Và, suốt những năm tháng chiến tranh ấy, Naseem không hề tái phát chứng bệnh nào. “Chỉ cho thấy một điều,” Ghani bảo, “cậu rất có nghề. Cậu đã chữa, là con bẻ khỏi hẳn. Nhưng than ôi!” - lão vỗ trán - “nó nhớ thương mẹ nó, con bé tội nghiệp, đến mòn mỏi cả người. Nó là đứa quá tình cảm.”
Vậy là dần dần Bác sĩ Aziz hình dung ra trong đầu chân dung của Naseem, một bức tranh cắt dán xộc xệch từng phần cơ thể được khám riêng rẽ của cô. Ảo tưởng về người phụ nữ bị chia nhỏ ấy bắt đầu ám ảnh anh, và không chỉ trong mơ. Được trí tưởng tượng của anh dán thành hình, cô bám theo anh đi khắp nơi, cô dọn đến ở tiền sảnh trong tâm trí anh, khiến lúc thức hay khi ngủ anh đều cảm thấy nơi đầu ngón tay cái mịn màng của làn da có máu buồn hay đôi cổ tay nhỏ nhắn hoàn mỹ hay vẻ đẹp của mắt cá chân cô. Anh ngửi thấy mùi oải hương và hoa nhài của cô, anh nghe thấy giọng nói và tiếng cười thiếu nữ không nén nổi của cô. Nhưng cô không có đầu, vì anh chưa bao giờ thấy mặt cô.
Mẹ anh nằm sấp trên giường, tay chân duỗi ra. “Lại đây, lại xoa bóp cho mẹ,” bà nói, “cậu con bác sĩ có đôi tay biết làm dịu cơn nhức mỏi của mẹ mình. Ấn đi, ấn đi, cậu con mặt như ngỗng ỉa của ta.”
Anh bóp vai cho bà. Bà rên rẩm, vặn vẹo, thư giãn. “Thấp xuống,” bà bảo, “giờ cao lên. Sang phải. Thế. Cậu con sáng láng của ta không nhìn ra lão Ghani chúa đất đang chơi trò gì. Con ta thông minh lắm, nhưng lại không đoán được vì sao con bé ấy không ngừng ốm vặt. Nghe này, con trai: nhìn cái mũi trên mặt mình một lần đi, lão Ghani ấy nghĩ con là một đám khá cho con bé đấy. Du học nước ngoài này kia. Ta ngồi bán hàng và bị ánh mắt những kẻ xa lạ lột trần ra cốt để con lấy được con bé Naseem ấy! Dĩ nhiên là ta đúng, không thì việc gì lão phải ghé mắt đến nhà ta?” Aziz tiếp tục bóp. “Trời ơi, thôi đi, không cần phải giết tôi vì tôi nói sự thật đâu!”
Đến năm 1918, Aadam Aziz đã chuyển sang sống vì những chuyến đi đều đặn sang bờ hồ bên kia. Và giờ đây nỗi háo hức cùa anh càng thêm dữ dội, vì rõ ràng là, sau ba năm, lão chúa đất và con gái đá sẵn lòng hạ thấp một số rào cản. Giờ đây, lần đầu tiên, Ghani bảo, “Một khối u ở ngực phải. Có đáng ngại không, Bác sĩ? Xem đi. Xem kỹ vào.” Và kia, đóng khung sau cái lỗ, hình dáng hoàn hảo và đẹp mê hồn, là... “Tôi phải sờ vào đó,” Aziz nói, vật lộn với giọng mình.
Ghani vỗ lưng anh: “Sờ đi, sờ đi!” Lão nói. “Bàn tay thần y! Cái sờ mầu nhiệm, hả, Bác sĩ?”
Và Aziz vươn tay ra... “Thứ lỗi cho tôi hỏi thẳng, nhưng có phải cô nhà đang đến tháng?”... Nụ cười bí ẩn xuất hiện trên mặt ba mụ đô vật.
Ghani hòa nhã gật đầu: “Ừ. Không phảỉ ngượng ngùng thế, anh bạn. Mình là người nhà bệnh nhân và bác sĩ rồi.”
Và Aziz, “Thế thì không ngại, khối u sẽ tan khi hết kỳ.”...
Thế rồi lần sau, “con bé bị căng cơ sau đùi, Bác sĩ Sahib ạ. Đau lắm!”
Và kia, giữa tấm ga, làm mắt Aadam Aziz mờ đi, là một gò mông tròn trịa và không tưởng... Và lúc này Aziz: “Liệu cô nhà có thể...”
Tiếp đó là một lời của Ghani, một tiếng dạ ngoan ngoãn sau tấm ga, một sợi dải rút được rút ra và chiếc quần thụng rơi khỏi bờ mông thần tiên ấy, căng đầy tuyệt trần sau cái lỗ. Aadam Aziz cố ép mình vào khuôn khổ suy nghĩ của nghề y... đưa tay ra... sờ. Và tự thề với mình, trong kinh ngạc, rằng anh thấy cặp mông kia ửng lên một màu hồng thẹn thùng, nhưng nhu thuận.
Tối ấy, Aadam ngẫm nghĩ về bờ mông ửng hồng nọ. Phải chăng ma thuật của tấm ga đã tác động lên cả hai bên lỗ thủng? Trong cơn phấn khích, anh hình dung ra nàng Naseem không đầu ngứa râm ran dưới sự khám xét của mắt anh, nhiệt kế của anh, ống nghe của anh, ngón tay anh, và cố dựng lên trong óc chân dung của anh. Dĩ nhiên, cô có thiệt thòi là chưa thấy gì ngoài hai bàn tay anh... Aadam bắt đầu hy vọng với một niềm tuyệt vọng cấm kỵ rằng Naseem Ghani sẽ phát cơn đau nửa đầu hoặc gãi xước cái cằm chưa lộ diện của mình, để họ có thể nhìn thấy mặt nhau.
Anh biết những cảm xúc ấy trái với lương tâm nghề nghiệp, nhưng không làm gì để đè nén chúng. Anh cũng chẳng làm được gì nhiều. Chúng đã có sự sống của riêng mình. Tóm lại, ông tôi đã mắc lưới tình, và đã đi đến chỗ nghĩ về tấm ga giường khoét lỗ như một vật linh thiêng và mầu nhiệm, bởi những gì ông thấy qua nó đã lấp đầy cái lỗ xuất hiện trong ông từ khi ông bị một búi cỏ táng vào mũi và bị lão lái đò Tai sỉ nhục.
Đúng ngày cuộc Thế chiến kết thúc, Naseem lên cơn đau đầu được mong mỏi từ lâu. Những trùng hợp lịch sử như thế đã trút rác rưởi lên, và có lẽ đã làm ô uế sự tồn tại của gia đình tôi trên thế giới này.
Anh gần như không dám nhìn vào những gì hiện lên sau cái lỗ trên tấm ga. Biết đâu cô lại gớm ghiếc; có lẽ đó là nguồn cơn của cả vở kịch này... anh nhìn. Và thấy một khuôn mặt mịn màng không hề xấu xí chút nào, một cái nền êm dịu cho đôi mắt lóng lánh như đá quý, sắc nâu điểm những đốm vàng: đôi mắt hổ. Bác sĩ Aziz gục ngã hoàn toàn.
Và Naseem thốt lên: “Kìa Bác sĩ, trời ơi, cái mũi gớm quá!” Ghani giận dữ: “Này con, cứ liệu...” Nhưng cả bệnh nhân và bác sĩ cùng cười, rồi Aziz nói: “Phải, phải, cái mẫu vật này gớm mặt thật. Họ bảo tôi rằng có hàng vương triều đang chờ trong đó...” Và anh phải cắn lưỡi vì suýt nữa định thêm, “...như gỉ mũi...”
Còn Ghani, người đã mù lòa đứng cạnh tấm ga ba năm ròng, mỉm cười và mỉm cười và mỉm cười, một lần nữa nở nụ cười bí hiểm của lão, phản chiếu trên môi ba mụ đô vật.
Trong khi đó, lão lái đò, Tai, đã đi tới một quyết định không lý giải được là bỏ tắm. Ở một thung lũng ngập giữa những hồ nước ngọt, nơi những kẻ cùng khổ nhất cũng có thể (và thực sự) tự hào về sự sạch sẽ của bản thân, Tai chọn cách ở bẩn. Đã ba năm, lão không tắm, và cũng không rửa sau khi trả lời tiếng gọi của tự nhiên. Lão vận nguyên bộ đồ ấy, không giặt, tứ thời như vậy, nhượng bộ duy nhất của lão trước mùa đông là khoác tấm áo chugha ra ngoài bộ đồ thối khẳn. Chiếc rổ con đựng than nóng lão nhét dưới tấm chugha, theo phong tục ở Kashmir, để giữ ấm khi trời rét buốt, càng làm dậy lên và nổi bật hơn cái mùi ghê tởm ấy.
Lão bắt đầu lờ lững chèo qua nhà Aziz, phả luồng hơi kinh khiếp trên người lên mảnh vườn nhỏ và vào nhà. Hoa chết, chim tháo chạy khỏi bậu cửa sổ phòng ông lão Aziz. Dĩ nhiên, Tai mất việc: cụ thể là các vị khách Anh không mặn mà với việc để một cái bể phân chèo đò cho họ. Quanh hồ đồn rằng vợ Tai, phát điên trước sự hôi thối bất ngờ của ông lão, đã nài hỏi lý do.
Lão trả lời: “Hỏi anh bác sĩ Tây học, thằng nakkoo, thằng Aziz người Đức ấy.” Đó, phải chăng, là một cố gắng làm tổn thương hai lỗ mũi siêu nhạy cảm của anh Bác sĩ (nơi cơn ngứa báo nguy đã thuyên giảm đôi phần nhờ liệu pháp gây mê của ái tình)? Hay một động thái của sự không thay đổi để phản kháng sự xâm lược của món “hành trang bác sĩ” từ Heidelberg? Một lần Aziz đã hỏi chẳng ông lão, làm như vậy để làm gì, nhưng Tai chỉ thở vào anh rồi chèo đi. Hơi thở ấy suýt đánh quỵ Aziz, nó sắc bén như rìu.
Năm 1918, cha của Bác sĩ Aziz, bị tước mất bầy chim, chết trong giấc ngủ. Và lập tức mẹ anh, người đã có thể bán đi cửa hiệu đá quý vì việc hành nghề của Aziz khá thành công, và giờ đây coi cái chết cùa chồng như sự giải thoát cho bà khỏi một cuộc đời chất chồng trách nhiệm, cũng ốm liệt giường và đi theo chồng trước khi bốn mươi ngày tang kỳ kết thúc. Lúc các trung đoàn Ấn Độ trở về khi chấm dứt chiến tranh, Bác sĩ Aziz đã là một đứa con côi, một người tự do - trừ việc trái tim anh đã rơi lọt một cái lỗ bề ngang chừng hai mươi xăng ti mét.
Hệ quả thê lương từ thái độ của Tai: nó hủy hoại quan hệ tốt đẹp của Bác sĩ Aziz với cái xóm nổi trên hồ. Anh, người hồi bé vẫn thoải mái tán chuyện với mấy mụ dân chài và các bà hàng hoa, vấp phải những ánh nhìn ngờ vực. “Hỏi thằng nakkoo, thằng Aziz người Đức ấy.” Tai quy kết anh là kẻ ngoại lai, do vậy là một kẻ không thể tin cậy hoàn toàn. Họ không ưa lão lái đò, nhưng với họ sự biến đổi hiển nhiên là do anh gây ra cho lão còn đáng ngại hơn. Aziz gặp phải sự nghi ngờ, thậm chí tẩy chay, từ phía những người nghèo và nó làm tổn thương anh ghê gớm. Giờ anh đã hiểu Tai nhắm đến điểu gì: lão đang cố đuổi anh khỏi thung lũng.
Chuyện tấm ga khoét lỗ cũng lọt ra ngoài. Ba mụ đô vật rõ ràng không kín đáo như bề ngoài. Aziz bắt đầu để ý thấy người ta chỉ trỏ mình. Đàn bà con gái bưng miệng cười rúc rích...
“Tôi quyết định dâng thắng lợi cho Tai,” Anh nói. Ba mụ đô vật, hai chăng tấm ga, một lượn lờ gần cửa, căng đầu nghe anh nói qua lần bông nút lỗ tai. “Em bảo cha làm đấy,” Naseem bảo anh, “Cho mấy mụ lắm mồm ấy từ nay khỏi ngồi lê đôi mách.”) Cặp mắt Naseem, lọt giữa cái lỗ, mở to hơn bao giờ hết.
... Hệt như mắt anh, lúc thả bộ trên phố mấy ngày trước, thấy chuyến xe khách cuối cùng của mùa đông xịch tới, sơn đầy những dòng chữ đủ màu. Đằng trước, Ý CHÚA chữ lục đổ bóng đỏ; đằng sau chữ vàng bóng xanh hét vang ƠN CHÚA!, và với một màu nâu xấc xược, SORRY-BYE-BYE! - và nhận ra, sau tấm mạng che mặt kết bằng vòng và sợi, Ilse Lubin đang bước xuống...
Giờ đây, lão Ghani chúa đất để anh lại một mình với ba vệ sĩ nút tai. “Để chuyện trò đôi chút, quan hệ bác sĩ-bệnh nhân chỉ có thể trở nên sâu sắc trong hoàn cảnh tuyệt đối riêng tư. Giờ ta hiểu rồi, Aziz Sahib - thứ lỗi cho sự đường đột trước kia của ta.” Giờ đây, cái lưỡi Naseem ngày một bạo dạn hơn. “Anh nói chuyện kiểu gì thế? Anh là đàn ông hay thỏ đế? Định bỏ nhà vì một lão chèo đò thối tha!”...
“Oskar chết rồi,” Ilse bảo anh, nhấp một ngụm nước chanh trên chiếc tràng kỷ của mẹ anh. “Như một anh hề. Hắn đi gặp lính để khuyên chúng đừng làm tốt thí. Gã ngốc ấy đinh ninh chúng sẽ ném súng đi rồi giải tán. Bọn mình từ cửa sổ nhìn xuống, mình chỉ cầu sao chúng đừng giẫm nát hắn. Vừa đến góc phố đối diện duyệt binh trường thì hắn giẫm phải dây giày ngã ra đưòng. Một chiếc xe sĩ quan lao đến đâm phải hắn, và hắn chết. Suốt đời không buộc chặt được dây giày, thằng khờ ấy”... tới đây những hạt kim cương đông lại trên mi cô... “Ngữ hắn đúng là làm ô danh những người vô chính phủ.”
“Được thôi,” Naseem chịu thua, “vậy là anh có cơ hội kiếm được một chỗ làm tốt. Đại học Agra, danh giá lắm, đừng tưởng em không biết. Bác sĩ trường Đại học!... nghe được đấy. Cứ cho là anh đi đi, đó lại là chuyện khác.” Hàng mi rủ xuống sau cái lỗ. “Em sẽ nhớ anh, tất nhiên rồi...”
“Mình đang yêu,” Aadam Aziz bảo Ilse Lubin. Và sau đó, “... Vậy là mình mới thấy nàng qua cái lỗ trên tấm ga, mỗi lần một phần, và mình thề là mông nàng đỏ bừng lên.”
“Không khí trên này chắc là có cái gì đó,” Ilse nói.
“Naseem à, tôi được nhận rồi,” Aadam hào hứng nói. “Thư vừa tới hôm nay. Có hiệu lực từ tháng Tư 1919. Cha em bảo ông có thể tìm được người mua lại ngôi nhà của tôi và cả cửa hàng đá quý nữa.
“Tuyệt quá,” Naseem bĩu môi. “Nghĩa là em sẽ phải tìm bác sĩ mới. Hoặc đành gọi lại mụ già chẳng biết mô tê gì kia vậy.”
“Vì cháu mồ côi,” Bác sĩ Aziz nói, “nên cháu phải tự đến thay bậc cha chú. Dù sao cháu cũng đã đến, Ghani Sahib, lần đầu tiên khi không được gọi. Cháu đến không phải vì công việc.”
“Con trai!” Ghani vỗ lưng Aadam. “Tất nhiên là cậu phải cưới con bé. Với một món hồi môn tươm tất hạng A-l! Không phải tốn kém gì sất! Đó sẽ là đám cưới của năm, phải, chắc chắn vậy.”
“Tôi không thể ra đi mà bỏ em lại” Aziz bảo Naseem. Ghani nói, “Bày đặt thế đủ rồi! Khỏi cần tấm vải dớ dẩn này nữa! Bỏ xuống, mấy mụ này, đây giờ đã là đôi uyên ương mới rồi!”
“Cuối cùng,” Aadam Aziz nói, “cuối cùng tôi cũng được thấy em trọn vẹn. Nhưng tôi phải đi đã. Đi thăm bệnh... một người bạn cũ đang ở nhà tôi, tôi phải cho cô ấy biết, cô ấy sẽ rất mừng cho cả hai ta. Một người bạn thân từ Đức.”
“Không, Aadam baba,” người hầu nói, “từ sáng sớm tôi đã không thấy Ilse Begum[1]. Cô thuê lão Tai chở đi một chuyến shikara.”
[1] Tiếng xưng hô tôn trọng dành cho phụ nữ (cô, bà, phu nhân).
“Biết nói gì đây, thưa cậu?” Tai thẽ thọt. “Tôi rất vinh dự được triệu đến tư gia một bậc rất mực tôn quý như cậu đây. Thưa cậu, tiểu thư thuê tôi chở đi một chuyến ra Vườn Mughal, nhân lúc hồ chưa đóng băng. Cô rất lặng lẽ, thưa Bác sĩ Sahib, cả buổi chả nghe cô nói câu gì. Đâm tôi cũng mải nghĩ ba chuyện riêng tư dớ dẩn của mấy lão già lẩm cẩm. Bỗng nhiên lúc tôi nhìn lại thì cô đã không còn trên ghế. Thưa Sahib, tôi thề trên đầu vợ mình, không thể nhìn thấy gì đằng trước lưng ghế, làm sao tôi biết được? Xin cậu tin lão chèo đò khốn khổ từng là bạn của cậu ngày cậu còn nhỏ...”
“Aadam baba,” người hầu già xen vào, “xin cậu thứ lỗi nhưng tôi vừa tìm thấy tờ giấy này trên bàn tiểu thư.”
“Tôi biết cô ấy ở đâu,” Bác sĩ Aziz nhìn Tai trân trối. “Tôi không biết tại sao bác vẫn dính dáng đến cuộc sống của tôi, nhưng bác từng chỉ chỗ đó cho tôi một lần. Bác bảo: có những phụ nữ ngoại quốc đến đây để chết đuối.”
“Tôi ư, Sahib?” Tai ngỡ ngàng, hôi thối, ngây thơ. “Cậu đau lòng quá đâm nghĩ quẩn rồi! Mấy chuyện ấy làm sao tôi biết được?”
Và sau khi cái xác, trương phềnh, quấn đầy rong rêu, được một nhóm mấy người lái đò mặt mày vô cảm dùng lưới vét vớt lên, Tai đến chỗ neo thuyền và bảo những người có mặt, khi họ rúm lại trước hơi thở của một con bò thiến mắc bệnh lỵ từ lão phả ra, “Hắn đổ tội cho ta, chỉ toàn tưởng tượng! Đem mấy ả gái u lang chạ về đây rồi nói chúng nhảy xuống hồ là lỗi của ta!... Ta hỏi, làm sao hắn biết đúng chỗ mà tìm? Phải, hỏi hắn xem, hỏi thằng nakkoo Aziz ấy!”
Cô để lại một lời nhắn. Nó viết: “Mình không cố ý.”
Tôi không bình luận gì, những sự kiện này, dù thế nào đi nữa, cũng đã tuôn ra từ miệng tôi, bị sự vội vã và xúc cảm làm biến dạng, là để người khác phán xét. Bây giờ tôi xin đi vào chủ để chính, và kể rằng trong mùa đông dài, khắc nghiệt năm 1918-19, Tai đổ ốm, mắc một dạng bệnh da liễu ác hiểm, na ná thứ ôn dịch châu Âu gọi là Tai ách Vua ban[2], nhưng lão nhất định không đến Bác sĩ Aziz, và được một thầy lang vi lượng đồng căn trong vùng chữa trị.
Tháng Ba, khi hồ tan băng, đám cưới diễn ra ở ngôi lều lớn trong khuôn viên nhà lão Ghani chúa đất. Khế ước hôn nhân đảm bảo cho Aadam Aziz một món tiền đáng kể, giúp anh mua một căn nhà ở Agra. Còn của hồi môn, theo nguyện vọng đặc biệt của Bác sĩ Aziz, gồm cả một tấm ga giường khoét lỗ. Đôi uyên ương mới ngồi trên bục, đeo đầy hoa và rét run, trong khi khách khứa lũ lượt diễu qua và rắc tiền vào lòng họ. Đêm đó ông tôi trải tấm vải khoét lỗ dưới cô dâu và mình, tới khi trời sáng nó được tô điểm bởi ba giọt máu, tạo thành một hình tam giác nhỏ.
Khi trời sáng tấm vải được đem ra trưng, và sau lễ hợp cẩn một chiếc xe do lão chúa đất thuê đến để đưa ông bà tôi tới Amritsar, ở đó họ sẽ bắt chuyến tàu Frontier Mail. Núi non quần tụ lại dõi theo ông tôi rời khỏi nhà lần cuối. (Ông sẽ trở về, một lần, nhưng không phải để ra đi.) Aziz nghĩ mĩnh đã trông thấy một người lái đò già nua đứng nhìn theo họ - nhưng có lẽ anh nhầm, vì Tai đang ốm. Nốt rộp hình ngôi đền trên đỉnh đồi Sankara Acharya, mà tín đồ đạo Hồi vẫn quen gọi là Takht-e-Sulaiman, hay Ngai vàng của Solomon, chẳng hề để tâm tới họ.
Từng hàng dương mùa đông trụi lá và những cánh đồng nghệ tuyết phủ dậy sóng quanh họ khi cỗ xe chạy về phía Nam, với một chiếc cặp da cũ đựng, ngoài nhiều thứ khác, một cái ống nghe và một tấm ga giường, nhét trong cốp xe. Bác sĩ Aziz cảm thấy, tự đáy lòng, một cảm giác gần như không trọng lượng.
[2] King’s Evil, hay Scrofula: bệnh tràng nhạc. Thời Trung cổ người ta tin rằng bệnh này nếu được nhà vua sờ vào thì sẽ khỏi.
Hay đang rơi.
(... Và bây giờ tôi bị bắt đóng con ma. Tôi lên chín và cả gia đình, bố tôi, mẹ tôi, con Khỉ Đồng và tôi, đang ở nhà ông bà ở Agra, và lũ cháu – trong đó có tôi - đang dàn dựng vở kịch Năm Mới theo truyền thống, và tôi bị bắt đóng con ma. Bởi vậy - và để giữ bí mật cho vở diễn nghiệp dư sắp tới - tôi sục sạo khắp nhà tìm hóa trang cho con ma. Ông tôi ra ngoài thăm bệnh. Tôi đang ở phòng ông. Và đây trên nóc tủ là một cái rương cũ, phủ đầy bụi và nhện, nhưng không khóa. Và đây, ở trong, là câu trả lời cho lời cầu nguyện của tôi. Không chỉ một tấm ga, mà là một tấm ga đã khoét lỗ sẵn! Nó đây rồi, bên trong chiếc cặp da ở trong cái rương, dưới cái ống nghe cũ và tuýp thuốc xịt hiệu Vicks mốc meo... sự xuất hiện của tấm ga tại vở diễn không khác gì một cú sốc.
Ông tôi vừa thấy nó đã chồm dậy và gầm lên. Ông sải bước lên sân khấu và lột áo ma của tôi ngay trước mắt mọi người. Môi bà tôi mím chặt đến mức chúng cơ hồ biến mất. Giữa họ với nhau, một gầm lên với tôi bằng giọng của người lái đò bị lãng quên, một thể hiện cơn giận dữ bằng đôi môi tan biến, họ đã biến con ma đáng sợ thành một mớ bèo nhèo thút thít. Tôi bỏ trốn, cúp đuôi chạy ra mảnh ruộng ngô nhỏ, không hiểu điều gì vừa xảy ra. Tôi ngồi đó - có lẽ đúng ngay chỗ Nadir Khan từng ngồi! - mấy tiếng liền, thề sống thề chết không bao giờ mở một cái rương cấm nữa, và mơ hồ cảm thấy ấm ức vì nó không được khóa ngay từ đầu. Nhưng từ cơn thịnh nộ của họ, tôi biết rằng tấm ga, vì lẽ gì đó, thật sự rất quan trọng.)
Tôi bị Padma làm gián đoạn, cô đem bữa tối đến rồi giữ lại, tống tiền tôi: “Nếu anh định vùi đầu nguệch ngoạc cho hỏng mắt thì ít nhất anh cũng phải đọc cho tôi nghe.” Tôi trước nay luôn tự đàn hát kiếm cơm, nhưng biết đâu Padma của chúng ta sẽ có ích, vì không gì cản nổi cô đóng vai nhà phê bình. Cô đặc biệt giận dữ trước nhận xét của tôi về tên mình. “Anh thì biết gì, cậu ấm?” cô quát - huơ tay chém gió. “Ở làng tôi chẳng việc gì phải xấu hổ nếu được đặt tên theo Bà Chúa Phân sất. Viết ngay là anh sai cho tôi, sai lè ra ấy.” Thể theo ý nguyện của bông sen của tôi, tôi xin bổ sung, không chút chậm trễ, một khúc tụng ca ngắn về Phân.
Phân, thứ làm đất đai màu mỡ và mùa màng sinh sôi! Phân, thứ được ép thành bánh mỏng như chapati[3] từ lúc còn tươi và ướt, rồi mang bán cho các hiệp thợ nề để họ đem trát và gia cố tường những ngôi nhà kiểu kachcha[4] xây từ bùn! Phân, ra đời từ phần hậu thấp kém của gia súc, đã đi một chặng đường dài để xác lập vị thế linh thiêng và thần thánh của mình! Phải rồi, tôi sai, tôi thừa nhận mình có định kiến, chắc chắn rồi, vì cái mùi đen đủi ấy quả tình rất dễ làm tổn thương cái mũi nhạy cảm của tôi - hẳn là tuyệt vời xiết bao, đáng yêu biết dường nào khi được mang tên của Đấng Ban Phân!
[3] Một loại bánh mì không men hình tròn và dẹt của Ấn Độ.
[4] Kiểu kiển trúc đặc trưng của Ấn Độ, sử dụng những vật liệu tự nhiên như bùn, tre, gỗ, cỏ.
... Ngày 6 tháng Tư năm 1919, thánh địa Amritsar sực nức (rất huy hoàng, Padma, rất thần tiên!) hương phân. Và có lẽ cái nồng nàn (diễm tuyệt!) ấy không hề làm Cái Mũi trên mặt ông tôi khó chịu, nói cho cùng, nông dân Kashmir vẫn dùng nó, như một thứ vữa, như tôi đã tả ở trên. Ngay ở Srinagar, hình ảnh những người bán rong đẩy xe ba gác chở phân bánh cũng không có gì xa lạ. Nhưng phân ấy khô, hết mùi, hữu ích. Phân ở Amritsar tươi và (tệ hơn) thừa mứa. Mà không phải toàn phân bò. Nó rơi xuống từ mông lũ ngựa đi giữa càng xe của vô số tonga, ikka và gharry[5] của thành phố, từ những la những người những chó đi theo tiếng gọi của tự nhiên, chan hòa trong tình huynh đệ của cứt. Nhưng cũng có cả bò: đàn bò thiêng lang thang trên phố xá bụi mù, từng con tuần tra lãnh thổ của mình, đánh dấu chủ quyền bằng phân. Và ruồi! Kẻ Thù Số Một Của Cộng Đồng, hoan hỉ vo ve từ đống cứt này sang đống cứt nóng hổi khác, ăn mừng và thụ phấn chéo cho những tặng vật biếu không ấy. Cả thành phố cũng nhộn nhạo, phản chiếu chuyển động của lũ ruồi.
Bác sĩ Aziz đang từ cửa sổ khách sạn nhìn xuống khung cảnh ấy khi một tin đồ Kỳ Na giáo đeo khẩu trang đi qua, cầm cây chổi xể quét vỉa hè trước mặt để khỏi giẫm phải một con kiến, hay một con ruồi. Từng làn khói thơm cay bốc lên từ một xe quà vặt.
“Pakora nóng, pakora nóng đây!” Một phụ nữ da trắng đang hỏi mua lụa ở cửa hiệu bên kia đường, và mấy gã đàn ông đội khăn xếp đang liếc mắt tống tình cô ả.
Naseem - giờ là Naseem Aziz đang đau đầu ghê gớm. Đây là lần đầu tiên cô tái phát một chứng bệnh, nhưng cuộc sống ngoài cái thung lũng bình lặng của cô đã ập tới như một cú sốc với cô. Đầu giường cô để một bình nước chanh tươi, cạn đi rất mau. Aziz đứng bên cửa sổ, hít thành phố vào lồng ngực. Ngọn tháp của Đền Vàng lóe sáng dưới ánh mặt trời. Nhưng mũi anh đang ngứa: có gì không ổn ở đây.
[5] Ba loại xe ngựa kéo phổ biến ở Ấn Độ.
Cận cảnh bàn tay phải ông tôi: móng tay đốt tay ngón tay đều ít nhiều lớn hơn người ta tưởng. Dăm túm lông đỏ ở mặt trên ngón tay. Ngón cái và ngón trỏ kẹp sát nhau, chỉ bị ngăn cách bởi độ dày của một tờ giấy. Tóm lại: ông tôi đang cầm một tờ truyền đơn. Nó vừa được dúi vào tay ông (ta nhảy sang viễn cảnh - dân Bombay ai cũng có vốn từ vựng cơ bản về điện ảnh) lúc ông bước vào sảnh khách sạn. Một thằng oắt thoăn thoắt phóng qua cánh cửa quay, truyền đơn lả tả phía sau, gã chaprassi[6] đuổi theo. Từng vòng quay điên cuồng quanh cánh cửa, vòng nối vòng. Tới khi bàn tay gã chaprassi cũng đòi được cận cảnh, bởi ngón cái ngón trỏ đang kẹp sát nhau, chỉ ngăn cách bởi độ dày của tai thằng oắt. Kẻ gieo rắc rác rưởi vị thành niên bị tống khứ, nhưng ông tôi đã giữ lại bức thông điệp.
Lúc này, nhìn ra cửa sổ, ông thấy nó được vọng lại trên bức tường đối diện, và ở kia, trên ngọn tháp thánh đường, và dưới dạng chữ in khổ lớn trên tờ báo kẹp dưới nách một người bán rong. Truyền đơn báo chí thánh đường tường nhà đang hét lớn: Hartal! Mà, theo nghĩa đen, là một ngày của khóc thương, của bất động, của im lặng. Nhưng đây là Ấn Độ trong buổi hoàng kim của Mahatma, khi ngôn ngữ cũng phục tùng mệnh lệnh của Gandhiji, và từ này, dưới tác động của ông, đã mang những âm hưởng mới. Hartal - 7 tháng Tư, thánh đường báo chí bức tường và truyền đơn đều hưởng ứng, bởi Gandhi đã ra sắc lệnh rằng cả Ấn Độ, ngày hôm ấy, sẽ ngừng hoạt động. Để khóc thương, trong hòa bình, sự tiếp tục hiện diện của người Anh.
[6] Nhân viên gác cổng khách sạn.
“Em chẳng hiểu tại sao lại hartal khi không ai chết cả,” Naseem khóc tỉ tê. “Sao tàu không chạy? Mình còn kẹt ở đây bao lâu?”
Bác sĩ Aziz thấy một thanh niên dáng dấp nhà binh trên đường, và nghĩ - người Ấn đã chiến đấu cho người Anh, rất nhiều trong số họ đã đi khắp thế giới, và bị Ngoại quốc tiêm nhiễm. Họ sẽ không dễ dàng quay về thế giới cũ. Người Anh đã lầm khi định quay ngược thời gian. “Thông qua Đạo luật Rowlatt là một sai lầm,” anh lẩm bẩm.
“Rowlatt gì ?” Naseem rền rĩ. “Chẳng có ý nghĩa gì với em hết!”
“Cấm vận động chính trị,” Aziz giải thích, rồi trở lại với suy nghĩ của anh.
Tai từng nói: “Dân Kashmir khác. Mấy thằng hèn chẳng hạn. Nhét súng vào tay một gã Kashmir, nó sẽ phải tự nổ, không đời nào gã dám bóp cò. Ta khác dân Ấn, luôn gây chiến.” Aziz, với Tai trong đầu, không thấy mình Ấn Độ. Kashmir, nói cho cùng, nếu khắt khe mà xét thì không phải một bộ phận của Đế chế, mà là một tiểu quốc độc lập. Anh không chắc cuộc hartal của truyền đơn thánh đường tường nhà báo chí này là cuộc chiến của mình, dù anh đang đứng trên vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Anh quay đi khỏi cửa sổ...
... Và thấy Naseem khóc tỉ tê trên gối. Cô bắt đầu sùi sụt từ khi anh bảo cô, vào đêm thứ hai, nắc đi một tí. “Nắc gì?” cô hỏi. “Nắc sao?”
Anh lúng túng nói, “Thì nắc thôi, tức là, như đàn bà ấy...”
Cô rú lên kinh hãi. “Trời ơi, tôi lấy phải gì thế này? Tôi biết bọn đàn ông đi Tây về các anh. Các anh gặp những ngữ đàn bà gớm ghiếc rồi bắt chúng tôi bắt chước! Nghe này, Bác sĩ Sahib, có chồng hay không chồng, tôi cũng không phải hạng đàn bà... chẳng ra gì.” Đây là một trận chiến mà ông tôi không bao giờ thắng và nó định tông cho cuộc hôn nhân giữa họ, điều sẽ mau chóng trở thành một địa điểm nổ ra chiến sự thường xuyên và khốc liệt, dưới sự tàn phá của nó cô thiếu nữ sau tấm ga và chàng Bác sĩ trẻ vụng về nhanh chóng biến thành những sinh vật khác biệt, xa lạ...
“Gì nữa đây mình?” Aziz hỏi.
Naseem vùi mặt vào gối. “Còn gì nữa?” giọng cô tắc nghẹn, “Anh, chứ còn gì nữa? Anh muốn tôi trần truồng đi lại trước mặt đàn ông lạ.” (Anh ấy bảo cô bỏ đeo mạng che mặt.)
Anh bảo, “Áo mình phủ kín người mình từ cổ đến tay đến gối. Quần mình che người mình tới tận mắt cá chân. Chỉ còn có bàn chân và mặt. Mình nói xem, mặt và chân mình là tục tĩu à?”
Nhưng cô rền rĩ, “Họ sẽ thấy nhiều hơn thế, họ sẽ thấy nỗi nhục nhã ê chề ê chề của tôi!”
Và giờ một tai nạn, nó sẽ phóng chúng ta vào thế giới của Mercurochrome... Aziz, bắt đầu mất bình tĩnh, lôi sạch mạng che mặt của vợ trong va li ra, ném vào cái thùng tôn đựng rác sơn hình Guru Nanak bên hông, rồi châm lửa. Ngọn lửa bùng lên, làm anh bất ngờ, liếm vào tấm rèm. Aadam chạy bổ ra cửa kêu cứu trong khi tấm rèm rẻ tiền bắt lửa và người hầu khách trọ thợ giặt đổ xô vào phòng, lấy giẻ lau khăn tắm và quần áo của khách đập bồm bộp lên chỗ vải đang cháy. Nước được xách đến, lửa được dập tắt, và Naseem co rúm ở trên giường trong khi độ ba mươi lăm người Sikh, Hindu và tiện dân chen chúc trong căn phòng đầy khói. Sau cùng họ bỏ đi, và Naseem buông ra hai câu trước khi mím chặt môi lại đầy bướng bỉnh.
“Anh là đồ điên. Cho tôi thêm nước chanh.”
Ông tôi mở cửa sổ, quay lại người vợ trẻ. “Khói phải một lúc nữa mới tan hết, tôi đi dạo một chút. Mình có đi không?”
Môi mím chặt, mắt nhắm tịt, một chữ Không quyết liệt từ cái đầu, thế là ông tôi đi ra phố một mình. Với câu chốt hạ: “Quên chuyện làm một cô gái Kashmir ngoan ngoãn đi. Hãy nghĩ đến việc làm một phụ nữ Ấn Độ hiện đại.”
... Trong khi tại khu Doanh trại, ở Tổng hành dinh của Quân đội Anh, một viên Chuẩn tướng R.E. Dyer đang vuốt sáp lên râu.
Hôm đó là ngày 7 tháng Tư năm 1919, và tại Amritsar ý tưởng lớn lao của Mahatma đang bị bóp méo. Hàng quán đã nghỉ, nhà ga đã đóng, nhưng giờ đây chúng bị đám đông bạo loạn phá tan tành. Bác sĩ Aziz, tay xách cặp da, đang ở ngoài phố, giúp được chỗ nào là giúp. Những nạn nhân bị giẫm đạp bị bỏ lại ngay chỗ họ ngã xuống. Anh băng bó các vết thương, phết bừa Mercurochrome lên đó, khiến chúng nhìn máu me hơn bao giờ hết, nhưng ít nhất cũng được sát trùng. Cuối cùng anh trở về khách sạn, quần áo sũng đỏ bê bết, và Naseem phát hoảng lên.
“Để em giúp, để em giúp, lạy đấng Allah, con lấy phải ai thế này, ra đầu đường xó chợ đánh lộn với lũ côn đồ!” Cô xoắn xuýt quanh anh với mấy nùi bông thấm nước. “Em chẳng hiểu sao mình không thể làm một anh bác sĩ đàng hoàng như người ta chỉ chữa những bệnh quan trọng các thứ thôi. Chúa ơi người mình toàn máu thôi! Yên, yên nào, ít nhất cũng để em rửa cho đã!”
“Không phải máu đâu, mình.”
“Mình tưởng em không biết tự nhìn đấy hẳn? Sao lúc bị thương mình cũng cứ phải giễu em thế? Vợ mình cũng không được săn sóc cho mình à?”
“Đấy là Mercurochrome, Naseem. Thuốc đỏ.”
Naseem - người vừa biến thành một cơn lốc hành động, nhặt quần áo, vặn vòi nước, khựng lại. “Anh cố tình làm thế,” cô nói “để biến tôi thành con ngốc. Tôi không ngốc đâu. Tôi cũng đọc mấy quyển sách rồi đấy.”
Hôm đó là 13 tháng Tư, và họ vẫn kẹt lại Amritsar.
“Vụ này chưa xong đâu,” Aadam Aziz bảo Naseem. “Ta không thể đi được, mình thấy đấy: có thể họ sẽ lại cần bác sĩ.”
“Nghĩa là ta phải chờ ở đây đến ngày tận thế à?”
Anh dụi mũi: “Không, không lâu đâu, tôi e rằng không.”
Chiều hôm đó, đường phố bỗng đông nghịt người, tất cả đi về một hướng, bất chấp lệnh Thiết quân luật mới ban bố của Dyer, Aadam bảo Naseem, “Chắc sắp có mít tinh - thể nào cũng gặp rắc rối với quân đội. Họ đã có lệnh cấm mít tinh.”
“Sao mình lại phải đi? Sao không đợi người ta gọi ?”
... Một compound[7] có thể là bất cứ chỗ nào, từ bãi đất hoang cho đến công viên. Compound lớn nhất Amritsar có tên là Jallianwala Bagh. Ở đây ít cỏ. Mặt đất đầy sỏi đá chai lọ và các thứ khác. Muốn vào được đây, người ta phải đi qua một con hẻm rất hẹp giữa hai tòa nhà. Vào ngày 13 tháng Tư, hàng nghìn người Ấn Độ lũ lượt kéo vào con hẻm này. “Phản đối trong hòa bình” ai đó bảo Bác sĩ Aziz. Bị cuốn theo dòng người, anh đi tới đầu hẻm. Chiếc cặp đến từ Heidelberg trên tay phải. (Không cần phải cận cảnh.) Ông đang rất sợ hãi, tôi biết, vì mũi ông đang ngứa dữ dội hơn bao giờ hết, nhưng ông là một bác sĩ đã qua đào tạo, ông gạt nó ra khỏi đầu, rồi tiến vào compound.
Ai đó đang diễn thuyết rất hăng say. Những người bán rong len lỏi giữa đám đông mời chào channa và của ngọt. Không khí đầy bụi. Xem ra sẽ không có bọn côn đồ hay phá hoại, ít ra là ông tôi không thấy. Một nhóm người Sikh trải một mảnh vải ra đất và đang quây quần ăn uống. Không khí vẫn có mùi phân. Aziz đi xuyên vào trung tâm đám đông, đúng lúc Chuẩn tướng R.E. Dyer xuất hiện ở lối vào con hẻm, theo sau là năm mươi binh sĩ ưu tú. Ông ta là Chỉ huy Thiết quân luật ở Amritsar - một nhân vật quan trọng, nói gì thì nói, hai chỏm râu chuốt sáp cứng đơ lên đầy quan trọng. Đúng lúc năm mươi mốt người tiến vào trong hẻm, một cơn buồn thay thế cơn ngứa ở mũi ông tôi.
Năm mươi mốt người tiến vào compound và chiếm lĩnh các vị trí, hai lăm bên phải Dyer và hai lăm bên trái, và Aadam Aziz ngừng tập trung vào những sự kiện xung quanh khi cơn ngứa lên đến đỉnh điểm không chịu nổi. Đúng lúc Chuẩn tướng Dyer phát lệnh, cú hắt xì táng thẳng vào mặt ông. “Hắắt – xììììì!” ông hắt xì hơi và cắm người ra trước, mất thăng bằng, lao theo cái mũi và nhờ đó thoát chết. “Hành trang bác sĩ” của ông xổ tung ra: chai lọ, dầu xoa bóp và xyranh tung tóe trong đám bụi. Ông điên cuồng sờ soạng dưới chân người ta, cố cứu lấy chỗ dụng cụ trước khi chúng bị giẫm nát.
Một tiếng ồn như răng gõ lập cập khi trời rét vang lên, có người ngã đè lên ông. Màu đỏ ướt đẫm áo ông. Có tiếng la thét và kêu khóc và tiếng lập cập kỳ quái nọ lại tiếp tục. Dường như càng lúc càng nhiều người ngã chồng lên ông tôi. Ông bắt đầu lo cho cái lưng mình. Cái khóa cặp đang đục lõm ngực ông, gây ra một vết bầm tím nghiêm trọng và bí hiểm đến mức nó sẽ không tan đến tận sau khi ông chết, nhiều năm sau, trên đồi Sankara Acharya hay Takht-e-Sulaiman. Mũi ông gí sát một lọ thuốc viên màu đỏ.
Tiếng lập cập ngừng lại và thay bằng tiếng ồn của người và chim. Dường như không hề có tiếng ồn của xe cộ. Năm mươi người của Chuẩn tướng Dyer hạ súng máy xuống rồi rút đi. Họ đã bắn tổng cộng một nghìn sáu trăm năm mươi phát vào đám đông không vũ khí. Trong đó, một nghìn năm trăm mười sáu đã trúng đích, giết hoặc làm bị thương ai đó.
“Bắn oách lắm,” Dyer bảo người của mình, “ta vừa làm một việc cực oách.”
[7] Một khu đất rộng có tường hoặc rào vây quanh. Đây là một nghĩa đặc thù của từ này ở Ấn Độ.
Khi ông tôi trở về đêm đó, bà tôi đang rất cố gắng làm một phụ nữ hiện đại, vì thế bà không tỏ vẻ gì khi thấy ông. “Xem ra mình lại đánh đổ Mercurochrome nữa rồi, vụng về ạ,” bà nói, giọng làm lành.
“Máu đấy.” Ông đáp, và bà ngất xỉu.
Khi ông làm bà tỉnh lại với sự trợ giúp từ một chút muối ngửi, bà hỏi: “Mình có sao không?”
“Không,” ông đáp.
“Nhưng mình vừa ở đâu thế, lạy Chúa?”
“Không ở mặt đất này.” Ông đáp, và run lên trong vòng tay bà.
Bàn tay tôi, tôi xin thú thực, bắt đầu lẩy bẩy, không hẳn vì câu chuyện của nó, mà vì tôi nhận thấy một vết nứt mảnh, như sợi tóc, vừa xuất hiện trên cổ tay tôi, bên dưới lớp da... Có hề gì. Chúng ta đểu nợ cái chết một mạng. Vì thế tôi xin phép kết thúc bằng một tin đồn chưa kiểm chứng rằng lão lái đò Tai, người đã khỏi bệnh nhiễm trùng tràng nhạc không bao lâu sau khi ông tôi rời Kashmir, không chết cho đến năm 1947, khi mà (vẫn theo lời đồn), điên tiết vì Ấn Độ và Pakistan tranh giành thung lũng của mình, lão đến Chhamb với ý định cụ thể là đứng giữa hai phe đối địch và nói cho chúng biết mặt. Kashmir của dân Kashmir: đấy là lời lão. Cố nhiên, họ bắn lão. Oskar Lubin hẳn đã tán thành cử chỉ hùng hồn của lão; R.E. Dyer hẳn đã tán dương tài thiện xạ của những kẻ sát hại lão.
Tôi phải đi ngủ. Padma đang chờ, và tôi cần chút hơi ấm.