Ngư dân đến đây đầu tiên. Trước tiếng tích tắc của Mountbatten, trước lũ quái vật và những lời tuyên bố công khai, khi hôn nhân dưới lòng đất vẫn là điều không tưởng và ống nhổ còn chưa ai biết đến. Sớm hơn Mercurochrome, xưa hơn các nữ đô vật chăng những tấm ga giường khoét lỗ, và trước, trước nữa, xa hơn Dalhousie và Elphinstone, trước khi Công ty Đông Ấn xây Pháo đài, trước William Methwold đầu tiên. Vào buổi bình minh của lịch sử, khi Bombay vẫn là một hòn đảo hình quả tạ tay, thắt lại ở giữa thành một dải bờ hẹp lung linh mà từ đó ta có thể thấy cảng biển tự nhiên đẹp và rộng nhất châu Á. Khi Mazagaon và Worli, Matunga và Mahirm, Salsette và Colaba vẫn còn là đảo - nói cách khác, trước thời kỳ lấn biển, trước khi tetrapod[1] và cọc chìm biến vùng Bảy Đảo thành một bán đảo, dài như một bàn tay tham lam xòe rộng, vươn về phía Tây ra biển Ả Rập.
Ở thế giới ban sơ trước thời của những tháp đồng hồ, ngư dân - được gọi là Koli - chèo những chiếc dhow Ả Rập, giương những cánh buồm đỏ trên nền mặt trời sắp lặn. Họ bắt cá chim cùng cua bể, và biến tất cả chúng ta thành dân mê cá. (Hay gần như tất cả. Padma đã quy phục dưới ma thuật huyền ngư của họ; nhưng tại nhà tôi, chúng tôi bị lây tính khác người từ huyết thống Kashmir, với sự lạnh nhạt băng giá của bầu trời xứ Kashmir, và tiếp tục là dân ăn thịt.)
[1] Những khối bê tông lớn có bốn chân, được sử dụng để lấp đất lấn biển.
Khi ấy cồn có cả dừa và lúa. Và, trên hết, có sự ngự trị từ ái của nữ thần Mumbadevi, mà tên tuổi - Mumbadevi, Mumbabai, Mumbai - hẳn đã có thể trở thành tên thành phố. Nhưng hồi ấy, người Bồ Đào Nha đặt tên nơi này là Bom Bahia vì cảng biển của nó, chứ không phải vì vị thần của ngư dân bắt cá chim… người Bồ Đào Nha là những kẻ xâm lăng đầu tiên, sử dụng cảng để che chở cho tàu buôn và chiến hạm của mình. Nhưng rồi, một ngày năm 1633, một nhân viên ở Công ty Đông Ấn tên là Methwold hình dung ra một viễn cảnh. Viễn cảnh này - giấc mơ về một Bombay thuộc Anh, thành lũy kiên cố, sẽ bảo vệ một dải Tây Ấn trước mọi kẻ xâm nhập - đó là một ý tưởng có sức mạnh ghê gớm đến mức khiến thời gian chuyển động.
Lịch sử dâng trào, Methwold chết, năm 1660, Charles II nước Anh đính hôn với Catharine của Gia tộc Braganza Bồ Đào Nha - chính cái bà hoàng Catharine sẽ suốt đời đóng vai đào phụ cho ả Nell bán cam[2]. Nhưng bà có niềm an ủi này - rằng chính món hồi môn của mình đã đem Bombay đặt vào tay người Anh, hẳn là trong một chiếc thùng tôn xanh, và đem viễn cảnh của Methwold một bước nữa đến gần hiện thực. Sau đó không bao lâu, là đến ngày 21 tháng Chín năm 1668, khi Công ty Đông Ấn rốt cuộc đã chạm được tay vào hòn đảo... và rồi họ bắt tay làm, với Pháo đài và dự án lấn biển, và trong chớp mắt một thành phố ra đời, Bombay, mà có một bài ca cũ hát rằng:
Prima in Indis,
Cửa ngõ vào Ấn Độ
Ngôi sao của phương Đông
Mặt ngoảnh về phương Tây
[2] Gwyn Nell, một người bán cam chuyển nghề làm diễn viên, sau này trở thành tình nhân của Charles II.
Bombay của chúng ta, Padma! Hồi ấy nó khác lắm không có hộp đêm hay nhà máy rau quả ngâm hay khách sạn Oberoi-Sheraton hay phim trường; nhưng thành phố phát triển với tốc độ chóng mặt, có một nhà thờ và một bức tượng kỵ mã của vị vua chiến binh Sivaji xứ Mahratta (mà chúng tôi nghĩ là) sống dậy về đêm và phóng sầm sập trên những nẻo đường thành phố - dọc Đại lộ Marine Drive! Trên bãi biển Chowpatty! Qua những ngôi nhà đồ sộ trên Đồi Malabar, quanh Góc phố Kemp, ngả nghiêng dọc bờ biển tới tận Scandal Point!
Và phải, sao lại không, chạy mãi chạy mãi, xuống đường Warden nhà tôi, dọc những bể bơi chia khu của Breach Candy, ngược lên Đền Mahalaxmi nguy nga và Câu lạc bộ Willington cũ kỹ... Suốt thời thơ ấu của tôi, mỗi khi Bombay rơi vào thời kỳ đen tối, một kẻ mất ngủ đi đêm nào đó sẽ kể rằng mình đã thấy bức tượng phóng qua; tai họa, ở thành phố thời thơ ấu của tôi, nhảy múa theo điệu nhạc ma quái từ những chiếc móng bằng đá xám của một con ngựa.
Và giờ họ ở đâu, những cư dân đầu tiên ấy ? Trong số họ dừa là khá nhất. Dừa vẫn bị chặt đầu hằng ngày trên bãi biển Chowpatty; trong khi ở bãi Juhu, dưới ánh mắt uể oải của các minh tinh màn bạc ngụ tại Khách sạn Sun ’n’ Sand, những cậu bé vẫn thoăn thoắt trèo dừa và hái xuống thứ quả râu xồm.
Dừa có cả một lễ hội của riêng mình, Ngày Dừa, được tổ chức chỉ vài hôm trước ngày sinh đồng thời điểm của tôi. Về phần dừa, quý vị có thể yên tâm. Lúa thì không may mắn thế; những ruộng lúa giờ đây đã vùi dưới bê tông; chung cư mọc lên nơi lúa từng ngâm mình trong bùn và từ đó ta có thể nhìn thấy biển. Thế nhưng, ở thành phố, chúng ta vẫn là dân nghiền gạo. Gạo Patna, Basmati, Kashmiri, ngày ngày vẫn đổ về thành thị; cho nên thứ gạo gốc, nguyên thủy vẫn lưu dấu ấn trên tất cả chúng ta, và không thể nói là đã chết đi vô ích.
Về phần Mumbadevi - ngày nay bà không được ưa chuộng lắm, đã bị thay thế bằng thần Ganesh đầu voi trong sự sùng bái của cư dân. Lịch lễ hội cho thấy sự suy vi của bà: Ganesh - “Ganpati Baba” - có lễ hội Ganesh Chaturthi của mình, khi những đám rước hoành tráng được tiền hô hậu ủng, diễu hành đến Chowpatty mang theo tượng thạch cao của vị thần, rồi ném xuống biển. Ngày Ganesh là dịp lễ cầu mưa, nó gọi gió mùa về, nó cũng được tổ chức vài ngày trước khi tôi xuất hiện cuối kỳ tích tắc đếm ngược - nhưng còn ngày của Mumbadevi ở đâu? Nó không có trong lịch. Lời nguyện cầu của dân đánh cá chim, câu khấn vái của người săn cua bể đi về đâu?...
Trong số những cư dân đầu tiên, ngư dân Koli có kết cục thê thảm nhất. Ngày nay bị nhồi vào một ngôi làng tí hon ở ngón cái của bán đảo hình bàn tay, họ được công nhận là đã mang đến cái tên cho một quận - Colaba. Nhưng hãy đi đến cuối Đê Colaba - qua những hàng quần áo rẻ tiền và quán ăn Iran và những căn hộ hạng xoàng của giáo viên, nhà báo và thư ký - quý vị sẽ tìm thấy họ, mắc kẹt giữa căn cứ hải quân và biển cả. Và đôi khi những phụ nữ Koli, tay tanh mùi ruột cá và thịt cua, lại ngạo nghễ chen lên hàng người chờ xe buýt ở Colaba, với tấm sari màu gấc (hay tím) xắn lên đầy khiêu khích giữa hai chân, với một ánh nhìn nhói lòng của những lần thất bại và bị tước đoạt xa xưa trong đôi mắt lồi có phần giống cá của họ.
Một pháo đài, rồi đến một thành phố, cướp đất của họ; máy đóng cọc đã (rồi tetrapod sẽ) đánh cắp từng mảnh biển của họ. Nhưng những chiếc dhow Ả Rập vẫn đây, vẫn chiều chiều dong buồm trên bóng hoàng hôn... tháng Tám năm 1947, người Anh, kẻ chấm dứt sự thống trị của chài lưới, dừa, lúa và Mumbadevi, chuẩn bị đến lượt mình ra đi; không có sự thống trị nào là vĩnh cửu.
Và ngày 19 tháng Sáu, hai tuần sau khi đến nơi bằng tàu Frontier Mail, cha mẹ tôi bước vào cuộc mặc cả kỳ quái với một người Anh sắp ra đi như vậy. Tên ông ta là William Methwold.
Lối vào Điền trang Methwold (ta đang bước vào vương quốc của tôi, tiến vào trái tim của tuổi thơ tôi; cổ tôi bỗng dưng nghẹn lại) rẽ khỏi đường Warden ở đoạn giữa bến xe buýt và một dãy cửa hàng nhỏ. Hiệu đồ chơi Chimalkers; Thiên Đường của Độc giả[3]; hiệu kim hoàn Chimanbhoy Fatbhoy; và, trên hết, Bombelli hàng Bánh kẹo, với bánh Hầu tước, với Sô Cô La Dài Cả Mét! Những cái tên lừng lẫy; nhưng giờ chưa phải lúc. Đi qua cậu bé thị đồng bằng bìa đang giơ tay chào ở Hiệu giặt là Band Box, con đường đưa ta về nhà.
Ngày ấy tòa cao ốc màu hường của đám đàn bà nhà Narlikar (sự mô phỏng xấu xí cột sóng phát thanh ở Srinagar!) thậm chí còn chưa có trong suy nghĩ của bất kỳ ai; con đường đi lên một quả đồi thấp, không cao hơn ngôi nhà hai tầng là mấy; nó lượn vòng ra biển, nhìn xuống Câu lạc bộ Bơi lội Breach Candy, nơi dân da hồng có thể bơi trong cái bể hình Ấn-Độ-thuộc-Anh mà chẳng sợ cọ xát phải một làn da đen; và kia, bề thế tọa lạc xung quanh một vòng xuyến nhỏ, là bốn tòa cung điện của William Methwold, trên đó treo những tấm biển rồi sẽ - nhờ tôi - tái xuất hiện nhiều năm sau, những tấm biển hai chữ; hai thôi, nhưng đã lùa được cặp cha mẹ khờ khạo của tôi vào trò chơi quái dị của Methwold: BÁN NHÀ.
[3] Tên một hiệu sách.
Điền trang của MethwoId: bốn tòa nhà giống hệt nhau có phong cách kiến trúc tương xứng với những chủ nhân đầu tiên (nhà của kẻ chinh phục! Biệt thự La Mã; những ngôi nhà ba tầng của các vị thần, trên một đỉnh Olympus hai tầng, một ngọn Kailash[4] lùn!) - những dinh thự rộng, vững chãi có mái đỏ chữ A và tháp canh bốn góc, những ngọn tháp trắng ngà đội mũ ngói đỏ chóp nhọn (rất hợp để nhốt các nàng công chúa!) - những ngôi nhà có hàng hiên, nối với khu của người hầu bằng cầu thang sắt xoắn ốc khuất ở mặt sau - những ngôi nhà mà chủ nhân của chúng, William Methwold, đặt tên một cách vương giả theo những cung điện châu Âu: Biệt thự Versailles, Biệt thự Buckingham, Biệt thự Escorial và Sans Souci. Hoa giấy bò khắp nơi; cá vàng bơi giữa những bể nước xanh lợt; xương rồng mọc trong thạch viên; những cây xấu hổ bé xíu chen chúc dưới mấy gốc me; có bướm và hoa hồng và cả ghế mây trên thảm cỏ.
Và vào cái ngày giữa tháng Sáu ấy, Ngài Methwold bán những cung điện trống không của mình với cái giá thấp đến kỳ cục - nhưng có một số điều kiện. Và bây giờ, không dền dứ thêm nữa, tôi giới thiệu ông ta với quý vị, vẹn nguyên với đường ngôi nằm giữa mái tóc... một vị thần Titan cao mét tám, tay Methwold này, mặt tươi màu hoa hồng và tuổi trẻ vĩnh cửu, ông ta có mái tóc đen dày chuốt dầu thơm, rẽ ngôi ở chính giữa. Rồi ta sẽ nói về cái ngôi giữa này, mà sự thẳng thớm như cây thông nòng súng khiến MethwoId trở nên không cưỡng nổi trước đàn bà, khiến họ không sao kiềm chế được nổi ham muốn vò tung nó lên…
Mái tóc của Methwold, rẽ ngôi giữa, liên quan rất mật thiết đến sự ra đời của lôi. Đó là một trong những đường viền mái tóc mà dọc theo nó lịch sử và tình dục sẽ vận động. Như diễn viên xiếc đi dây. (Nhưng bất chấp tất cả, ngay cả tôi, người chưa từng gặp ông ta, chưa từng quan sát hàm răng sáng loáng ung dung hay mái tóc chải chuốt cầu kỳ ấy, cũng không thể đem lòng oán hận ông ta được).
[4] Một đỉnh núi thuộc dãy Himalaya, được coi là nơi ở của thần linh.
Còn mũi ông ta? Trông nó thế nào? Nổi bật? Phải, hẳn rồi, di sản của người bà quý tộc Pháp - từ Bergerac! - mà dòng máu chảy trong huyết quản ông ta biếc màu bích thủy và khiến nét hào hoa phong nhã ấy tối lại với một điều gì đó độc địa hơn, một ánh ngọt ngào chết chóc của ngải đắng.
Điền trang của Methwold được bán với hai điều kiện: rằng mỗi ngôi nhà được mua kèm theo tất cả mọi thứ bên trong, và toàn bộ đồ đạc phải được chủ nhân mới lưu giữ; việc chuyển giao thực sự sẽ không diễn ra cho đến nửa đêm 15 tháng Tám.
“Mọi thứ?” Amina Sinai hỏi. “Em không thể vứt đi cả một cái thìa? Allah, cái chụp đèn kia... Em không thể bỏ đi một cái lược?”
“Thượng vàng hạ cám,” Methwold nói. “Đấy là điều kiện của tôi. Ngẫu hứng, Ngài Sinai... ngài sẽ cho phép tay thực dân sắp cuốn gói chơi trò chơi nhỏ của hắn chứ? Bọn tôi còn gì mấy để làm nữa đâu, dân Anh bọn tôi, ngoài việc chơi trò chơi.”
“Mình nghe này, nghe này, Amina,” sau này Ahmed nói, “Mình muốn sống ở cái phòng khách sạn này suốt đời à? Cái giá ấy rất tuyệt; quá tuyệt là đằng khác. Và ông ta còn làm gì được sau khi đã bàn giao giấy tờ? Lúc đó mình thích vứt cái chụp đèn nào thì vứt. Có chưa đầy hai tháng...”
“Các vị sẽ uống cocktail trong vườn nhé?” Methwold nói, “Sáu giờ chiều hằng ngày. Giờ cocktail. Hai mươi năm nay chưa từng sai trật.”
“Nhưng lạy Chúa, cái màu sơn... tủ đồ thì chật ních quần áo cũ, janum... ta sẽ phải sống với đống vali, chẳng có chỗ để cất lấy một bộ quần áo!”
“Làm ăn quá tệ, Ngài Sinai ạ,” Methwold nhấp một ngụm Scotch giữa xương rồng và hoa hồng.
“Chưa thấy thế bao giờ. Mấy trăm năm chính quyền tử tế, thế rồi đột nhiên, cắp đít đi luôn. Ngài phải thừa nhận là chúng tôi không phải cái gì cũng xấu: làm đường sá. Trường học, tàu hỏa, và chế độ nghị viện, toàn những thứ tốn kém. Taj Mahal Mahal cứ đổ nát dần cho đến khi một người Anh chịu để mắt đến nó. Và giờ, đột nhiên, độc lập. Bảy mươi ngày để cuốn gói. Tôi cực lực phản đối việc này, nhưng biết làm gì bây giờ?”
“… Nhìn mấy vết ố trên thảm mà xem, janum; suốt hai tháng ta phải sống như những người Anh ấy à? Mình ngó vào nhà tắm chưa? Không có nước cạnh hố xí. Trước giờ em có tin đâu, nhưng hóa ra đúng thật, lạy Chúa, họ chỉ chùi đít bằng giấy thôi!...”
“Ngài nói xem, Ngài Methwold,” giọng Ahmed Sinai biến đổi, trước mặt một người Anh nó biến thành sự bắt chước kệch cỡm chất giọng Oxford lè nhè, “sao nhất thiết phải trì hoãn? Kể ra, bán luôn là hay nhất. Giải quyết dứt điểm đi.”
“… Rồi tranh vẽ mấy mụ già người Anh ở khắp nơi, baba! Đến chỗ để treo ảnh cha tôi trên tường cũng chẳng còn!...’’
“Dường như, Ngài Sinai,” Ngài Methwold rót thêm rượu vào cốc khi mặt trời lao xuống biển Ả Rập ở phía sau bể bơi Breach Candy, “bên dưới cái ngoại hình Anh quốc cứng nhắc này ẩn chứa một tâm hồn mang nỗi thèm khát ẩn dụ rất Ấn Độ.”
“Và uống rượu nhiều quá, janum... như thế không tốt.”
“Tôi không hiểu lắm - Ngài Methwold, ừm - chính xác ngài muốn nói...”
“... Chà, ngài biết đấy: ở mức độ nào đó, tôi cũng đang chuyển giao quyền lực. Ngứa ngáy muốn làm điều đó cùng lúc với đức ngài Raj. Như tôi nói ấy: trò chơi. Chiều ý tôi chứ, Sinai? Nói cho cùng: cái giá này, chính ngài đã thừa nhận, không hề tệ.”
“Ông ta điên rồi à, janum? Mình nghĩ sao: giao dịch thế có an toàn không, nếu ông ta bị dở hơi ?”
“Nghe này, bà xã,” Ahmed Sinai nói.
“Ta nói chuyện này thế đủ rồi. Ngài Methwold là người tử tế; con nhà dòng dõi; nguời có phẩm giá; tôi sẽ không để tên ông ấy bị... Và hơn nữa, những người mua khác chẳng ai làm rộn như mình đâu, tôi đảm bảo... Chưa kể, tôi đã nhận lời rồi, việc này chấm dứt ở đây.”
“Làm cái kẹo giòn,” Ngài Mehwold nói, chìa ra cái đĩa.
“Tự nhiên đi, Ngài S.. Phải, một chuyện kỳ quái. Chưa từng thấy gì như thế. Mấy tay hàng xóm cũ của tôi - toàn dân ở nát đất Ấn Độ này rồi - tự nhiên, cắp đít đi luôn. Chả ra gì. Thấy Ấn Độ mất ngon. Sau một đêm. Quá khó hiểu với một gã đơn giản như tôi. Như thể họ phủi sạch tay - không muốn mang theo một mẩu nào. “Thôi bỏ đi,” họ bảo. Về quê, làm lại từ đầu. Mà có thiếu tiền đâu, chẳng ai thiếu cả, ông biết đấy, nhưng ngay cả thế vẫn quá Dị. Bỏ tôi lại, ôm cả cái nhà. Rồi tôi nảy ra một ý tưởng.”
“… Phải, quyết định, quyết định,” Amina kích động nói, tôi thì ngồi một đống ở đây với đứa bé, tôi thì còn làm được gì nữa? Tôi phải sống ở nhà người lạ với đứa bé đang lớn dần, thì sao ?... Ôi, mình bắt tôi làm những gì thế này...”
“Đừng khóc,” Ahmed nói, đi tới đi lui trong phòng, “Ngôi nhà ấy tốt mà. Mình biết là mình cũng thích nó. Mà có hai tháng… chưa đầy hai tháng... sao, nó đạp à? Để tôi xem nào... Đâu? Đây à?”
“Đấy,” Amina nói, lấy tay quẹt mũi, “Đạp khiếp lên được ấy.”
“Ý tưởng của tôi,” Ngài Methwold giải thích, mắt đăm đăm nhìn mặt trời sắp lặn, “là dàn dựng việc chuyển giao tài sản của riêng tôi. Bỏ lại tất cả, ngài thấy đấy? Chọn những người thích hợp, như ngài chẳng hạn, Ngài Sinai! - rồi bàn giao tất cả nguyên vẹn tuyệt đối: trong tình trạng hoạt động hoàn hảo. Thử nhìn xem: mọi thứ đều ngon nghẻ, ngài có công nhận không? Chuẩn không cẩn chỉnh, tụi tôi vẫn nói. Hay, như các vị trong tiếng Hindu: Sabkuch ticktock hai. Mọi thứ đều ngon lành.”
“Mấy ngôi nhà này cũng toàn người tử tế đang mua thôi,” Ahmed đưa cho Amina cái khăn mùi soa, “hàng xóm mới, tử tế... nhà ông Homi Catrack bên Điện Versailles, người Parsee, nhưng là chủ ngựa đua. Sản xuất phim này kia. Rồi nhà Ibrahim bên Sans Souci, Nussie Ibrahim cũng đang có thai, hai người có thể là bạn bè... và ông lão Ibrahim, có mấy đồn điền sisal[5] hoành tráng ở châu Phi. Gia đình tử tế.”
[5] Một loài cây cho sợi, dùng để bện dây thừng.
“…Và sau đó tôi muốn làm gì với ngôi nhà cũng được...?”
“Ừ, sau đó, tất nhiên, ông ta đi rồi còn đâu...”
“… Tất cả đã được thu xếp đâu vào đấy,” William Methwold nói. “Ngài có biết ông tổ tôi là người có ý tưởng xây dựng cả thành phố này không? Một kiểu Raffles của Bombay[6]. Là hậu duệ của cụ, trong thời khắc trọng đại này, tôi thấy, tôi không biết, cần phải đóng vai của mình. Phải, tuyệt vời... bao giờ ngài dọn đến? Nói một câu là tôi dọn ra Khách sạn Taj ngay. Mai à? Tuyệt lắm. Sabkuch ticktock hai.”
[6] Sir Thomas Stamford Raffles, người thiết lập thương cảnh Anh ở Singapore năm 1818.
Đây là những người đã sống quanh tôi thời thơ ấu: Ngài Homi Catrack, đại gia điện ảnh và chủ ngựa đua, có đứa con gái ngớ ngẩn Toxy, phải bị nhốt cùng bà bảo mẫu, Bi-Appah, người đàn bà đáng sợ nhất tôi từng biết; rồi nhà Ibrahim ở Sans Souci, ông lão Ibrahim Ibrahim có chòm râu dê và sisal, hai ông con trai Ismail và Ishaq, và cô vợ Nussie nhỏ thó le te đen đủi của Ismail, mà tụi tôi vẫn gọi là Nussie-vịt-bầu vì cái dáng đi lạch bạch, chủ nhân của cái tử cung trong đó thằng Sonny bạn tôi đang lớn dần, ngay lúc này, càng lúc càng đến gần hơn cái tai ương vối chiếc kẹp phụ khoa... Biệt thự Escorial được chia thành nhiều căn hộ.
Tầng trệt là nhà Dubash, chồng là một nhà vật lý sẽ trở thành ngọn hải đăng của trung tâm nghiên cứu nguyên tử Trombay, vợ là một phụ nữ tầm thường mà dưới vẻ nhạt nhẽo ẩn giấu một sự cuồng tín tôn giáo thực thụ - nhưng tôi sẽ để nó nằm yên đó, chỉ đề cập đến việc họ là bố mẹ thằng Cyrus (mà vài tháng nữa mới được thụ thai), sư phụ đầu tiên của tôi, đứa chuyên đóng vai con gái trong những vở kịch ở trường, và biệt hiệu là Cyrus-đại-đế.
Tầng trên là bạn của bố tôi Bác sĩ Narlikar, người cũng mua một căn hộ ở đây... ông ta cũng đen như mẹ tôi: có khả năng tỏa sáng rực rỡ mỗi khi hưng phấn hay hứng tình; ghét trẻ con, dù chính ông ta đưa chúng tôi ra đời; và sẽ giải phóng ra thành phố, khi ông ta chết, một đám đàn bà có thể làm mọi chuyện và không chướng ngại gì cản được bước tiến của họ.
Và, cuối cùng, ở tầng cao nhất, là Trung tá Sabarmati và Lila - Sabarmati, ngôi sao đang lên của Hải quân, cùng cô vợ với những sở thích đắt tiền; anh ta vẫn chưa tin nổi vận may của mình khi kiếm được cho cô nàng một căn nhà rẻ thế. Họ có hai con trai, mười tám tháng và bốn tháng, sẽ lớn lên thành hai thằng nhóc một chậm chạp một hiếu động, biệt hiệu Mắt Ghẻ và Tóc Dầu; cả hai không biết (sao mà biết được?) rằng tôi sẽ hủy hoại cuộc đời tụi nó... Được William Methwold lựa chọn, những người sẽ hình thành trung tâm thế giới của tôi dọn đến Điền trang, và chịu đựng sự ngẫu hứng kỳ quặc của người Anh nọ - vì cái giá, nói cho cùng, quá tốt.
... Ba mươi ngày nữa là đến ngày chuyển giao quyền lực và Lila Sabarmati đang nói chuyện điện thoại, “Làm sao chị chịu được hả, Nussie? Ở đây phòng nào cũng có lũ vẹt biết nói, và trong almirah[7] tôi thấy đầy váy bị nhậy cắn với xu chiêng cũ!’’
... Rồi Nussie mách Amina, “Cá vàng, Allah, tôi không chịu nổi bọn nó, nhưng Methwold sahib tự mình đến cho chúng ăn... rồi mấy nồi Bovril[8] dở mà ông ấy bảo tôi không được vứt đi... điên rồi, chị Amina ạ, chúng ta đang làm gì thế này?”
... Còn ông lão Ibrahim nhất định không chịu bật cái quạt trần trong phòng ngủ, lủng bủng, “Cái máy ấy sẽ rơi - nó sẽ chặt đầu tao xuống giữa đêm - thứ nặng như thế thì dính trên trần được bao lâu?”
... Còn Homi Catrack, một dạng nhà tu khổ hạnh, thì buộc phải nằm trên một chiếc đệm to và êm, ông ta bị đau lưng và mất ngủ, còn những vòng đen hệ quả của giao phối cận huyết trong mắt ông ta bị bao quanh bởi từng quầng thâm mất ngủ, và đám người làm bảo nhau, “Thảo nào các sahib ngoại quốc đều bỏ đi, sahib ạ, họ chắc là thèm ngủ chết được.”
Nhưng tất cả vẫn kiên gan bám trụ; và ngoài những vấn đề cũng có cả những ưu điểm. Hãy nghe Lila Sabarmati (“cô ả ấy - đẹp đến nỗi khó mà đứng đắn được” mẹ tôi nói)
... “Một chiếc pianola[9], chị Amina! Và nó vẫn chạy. Suốt ngày em chỉ ngồi và ngồi, bật đủ thứ trên trời dưới biển! “Đôi Tay Trắng Xanh Em Yêu Bên Vườn Shalimar... vui thật, vui lắm ấy, chị chỉ cần nhấn cần đạp!”
... Còn Ahmed Sinai tìm thấy một tủ cocktail ở Biệt thự Buckingham (vốn là tư gia của chính Methwold trước khi trở thành nhà tôi); ông đang khám phá sự hưng phấn đến từ whisky Scotch hảo hạng và nói, “Thì sao? Ngài Methwold chỉ hơi lập dị một chút, thế thôi - chả lẽ chúng ta không chiều nổi ông ấy? Với nền văn minh lâu đời của mình, chả lẽ chúng ta không thể văn minh như ông ấy?”... và làm một hơi cạn cốc.
Ưu và nhược điểm: “Cả một lũ chó phải trông nom, chị Nussie,” Lila Sabarmati cằn nhằn.
“Em ghét chó, ghét lắm ấy. Và em mèo bé bỏng choochie của em, dễ sương lắm cơ, nó sợ chết khiếp đi ấy!”
... Và Bác sĩ Narlikar, lung linh lên vì bực bội, “Ngay đầu giường tôi! Toàn tranh trẻ con, anh Sinai! Đấy anh xem: Béo! Hồng! Ba đứa! Nghe có được không?”
... Nhưng giờ khi chỉ còn hai mươi ngày nữa, tình hình lắng dịu dần, mặt gai góc của mọi việc cũng nhòa đi, nên tất cả không ai nhận thấy điều đang diễn ra: tòa Điền trang, Điền trang của Methwold, đang thay đổi họ. Tối tối cứ sáu giờ họ lại ra vườn, bày tiệc cocktail, và khi William Methwold ghé thăm, họ vào rất ngọt những vai giả giọng Oxford lè nhè; và họ học, về quạt trần và bếp ga và chế độ ăn thích hợp cho lũ vẹt đuôi dài, còn Methwold giám sát sự biến đổi của họ, lầm rầm khe khẽ.
Nghe cho kỹ: ông ta đang nói gì? Phải, đúng vậy. “Sabkuch ticktock hai,” William Methwold lầm rầm. Ngon lành cả.
[7] Tủ quần áo
[8] Một nhãn hiệu nước thịt hầm của Anh
[9] Loại đàn piano tự động, chơi những cuộn nhạc bấm lỗ
Khi ấn bản Bombay của tờ Thời báo Ấn Độ vốn đang tìm kiếm một phóng sự chân dung hấp dẫn nhằm chào mừng ngày Độc lập sắp tới, tuyên bố sẽ trao giải thưởng cho bất kỳ bà mẹ Bombay nào có thể sắp xếp sinh em bé đúng vào thời điểm ra đời của quốc gia mới, Amina Sinai, vừa tỉnh dậy sau một giấc mơ bí ẩn về giấy bẫy ruồi, bèn dán mắt vào tờ báo. Tờ báo được gí vào mũi Ahmed Sinai; và ngón tay Amina, đắc thắng chọc vào trang báo, nhấn mạnh sự quả quyết tuyệt đối trong giọng bà.
“Thấy chưa, janum ?” Amina tuyên bố. “Chính là em đấy.”
Hiện lên, trước mắt họ, là viễn cảnh về những dòng tít in đậm loan tin “Một Tấm hình Duyên dáng của Bé Sinai - Đứa trẻ của Giờ phút Huy hoàng này!” - một viễn cảnh về những tấm-hình-em-bé A-1 thượng-hạng trang-nhất cỡ-đại; nhưng Ahmed bắt đầu phản bác.
“Thử tính đến khả năng trượt xem, Begum,” cho đến khi bà mím chặt môi lại đầy bướng bỉnh, và lặp lại, “Không có nhưng nhị gì cả; chắc chắn đó là em; em biết chắc là như thế. Đừng hỏi sao em biết.”
Mặc dù Ahmed thuật lại lời tiên đoán của vợ mình cho William Methwold như một chuyện cười bên bàn cocktail, Amina vẫn không lay chuyển, kể cả khi Methwold bật cười.
“Trực giác của phụ nữ - tuyệt thật, bà S.! Nhưng quả thật, bà khó có thể chờ đợi chúng tôi sẽ...” Ngay cả trước áp lực từ ánh mắt khó chịu của cô ả hàng xóm Nussie-vịt-bầu, người cũng đang có thai, và cũng đọc tờ Thời báo Ấn Độ, Amina vẫn không sờn lòng, vì lời tiên tri của Ramram đã ngấm sâu vào tim bà.
Thành thực mà nói, càng về sau trong thời kỳ mang bầu, Amina càng thấy lời thầy bói mỗi lúc một đè nặng hơn lên vai bà, đầu bà, quả bóng căng tròn của bà, nên khi mắc vào mạng nhện của nỗi lo âu sẽ sinh ra một đúa trẻ hai đầu, bà đã bằng cách nào đó thoát khỏi cái ma lực vi diệu của Điền trang Methwold, và miễn nhiễm với tiệc cocktail, vẹt đuôi dài, pianola và giọng Anh.
Ban đầu, có gì đó mơ hồ trong sự quả quyết của bà rằng mình sẽ giành được giải thưởng của tờ Thời báo, bởi bà đã thuyết phục bản thân rằng nếu phần này trong lời đoán mệnh của ông thầy bói ứng nghiệm, nó sẽ chứng tỏ rằng những gì còn lại cũng chính xác như vậy, bất kể ý nghĩa của chúng là gì. Cho nên đó không hề là âm sắc của niềm tự hào và mong đợi thuần túy khi mẹ tôi đáp, “Chẳng trực giác gì hết, Ngài Methwold ạ. Đây là sự thật được bảo đảm.”
Với chính mình bà nói thêm: “Còn điều này nữa: ta sẽ có một đứa con trai. Nhưng nó sẽ cần được chăm sóc rất nhiều, nếu không thì...”
Tôi cảm thấy, sâu trong huyết quản mẹ tôi, có lẽ sâu hơn bà nghĩ, những tư tưởng siêu nhiên của Naseem Aziz bắt đầu tác động tới suy nghĩ và hành động của bà - những tư tưởng đã thuyết phục Mẹ Bề trên rằng máy bay là phát minh của quỷ dữ, rằng máy ảnh có thể đánh cắp linh hồn ta, rằng hồn ma cũng là một phần tất yếu cùa hiện thực như Thiên Đường, rằng đặt những vành tai rất thánh nào đấy giữa ngón cái và ngón trỏ là một tội lỗi không hơn không kém, lúc này đang thầm thì vào cái đầu đang tối lại của con gái bà.
“Dù chúng ta đang ngồi giữa đống rác Anh quốc này,” mẹ tôi bắt đầu nghĩ, “đây vẫn là Ấn Độ, và những người như Ramram Seth vẫn biết cái mà họ biết.” Cứ thế, thái độ hoài nghi của người cha kính yêu của bà bị thay thế bằng tính cả tin của bà ngoại tôi; và, đồng thời, đốm lửa phiêu lưu Amina thừa kế từ Bác sĩ Aziz đã bị dập tắt bởi một sức nặng khác, có trọng lượng tương đương.
Tới khi mùa mưa đến vào cuối tháng Sáu, cái bào thai đã thành hình trọn vẹn trong tử cung bà. Đầu gối và mũi đã xuất hiện; và có bao nhiêu cái đầu thì bấy nhiêu đã vào vị trí. Thứ từng (vào buổi ban đầu) nhỏ bằng một dấu chấm đã to dần lên thành một dấu phẩy, một từ, một câu, một đoạn, một chương; lúc này nó bùng nổ với những bước phát triển phức tạp hơn, trở thành, có thể nói, một quyển sách - hẳn là một cuốn bách khoa toàn thư - thậm chí cả một ngôn ngữ... như vậy để nói rằng cái khối u trên người mẹ tôi đã phát triển quá to, và trở nên quá nặng, đến nỗi trong khi đường Warden dưới chân ngọn đồi hai tầng nhà tôi ngập đầy nước mưa vàng khè bẩn thỉu và những chiếc xe buýt bỏ không bắt đầu hoen gỉ và bọn trẻ con bơi giữa con đường chất lỏng còn những tờ báo ướt sũng chìm trong nước, Amina thấy mình trong một gian tháp canh hình tròn dưới tầng một, hầu như không thể di chuyển dưới trọng lượng của trái bóng nặng như chì.
Mưa không dứt. Nước ngấm vào dưới những ô cửa nơi từng đóa tulip thủy tinh màu nhảy múa trên các ô kính nẹp chì. Khăn tắm, được ốp vào khung cửa, hút nước cho đến khi nặng trĩu, sũng nước, vô dụng. Biển: xám xịt và trĩu nặng và vươn dài để gặp những quầng mây nơi chân trời bị co hẹp. Mưa đánh trống vào tai mẹ tôi, góp phần vào sự hỗn loạn của thầy bói và tính cả tin kế thừa từ mẹ và sự hiện diện gây xáo trộn của những vật thuộc sở hữu người lạ, khiến bà tưởng tượng ra đủ thứ kỳ quái. Nằm chết gí dưới đứa con đang lớn dần, Amina hình dung ra bà là một tên giết người bị kết án dưới thời đại đế Mughal, cái thời mà chết vì bị nghiền nát dưới một tảng đá là một hình phạt phổ biến
...Và những năm sau này, mỗi lần nhìn lại giai đoạn ấy, ở cuối thời kỳ trước khi bà làm mẹ, giai đoạn khi tiếng tích tắc của những tờ-lịch đếm ngược hối thúc mọi người đến ngày 15 tháng Tám, bà sẽ bảo: “Tôi chẳng biết gì về chuyện ấy cả. Với tôi, cứ như thể thời gian đã dừng lại hoàn toàn. Đứa bé trong bụng tôi đã dừng hết đồng hồ lại. Tôi tin chắc là thế. Đừng cười: chị có nhớ cái tháp đồng hồ dưới chân đồi không? Tôi nói chị nghe, sau mùa mưa năm ấy, nó không bao giờ chạy nữa.”
... Và Musa, lão bộc của cha tôi, người đã theo hai vợ chồng đến Bombay, chạy đi khoe với những người hầu khác, dưới bếp của những cung điện ngói đỏ, dưới dãy nhà của người hầu, đằng sau Điện Versailles và Escorial và Sans Souci: “Đó là một đúa bé mười-rupee hẳn hoi; phải rồi! Một con cá chim mười-đồng cỡ bự, chờ mà xem!” Đám người hầu rất vui; vì sinh nở là chuyện tốt và một đứa bé bụ bẫm là điều tốt hơn cả...
... Còn Amina, chủ nhân cái bụng đã dừng tất cả đồng hồ lại, ngồi bất động trong căn phòng ở một ngọn tháp và bảo chồng, “Mình sờ thử xem... đấy, mình thấy không?... thằng bé to khỏe chưa; mảnh trăng bé bỏng của chúng ta.”
Mãi tới khi mùa mưa kết thúc, và Amina đã trở nên nặng đến nỗi hai người hầu nam phải đan tay thành cái ghế để nâng bà lên, Wee Willie Winkie mới trở lại hát ở sân khấu tròn giữa bốn ngôi nhà; và mãi đến lúc ấy Amina mới nhận ra bà không chỉ có một, mà đến hai kình địch (hai người bà biết) cho giải thưởng của tờ Thời báo Ấn Độ, và rằng, tiên tri hay không, nó cũng sẽ là một cú về đích cực kỳ khít khao.
“Wee Willie Winkie đó là tên anh, ca hát kiếm ăn trước giờ lừng danh!”
Cựu ảo thuật gia và chủ hộp vạn hoa và ca sĩ... ngay từ trước khi tôi ra đờỉ, cái khuôn đã định hình. Các nghệ sĩ tạp kỹ sẽ thao túng đời tôi.
“Hy vọng rằng quý vị thấy thoải máỉ... Hay quý vị thấy thoải trống? Ôi, đùa đấy, quý bà và quý nương, hãy cười lên xem nào.”[10]
[10] Nguyên văn: Ladies and ladahs. Ladies tiếng Anh là quý bà, quý cô, đọc gần giống như ladah, tiếng Hindi nghĩa là người yêu dấu, cưng.
Cao-đen-điển-trai, một gã hề với chiếc phong cầm, anh đứng giữa vòng tròn sân khấu. Trong vườn của Biệt thự Buckingham, ngón chân cái của cha tôi ngọ nguậy (cùng chín anh bạn đồng nghiệp) bên cạnh và bên dưới cái ngôi giữa của William Methwold... đi xăng đan, tròn xoe và không hay biết mình sắp đến hồi mạt vận. Còn Wee Willie Winkie (mà tên thật ta không bao giờ biết) pha trò và hát. Từ hiên nhà ở tầng một Amina xem và nghe; và, từ hiên nhà hàng xóm, cảm thấy sự sắc nhọn trong ánh mắt ganh đua tị nạnh của Nussie-vịt-bầu.
... Trong khi tôi, ở bàn mình, cảm thấy sự châm chích từ thái độ nôn nóng của Padma. (Tôi, đôi khi, ao ước có một thính giả sắc sảo hơn, một người hiểu được sự cần thiết của nhịp điệu, tiết tấu và màn dạo đầu vi tế của những hợp âm thứ về sau sẽ nổi lên, trỗi dậy, chiếm lĩnh cả giai điệu; một người sẽ biết, chẳng hạn, rằng cho dẫu sức nặng của em bé và mùa mưa đã làm câm lặng chiếc đồng hồ trên tháp của Điền trang, song nhịp đập trầm ổn từ tiếng tích tắc của Mountbatten vẫn ở đấy, êm dịu nhưng quyết tuyệt, và chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi nó lấp đầy tai ta bằng tiếng nhạc giữ nhịp đều đặn, thì thùng.)
Padma nói: “Giờ tôi chả muốn biết gì về gã Winkie này sất; cả ngày lẫn đêm tôi chờ đợi mà anh vẫn chưa chịu ra đời!” Nhưng tôi khuyên cô kiên nhẫn; mọi thứ đều ở đúng chỗ của nó, tôi khiển trách bông sen-phân của mình, vì cả Winkie nữa, cũng có mục đích và vị thế của anh, giờ anh đang chọc ghẹo các bà mang thai đứng trên hiên nhà họ, ngừng hát để nói.
“Hẳn các bà đã nghe nói về giải thưởng? Tôi cũng thế. Vanita nhà tôi cũng sắp đến kỳ sinh nở, sắp rồi; biết đâu chính cô ấy chứ không phải các vị sẽ được lên báo!”... và Amina nhún vai, còn Methwold mỉm cười (có phải là một nụ cười gượng gạo? Vì sao?) dưới cái ngôi giữa, và môi cha tôi trề ra vẻ hiểu biết trong khi ngón chân cái ngọ nguậy và ông nói, “Thằng cha này hỗn; hắn đùa quá trớn rồi.”
Nhưng giờ Methwold với một thái độ rất giống với sự bối rối - thậm chí ăn năn - trách Ahmed Sinai, “Vớ vẩn, ông bạn. Chức nghiệp của thằng hề, ông biết đấy. Được phép khiêu khích và nhạo báng. Chiếc van an toàn quan trọng của xã hội.” Và cha tôi nhún vai, “Hmm.” Nhưng anh ta rất khôn ngoan, tay Winkie này, bởi anh ta đang xoa dịu tình hình, nói, “Sinh nở là chuyện tốt; hai ca là hai chuyện tốt! Quá tốt[11], các bà, đùa đấy, thấy không?”
Và không khí thay đổi khi anh đưa ra một ý tưởng độc đáo, một suy nghĩ quyết định, có sức mạnh áp đảo: “Quý bà, quý ông, quý vị phải làm gì để thấy thoải mái ở nơi này, giữa quá khứ dài lâu của Methwold sahib? Tôi nói các vị nghe: nghe có thể kỳ lạ; không thực; nhưng đây giờ là một ngôi nhà mới, thưa quý bà, quý nương, và không ngôi nhà mới nào là thật chừng nào nó còn chưa chứng kiến một đứa trẻ ra đời. Đứa trẻ sẽ làm quý vị thấy đây là nhà mình.”
Sau đó, là một bài hát: “Daisy, Daisy...” Và Ngài Methwold, hòa theo, nhưng vẫn có gì đó u ám nhuốm bẩn chân mày ông ta…
[11] Hai chuyện tốt (two fine) đồng âm với quá tốt (too fine).
…Và đây là lý do: phải, đó là tội lỗi, bởi Winkie nhà ta có thể khôn ngoan và hài hước đấy, nhưng vẫn chưa đủ khôn ngoan, và giờ đã đến lúc tiết lộ bí mật đầu tiên của cái ngôi giữa trên đầu William Methwold, bởi nó đã nhỏ giọt xuống và nhuốm bẩn mặt ông ta: một ngày nọ, từ lâu trước tiếng tích tắc và vụ rao bán thượng vàng hạ cám, Ngài Methwold đã mời Winkie và Vanita của anh đến, hát riêng, trong căn phòng giờ là phòng khách chính của nhà tôi; và sau một lúc ông ta bảo, “Này, Wee Willie, giúp ta một việc nhé, anh bạn: ta cần mua thuốc theo đơn này, đau đầu kinh khủng, cầm nó ra Kemp’s Corner rồi bảo tay dược sĩ bán cho, người hầu nhà này lăn ra cảm hết rồi.”
Winkie, một anh nhà nghèo, bảo Dạ sahib ngay đây sahib rồi chạy đi; và thế là Vanita còn lại một mình, với cái ngôi giữa, cảm thấy nó phát ra một sức hút không thể cưỡng lại lên những ngón tay mình, và khi Methwold ngồi bất động trên chiếc ghế mây, mặc bộ vét mỏng màu kem với một nhánh hồng trên ve áo, cô thấy mình lại gần ông ta, ngón tay xòe ra, cảm thấy ngón tay mình chạm vào mái tóc; tìm thấy cái ngôi giữa, và bắt đầu vò rối nó.
Thế nên giờ đây, chín tháng sau, Wee Willie Winkie đùa cợt vì đứa trẻ sắp ra đời của vợ mình và vết nhơ hiện lên trên vầng trán một người Anh.
“Thì sao?” Padma nói. “Thì việc gì đến tôi, cái tay Winkie và cô vợ mà anh còn chưa kể tôi nghe bao giờ này?”
Có những người chẳng bao giờ thỏa mãn; nhưng riêng Padma thì sẽ, sớm thôi.
Và giờ cô sắp thấy bực bội hơn; vì rằng, rứt ra khỏi những sự kiện ở Điền trang Methwold theo một vòng xoắn ốc bay vút lên cao - khỏi cá vàng và chó và thi trẻ sơ sinh và ngôi giữa, khỏi ngón cái và mái ngói - tôi đang bay ngang thành phố tươi tắn và sạch sẽ sau những cơn mưa; bỏ Ahmed và Amina lại với những bài hát của Wee Willie Winkie, tôi bay về Thành Cổ, qua Đài phun nước Flora, đến một tòa nhà lớn chìm trong ánh sáng mờ đục của đèn vải thô và mùi thơm của những lư hương đung đưa... bởi vì ở đây, tại Nhà thờ Thánh Thomas, Cô Mary Pereira đang tìm hiểu về màu sắc của Chúa.
“Xanh,” vị linh mục trẻ thành kính nói. “Mọi bằng chứng hiện có, con ta, đều cho thấy Đức Christ Jecsus là sắc pha lê mỹ lệ nhất của màu trời xanh nhạt.”
Người phụ nữ nhỏ bé phía sau ô cửa sổ gỗ mắt cáo của phòng xưng tội lặng đi trong giây lát. Sự im lặng của băn khoăn, ngẫm nghĩ. Rồi: “Nhưng sao lại thế, thưa Cha? Con người đâu có xanh. Cả thế gian rộng lớn này đâu có ai màu xanh!”
Sự ngỡ ngàng của người phụ nữ nhỏ bé, gặp phải sự bối rối nơi vị linh mục... bởi cô không được chờ đợi sẽ phản ứng như thế. Đức Giám mục đã dặn, “Thắc mắc của người vừa cải đạo... khi hỏi về màu sắc hầu như lúc nào họ cũng... quan trọng là phải tạo ra cầu nối, con ạ. Hãy nhớ,”
Đức Giám mục tiếp tục, “Chúa tức là tình yêu; mà Krishna, thần ái tình của đạo Hindu, luôn được vẽ với làn da xanh. Bảo họ là xanh; nó sẽ như một cây cầu nối hai đức tin; một cách khéo léo, con hiểu chứ; mà hơn nữa xanh là một màu trung tính, tránh được những rắc rối thường gặp về màu sắc, tránh cho con khỏi chuyện da đen da trắng: phải, nói chung ta chắc chắn đó là câu trả lời đúng.”
Cả Đức Giám mục cũng có thể sai, đức cha trẻ tuổi tự nhủ, nhưng lúc này cha đang lâm vào thế bí, bởi người phụ nữ nhỏ bé rõ ràng đã mất bình tĩnh, và bắt đầu thốt ra một lời quở trách nghiêm khắc qua khung cửa gỗ: “Câu trả lời gì mà lại là xanh, thưa Cha, sao lại tin vào một thứ như thế? Cha nên viết cho Đức Thánh Cha Giáo hoàng ở Rome, người nhất định sẽ chấn chỉnh cha; nhưng chẳng cần phải là Giáo hoàng mới biết con người không đời nào có màu xanh!”
Vị linh mục trẻ tuổi nhắm mắt lại, thở sâu;ư, phản kích. “Họ nhuộm da xanh,” ông ngập ngừng.
“Người Pict; dân du mục Ả Rập da xanh: nếu được học hành thì con sẽ thấy, con ạ...” Nhưng giờ một cái khịt mũi quyết liệt vang lên trong phòng xưng tội.
“Sao, thưa Cha? Cha đem Chúa ra so sánh với những kẻ man di mọi rợ? Lạy Chúa, con đến phải bịt tai lại vì hổ thẹn!”
… Và còn nhiều, nhiều nữa, trong khi vị linh mục trẻ đang bị cái dạ dày hành hạ khốn khổ đột nhiên nảy ra phán đoán rằng còn gì đó nghiêm trọng hơn ẩn sau câu chuyện da xanh này, và lên tiếng hỏi. Vậy là bài phê bình nhường chỗ cho nước mắt, còn vị linh mục trẻ hốt hoảng nói, “Nào, nào, chắc chắn Hào quang Thần thánh của Đức Chúa không chỉ thuần túy xuất phát từ màu da”
... Và một giọng nói giữa dòng lũ nước mặn: “Vâng, thưa Cha, nói cho cùng cha cũng không qụá tệ; con cũng bảo anh ấy thế, chính xác chỉ có vậy thôi, nhưng anh ấy văng tục loạn lên và không thèm nghe...”
Thế đấy, anh ấy đã bước vào câu chuyện, và giờ tất cả tung tóe ra, và Cô Mary Pereira, nhỏ bé đồng trinh bấn loạn, thực hiện lời thú tội sẽ mang đến cho chúng ta manh mối quan trọng về động cơ của cô khi, vào cái đêm tôi chào đời, cô thực hiện đóng góp sau cùng và quan trọng nhất đối với toàn thể lịch sử Ấn Độ thế kỷ 20 kể từ thời ông tôi vập mũi cho đến thời tôi trưởng thành.
Lời thú tội của Mary Pereira: như mọi nàng Mary,;cô có Joseph của mình. Joseph D’Costa, một hộ lý ở phòng khám trên đường Pedder tên là Nhà Hộ sinh của Bác sĩ Narlikar (“À há!” Padma cuối cùng đã thấy sự liên hệ), nơi cô làm bà đỡ. Ban đầu mọi chuyện rất tốt đẹp; gã đưa cô đi uống trà hay lassi hay falooda và nói ngon nói ngọt với cô. Gã có cặp mắt như hai mũi khoan đường, cứng và kêu lọc cọc, song gã ăn nói dịu dàng dễ nghe. Mary, nhỏ nhắn, tròn trịa, đồng trinh, ngất ngây trước sự quan tâm của gã; nhưng giờ mọi chuyện đã thay đổi.
“Thình lình thình lình anh ấy cứ khịt mũi ngửi không khí liên tục. Một cách buồn cười lắm, mũi hếch lên. Con hỏi, 'Anh bị cảm hay sao, Joe?’ Nhưng anh ấy bảo không; không, anh ấy đáp, anh đang ngửi gió Bắc. Nhưng con bảo, Joe, ở Bombay gió thổi từ biển vào, từ hướng Tây cơ mà, Joe...”
Bằng giọng chực vỡ òa, Mary Pereira thuật lại cơn thịnh nộ sau đó của Jospeh D’Costa, gã bảo, “Cô chả hiểu gì hết, Mary, bây giở gió thổi từ phương Bắc, và nó sặc mùi chết chóc. Nền độc lập này chỉ dành cho bọn nhà giàu; người nghèo đang buộc phải giết lẫn nhau như ruồi. Ở Punjab,vở Bengal. Bạo loạn bạo loạn, dân nghèo giết dân nghèo. Nó ở trong gió ấy.”
Và Mary: “Anh nói gì điên khùng thế, Joe, sao anh lại nghĩ đến những chuyện tồi tệ ấy? Ta vẫn có thể sống yên bình kia mà?”
“Thôi bỏ đi, cô chả hiểu gì hết.”
“Nhưng Joseph, cho dù chuyện giết chóc ấy có thật, họ là người Hindu và đạo Hồi thôi mà; sao lại kéo ngựời Thiên Chúa tử tế vào cuộc chiến ấy? Đám người kia họ chém giết nhau từ đời nảo đời nào.”
“Cô với lão Christ của cô. Chẳng lẽ cô không nhồi nổi vào đầu cái sự thật đó là tôn giáo của dân da trắng à? Thần da trắng để cho dân da trắng. Ngay lúc này dân mình đang chết. Chứng ta phải đánh trả; phải chỉ cho họ thấy đâu là kẻ thù thực sự, cô hiểu chưa?”
Và Mary, “Thế nên con mới hỏi về màu sắc, thưa Cha... và con khuyên Joseph, con khuyên, khuyên mãi, đánh nhau là xấu, bỏ những ý nghĩ điên rồ ấy đi; nhưng rồi anh ấy không nói chuyện với con nữa, và bắt đầu giao du với những kẻ dữ dằn, và họ bắt đầu đồn đại về anh ấy, thưa Cha, rằng họ chính mắt thấy anh ấy ném gạch vào xe tải, rồi đốt chai xăng nữa, anh ấy phát điên rồi, thưa Cha, họ bảo anh ấy giúp đốt xe buýt và đánh bom tàu điện, và gì nữa con không biết. Không biết làm sao, thưa Cha, con kể hết cho em gái. Em gái con Alice, một cô gái tốt lắm, thưa Cha. Con nói: ‘Anh Joe, anh ấy ở gần lò mổ, biết đâu cái mùi ấy đã xông lên mũi và làm anh ấy lú lẫn.’
Thế là Alice đến tìm anh ấy, ‘Em sẽ nói giúp chị,’ con bé nói; nhưng rồi, Chúa ơi điều gì đang xảy ra với thế giới này... con thú thật với Cha... Ôi baba...” Và cơn lũ đang nhấn chìm lời cô, những bí mật đang rỉ ra mặn chát từ mắt cô, bởi Alice trở về bảo rằng theo ý mình Mary mới là người đáng trách, vì đã giảng đạo với Joseph đến khi gã chán ngấy cô, trong khi đáng ra phải ủng hộ cái sự nghiệp ái quốc thức tỉnh người dân của gã. Alice trẻ hơn Mary; và xinh xắn hơn; và sau đó còn có thêm những tin đổn, chuyện Alice-và-Joseph, và Mary đâm ra quẫn trí.
“Con bé ấy,” Mary nói, “Nó thì biết gì ba thứ chính trị chính em này? Nhưng để quắp được Joseph của con nó sẽ nhại lại bất cứ điều nhăng nhít gì anh ấy nói, y như một con chim mynah ngu ngốc. Con thề, thưa Cha...”
“Cẩn thận, con ta. Con đang rất gần sự báng bổ đấy...”
“Không, thưa Cha, con thề có Chúa, con không biết có gì là mình sẽ không làm để giành lại anh ấy. Phải: bất chấp... mặc cho những gì anh ta... trời-ơi-trời-ơiiii!”
Nước mắt ướt đẫm sàn phòng xưng tội... và giờ, phải chăng đã xuất hiện một mâu thuẫn mới nơi vị linh mục trẻ? Có phải cha, bất chấp những cơn quằn quại của cái dạ dày bất ổn, đang cân nhắc trên chiếc cân vô hình sự thiêng liêng của nghi lễ xưng tội và mối đe dọa đối với xã hội văn minh của một kẻ như Joseph D’Costa? Có phải cha sẽ, trên thực tế, hỏi Mary địa chỉ Joseph của cô, để rồi tiết lộ... Tóm lại, liệu đức cha trẻ tuổi dạ dày đảo lộn, bị giám mục ám ảnh này đã hành xử giống, hay không giống, Montgomery Clift trong Tôi thú tội? (Xem nó mấy năm trước tại rạp Đế chế Mới, tôi không chắc lắm.)
Nhưng không, một lần nữa, tôi phải bóp nghẹt những nghi ngờ vô căn cứ của mình. Điều đã xảy ra với Joseph có lẽ kiểu gì cũng sẽ xảy ra. Và trong mọi tình huống, mối liên quan duy nhất của vị linh mục trẻ với lịch sử của tôi là việc ông là người ngoài cuộc đầu tiên nghe nói về lòng căm thù người giàu dễ lây của Joseph D’Costa, và nỗi khổ đau vật vã của Mary Pereira.
Ngày mai tôi sẽ tắm gội cạo râu; tôi sẽ mặc một chiếc kurta mới, bóng loáng và hồ cứng, thêm quần pajama cho đủ bộ. Tôi sẽ đi đôi dép sáng như gương, mũi cong vút, tóc chải gọn gàng (mặc dù không rẽ ngôi giữa), răng trắng bóc... tóm lại, tôi sẽ bảnh bao hết cỡ. (“Ơn Chúa” từ Padma đang bĩu môi.)
Ngày mai, cuối cùng, đã đến lúc kết thúc những câu chuyện mà tôi (không có mặt khi chúng ra đời) phải lôi ra từ chốn sâu kín quay cuồng trong đầu óc mình; vì tiếng nhạc cầm nhịp từ cuốn lịch đếm ngược của Mountbatten không thể bị phớt lờ lâu hơn nữa. Tại Điền trang Methwold, lão Musa vẫn tích tắc như một trái bom hẹn giờ; nhưng chẳng ai nghe thấy, vì lúc này một tiếng động khác đang trỗi dậy, vang rền, giục giã; tiếng từng giây trôi qua, tiếng cái nửa đêm định mệnh đang tới gần.