Đến trước quán hàng, Tsitsikôp ra lệnh dừng lại vì hai lý do: ngựa cần nghỉ và chính y muốn ăn cho lại sức. Tác giả phải thú thật là rất thèm cái miệng thích ăn và dạ dày dễ tiêu của những người như thế. Tác giả không hề bận lòng vì những đại nhân vật ở Pêterbua hay Mạc-tư-khoa, suốt ngày bố trí cái thực đơn cho ngày mai hay ngày kia để rồi chỉ có thể nhấm nháp được nó sau khi đã uống một viên thuốc, những nhân vật nuốt sò, cua và các đồ quái quỷ khác vào rồi phải đi chữa bệnh bằng nước suối ở Karlxbad hay Kapkaz {Karlxbad, tên gọi bằng tiếng Đức của thành phố Karlôvy Vary ngày nay ở Tiệp Khắc, nổi tiếng vì suối nước nóng để chữa bệnh. Kapkaz là miền núi nước Nga, ở giữa Hắc Hải và biển Kaxpiixkoê, cũng có nhiều suối nước nóng}. Không, các vị ấy không bao giờ làm cho tác giả thèm muốn. Nhưng những nhà quý tộc hạng trung, đến trạm thứ nhất bắt dọn jăm bông, trạm thứ hai một con lợn sữa, trạm thứ ba một lát cá chiên hay là dồi nấu tỏi, để rồi bất cứ lúc nào cũng có thể ngồi vào bàn như chưa hề ăn uống gì cả, ngốn luôn, với một vẻ ngon miệng ồn ào và dễ lây sang người khác, một món xúp cá chiên, cá sộp và tinh cá đực, kèm theo một khuôn bánh hấp hay patê cá nheo; các vị ấy mới được số phận ưu đãi và mới thật đáng thèm thuồng! Không ít những đại nhân vật, muốn hy sinh không ngần ngại một nửa số nông dân, một nửa số ruộng đất, bán rẻ hay không, với tất cả mọi sự cải thiện theo kiểu Nga hay kiểu nước ngoài để có được cái dạ dày của vị quý tộc bậc trung. Nhưng không may là chẳng có một thứ vốn liếng nào, đất đai nào, - dù có cải thiện hay không, - cho người ta có thể mua như vậy được.
Quán ăn, một cái nhà dựng bằng những thân gỗ tròn đã đen sạm, đón Tsitsikôp dưới mái hiên hẹp mà hiếu khách, chống đỡ bằng những cột nhỏ chạm xoắn, nom như những cái giá cắm nến cổ ở nhà thờ. Đây là một nhà gỗ kiểu Nga thông thường, nhưng rộng lớn. Quanh các cửa sổ và dưới mái nhà, những hiên bụng rắn bằng gỗ trắng chạm, nổi bật trên màu đen của các bức tường, những chậu hoa trang hoàng cho những tấm cửa mặt hàng thêm rực rỡ.
Tsitsikôp leo lên thang gác hẹp; đến một bậc bằng rộng đầu thang, trước cánh cửa mở kêu kèn kẹt, y chạm trán một bà lão to béo, mặc áo vải chúc bâu màu lòe loẹt.
- Phía này, mời ông! Bà lão nói.
Trong gian phòng, cách trang trí cũng như thường thấy ở các quán trọ rẻ tiền dọc các đường lớn: một cái xamôva khói lên nghi ngút; tường gỗ thông bào nhẵn; một cái tủ bát đĩa kê ở góc, đựng ấm chén; những quả trứng bằng sứ men vàng treo bằng những dải xanh, đỏ trước ảnh thánh, một con mèo cái và đàn con mới đẻ; một cái gương mà ai soi vào thì phản chiếu không phải hai mắt mà những bốn mắt, không phải cái mặt mà là cái bánh đa; cuối cùng là những túm cẩm chướng và cỏ thơm trồng sau ảnh thánh, đã khô héo đến nỗi ngửi vào là không thể không hắt hơi được.
- Có lợn sữa không nhỉ? Tsitsikôp hỏi bà lão đang đứng như trời trồng sau lưng y.
- Có.
- Ăn với đại căn {Một thứ củ cải to, có tác dụng chống bệnh hoại huyết và kích thích sự dinh dưỡng} và kem chứ?
- Đại căn và kem.
- Đưa xem nào.
Bà lão đi lục soạn rồi mang ra một cái đĩa, một cái khăn ăn, hồ cứng đến nỗi nó đứng sừng sững như một cái vỏ cây khô, một con dao bé tí tẹo cán bằng xương đã ngả màu vàng, một cái dĩa hai răng; một cái bình đựng muối đã khập khiễng.
Theo thói quen của y, Tsitsikôp bắt chuyện ngay và hỏi bà chủ quán hết câu này đến câu khác. Bà ta là chủ nhà hay chỉ thuê lại quán này? lời lãi thế nào? các con trai bà ta có ở với bà không? con trai cả đã lấy vợ chưa? hồi môn của vợ anh ta có khá không? bố vợ có hài lòng không? có giận vì đồ lễ cưới ít không? Nói tóm lại y chẳng bỏ qua gì hết. Dĩ nhiên, y hỏi về các trang chủ quanh vùng và được biết họ tên là Blôkhin, Pôtsitaliep, Muinnôi, đại tá Tsêkrakôp, Xôbakiêvits {Blôkhin có từ Blokha là con bọ chét. Pôtsitaliep có từ potsitat là tôn kính. Muinnôi có từ muilô là xà phòng. Tsêkrakôp có từ tsêprak là vải phủ mông ngựa và Xôbakiêvits có từ xôbaka là chó}.
- A! Có biết Xôbakiêvits đấy à? Y vừa hỏi thì tức khắc được nghe bà lão kể là không những biết Xôbakiêvits mà cả Manilôp nữa và Manilôp lịch thự {Bà lão nói ngọng} hơn Xôbakiêvits nhiều; đến quán là ông ta gọi ngay một con gà, thịt bò non, gan cừu, nếu có, tóm lại là nếm đủ các món, còn Xôbakiêvits thì bao giờ cũng chỉ gọi độc một món, tiền chi trả như mọi người mà cứ đòi thêm cho nhiều.
Y vừa chuyện trò như thế, vừa thanh toán gọn món lợn sữa; bỗng tiếng một chiếc xe đi tới làm cho y phải bước tới cửa sổ nhìn xuống. Một chiếc britska nhẹ thắng ba ngựa, đỗ lại trước tam cấp. Hai người đàn ông bước xuống; một người cao lớn, tóc vàng, mặc áo nhà binh có nẹp màu xanh sẫm; một người tầm thước, tóc đen, mặc áo caftan sòng sọc thường. Đằng xa có một cái xe ngựa khổ đi không, thắng bốn con ngựa gầy, lông lá lù xù, đai, cương bằng dây thừng, xộc xệch. Người tóc vàng leo ngay lên thang gác, trong khi người tóc đen sờ nắn một cái gì để trong xe, vừa sờ vừa nói chuyện với người đày tớ, vừa ra hiệu cho xà ích chiếc xe sau. Hình như Tsitsikôp nhận ra tiếng hắn. Trong khi Tsitsikôp đang nhìn hắn thì người tóc vàng đã tìm được cửa mở ra, người ấy vóc cao lớn, mặt khô gày hay đúng ra là tàn tạ; ria mép đỏ hoe và nước da đen rám chứng tỏ là ông ta đã quen với khói thuốc lá, nếu không phải là khói thuốc súng. Ông ta lễ phép cúi chào, và Tsitsikôp vội vàng đáp lễ. Cả hai đều cùng chúc mừng nhau là đã gặp may vì mưa làm cho đường hết bụi và trời mát như thế mà đường trường thì thật dễ chịu. Cái không khí lạnh lùng đã tan: đáng lẽ họ còn làm quen nhau nhiều hơn nữa thì vừa đúng lúc ấy người tóc đen bước vào. Ném cái mũ lưỡi trai xuống đất, hắn lấy tay vò cho mái tóc đen rậm xù lên. Người hắn tầm thước nhưng khỏe mạnh, chắc chắn; đôi má hồng hào, răng trắng như hoa huệ, tươi như hoa hồng, biểu lộ một sức khỏe dồi dào.
Trông thấy Tsitsikôp hắn liền giơ tay lên trời và reo:
- Ái chà! May mắn biết bao!
Tsitsikôp nhận ra Nôzđriôp, cái anh quý tộc nhà quê đã cùng ăn với y ở dinh tỉnh trưởng và gặp y là cậu cậu, tớ tớ tức khắc, dù là về phần y không hề có một chút gì có thể là cái cớ để cho người ta thân mật, sỗ sàng đến như thế được.
- Cậu ở đâu đến thế? Nôzđriôp hỏi và không chờ câu trả lời, đã nói tiếp: - Còn tớ, cậu ạ, ở chợ phiên về; ở đấy, tớ thua một canh bạc liểng xiểng. Cậu mừng cho tớ đi, chưa bao giờ mà tớ lại để cho chúng nó vặt hết lông như thế! Tớ phải thuê mấy con ngựa của bọn nhà quê mà về. Nhìn qua cửa sổ kìa. - Hắn liền tự tay nghiêng cái đầu Tsitsikôp xuống và bất ngờ đến nỗi đầu y suýt cộp vào khung cửa sổ. - Cậu xem, ngựa khổ đến thế đấy! Cố lắm mới lê được tới đây, quân chết tiệt! Tớ phải đi nhờ xe lão kia. - Hắn chỉ người bạn đường. - Cậu không quen lão ta à? Anh rể tớ: Mijuiep. Chúng tớ nói chuyện cậu suốt cả buổi sáng. – “Anh xem, tớ bảo lão, thế nào mình cũng gặp Tsitsikôp!”… A! người anh em ạ! thật là một vố liểng xiểng! Tớ bị súc sạch, bị vét đến đáy: bốn con ngựa và tất cả mọi thứ trên người, cả đồng hồ lẫn dây đeo. Chỉ một cái liếc, Tsitsikôp cũng đủ tin là Nôzđriôp chẳng còn cả đồng hồ lẫn dây đeo; một bên râu má của hắn hình như cũng thưa hơn bên kia. - Nếu lúc ấy tớ chỉ có hai mươi rúp trong túi, ừ hai mươi rúp thôi không cần hơn, thì tớ đã gỡ lại tất cả và, nói thật, người lớn với nhau, tớ còn nhét thêm vào ví ba vạn rúp nữa!
Người tóc vàng ngắt lời hắn và nói: - Khi chú vay tôi năm mươi rúp, chú cũng nói cái giọng ấy, rồi chú liền nướng sạch ngay.
- Vì mình ngốc, đi hỏng mất một nước. Giá sau khi được và đặt gấp đôi lên mà mình không gấp cái quân bảy chết tiệt ấy thì mình đã vét sạch túi nhà cái.
- Nhưng chú có vét được túi nhà cái đâu, người tóc vàng nói lại.
- Không, tại vì tôi gấp quân bài không đúng lúc. – Anh cho rằng lão thiếu tá của anh đánh giỏi lắm à?
- Giỏi hay không, nó cũng đã làm cho chú sạt nghiệp.
- To chuyện thật! Nôzđriôp cãi lại. Tôi ấy à, tôi cũng xơi được hắn thừa đi. Hắn cứ thử lần thứ hai xem, ta sẽ thấy ngay tài đổ bác của hắn thế nào! Nhưng mà, cậu Tsitsikôp ạ, mấy ngày đầu, chúng tớ ăn chơi tuyệt lắm! Phải nói rằng phiên chợ cừ thật; chính bọn lái cũng nhận rằng chưa bao giờ thấy một phiên đông như thế. Tất cả mọi thứ đem từ nhà đi, tới đều bán được giá. À! ông anh ơi! Thật là chơi ra trò! Bây giờ, chỉ nghĩ đến thôi… Quỷ bắt tôi đi!... Cậu không đến đấy thật tiếc quá đi mất. Thử tưởng tượng là cách thành phố ba verxta có một trung đoàn long kỵ {Long kỵ là một hạng kỵ binh chiến đấu, đội mũ đầu rồng} đồn trú. Và tất cả sĩ quan, cậu có biết không, - khoảng bốn chục, cậu ạ, - đến chơi với tớ. Trong bọn có một thằng cha nhộn hết sức: đại úy Pôtxeluiep {Pôtxeluiep có từ pôtxelui nghĩa là hôn}: râu mép dài thế này này, cậu ạ! Cậu có biết nó gọi rượu Boocđô {Vang đỏ nổi tiếng của vùng chung quanh thành phố Boocđô, miền tây nước Pháp} là gì không? Là nước bã nho! Nó gọi “Này! Anh hầu bàn, đem nước bã nho đây!”. Còn trung úy Kupsinnikôp {Kupsinnikôp có từ kupsin nghĩa là cái hũ đựng rượu} nữa, cái cậu dễ thương quá! Một tay ăn chơi đủ vành! Chúng tớ không rời nhau nửa bước… Rượu thằng cha Pônômariôp {Pônômariôp có từ pônôma nghĩa là ông trợ tế} bán cho chúng tớ mới thật tuyệt! Phải cho cậu biết rằng nó là một thằng xỏ lá, và thường chẳng ai mua được gì trong hiệu nó đâu. Rượu thì nó pha đủ mọi thứ thuốc nhuộm vào, - gỗ đàn hương, nút chai đốt cháy, - nó nhuộm bằng hương mộc nữa cơ; nhưng nó mà chịu lấy từ nhà sau, - từ phong giấy riêng, như nó vẫn gọi, - ra một chai rượu lâu năm, thì cậu ạ nốc vào cứ tưởng như là được lên thiên đường. Nó đem ra cho chúng tớ một thứ sâm banh như vậy đấy; so với món ấy thì sâm banh trên tỉnh ra quái gì, chỉ là kvax, mà thôi! một thứ sâm banh không phải Clicô mà Clicô matradura {Matradura là một điệu múa cổ. Clicô là tên một thứ rượu vang. Nôzđriôp nói huyên thuyên, đem râu ông nọ cắm cằm bà kia hay cố dùng sai nghĩa các từ mà hắn dùng}, có kẻ gọi là Clicô đôi, cậu biết không? Rồi lại một chai vang Pháp, nhãn hiệu Bonbon nữa. Cái hương của nó tuyệt lắm cậu ạ! Thơm mùi mộc tê và tất cả mùi gì mà cậu muốn. À! Chơi ra trò!... Một công tước đến sau bọn tớ, sai người đi kiếm sâm banh… Chẳng còn lấy được một chai: bọn sĩ quan đã nốc sạch! Cậu có biết không, trong bữa ăn chiều, một mình tớ tu hết mười bảy chai đấy nhé!
- Mười bảy à! Chú uống thế nào hết được, người tóc vàng nói.
- Thề danh dự! Nôzđriôp cãi.
- Chú thề gì thì thề, tôi thách chú uống hết được mười chai đấy.
- Cuộc gì nào?
- Việc gì phải cuộc?
- Nào, cuộc cái súng mới mua trên tỉnh kia đi!
- Tôi không cuộc.
- Cuộc đi chứ!
- Không bao giờ!
- Khôn đấy, vì chắc chắn là cuộc thì anh mất súng, như đã mất mũ kia kìa… Này, Tsitsikôp, cậu không ở trong bọn tớ, tớ tiếc quá! Tớ chắc là Kupsinnikôp với cậu sẽ chẳng rời nhau ra được: cậu với hắn sẽ ăn cánh vô cùng. Hắn khác hẳn thằng cha chưởng lý và tất cả cái bọn keo kiệt trên tỉnh đi đếm từng đồng kôpek. Cậu thích cái gì hắn cũng tiếp: bancô, pharaôn {Tên các lối đánh bài} v.v… Này, Tsitsikôp, mất gì mà cậu không đến? Thế thì cậu chỉ là một thằng tráo trở mà thôi. Hôn mình đi, quả tim của tớ ơi; tớ mê cậu đến điên lên được. – Này, xem đây, Mijuiep, số phận đã đoàn tụ chúng tớ lại. Cậu ấy là gì tớ, tớ là gì cậu ấy? Cậu ấy ở đâu đến, có Chúa họa mới biết; còn tớ thì ở đây… À! Người anh em ạ, biết bao nhiêu là áo quần, xe ngựa!... Và cái gì cũng xài lớn cả đấy nhé… Tớ quay xổ số, trúng hai lọ pommat, một cái tách sứ, một cây ghi ta; nhưng đến vòng thứ hai thì mất sạch… lại còn hao thêm sáu rúp là khác… A! Giá cậu biết thằng cha Kupsinnikôp ấy vui nhộn đến thế nào! Gần như là vũ hội nào, tớ cũng đi với hắn. Có một bà lên khung đại lễ phục, nào là áo tổ ong, nào là vải quấn khắp người. Chúa biết là còn gì gì nữa!... Tớ thì tớ nghĩ thầm: “Quỷ bắt tao đi!”. Nhưng mà cái thằng súc sinh Kupsinnikôp ấy lại ngồi cạnh nàng và tuôn ra một tràng những lời ca tụng bằng tiếng Pháp… Cậu tin lời mình nhé, cả đến bọn đàn bà dân dã hắn cũng chẳng chê, hắn gọi cái trò ấy là “đi xơi dâu” {Đây là một thứ quả tương tự ta thường gọi là dâu tây. Lối nói lóng này từ khi “Những linh hồn chết” ra đời đã thành ra phổ biến trong ngôn ngữ Nga}. À, đủ các thứ cá, các thứ balyk {Lưng cá chiên phơi khô, món nhắm mà người Nga rất thích}. Toàn là của tuyệt trần! Tớ mang về một con; may mà tớ nghĩ ra việc mua nó trước khi sạch túi!... Nhưng mà, cậu đi đâu đấy?
- Đến nhà người quen, Tsitsikôp nói.
- Kệ xác người quen ấy đi. Đến làm gì? Đến nhà tớ đi!
- Không, không thể được, người ta chờ tôi có việc.
- Có việc à! Chỉ bịa thôi! Ôpôđenđôk Ivannôvits! {Ôpôđenđôp là một môn thuốc cổ truyền ở Nga, một lần nữa Nôzđriôp lại ghép chữ bừa bãi để dùng, không có nghĩa lý gì hết}
- Thật đấy, có việc, mà lại là việc khẩn nữa.
- Cậu nói dối, tớ cuộc đấy! Vậy cậu đến nhà ai nào?
- Đến Xôbakiêvits.
Nghe đến đấy, Nôzđriôp bật ra một tràng cười dữ dội, chỉ những kẻ trai tráng mới có thể cười được như thế, vừa cười vừa rung đôi má, vừa để lộ tất cả hai hàm răng trắng như đường kính, làm cho hàng xóm đang ngủ ở cách hai buồng cũng phải giật bắn mình dậy, mở mắt tròn xoe mà kêu lên: “Ái chà! Chẳng biết cái thằng cha có việc gì thế!”
- Có gì là đáng cười? Tsitsikôp nói với vẻ khá phật ý vì cái cười của Nôzđriôp.
Nhưng Nôzđriôp vẫn tiếp tục cười, vừa cười vừa nói:
- Xin cậu, xin cậu, tớ sẽ chết vì cười!
- Chẳng có gì là buồn cười cả; tôi có hẹn ông ta đến thăm, Tsitsikôp nói tiếp.
- Nhưng đến nhà cái thằng keo kiệt ấy là cậu quên hết cái lạc thú sống trên đời! Tớ biết tính cậu…; nếu cậu cho là ở đấy có sòng bạc ăn to và rượu ngon thì cậu lầm to. Thôi, anh bạn ạ, phó mặc Xôbakiêvits cho quỷ sứ! Đến tớ đi. Cậu sẽ được nếm món balyk. Thằng đểu cáng Pônômariôp ấy đã vái ngắn, vái dài, bảo đảm với tớ là “- Cháu để dành riêng cho ông; ông có lùng khắp phiên chợ cũng chẳng tìm được một miếng như thế đâu”. Nhưng thằng ấy là một thằng xỏ lá hạng nặng. Tớ nói toạc vào mặt nó: “- Này lão trưng thuế rượu và nhà ngươi, là hai thằng bợm nổi tiếng mà tớ biết được”. Nó chỉ cười, cái thằng vô lại, vừa cười vừa vuốt vuốt bộ râu. Kupsinnikôp và tớ ngày nào cũng ăn ở nhà nó… À, tớ quên, tớ phải cho cậu xem cái này; nhưng tớ bảo trước cho cậu biết là mười nghìn rúp tớ cũng chẳng để lại đâu nhé. Này Porfiri, - hắn từ cửa sổ gọi xuống. Porfiri là tên đày tớ của hắn, đang một tay cầm con dao và tay kia một miếng balyk mà nó vừa lục lạo trong xe và xoáy được – Này! Porfiri! Mang con vật lên đây!... Cậu sẽ thấy con chó xinh quá đi thôi, Nôzđriôp quay về phía Tsitsikôp và nói tiếp. Tớ không mua nó đâu nhé, mà tớ xoáy đấy; chủ nó nhất định không chịu nhả ra, dù đổi cái gì ở trên đời cũng vậy. Tớ phải xin đổi đến cả con ngựa hồng cái mà cậu còn nhớ đấy chứ, tớ đã đổi cho Khvôxtưriôp ấy mà… - Tsitsikôp không biết tí gì về Khvôxtưriôp cũng như về con ngựa hồng cái cả.
- Ông không cần gì à? Bà lão chủ quán vừa đến gần vừa lên tiếng.
- Không cần gì cả… À! Chúng tớ đã tự thết rồi, cậu ạ!... Hay là có. Tôi uống một cốc vậy. Già có rượu gì nào?
- Hồi hương
- Được rồi.
- Cho tôi một cốc nhân thể, người tóc vàng nói.
- Ở nhà hát, một nữ diễn viên hát tuyệt lắm như một con chim sẻ vàng! Kupsinnikôp ngồi cạnh tớ, nói: “- Này! Bây giờ là lúc đi xơi dâu đây!... ”. Hình như có tới hơn năm mươi cái quán… Fênarđi vênh vang đi lại bốn giờ liền.
Đến đây, Nôzđriôp hạ cố cầm lấy cốc rượu con từ tay bà già, bà này liền cúi gập người lại mà cám ơn.
- A, a, đem đây, để nó xuống đây! Hắn kêu lên khi Porfiri mang con chó vào.
Cũng như chủ, tên đày tớ diện một cái caftan lót bông, nhưng bẩn hơn. Nó đặt con vật xuống. Con chó duỗi chân, vừa thè lưỡi liếm đất.
- Con cún đấy! Nôzđriôp vừa nói vừa nắm da cổ con chó kéo lên, con vật rên một tiếng khẽ. – A này, mày không làm theo lời tao dặn à, hắn quay lại bảo Porfiri, vừa nói vừa nhìn kỹ bụng con chó. – Mày không chải cho nó à.
- Có chứ, chải rồi cơ đấy.
- Vậy thì bọ chó ở đâu ra thế này?
- Con có biết đâu đấy. Chắc là ở cái xe.
- Mày nói dối, nói dối! Mày chẳng thèm nghĩ đến việc chải cho nó. Tệ hơn nữa, chắc là mày đã lây bọ chó sang cho nó. Xem này, Tsitsikôp à, đôi tai có tuyệt không; sờ tí xem.
- Cần gì? Không sờ tôi cũng biết là chó nòi rồi, Tsitsikôp nói.
- Không, không, sờ một tí.
Để cho hắn vui lòng, Tsitsikôp sờ tai chó và nói:
- Ừ, con này lớn lên sẽ đẹp lắm.
- Còn mũi nó lạnh như tiền này. Sờ xem.
Để khỏi mất lòng hắn, Tsitsikôp sờ mũi chó.
- Con này đánh hơi giỏi lắm!
- Thật là chó gộc đấy nhé! Đã lâu tớ thèm được một con thế này. Thôi, Porfiri, mang nó đi!
Porfiri ôm ngang bụng con chó mang ra xe.
- Này, Tsitsikôp ạ, Nôzđriôp lại nói; cậu phải đi với tớ. Nhà tớ cách đây năm verxta. Nháy mắt là đến, rồi từ đấy, nếu cậu thích, thì có thể chuồn sang Xôbakiêvits.
Tsitsikôp nghĩ bụng: “dù sao, mình cũng có thể đến thằng cha Nôzđriôp này, nó cũng chẳng kém gì những đứa khác, mà hơn nữa nó đang khánh kiệt! Hình như bây giờ thì việc gì nó cũng sẵn sàng làm tất. Không rút của nó được cái này thì cũng được cái nọ”.
- Được rồi, y nhận lời. Nhưng với một điều kiện: đừng giữ tôi lại lâu; thì giờ của tôi quý lắm.
- Hay quá! Cậu cho tớ hôn cái nào, quả tim của tớ ơi! – Nôzđriôp và Tsitsikôp ôm lấy nhau. – Thế này thì tuyệt, ba ta cùng đi.
- Không, không, người tóc vàng nói; tôi thì xin chia tay thôi; tôi vội, phải về ngay.
- Anh nói nhảm gì thế, anh ơi!
- Tôi nói thật với chú là nhà tôi đến giận tôi mất. Chú xin đi nhờ xe của ông đây vậy.
- Không đời nào. Tôi không để anh đi đâu.
Người tóc vàng thuộc vào hạng người cương quyết giả hiệu. Cái hạng người ấy, bạn vừa mở mồm, là họ sẵn sàng tranh luận ngay và bạn tin rằng không bao giờ họ có thể thừa nhận một ý kiến trái với ý kiến họ, rằng họ có thể cho một thằng ngu là người trí tuệ, rằng họ lại đi bắt chước bất cứ ai; nhưng cuối cùng thì họ lại công nhận cái điều mà họ vừa gạt đi, họ cho một thằng ngu là người trí tuệ và họ bắt chước ngay cái người đầu tiên mà họ thấy, tóm lại họ là hạng người trước thì trơn mà sau thì rám.
- Vớ vẩn! Nôzđriôp nói tiếp, chặn đứng ngay không cho người tóc vàng cố cãi lại một lần nữa. Hắn cầm mũ lưỡi trai chụp lên đầu ông ta và kéo ra theo mình.
- Còn hai cốc rượu hồi hương, thưa ông?... Bà lão nói.
- À! Đúng, đúng, bà chị ạ! Giả cả đi nào, anh. Tôi chẳng còn đồng kôpek nào dính túi.
- Bao nhiêu của bà? Người anh rể hỏi.
- Có bao nhiêu đâu ông, tám mươi kôpek tất cả.
- Thế cơ à! Đưa cho bà ấy năm mươi thôi, đủ rồi.
- Ít quá, ông ạ, bà lão nói, nhưng cũng cầm lấy đồng tiền với vẻ biết ơn và còn chạy ra mở cửa cho khách nữa. Bà ta có thiệt gì, vì đã đòi tiền rượu đắt lên những bốn lần.
Ba người lên xe, chiếc britska của Tsitsikôp chạy song song với chiếc mà hai anh em Nôzđriôp ngồi, nên ba người có thể trò chuyện trong lúc đi đường. Chiếc xe cà cộ của Nôzđriôp do mấy con ngựa khổ nhà quê kéo, lẽo đẽo mãi đằng sau; Porfiri ngồi chễm chệ với con chó con.
Những câu chuyện của các nhà du khách của chúng ta chẳng có gì lý thú, nên tốt hơn là ta nói vài lời về Nôzđriôp, vì có lẽ trong thiên trường ca của chúng ta, y không đến nỗi giữ vai trò cuối cùng.
Chân tướng Nôzđriôp chắc bạn đọc cũng đã quen rồi: những người như thế không phải là hiếm. Người ta gọi họ là những kẻ tinh ranh lõi đời; từ thời thơ ấu họ đã được tiếng là những người bạn ngay thẳng, nhưng không phải vì vậy mà họ thường tránh được ăn đòn. Vẻ mặt họ luôn luôn biểu lộ tính cương trực và lòng dũng cảm. Mới quen nhau, họ đã tức thì cậu cậu, tớ tớ với bạn, và hình như hiến bạn tất cả tình bằng hữu của họ, nhưng thường thì ngay chiều hôm ấy, giữa bữa tiệc chén chú, chén anh, họ đã túm lấy cổ bạn mà vật. Họ đa ngôn, phóng đãng, tự đắc, nổi bật giữa mọi người. Đã ngoài ba mươi lăm tuổi mà Nôzđriôp vẫn hệt như ngày mười tám đôi mươi: chỉ là một kẻ ăn chơi. Việc lập gia thất không làm cho hắn thay đổi; vả lại vợ hắn chết sớm, để cho hắn hai đứa con nhỏ mà hắn không biết làm gì; Một người đày tớ gái ân cần trông nom chúng. Hắn không bao giờ ở nhà lấy được hai ngày. Cách hàng chục verxta mà đâu có chợ phiên, vũ hội, họp mặt là hắn đều đánh hơi biết cả; hắn liền bổ đến cãi cọ, làm như vũ bão quanh tấm thảm xanh, vì hắn mê cờ bạc, như tất cả mọi kẻ đồng thanh, đồng khí với hắn. Hắn đánh bạc không ngay thẳng đâu, như ta đã thấy ở chương thứ nhất: hắn thích uốn nắn lại sự may rủi và biết rất nhiều mánh khóe. Thường thường, canh bạc kết thúc bằng một trận đòn; người ta đá hắn bằng chân ủng đến nhừ tử; người ta vặt râu má rậm rạp của hắn và về đến nhà thì râu hắn chỉ còn có một bên và nom khá thảm hại. Nhưng đôi má hắn nhiều sinh lực đến nỗi râu lại mọc lên nhanh chóng và rậm rạp hơn trước. Và điều lạ hơn nữa, điều mà chỉ có thể có ở nước Nga, là tức khắc sau đó hắn lại tìm gặp các bạn đã quật hắn nhừ đòn, như là chẳng có việc gì xảy ra cả.
Nôzđriôp, theo một nghĩa nào đó, là một nhân vật lịch sử; bất kỳ đâu mà có hắn, là bao giờ cũng có việc gì đấy xảy ra cho hắn: hoặc sen đầm đuổi hắn đi, hoặc bạn bè hắn lịch sự tống hắn ra. Ngoài những trường hợp quá quắt ấy, hắn còn trải qua nhiều cuộc phiêu lưu không thể xảy ra cho người khác được: hắn say rượu đến nỗi chỉ còn biết có cười nữa thôi, hắn tuôn ra lắm điều khoác lác đến nỗi cuối cùng thì chính hắn cũng phải xấu hổ. Hắn nói dối không chút cần thiết nào; tự nhiên vô cớ hắn cho là hắn có một con ngựa màu hồng hay màu xanh da trời và tuôn ra lắm điều nhảm nhí đến nỗi người nghe phải bỏ đi, vừa đi vừa cầu nhầu: “Cậu nói toàn những chuyện hoang đường!”. Có những kẻ thường làm việc ác đối với người khác một cách say mê, điên cuồng mà chẳng có lý do gì cả. Một ông quan lớn, bệ vệ vào bậc nhất, ngực đeo tấm huân chương bắt tay bạn, nói với bạn những lời lẽ cao thượng, rồi tức khắc trước công chúng chơi bạn một vố rất đê tiện, một vố chỉ đáng là của một kẻ cạo giấy hơn là của một ông ngực đeo tấm huân chương và mồm nói những lời cao thượng; làm cho bạn sửng sốt chỉ còn biết nhún vai mà thôi. Nôzđriôp cũng có cái thói ấy. Bạn càng thân với hắn, hắn càng chơi bạn lắm vố hiểm; hắn đồn đại về bạn những điều độc ác, làm cho bạn nhỡ một cuộc hôn nhân, hỏng một việc kinh doanh mà vẫn không cho rằng hắn là kẻ thù của bạn. Trái lại, sau đấy mà gặp bạn là hắn liền vồn vã, trách bạn rằng: “-À! Đồ súc sinh, tại sao mày chẳng đến tao bao giờ?”
Nôzđriôp quả thật là một kẻ làm việc gì cũng được. Hắn gạ bạn đi bất cứ đâu, dù là đến tận cùng thế giới, giới thiệu bạn vào bất kỳ công cuộc kinh doanh nào, đổi chác bất cứ cái gì với tất cả vật gì bạn thích. Súng, chó, ngựa, cái gì đối với hắn cũng là vật đổi chác, nhưng tuyệt nhiên không có ý kiếm lời chút nào cả. Đó là biểu hiện của một tính khí thay đổi vô cùng. Giá ở chợ phiên mà hắn may mắn vớ được một thằng ngốc và vặt hết lông của nó trong canh bạc thì với số tiền mà hắn được, hắn lại tiêu sạch đến đồng xu cuối cùng ở các cửa hàng; hắn mua tất cả cái gì mà hắn trông thấy: đồ thắng ngựa, hương đốt trong khuê phòng, khăn trùm cho bà vú, ngựa giống, nho Côrintôx {Nho của một địa phương nổi tiếng ở Hy Lạp}, chậu rửa mặt bằng bạc, vải Hà Lan, tinh bột, thuốc lá, súng tay, cá mòi, tranh vẽ, đá mài, chậu, ủng, bát đĩa sành. Những vật ấy, ít khi hắn mang được về đến nhà, thường là gán nợ ngay ngày hôm ấy cho một tay cờ bạc gặp may hơn hắn, gán luôn cả túi thuốc lá và cái tẩu - rồi ngày hôm sau lại gán nốt bốn con ngựa với cỗ xe và gã xà ích.
Thế là, chỉ còn trần một chiếc caftan ngắn, hắn chạy đi tìm một người bạn xin về nhờ xe.
Nôzđriôp là như thế. Chắc có người cho rằng cái tính cách như thế đã được tả đi tả lại mãi rồi và chẳng còn có ai như thế nữa. Than ôi! Họ đã lầm to. Bọn Nôzđriôp đã hết đâu sớm thế. Trong chúng ta vẫn còn nhiều Nôzđriôp; nhưng chắc là vì chúng đã thay áo ngoài, nên những bộ óc hời hợt không nhận ra chúng mà thôi.
Ba chiếc xe đã về đến tam cấp lớn nhà Nôzđriôp. Trong nhà chẳng có một vẻ gì là chuẩn bị đón khách cả. Leo trên một cái giá gỗ, ở chính giữa buồng ăn, hai anh thợ đang quét tường, khe khẽ hát một bài không bao giờ hết, sàn nhà thì vấy phấn bạch diên {Chất dùng để sơn, về mặt hóa học là cacbonat chì, rất độc, ngày nay cấm không được dùng tron việc sơn, quét nữa} lung tung. Nôzđriôp rủa hai anh thợ, đuổi họ cút đi, ra mà treo cổ lên, cả họ lẫn cái giá gỗ của họ, rồi sang phòng bên bảo nhà bếp làm bữa ăn chiều; Tsitsikôp đã muốn ăn lắm rồi, nhưng phải hiểu ngay là họ chưa thể ngồi vào bàn trước năm giờ được. Một lát sau thì chẳng còn gì chỉ cho khách xem nữa.
Trước tiên họ dừng lại xem tàu ngựa, ở đấy có một đôi ngựa cái, một con màu xám lốm đốm, một con màu hồng, lại có một con ngựa giống, mình hồng bờm đem, nom khá tồi tàn mà Nôzđriôp bảo là đã mua mất mười nghìn rúp.
- Mười nghìn rúp! Ông anh rể bẻ ngay. Không bao giờ đến giá ấy. Một nghìn cũng chưa đáng.
- Thề danh dự, tôi đã trả đúng mười nghìn rúp đấy. Nôzđriôp lại nói.
- Chú muốn thề mấy thì cứ thề đi, ông anh rể nói tiếp.
- Anh cuộc gì nào? Nôzđriôp thách.
Ông anh rể không cuộc.
Sau đó, Nôzđriôp chỉ cho khách xem những tàu ngựa trống không, nhưng theo lời hắn, thì trước kia đã chứa những con ngựa rất đẹp. Họ thấy cả một con dê đực, mà trong dân gian, từ lâu đời, người ta vẫn tin là cần phải có ở mọi chuồng ngựa; rất hòa thuận với mấy con ngựa, nó đang dạo chơi dưới bụng chúng và cảm thấy thoải mái như ở nhà nó vậy. Xong, Nôzđriôp đưa khách đến xem một con sói con có buộc dây.
- Xem có phải là một con sói non không nào; tớ cố ý nuôi nó toàn bằng thịt sống, tớ muốn nó lớn lên sẽ thành một con thú rừng thực sự!
Họ ra xem ao; theo Nôzđriôp thì trong ao có những cá to đến nỗi phải hai người khó nhọc lắm mới kéo lên được một con, về điều ấy thì ông anh rể lại thấy là phải hoài nghi.
- Này, Tsitsikôp à, Nôzđriôp bảo; tớ cho cậu xem một đôi chó tuyệt trần; mõm dài và nhọn như cái kim và đùi khỏe không thể tưởng tượng được.
Hắn đưa khách đi về phía một chiếc nhà con xinh xắn, bốn bề có sân lớn bao bọc. Họ thấy trong sân những chó săn mõm nhọn đủ các thức lông – dài, ngắn, hoe lốm đốm đen, hạt dẻ, gạch non, huyết dụ, đen có chấm vàng vàng. Chúng mang đủ thứ tên: Cãi cọ, Ầm ỹ, Lẹ làng, Ngạo mạn, Sáng rực, Dữ dội, Say sưa, Trơ tráo, Hung hăng, Gắt gỏng, Nóng nảy, Chim én. Nôzđriôp ở giữa chúng, tựa hồ một người cha ở giữa bầy con. Cả bọn, vểnh đuôi lên, - vểnh cái roi như những người sành chơi chó của chúng ta thường nói, - và phi về phía khách. Độ một chục con đứng lên, đặt hai chân trước lên vai Nôzđriôp. Con Ầm ỹ cũng tỏ tình hữu nghị như thế với Tsitsikôp, rồi kiễng hai chân sau lên nó liếm vào môi y làm cho Tsitsikôp phải khạc nhổ. Khách xem những con chó đặc sắc vì sức khỏe của bắp đùi; quả thật là những chú chó đẹp. Rồi người ta đến thăm một con chó cái xứ Krưm đã mù, và theo Nôzđriôp, thì sắp phèo đến nơi, dù mới hai năm trước, vẫn còn là một con chó đẹp. Người ta xem nó: đôi mắt nó chẳng còn nhìn thấy gì nữa rồi.
Sau đấy, người ta đi thăm cối xay gió. Trong cối thiếu mất cái bộ phận để cắm cái thớt xay phía trên, cái thớt quay nhanh quanh trục cối mà người mujik nói một cách rất đúng là nó bay bay ấy.
- Đến lò rèn đây rồi, Nôzđriôp nói.
Quả nhiên một lát sau thì thấy lò rèn. Họ cùng vào thăm.
Nôzđriôp chỉ một đám đất nói: - Đám đồng ấy nhiều thỏ rừng đến nỗi không còn thấy mặt đất nữa; có lần tớ bắt được một con mà chỉ cần đưa tay tóm lấy cẳng sau của nó thôi.
- Chú không bao giờ bắt được thỏ rừng bằng tay không cả! Ông anh rể vặn lại.
- Thật đấy, tớ bắt hoàn toàn bằng tay không, Nôzđriôp đáp, rồi quay lại Tsitsikôp nói: và bây giờ tớ chỉ cho cậu giới hạn của ấp tớ: một cái mốc và cái hào hẹp.
- Đấy, biên giới của tớ đấy! Nôzđriôp nói; tất cả những gì cậu nhìn thấy bên phía này là của tớ, mà cả bên kia cái mốc nữa, cánh rừng xanh xanh kia và tất cả những gì ở sau ấy nữa cũng còn là của tớ.
- Cánh rừng là của chú từ bao giờ? Ông anh rể hỏi. Hay là chú vừa mới mua chăng?
- Chứ sao, Nôzđriôp đáp.
- Lúc nào thế?
- Hôm kia; mà mua giá khá đắt cơ đấy.
- Nhưng hôm kia chú ở phiên chợ cơ mà?
- Đồ ngốc, vậy ra người ta không thể vừa ở chợ phiên, vừa tậu đất được à? Đúng, tớ ở chợ và trong lúc ấy thì lão quản lý của tớ ở đây hoàn thành việc tậu đất cho tớ.
- À, nếu là lão quản lý của cậu thì… ông anh rể nhượng bộ, nhưng lắc đầu một cách hoài nghi.
Họ theo lối cũ mà trở về; Nôzđriôp đưa khách vào phòng giấy. Nhưng ở đây không hề thấy có những vật thường tiêu biểu cho các văn phòng. Chẳng thấy sách vở, giấy má gì cả, chỉ thấy mấy thanh kiếm và hai cây súng trường, một cây giá ba trăm, một cây tám trăm rúp, mà sau khi nhìn kỹ, ông anh rể chỉ biết lắc đầu. Nôzđriôp đem khoe những cây dao găm Thổ Nhĩ Kỳ mà một cây lại khắc lầm tên người đánh dao là “Thợ cả Xavêlii xibiriakôp” {Người đánh con dao có cái tên hoàn toàn Nga; điều ấy chứng tỏ Nôzđriôp nói dối: dao Nga thì bảo là dao Thổ Nhĩ Kỳ}. Hắn giới thiệu với khách một cây phong cầm vặn tay; và để mừng khách, hắn bắt đầu quay. Tiếng phong cầm nghe cũng dễ chịu, nhưng bộ máy hình như đã hỏng: bài “Manbruc ra đi đánh giặc” {Dân ca Pháp có tính chất hài hước} kết thúc một điệu mazurka {Điệu nhạc nhảy Ba Lan}, rồi một điệu van lặp đi lặp lại kết thúc bài “Manbruc ra đi đánh giặc”. Nôzđriôp ngừng quay từ lâu mà một cái ống không biết mệt, vẫn cố huýt lên, và tiếng huýt kéo dài tới mấy phút nữa. Bấy giờ Nôzđriôp mới bày ra trước mặt khách những cái tẩu của hắn: tẩu bằng gỗ, bằng đất, bằng đá bọt, tẩu mới nguyên, tẩu đen ngòm vì cặn thuốc, tẩu có túi đựng bằng da hoẵng hay không có túi; một cái tẩu Thổ Nhĩ Kỳ mà đầu ngậm bằng hổ phách, vừa được trong một canh bạc; một cái túi đựng thuốc lá do một bá tước phu nhân thêu; nàng phải lòng Nôzđriôp ở một trạm thay ngựa và, nếu tin lời hắn, thì nàng có đôi bàn tay thặng dư {Trong nguyên bản, tác giả phiên âm tiếng Pháp superflu, có nghĩa là dư thừa. Nôzđriôp có thói dùng chữ lung tung, không cần gì nghĩa của chữ} ưu nhã nhất; tiếng ấy theo ý hắn chắc là dùng để chỉ độ tối cao của sự hoàn mỹ.
Sau món balyk mở đầu bữa chiều, họ ngồi vào bàn ăn thực sự vào khoảng năm giờ. Hình như ăn ngon đối với Nôzđriôp không phải là mục đích của cuộc đời, thức ăn, món thì cháy, món chưa kịp chín. Người ta thấy rõ là anh bếp chỉ tùy hứng mà làm và ném vào nồi bất cứ cái gì mà hắn vớ được: hồ tiêu, bắp cải, sữa, jăm bông, đậu; chỉ cốt cho nóng, còn hương vị thì chẳng cần gì. Trái lại, Nôzđriôp chẳng chút dè xẻn trong việc thết rượu. Canh chưa dọn lên mà hắn đã rót cho khách mỗi người một cốc tướng porto {Vang nổi tiếng ở Porto nước Bồ Đào Nha} và một cốc xôtecn {Vang ngon ở vùng Xôtecn, miền tây nam nước Pháp} hạng nặng, vì trong các tỉnh của chúng ta rượu vang Xôtecn hạng thường, không ai biết đến bao giờ. Hắn lại bảo đem ra một chai Mađêrax {Vang quý, sản xuất ở quần đảo Mađêrax nước Tây Ban Nha, ở tây phần Địa Trung Hải} “mà chưa bao giờ một vị nguyên soái được uống”. Rượu Mađêrax làm tê liệt cả vị giác; biết rõ khẩu vị của các nhà quý tộc thôn quê của chúng ta, bọn lái buôn đã làm cho thứ vang này nổi vị bằng cách pha rum hay có khi pha cả rượu mạnh vào nữa, với lòng tin chắc là dạ dày Nga thì cái gì cũng chịu đựng được. Hắn lại gọi tiếp một chai vang đặc biệt mà hắn gọi là buôcginhông – sampanhông {Bourguignon là hình dung từ thuộc xứ Buôcgôn nước Pháp, nơi sản xuất vang đỏ rất ngon. Champagnon là chữ do Nôzđriôp đặt ra để gọi rược sâm banh. Nôzđriôp có thói đặt chữ ra để dùng, theo nghĩa riêng của mình} và theo lời hắn thì thứ đồ uống này có hương vị của cả hai thứ vang ấy. Hắn rót cho khách từng cốc đầy tràn, mà chỉ tiếp mình một cách bủn xỉn hết sức. Tsitsikôp liền đâm nghi và để mặc cho Nôzđriôp diễn thuyết hay tiếp đãi ông anh rể, y thừa cơ đổ phắt cốc rượu vào đĩa ăn. Sau đấy, được dọn ra một thứ rượu mạnh ngâm quả thanh hương trà mà theo lời Nôzđriôp thì hương vị y hệt như thanh mai, khó phân biệt được, nhưng làm cho khách phải hết sức hoảng hốt vì uống vào là ruột đau quặn dữ dội như bị thắt lại. Cuối cùng thì khách nhấm nháp một thứ trà, tên đã khó nhớ mà người chủ tiệc lại càng làm cho khó thêm bằng cách gọi đến mấy thứ tên khác nhau.
Bữa ăn đã xong, mấy cái chai đã cạn, nhưng khách ăn chưa hề có ý định đứng lên. Dù có thế nào đi nữa thì trước mặt ông anh rể, Tsitsikôp cũng không đả động đến cái việc mà y vẫn thiết tha. Việc ấy cần lúc thanh vắng và thân mật. Nhưng mà ông ta cũng không có gì là nguy hiểm; ông ta lại đã say bí tỉ và ngồi như cắm vào ghế, đầu gật gà, gật gù, sau cùng hiểu tình trạng tuyệt vọng của mình, ông ta mới ngỏ lời cáo từ, nhưng giọng nói nhu nhược và lúng búng; tựa hồ ông ta muốn lấy con mòng đốt ngựa mà đeo cổ để cho ngựa, - theo một thành ngữ mà người Nga hay dùng.
- Không đời nào. Tớ không thả ra đâu! Nôzđriôp tuyên bố.
- Không, chú ạ, không; cho tôi về, nếu không chú làm mất lòng tôi đấy, ông anh rể nằn nì như vậy.
- Thôi đừng nói nhảm nữa; làm một ván bancô đi.
- Chú chơi đi vậy, chú ạ; nhà tôi sẽ giận tôi lắm. Tôi về ngay để kể cho nhà tôi nghe tin tức phiên chợ; thỉnh thoảng cũng phải làm cho nhà tôi vừa lòng chứ. Chú đừng giữ tôi nữa.
- Ê, tống chị ấy đi cho…! Vợ chồng có gì quan trọng mà phải bàn bạc cùng nhau như vậy?
- Không, chú ạ, không; nhà tôi là một người bạn trăm năm trung thành và đáng kính! Nhà tôi giúp tôi nhiều việc đến nỗi, - chú có biết không, mỗi lần nghĩ đến là nước mắt tôi trào ra. Không, đừng giữ tôi lại; nói có bụng người quân tử với nhau, tôi phải về ngay để gặp nhà tôi.
- Để cho ông ấy đi! Tsitsikôp nói nhỏ với Nôzđriôp. Chúng mình còn cần gì ông ấy nữa chứ!
- Ừ, đúng đấy! Nôzđriôp tán thành. Tớ chúa ghét những thằng cha lù đà, lù đù. Quỷ bắt anh đi! Cút về mà cầm con chỉ cho vợ, đồ tồi.
- Không, chú ạ, đừng gọi tôi là đồ tồi! Mijiep cãi. Tôi sống được là nhờ nhà tôi đấy. Nhà tôi thật là tốt bụng, thật là hiền lành, thật là dễ thương. Nhà tôi sẽ hỏi tôi đã thấy những gì ở chợ phiên; phải kể lại cho nhà tôi nghe chứ. Nhà tôi thật là dễ thương.
- Thế thì cút về mà kể cho nó nghe đi! Mũ đây này.
- Không, chú ạ, chú không nên nói đến nhà tôi với cái giọng ấy; chú làm tôi phật lòng, chú biết không… Nhà tôi thật là dễ thương.
- Vậy thì cút về ngay với nó.
- Tôi về đây, chú ạ; xin lỗi chú vì đã không ở lại được. Tôi cũng muốn ở lại lắm, nhưng mà không thể được…
Ông anh rể cứ nói mãi với cái giọng ấy, không thấy rằng mình đã ngồi trong xe từ bao giờ rồi và trước mặt chỉ có cánh đồng không mông quạnh. Nhưng mà ngày hôm ấy, vợ ông ta có được biết gì mấy về phiên chợ đâu.
- Cái thằng cha thộn! Qua cửa sổ Nôzđriôp nhìn chiếc xe phóng nước kiệu và nói tiếp. – Con ngựa thắng bên tay xe nom cũng khá, mình thèm từ lâu nhưng chẳng tài nào mà thỏa thuận với cái thằng cha ngốc ấy được.
Vừa lúc ấy, Porfiri mang nến vào và Tsitsikôp thấy trong tay chủ nhà một bộ bài, không biết lấy từ đâu ra.
- Nào, bạn ơi, Nôzđriôp nói, để tiêu thì giờ, tớ cầm cái, đặt ba trăm rúp đây; được không?
Mấy ngón tay hắn ép vào rìa bộ bài, các con bài cong lên và cái băng buộc đứt ra.
Nhưng hình như Tsitsikôp không hiểu. Như chợt nhớ ra việc gì, y nói:
- À này! Nhân tiện, tôi có một việc định nhờ anh.
- Việc gì?
- Anh hãy thề là sẽ không từ chối đi đã.
- Nhưng việc gì đã chứ?
- Thề đi đã.
- Được.
- Thề danh dự chứ?
- Thề danh dự.
- Vậy thì, thế này… Nông dân của anh nhiều đứa chết rồi, mà vẫn còn tên trong các danh sách điều tra dân số, phải không nào?
- Ừ, vậy thì làm sao?
- Để chúng nó lại cho tôi.
- Cậu lấy chúng làm gì?
- Tôi cần.
- Cần làm gì?
- Đó là việc riêng của tôi. Tôi bảo anh là tôi cần chúng nó.
- Cậu định mưu việc gì đấy. Nói thật đi.
- Chẳng có gì cả. Đồ rơm rác ấy thì còn dùng làm gì được.
- Vậy cậu cần chúng để làm gì?
- Kìa, tò mò quá đi thôi! Cái gì cũng muốn sờ vào, đâu cũng muốn sục đến.
- À, cậu nói quanh? Đã vậy, tớ mặc kệ, nếu cậu không nói cho tớ rõ dụng ý của cậu.
- Biết thì có hơn gì kia chứ? Chỉ vì tôi có cái thích khác người một tí thôi. Còn anh thì không đứng đắn tí nào cả; vừa thề lại nuốt lời ngay.
- Muốn gì cũng được; nhưng tớ chẳng biết gì hết, nếu cậu không nói.
“Nói thế nào với nó được nhỉ”. Tsitsikôp nghĩ thầm rồi sau một lát suy nghĩ, nói rằng cần có nông phu chết để cho nó giá trị trong giới xã giao; vì y không có trang ấp rộng lớn, nên lấy nông nô thay vào, trong khi chờ đợi được khá hơn.
- Cậu nói dối, nói dối! Nôzđriôp ngắt lời.
Tsitsikôp cũng phải tự thú là cái cớ đưa ra cũng khá yếu; y lại nói:
- Này, tôi nói thật với anh; nhưng xin anh đừng nói lại với ai một lời. Tôi có ý định lấy vợ; nhưng bố mẹ vợ lại đòi hỏi lắm chứ. Chẳng biết tôi lại nhúng vào cái việc này làm gì? Họ đòi chú rể phải có ba trăm nông phu, và tôi hiện còn thiếu gần một nửa…
- Cậu nói dối, nói dối, Nôzđriôp lại kêu lên.
- Một đỉnh đình đinh cũng không nói dối! Tsitsikôp khẳng định như vậy, vừa nói vừa cong ngón tay cái chỉ vào đầu ngón tay út.
- Chặt đầu tớ đi, cậu vẫn nói dối!
- Thật khó chịu quá đi mất! Anh cho tôi là người thế nào? Theo anh thì tôi có việc là nói dối thôi à!
- Tớ còn lạ gì cậu. Cậu là một thằng xỏ lá hạng nặng; cậu cho phép, chỗ thân tình tớ nói với cậu như vậy. Nếu tớ là quan trên của cậu, tớ đã treo cổ cậu lên cái cây đầu tiện rồi!
Tsitsikôp phật ý lắm. Mỗi lời nói, hơi thô lỗ hay khó nghe một tí cũng làm y khó chịu. Đối với y suồng sã là chướng tai gai mắt, y chỉ chịu đựng được sự suồng sã của những bậc vương công mà thôi. Vì vậy mà y tự thấy là bị xúc phạm.
- Thề danh dự, tớ treo cổ cậu lên, Nôzđriôp nhắc lại. Nói vậy cậu đừng giận. Chỗ bạn thân, tớ nói thật.
- Cái gì cũng phải có giới hạn, Tsitsikôp nói, giọng nghiêm trang. Muốn khoe khoang những lời lẽ như thế thì đi mà giao du với bọn lính tráng! Nghĩ một tí, y lại nói thêm:
- Nếu anh không muốn cho bọn nông phu chết thì bán cho tôi.
- Bán cho cậu à! Tớ còn lạ gì cậu, đồ vô lại; cậu thì trả được bao nhiêu?
- Tôi biết ngay là anh muốn gì rồi. Anh tưởng chúng đáng giá lắm đấy chắc?
- Đúng rồi. Tớ đoán đúng gan ruột của cậu!
- Những cái thói Do Thái như thế mà không biết xấu hổ à? Đáng lẽ anh phải cho không tôi mới đúng.
- Này, để cậu xem, tớ chẳng phải là một thằng keo kiệt đâu. Cậu mua con ngựa giống, tớ sẽ cho thêm cậu bọn nông phu chết.
- Tôi làm gì với con ngựa giống ấy? Tsitsikôp kêu lên, chưng hửng vì lời đề nghị ấy.
- Tớ mua mười nghìn rúp, nhưng chỉ để lại cho cậu bốn nghìn thôi!
- Còn gì nữa? Tôi không có trại nuôi ngựa.
- Thong thả. Cậu chỉ đưa ngay cho tớ ba nghìn rúp thôi, còn thì trả sau.
- Tôi nhắc lại là tôi chẳng biết dùng nó làm gì cả.
- Vậy thì mua con ngựa hồng cái cho tớ đi.
- Mua làm gì?
- Con ngựa cái với con ngựa xám mà tớ đã cho cậu xem ấy, tớ chỉ lấy hai nghìn rúp thôi.
- Nhưng tôi chẳng cần gì đến ngựa cả.
- Cậu bán lại; đến phiên chợ đầu tiên, người ta sẽ trả cho cậu gấp ba lần thế.
- Nếu vậy thì anh đi mà bán lấy! Lãi cầm chắc còn gì.
- Tớ cũng biết thế, nhưng mà tớ lại muốn cho cậu kiếm lời.
Tsitsikôp cám ơn chủ nhà về nhã ý ấy, nhưng cương quyết từ chối cả con ngựa xám, lẫn con ngựa hồng.
- Vậy, mua chó cho tớ. Tớ để cho cậu một đôi, trông thấy là nổi da gà lên ngay: ria mép dài thế này này, lông dựng đứng, sườn cong vòng cung không thể tưởng được, cẳng quắp lại chỉ khẽ chạm đất mà không hề để lại tí lốt chân nào.
- Tôi lấy chó làm gì? Tôi không đi săn.
- Tớ muốn cho cậu có vài con chó của tớ. Nhưng cậu không muốn thì mua cho tớ cái phong cầm. Đẹp thật; lấy lòng quân tử mà cam đoan với cậu là tớ phải mua mất một nghìn rưỡi rúp đấy; tớ để lại cho cậu chín trăm rúp.
- Tôi lấy phong cầm làm gì? Tôi không phải là một lão người Đức {Những người Đức ăn xin là những người đầu tiên du nhập phong cầm Bacbari hay phong cầm quay tay vào nước Nga} đi quay quay cái phong cầm để ăn mày trên đường cái.
- Phong cầm của tớ không giống của bọn ăn mày Đức; nó toàn bằng gỗ đào hoa râm; này tớ lại cho cậu xem một lần nữa; nhìn kỹ đây!
Nôzđriôp nắm cánh tay Tsitsikôp kéo sang phòng bên và, mặc dù y phản đối không chịu và giẫm chân vì sốt ruột, vẫn bắt y phải nghe một lần nữa xem Manbruc ra đi đánh giặc như thế nào.
- Nếu cậu không muốn mua cho tớ, - hắn lại nói, - thì tớ đề nghị thế này: tớ đổi cho cậu cùng với tất cả nông phu chết của tớ, lấy chiếc britska của cậu; nhưng cậu các cho tớ ba trăm rúp.
- Chỉ còn thế nữa mà thôi cơ à? Thế thì tôi ra đi bằng gì?
- Tớ cho cậu một chiếc xe khác. Ra nhà xe tớ cho xem. Sơn lại xong thì tuyệt.
“Đúng là nó đã lên cơn rồi đấy”. Tsitsikôp nghĩ thầm, và y cương quyết từ chối tất cả mọi thứ phong cầm, mọi thứ xe ngựa, và mọi thứ chó, dù cẳng chúng có quắp và xương sườn có cong vòng cung không thể tưởng được.
- Thế là tớ để lại cho cậu chiếc britska, cái phong cầm và bọn nông phu chết, cam kết rồi đấy.
- Tôi không bằng lòng, Tsitsikôp nói.
- Nhưng tại sao?
- Tại vì tôi không bằng lòng, chỉ có thế thôi.
- Cậu thật chẳng ra gì! Rõ ràng là cậu không biết cả đến những cách cư xử thông thường giữa bạn bè với nhau… Biết ngay là cậu không phải người thẳng thắn.
- Anh cho tôi là thằng ngu à? Chắc anh cũng không muốn tôi đi mua lấy một cái vật hoàn toàn vô dụng chứ?
- Thôi đừng nói nhảm nữa! Tớ biết cậu rồi. Cậu chỉ là một thằng đê tiện!... Này, làm một ván bancô không? Tớ đặt cược bọn nông phu chết kèm thêm cả chiếc phong cầm nữa.
- Tôi không muốn mạo hiểm, Tsitsikôp vừa nói vừa liếc bộ bài mà Nôzđriôp cầm; những lá bài nom khả nghi và những chấm lốm đốm ở lưng bài chẳng đáng tin cậy tí nào cả.
- Mạo hiểm gì? Nôzđriôp hỏi. Cậu gặp may thì cậu có thể ăn bạc nghìn, bạc trăm… Này, nó đấy! May chưa! Hắn kêu lên, tay cầm bài đánh một mình, chấp tất cả, cốt để kích thích Tsitsikôp. – May quá! May chưa! Nó đấy, con chín chết tiệt đã làm tớ sạt nghiệp đấy! Tớ cảm thấy là nó sẽ phản tớ, nhưng tớ vẫn nhắm mắt, đặt liều, vừa đặt vừa tự nhủ: “Ê, có tất cả các thứ quỷ sứ trên đời, mày phản tao đi, bán đứng tao đi, quân chết tiệt!”
Nôzđriôp đang nói thì Porfiri mang vào một chai rượu; nhưng Tsitsikôp không uống cũng không đánh.
- Nhưng, tại sao cậu lại không muốn đánh? Nôzđriôp hỏi.
- Tôi không thích. Vả lại, nói thật, tôi không ham bài bạc.
- Tại sao vậy?
- Tại vì… Tsitsikôp vừa nói vừa nhún vai.
- Cậu chỉ là một thứ đồ tồi!
- Biết làm sao được, trời sinh ra thế!
- Đồ ngu, đồ hèn! Tớ cứ tưởng cậu là người lịch sự, hóa ra chẳng có tí xã giao nào. Không thể nói chuyện với cậu như với bạn bè được. Chẳng thành thực gì cả, chẳng có chút gì tốt cả. Cậu là một thằng chúa xỏ lá, một thứ Xôbakiêvits.
- Tại sao anh lại chửi tôi? Tôi không đánh bạc là lỗi tại tôi à? Anh đừng bắt tôi đánh mà bán bọn nông phu chết cho tôi, nếu anh quý cái kho tàng ấy đến thế.
- Ngồi đấy mà chờ! Tớ muốn biếu không cậu đấy, nhưng giờ thì đừng hòng. Đem cho tớ ba vương quốc, tớ cũng không bán đâu! Cậu chỉ là một đứa tiểu nhân, một thằng thô bỉ. Tớ chẳng muốn quan hệ gì với cậu nữa! Porfiri! Ra bảo thằng giữ ngựa không được cho ngựa của hắn ăn kiều mạch, cho cỏ khô là tốt rồi.
Cái kết luận bất ngờ làm cho Tsitsikôp chưng hửng.
- Giá tớ đừng phải quen biết cái mặt cậu, Nôzđriôp lại nói thêm.
Mặc dù cùng nhau đấu khẩu như vậy, chủ và khách vẫn ăn khuya với nhau; nhưng lần này không thấy dọn một thứ đồ uống nào có tên gọi rắc rối nữa. Trên bàn chỉ có một chai nước bã nho, được đặt tên long trọng là vang đảo Kyprux {Thường gọi theo tiếng Pháp là đảo Sip, nổi tiếng có vang ngon}. Sau bữa ăn, Nôzđriôp đưa Tsitsikôp vào một phòng nhỏ có một cái giường.
- Buồng cậu đấy, hắn nói, nhưng tớ không thể nào chúc cậu ngon giấc được!
Còn lại một mình, Tsitsikôp đâm ra cáu kỉnh. Y trách mình về việc mất thì giờ này. Lẽ ra y không nên nhận lời mời của Nôzđriôp, hơn nữa không nên nói với hắn về nông phu chết. Y đã hành động một cách khinh suất lạ thường, như một đứa trẻ con, rõ là ngốc; ai lại đem một việc cần giữ gìn thận trọng như thế đi nói với một con người như vậy. Cái thằng cha vô lại ấy có thể đem đi kháo, thêu dệt và phao truyền, có trời biết được, những điều vu khống đến như thế nào… “Đồ ngốc, đồ ngốc” Tsitsikôp tự rủa như vậy. Suốt đêm y chập chờn, không ngủ được. Những con rệp, con bọ khá táo bạo, đốt y thật là ác; y gãi chỗ đau và gắt: “- Quỷ bắt chúng mày đi, cùng với thằng Nôzđriôp của chúng mày!”
Thức dậy thật sớm, y xỏ ủng và khoác áo ngủ vào, chạy ra chuồng ngựa, ra lệnh cho Xêlifan tức tốc thắng xe. Đi trở vào thì gặp Nôzđriôp ở giữa sân, cũng khoác áo ngủ và mồm ngậm tẩu. Giọng thân ái hắn chào và hỏi khách ngủ có ngon không?
- Đại khái, Tsitsikôp trả lời cụt ngủn.
- Còn tớ, bạn già ạ, sau trận say hôm qua, tớ bị nhức óc. Suốt đêm, tớ phải chống lại một giấc mê, ô uế quá, kể lại thì đến ngượng. Cậu thử tưởng tượng là tớ bị ăn đòn! Thề danh dự! Cậu có thể đoán ai đánh tớ không? Tớ cuộc một ăn một nghìn đấy! Lão đại úp Pôtxeluiep và Kupsinnikôp.
Tsitsikôp nghĩ thầm: “Mong sao cho giấc mơ thành ra sự thật!”
- Thề danh dự! Chúng nó có nhẹ tay đâu! Nói thật, tỉnh dậy, tớ thấy ngứa ngáy khắp người: chắc chỉ tại cái bọn rệp quỷ sứ ấy thôi! Thôi cậu đi mặc áo nhanh lên. Tớ lại vào ngay đây; gặp cái thằng súc sinh quản lý một tý thôi mà.
Khi Tsitsikôp rửa mặt xong, bước vào phòng ăn thì trà đã dọn; kèm thêm chai rum, gian phòng còn đầy dấu vết của bữa tiệc hôm qua. Hình như chưa có một cái chổi nào sờ đến sàn nhà đầy vụn bánh mì; cả đến khăn trải bàn cũng đầy tàn thuốc. Người chủ bữa tiệc liền vào, áo ngủ để hở cái ngực lông lá. Tay cầm tẩu, mồm nhấm nháp tách nước, hắn có thể làm say mê những họa sĩ ghét những kẻ tóc uốn thật quăn, sạch sẽ hay cạo gọt nhẵn nhụi như những hình nhân quảng cáo ở hiệu cạo.
- Thế nào, Nôzđriôp hỏi sau một hồi yên lặng, cậu vẫn không muốn đánh để ăn bọn nông phu chết à?
- Tôi đã bảo anh là tôi không đánh, nhưng tôi muốn mua bọn nông phu ấy.
- Còn tớ thì tớ không muốn bán; chỗ bạn bè với nhau, không ai làm thế. Tớ chẳng có cái thói ấy đâu. Tốt hơn là ta làm một ván bancô!
- Không, tôi nói với anh là tôi không đánh.
- Thế có đổi cái gì không nào?
- Cũng không.
- Thế thì, đánh một ván cờ đam vậy. Cậu được thì lấy bọn nông phu chết. Còn tớ thì được xóa tên một lô trong tờ kê khai số đinh. Này, Porfiri, đem bàn cờ đam ra đây!
- Vô ích: tôi không bao giờ đánh đâu.
- Nhưng có phải may rủi gì nữa đâu. Đánh cờ thì chẳng nói chuyện may, chuyện gian gì được, phải tính toán cao thấp cơ mà. Tớ cũng thú thật với cậu là tớ chỉ biết đánh đại khái vậy thôi. Cậu phải chấp quân tớ cơ đấy.
- Thôi! Tsitsikôp nghĩ thầm, hay là đánh với hắn. Ngày trước mình cũng khá cờ đam, mà cái món này thì hắn không thể nào ăn gian được.
- Được, để chiều anh, tôi đánh một ván vậy.
- Tớ đặt bọn nông phu chết, còn cậu đặt một trăm rúp được chưa?
- Thế nào, một trăm rúp cơ à? Năm mươi là được rồi.
- Năm mươi thì ăn thua gì. Tớ muốn thêm vào bọn chết ấy một con chó hạng vừa hay một cái ấn vàng có dây đeo.
- Được rồi! Tsitsikôp nhận lời.
- Cậu chấp tớ mấy quân? Nôzđriôp hỏi.
- Chẳng quân nào cả. Lại còn thế nữa cơ à?
- Ít nhất cũng cho tớ đi trước hai nước.
- Không bao giờ. Tôi cũng đánh rất thấp thôi.
- Chúng tớ biết bọn cậu đánh thấp như thế nào! Nôzđriôp nói rồi đi một con.
- Đã bao nhiêu năm rồi, tôi không mó đến quân cờ, Tsitsikôp cũng vừa nói vừa đi một con.
- Chúng tớ biết là bọn cậu đánh thấp thế nào!
Nôzđriôp nói rồi đi con thứ ba, trong khi đầu ống tay áo của hắn đẩy một con khác.
- Đã lâu lắm rồi, tôi không mó đến… Ơ này, ông bạn, cái con này ở đâu đến thế? Để nó lại chỗ cũ cho! Tsitsikôp nói.
- Con nào?
- Con này chứ con nào nữa. Tsitsikôp vừa nói xong thì lại thấy ngay dưới mũi mình một con nữa dịch gần đến đích; có trời biết là ở từ đâu ra. Không được, y đứng dậy và nói tiếp; không thể đánh với anh được. Anh đi một lúc những ba con cờ!
- Thế nào, ba con à? Lầm rồi. Tớ vô ý chạm phải con này, tớ để nó lại chỗ cũ.
- Còn con kia nữa, làm sao mà nó ở đây được?
- Con nào cơ?
- Cái con gần đến đích ấy.
- Thế nào, cậu chẳng nhớ gì hết à?
- Không, anh ơi, tôi nhớ rất kỹ, tôi đếm hết cả các nước cờ. Con này, anh mới vừa đưa nó đến đây, đúng ra là nó ở đây này!
- Thế nào, đúng chỗ nó là ở đây! Nôzđriôp kêu lên, đỏ mặt, tía tai. Theo chỗ tớ biết thì cậu giỏi bịa đặt thật.
- Anh giỏi đấy, anh ạ; nhưng anh dùng cái giỏi ấy không đúng.
- Thế cậu cho tớ là đồ ăn gian à?
- Tôi không cho anh là cái gì hết; nhưng từ nay về sau tôi không đánh với anh nữa.
Nôzđriôp nổi nóng: - Ván cờ đang dở, phải đánh cho xong, cậu không có quyền từ chối.
- Tôi hoàn toàn có quyền vì anh không ra người lịch sự.
- Cậu dám nói gì thế, đồ nói dối?
- Anh nói dối ấy!
- Tớ không ăn gian, cậu không thể từ chối đánh nốt cho xong được!
- Anh không thể bắt buộc tôi được, Tsitsikôp lạnh lùng nói và xóa ván cờ đi.
Nôzđriôp giận dữ sán đến sát Tsitsikôp làm cho y phải lùi lại hai bước.
- Tớ bắt cậu phải đánh! Cậu có xóa đi cũng chẳng ăn thua gì. Tớ nhớ rõ hết các nước. Tớ sắp lại cho mà xem.
- Không, anh ạ, vô ích! Tôi không đánh với anh nữa.
- Cậu không chịu đánh nữa à?
- Anh cũng thấy là người ta không thể đánh với anh được.
- Nói hẳn ra nào, cậu không muốn đánh nữa à? Nôzđriôp lại nói và càng sán đến gần.
- Không, tôi không muốn đánh nữa! Tsitsikôp nói dứt khoát và đưa tay che mặt, phòng điều bất trắc, vì sự thể đã khá kịch liệt. Sự đề phòng ấy không phải là vô ích: cánh tay của Nôzđriôp đã vung lên một vòng rộng, một trong hai má của Tsitsikôp rất có thể phải chịu một sự nhục nhã không tài nào xóa được… Nhưng mà Tsitsikôp, đỡ được cái đòn ấy, nắm chặt lấy đôi cánh tay quá táo bạo.
Nôzđriôp điên lên, vừa cố gỡ ra, vừa hét: - Porfiri, Pavluska.
Nghe hắn hét, Tsitsikôp không muốn để cho bọn đày tớ chứng kiến một cảnh ô nhục tai tiếng và biết rằng giữ hắn cũng không ích gì, liền thả hắn ra. Vừa lúc ấy thì Porfiri chạy vào, theo sau là Pavluska, một gã trai tráng lực lưỡng mà tốt hơn cả là không nên lôi vào.
- Thế nào, cậu không muốn đánh cho xong à? Nôzđriôp lại hỏi. Nói thật đi!
- Không thể được. Tsitsikôp vừa trả lời vừa liếc nhìn ra cửa sổ. Y trông thấy chiếc xe của y đã thắng xong, Xêlifan chỉ chờ một cái hiệu là đánh đến trước tam cấp; nhưng mà hai tên đày tớ vai u, thịt bắp kia đang chặn ngang lối ra.
- Vậy ra cậu không muốn đánh cho xong à? Nôzđriôp nhắc lại, mặt đỏ như quả hồng quân.
- Giá anh đánh ra người lịch sự… Còn như thế thì tôi không thể đánh được.
- À! Mày không thể đánh được à, thằng bợm! Mày biết sắp thua và không muốn đánh nữa! Đập vào! Nôzđriôp hét lên như một thằng điên, và vớ lấy một cái tẩu nặng bằng gỗ anh đào.
Tsitsikôp, mặt cắt không còn giọt máu, muốn nói, nhưng đôi môi chỉ mấp máy, không phát ra được lấy một tiếng.
- Đập vào! Nôzđriôp vừa hét, vừa tiến lên, tay cầm cái tẩu, mặt đỏ như gấc, thân hình đầm đìa mồ hôi, tựa hồ muốn xung phong tấn công một pháo đài kiên cố.
- Đập vào! Hắn hét lên, với cái giọng của một viên trung úy liều lĩnh, mà lòng dũng cảm điên cuồng bao giờ cũng phải có một nhật lệnh đặc biệt hãm bớt lại, - viên trung úy đang hét lên với tiểu đội của hắn trong một đợt tấn công quyết định. “Tiến lên!”. Mải hăng hái xông lên, viên trung úy của chúng ta không còn biết gì nữa, tưởng mình là một Xuvôrôp {Xuvôrôp (1729-1800) danh tướng Nga, nổi tiếng táo bạo trong chiến thuật}, chỉ nóng nảy muốn lập một quân công hiển hách. “Tiến lên, các chú!” Hắn hét lên dũng mãnh, không hiểu rằng mình đang làm hại cho kế hoạch tấn công chung, rằng hàng nghìn miệng súng đang chĩa ra ở các lỗ châu mai của tòa thành quách kiên cố, rằng tiểu đội nhỏ yếu của hắn sẽ tan thành cám, và một viên đạn không tránh được sẽ chấm dứt những tiếng hét hiếu chiến của hắn.
Trong khi Nôzđriôp giữ đúng vai trò của viên trung úy đang lúc cuồng nhiệt, thì cái pháo đài mà hắn tấn công, đã chẳng tỏ ra kiên cố chút nào, lại còn sợ run lên nữa. Cái ghế mà y muốn dùng để che thân đã bị bọn đày tớ giật đi rồi, và trong lúc khiếp sợ có thể chết đi được, y đã sửa soạn để nếm mùi tẩu Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ có Chúa là biết được cái gì sẽ xảy ra đến cho nhân vật của chúng ta, nếu số mệnh không hạ cố cứu cho bộ xương sườn, cho đôi vai, cho tất cả những bộ phận cao quý trên hình hài của y. Bỗng nhiên, tiếng lè rè của những chiếc nhạc ngựa đã rạn nứt tựa hồ từ trên trời sa xuống, tiếng bánh xe lăn đến tận tam cấp lớn, tiếng thở hổn hển nặng nề của ba con ngựa mệt hết hơi, đưa đến tận trong phòng. Tự nhiên, mọi người đều quay về phía cửa sổ. Một nhân vật, có râu mép, mặc áo dài, nửa nhà binh, nhảy từ chiếc têlêga xuống và, sau khi đã đưa mắt điều tra phòng ngoài thì bước vào, giữa lúc Tsitsikôp chưa hết hoảng hốt, đang ở trong tình trạng thảm hại nhất mà một kẻ phù sinh phải trải qua.
- Xin hỏi ông Nôzđriôp, người lạ sửng sốt hỏi, hết nhìn chòng chọc vào Nôzđriôp đang hoa cái tẩu, lại nhìn chòng chọc vào Tsitsikôp đang trấn tĩnh một cách khó khăn.
- Trước hết, tôi được hân hạnh nói chuyện với ai đây? Nôzđriôp tiến về phía người mới đến, hỏi lại như vậy.
- Với đại úy, quận trưởng cảnh sát {Cảnh sát ở quận coi những việc điều tra hình án, thu thuế, trưng tập xe cộ… kiêm chánh thẩm phán tòa án vi cảnh nông thôn}.
- Vậy ông muốn gì?
- Tôi đến theo yêu cầu của ông, theo lệnh, phải sẵn sàng chờ tòa án xử lý, cho đến khi tuyên án trong vụ người ta kiện ông.
- Vụ kiện nào?
- Vụ Maximôp. Điền chủ Maximôp kiện ông đã hành hung ông ta trong một buổi chè chén say sưa; ông đã sai người lấy roi đánh ông ta.
- Nói dối! Tôi hoàn toàn không quen biết gì điền chủ Maximôp.
- Ông nhớ cho rằng tôi là pháp quan. Ông có muốn thì nói cái giọng ấy với bọn tôi tớ trong nhà; còn tôi thì tôi không thể chịu được.
Không đợi nghe câu trả lời của Nôzđriôp, Tsitsikôp chộp lấy mũ, và lẩn đằng sau lưng viên đại úy cảnh sát, chuồn ngay ra ngoài. Khi đã ngồi yên trong xe, y ra lệnh cho Xêlifan thả ngựa phóng hết tốc lực.