Không hiểu có phải những mũi tiêm chủng của Viện thú y Lephortovski là quả thật hiệu nghiệm, những đổi công tác ngăn phòng ở Samara là giỏi giang, những biện pháp gay gắt đối với những người buôn trứng ở Caluga và Voronejz là thích hợp, ủy ban đặc biệt của Moskva hoạt động có hiệu quả hay không, chỉ biết một điều là: hai tuần sau cuộc gặp gỡ cuối cùng của Persicov và Alfred Bronski, trong toàn bộ Liên bang các nước Cộng hòa đã sạch sành sanh bóng gà qué. Đây đó trong các góc sân ở các thị trấn vương vãi những đống lông gà côi cút, nhìn tội nghiệp đến rơi nước mắt; còn trong các bệnh viện, trạm xá, những kẻ tham lam cuối cùng đang dần dần hồi phục, dứt hẳn những trận ỉa chảy kèm nôn mửa. Thật may là số người chết trong cả nước không vượt quá con số một nghìn. Cũng không có những vụ lộn xộn lớn. Thật ra, ở Volocolamsk có xuất hiện một nhà tiên tri tuyên cáo rằng kẻ gây ra trận dịch gà này không phải ai khác, mà chính là các chính ủy Hồng quân, nhưng ông ta không gây được tiếng tăm lắm. ở chợ Volocolamsk có mấy chàng công an đi tịch thu gà của các bà bị một trận đòn nặng và người ta còn đập vỡ các cửa kính ở nhà bưu điện địa phương. Thật may mắn, các nhà cầm quyền tháo vát ở Volocolamsk đã nhanh chóng có những biện pháp thích đáng, và kết quả là thứ nhất, nhà tiên tri nọ đã phải ngừng các hoạt động của mình; thứ hai, những tấm kính vỡ ở nhà bưu điện đã được thay mới.
Loang ngược lên phía Bắc đến tận Arkhan-gelsk và Siumkin Vưseloc, nạn - dịch gà tự mình dừng lại, nguyên nhân là không thể loang tiếp đi đâu được nữa - ở Bạch Hải, như ai cũng biết, không có gà sinh sống. Nạn dịch cũng dừng lại ở Vladivostok, vì tiếp đó là Thái Bình Dương. ở phương Nam xa xôi nó lịm dần và mất hút trong các khoảng không cháy rụi của Orđubat, Giulfa và Carabulac; còn ở phía Tây thì nó dừng lại một cách vô cùng kì lạ ngay trên đường biên giới Ba Lan và Rumani. Không hiểu do khí hậu ở đó khác biệt hay là do các biện pháp phòng vệ biên cảnh của chính phủ các nước lân bang, mà sự thật rành rành là nạn dịch đã không tràn đi tiếp. Báo chí nước ngoài bàn luận ầm ĩ, đầy háo hức về nạn dịch chưa từng thấy trong lịch sử, còn chính phủ các nước Cộng hòa Xô viết, không hề có gì ồn ào, im lặng làm việc không ngơi tay. ủy ban đặc biệt chống nạn dịch gà đã đổi tên thành ủy ban đặc trách khôi phục sự nghiệp chăn nuôi gà toàn quốc, và sau khi được bổ sung thêm một bộ ba đặc biệt nay gồm tất cả mười sáu đồng chí. Một Hiệp hội Cứu trợ gà đã được thành lập, hai cố vấn danh dự của Chủ tịch Hiệp hội là Persicov và Portugalov. Trên các báo dưới chân dung của họ xuất hiện các đề mục:
Chiến dịch mua trứng ở nước ngoài, và Ngài Hus(*) âm mưu phá hoại chiến dịch trứng. Kí giả Coletrkin viết một bài báo đả kích cay độc vang động khắp cả Moskva, kết thúc bài báo là câu:
"Đừng sờ đến trứng của chúng tôi, ngài Hus ạ, các ngài cũng có trứng của mình kia mà!" Giáo sư Persicov làm việc căng thẳng đến kiệt sức hoàn toàn trong suốt ba tuần lễ. Các sự kiện gà đã lôi ông ra khỏi những nếp hoạt động quen thuộc và đổ lên vai ông một gánh nặng gấp đôi trước kia. Hầu như tối nào cho đến tận khuya giáo sư cũng phải dự nhưng cuộc họp các ủy ban gà và thỉnh thoảng lại phải chịu đựng những cuộc phỏng vấn trao đổi dài lê thê, khi thì với Alfred Bronski, khi thì với tay to béo chân giả. Cùng với giáo sư Portugalov, phó giáo sư Ivanov và Bongart, ông phải mổ và nghiên cứu qua kính hiển vi những con gà để tìm các trực khuẩn dịch gà và - thậm chí trong ba buổi tối đã khẩn trương viết xong cuốn sách nhỏ "Những thay đổi của gan gà khi bị nhiễm dịch".
Persicov làm việc không thật nhiệt tình lắm trong lĩnh vực gà, mà điều đó cũng dễ hiểu thôi - toàn bộ đầu óc ông đang hướng về một vấn đề khác hết sức cơ bản và quan trọng, nhưng lại bị nạn dịch gà buộc phải bỏ dở - đó là tia sáng đỏ vừa mới được phát hiện.
Tự tàn phá cái sức khỏe vốn đã suy sụp của mình, rút ngắn cả thời gian ăn nghỉ, đôi khi không về nhà ở phố Pretristenca, mà ngủ ngay tại chiếc đi văng bọc vải sơn trong phòng làm việc ở Viện, Persicov thâu đêm miệt mài bên kính hiển vi.
Đến cuối tháng Bảy thì cuộc chạy đua đã ít nhiều bớt căng thẳng. Công việc của cái ủy ban đặc trách vừa được đổi tên nọ đã đi vào nề nếp, và Persicov trở lại với công trình bỏ dở của mình.
Những tiêu bản mẫu mới được đặt vào các ống kính hiển vi, và trong camera dưới tác dụng của tia sáng đỏ những đám trứng ếch trứng cá sinh sôi với một tốc độ thần kì. Từ Kenigsberg người ta chuyển bằng máy bay tới những tấm thấu kính lớn; và đến cuối tháng Bảy, dưới sự giám sát của Ivanov, các kỹ thuật viên cơ khí đã lắp đặt xong thêm hai camera mới, luồng sáng của chúng ở gốc to bằng bao thuốc lá, còn ở đầu ống loe rộng đường kính phải đến một mét. Persicov hớn hở xoa hai tay vào nhau và bắt đầu chuẩn bị cho những thí nghiệm nào đó hết sức phức tạp và bí hiểm. Trước hết ông gọi điện thoại cho ủy viên Dân ủy Giáo dục, và ống nghe hứa với ông những hợp tác đồng chí Ptakha - Porosiuk,(*) trưởng ban chăn nuôi trực thuộc ủy ban Trung ương. Ptakha tỏ ra sốt sắng quan tâm. Persicov yêu cầu đặt một lô hàng lớn ở nước ngoài.
Ptakha nói vào máy rằng ông ta sẽ lập tức gửi điện sang Berlin và New York. Sau đó từ Cremli gọi điện tới hỏi thăm tình hình công việc của Persicov, giọng nói dịu dàng và quyền uy hỏi Persicov có cần xe hơi không?
- Không, cảm ơn. Tôi thích đi tàu điện hơn, - Persicov đáp.
- Nhưng tại sao lại vậy? - giọng nói bí hiểm hỏi và ném ra một tiếng cười khẩy đầy bao dung.
Khi nói chuyện với Persicov, mọi người nói chung hoặc là tỏ vẻ kính cẩn sợ sệt, hoặc là địu dàng cười khẩy như với một đứa trẻ nhỏ, cho dù là một đứa trẻ danh tiếng.
- Như thế nhanh hơn, - Persicov đáp.
Tiếp đó giọng trầm dịu dàng nói vào máy:
- Thôi được, tùy giáo sư.
Thêm một tuần nữa trôi qua, và càng ngày Persicov càng bớt bận bịu với những vấn đề gà đang lắng xuống dần để tập trung tâm sức vào nghiên cứu tia sáng. Đầu óc ông, qua những đêm không ngủ và quá căng thẳng, lại trở nên tỉnh táo hơn, dường như trong suốt và nhẹ bỗng. Những quầng đỏ giờ đây không rời khỏi mắt ông, hầu như đêm nào ông cũng ngủ lại ở phòng thí nghiệm.
Một lần ông rời bỏ cái nơi ẩn cư của ông tại viện Động vật học để đến đọc bản thuyết trình về tia sáng do ông phát hiện ra và tác động của nó đối với tế bào trứng tại gian hội trường rộng mênh mông của Secubu(*) trên phố Pretristenca. Lần đó là một thắng lợi vang dội của nhà Động vật học kì quặc Trong gian phòng rộng lớn tiếng vỗ tay khiến cho trần nhà như chao đảo, ngả nghiêng, những luồng hồ quang dọi ánh sáng lên các bộ lễ phục vải đen của các nhà bác học và những bộ áo váy trong của phụ nữ. Trên sân khấu, cạnh bục diễn thuyết, ngồi trong chiếc khay khổng lồ đặt trên mặt bàn kính là một con ếch da bóng nhẫy, nhợt nhạt, to bằng con mèo, thở nặng nhọc. Mọi người đua nhau ném giấy lên sân khấu.
Trong số những mẩu giấy đó có bảy lá thư tình, và Persicov, lập tức xé vụn chúng đi. Chủ tịch Xecubu phải cố sức mới lôi được ông ra sân khấu để chào thính giả. Persicov cáu kỉnh cúi chào, hai bàn tay ông ướt đẫm mồ hôi, và chiếc cravat đen không phải nằm dưới cằm, mà treo xếch sau tai trái. Trước mặt ông trong màn hơi nước mù mịt là hàng trăm khuôn mặt vàng ệch và hàng trăm bộ ngực đàn ông; bỗng nhiên một bao súng ngắn, cũng màu vàng, vụt lướt qua rồi biến mất đâu đó phía sau một cây cột trắng.
Persicov lờ mờ nhận thấy nó và quên đi ngay. Nhưng sau buổi thuyết trình ra về, trong khi bước theo tấm thảm màu mận chín xuống cầu thang, ông bỗng xây xẩm cả mặt mày. Một màn đen kéo đến che mất chùm đèn sáng chói ở trần tiền sảnh.
Persicov cảm thấy choáng váng, buồn nôn... ông như nghe thấy mùi cháy, cảm thấy máu chảy nóng hổi, dấp dính ở cổ... Và bàn tay run rẩy của giáo sư vội bấu vào thanh vịn cầu thang.
- Bác Vlađimir Ipatievich, bác mệt à? - Từ bốn phía vang lên những tiếng hỏi lo lắng.
- Không, không sao, - Persicov đáp, cơn choáng dần dần qua đi, - có lẽ tôi quá mệt... vâng... cho tôi xin cốc nước.
* * *
Ngày tháng Tám nắng chói chang. Nắng cản trở giáo sư làm việc, nên những tấm màn dày được buông xuống. Một cây đèn bàn đặt trên cần di động, ném luồng ánh sáng chói gấc lên mặt bàn kính chất đầy các loại dụng cụ và gương kính. Ngả người trên lưng tựa chiếc ghế bành xoay, Persicov uể oải rít thuốc và cặp mất mệt mỏi nhưng thỏa mãn qua làn khói đậm đặc nhìn mê mải vào khe cửa hé mở của camera, nơi có một luồng ánh sáng đỏ nằm bất động, đốt nóng thêm bầu không khí vốn đã ngột ngạt và chằng lấy gì làm sạch sẽ ở trong phòng làm việc của giáo sư.
Có tiếng gõ cửa.
- Gì thế? - Persicov hỏi.
Cánh cửa phát ra tiếng kêu cót két êm tai và Pankrat bước vào. Anh buông thẳng hai tay theo đường nẹp quần, tái người vì sợ hãi khi đứng trước vị thánh, nói:
- Thưa ngài giáo sư, Rokk(*) đến ạ.
Một thoáng cười lướt qua gương mặt nhà bác học. Ông nheo mất, thủng thẳng:
- Thú vị lầm. Nhưng tôi bận.
- Ông ấy nói rằng có giấy của Cremli.
- Rok(*) có giấy? Một kết hợp hiếm, - Persicov nói. - Nào, đưa ông ta vào đây?
- Vâng ạ, - Pankrat đáp và tức khấc biến mất ra ngoài cửa như một con rắn nước.
Nửa phút sau cánh cửa lại khẽ kêu lên cót két và một người xuất hiện trên ngưỡng cửa. Persicov cũng cót két trên chiếc ghế bành quay và gườm gườm qua vai, phía trên cặp kính cận, nhìn người vừa bước vào phòng. Persicov vốn rất xa rời cuộc sống - ông không quan tâm tới nó , - nhưng lần này đến cả Persicov cũng nhận ngay ra một đặc điểm cơ bản, quan trọng nhất của người khách: anh ta có vẻ cổ hủ đến quái dị: Vào năm một nghìn chín trăm mười chín thì con người này có thể là hoàn toàn phù hợp với đường phố thủ đô; anh ta cũng còn có thể chấp nhận được vào năm một nghìn chín trăm hai tư, ít ra là vào đầu năm; nhưng đến năm một nghìn chín trăm hai tám này thì anh ta trở thành kì quặc.
Trong lúc đến cả cái thành phần lạc hậu nhất của giai cấp vô sản - dân nướng bánh mì - cũng mặc com lê, khi ở Moskva áo nhà binh cổ đứng - thứ trang phục mốt cũ đã bị loại bỏ vào cuối năm một nghìn chín trăm hai tư - trở thành của hiếm, thì người vừa bước vào lại mặc áo blu da hai vạt, quần dài xanh, chân quấn xà cạp đi giầy cao cổ, còn bên hông lủng lẳng một khẩu mauzer đời cũ to đùng trong chiếc bao da vàng xơ xác. Khuôn mặt kẻ mới bước vào gáy cho Persicov, cũng như cho tất cả những người khác, một ấn tượng rất khó chịu. Cặp một ti hí nhìn toàn thể thế giới với một vẻ vừa ngơ ngác lại vừa tự tin; có một cái gì đó suồng sã, táo tợn trong đôi chân ngắn ngủn với bàn chán bè bè. Da mặt cạo đến xanh bợt.
Persicov lập tức cau mày. Ông nặng nề nghiến cót két trên chiếc ghế bành quay, nhìn kẻ vừa mới vào phòng, - lần này không phải qua phía trên gọng kính, mà xuyên qua mất kính, - và cất tiếng hỏi:
- Anh có giấy ? Đâu?
Người khách có vẻ ngơ ngác trước những gì nhìn thấy trong phòng. Nói chung, anh ta vốn là người có rất ít khả năng bối rối, nhưng ở đây anh ta đã bối rối thật sự. Xét theo cặp mất ti hí, cái trước hết làm anh ta sửng sốt là chiếc tủ mười hai tầng cao đến tận trần nhà xếp chật cứng những sách là sách. Thứ đến tất nhiên là những camera, với luồng ánh sáng nở to qua các tấm kính mờ ảo, chập chờn, hệt như trong địa ngục. Và cuối cùng là chính bản thân Persicov: ông ngồi trong bóng tối cạnh điểm tụ của luồng sáng dọi ra từ ống kính trông cũng khá là kì bí và oai nghiêm trên chiếc ghế bành xoay. Người khách dán vào ông ánh mắt trong đó những đốm kính cẩn lộ rõ qua vẻ tự tin, nhưng anh ta không đưa ra bất kì một thứ giấy tờ nào, mà chỉ nói:
- Tôi là Aleksanđr Semionovich Rokk!
- Hả? Vậy thì sao?
- Tôi được chỉ định làm Chủ tịch nông trường quốc doanh Tia Sáng Đỏ, - anh ta giải thích thêm.
- Thì sao?
- Và đến gặp đồng chí với nhiệm vụ cơ mật.
- Thật thú vị được biết. Hãy ngắn gọn, nếu có thể.
Người lạ vạch vạt áo khoác và lôi ra một tờ công lệnh đánh máy trên loại giấy dày rất đẹp, chìa cho Persicov. Rồi không đợi mời, anh ta tự ngồi lên chiếc ghế đẩu quay.
- Đừng động vào bàn? - Persicov nói với một vẻ căm ghét.
Người khách sợ hãi nhìn lên bàn; trên đó, ở phía góc xa, trong một khe xám đục, có những cặp mắt nào đó ánh lên mờ ảo, không sinh khí, như những viên ngọc lục bảo. Chúng toát ra một làn hơi lạnh băng.
Đọc xong tờ giấy, Persicov lập tức chồm khỏi ghế, nhảy bổ đến bên điện thoại. Sau mấy giây ông đã nói vào ống nghe bằng một giọng vội vã và tột cùng cáu kỉnh:
- Xin lỗi ... Tôi khô ng thể hiểu... Sao lại như vậy được? Tôi...
không hỏi ý kiến tôi ... Nhưng rồi có trời mới biết anh ta sẽ bịch ra những gì !
Nghe đến đó kẻ lạ mặt xoay người lại trên ghế, tỏ ra hết sức tự ái:
- Xin lỗi, - anh ta cất tiếng, - tôi là chủ...
Nhưng Persicov đã ném ngón tay móc câu về phía anh ta và nói tiếp:
- Xin lỗi, tôi không thể hiểu... Tôi cực lực phản đối. Tôi không đồng ý làm thí nghiệm với trứng... Trong khi chính bản thân tôi chưa thử...
Có tiếng gì đó cồng cộc, oàm oạp trong máy điện thoại và thậm chí đứng từ xa cũng hiểu rằng cái giọng nói kẻ cả trong ống nghe kia đang nói với một đứa con nít. Câu chuyện kết thúc bằng việc Persicov đỏ mặt tía tai treo ống nghe đánh choang một cái và nhổ qua phía trên cỗ máy vào tường:
- Tôi phủi tay!
Ông quay lại bàn cầm tờ giấy lên, đọc một lần nữa từ trên xuống dưới qua phía trên gọng kính, rồi lại một lần từ dưới lên trên qua cặp mắt kính và rít lên đột ngột:
- Pankrat!
Pankrat hiện ra ở cửa như bước từ tam cấp lên sân khấu trong các vở opera. Persicov giận dữ liếc nhìn anh rồi gầm gừ:
- Ra đi, Pankrat!
Pankrat, không thể hiện trên gương mặt mình bất kì một nét ngạc nhiên nào, biến mất.
Persicov quay sang phía vị khách, cất tiếng:
- Xin phép...- Tôi ch-chấp hành. Không phải việc của tôi. Tôi không quan tâm.
Những lời của giáo sư khiến vị khách không chỉ tự ái mà còn ngạc nhiên:
- Tôi xin lỗi, - anh ta thốt lên, - nhưng sao đồng chí...
- Cái gì mà anh cứ "đồng chí với "đồng chí"... - Persicov làu bàu và bỏ dở giữa câu.
"Vậy đấy một ý nghĩ hiện rõ trên mặt Rokk.
- Xin lỗi...
- Thế này, mời anh, - Persicov cắt ngang. - Đây là bóng đèn hồ quang. Với nó, bằng cách điều chỉnh thị kính, - Persicov bật nắp camera giống như chiếc máy ảnh lớn, - anh sẽ được một chùm tia sáng mà anh có thể thu lại thành một điểm bằng cách điều chỉnh các ống kính, chẳng hạn, số một... và mặt kính số hai... - Persicov tắt luồng sáng, rồi lại bật nó lên trên mặt đáy của camera bầng amiăng, - còn trên mặt đáy, trong luồng sáng này, anh có thể đặt bất cứ thứ gì anh thích và làm thí nghiệm. Cực kì đơn giản, phải vậy không?
Persicov muốn biểu lộ sự châm biếm và khinh miệt, nhưng người khách không nhận thấy điều đó, cặp mất ti hí sáng rực của anh ta chăm chú xem xét camera.
- Chỉ xin báo trước, - Persicov nói tiếp, - là không được đút tay vào dưới luồng sáng, vì theo quan sát của tôi, nó kích thích sự phát triển của các biểu mô ... còn ác tính hay không thì rất tiếc là tôi chưa xác định được.
Người khách vội vã giấu hai bàn tay ra sau lưng, làm rơi chiếc mũ lưỡi trai da, nhìn chằm chằm vào đôi bàn tay của giáo sư bị iôt bào nham nhở, còn mấy ngón ở bàn tay phải quấn băng trắng.
- Thế ông làm sao, thưa giáo sư?
- Anh có thể mua găng cao su ở cửa hiệu của Svabe trên phố Thợ Rèn, - giáo sư cáu kỉnh đáp. - Tôi không có trách nhiệm lo việc đó.
Nói đến đây Persicov chợt nhìn thẳng vào người lạ như nhìn vào mặt kính lúp, hỏi:
- Anh chui ở đâu ra? Nói chung... tại sao anh...?
Cuối cùng thì Rokk nổi cơn tự ái thật sự:
- Xin lỗi...
- Bởi vì cần phải biết thực chất của sự việc!... Tại sao anh lại dính vào cái tia sáng này?
- Vì đây là một việc vô cùng quan trọng...
- Chà. Vô cùng? Nếu vậy... Pankrat.
Và khi Pankrat xuất hiện:
- Đợi một tí. Để tôi nghĩ đã.
Và Pankrat lại ngoan ngoãn biến mất.
- Có điều này tôi không hiểu, - Persicov nói, - là tại sao lại phải vội vàng và bí mật như vậy?
- Thưa giáo sư, ông làm tôi ngạc nhiên đấy, - Rokk đáp, - chắc ông phải biết rằng gà ở nước ta đã toi sạch rồi chứ?
- Nhưng thế thì sao? - Persicov rít lên.- Hay là các anh định ngay tức thì làm cho chủng sống lại? Và tại sao lại bằng cái tia sáng còn chưa được nghiên cứu này?
- Thưa đồng chí giáo sư, - Rokk đáp lời, - ông chưa hiểu tôi rồi. Tôi xin nói với giáo sư là chúng ta cần phải khôi phục lại sự nghiệp chăn nuôi gà, rằng ở nước ngoài bọn chúng viết về chúng ta đủ các thứ xấu xa. Đúng thế!
- Thì cứ mặc cho họ viết...
- Hừm, ông biết đấy, - Rokk trả lời một cách bí ẩn và lắc lắc đầu.
- Tôi muốn biết ai đã nghĩ ra việc lấy trứng để sản xuất gà...?
- Tôi , - Rokk đáp gọn lỏn.
- Chà chà... Thế.. Mà tại sao, xin được hỏi? Từ đâu anh biết về những đặc tính của tia sáng này?
- Tôi, thưa giáo sư, đã nghe hôm giáo sư báo cáo.
- Tôi còn chưa làm gì với trứng cả.... Chỉ mới dự định!
- Không sao, sẽ thành công mà, - Rokk chợt nói một cách tự tin và sôi nổi bất ngờ. - Tia sáng của ông tuyệt vời đến mức có thể làm ra cả voi chứ không phải chỉ gà con đâu!
- Anh biết không, - Persicov thốt lên, - anh không phải là nhà Động vật học chứ? Không à? Đáng tiếc... Nếu khô ng anh sẽ là một nhà thí nghiệm cực kì táo tợn... Vâng... Chỉ có điều anh sẽ mạo hiểm... thất bại... và làm mất thì giờ của tôi...
- Chúng tôi sẽ trả lại camera cho ngài mà. Nghĩa là?...
- Bao giờ?
- Khi tôi cho ra đời được lứa đầu tiên.
- Anh ăn nói sao mà tự tin quá thể? Thôi được. Pankrat!
- Tôi có mang theo người, - Rokk nói. - Và cả bảo vệ nữa.
Đến chiều, phòng làm việc của Persicov đã thoáng rộng hẳn ra... Các mặt bàn trống không. Người của Rokk mang đi ba camera lớn, chỉ để lại cho giáo sư camera nhỏ đầu tiên mà với nó ông đã bắt đầu các thí nghiệm của mình.
Hoàng hôn tháng Bảy đã dần dần buông xuống một màu xám đục trùm lên khu nhà của Viện, chảy đầy vào các hành lang.
Trong phòng làm việc vẳng ra tiếng những bước chân đều đều đơn điệu - đó là Persicov, không bật đèn, đi đi lại lại trong gian phòng lớn từ cửa sổ đến cửa lớn. Thật lạ lùng: trong buổi chiều hôm đó hình như có một tâm trạng buồn bã không giải thích nổi bao phủ lên tất cả mọi người và cả mọi con vật ngụ trong khu nhà của Viện. Bầy cóc nhái không hiểu sao đua nhau tấu lên một bản nhạc đặc biệt u uất, những tiếng kêu đầy đe dọa, báo điềm dữ. Pankrat phải bò khắp các hành lang để tìm bắt một con rắn nước chui ra khỏi chuồng nuôi; và khi bị bắt, nó có một vẻ như muốn trốn thật xa, đi đâu cũng được miễn là ra khỏi nơi đây.
Lúc chiều đã thật muộn thì chợt có tiếng chuông vang lên từ phòng làm việc của Persicov. Pankrat xuất hiện nơi ngưỡng cửa, và anh nhìn thấy một cảnh tượng thật lạ lùng. Nhà bác học đứng cô đơn bất động giữa gian phòng, nhìn chằm chằm lên mặt bàn.
Pankrat cất tiếng ho và đứng chết lặng.
- Thế đấy, Pankrat, - Persicov nói và chợt tay lên mặt bàn trống trải.
Pankrat kinh hoàng. Anh cảm thấy như cặp mắt của Persicov đang khóc trong ánh hoàng hôn. Điều đó thật khác thường, thật quái dị.
- Vâng ạ, - Pankrat run rẩy đáp, và nghĩ thầm:
"Giá như ông ấy quát mắng mình thì tốt hơn!" - Thế đấy, - Persicov lặp lại, và đôi môi của ông run lên như một đứa trẻ bị vô cớ tước mất thứ đồ chơi mà nó yêu thích. - Anh biết đấy, Pankrat quý mến ạ, - Persicov nói tiếp, mặt ngoảnh ra phía cửa sổ - bà vợ của ta, mười lăm năm trước bỏ ta đi để vào nhà hát ca hài kịch, và bây giờ đã mất... Chuyện là thế đấy, Pankrat thân mến ạ... Ta vừa nhận được thư...
Cóc nhái kêu ai oán, bóng tối trùm lên giáo sư... Đêm dần buông. Moskva... đây đó ngoài cửa sổ những ngọn đèn màu trắng nhợt đã được thắp sáng... Pankrat, bối rối, rầu rĩ, kinh hoàng đứng nghiêm, hai cánh tay áp sát theo đường nẹp quần...
- Đi đi Pankrat, - giáo sư thốt lên nặng nhọc và khoát tay, - về ngủ đi, Pankrat thân mến của ta ạ.
Màn đêm đã trùm hắn xuống. Pankrat, không hiểu sao lại nhón chân rón rén đi ra khỏi phòng làm việc của Persicov, rồi chạy với về căn buồng xép của mình, bới trong đống giẻ ở góc nhà, lôi ra một chai rượu Nga uống dở, làm một hơi gần cạn cốc uống trà, nhắm một miếng bánh mì chấm muối, và ánh mắt của anh hình như có vui lên chút ít.
Khuya hôm đó, lúc đã gần nửa đêm, Pankrat chân trần ngồi trên chiếc ghế băng trong gian tiền sảnh tối mờ mờ, một tay thò vào gãi ngực dưới lớp áo vải hoa, nói với người đội mũ nồi trực đêm:
- Giết chết đi còn hơn, trời ạ...
- Chẳng lẽ khóc thật - người đội mũ nồi tò mò hỏi.
- Thề có Chúa, - Pankrat khẳng định.
- Một nhà bác học vĩ đại, - người đội mũ nồi nhận xét - nhưng mà ếch không thể thay cho vợ được.
- Hoàn toàn không thể, - Pankrat đồng ý.
Rồi anh nghĩ một lát , nói thêm :
- Tôi cũng đã định lôi bà xã ra đây... Tội gì mà để cô ấy phải nằm ở cái xó quê ấy... Nhưng cô ấy không thể nào chịu nổi mấy con vật kinh khủng này...
- Còn phải nói, thật kinh khủng, - người đội mũ nồi tán thành.
Từ trong phòng làm việc của nhà bác học không nghe vẳng ra bất cứ một tiếng động nào. Và cũng không có cả ánh đèn. Không thấy những vệt sáng hắt ra ở phía dưới cánh cửa đóng kín.