Những Tháng Năm Hổ Phách

Chương 11: Q.1 - Chương 11




Một ngày Chủ nhật, ba mẹ đã đi làm, chỉ có mình Tần Chiêu Chiêu ở nhà làm bài tập. Đang hí hoáy viết bài thì ngoài trời nổi cơn dông, mưa rào ào ào trút xuống, cô bèn nhanh chóng ra ngoài thu hết quần áo đang phơi. Vô tình quay đầu nhìn lại thấy quần áo phơi trên hiên Kiều gia bên kia không có ai cất, chỉ chực bị cuốn theo gió lớn.

Tần Chiêu Chiều liều mình xông vào mưa gió, chạy sang Kiều gia gọi người ra thu quần áo, nhưng gọi mãi chẳng thấy ai đáp, rõ ràng cả nhà đi vắng. Cô biết Kiều Mục phải đi học đàn nên không bao giờ ở nhà vào Chủ nhật, mà xem chừng hôm nay vợ chồng Phó giám đốc Kiều cũng ra ngoài mất rồi. Quần áo phơi trên ban công bị gió giật tung khỏi mắc, phấp phới trong mưa gió rồi rơi khỏi lầu.

Bất chấp mưa to, Tần Chiêu Chiêu chạy một vòng sang khu “Trung Nam Hải” nhặt hết quần áo bị gió cuốn xuống đất mang về nhà mình. Quần áo rơi xuống đất lấm bẩn hết cả, cô bèn giặt lại hết một lượt. Riêng chiếc áo sơ mi trắng của Kiều Mục bị dính bẩn đã được cô giặt đi giặt lại tới ba lần, giặt tới khi cả chiếc áo sạch tinh, trắng bong như tuyết. Sau đó cô mang chiếc áo vào phòng, tim đập rộn ràng, đỏ mặt một vầng, lén hôn một lượt khắp chiếc áo sơ mi.

Sau này nghĩ lại, Tần Chiêu Chiêu nhận ra đây là nụ hôn đầu tiên của mình, bởi vì đây là lần đầu tiên cô dùng môi để diễn tả thứ tình cảm mê đắm. Dù chỉ là hôn chiếc áo sơ mi nhưng đây là áo mà người cô thầm thương vẫn mặc. In dấu lên lớp vải bông này cũng chính là khắc dấu lên da thịt người mình thích; như vậy cậu sẽ chẳng bao giờ biết được mình đã từng gián tiếp nhận nụ hôn của cô.

Nụ hôn gián tiếp này mang tới niềm hạnh phúc vô vàn và cảm giác tội lỗi vô bờ cho cô bé mười bốn tuổi như Tần Chiêu Chiêu. Con gái tuổi này đã mơ hồ hiểu được cảm giác đang yêu ra sao nhưng càng hiểu rõ hơn thế nào là không thể yêu. Theo lời thầy cô, ba mẹ thì con gái còn nhỏ mà đã yêu đương là chuyện nhục nhã không thể chấp nhận được. Thế nhưng cô không thể kiềm chế trái tim mình được, chỉ biết âm thầm chịu đựng mâu thuẫn giữa hạnh phúc và tội lỗi ngày giày vò tâm can. Tâm tư thiếu nữ nhớ nhung luôn giống nhau: tỉnh tỉnh mơ mơ, thoắt vui thoắt buồn.

Lúc mang quần áo đã giặt sạch sẽ trả lại cho Kiều gia, trong lòng Tần Chiêu Chiêu hốt hoảng, bối rối, chỉ chực quay đầu chạy thẳng về nhà. Cửa vừa mở, Kiều Mục xuất hiện, phút chốc Tần Chiêu Chiêu nín thở. Nỗi kinh ngạc hiện rõ trên gương mặt Kiều Mục. “Có chuyện gì vậy Tần Chiêu Chiêu?”

“Không… Không có gì, đây là… quần áo trên hiên nhà cậu. Ban nãy trời mưa… gió cuốn, mình nhặt hộ… giờ trả lại.”

Tần Chiêu Chiêu lắp bắp, chính mình cũng không hiểu cuối cùng làm sao có thể nói hết câu. Kiều Mục không cảm thấy điều gì bất thường ở cô, chỉ nhận quần áo, lịch sự cảm ơn: “Thế à? Cảm ơn cậu nhé!”

Thiếu nữ gia cảnh hàn vi sớm trưởng thành, sớm biết yêu, thiếu niên sống giữa giàu sang vẫn còn ngây thơ, chưa hiểu chuyện đời.

Kiều Mục đón lấy quần áo, bàn tay khẽ lướt qua tay Tần Chiêu Chiêu khiến hai má đã đỏ hồng của cô càng nóng bừng, cứ thế quay đầu chạy thẳng về nhà.

Tối hôm ấy, Tần Chiêu Chiêu trốn trong phòng, dùng compa khắc một chữ “Mục” lên vách tường. Nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng cô lấy một tấm hình Aries Mu dán đè lên tường, che kín chữ “Mục” kia. Chuẩn bị đi ngủ, cô lại đưa tay vuốt ve chữ “Mục” khắc trên tường, sóng buồn lăn tăn trong đáy mắt.

Đầu kỳ hai năm lớp chín, cả nhà Kiều Mục chuyển khỏi khu tập thể Trường Cơ.

Căn nhà ba phòng họ sống được xây đầu những năm 80, thuở ấy cũng thuộc loại nhất nhì cả khu nhưng theo thời gian, tới giữa những năm 90 đã chẳng còn là điều gì đáng nói nữa. Nhà máy đã hai lần góp vốn xây lại nhà cửa, những căn nhà xây lại sau này đều rộng rãi hơn nhiều, ba phòng ngủ một phòng khách. Lãnh đạo nhà máy cũng lần lượt chuyển sang nhà mới nhưng gia đình Phó giám đốc Kiều vẫn “án binh bất động” vì mẹ Kiều Mục đã tính sau này cả nhà sẽ chuyển vào thành phố. Năm nay, Phó giám đốc Kiều được điều sang Cục cơ khí thành phố, không lâu sau cả nhà họ cũng dọn tới quận Tân Thành phía bắc thành phố.

Ngày Kiều gia chuyển đi, Tần Chiêu Chiêu lên lớp ngẩn ngơ, lời giảng trôi tuột không nghe được nửa chữ. Tới tiết Ngữ văn, giáo viên theo lệ gọi cô đứng lên đọc diễn cảm bài khóa một lượt nhưng cô chỉ đứng như trời trồng, mơ mơ hồ hồ khiến giáo viên ngỡ ngàng: “Chiêu Chiêu, hôm nay em sao vậy?”

Trong lớp, Tần Chiêu Chiêu luôn là học sinh ngoan, vào giờ chăm chú nghe giảng, về nhà chăm chỉ làm bài tập. Mỗi khi đứng lên đọc bài khóa Ngữ văn đều lưu loát, chuẩn xác, giọng điệu diễn cảm nên rất được lòng giáo viên. Vì thế thấy học trò cưng thần sắc khác thường, vào tiết ủ ê, không tập trung, giáo viên cũng không khỏi nghi hoặc.

Tần Chiêu Chiêu không đáp lời cô, ảo não cúi đầu không nói không rằng. Đàm Hiểu Yến bên cạnh đành nhanh nhẹn đứng lên đỡ lời: “Thưa cô, hôm nay Chiêu Chiêu không khỏe, để em đọc hộ bạn ấy ạ!”

Tần Chiêu Chiêu lấy cớ bị ốm xin về trước, chầm chậm đi bộ về nhà; tới ngã tư nơi vẫn thường đứng chờ Kiều Mục ngày trước, cô dừng lại. Con đường phía xa, trăm người đi qua nhưng hình bóng người cô thầm thương lại không thấy. Người chuyển đi rồi, từ giờ rất có thể vĩnh viễn chẳng còn cơ hội gặp lại. Nghĩ đến đây hai mắt đã sũng nước.

Qua làn nước nhạt nhòa, chợt thấy một chiếc Santana phóng vụt qua trước mặt. Cả người cô run lên khi thấy khuôn mặt Kiều Mục thoáng hiện sau lớp cửa xe. Lòng cô cuộn lên như sóng triều ào ào vỗ bờ, chỉ muốn chạy tới ngăn chiếc xe lại mà nói cho thiếu niên trong xe biết bấy lâu nay mình vẫn thầm thương trộm nhớ cậu…

Muốn rất nhiều nhưng vẫn không dám hành động. Cuối cùng cô bé mười bốn tuổi đành nước mắt lưng tròng nhìn chiếc xe mỗi lúc một xa mà nức nở trong lòng: “Kiều Mục à, mình thích cậu !”

Chiếc xe vô tâm chạy xa mãi rồi mất hút trong trời chiều.

Từ ngày Kiều Mục chuyển đi, Tần Chiêu Chiêu bỗng thành người ưa dạo phố. Cuối tuần nào cô cũng đi bộ vào thành phố chơi, đi mãi cuối cùng cũng chỉ đến một nơi – quận Tân Thành phía bắc, cô vẫn luôn mong có thể vô tình gặp Kiều Mục trên đường. Có điều, Tân Thành rộng lớn như vậy, đi mấy ngày còn chưa hết, đường phố bốn bề đông đúc, sao có thể dễ dàng muốn là gặp được người đây?

Lúc ở nhà, cô cũng thường ngẩn người nhìn sang ban công tầng ba ngôi nhà bên kia tường. Nơi ấy vẫn còn người của Kiều gia nhưng không còn tiếng đàn du dương mỗi chiều nữa. Thỉnh thoảng cũng nghe thấy đôi ba tiếng nhạc rời rạc, chói tai vọng lại, tác giả là đứa con gái sáu tuổi của Kiều Diệp, con bé vẫn thường múa may với chiếc đàn organ được cậu để lại cho. Mỗi lần tiếng nhạc vang lên, lòng cô lại phiền muộn.

Thành tích học tập của Tần Chiêu Chiêu đột nhiên tuột dốc, từ đứng đầu lớp rớt xuống thứ hai mươi mấy. Tâm trí cô đã đi theo Kiều Mục từ buổi chiều hôm ấy, giờ đây không phút nào không nhớ nhung cậu.

Giáo viên chủ nhiệm gọi riêng cô ra phê bình chuyện học hành sút kém, cô giáo vô cùng thất vọng, tâm sự: “Tần Chiêu Chiêu, trước giờ em luôn là học sinh giỏi, cô vẫn hy vọng em năm nay em thi vào cấp ba sẽ giành kết quả cao. Năm ngoái cô có một học sinh giành á khoa toàn thành phố, vào thẳng trường trung học thực nghiệm. Năm nay trong lớp cô rất coi trọng em, thế nhưng giờ em làm cô lo quá.”

Trường trung học thực nghiệm? Đôi mắt vô hồn bấy lâu của Tần Chiêu Chiêu đột nhiên sáng bừng. Phải rồi, sao cô lại quên nhỉ, Kiều Mục học ở trường cấp hai thực nghiệm, thành tích của cậu dư sức vào trường cấp ba của Bộ[1]. Nếu cô cũng có thể học ở ngôi trường tốt nhất toàn thành phố này, hẳn sẽ có cơ hội gặp lại Kiều Mục; may mắn có khi còn được học chung lớp cũng nên.

[1] Cácrường cấp ba do trường đại học thành lập.

Tưởng tượng về tương lai tốt đẹp này khiến Tần Chiêu Chiêu kích động không thôi, đứng thẳng lên nói với cô giáo, cũng là tự dặn chính mình: “Thưa cô, xin cô cứ yên tâm, em nhất định chăm chỉ học tập ạ.”

Tần Chiêu Chiêu bắt đầu dốc sức học đêm học ngày, thành tích trượt dốc được vực dậy nhanh chóng: thi giữa kỳ đã nằm trong top ba của lớp. Cô giáo vui mừng hớn hở, quả thật đã không nhìn lầm cô học trò này.

Tần Chiêu Chiêu đạt kết quả tốt như vậy khiến ba mẹ vô cùng vui mừng. Tần ba dặn con: “Con gái, cố gắng học hành chăm chỉ, sau này nhất định phải thi đỗ đại học đấy. Ba con không được học hành, cả đời chịu thiệt, làm việc mấy chục năm trời vẫn chỉ là tay công nhân quèn. Ngày mới vào nhà máy mà có bằng cấp hai thì ba đã sớm được thăng quan rồi. Nhưng ba chỉ cố học hết cấp một, muốn được cất nhắc cũng chịu.”

Ba Tần Chiêu Chiêu xuất thân ở miền núi, cũng nhờ nhập ngũ mới được phân về thành phố công tác rồi thành người ở đây. Có điều, muốn làm người thành phố cũng chẳng sung sướng gì, trình độ văn hóa thấp nên ban đầu ông bị điều xuống phụ ở bếp ăn chứ không được làm việc liên quan tới kĩ thuật. Con trai quê, công việc cũng không khá, sống ở thành phố rất khó kiếm vợ, mãi tới năm hai mươi chín tuổi ông mới kết hôn với mẹ của Chiêu Chiêu. Tần ba nhanh nhạy nhận ra làm việc ở nhà máy thế này mà không có trình độ kỹ thuật thì không được, vì thế liền tự nghiên cứu, cuối cùng ông cũng được điều sang làm công nhân kĩ thuật. Ở nhà máy có một kỹ sư họ Trịnh vẫn thường khen ông là người thông minh sáng dạ, học cái gì giỏi cái ấy, tiếc là ít học, nếu không hẳn cũng có thể thành kĩ sư. Bao nhiêu năm rồi chuyện này vẫn khiến Tần ba thầm tiếc cho bản thân, tới giờ ông chỉ còn biết trông chờ con gái yêu giúp mình thỏa mộng học hành.

Mẹ hỏi muốn thi trường nào, cô liền lập tức trả lời không cần suy nghĩ: “Mẹ, con muốn thi vào trường trung học thực nghiệm.”

Tần ba vỗ mạnh tay hứng khởi: “Được! Con gái ba phải có chí khí thế mới đúng! Đã không thi thì thôi, đã thi thì phải thi trường tốt nhất.”

“Nhưng ba ơi, học phí ở trường trung học thực nghiệm đắt hơn trường bình thường nhiều.”

Trường trọng điểm của thành phố có điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên tốt nên học phí không hề rẻ. Tần Chiêu Chiêu muốn thi vào trường cấp ba thực nghiệm nhưng lại thấy vô cùng áy náy với ba mẹ vì sẽ khiến hai người lao tâm khổ tứ lo học phí cho mình.

Tần ba lại cười ha ha. “Học phí đắt một chút có sao? Chiêu Chiêu, chỉ cần con thi đỗ, ba nhất định sẽ lo cho con đi học.”

Nhắc tới tiền nong nhưng ba cô không cau mày lo lắng như trước kia nữa, mắt mẹ cô không khỏi sáng bừng. “Mình à, có phải có hy vọng gì không?”

Ba cô vui mừng gật đầu một cái thật mạnh. “Ừ, tôi với mấy ông bạn có thể nhận thầu được một món, hoàn thành thì mình có tiền sửa lại nhà cửa luôn, sống thoải mái một chút.”

Nguồn ebook: https://www.luv-ebook.com

Trong khu tập thể, những người có điều kiện đã mua nhà rồi chuyển vào thành phố, kém hơn chút cũng hùn vốn xây sửa lại nhà cửa hoặc cất thêm lầu mới. Kể cả những người không đủ tiền mua nhà, hoặc đã quen sống nhà trệt không tính lên tầng cũng phải sửa sang, cải tạo lại nhà cũ: lát lại sàn, trát tường hay xây thêm công trình phụ… để cả nhà ở thoải mái hơn.

Vợ chồng Tần gia chưa bao giờ nghĩ đến việc mua nhà. Vợ chồng công nhân bình thường như họ ngoại trừ lương tháng ra chẳng có thêm khoản thu nào khác, nửa đời vất vả thắt lưng buộc bụng mới để ra được hai vạn đồng. Nếu mang cả đi mua nhà rồi, sau này con gái học đại học lấy đâu ra tiền lo cho con? Hơn nữa họ chỉ có một cô con gái sớm muộn cũng đi lấy chồng, mua nhà rồi sau này cũng chẳng để lại cho ai. Rất nhiều gia đình chỉ có một con gái ở Trường Cơ cũng tính toán thế, có con trai bắt bu٣ phải mua thêm nhà, không thì không cưới được vợ. Ngày đó, người ở đây suy nghĩ đơn giản vậy thôi, cần chỗ ở thì mới mua nhà, không cần thì chẳng mua làm gì. Có tiền nắm chắc trong tay thấy an tâm hơn, mấy chuyện như “mang tiền đi đầu tư” thì họ chưa bao giờ nghe tới chứ đừng nói là nghĩ đến mà làm. Chính vì nghĩ thế mà sau này nhắc tới chuyện mua nhà, hai vợ chồng Tần gia lại hối không kịp. Nhớ ngày đó mới mở mang khu Tân Thành ở phía bắc thành phố, chỉ cần bỏ ra ba, bốn vạn đồng là mua được ngôi nhà trăm mét vuông. Mười năm sau, giá nhà đất ở đây đã lên đến mười mấy, hai mươi vạn một căn, ba, bốn vạn đồng năm đó đến giờ chẳng mua được gì nữa rồi.

Tần Chiêu Chiêu nghe ba mẹ bàn chuyện sửa nhà, vui mừng quá đỗi: “Thật ạ? Ba à, nhà mình cũng sửa sang rồi xây thêm công trình phụ ạ?”

“Đương nhiên rồi. Chờ ba kiếm được tiền rồi mình tân trang nhà cửa, xây thêm cái nhà vệ sinh nữa. Trước kia mỗi lần đi vệ sinh phải chạy cả chục mét, phiền chết đi được.”

Nhà cửa chật hẹp, âm u cũng có thể nhắm mắt cho qua, có điều giờ cũng lớn rồi, Tần Chiêu Chiêu càng lúc càng mong có nhà vệ sinh riêng trong nhà. Cô không thích nhà vệ sinh công cộng, không phải vì chỗ này lúc nào cũng dơ dáy, hôi hám mà vì mỗi lần có người ra vào là cửa phòng lại mở toang. Đây là nhà vệ sinh công cộng, đương nhiên không thể tránh chuyện người ra người vào. Chuyện tắm rửa là chuyện riêng tư nhất nên lần nào cô cũng phải chui tận vào trong góc mà ngồi. Đến mùa đông càng miễn bàn, hơi nước mờ mờ vấn vít khắp nơi, chốc chốc lại thấy hiện ra mấy thân người trắng nhợt, béo gầy đủ cả. Các bà, các cô, các mợ, các thím thản nhiên kì cọ bên vòi nước còn Tần Chiêu Chiêu chỉ dám lui vào một góc nhưng cũng chẳng tránh được những ánh mắt hiếu kì dán lên người: “Ái chà, con nhóc này dậy thì sớm thật, thành thiếu nữ rồi, bắt đầu có ngực rồi kìa!” Chẳng hiểu sao, khi nghe thấy vậy, Tần Chiêu Chiêu cảm thấy xấu hổ vô cùng, xoay người vội vội vàng vàng giội mấy cái rồi trốn thẳng.

Nhà nghèo, nhà nhỏ Tần Chiêu Chiêu có thể chịu được nhưng đến nằm mơ cô cũng mong có thể có cái nhà vệ sinh riêng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.