Chớp mắt đã tới tuổi vào tiểu học, Tần Chiêu Chiêu chuyển sang học tiếp ở trường tiểu học dành cho con em nhân viên thuộc nhà máy Trường Cơ. Trường tiểu học cũng giống nhà trẻ, được xây ngay trong khuôn viên nhà máy, đến trường cùng lắm chỉ mất năm phút đồng hồ, vì vậy ba mẹ cô bé không cần quá chú trọng việc đưa đón con gái. Còn Kiều Mục đã chuyển từ trường mẫu giáo thực nghiệm lên trường tiểu học thực nghiệm, cũng là trường tiểu học tốt nhất trong thành phố.
Hàng ngày, Tần Chiêu Chiêu cắp sách tới trường đều đi trên con đường vắt ngang trước mặt khu “Trung Nam Hải”. Những ngày đi sớm sẽ thấy mẹ Kiều Mục chở cậu đi học bằng chiếc xe đạp mini thật đẹp. Quần áo cậu mặc cũng vô cùng đẹp đẽ, tinh xảo; đừng nói là ở chốn nửa tỉnh nửa quê như khu Trường Cơ này, ngay cả tiệm bách hóa sầm uất nhất chợ thành phố cũng chưa từng thấy những bộ quần áo đẹp như vậy. Nghe nói, quần áo cậu mặc đều là đồ được ông bà ngoại gửi từ Thượng Hải về.
Thượng Hải… Đó là nơi như thế nào? Tần Chiêu Chiêu rất mong mình cũng có ông bà ngoại ở Thượng Hải để nhận được những bộ quần áo đẹp như vậy.
Đáng tiếc, ông bà ngoại của cô lại sống ở quê, cách thành phố này những mấy chục cây số. Hằng năm, chẳng những ông bà không thể gửi những bộ quần áo đẹp cho cô mà ngược lại mẹ còn phải gom những bộ quần áo cũ không mặc nữa của cô bé, giặt thật sạch sẽ, gấp lại mang về cho đám con nít nhà cô cậu mặc tiếp.
Nhà ông bà nội còn xa hơn nhiều, mất hai giờ ngồi xe khách đường dài, còn phải đi bộ thêm hơn một tiếng, băng qua hai quả núi mới đến được nhà ông nội giữa thung lũng hoang vu. Tần Chiêu Chiêu đã từng theo ba mẹ về quê vài lần. Cô bé mặc một chiếc quần hoa, dùng dây buộc tóc hoa bằng lụa vốn rất bình thường ở thành phố nhưng cũng đủ để làm náo động cả sơn thôn hoang vu, hẻo lánh này. Bao nhiêu trẻ con ăn mặc rách rưới vây quanh cô bé, tròn mắt ngắm nhìn. Đối với đám trẻ ấy, có lẽ nơi cô sống hẳn cũng sánh ngang với Thượng Hải.
Nhà nội Tần Chiêu Chiêu đời đời định cư giữa thung lũng sâu trong núi, ba cô nhờ được đi bộ đội nên mới có cơ hội thoát ly khỏi vùng núi non hoang vu ấy. Năm đó, quân đội đến vùng này mộ binh, nam thanh niên đến tuổi đều tranh nhau đầu quân vì đối với những người dân quê như họ, đây là cơ hội lớn nhất để thoát khỏi kiếp nông dân. Thế nhưng sãi nhiều cháo thiếu, người đông mà chỉ tiêu ít nên thôn quy định mỗi nhà chỉ cho một con trai được đăng ký kiểm tra sức khỏe nhập ngũ. Nhà họ Tần có hai người con trai đều đủ tuổi, thừa điều kiện, biết cho ai đi đây? Phận làm cha khiến Tần lão suy ngẫm mãi điều này, cuối cùng đành quyết định để cậu con trai thứ hai đi vì cậu cả cũng đã lớn tuổi, khỏe mạnh tráng kiện, có thể ở lại lo việc trong ngoài.
Quyết định này của ông nội đã đẩy vận mệnh của hai cậu con trai đi theo hai hướng hoàn toàn khác nhau. Ba Tần Chiêu Chiêu tham gia kiểm ra sức khỏe, đủ tư cách nhập ngũ, từ đó thoát khỏi nơi thâm sơn cùng cốc. Đi bộ đội vài năm, ông phục viên, được phân công công tác tại nhà máy cơ khí Trường Thành, trở thành công nhân sống giữa thành phố, hưởng lương nhà nước. Còn bác Tần Chiêu Chiêu đến giờ vẫn ở lại quê nhà, bám lấy một mẫu ba ruộng, mùa xuân cày bừa mùa thu gặt hái, sự vất vả khiến ông già hơn em trai rất nhiều. Mấy con gái của ông cũng chỉ học hết tiểu học là bỏ học ở nhà trồng cấy, người nào người nấy làm ruộng rất cừ.
Lúc Tần Chiêu Chiêu về quê, nghe người ở nhà kể lại những chuyện năm xưa thì đã từng chớp mắt ngây thơ hỏi mẹ: “Mẹ à, nếu như bác nhập ngũ thay ba thì giờ con là con gái của bác nhỉ?”
Mẹ cô bé bật cười. “Con bé ngốc ny, nếu bác nhập ngũ thay ba con thì giờ lấy đâu ra con đây?”
Sẽ không có cô sao? Tần Chiêu Chiêu giật mình, cô không thể nghĩ tới chuyện không có mình thì sẽ thế nào, tốt nhất là cứ để ba nhập ngũ, và cô là con của ba là được rồi. Lúc ở nơi thâm sơn ấy, cô bé vẫn luôn cảm thấy được làm con của ba thật là may mắn. Có điều, khi về tới Trường Cơ, chỉ cần nhìn thấy Kiều Mục là trong lòng cô bé lại trỗi dậy hy vọng Phó giám đốc Kiều có thể là ba cô còn Mục Lan là mẹ. Như vậy, người được học đàn, được mặc quần áo đẹp sẽ là cô.
Một hôm, Tần Chiêu Chiêu đi học sớm, vừa ra tới đường đã thấy Kiều Mục được mẹ chở tới trường. Bàn tay nhỏ xíu của cậu đang lục lọi trong túi, lục ra lục vào rồi đánh rơi thứ gì đó mà hình như cậu cũng không nhận ra.
Chiếc xe đạp lướt qua rất nhanh, Tần Chiêu Chiêu tò mò chạy về phía trước, nhặt được một viên kẹo lẫn trong bụi cỏ vệ đường. Trước nay Tần Chiêu Chiêu chưa từng nhìn thấy viên kẹo nào như thế. Trường Cơ là vùng nghèo khó, điều kiện vật chất thiếu thốn, loại kẹo rẻ nhất trong các cửa hàng bách hóa của nhà máy là những viên kẹo xù xì góc cạnh, một xu một viên kẹo trắng tinh hình dạng không giống nhau, kẹo cũng chẳng có giấy gói bọc, đưa lên miệng ngậm thấy vị ngọt mát bao lấy đầu lưỡi. Sang hơn một chút là kẹo hoa quả giá năm xu một viên, bọc trong giấy kẹo ba màu đỏ, vàng, lam; ăn vào thấy vị hoa qủa. Cao cấp hơn cả là kẹo xốp hoặc kẹo mềm bọc vừng gói giấy bóng kính trong suốt. Kẹo này những một hào một viên, cũng có thể mua cả cân, thường được mua về làm kẹo cưới, bày ra đĩa mời khách những khi náo tân phòng[1]. Đám con nít gặp dịp như vậy sẽ háo hức vơ cả nắm to, ăn xong cũng không nỡ bỏ vỏ kẹo mà cẩn thận vuốt cho thật phẳng, kẹp vào giữa trang sách để dành; ai tích được nhiều vỏ kẹo sẽ thấy rất tự hào.
[1] Tục lệ xưa của người Trung Quốc, khách sẽ trêu chọc cô dâu chú rể trong đêm tân hôn.
Ngoài mấy loại kẹo này, Tần Chiêu Chiêu chưa được nếm qua loại kẹo nào khác. Chiếc kẹo Kiều Mục đánh rơi trong bụi cỏ được gói rất đẹp, không dùng giấy gói ba màu lòe loẹt, tầm thường như kẹo hoa quả rẻ tiền, cũng không gói bằng giấy bóng, chỉ có một lớp giấy bọc màu trắng đơn giản in hình một chú thỏ trắng xinh xắn.
Trên vỏ kẹo còn in ba chữ nhưng cô chưa nhận được hết mặt chữ, chỉ nhìn ra mỗi một chữ “Đại”. Đưa kẹo lên hít một cái, mùi sữa thơm ngọt xộc vào mũi, bóc vỏ ra thấy bên trong còn một lớp giấy rất mỏng, trong suốt, dính chặt lấy chiếc kẹo. Cô bé cố bóc sạch lớp giấy nhưng không được, không nhịn nổi mùi sữa dụ hoặc, chẳng quan tâm nhiều, cô nhét luôn viên kẹo vào miệng. Trước kia cô bé vẫn ăn kẹo như vậy vì vỏ kẹo hoa quả thường dính chặt vào kẹo không bóc ra được, chỉ có cách ngậm vào miệng, chờ giấy tách ra khỏi kẹo rồi nhả vỏ kẹo ra sau. Nhưng lạ là viên kẹo này không cần nhả vỏ, vừa đưa vào miệng là lớp giấy tự tan ra, sau này cô bé mới biết loại giấy này được gọi là giấy gạo nếp, có thể ăn luôn không cần bóc. Lớp giấy gói trong suốt tan mất, vị sữa ươm đầy khoang miệng, ngọt ngào đến mức Tần Chiêu Chiêu tưởng chừng có thể nuốt luôn cả lưỡi mình. Ngon quá! Tại sao lại có loại kẹo ngon đến vậy? Đến khi đã ăn gọn cả viên kẹo rồi mà vị sữa vẫn còn lưu mãi trong miệng.
Ăn hết viên kẹo, Tần Chiêu Chiêu cẩn thận cất vỏ kẹo thật kĩ, tan học là chạy một mạch về nhà, vừa thở hổn hển vừa hỏi mẹ: “Mẹ à, nếu cả hai môn thi giữa kỳ con đều được 100 điểm thì mẹ thưởng cho con nhé![2]”
[2] Cấp tiểu học ở Trung Quốc thi hai môn Ngữ văn và Toán, sử dụng thang điểm 100.
“Được, nếu cả hai môn đều được 100 điểm, muốn thưởng gì cũng được.”
Cô bé liền tức tốc lôi vỏ kẹo cất kĩ ra đưa mẹ: “Con muốn ăn kẹo này, ngon lắm mẹ ạ!”
©STENT: http://www.luv-ebook.com
Vừa nhìn thấy vỏ kẹo, mẹ cô bé thoáng giật mình. “Đây là kẹo sữa Thỏ Trắng[3], con lấy đâu ra thế?”
[3] Nhãn hiệu của hãng sản xuất bánh kẹo Quan Sinh Viên, bắt đầu xuất hiện ở Thượng Hải năm 1943 và sớm nổi tiếng thế giới. Ngày 26/9/2008, loại kẹo phải dừng tiêu thụ do phát hiện hàm lượng hóa chất melamine cao gấp 6 lần mức cho phép trong sản phẩm. Sinh thời, đây là loại đồ ăn nhẹ mà thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai vô cùng yêu thích.
Tần Chiêu Chiêu liền ríu rít như chú chim nhỏ kể lại chuyện nhặt được viên kẹo giữa đường cho mẹ nghe, còn nhấn mạnh lại: “Kẹo này ngon lắm, rất rất ngon.”
Ngày ấy, kẹo sữa Thỏ Trắng là thứ đồ xa xỉ, người bình thường không nỡ bỏ chừng đó tiền mua loại kẹo ngon như thế làm đồ ăn vặt cho con cái. Tần mẹ bèn nghĩ cách lừa con gái. “Chiêu Chiêu à, loại kẹo Thỏ Trắng này chỉ ở Thượng Hải mới có, thành phố mình không ai bán đâu. Hay mẹ mua kẹo xốp cho con nhé, mua nửa cân có được không?”
Nếu là trước kia, được mẹ hứa mua cho nửa cân kẹo xốp hẳn Tần Chiêu Chiêu sẽ vui mừng như mở cờ trong lòng. Nhưng giờ đã trót nếm qua kẹo Thỏ Trắng rồi, món kẹo xốp kia không thể thỏa mãn cô bé được nữa. Cô nhóc được phen thất vọng liền bù lu bù loa: “Không đâu, con không cần kẹo xốp. Con muốn ăn kẹo sữa Thỏ Trắng cơ. Tại sao mẹ không phải người Thượng Hải? Sao ông bà ngoại không ở Thượng Hải chứ?”
Cô bé khóc lóc ăn vạ mẹ rất lâu, tới tận khi ba tăng ca trở về. Vừa nghe qua câu chuyện, ba cô liền tức giận trừng mắt: “Ranh con to gan thật, còn muốn mẹ là người Thượng Hải để mua kẹo Thỏ Trắng cơ đấy! Còn không biết điều nữa, đừng trách tao tống cổ về quê làm con bác cả, đến lúc ấy kẹo xốp cũng chẳng có mà ăn đâu.”
Nghe đến đây, Tần Chiêu Chiêu đành nín khóc. Dẫu cô bé còn nhỏ nhưng cũng thừa hiểu mình may mắn hơn hẳn các con nhà bác cả. Các anh chị họ ai nấy đều hâm mộ cô được sống giữa thành phố, còn được mặc váy có nơ cánh bướm, còn được ăn kẹo xốp nữa, giống như cô vẫn hâm mộ Kiều Mục vậy. Đã không thể được như Kiều Mục thì chớ nên chọc tức ba, nếu không sẽ bị đuổi về quê ở với anh chị họ.
Nhiều năm sau, Tần Chiêu Chiêu vô tình được được một đoạn trong sách thế này: “Đời người tựa kiếp hoa bay, sinh cùng một cội, nở chung một cành, cánh rơi thềm ngọc cánh sa bờ rào… Sang hèn khác chốn, biết tại nơi nao![4]”
[4] Lấy ý từ Vô thần luận của Phạm Chẩn.
Gấp sách lại rồi nhưng Tần Chiêu Chiêu vẫn vấn vương mãi nỗi băn khoăn: Tại sao cùng là con người lại có sang có hèn khác nhau?
Đúng thật nhỉ, tại sao chứ? Vì sao có người may mắn sinh ra giữa gác tía lầu son, lại có người bất hạnh sống trong cảnh bần cùng khốn khó? Rốt cuộc vận mệnh là gì chứ? Giữa mênh mang hỗn độn, rốt cuộc vận mệnh do ai an bài?
Vô phương giải đáp, câu hỏi về khởi nguyên vận mệnh vẫn là bí ẩn không lời đáp suốt mấy ngàn năm lịch sử của loài người.
Biết chắc rằng ba mẹ sẽ không mua kẹo Thỏ Trắng cho mình, nên từ đó mảnh giấy gói kẹo kia trở thành báu vật của Tần Chiêu Chiêu, được cô bé cẩn thận cất ở nơi trang trọng nhất.
Ngày đó, mấy cô nhóc cấp một vẫn thường sưu tầm giấy bọc kẹo rồi mang ra khoe và so với nhau xem ai sưu tầm được nhiều vỏ kẹo đẹp nhất. Vỏ kẹo Thỏ Trắng của Tần Chiêu Chiêu vừa đưa ra đã khiến các bạn sửng sốt, mang về cho cô bé rất nhiều ánh mắt hâm mộ tột độ.
Có điều, được ngưỡng mộ cũng chẳng phải chuyện gì tốt đẹp, người xưa vẫn có câu: “Thất phu vô tội, hoài bích kì tội”, nghĩa là người thường vốn chẳng có tội, mang theo vật quý bên mình thành ra có tội. Vỏ kẹo bảo bối của Tần Chiêu Chiêu chẳng may bị lớp trưởng Hạ Cầm để mắt đến. Hạ Cầm muốn dùng năm vỏ kẹo bóng kính để đổi lấy vỏ kẹo này của Tần Chiêu Chiêu đương nhiên Tần Chiêu Chiêu không chịu. Vì thế, Hạ Cầm liền lợi dụng quyền lực của lớp trưởng kéo tất cả con gái trong lớp về phe mình, không ai được chơi với Tần Chiêu Chiêu nữa.
Trẻ con ngày đó khá lợi hại, cả đám trẻ lớn cùng nhau, chơi chung với nhau, trong quá trình chơi đùa, những đứa có khả năng cá nhân vượt trội sẽ sớm bật lên trở thành người lãnh đạo, là “trùm” của của đám trẻ. Những đứa nhóc này đều dũng cảm, thông minh, sáng dạ, dễ dàng khiến bọn trẻ khác nhất mực nghe theo, nếu không, đông người lắm ý như vậy vốn dĩ đâu thể chơi chung được với nhau.
Hạ Cầm chính là một đứa trẻ thuộc hàng “trùm” như vậy, con gái trong lớp luôn răm rắp nghe lời cô bé, cô nói không được chơi với ai là tất cả sẽ xúm lại bỏ mặc người đó. Vì chiếc vỏ kẹo này mà Tần Chiêu Chiêu bị tất cả con gái trong lớp cô lập. Tan học chẳng còn ai rủ cô nhảy dây, đá cầu, tung bao cát nữa. Cô bé chỉ còn một mình thật buồn, thật tủi thân. Sau ba ngày, rốt cuộc Tần Chiêu Chiêu cũng không chịu nổi nữa, đành chủ động mang vỏ kẹo Thỏ Trắng tới đổi cho Hạ Cầm. Đổi lấy năm chiếc vỏ kẹo bóng kính mình không thích, cũng là đổi lấy thiên hạ thái bình.
Cực chẳng đã mất đi vỏ kẹo quý giá khiến Tần Chiêu Chiêu bé nhỏ vô cùng khó chịu. Năm ấy còn nhỏ tuổi, cô bé chưa hiểu được thế nào gọi là nhẫn nhịn cho đi những thứ mình yêu quý, chỉ biết rằng cảm giác khi mất đi thứ quý báu là vô cùng, vô cùng khổ sở.