Mùa đông năm năm lớp sáu, trời trở lạnh bất thường. Những ngày lạnh lẽo như thế Tần Chiêu Chiêu không muốn đến lớp, chỉ muốn được rúc trong chăn ngủ nướng, vì thế thường giả bộ đau bụng để nghỉ học.
Một hôm, cô bé lại giả bệnh, vừa khoan khoái tỉnh giấc trong chăn ấm thì nghe thấy tiếng mẹ và bác Chu – mẹ chị Tiểu Đan – từ gian ngoài vọng vào.
Là bác Chu hỏi trước: “Chiêu Chiêu nhà cô hôm nay lại nghỉ học à?”
“Vâng, chẳng hiểu sao gần đây con bé đau bụng suốt, chẳng biết có phải giun sán gì không.”
“Lớn thế rồi còn giun sán gì nữa, hay là sắp thành người lớn rồi cũng nên.”
Mẹ cô nghe thế lắp bắp kinh hãi: “Sao nhanh thế được chứ, con bé chưa đầy mười hai, gì mà đã thành người lớn được. Tôi đây phải đến năm mười sáu cơ đấy!”
“Trẻ con giờ có giống ngày xưa đâu. Lúc nhỏ cô ăn gì, giờ xem bọn nhóc này ăn những gì nào, lớn nhanh một tí cũng chẳng có gì lạ.”
Tần Chiêu Chiêu vừa mới tỉnh giấc, mơ mơ màng màng nghe tiếng nói vọng vào, lơ ngơ chẳng hiểu được bao nhiêu, cũng không ể tâm lắm. Hôm sau đi học, vừa đến cổng trường lại gặp cô giáo Lữ chủ nhiệm đang bước trên cầu thang, được cô hỏi thăm: “Tần Chiêu Chiêu, em khỏe rồi chứ?”
Tần Chiêu Chiêu nhớ lại mấy câu nghe trộm được hôm qua, không nghĩ ngợi gì buột miệng: “Thưa cô, mẹ em nói không phải em bị bệnh mà là sắp thành người lớn rồi!”
Trường học ở Trường Cơ được xây dựa lưng vào một sườn núi nhỏ giống như khu tập thể. Qua cổng chính là một dãy bậc thang dài, đi hết bậc thang là tới sân thể dục lớn, đi thêm chục bậc nữa sẽ đến hai dãy phòng học. Bên trái là dãy phòng cho học sinh tiểu học, bên phải là phòng học của sinh viên kỹ thuật thuộc nhà máy.
Lúc cô Lữ hỏi chuyện, cô đã đi được kha khá còn Tần Chiêu Chiêu chỉ vừa bước lên bậc thang, cách xa nên thầy cao giọng trò cũng gân cổ, âm thanh không hề nhỏ.
Lời vừa thoát khỏi miệng, cô Lữ không nhịn được cười, mà mấy sinh viên kĩ thuật mười bảy mười tám vừa nam vừa nữ cũng che miệng cười ran.
Tần Chiêu Chiêu ngơ ngác, không hiểu mình đã nói gì mà chọc mọi người cười đến vậy. Đến tận lúc sau mang vở bài tập lên phòng giáo viên, cô Lữ vừa nhìn thấy cô bé thì lại cười. Không những thế, bảy, tám giáo viên trong phòng cũng nhìn cô bé mà tủm tỉm, rõ ràng đã biết ban nãy cô đã gây ra chuyện tức cười lắm. Có điều cô bé nghĩ nát óc vẫn không hiểu nổi rốt cuộc tại sao câu nói của mình lại khiến mọi người cười như vậy.
Cô Lữ nhận bài của Tần Chiêu Chiêu, mím miệng nhịn cười, dặn dò: “Chiêu Chiêu à, có thành người lớn cũng không cần phải lớn tiếng khoe thế đâu.”
Tần Chiêu Chiêu ù ù cạc cạc gật đầu, mang một bụng nghi hoặc về kể cho mẹ, mẹ nghe xong dở khóc dở cười. “Con bé ngốc này!”
Sao cô lại ngốc? Mẹ cũng chẳng giải thích nốt cho cô, vì thế đây vẫn là niềm nghi hoặc lớn nhất trong lòng Tần Chiêu Chiêu suốt những năm tiểu học[1], đến tận sau này lên cấp hai cô mới dần nhận ra ngày trước mình đã ngốc thế nào.
[1] Ở Trung Quốc, cấp tiểu học là từ lớp một đến lớp sáu.
Kỳ hai năm lớp sáu, sắp đến ngày tốt nghiệp nên học sinh trong lớp thường tặng nhau bưu thiếp lưu niệm. Một bộ bưu thiếp giá vài đồng, với học sinh tiểu học quả là không rẻ. Mà cùng năm ấy, ông bà nội Tần Chiêu Chiêu ở quê lần lượt qua đời, cả nhà hai lần về quê chịu tang tốn không ít tiền. Mấy tháng nay thức ăn trong nhà đều là cải xanh rẻ tiền, cô cũng chẳng có nhiều tiền tiêu vặt vì thế càng thêm căng thẳng, cô không có nhiều tiền để mua bưu thiếp tặng mọi người.
Nhưng dù cô không tặng người ta, người ta cũng vẫn tặng cho cô, nhận của người mà không đáp lại sao phải phép? Vì vậy, cô bé đành ương ngạnh kiên trì xin mẹ tiền mua bưu thiếp, còn ngập ngừng: “Các bạn cứ mang tặng con, chẳng lẽ con không tặng lại hay sao?”
Mẹ nghe xong, lặng thinh hồi lâu, cô bé đã tưởng không còn chút hy vọng gì nữa rồi lại thấy mẹ rút ra năm đồng. Cô bé vui sướng ngất ngây, cầm số tiền lớn nhất từ xưa tới giờ cùng bạn bè vào thành phố chọn mua bưu thiếp.
Cửa hàng bách hóa tấp nập tọa lạc ngay bên ngã tư đường, có một quầy nhỏ chuyên bày bán bưu thiếp, poster, ảnh dán, nơ buộc tóc, đồng hồ điện tử và các loại đồ chơi mà học sinh yêu thích. Cuối tuần, trẻ con tụ tập vây quanh quầy hàng, Tần Chiêu Chiêu và các bạn mạnh ai nấy chen vào trong chọn bưu thiếp.
Trong các loại bưu thiếp, loại in hình nhóm Tiểu Hổ[2] là đắt hàng nhất. Ba chàng trai trẻ này là nhóm nhạc thịnh hành nhất ngày đó, chiếm lĩnh thị trường châu Á với tốc độ chóng mặt, khai mở một thời đại thần tượng hoàn toàn mới, được vô số thanh thiếu niên ưa thích. Tiếng hát của họ đã bầu bạn với Tần Chiêu Chiêu suốt thời tiểu học. Ở trường, bạn bè cô cực kỳ yêu thích bài hát Vườn táo xanh hạnh phúc nổi tiếng của họ, Tần Chiêu Chiêu lại thích Bầu trời rực rỡ, ước mơ rực rỡ hơn; mỗi khi nghe bài hát lại thấy thế giới trước mắt trở nên rực rỡ vô ngần.
[2] Nhóm Tiểu Hổ có tên tiếng Anh là The Little Tigers, gồm ba thành viên: “Phích lịch hổ” Ngô Kỳ Long, “Tiểu soái hổ” Trần Chí Bằng và “Quái quái hổ” Tô Hữu Bằng, là ban nhạc thần tượng nổi tiếng của Đài Loan cuối thập niên 80, đầu thập niên 90.
Trong lớp có bạn mua băng cassette của nhóm Tiểu Hổ, Tần Chiêu Chiêu từng mượn về nghe. Ở nhà không có đài cassette, cô bé phải sang nhà bác Lý hàng xóm nghe nhờ. Cái đài này là báu vật của bác Lý, trẻ con tuyệt đối không được động vào. Bác Lý đích thân mở nhạc rồi ngồi canh ở bên, băng chạy hết mặt A thì đổi sang mặt B. Tần Chiêu Chiêu ngồi trên chiếc ghế đẩu cứ thế mê mẩn nghe tới hết cả băng. Băng chạy hết rồi vẫn muốn nghe lại lần nữa nhưng ngại làm phiền thêm, bỗng nhiên bác Lý chủ động bật lại một lần nữa: “Băng này nghe cũng được phết nhỉ!”
Tần Chiêu Chiêu mở cờ trong bụng, hôm đó cứ ngồi miết ở nhà bác Lý nghe băng đến tận khi mẹ gọi về ăn cơm.
Xem xét hết một lượt, Tần Chiêu Chiêu cẩn thận chọn lấy hai bộ bưu thiếp, một bộ hình nhóm Tiểu Hổ, bộ kia hình Saint Seiya, vừa tròn năm đồng. Thanh toán xong xuôi chợt thấy trong góc quầy bày một bộ bưu thiếp Ông Mỹ Linh. Hoàng Dung mà cô từng yêu thích mấy năm trước đã ngọc nát hương tan[3], nhưng cô vẫn nhớ rõ người diễn viên ấy, cũng nhớ rõ ngày bé đã từng chơi trò hóa trang thành Hoàng Dung. Cầm bộ bưu thiếp lên ngắm nhìn, đều là những bức hình kinh điển của Ông Mỹ Linh trong Anh hùng xạ điêu – những hình ảnh lưu lại khoảnh khắc đẹp đẽ huy hoàng nhất của cô. Tần Chiêu Chiêu rất muốn mua nhưng không còn tiền.
[3] Ông Mỹ Linh (1959-1985): là một nữ diễn viên người Hồng Kông, cô trở nên nổi tiếng thập niên 1980 với vai diễn tiêu biểu Hoàng Dung trong bộ phim Anh hùng xạ điêu 1983; đời tư của cô gắn liền với nam diễn viên Thang Chấn Nghiệp và kết thúc bằng hơi gas.
Muốn mà không có tiền, biết phải làm sao? Như có ma xui quỷ khiến, Tần Chiêu Chiêu liếc mắt trông sang chủ quầy, thấy ông đang cúi đầu trả tiền thừa cho người khác, hoàn toàn không chú ý tới mình. Cô liền nắm chắc bộ bưu thiếp trong tay, vô thức bước ra ngoài… Một bước, hai bước, ba bước, bốn bước… Ra tới cửa, cô bé co chân chạy, tim đập thình thịch theo từng bước chân chỉ chực nhảy ra khỏi lồng ngực.
©STE.NT
Hôm đó, Tần Chiêu Chiêu chạy một mạch về tận khu Trường Cơ. Ngày ấy người ở khu Trường Cơ vào thành phố thường không đi xe công cộng, một vì không thuận tiện – mỗi lần muốn đi lại phải ra tận đường lớn phía ngoài nhà máy ngồi chờ xe, lại còn phải trả tiền xe nữa, vừa đi vừa về cũng không rẻ. Muốn vào thành phố tốt nhất là đạp xe, nếu không cứ men theo đường nhỏ sẽ tới. Tần Chiêu Chiêu và các bạn cùng đi bộ vào thành phố, cuối cùng một mình cô chạy về trước, mồ hôi chảy ròng ròng trên tay ôm chắc ba bộ bưu thiếp – hai bộ mua, một bộ trộm. Về tới nhà đến nửa ngày mà vẫn chưa hoàn hồn.
Hôm sau tới lớp, các bạn xúm lại hỏi vì sao hôm qua một mình im ỉm trốn về trước? Cô bé liền đỏ mặt dối rằng hôm qua đột nhiên buồn đi vệ sinh, lúc sau quay lại không thấy các bạn đâu nữa liền chạy một mạch về.
Tần Chiêu Chiêu có ba bộ bưu thiếp, mỗi bộ mười cái, đủ để đáp lễ bạn cùng lớp. Mỗi bộ cô bé cố tình giữ lại một tấm mình thích nhất – ảnh chụp chung nhóm Tiểu Hổ, bộ hình Ông Mỹ Linh giữ lại tấm hình Hoàng Dung xinh đẹp nhất, và một tấm hình mười hai thánh đấu sĩ trong Saint Seiya – rồi cất kín trong một hộp bánh bằng sắt. Đây là hộp “nữ trang” chứa tất cả những thứ trân quý nhất của cô.
Hạ Cầm được tặng nhiều bưu thiếp nhất, đem bày kín cả mặt bàn, cô giáo chủ nhiệm nhìn thấy cũng phải nhạc nhiên: “Nhiều người tặng bưu thiếp cho em thật đấy!”
Cô bé kiêu hãnh tươi cười: “Mọi người đều thích chơi với em nên nhận được nhiều thiếp lắm ạ!”
Nhưng nhận được nhiều bưu thiếp quá cũng không phải chuyện hay ho, nhận rồi phải đáp lễ, nhận càng nhiều càng phải trả nhiều. Cha mẹ Hạ Cầm chỉ là nhân viên bình thường trong nhà máy, mẹ nghỉ bệnh dài hạn vì sức khỏe yếu; vì thế gia cảnh tầm tầm, cô bé không có nhiều tiền tiêu vặt để mua bưu thiếp. Nghĩ tới chuyện làm thế nào có được chừng đó bưu thiếp để tặng lại bạn bè cũng đủ khiến Tần Chiêu Chiêu phát rầu thay cô.
Kết quả Hạ Cầm cũng xảy ra chuyện vì mấy tấm bưu thiếp.
Cũng giống Tần Chiêu Chiêu, Hạ Cầm không đủ tiền mua bưu thiếp nên nảy lòng tham trộm ở quầy hàng. Cô nhóc lớn gan, trót lọt ở quầy này, thấy mọi việc thuận lợi càng u mê, không những chẳng bỏ chạy còn sang hàng khác trộm thêm. Kết quả bị chủ quầy bên kia bắt được, ông ta nổi trận lôi đình hung hăng kéo hai cánh tay cô còn nói mấy hôm trước ông ta đã mất trộm một bộ bưu thiếp khác, giờ bắt được đứa trẻ hư, không cẩn thận dạy dỗ sao được chứ?
Lúc này vị chủ quán bên cạnh đã nhận ra bộ bưu thiếp trong tay Hạ Cầm chính là thứ vừa không cánh mà bay khỏi tiệm nhà ông ta, hai người lớn xúm lại giáo huấn cô bé. Bọn họ không hề trách mắng, chỉ lấy dây lưng cột cô bé vào thân cây bên đường thị chúng, coi như giết gà doạ khỉ, nhóc con dám to gan ăn trộm hậu quả sẽ thế này.
Người đi đường vây lại thành vòng tròn, vừa xem vừa chỉ trỏ bàn tán, cô bé cúi thấp đầu khóc sướt mướt, gan lớn thường ngày biến mất không tăm tích. Có người ở khu Trường Cơ đi qua nhận ra cô bé, đây chẳng phải con gái bác Hạ phân xưởng năm đấy sao? Chủ quán nghe vậy mừng rỡ: “Các bác nhận ra con ranh này à? Khéo thật, nhờ các bác chuyển lời tới người nhà, bảo họ đến đưa con bé về. Còn nhỏ thế này đã đua đòi trộm cắp, không dạy dỗ nghiêm khắc sao được?”
Chuyện tốt không ra khỏi cửa, tiếng xấu lan ngàn dặm; người kia mang lời nhắn về, chưa đầy một ngày cả khu Trường Cơ ai cũng biết con gái bác Hạ phân xưởng năm đi trộm đồ trong thành phố bị bắt được, nhà họ Hạ mất mặt vô cùng. Bác Hạ sầm mặt đưa con gái về, khóa trái cửa lại, đánh một trận thừa sống thiếu chết, tiếng khóc thê lương vang vọng mãi.
Không ít người vây quanh cửa nhà họ Hạ xem náo nhiệt, Tần Chiêu Chiêu cũng cùng một đám con nít chạy tới xem. Nghe thấy tiếng Hạ Cầm khóc, cô cũng hết hồn, nhớ hôm trước mình cũng trộm đồ, may không bị bắt, nếu không… Chỉ nghĩ đến đây cũng thấy lạnh sống lưng.
Hạ Cầm chịu đòn của ba xong, tới trường không còn cái thần khí “Tiểu nữ vương” nữa, giờ cô bé chỉ ngồi im cúi đầu, bạn bè cũng không còn ai mon men tới chơi cùng vì ở nhà người lớn vẫn dặn thật kĩ rằng không được chơi với bạn đi trộm đồ. Chẳng ai mong con mình chơi với đứa trẻ mang tiếng, sợ con mình sẽ học theo thói xấu.
Lúc trước, Hạ Cầm thường xuyên kéo bè cô lập bạn cùng lớp như Tần Chiêu Chiêu, đến giờ tới lượt mình bị cô lập. Kỳ thực, Tần Chiêu Chiêu rất cảm thông với cô nhưng không dám biểu lộ ra ngoài, làm sao có thể đồng cảm với kẻ vì mấy tấm bưu thiếp mà đi ăn trộm đây?
Mùa hè năm 1994, Tần Chiêu Chiêu tốt nghiệp tiểu học.
Cô là một trong những học sinh cuối cùng học trong trường dành cho con em nhân viên khu Trường Cơ, sau năm ấy trường đóng cửa. Nguyên nhân do dạo đó chính sách kế hoạch hóa gia đình dần có hiệu quả, tỷ lệ sinh đẻ giảm đi, số trẻ con đến tuổi đi học mỗi năm ít dần, mấy năm liền trường thường xuyên thiếu học sinh. Hơn nữa, đa số giáo viên dạy ở đây không phải người được đào tạo sư phạm bài bản, mới học hết cấp hai, cấp ba, kĩ năng sư phạm rất kém. Cả hai nguyên nhân trên khiến Phòng Giáo dục thành phố quyết định đóng cửa trường, học sinh sẽ chuyển sang các trường tiểu học công lập gần đó.
Hai dãy phòng học từ đó chẳng còn ai dùng tới. Ít lâu sau, cổng chính, cầu thang cũng bị cắt xẻ, trở thành móng cho dãy nhà nhân viên hùn vốn xây. Lúc xây dựng lại, tiếng động cơ gầm rú, thay thế và xóa nhòa hết tiếng ê a đọc sách năm nào.
Ấu thơ theo năm tháng yên ả trôi qua kẽ tay.