Câu chuyện thứ mười: Đôi giày vải
Âu Dương Đạt Hoa
Buổi sáng, tôi nhận được một cú điện thoại của một vị khách, thế là tôi tìm đến công ty theo địa chỉ khách hàng cung cấp.
Anh độ hơn ba mươi tuổi, trông rất gọn gàng, tươm tất, nói chuyện để lộ hai hàm răng trắng muốt, giọng nói cũng rất ôn hòa, điều này không giống với địa vị của anh, bởi tôi nhìn thấy trước cửa văn phòng anh có đề bảng “Văn phòng trưởng khu phố”, nhưng cảm giác mà vị khách đem lại cho tôi giống như một người hàng xóm thân thuộc.
Vị khách đưa cho tôi một đôi giày vải, nói hôm nay là sinh nhật của bố anh, mà hôm nay, anh bận việc đến tối mới về được, vì thế, anh nhờ tôi mang quà tặng cho bố trước.
Nói xong, anh đưa cho tôi một tờ danh thiếp, nói tôi hãy gọi anh là Mạc Nhất Minh, bố anh ở chung cư ngoại ô phía tây.
Tôi cầm lấy đôi giày, lúc quay ra định về, không kìm được bèn hỏi: “Chẳng lẽ khu phố không có xe?”
Anh như đoán được ý tôi, nói: “Đây là việc riêng.”
Tôi không hỏi gì thêm. Gần đến con đường Mạc Nhất Minh nói, tôi hỏi thăm một ông già đang quét lá trên con đường nhỏ: “Chú ơi, cho cháu hỏi thăm chút, chú có biết bố của Mạc Nhất Minh không?”
Ông già chậm rãi ngước nhìn tôi rồi nói: “Là tôi đây!” Tôi được phen giật mình, nằm mơ cũng không nghĩ là bố của trưởng khu phố lại làm phu quét đường.
Tôi lấy món quà đưa cho ông và chuyển lời của Mạc Nhất Minh. Ông già ngồi bệt xuống đất, thay đôi giày vải, đi qua đi lại vài bước, cười mãn nguyện.
Tôi lấy làm khó hiểu, không nghĩ là nguyện vọng của ông già chỉ đơn giản thế, một đôi giày vải chỉ vài chục ngàn đồng lại có thể khiến ông hạnh phúc nhường đó.
“Chú ơi, con chú là trưởng khu phố, sao chú lại làm công việc mệt nhọc này?”
Câu nói chực chờ ở cửa miệng tôi đợi dịp tuôn ra. “Điều này cũng đơn giản thôi, bởi vì nó là người bình thường, trưởng khu phố cũng vậy, trong mắt tôi, nó chỉ là con trai tôi.”
Lên xe, tôi lấy điện thoại ra, bấm số trên danh thiếp của Mạc Nhất Minh, đầu dây bên kia nhấc máy, tôi nói với anh giày đã được chuyển đến tận tay bố anh. Mạc Nhất Minh nói lời cảm ơn.
Khi tôi hỏi vì sao lại để bố quét đường ở ngoại ô, anh nói đây là thói quen của ông. Khi học tiểu học, anh phải đi qua con đường đó để đến trường, nhưng do đường có nhiều ổ gà, lá rụng đầy phủ lên trên, không người quét dọn, sơ sểnh rất dễ bị ngã, vì thế hầu như hôm nào anh cũng “chụp ếch”.
Có lần bị ngã, một miếng sành đâm xuyên vào chân anh, từ đó về sau, bố anh thường dậy sớm quét hết lá trên đường, ông kiên trì quét lá cũng được mười mấy năm rồi.
Anh nói, bố anh kiên nhẫn quét dọn như thế là vì hy vọng anh không bị vấp ngã trên đường đời. Tôi dừng xe ở bên đường, ngồi trong ánh nắng mai chan hòa, nhìn đám mây trôi bồng bềnh đằng xa, lòng bồi hồi thưởng thức, hai con người giản dị và hai thứ tình yêu giản đơn.
Linh Linh
(Dịch từ Câu chuyện Hội – TQ)