Nơi Nào Củi Gạo Không Vương Khói Bếp

Chương 28: Chương 28: Em sẽ không khóc




"Ân Sinh, ở tù hành chính không giống với ở tù hình sự, đừng lo lắng, anh sẽ không sao".

Ngày hôm qua, chồng tôi nói với tôi như thế. Hôm nay, anh gói ghém vài bộ quần áo đơn giản, mặc áo bông rẻ tiền, đứng ở cửa xe cảnh sát mỉm cười, cam đoan với tôi lần nữa : nơi đó người bình thường muốn cũng không vào được, cứ coi như một nơi tôi luyện anh trong gian khổ đi.

Khi sắp đi, anh ôm tôi thật chặt, nhìn tôi cười lần chót. "Ân Sinh, ngoan ngoãn ở nhà, xem như anh đi nghỉ mát, mười ngày nữa sẽ về".

Tôi cũng cười, vòng tay vỗ về sau lưng anh tại cái nơi thống khổ khiến người khác hít thở không thông này, gật đầu liên tục, phụ họa theo anh. "Đúng đúng, cơ hội hiếm có, người khác muốn thể nghiệm cũng không được nữa là, anh yên tâm đi, về nhớ kể em nghe, rảnh rỗi nhất định em sẽ viết nó thành tiểu thuyết".

Thật sự lúc ấy tôi biểu hiện rất tốt, không khóc không nháo không gào thét không gọi với, dù phải ly biệt trong hoàn cảnh như thế cũng không thể lay động ý chí sắt đá của người phụ nữ máu lạnh Niếp Ân Sinh tôi đây. Tôi cười vẫy tay với anh, nhìn anh ngồi vào trong xe, thậm chí không đợi nó lăn bánh tôi đã xoay người, chuẩn bị đến nơi tiếp theo – bệnh viện.

Giữa trưa, tôi bay qua bay lại hai chiến trường là bệnh viện và nhà hàng, đi thăm Lượng Lượng, đi xem anh Chu, sau đó đến khách sạn chủ trì đại cục, quyết định thực đơn, nhập hàng hóa, kết toán... Công việc vụn vặt một núi, anh Dũng "đi nghỉ mát" mười ngày, kinh doanh trong mười ngày này tôi sẽ làm thỏa đáng, không phụ sự phó thác của anh. Chờ anh trở lại, tôi phải trình lợi nhuận của nhà hàng cho anh xem!

Buổi chiều, tôi tìm được luật sư thông qua Hỉ Hoa, chàng luật sư kia muốn theo đuổi Hỉ Hoa nên rất nhiệt tâm, hỏi han tình huống xong, anh ta đưa ra hai ý kiến : một, dù có gấp gáp đi chăng nữa, khả năng hai bên phải chịu trách nhiệm ngang nhau là vô cùng lớn; hai, bốn năm chục vạn đã là nhiều rồi, một trăm vạn bồi thường là không hề hợp lý. Mặt khác cho dù phải là một trăm vạn đi nữa, sau khi phân chia trách nhiệm cũng chỉ còn lại năm mươi vạn, tuy nói con số này vẫn lớn kinh người nhưng ít nhất bên kia cũng không thể lằng nhằng. Tin tức tốt, nên nói cho anh Dũng biết, nhưng mà... Haizz, ai bảo nơi anh ở không gọi điện được, không sao không sao, tôi ghi nhớ, anh về sẽ kể anh nghe, cho anh một bất ngờ thật lớn.

Cứ như vậy, tôi hối hả ngược xuôi đến choáng váng, lịch làm việc dày đặc làm tôi về nhà là xụi lơ, nằm bẹp xuống giường, mệt đến nỗi không muốn nhấc tay nhấc chân, quen miệng gọi. "Anh Dũng, rót cho em ly nước".

Gọi xong tôi giật mình, một lúc lâu sau đứng dậy, tự mình rót nước, tự mình bật TV, tự mình gọt táo, gọt cẩn thận từng tí một, chú ý không để con dao sắc cắt trúng tay.

"Bi kịch của Xà Tường Lâm* nhắc nhở chúng ta, trình tự tư pháp chi tiết rất quan trọng với vận mệnh của bị cáo, nếu muốn bi kịch của Xà Tường Lâm không tái diễn...".

(*Vụ án Xà Tường Lâm giết vợ – vụ án oan rúng động TQ, người đàn ông tên Xà Tường Lâm bị vu oan giết vợ, ở tù 11 năm, ngay lúc anh làm thủ tục ra tù thì vợ trở về lành lặn – Tham khảo thêm tại đây)

Tôi ngừng tay, con dao lẹm một nhát chảy máu, giọng nói chát chúa của người dẫn chương trình vẫn tiếp tục oang oang nhận xét về vụ án oan nổi tiếng, tôi chẳng muốn nghe, chuyển qua kênh âm nhạc, bùm bùm chát chát, tốt lắm, đây là thứ thích hợp nhất với tôi bây giờ.

Tôi cắn môi ấn tăng âm lượng, cho đến khi tiếng nhạc ầm ầm khắp phòng. Ném con dao đi, bỏ trái táo xuống, tôi nằm úp sấp xuống giường, cắn chặt gối, tôi vùi đầu vào gối mà khóc, sẽ chẳng ai nghe được tiếng khóc đó.

Anh Dũng, xin lỗi, đã hứa với anh mà không làm được, nước mắt nuốt ngược vào trong nhiều quá sẽ phá nát tim em mất, nếu không khóc, em sợ đống nước mắt đó sẽ làm vỡ bụng mình. Nhưng chồng à, anh yên tâm, em sẽ giấu nó đi, phần yếu ớt bất lực này, em cam đoan chỉ bộc phát khi không có ai, chỉ trong những đêm khuya yên tĩnh thế này thôi. Còn với người ngoài, vợ anh vẫn là kim cương vô địch, vẫn kiên cường và dũng cảm!

Thật lâu sau, tôi khóc đủ, rửa mặt, lại cầm lấy trái táo, mặc kệ vẫn đang thút thít liên hồi, tôi vừa xem phim vừa há miệng cắn nuốt nó. Ăn không được cũng phải ăn, cố gắng bổ sung vitamin, tận lực tăng thêm anbumin, thời buổi này giá trị đảo lộn hết cả, chúng ta phải duy trì thân thể cường tráng. Nếu chồng tôi phải ở trong kia chịu tội, chuyện bên ngoài tôi phải định liệu thay anh!



Cứ thế bốn ngày trôi qua, tôi không chịu đựng nổi nữa, cảm giác cô độc cực độ làm ý chí con người suy sụp, hình ảnh Trần Dũng bị đánh, Trần Dũng bị tra tấn, Trần Dũng không được ăn uống trở thành những bóng ma ám ảnh tôi mỗi đêm, ban ngày tôi kiên cường, ngược lại ban đêm trở nên yếu ớt, ngày nào cũng vác cặp mắt sưng to như hai quả đào đến nhà hàng, người khác hỏi phải cố sức che giấu, lấy một cái cớ gượng gạo : hôm qua uống quá nhiều nước nên hôm nay bị phù thũng. Bao nhiêu lý do vụng về! Tôi có chết cũng vẫn mạnh miệng.

Ngày thứ năm, tôi quyết định đi gặp Trần Dũng, không chỉ tiếp sức thêm cho anh mà quan trọng là làm an lòng chính mình, giảm sức ép cho đầu óc. Mặc kệ có thừa nhận hay không, người đàn ông này là nguyên nhân của mọi sức ép tôi đang chịu.

Khi đến sở cảnh sát đã là mười một giờ mười lăm, tôi vội vã vượt qua cổng sắt, âm thầm mắng chửi : sớm không tắc muộn không tắc, đến lúc người ta cần đi gấp lại tắc, nghe nói trại giam không làm việc chiều thứ hai, tôi phải đi tìm ai để hỏi đây!

Dù lòng phiền muộn, tôi vẫn cố gắng chạy nhanh nhất có thể, tìm được cửa tiếp đãi thân nhân ở đại sảnh, không ngờ chẳng ai ở trong đó, tôi hốt hoảng không nghĩ được gì nữa, phải làm sao bây giờ?

Sốt ruột vô cùng, lý trí tụt về mo, nhất thời không nghĩ được biện pháp nào, tôi nắm túi xách đứng ngẩn người ở cửa, ánh mắt hoang mang nhìn cái gì cũng thấy mông lung một mảnh.

Anh Dũng, nếu không gặp được anh, em, em...

"Nè, chị cũng đến thăm người thân hả?".

Giọng nói mạnh mẽ cách tôi không xa, quay đầu nhìn bên cạnh, là một cô gái có mái tóc xài xoăn thật dày, vừa nói chuyện vừa thổi kẹo cao su Extra bôm bốp.

"Bọn họ đang nghỉ trưa". Tôi chỉ chỉ vào khung cửa sổ không người, trả lời hữu khí vô lực. "Tôi đến chậm, xem ra lỡ mất rồi".

"Hành chính hay hình sự?".

Tôi sửng sốt mấy giây mới hiểu ý cô ấy, cực kỳ bài xích hai chữ "hình sự", tôi vội vàng khẳng định chắc chắn. "Đương nhiên là hành chính".

"Chị không ăn cơm ở đấy à?".

"Sao?". Ăn cơm? Ở trại giam?

Có thể bộ dạng của tôi rất ngốc, cô gái phì cười. "Aizz, nhìn chị là biết không biết cái gì rồi, trại giam mở dịch vụ mới : thăm hỏi giờ cơm trưa, mỗi người 138 tệ, bốn món một chai rượu, thấy cầu thang bên kia không? Lên phòng 315 lầu 3 mua phiếu, thời gian nghỉ trưa khoảng nửa tiếng, mười một giờ bốn lăm phút sẽ ăn trưa".

Còn có chuyện này nữa? Tôi không có thời gian ngạc nhiên, thậm chí quên mất cảm ơn người ta, ba chân bốn cẳng chạy lên lầu. Vừa vặn có thể bổ sung dinh dưỡng cho anh, cảm tạ sự quan tâm đầy nhân hậu và lãnh đạo anh minh của chính phủ.

Cứ thế, tôi đáp chuyến xe cuối cùng đến nhà ăn trại giam đúng 11h45 phút, bên ngoài nhà ăn dán quảng cáo "Sửa đổi, làm lại", chờ đợi thời gian được đoàn tụ với anh.

Thật lâu về sau Lệ Lệ nói cho tôi biết, mặt tôi lúc đó như phạm nhân chờ súng bắn, mặt banh, mắt trừng trừng, toàn thân cứng ngắc, vận sức chờ phát động. Đúng rồi, Lệ Lệ là cô gái tóc xoăn đã giúp tôi, cô ấy đến thăm bạn trai. Ai có thể nghĩ đến một cô gái gặp ở nơi như thế lại trở thành bạn thân nhất trong đời tôi sau này. Đương nhiên, đó là chuyện của sau này.

"Đến đây, đến đây". Tiếng nói càng lúc càng lớn, mọi người trong nhà ăn đứng lên ngóng về phía đó.

Tới rồi sao? Tôi cũng lật đật đứng dậy, không biết lấy đâu ra khí lực chen chúc qua bức tường người ra phía trước nhất. Ở đó, tôi thấy anh. Đứng thứ năm trong hàng, áo bông cũ, áo may-ô đỏ, râu đã muốn dài thành chòm, Trần Dũng đang đứng đó, vẻ mặt lo lắng xem xét khắp nơi. Anh, anh, là anh?! Miệng anh bầm tím là sao? Tơ máu trong mắt là sao? Râu dài như thế sao không cạo? Chỗ bẩn bẩn trên áo bông kia là do cái gì?

Tim tôi đập kịch liệt, đầu ong ong nói không nên lời, chỉ có thể liều mạng huơ tay về phía anh, miệng phát ra những âm thanh vô thức. "A, a, a!".

Dường như nghe thấy tôi gọi, anh quay đầu, cả người sững sốt, đứng chôn chân tại chỗ.

Bỗng, xung quanh chẳng còn tiếng động gì nữa. Tôi nhìn anh, mắt anh ngập nước, từng chút từng chút biến thành đại dương mênh mông.

"Nghỉ, nghiêm, giải tán!". Theo khẩu lệnh, đám người tản ra, chồng tôi bước tới bên tôi rồi dừng lại, anh cúi đầu, đôi con ngươi u ám như biển sâu đã rửa qua bằng nước mắt nhìn tôi thật thâm tình. "Ân Sinh...".

Tôi vươn tay, phủ lên mặt anh, có rất nhiều rất nhiều điều muốn nói lại chẳng nói được gì, lệ ào ào tuôn rơi, ánh mắt tôi gắt gao nhìn anh không dám chớp, cắn răng, môi run run và nước mắt thì ràn rụa, tôi cố nặn ra nụ cười méo mó, giọng nói gắng giữ cho khỏi nghẹn ngào. "Chào... Anh Dũng... Chào buổi trưa".

Anh ôm tôi vào trong ngực.

Đành phải vậy, bất chấp núi người phía sau, bất chấp tiếng cười, bất chấp địa điểm, bất chấp không khí không thích hợp. Tôi cũng đưa tay, ôm anh thật chặt, chặt nhất tôi có thể, cho anh cái ôm ấm áp nhất. Anh Dũng, rốt cuộc em cũng nhìn thấy anh!

Chẳng biết qua bao lâu, anh buông tôi ra, bàn tay to vuốt vuốt tóc tôi, trong mắt ý cười tràn đầy. "Nhiều người đang nhìn kìa, Ân Sinh, ta qua kia ngồi nhé".

"Dạ". Tôi ngẩn ngơ nhìn xung quanh, lập tức cúi đầu, mọi người trong nhà ăn ai cũng nhìn tôi cười! Trời à, nổi tiếng lớn rồi đây.

Tôi tìm được chỗ ngồi, dọn cơm ra bàn, anh chỉ nhìn tôi cười khờ ra, tôi lau sạch đũa, gắp thức ăn bỏ đầy vào chén của anh, hạ mệnh lệnh. "Không được nói chuyện, ăn sạch cho em, ăn rồi nói sau".

Có thể bổ được chút nào hay chút ấy, gầy nhiều như vậy, đau lòng tôi muốn chết.

Thời gian còn lại chủ yếu là tôi lảm nhảm, chuyện cần nói nhiều lắm, không biết phải nói từ đâu, cứ nhớ cái gì là nói cái đó, dù sao chỉ cần kể mấy chuyện tốt bỏ qua mấy chuyện xấu là được.

"Bệnh tình anh Chu chuyển biến tốt đẹp, tuy rằng vẫn vô ý thức, nhưng có thể mở mắt, còn chớp mắt được nữa".

Thật ra trước đó Phùng Kiến Vân có đến tìm tôi đòi tiền, việc Trần Dũng vào tù chị ta chẳng những không kinh ngạc mà còn coi đó là chuyện đương nhiên, giống như một trăm vạn tới tay chị ta chỉ còn là vấn đề sớm hay muộn chúng tôi sẽ phải mang tiền ngoan ngoãn dâng cho chị ta vậy.

Chuyện này, không thể kể.

"Lượng Lượng phục hồi tốt lắm, trước khi em tới đây cậu ấy còn dặn phải làm đồ ăn ngon cho anh". Chỉ là từ đây về sau cậu ấy vĩnh viễn không thể đụng vào món thịt kho tàu cậu ấy yêu thích nhất nữa.

Chuyện này, không được kể.

"Nhà hàng rất ổn, hết thảy đều đâu vào đấy". Ngoại trừ có du côn đến đòi phí bảo kê, tôi không nộp, kết quả bị chúng đập gãy tám cái bàn và hơn hai mươi cái ghế dựa.

Chuyện này cũng không nói được.

"Trong nhà...".

"Ân Sinh!". Anh chặn tay tôi gắp thêm rau cho anh, Trần Dũng ngắt chuỗi thao thao bất tuyệt của tôi lại, ánh mắt như nhìn thấu mọi thứ. "Tình huống chắc chắn không thể tốt như vậy, đừng gạt anh, có gì nói đó".

"Em...". Thật muốn kể cho anh mọi thứ, giống như ngày xưa, anh là cây, tôi là dây leo, anh kiên cường tỏa bóng, đủ để tôi dựa dẫm thân mình nhỏ bé của tôi, anh che chắn gió mưa cho tôi, để tôi phó thác cho anh hết thảy. Nhưng mà...

"Thì có cái gì đâu mà nói, đúng rồi, em đã được triệu hồi về tổng bộ, tổng giám đốc Tống nói cho em một tuần nghỉ phép, chờ anh ra em phải đi làm lại". Tôi búng tay anh, tiếp tục gắp đồ ăn, tôi cười cười nói nói, nuốt hết đắng cay vào bụng. Cho dù nói hết, khổ sở vẫn là khổ sở, gánh nặng đó, không bằng để mình tôi chịu.

"Điều động cố định luôn sao?".

"Ừm... Vị trí đã đủ người hết rồi, em phải làm tạp vụ ít ngày trước, bất quá tổng giám đốc Tống nói, chỉ cần có vị trí thích hợp...". Tôi không thể giải thích đầy đủ, vì người đàn ông mẫn cảm đó đang nắm chặt tay tôi, muốn nói gì đó lại nghẹn ở cổ không nói được.

Sau một lúc cúi đầu, giọng anh trầm trọng. "Đều do anh, do anh...".

Hiểu được anh đau, hiểu được anh áy náy không thể nói ra, sao ông trời trừng phạt lỗi lầm của anh tàn khốc thế, tôi chẳng đáp lại được gì, cái giá chúng tôi phải trả thật rất lớn!

Tôi hít một hơi, chớp chớp mắt, cố gắng nói giỡn. "Đồng chí sao thế này, công tác cách mạng không được phân biệt cao thấp biết không, tạp vụ thì sao, công tác thoải mái, thời gian thảnh thơi, mệt mỏi thì đi dạo phố, rảnh thì liên lạc với bạn bè, giúp đỡ đồng nghiệp làm báo cáo, kiếm thêm chút tiền". Tôi rút tay ra, gắp miếng thịt cuối cùng bỏ vào chén anh, vỗ vỗ vai anh. "Anh Dũng đừng khổ sở, cái đó không quan trọng, quan trọng là em và anh kìa".

"Ân Sinh...". Lời của tôi phá vỡ không khí nặng nề, cuối cùng anh cũng chịu ngẩng đầu lên, cặp mắt ảm đạm trông sáng hơn một chút, trong chúng là một đốm lửa nhỏ, tuy mỏng manh nhưng cũng tượng trưng cho hy vọng không tắt.

"Đúng! Vợ anh nói rất đúng. Trời không phụ lòng người, mặc kệ làm tạp vụ hay không làm tạp vụ, em cứ ở nhà chơi cho khỏe đi, anh ra khỏi đây sẽ liều mạng kiếm tiền, rỗi rảnh chúng ta còn phải đi du sơn ngoạn thủy, trước tiên du lịch trong nước, chờ nhiều tiền chuyển qua đi nước ngoài".

Anh ăn ngon lành, nhìn tôi cười suốt, vẻ mặt thỏa mãn, thỏa mãn đến uốn cong thành thẳng. Lòng tôi xót xa, nhưng mặt vẫn cố cười, cõi lòng đầy hy vọng mỉm cười. "Đúng đúng, chuyện đâu còn có đó mà".

Cả hai chúng tôi nuốt nước mắt vào trong, giấu đi vẻ nghẹn ngào và cùng cười.

"Chị Niếp, không uống rượu thì cho em nhé?". Cô gái tóc xoăn ngồi ở ghế bên cạnh – Lệ Lệ xen giữa bầu không khí trầm thấp khó chịu đó, cô nghiêng người sang, hỏi xin tôi. "Để không cũng chẳng lấy lại tiền được, không uống thì lãng phí".

"Gì cơ? À, được, cô cứ lấy đi".

"Ai da chị thiệt là tốt quá đi, cảm ơn nha". Được tôi đồng ý, Lệ Lệ vô cùng vui vẻ cầm lấy chai rượu bỏ đi, nhưng mới đi hai bước liền quay đầu, gọi Trần Dũng. "Đại ca, anh Hổ muốn em cảm ơn anh". Rồi xoay người đi về phía góc trái nhà ăn.

"Cô ấy là gì của Tào Hổ vậy?". Trần Dũng nhíu mày nhìn Lệ Lệ đi xa, hỏi tôi.

"Sao?". Nghe khẩu khí của anh, cái người tên Tào Hổ đó có vẻ giống đại gia xã hội đen?. "Em không biết, vừa mới gặp Lệ Lệ ở sở cảnh sát thôi".

"Thì ra là vậy, anh yên tâm rồi".

"Tào Hổ là ai?".

"Một tên côn đồ, vào tù vì sử dụng bạo lực còn muốn xưng anh cả trong này, kết quả mọi người hợp lại cho hắn một trận... Bất quá nắm đấm của hắn cũng cứng lắm".

Lời vừa thốt ra, tôi lập tức liên tưởng đến vết xanh tím trên mặt anh, nhưng anh không nói thẳng tôi cũng không tiện hỏi, theo bản năng nhìn về phía Lệ Lệ dò xét, phát hiện người đàn ông ngồi bên cô ấy cũng tím xanh hai hốc mắt mới an tâm, kẻ tám lạng người nửa cân, hắn ta cũng không phải không chịu thương tích! Cám ơn trời đất, Trần Dũng "luôn nhận phần thiệt về mình" cuối cùng cũng thay đổi, đúng thôi, chuyện bị tát vào má trái còn đưa má phải cho người kia tát chỉ có Chúa Jesus mới làm được, người bình thường, dân đen, điều nên biết là : nó đánh mình một, mình trả nó một! Chỉ mong từ nay về sau, anh chồng thành thật của tôi có thể thông suốt hoàn toàn.

Nửa giờ sau.

Thời gian qua rất nhanh, dù không muốn thì giờ thăm hỏi cũng đã chấm dứt, nhìn anh quay về hàng, nhìn anh hướng tôi xua tay, nhìn anh mặt mày xám tro bận áo may-ô đỏ khuất bóng sau cửa sắt, nhất thời tâm tôi trống rỗng, nụ cười cứng đờ trên mặt, đi đứng cũng lảo đảo, cắn răng ra khỏi trại giam, tựa vào chân tường thở dốc như mới chạy marathon mấy ngàn mét, thể lực tiêu tan toàn bộ.

Ngẫm lại, cố chấp áp lực quá mức cũng không phải điều tốt, tôi thôi chống cự, ngồi xổm xuống, mặc cảm xúc bi thương bao phủ, mặc ánh mắt cô đơn của mình nhìn cảnh vật lạnh lẽo xung quanh. Tôi bất lực gào khóc giữa tháng 11 đông lạnh thấu xương, bên ngoài những bức tường cao xơ xác tiêu điều. Cái gọi là kiên cường chỉ là gạt người thôi, tôi không dũng cảm, tôi rất sợ, tôi sợ Trần Dũng bị thương, sợ anh bị đau, nhìn bộ râu xồm xoàm chưa cạo khiến anh khó chịu muốn chết! Nhưng có thể kể cho ai thấu? Cuộc sống bận rộn lướt qua, người người cuốn theo dòng nước lạnh lẽo, đô thị là rừng cây không chút hơi ấm, tại thế giới tàn khốc này, hỉ nộ ái ố của một người vĩnh viễn chẳng thể giảng giải cho ai được!

Vài năm trước tôi có xem một bộ phim, nó nói những ai có nỗi khổ trong lòng tìm đến nói hết với cái hốc của cây cổ thụ ở Angkor Wat sẽ nhẹ gánh ưu tư, mà giờ đây tôi không tìm thấy cái hốc cây ấy, trước mặt tôi chỉ có tường cao bụi bặm, lưới sắt chằng chịt!

Vậy thì cứ ở đây mà khóc đi, ở đây mà gào đi, ở đây để nước mắt đẩy lùi đau đớn, để những nỗi khổ sâu thẳm của cuộc đời tôi gắn chặt vào bức tường tôi không bao giờ muốn nhìn thấy lần nữa!

Anh Dũng, thất hứa với anh rồi, vợ anh vô dụng. Lần cuối này thôi. Thật sự, em chỉ khóc lần này là lần cuối...


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.