Nói đến chuyện hồi còn ở thôn Dương Triển, tuy rằng chỉ toàn chuyện cũ không vui nhưng dù sao cũng là nơi Hà Ngọc đã sống gần bốn mươi năm, nghĩ lại vẫn còn hoài niệm.
Mặc dù có trí nhớ của nguyên chủ nhưng lại không tự mình trải nghiệm nên Phó Vịnh Hạm cũng không có quá nhiều cảm xúc. Hiếm khi Hà Ngọc chủ động nhắc đến nên Phó Vịnh Hạm cũng chăm chú lắng nghe. Đang lúc Phó Vịnh Hạm muốn nghe thêm chút “chuyện xưa của mẹ già” thì trong phòng vang lên tiếng điện thoại.
Hai người quay ra nhìn chiếc điện thoại giá 200 đồng của Hà Ngọc đang rung rung ở đầu giường. Hiện cũng đã tối, sắp đến giờ ăn tối rồi, không biết ai lại đi gọi điện thoại giờ này nữa.
Hà Ngọc đi qua cầm lấy cái điện thoại lên nhìn cái tên đang hiển thị trên màn hình.
Phó Phi Bằng.
Hà Ngọc nhìn chằm chằm cái tên trên màn hình kia. Phó Vịnh Hạm đi sau cũng cùng lúc nhìn thấy.
“Là ông ta!”
Phó Vịnh Hạm cũng không ngạc nhiên khi thấy người gọi tới.
Hà Ngọc chuyển đến Cam Châu mở quán cũng chưa đầy một năm, cũng không có bạn bè, đương nhiên không có nhiều người gọi cho bà. Còn người ở quê gọi lên đa phần là người nhà họ Hà, mục đích duy nhất cũng chỉ là muốn đòi tiền mà thôi.
Chỉ là quầy bánh bao của Hà Ngọc cũng không buôn bán được tốt lắm, lại còn phải lo liệu học phí cho con gái nên tất nhiên không có nhiều tiền đưa cho người nhà họ Hà rồi.
Cũng vì nguyên nhân này mà quan hệ của Hà Ngọc với nhà họ Hà một năm nay không hề tốt. Nhưng trước kia khi còn ở thôn Dương Triển cũng không khá khẩm hơn là bao, có thể nói là hiện tại đã ngày càng xấu.
Người nhà họ Hàn cảm thấy Hà Ngọc lên thành phố làm ăn khẳng định kiếm được nhiều tiền nhưng lại không muốn cho đám thân thích bọn họ, cha mẹ và anh chị em của Hà Ngọc tuy giải thích rất nhiều lần nhưng họ lại không tin.
Dần dà, cái điện thoại cũ này của Hà Ngọc chỉ dùng để liên lạc với con gái khi khẩn cấp, trong danh bạ cũng không có nhiều số, càng đừng nói đến có người gọi đến. Sau khi Phó Vịnh Hạm xuất viện, Hà Ngọc trực tiếp ném cái người tên Phó Phi Bằng ra sau đầu, thậm chí còn nghĩ sau này sẽ không bao giờ liên hệ với ông ta nữa.
Không nghĩ tới bà đã quên mất ông ta, ông ta lại không quên bà.
Tuy rằng Phó Vịnh Hạm tự nhận không có quan hệ gì với Phó Phi Bằng nhưng cũng không có hảo cảm với loại người phụ bạc vút bỏ vợ con như ông ta. Huống chi hiện tại cô đã tiếp nhận thân thể này, cũng phải gánh vác trách nhiệm và tình cảm của nguyên chủ.
Thấy Hà Ngọc khó xử, Phó Vịnh Hạm vươn tay lấy cái điện thoại trong tay bà, ấn trả lời. Hà Ngọc còn chưa kịp phản ứng đã nghe thấy giọng quát tháo giận dữ của Phó Phi Bằng.
“Hà Ngọc bà đưa Phó Vịnh Hạm đi đâu rồi! Các người xuất viện sao lại không báo cho tôi hả?!” Phó Phi Bằng thở hổn hển, “Bà lại định làm gì? Ông đây gọi đến hai mươi cuộc điện thoại cũng không ai nghe là sao? Nếu không phải hôm nay tôi đến bệnh viện một chuyến, các người định bày trò để bệnh viện lừa thêm tiền từ tôi à?!”
Hai mươi cuộc?
Tín hiệu ở phòng trọ tầng hầm kém, gọi không thông là chuyện bình thường, giống như bây giờ có thể gọi thông còn nghe được rõ rành mạch đều là dựa vào vận khí đó!
Hiển nhiên Phó Phi Bằng không biết chuyện này, Hà Ngọc cũng không muốn giải thích. Vốn bà cũng không muốn trả lời Phó Phi Bằng nhưng vừa nhấc máy đã thấy ông ta rống lên như vậy, nhất thời cũng nổi giận muốn mở miệng mắng lại nhưng lại bị một ánh mắt của Phó Vịnh Hạm ngăn lại, Hà Ngọc lập tức im lặng.
Thôi bỏ đi, việc gì phải biến bản thân thành một người đàn bà chanh chua trước mặt con gái vì loại người như thế chứ.
“Hà Ngọc? Bà đang làm gì thế? Nói chuyện đi chứ?” Không nhận được câu trả lời, Phó Phi Bằng lại rống lên.
“Phó tiên sinh, tôi là Phó Vịnh Hạm.” Phó Vịnh Hạm thản nhiên mở miệng: “Ông có chuyện gì thì cứ nói thẳng, đừng lớn tiếng như vậy. Chẳng lẽ Phó tiên sinh không nhận thấy cách nói chuyện như vậy rất không phù hợp với thân phận “nhân sĩ thượng lưu” hiện tại của ông sao?”
Phó Phi Bằng nghe vậy tức đến mức lông tóc dựng đứng.
Nếu không nghe ra ý trào phúng trong lời nói của Phó Vịnh Hạm thì đúng là uổng phí ông ta đã sống mấy thập niên rồi sao!
Từ khi rời khỏi thôn Dương Triển mười chín năm trước, Phó Phi Bằng một mực muốn thoát khỏi xuất thân nông thôn của mình. Ông ta một lòng muốn theo đuổi hình tượng nhân sĩ thượng lưu cao quý, đối đãi với người khác đều treo lên bộ mặt giả tạo, cố gắng duy trì hình tượng mà bản thân cho là đẹp nhất. Lại không biết rằng, người của giới thượng lưu chân chính trước giờ đều không phải là bộ dạng mà ông ta giả trang. Càng giả trang thì bản thân ông ta lại càng không giống. Đã có không ít người chê cười bộ dạng này của ông ta sau lưng, chính Phó Phi Bằng không biết lại còn tự cho là mình rất giỏi, còn tự đắc ý trong lòng.
Hiện giờ bị Phó Vịnh Hạm trào phúng ngay mặt khiến tính tình phải nhẫn nhịn sau bao năm ở nhà họ Phạm của ông ta bộc phát.
Nhà họ Phạm, chính là nhà mẹ đẻ vợ hiện tại của ông ta.
“Phó Vịnh Hạm! Tao là ba mày! Sao mày có thể nói chuyện với ba mày như thế?!” Phó Phi Bằng mắng đến hăng say: “Mẹ mày dạy mày thế đó hả? Đúng là đồ không biết dạy con! Nếu không có tao thì mày đã chết ở bệnh viện rồi, lấy đâu ra sức cãi lại tao thế hả?”
Phó Vịnh Hạm hừ lạnh: “Từ nhỏ tôi chỉ có mẹ không có cha, nếu Phó tiên sinh không hài lòng với giáo dưỡng của tôi thì đi mà trách lão cha vô tình bỏ vợ bỏ con kia ấy! Còn nữa, vì sao lần này tôi phải nhập viện, người khác không biết chẳng lẽ Phó tiên sinh lại không biết sao? Tôi mà chết thật ở bệnh viện thì e rằng danh tiếng của Phó tiên sinh ở Cam Châu không những sẽ càng thêm vang dội mà còn thêm vài phần “dễ nghe” đấy!”
Phó Phi Bằng tức đến thở hổn hển, không cãi lại được một câu.
Ông ta vốn tưởng người đàn bà chanh chua như Hà Ngọc đã khó đối phó rồi, lại không ngờ đến cả cô con gái mười chín năm không thấy mặt này cũng không hề thua kém mẹ mình.
Tục ngữ có một câu rất đúng, kẻ chân trần thì sợ gì người đi giày*.
Hiện tại hai mẹ con Hà Ngọc chính là kẻ chân trần còn Phó Phi Bằng chính là người đi giày. Không chỉ như vậy, đôi giày kia còn là công sức bao năm của Phó Phi Bằng làm ra, tuyệt không thể để dính một chút bụi nào.
Phó Phi Bằng tự cho là đã hiểu Hà Ngọc đến từng chân tơ kẽ tóc, không, phải nói là Hà Ngọc của hai mươi năm trước. Ở trong lòng ông ta, Hà Ngọc vẫn là người phụ nữ chỉ biết đến gia đình, coi mặt mũi gia đình là nhất, hiển nhiên người như vậy chính là dễ đối phó nhất.
Có điều hiện tại ông ta đã tính sai rồi.
Tục ngữ “kẻ chân trần thì sợ gì người đi giày”: Quang cước đích bất phạ xuyên hài (光脚的不怕穿鞋): chân trần thì sợ gì người đeo giày. Chân trần giẫm lên giày đẹp thì giày dơ, giày đẹp có dẫm lên chân trần thì cũng chẳng sợ dơ hơn