Vân Yên không có ý định đi hỏi Tô Bồi Thịnh, càng không đi hỏi chính
ngài. Hôm nay là lần đầu tiên nàng được nghe kể khung cảnh đêm ấy từ
chính miệng người chứng kiến, đứng cùng một nơi, nhìn Tứ Nghi Đường vẫn
như xưa, ngọn lửa trong đầu chợt bốc lên phừng phừng, nóng rẫy chảy
trong năm phủ sáu tạng.
Ngài chưa từng nói gì với nàng.
Về chiếc tráp nhỏ ấy.
Hóa ra ngài gần như đánh đổi cả tính mạng để bảo vệ nó. Tất cả vật làm chứng giữa họ đều chưa hóa thành tro bụi.
Vân Yên dặn Cao quản gia sắp xếp Tiểu Huệ đến phòng phụ Tứ Nghi Đường phụ trách dọn dẹp đình viện, sau đó rời đi.
Nàng cúi đầu theo mật đạo về hoàng cung, bỗng nhiên nghe thấy tiếng bước
chân, tim giật mình đánh thót, ngước mắt nhìn chằm chằm phía trước, bóng người cao lớn, hoa văn rồng trên vạt áo làm trái tim nàng thả lỏng.
- Sao… chàng lại tới?
Ung Chính phất ống tay áo móng ngựa, đi tới nắm tay nàng, thuận miệng đáp:
- Đón nàng.
Vân Yên im lặng đan năm ngón mình vào tay ngài, bước từng bước theo ngài.
- Bận xong rồi à? Có mệt không, đừng đi xa như thế.
Ung Chính ừ một tiếng,
- Đọc xong tấu chương rồi, buổi tối có lẽ vẫn còn một vài chuyện gấp cần xử lý, ra ngoài coi như vận động gân cốt.
Cánh tay Vân Yên dựa vào người ngài:
- Nhớ thiếp à?
Ung Chính lại ừ một tiếng.
Bàn tay kia của Vân Yên cũng nắm lấy bàn tay dày rộng của ngài, khóe mắt đầu mày thấm đượm tình cảm dịu dàng.
- Đúng rồi, mấy ngày nay Hoằng Huy có gửi thư về không? Cậu chàng này đã du ngoạn đến đâu rồi nhỉ?
Ung Chính đáp ồ:
- Vừa hay hôm nay có thư gửi đến, viết rằng đã đến một nơi tên là Thanh Khê, đẹp vô cùng.
Vân Yên mỉm cười:
- Tuyệt thật, sống còn thoải mái hơn Hoàng a mã rồi.
Ung Chính quay người lại nhéo mũi nàng:
- Nàng còn chiều nó, đứa bé này từ nhỏ tính cách đã giống hệt nàng, không thích tiền bạc chính trị, chỉ thích nhàn nhã tự do, hay là về kinh âm
thầm giúp ta vài chuyện, dù sao cũng đáng tin hơn người bên cạnh.
Vân Yên kéo bàn tay sạch sẽ của ngài xuống, cọ cọ mấy cái:
- Rõ ràng là giống ngài, thật ra ngài rất thích tự do tự tại, sống những ngày núi non vườn tược.
Ung Chính vỗ má nàng, mỉm cười:
- Nói đến chuyện này ta chợt nhớ, Viên Minh Viên đã sửa chữa xong rồi,
mấy năm nay nàng sống trong điện Dưỡng Tâm cũng ngột ngạt, mấy ngày nữa
chúng ta đến Viên Minh Viên, được không?
Mắt Vân Yên sáng ngời, đương nhiên nàng trả lời vâng, bước chân cũng nhanh hẳn đi.
Đầu hạ năm nay, lần đầu tiên Ung Chính rời khỏi điện Dưỡng Tâm, chuyển vào
biệt cung Viên Minh Viên đã được xây dựng to hơn. Mấy trăm mẫu trước đây được mở rộng thành mấy nghìn mẫu.
Viên Minh Viên lúc này là lâm
viên do đích thân Hoàng đế thiết kế xây dựng từ khi ngài còn là Hoàng
tử, dù là tình cảm, chính trị, hay quy mô đều vượt qua Sướng Xuân Viên,
hoàn toàn xứng đáng trở thành “Thiên hạ đệ nhất viên”.
Vân Yên
gắn bó với Viên Minh Viên như tình cảm hơn nửa đời với Dận Chân, giữa họ có quá nhiều chuyện cũ kí gửi trong lâm viên này, non nước yên lặng,
tình yêu cũng lặng lẽ, nhưng là nhân chứng cho tình cảm thủy chung như
một của họ.
Trong Viên Minh Viên có thêm rất nhiều cảnh đẹp, Vân
Yên xem không hết. Nàng thích nhất Cửu Châu Thanh Yến trước đây và Vạn
Phương An Hòa mới xây dựng, trong ngày hạ nóng bức, khoảng trống của
chiếc cầu nổi trên mặt nước vô cùng mát mẻ, chim trong rừng hót lảnh
lót, tựa vào nước để sống, nơi đây giống như tiên cảnh chốn nhân gian.
Viên Minh Viên chứa đựng rất nhiều kí ức đẹp đẽ của họ, hai người đều không
rời khỏi được nơi này, Ung Chính cũng chuyển công vụ triều đình đến đây, ngay cả “điện Chính Đại Quang Minh”, “điện Cần Chính Thân Hiền”… đều
được xây dựng lại, đề chữ treo biển, đưa Viên Minh Viên trở thành trung
tâm chính trị thứ hai của Vương triều.
Ngoài tham gia triều chính trong điện Cần Chính Thân Hiền, Ung Chính không còn vẻ nghiêm túc ngay
ngắn như người khác vẫn thường thấy, trong tẩm cung thì nhàn nhã như
trước đây, thích choàng áo khoác, đi dép lê, ngồi trước bàn phê tấu
chương.
Do đọc tấu chương quá nhiều nên thị lực Ung Chính dần
giảm sút, Di Thân vương Doãn Tường bèn tìm cách giúp ngài làm một cặp
kính kiểu Tây. Lần đầu tiên ngài đeo vào thử, Vân Yên không nhịn cười
nổi, bò ra giường mà cười, chỉ thiếu đập chăn đập gối.
Giương mặt để râu trông thật uy nghiêm, trên mắt đeo cặp kính tròn kiểu cổ, trên
tay cầm tấu chương, nhìn buồn cười không thôi. Ung Chính giật phăng “cặp đít chai” xuống, tức giận kêu không đeo nữa, đúng là càng già tính cách càng trẻ con.
Vân Yên thấy ngài tốn sức nheo mắt đọc tấu chương, bèn vừa dỗ vừa ép, nói rằng ngài đeo vào trông đẹp trai thế nào, anh
tuấn ra sao, ngài mới để Doãn Tường sửa lại đôi chút cho nho nhã hơn,
sau đó dùng để đọc tấu chương.
Ung Chính cũng đón các a ca chưa
thành niên đến “Lạc An Hòa” trên Cửu Châu Thanh Yến để học tập sinh
hoạt. Nhỏ tuổi nhất là Lục Thập, thường xuyên được đưa tới Cửu Châu
Thanh Yến.
Ngày hạ Vân Yên thường uể oải, Ung Chính thì càng ngày càng bận, Niên Canh Nghiêu, Long Khoa Đa, đảng Doãn Tự, mỗi cái tên đều là nhân vật thoáng qua, ngài cho gọi đại thần tâm phúc vào trong điện
Cần Chính ngày đêm không nghỉ. Nàng không muốn để các đại thần gặp mình, nên ít khi quan tâm ngài. Dù muộn thế nào, hàng đêm ngài vẫn quay về
chui vào trong ổ chăn.
Không lâu sau, Lan Hà và Lan Tịch nói bóng nói gió với Vân Yên, đại để liên quan đến chuyện Niên quý phi đến viên
tìm bệ hạ, hiện giờ đang sống ở “Thiên Địa Nhất Gia Xuân”.
Đêm đó, Vân Yên đang ngủ, chợt mơ mơ màng màng mở mắt thấy Ung Chính đứng ở đầu giường, đang khẽ khàng vén rèm lên.
- Về rồi à?
Giọng nói Vân Yên khàn khàn ngái ngủ, như chiếc lông nhỏ cọ vào lòng thấy ngứa ngứa.
Ung Chính ngồi xuống mép giường, một tay vuốt ve khuôn mặt nóng bừng do ngủ của nàng, tay kia lặng lẽ luồn vào trong chăn.
Vân Yên theo phản xạ khép hai chân lại, rên rỉ mấy tiếng rồi xoay người.
Đến khi ngài cởi quần áo chui vào chăn, nàng không thể giãy dụa được nữa rồi.
Sáng sớm ngày hôm sau, Vân Yên mệt đến nỗi ngài lên triều lúc nào cũng không biết.
Mấy lần Lan Hà và Lan Tịch vào xem đều lui ra ngoài, Vân Yên ôm chăn nằm bò trên gối, nhắm mắt lại, ngay cả ngón tay cũng không buồn nhúc nhích.
Trong đầu bỗng nhiên xuất hiện mấy câu buồn cười mà Cửu Bối tử Doãn
Đường nói.
Bên tai vang lên tiếng giầy loạt xoạt, cố ý đi thật
nhẹ nhàng đến bên giường, bàn tay cũng vuốt ve mái tóc dài sau gáy nàng, thuận tay trượt xuống bờ lưng mềm mại.
Vân Yên lập tức mở choàng mắt, dụi mặt vào gối:
- Nhột.
Giọng nói trầm khàn đầy truyền cảm rót vào tai nàng:
- Vẫn còn ngủ à, hôm nay là lễ Thất Tịch, tham gia một vài hoạt động cùng ta được không?
Vân Yên ồ một tiếng, trong lòng biết Hoàng hậu và Quý phi đều đến lễ cúng
trăng Thất Tịch trong cung, vì vậy những việc cần xuất đầu lộ diện, thêm một việc không bằng bớt một việc.
Vân Yên hơi mệt mỏi quay người đi, nhắm mắt lại, nói nhỏ:
- Ngài đưa Hoàng hậu và Quý phi đi đi, thiếp mệt rồi, muốn ngủ thêm lát nữa.
Vân Yên rất ít khi nhắc tới mấy từ như Hoàng hậu, Quý phi, Tay Ung Chính rõ ràng khựng lại trong giây lát:
- Nàng ghen à?
Vân Yên kéo chăn lên cao hơn, trở người nằm nghiêng, đáp:
- Không.
Phía sau không có tiếng động gì, một lát sau, nàng nghe thấy tiếng sàn sạt
giống như tiếng cởi giầy cởi áo. Vân Yên định quay người lại xem là
chuyện gì, ngài bỗng vén chăn lên chui vào.
- Á... Chàng?
Thấy ngài mặc chiếc áo trong màu vàng chen chúc trong tấm chăn, Vân Yên ôm ngực mở to mắt ngơ ngẩn nhìn ngài nhắm mắt.
Ung Chính nhấc một mí mắt lên, giọng trầm xuống:
- Trẫm cũng không đi, trong người không thoải mái, hơi mệt.
Vân Yên vừa tức vừa buồn cười, cuối cùng nụ cười nở trên khuôn mặt. Ung
Chính mở choàng mắt, nhéo má nàng, gạt cánh tay nàng đang đặt trước ngực xuống.
- Làm gì thế?
Vân Yên kêu á, đành phải nhanh chóng bò lên ngực ngài như con khỉ để tránh xấu hổ. Hiển nhiên Ung Chính vô
cùng hài lòng, ôm cả người nàng, khóe môi nhếch lên:
- Thật ra nàng không cần phải cẩn thận như thế, muốn đi ngang cũng không có vấn đề gì.
Vân Yên đấm nhẹ lên ngực ngài, đáp:
- Thiếp không phải là cua, làm sao đi ngang được?
Biết nàng không đi ngang được nên mới nói thế, tức chết mà!
Ngực Ung Chính run lên, rõ ràng đang cười không thành tiếng, chỉ đến khi Vân Yên nhéo ngài, ngài mới thôi cười.
- Dù nàng không phải Hoàng hậu, thì cũng là vợ vua. Nàng phải nhớ kĩ chuyện này, gầm trời cuối đất, không phải sợ ai.
Giọng điệu giống hệt ta chống lưng cho nàng, nàng còn sợ gì!
Vân Yên ngập ngừng hỏi:
- Vợ vua?
Ung Chính vén mái tóc trên vai nàng, trả lời:
- Nàng nghĩ người trong cung thật sự không biết gì cả sao?
Vân Yên cũng dần tới điện Cần Chính thường xuyện, Ngạc Nhĩ Thái, Trương
Đình Ngọc, thậm chí là Lý Vệ, Điền Văn Kính nàng đều quen mặt, ngự tiền
thị vệ bên cạnh Hoàng thượng là Trường Lạp Tích và Di thân vương Doãn
Tường đều cung kính hành lễ với Vân Yên, những đại thần tâm phúc của
Hoàng đế đều là người thông minh. Tháng chín, trong điện Cần Chính Thân
Hiền ở Viên Minh Viên, Ung Chính hạ chỉ bắt Niên Canh Nghiêu, đưa đến
kinh thành thẩm vấn.
Càng đi sâu vào vụ án Niên Canh Nghiêu,
không biết ai đã giẫm lên trái tim của đương kim thiên tử, trong tờ phê
bình Tuần phủ Tứ Xuyên Vương Cảnh Hạo, ngài đã viết mấy câu mắng:
“Thứ nô tài không bằng cầm thú, cần y thì có tác dụng gì? Trẫm không ngờ y
là loại người đê tiện. Trẫm là hoàng đế, vậy mà bị y lừa dối che mắt…
nếu sau này các ngươi bị mê hoặc, thì bây giờ các ngươi không phải là
tấm gương công thần vì vua, vì nước, vì thiên hạ. Trẫm hận đến thấu
xương, nghiến răng tức giận, y không những mang tội không thể cãi, mà
còn là loại không cha không vua!”
Đầu tháng mười một, Liêm Thân
vương Doãn Tự bị Ung Chính trách phạt. Ba ngày sau, phủ Tông Nhân đề
nghị nên tước vương tước, cách chức Tả lĩnh. Ung Chính đế ra chỉ xóa bỏ
bãi nhiệm.
Cùng lúc này, Niên Canh Nghiêu đeo gông cùm được áp
giải về kinh thành, giam trong tử lao của Hình bộ, chờ ngày công bố tội
trạng, còn cảm xúc của Quý phi Niên thị có lẽ ai cũng biết.
Khi
Quý phi Niên thị đưa thư tới tìm Vân Yên, nàng vô cùng ngạc nhiên. Trong lòng nàng, Niên thị là một người phụ nữ thông minh, cũng giống như anh
trai và cha nàng ta, một khi đã đến tìm nàng, một người có thể giẫm lên
khu vực sấm sét của Hoàng thượng, thì chắc hẳn nàng ta đã đến đường
cùng, hoặc đã suy nghĩ rất kĩ rồi.
Lúc Vân Yên đến điện phía Tây
của “Thiên Địa Nhất Gia Xuân”, Ung Chính cũng đang ở đó. Bởi vì Vân Yên
nhìn thấy Tô Bồi Thịnh đứng trước cửa.
Bước chân Vân Yên hơi khựng lại, rồi tiếp tục đi vào trong. Tô Bồi Thịnh rất hiểu nàng, nên không dám cản lại.
Càng đến gần căn phòng, nàng càng nghe thấy rõ tiếng nói chuyện ngắt quãng bên trong.
Câu gọi “Hoàng thượng” của người phụ nữ bệnh tật yếu ớt tưởng chừng như xé tim xé phổi.
- Chủ tử… nô tì xin…
- Quý phi có thể vì việc nước quên tình nhà, trẫm tất có thưởng. Nàng yên tâm nghỉ ngơi, không cần nói nhiều.
Tiếng nói chuyện mơ hồ được chăng ẩn chứa sự lạnh lùng, dường như đã chặt đứt tia hi vọng cuối cùng của nàng ta. Giọng điệu này hoàn toàn là của một
vị hoàng đế, khiến nàng cảm thấy lạ lẫm.
Lần đầu tiên Vân Yên nghe Niên thị gọi Ung Chính là chủ tử, còn mình xưng nô tì.
Ngữ khí cầu xin gần như van vỉ. Phải biết rằng kêu Hoàng đế kêu chủ tử nào ai có thể gọi?
Trong văn hóa Mãn Thanh Bát Kỳ, quan hệ chủ nô xa cách, không gần gũi như
quan hệ quân thần hậu phi, nô tì cũng cùng nghĩa với bị đánh mắng tùy ý, phải làm trâu làm ngựa, phải trung thành một lòng. Nếu không phải là nô tài bên người, gọi hoàng thượng là chủ tử chính là tội phạm thượng.
Nàng ta muốn xin cho nhị ca và cả gia đình mình một con đường sống ư?
Niên thị có xuất thân từ kỳ Hán Quân, thông minh trong sáng, nàng ta hi
vọng Ung Chính có thể nể những tình cảm xưa, cả gia đình Niên thị làm nô tài dưới trướng Ung vương trong những năm Khang Hi, “hầu hạ” ngài nhiều năm như vậy, gọi tiếng “chủ tử” cũng là nên.
Vân Yên đang nghiền ngẫm hai từ “Chủ tử, nô tài”, chợt đụng phải Ung Chính kéo cửa ra ngoài, tim giật thót một.
Ung Chính thấy Vân Yên tới, không nói gì mà kéo nàng đi cùng luôn, qua bóng lưng ngài, Vân Yên nhìn thấy Niên thị nằm trên giường, người gầy đi rất nhiều, sắc môi cũng bợt bạt, nhưng được che đậy bằng lớp trang điểm kỹ
càng, trong đôi mắt xinh đẹp không giấu nổi vẻ tiều tụy và sầu não. Nhà
tan người mất ngay trước mắt, con của nàng ta đều chết yểu, duy chỉ còn… Phúc Huệ, nhưng không phải con đẻ nàng.
Mười bốn năm bên Ung
Chính, nàng ta còn chưa tới ba mươi, vốn nên viên mãn mặn mà, nhưng sao
giống cây thược dược cực thịnh thì tàn, nhanh chóng héo úa. Bệnh của
nàng ta không nặng, nhưng nàng ta lại giống như kẻ sắp chết.
Sự già dặn của Vân Yên không nằm ở dung mạo, mà trong ánh mắt, nàng nhiều tuổi hơn Niên thị rất nhiều.
Ánh mắt của hai người phụ nữ giao nhau, rồi hoàn toàn bị ngăn cách bởi cánh cửa khép lại.
Ngày mùng tám Nhâm Dần, vì “tròn ba năm Hoàng khảo về trời” nên Ung Chính
phải đích thân đến Cảnh Lăng bái tế, xuất phát từ Viên Minh Viên rầm rập khởi giá đến Tuân Hóa Hà Bắc, đương nhiên Vân Yên đi theo ngài, còn Quý phi Niên thị đang bị bệnh nặng hôn mê ở lại viên.
Ngày mười bốn
Mậu Thân, Ung Chính đế lặn lội đường xa, trở về kinh thành, chuẩn bị đại lễ tế trời đông chí. Tấu sớ về bệnh tình của Quý phi Niên thị trong
Viên Minh Viên liên tiếp gửi tới: Quý phi Niên thị đã tỉnh lại trong hôn mê, nhưng bệnh nặng không khỏi, thời gian không còn nhiều, xin được gặp mặt bệ hạ lần cuối cùng.
Ngày mười lăm Kỷ Dậu, Ung Chính tự tay viết chỉ dụ cho Lễ bộ, đưa cho Vân Yên đọc, Vân Yên thay ngài đóng ấn vua…
“Phong cho Quý phi Niên thị là Hoàng Quý phi, nếu bệnh nặng không qua khỏi, tang lễ cử hành theo nghi lễ Hoàng quý phi.”
Nàng ta từng vinh quang vào cửa, cuối cùng nhà tan người mất, cô độc một
đời. Còn nàng không thân không phận, chưa từng có kiệu lớn rước, chưa
từng có quyền có thế, vì vậy cũng chưa từng mất quyền mất thế. Giờ phút
này, nàng nhớ lại nhiều năm trước đây, mình đứng trong con ngõ âm u nhìn hôn lễ xa hoa từ xa, mười dặm hồi môn, giờ chỉ còn thổn thức.
Quý phi Niên thị vẫn luôn khổ sở gắng gượng được gặp Ung Chính lần cuối,
ngày mười tám Nhâm Tý, bái tế kết thúc, Ung Chính lập tức khởi giá trở
về Viên Minh Viên.
Vân Yên chưa từng tranh giành điều gì với
Hoàng Quý phi Niên thị, nhiều năm qua vẫn không thay đổi, huống chi lúc
này người sắp chết. Hai người cùng khoác áo chồn tía dầy dặn cùng màu,
giẫm lên tuyết, nắm tay nhau vào trong viện phía tây của Thiên Địa Nhất
Gia Xuân.
Đông chí vừa qua, trởi đã đổ tuyết, Vân Yên không cùng
Ung Chính vào trong phòng, chỉ đứng trước cửa sổ ngắm tuyết, để riêng
giờ phút cuối cùng cho họ.
Khi Ung Chính kéo cánh cửa phòng đi
ra, Vân Yên bèn bước tới trước mặt ngài, bàn tay hai người đan vào nhau, trong phòng vang lên tiếng nói mơ hồ:
- Hoàng thượng, thần thiếp… chỉ xin…
Giọng nói khàn khàn bệnh tật vô cùng đau thương và buồn bã.
Trong lòng Vân Yên run lên, ngẩng đầu nhìn ngài. Ung Chính rũ mắt xuống, cằm hơi bạnh ra, đóng cửa lại, kéo nàng đi.
Bầu không khí trở nên nặng nề, trận tuyết lớn đã mai táng không biết bao
nhiêu bộ xương khô phận hồng nhan. Hương khói không ngừng bay lên từ lư
hương chạm đôi rồng mạ vàng trên bàn, Cửu Châu Thanh Yên chìm trong yên
tĩnh.
Trong đêm ấy, Ung Chính nói với Vân Yên, ân điển cuối cùng mà Niên thị cầu xin là… “Tòng táng” (3)
Vân Yên đột nhiên im lặng, như đang rơi vào suy nghĩ của chính mình. Bánh
xe lịch sử không đi chệch nửa khắc nào sao? Lịch sử vẫn cứ là lịch sử.
Nhiều năm qua, nàng vẫn luôn lẩn tránh sự thật khổ đau ấy, hiện giờ lại
phơi ra trước mắt, quả thật làm người khác khó chịu vô cùng.
Hoàng hậu, Hoàng đế, hiện giờ thêm cả Hoàng Quý phi. Dù sống hay chết, bên cạnh ngài sẽ không thiếu một ai.
Không còn đường thoát sao? Dù nàng phản đối hay không, lịch sử vẫn cứ viết
tiếp. Ân điển này, không phải gia phong cho Quý phi, Hoàng Quý phi hay
Hoàng hậu, nàng nhận ra bản thân mình còn không thốt nổi chữ được.
Sống không thể thành đôi, chết cũng không thể thành ư? Đời sau kiếp sau cũng không thể ư?
Chỉ nghĩ đến thôi, mà tim như bị ngàn con dao đâm sâu.
Nàng đã nhượng bộ rất nhiều, cũng nhắm mắt làm ngơ rất nhiều, nhưng “Sống
chết cùng mồ”, nàng thật sự để trong lòng, rất để trong lòng. Nàng đã
từng nói với ngài rằng, cả đời này nàng không cần gì cả, chờ đến khi họ
chết, chỉ cần hai người bên nhau, không cần ai khác.
Ung Chính chưa từng thấy nàng trầm mặc, nhạy bén vuốt má nàng, tay thấm đầy nước mắt.
Ung Chính giật mình gọi:
- Vân Yên.
Vân Yên không biết mình đã khóc từ lúc nào, dường như chính bản thân mình
cũng kinh ngạc, vội vàng đưa tay lau nước mắt rồi quay người đi. Nàng
vẫn chưa nghĩ xong, một suy nghĩ to gan hiện lên trong đầu, nhưng nàng
nhanh chóng gạt đi.
- HẾT CHƯƠNG 193 -
(3) Tòng táng: Bồi táng, chôn theo người đã mất