Ông Tôi 22 Tuổi

Chương 10: Chương 10




Dịch: Hân Di

Còn chưa tới chạng vạng, ngoài thôn bỗng có tiếng còi cảnh báo hú vang. Tiếng còi chói tai khiến ba người đang mải miết đan lờ lập tức ngẩng đầu ngó ra ngoài.

Địa thế nơi này khá cao, nên từ đây có thể trông thấy chuyện ở cổng thôn. Nhưng vì khoảng cách quá xa nên trông không rõ ràng lắm, có điều âm thanh cảnh báo rất rõ.

Đường Tam Bàn nghĩ nghĩ rồi nói với Hà Đại Tiến:

- Chắc là tới tìm ông đấy.

Hà Đại Tiến hơi chớp mắt, nhưng không cử động. Ông đã bị con dâu và con trai cả làm cho chán nản từ lúc trưa rồi. Ông còn chưa chết mà chúng nó dám tìm mọi cách bán vườn cây ăn quả cho ba người xa lạ. Thật đáng chết. Chẳng lẽ tình cảm cha con lại giống như khói bếp, chỉ cần một cơn gió thổi là tan biến hay sao?

Đường Tam Bàn không thể nào hiểu được suy nghĩ của Hà Đại Tiến, ông đứng dậy định đi nghe ngóng một chút, nhưng bị Tống Kim ngăn lại:

- Tôi thấy trong thôn không có nhiều người béo, ông trông quá bắt mắt. Nếu qua đó nhỡ bị cảnh sát hỏi thì ông làm thế nào?

Tống Kim vừa nói vừa sờ sờ mặt mình,lẩm bẩm:

- Gương mặt này của tôi cũng không thể đi được, quá nổi bật.

Ông nhìn Hà Đại Tiến vừa đen vừa gầy:

- Nếu ông đi sẽ không bị phát hiện.

Hà Đại Tiến chăm chú vót một cái nan trúc mới, nói:

- Ai thích đi thì đi. Tôi không đi.

Tống Kim suy nghĩ một lát rồi nói:

- Được rồi. Nếu tìm ông thật thì lát nữa kiểu gì cảnh sát cũng tới nhà con trai ông điều tra. Hơn nữa với khuôn mặt này của ông... người già trong thôn sẽ cho rằng ông là con riêng của Hà Đại Tiến đấy. Người nào có trí nhớ tốt vẫn nhận ra bộ dạng ông hồi trẻ.

Hà Đại Tiến trầm ngâm, không lên tiếng, tiếp tục làm việc.

Một lúc sau, trước cổng ngôi nhà ba tầng của Hà Ngũ Lưu có rất nhiều người tập trung, ngoài xe cảnh sát còn có người trong thôn hóng chuyện, ồn ồn ào ào như một bầy chim sẻ.

Tống Kim và Đường Tam Bàn đã chạy ra sau nhà nghe ngóng. Hà Đại Tiến không đi theo nhưng tâm hồn đã bay đi từ lúc nào.

- Đêm hôm đó, ba tôi nói phải đi đưa đào cho nhà cậu, nhưng từ đó không trở lại.

- Các anh không đi tìm người à?

- Chúng tôi nghĩ là trời đã muộn nên ông ở lại nhà cậu.

- Anh làm con trai mà quá vô tâm.

Anh cảnh sát khoảng chừng 25, 26 tuổi, nhưng không hề non nớt mà nói chuyện rất đáng tin, còn có ý tứ dạy dỗ. Hà Ngũ Lưu cũng không dám nói gì.

Anh ta ghi chép xong lời khai, nói:

- Anh nói là chiếc xe ba bánh, đêm hôm đó, chúng tôi phát hiện một chiếc ở bên bờ sông. Đợi lát nữa anh tới sở cảnh sát xác nhận xem có phải chiếc xe đó không.

Hà Ngũ Lưu sợ hãi, chân tay Miêu Đại Thúy cũng mềm nhũn, hỏi:

- Ba tôi bị quỷ nước kéo mất rồi?

Anh cảnh sát trẻ nhướng mày, nói:

- Quỷ gì mà quỷ?

Miêu Đại Thúy khua tay múa chân nói:

- Gần đây trong sông Trường Sinh có quỷ nước, đã kéo mất mấy người rồi.

Anh cảnh sát trẻ ngừng một lát, rồi nhăn mặt nói:

- Mê tín. Hàng năm lúc nghỉ hè, lũ trẻ tự nhảy xuống nước chơi nhiều chứ gì.

Mỗi lần nghỉ hè, sẽ có mấy vụ trẻ con đuối nước. Cho dù đã cắm biển báo ở bên bờ nhưng cũng vô ích. Đây là nỗi trăn trở của Hầu Tiểu Tả, nhưng năm nào cũng xảy ra tai nạn.

Hầu Tiểu Tả sầm mặt nói:

- Không được tuyên truyền những chuyện này. Hà Ngũ Lưu, anh đi theo tôi tới đồn cảnh sát một chuyến.

Hà Ngũ Lưu vội vàng gật đầu:

- Được.

Sau khi cảnh sát đi, Tống Kim và Đường Tam Bàn không về nhà ngay mà đi dạo một vòng quanh thôn.

Đại khái do cuộc sống nông thôn quá bình thản, chẳng có chuyện gì mới mẻ, cho nên khi tin tức Hà Đại Tiến mất tích lan truyền trong thôn, đi tới đâu cũng nghe người ta bàn tán.

- Tôi biết trước sẽ có ngày này mà. Hà Đại Tiến bị con trai và con dâu đuổi đi đấy.

- Cũng chẳng trách được họ. Con trai út không về nhà, con gái lại cắt đứt quan hệ, giờ chỉ có gia đình con trai cả nuôi ông ấy. Nếu là tôi, tôi cũng không vui gì, có thể hòa nhã cả ngày à?

- Thật đáng tiếc cho Hà Đại Tiến. Người như ông ấy, cuối cùng lại bị tức đến mức bỏ nhà đi.

- Người già rồi chẳng được tích sự gì, đến chó cũng chê.

- ...

Người ta bàn tán, chẳng biết là chế giễu hay than thở. Có lẽ không phải cả hai. Chẳng qua trong cuộc sống bình thản bỗng xuất hiện một chút gia vị. Trong lời nói của họ, Tống Kim chẳng cảm nhận được chút tình người ấm lạnh nào cả.

Đường Tam Bàn nghe ngóng một hồi, trong lòng không thoải mái, nói:

- Tôi cứ nghĩ ông Đại Tiến chỉ có một người con trai, không ngờ rằng còn một con trai và con gái. Sao con gái lại cắt đứt quan hệ với ông ấy? Sao con trai út không về nhà nhỉ?

- Tôi biết đâu được. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh.

Tống Kim vô cùng đồng cảm với chuyện cả gia đình lớn lục đục với nhau. Nếu không phải đêm hôm đó con cháu quá bất hiếu, đến cả ngày giỗ của mẹ ruột cũng quên, thì sao ông lại lái xe ra ngoài giữa đêm giữa hôm, để rồi nhìn thấy Đường Tam Bàn nhảy sông, còn bị ông ta kéo xuống nước, biến thành thanh niên thế này.

Mặc dù trên người không có tiền, phải ăn rau dại, nhưng không cần quan tâm chuyện trong nhà, không cần lo liệu chuyện công ty, thậm chí cắt đứt mọi liên lạc xã giao, ông có cảm giác thật ung dung.

Giống như được sống lại.

Nếu ông trời đã cho ông sống lại, vậy ông nên quý trọng, nên sống một tuổi thanh xuân thật thoải mái theo ý mình.

Bỗng nhiên, tư tưởng của Tống Kim thoáng ra hẳn. Ông lại tràn đầy hy vọng với cuộc sống tương lai trong cái thôn nhỏ nghèo khó này. Ông đã tìm được mục tiêu mới, không còn mất tinh thần như dạo trước.

Đường Tam Bàn thấy ông bỗng hăm hở bước đi về nhà, cho là ông không ưa Hà Đại Tiến nên cười trên sự đau khổ của người khác. Ông rất sợ Tống Kim giễu cợt Hà Đại Tiến, nên nói:

- Ông Kim, đợi lát nữa ông đừng kích thích ông Đại Tiến nhé.

- Tôi không kích thích ông ta. Tôi sẽ dạy ông ta cách làm người.

- Hả?

Tống Kim trở về căn nhà đất, thấy Hà Đại Tiến vẫn còn ngồi đan lờ, dường như chẳng hề thay đổi tư thế. Ông ngồi xuống bên cạnh, vỗ vỗ vai Hà Đại Tiến, nói:

- Hà Đại Tiến, tôi đã thấy rồi, con trai ông không cần ông nữa đâu.

Đường Tam Bàn bị sặc, tí thì tắt thở.

Tay Hà Đại Tiến cứng đờ, nói:

- Tôi biết. Tôi đã biết từ lâu rồi.

Ông già rồi, không được tích sự gì cả. Sinh nhật hàng năm của ông chỉ có mình cháu trai thật lòng chúc mừng. Con trai, con dâu ông, chỉ qua loa lấy lệ mà thôi.

Ý thức được mình đã già, chẳng khác nào ý thức được mình vô dụng.

Tống Kim nói to:

- Cho nên bây giờ chúng ta đã trở lại tuổi đẹp nhất của đời mình, đừng quan tâm đến tụi nó nữa. Chúng ta hãy sống cuộc sống của chính mình đi!

Giọng nói đầy năng lượng và quyết tâm của Tống Kim khiến Đường Tam Bàn phải dụi mắt nhìn lại. Dường như ông không giễu cợt Hà Đại Tiến mà đang...đầy hy vọng.

- Chúng ta vất vả nửa đời người vì con vì cái. Bây giờ, ông trời cho chúng ta sống lại thời còn trẻ, không phải để chúng ta cmn lo lắng cho lũ oắt kia. Để chúng nó xéo đi! Chúng ta phải sống thật tốt, không nên lãng phí tuổi thanh niên.

Hà Đại Tiến ngơ ngơ ngác ngác. Ông đã sống như thế nhiều năm rồi, đã thành thói quen. Ông hỏi:

- Nhưng chúng ta có thể làm gì?

- Tôi cũng chưa nghĩ ra, nhưng muốn làm cái gì thì làm cái đó. Đừng nghĩ tới mấy thằng nhóc con kia nữa. Không nghĩ tới thì chẳng có chuyện gì phải buồn phiền.

Sau khi Tống Kim cắt đứt liên lạc với người nhà, ông phát hiện thế giới bỗng trở nên yên bình, tốt đẹp biết bao, chẳng có chút trói buộc nào.

Đời người thật thăng hoa!

Cảm giác thoải mái này không gì so sánh được.

Hà Đại Tiến còn lâu mới có được sự quả quyết như Tống Kim. Hơn nữa nhà con trai ông đang ở phía trước nhà họ. Căn nhà xi măng ba tầng cao cao giống như một ngọn núi lớn chắn ngang. Sao ông có thể giả vờ không nhìn thấy gì chứ?

Nhưng Tống Kim đã quyết tâm không liên lạc với lũ bất hiếu kia. Cho nên ông cũng quên, con trai Hà Đại Tiến đã báo cảnh sát tìm người còn con trai ông vẫn không có hành động gì.

Ông không ý thức được điều này nên còn lạc quan hơn Hà Đại Tiến nhiều.

Tống Kim lên kế hoạch cho tương lai ba người thật tốt đẹp. Lát sau ông nói:

- Tôi nghĩ rồi, trước hết chúng ta bắt tên trộm cá lại. Sau đó nghĩ cách kiếm chút tiền vốn, rồi dần dần phát triển chuyện làm ăn lên.

Đường Tam Bàn tò mò:

- Chúng ta kiếm vốn như thế nào?

- Ngoài cá và hoa quả, còn có một thứ nữa: đặc sản núi rừng. Những thứ này đều không cần tiền vốn, chúng ta bán được bao nhiêu lãi bấy nhiêu.

- Cũng đúng.

Đường Tam Bàn thấy Tống Kim phấn chấn, tinh thần sáng láng, cũng được lây chút ánh sáng.

Không đợi Tống Kim nói tường tận, ông nhìn thấy mặt trời sắp lặn, sắp chạng vạng tối, nên thu hồi hùng tâm tráng chí, đứng dậy nói:

- Nhanh, nhanh, tới bờ hồ rình trộm nào. Trước hết phải bắt được tên trộm cá, mới có thể lập uy được chứ.

Hà Đại Tiến không nói gì, ông không quên mang theo bảy cái lờ mới vừa đan xong. Chờ bắt được kẻ trộm rồi thả xuống hồ.

Ba người chủ ý đi đường mòn vắng vẻ. Con đường này bị cỏ dại mọc kín, cao gần nửa người nên có thể che giấu cho họ rất tốt. Nếu không phải người trong thôn, chắc không thể nào biết được con đường này.

Gần tới bờ hồ, Hà Đại Tiến đặt mấy cái lờ trong bụi cỏ, Tống Kim và Đường Tam Bàn đi vòng qua hướng khác, hình thành một vòng vây tam giác.

Họ ẩn núp hồi lâu. Ngoài mấy con cá quẫy nước lao xao mặt hồ thì xung quanh rất yên tĩnh, không có ai tới.

Qua nửa giờ sau, khi mặt trời đã lặn hết xuống núi, khoảng tám giờ tối, vẫn không có ai xuất hiện.

Đường Tam Bàn chọn vị trí cỏ mọc rậm rạp, nằm đó cả buổi trời, càng ngày càng buồn ngủ, nên ngủ mất tiêu. Đang ngủ say sưa, ông bỗng nghe thấy bên bờ hồ có tiếng ồn ào, ông giật nảy mình tỉnh dậy, chạy tới nhìn thì thấy mấy bóng người đang quấn lấy nhau, như là đang đánh nhau vậy.

Người đánh là Tống Kim và Hà Đại Tiến, còn người bị đánh là một thằng nhóc.

Thằng nhóc không ngờ nó vừa nhấc cái lờ cá lên, thì bỗng có hai người đàn ông lao từ trong bụi cỏ ra. Nó sợ hãi vứt cái lờ lại co giò chạy.

Nhưng Hà Đại Tiến chân dài chạy nhanh. Trong chốc lát, ông đã đuổi kịp nó, phi một cước khiến nó ngã nhào xuống đất. Không đợi nó kịp tránh thoát, lại một người đàn ông chân dài khác giẫm lên vai nó. Thằng nhóc đau đến quằn quại, nó giãy dụa đá chân vào người kia.

Tay Tống Kim bị nó đá cho một cái, suýt nữa thì trật khớp, mắng:

- Con mẹ mày, mày dám đá ông!

Đã ăn trộm còn dám đá người khác, Tống Kim rất giận dữ.

Ông cúi xuống tát cho thằng nhóc một cái mặt quay như cái đĩa hát. Tống Kim thấy nó đàng hoàng một chút, mới cầm lấy dây mây trói nó lại. Ông thấy Hà Đại Tiến đứng im, bèn giục:

- Trói nó lại.

Hà Đại Tiến vừa trói vừa nói:

- Người trong thôn đều quen biết nhau. Ông đánh nó, bố mẹ nó còn đánh lại ông đấy.

- Vô lý như thế á?

- Ừ, vô lý thế đấy. Bao che con cái.

Tống Kim phì một cái, nói:

- Đây là hại đứa trẻ.

Chờ hai người trói gần xong, Đường Tam Bàn thở hồng hộc chạy tới, nói:

- Ông Kim, ông Đại Tiến, tôi ngủ quên mất.

Tống Kim nhìn ông ta một cái, nói:

- Sao không ngủ tiếp đi.

Đường Tam Bàn không để bụng cái miệng đanh đá của Tống Kim, ông cười cười:

- Xin lỗi nhé.

Tống Kim không mắng nên lời, khuôn mặt tươi cười của Đường Tam Bàn cứ như có độc vậy.

Lúc này, Hà Đại Tiến mới nhờ ánh trăng nhìn kỹ khuôn mặt của thằng nhóc này. Một bên mặt bị Tống Kim đánh cho đỏ tấy, chắc ngày mai sẽ sưng vù. Ông nhớ lại thật cẩn thận rồi nói:

- Không phải người trong thôn này.

Đường Tam Bàn cúi đầu nhìn khuôn mặt thanh tú nhưng hơi gầy gò của thằng nhóc, nói:

- Có phải người hái rau dại hôm trước không?

Hà Đại Tiến nhìn kỹ rồi gật đầu.

Tống Kim nói:

- Là người thiếu niên mà Đới Trường Thanh nhắc tới à? Một trong sáu “đạo hữu”? Gọi là Nhan gì nhỉ? À, Nhan Cửu?

Ông thấy thằng nhóc không trả lời, lại gõ đầu nó một cái:

- Trả lời đi!

- Ừ.

Giọng thằng nhóc rất nhỏ, chắc đang vỡ giọng nên vừa khàn vừa nặng nề, trông không hợp với gương mặt chút nào.

Tống Kim nhìn nó, cười tủm tỉm:

- Nhóc trộm đồ đấy có biết chưa? Nếu bồi thường tiền và hứa sau này không trộm nữa thì ông đây sẽ tha cho, cũng không thèm chấp nhóc.

Nhan Cửu bị đánh nên vốn sợ ông, thấy ông cười lại càng sợ hơn, run rẩy nói:

- Tôi không có tiền.

Mặt Tống Kim sầm xuống, túm lấy cổ áo nó, nói:

- Nhóc không có tiền?

Đường Tam Bàn nói:

- Ông Kim, nếu nó có tiền đã không phải ăn rau dại giống chúng ta, lại còn phải trộm cá. Ông nhìn nó đi, đúng là loại không nhà không cửa.

- Vậy chúng ta phí công vô ích à?

Tống Kim mắng, lại phát hiện chẳng thấy bóng dáng Hà Đại Tiến đâu, ông nhìn quanh một lúc mới thấy Hà Đại Tiến đang ngồi xổm đào giun.

- Hà Đại Tiến!

Hà Đại Tiến không nhịn được, nói:

- Ông thẩm vấn nó là được rồi. Tôi đi thả mấy cái lờ bắt cá cho các ông làm canh cá ăn đêm.

- ...

Tống Kim tức cành hông, không biết làm gì. Ông suy nghĩ một chút, nghĩ ra có lẽ có người sẽ đền tiền cho mình, bèn xách thằng nhóc đi vào trong thôn.

- Đi, đi tìm Đới Trường Thanh, tìm trưởng đoàn của các cậu đòi lời giải thích.

Sắc mặt Nhan Cửu càng trắng bệch, giùng giằng không chịu đi:

- Đừng đi. Xin anh đấy.

Tống Kim thấy thằng nhóc sợ, càng muốn đưa nó đi.

- Không cái gì mà không? Nếu đã dám ăn trộm thì phải có gan chịu đòn, phải biết gánh vác hậu quả.

Mắt Nhan Cửu tràn đầy khẩn cầu, nhưng hiển nhiên không có tác dụng gì. Đường Tam Bàn nhìn không đành lòng, nói:

- Ông Kim, nó vẫn là con nít, thôi thả nó đi.

- Ông cút đi. – Tống Kim nói: - Trong mắt cha tôi, tôi vẫn là con nít đây, sao không thấy tôi đi trộm cắp.

Bàn về miệng lưỡi, chẳng ai có thể đấu lại Tống Kim. Đường Tam Bàn không biết phải làm sao, chỉ còn cách đi theo Tống Kim tìm Đới Trường Thanh, để xem ông giải quyết chuyện trộm cá với “môn phái tu tiên” thôn Hà thế nào.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.