Dịch: Hân Di
***
Sấm ầm ầm cả buổi sáng, cuối cùng tới trưa, cơm mưa cũng áo ào trút xuống. Trong thôn chưa có đường xi măng, trời vừa mưa mấy hạt, con đường đã trở nên lầy lội.
Tống Kim chẳng buồn ra cửa nữa.
Nhưng ngôi nhà này đã bỏ không nhiều năm, mái ngói vỡ gần hết, chẳng còn mấy chỗ lành lặn, cho dù ngồi trong nhà cũng bị mưa dột ướt hết. Tống Kim ngồi thu lu trên tảng đã nhỏ trước hiên nhà, xung quanh mưa dột ướt nhẹp khiến ông ngứa ngáy hết cả người.
Hà Đại Tiến đã leo lên mái nhà để sửa lai những chỗ bị dột. Khi ông ta sửa tới chỗ ông ngồi, tiếng rầm rầm trên đầu càng khiến Tống Kim phiền hơn.
Ông ngẩng đầu gắt lên:
- Ông không thể chờ trời tạnh mưa rồi hẵng sửa à?
Một lúc sau, Hà Đại Tiến khinh bỉ đáp:
- Muốn sửa nóc nhà phải nhằm lúc trời mưa mới được, lúc đó mới biết chỗ nào bị dột chứ. Ông đã không giúp thì thôi đi, lại còn ăn nói lung tung, người ta gọi là gì nhỉ... tay chân cái gì, giống lúa gì đó...
Tống Kim cau mày, “Tay chân chẳng làm việc gì cả, không phân biệt được năm giống lúa”(*)? Ông nổi giận:
- Từ trước tới nay tôi chưa từng làm mấy việc này! Cái đồ chân đất nhà ông.
Người nông dân làm việc hàng ngày là bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, phải xắn ống quần lên lội chân xuống bùn, cho nên lâu ngày có câu “chân đất“. Câu này mang nhiều hàm ý khinh bỉ, Tống Kim nói thế coi như đang mắng chửi người khác.
(*)Tay chân chẳng làm việc gì cả, không phân biệt được năm giống lúa: Một câu trong Luận Ngữ. Theo sách Luận Ngữ và Khổng Ngữ - Tác giả Nguyễn Hiến Lê.
Đường Tam Bàn nói:
- Ông Kim, người Trung Hoa chúng ta, tổ tiên mười tám đời nhà ai không phải người nhà quê đâu? Ông nói thế là mắng tổ tiên đấy.
Cho dù Tống Kim không muốn ở lại cái nơi rách nát này, nhưng lý trí của ông bảo rằng: ngoài nơi này không cần thẻ căn cước ra, thì ông đi tới đâu cũng sẽ trở thành kẻ lang thang. Cho dù muốn mua thẻ căn cước giả cũng phải có tiền mới mua được. Ông thờ dài một hơi:
- Ôi, đúng là ăn nhờ ở đậu...
Không đợi ông than thở xong, Hà Đại Tiến đã leo xuống từ nóc nhà, cả người ướt như chuột lột.
Tống Kim thấy ông ta ướt đẫm cả người, nhăn nhăn nhó nhó, nhưng không tranh cãi nữa.
Hà Đại Tiến hiểu biết nhiều hơn ông, cũng chịu khó chịu khổ, nhưng mà nói chuyện cũng rát tai.
Ông không thể nào thích nổi ông ta, những cũng chẳng có lý do gì để ghét cả.
- Đói thật!
Đường Tam Bàn chỉ ăn chút cá vào buổi trưa, không được hạt cơm nào nên đói không chịu nổi. Vốn ba người còn định đi mua gạo, nhưng trời bỗng đổ mưa to, các nhà đều bận gặt lúa, nhổ lạc, chẳng có ai rảnh rỗi ở nhà bán cho họ cả. Ông hỏi:
- Ông Đại Tiến, bây giờ chúng ta nên làm gì?
Hà Đại Tiến nói:
- Tối nay đi bắt cá. Chúng ta không có lưới, cũng chẳng có ai cho mượn đâu. Ông cũng đừng đi mượn cần câu, nhỡ may gãy thì chẳng có cái gì đền. Chúng ta đan mấy cái lờ(*) bắt cá đi, tôi sẽ đi chặt mấy cây trúc.
(*) Muốn biết cái lờ là cái gì, mời bạn vào khu thảo luận truyện để xem nhé. ^_^
- Tôi sẽ giúp ông. - Đường Tam Bàn hỏi: - Ông Kim, ông đi cùng chứ?
Hà Đại Tiến nói:
- Bỏ chữ “chứ” đi. Không đi cũng phải đi.
Tống Kim không lên tiếng, ông cũng chẳng muốn ăn không ngồi rồi.
Trên núi, trúc mọc bạt ngàn, xanh um, tươi tốt. Vào một ngày giữa hè thế này, sau khi được một trận mưa lớn cọ rửa, lá trúc không còn màu xanh lục nữa mà trở thành màu xanh thẫm.
Một cơn gió thổi qua, nước đọng trên lá trúc rơi rào rào xuống đầu ba người.
Trong ba người, Hà Đại Tiến là người cao nhất, cũng gầy nhất. Đường nét khuôn mặt không quá đẹp nhưng rất đàng hoàng, phóng khoáng.
Đường Tam Bàn có khuôn mặt đôn hậu, vóc người đầy đặn, mặt mũi không hề có cảm giác béo mà khiến người ta có cảm giác gần gũi thân quen như Phật Di Lặc.
Tống Kim là người có nhan sắc nhất trong ba người. Chiều cao một mét tám, vóc dáng cân đối, khuôn mặt sáng sủa đẹp trai, lúc nói chuyện thì giọng nói dễ nghe, lúc im lặng chín chắn đáng tin cậy.
Nhưng bây giờ cả ba người đều ướt lướt thướt như chó rơi xuống nước, chẳng có chút giá trị nhan sắc nào cả.
Tống Kim chân thấp chân cao bước trên con đường lầy lội bùn đất. Đôi giày da bóng lộn đã bị dính đầy bùn như một tảng đất lớn từ lúc nào. Mỗi bước đi đều phải chịu đựng cảm giác dính nhớp dưới chân.
Đường Tam Bàn cũng chẳng thoải mái chút nào. Ông vốn đã béo rồi, thân hình nặng 150 cân khiến cho đế giày lún sâu xuống bùn, cứ như đang lội trong đầm lầy.
Hai người thở hồng hộc đi được mười mấy bước, lúc ngẩng đầu lên đã chẳng còn thấy bóng dáng Hà Đại Tiến đi như bay ở đâu nữa, chỉ nghe thấy tiếng chặt trúc vang lên trong rừng mà thôi.
Tống Kim lau lau khuôn mặt ướt nước mưa, nói:
- Chắc ông ta cầm tinh con trâu.
Đường Tam Bàn suy nghĩ một chút rồi nói:
- Chúng ta đều bảy mươi hai tuổi, cầm tinh con chó.
- Mẹ nó chứ.
Tống Kim định giơ chân đạp ông ta một cái, ai ngờ giày bị dính chặt xuống bùn, chân giơ lên trời còn giày vẫn nằm dưới hố bùn.
Chỗ quái quỷ rách nát gì đây!
Khi Tống Kim và Đường Tam Bàn trăm cay ngàn đắng đi tới rừng trúc, Hà Đại Tiến đã chặt xong hai cây trúc rồi, còn phạt sạch sẽ cành lá. Ông vừa thấy hai người liền nói:
- Vác mấy cây này về đi.
- Tôi nghỉ một lát đã.
Đường Tam Bàn ngồi trên đống lá trúc dày, lau lau nước trên mặt, cũng chẳng biết là mưa hay mồ hôi.
Hà Đại Tiến nói:
- Tam Bàn, ông nên vận động nhiều hơn mới được. Ông tới chăm vườn trái cây với tôi, đảm bảo sẽ gầy đi.
Ông vừa dứt lời, bỗng nghĩ tới mấy ngọn núi mình đổ mồ hôi sôi nước mắt chăm sóc. Ông dõi mắt ra xa, có thể trông thấy mấy ngọn núi của ông.
Tháng sáu âm lịch là mùa mận, đào chín rộ, nhưng chỉ cần một trận mưa thôi, đào với mận đều sẽ toác miệng cười - quả nào quả nấy nứt toang hoác.
Hoa quả không đẹp mã, cho dù ăn ngon tới đâu thì cũng không thể bán giá cao.
Hà Đại Tiến thở dài thườn thượt, nhớ tới lời con dâu cả: “Vất vả cả năm trời, nhưng chỉ cần một trận mưa cũng có thể cuốn trôi hết công sức. Thà vào thành phố làm thuê còn đỡ hơn.”
Từ khi Tống Kim gặp Hà Đại Tiến chưa thấy ông ta ủ rũ bao giờ, dường như lúc nào cũng tràn đầy sức sống, giống như viên pin không bao giờ cạn năng lượng. Người này thức trắng một đêm mà vẫn còn dọn nhà, làm cơm trưa, sửa nóc nhà, chặt trúc được.
Thấy ông ta than thở, ông có cảm giác thật kỳ lạ, còn hơi gượng gạo.
Ông hỏi:
- Than thở gì thế?
Cơn thèm thuốc kéo tới, Hà Đại Tiến lần tìm tẩu thuốc của mình nhưng chẳng thấy đâu. Ông nói:
- Không có gì.
Nói thì ích gì chứ. Chẳng lẽ nói ra thì mưa sẽ tạnh à?
- Đi thôi, vác trúc về đi. Về nhà còn phải vót nan, đan thành giỏ trúc nữa. Không có thời gian đâu.
Lần này, Tống Kim không phản đối. Làm những việc này đều vì miếng cơm cả. Hơn nữa ông đói bụng, chẳng hơi đâu mà tranh cãi với Hà Đại Tiến. Hiếm có một lần hai người bắt tay giảng hòa. Còn đang nghĩ sao Đường Tam Bàn không lên tiếng, nhìn sang thấy ông ta đã nằm trên đống lá trúc, lấy hạt mưa làm chăn, ngủ ngon lành từ lúc nào.
Tống Kim và Hà Đại Tiến chậc lưỡi xuýt xoa.
Thật đúng là gặp sao yên vậy.
Lúc Tống Kim và Hà Đại Tiến khiêng hai cây trúc về, Đường Tam Bàn cũng không tỉnh lại. Hà Đại Tiến sợ ông ngủ say đến chết nên đánh thức dậy. Đường Tam Bàn dụi dụi mắt, đứng dậy hỏi:
- Ông chặt xong trúc rồi à? Vậy về thôi.
- ...
_________
Vót nan trúc là một công việc đòi hỏi kỹ thuật. Hà Đại Tiến tìm trong phòng chứa đồ linh tinh đuợc một con dao chẻ củi, sau khi mài thì vẫn rất sắc bén, chặt trúc nhanh mà vót trúc cũng rất nhanh.
Ông vung dao chặt xuống. Vút, vút. Cây trúc được chặt thành các đoạn ngắn, rồi lại được chẻ thành từng nan nhỏ.
Tống Kim và Đường Tam Bàn ngồi bên cạnh, vừa hong quần áo vừa nhìn, thấy động tác dứt khoát, thoăn thoắt, còn có chút dáng vẻ hiệp khách. Hai người nhìn không chớp mắt. Tới khi Tống Kim giật mình tỉnh lại, phát hiện mình nhìn chằm chằm người ta vót nan trúc cả buổi, chợt thấy thật kỳ lạ.
Ông ho khan một tiếng, hỏi:
- Bữa tối nay tính sao đây?
- Tôi muốn ăn cơm. - Đường Tam Bàn nói: - Chờ lát nữa hong khô quần áo xong, chúng ta đi mua gạo đi.
- Được.
Tống Kim vừa nói vừa đưa tay vào túi quần đựng tiền, nhưng ông lần mò trong túi một hồi lâu không dám rút tay ra.
Hà Đại Tiến thấy ông đút tay vào túi cả buổi mà không lấy tiền ra, bèn hỏi:
- Tiền đâu?
- Không...
- Không cái gì mà không? Điếc à? - Hà Đại Tiến suýt nữa thì nhảy cẫng lên: - Tiền đâu!
Rốt cuộc Tống Kim rút tay ra, nhưng trong tay chẳng có đồng nào. Ông nói:
- Đại khái là... rơi mất rồi!
Hà Đại Tiến trợn trừng mắt, dựng ngược lên:
- Tống Kim! Đồ ngu ngốc này!
Tống Kim lúng túng, để giữ mặt mũi, ông nói:
- Có ba mươi đồng chứ nhiêu.
Hà Đại Tiến giơ dao chẻ củi lên, quát:
- Ba mươi đồng là toàn bộ tiền của chúng ta! Có thể mua được mười lăm cân gạo, ba cân thịt lợn, hai lít dầu! Ông làm gì cho ra ba mươi đồng? Ông thì làm được gì hả! Sống bảy mươi hai năm trời làm cái gì, làm cái gì?
Tống Kim nhìn chằm chằm vào con dao đang vung vẩy trong tay ông ta, sợ ông ta giận quá mất khôn, phi dao vào mình. Ông trốn trốn tránh tránh:
- Tôi chỉ biết kiếm tiền, tiêu tiền. Nhìn dáng vẻ bây giờ của ông anh, thập bát ban võ nghệ cũng thua.
- Thế ông đi kiếm tiền đi.
- Tôi...
Trong một chốc một lát, Tống Kim sao nghĩ ra được cách gì để kiếm tiền. Nếu không phải đích thân tới vùng quê nghèo xơ nghèo xác này, ông còn chẳng biết cách thành phố mấy chục dặm, có một nơi nghèo như thế.
Hà Đại Tiến còn chưa bớt giận, lại chất vấn lần nữa:
- Ông đi kiếm tiền đi!
Tống Kim tức giận. Ông đứng bật dậy, nhanh tay mặc áo sơ mi còn chưa hong khô lên, rồi nói:
- Ông quá khinh người! Rã đám đi!
- Rã thì rã. Đi mà làm ông chủ lớn của ông đi.
Tống Kim cắn răng, phát hiện trong miệng không phải răng giả, ông bỗng nghĩ: “Ông trời cho ông biến thành thanh niên trẻ tuổi, rốt cuộc thì có ý nghĩa gì. Làm bậy như thế, chẳng thà cho ông tiếp tục cơ thể bảy mươi hai tuổi còn hơn.”
Tống Kim than thở trong lòng, nói với Đường Tam Bàn:
- Bảo trọng. Tôi đi đây.
Đường Tam Bàn bối rối:
- Ông Kim đừng đi. Chẳng phải ba người chúng ta là một nhóm sao?
Tống Kim nói:
- Ba ông hòa thượng không có nước uống. (*)
Ông có ở lại cũng chẳng ích gì. Vai không biết gánh, tay không biết xách, ngay cả việc kiếm tiền mà ông am hiểu nhất cũng không thể làm được, lại còn làm mất tiền. Vậy ông có thể làm gì? Ông như kẻ vô tích sự, sao còn mặt mũi nào ở lại.
(*) Điển tích: Ba ông hòa thượng sống cùng nhau thì ỷ lại, tị nạnh nhau nên không ai chịu gánh nước.
Đường Tam Bàn không giữ được Tống Kim. Ông đuổi theo tới cửa, Tống Kim cũng không dừng bước. Thấy ông còn muốn chạy theo, Tống Kim vỗ vỗ vai ông nói:
- Tam Bàn, ông đừng tự sát nữa, phải sống thật tốt với Hà Đại Tiến. Ông ta sẽ không để ông chết đói đâu.
- Ông Kim đừng đi. Ông nói không có thẻ ngân hàng, không có thẻ căn cước, không có sổ hộ khẩu, có thể đi đâu được?
Tống Kim lắc lắc đầu, lao mình vào trong màn mưa, rời khỏi căn nhà đất với mái ngói rêu phong này.
Đường Tam Bàn nhìn theo hồi lâu, dường như mất đi một người bạn quan trọng. Khi ông trở về phòng, Hà Đại Tiến vẫn đang vót nan trúc. Thấy ông trở vào một mình, nói nhỏ:
- Đi thì tốt hơn. Ông buồn bã gì chứ?
Đường Tam Bàn ngồi xuống cái ghế thấp, hồi lâu sau mới nói:
- Ông Kim không phải người xấu.
- Tôi biết. Nhưng độc miệng, lại còn sợ khổ.
Hà Đại Tiến vừa vót nan trúc “Vút, vút” vừa nhìn ra ngoài. Mưa to như trút nước, bong bóng phập phù, không hề có dấu hiệu tạnh, trời cũng sâm sẩm tối.
Một chốc, ông lại quay ra nhìn lần nữa, mưa vẫn chưa tạnh.
Tống Kim vẫn chưa trở lại.
Chẳng lẽ bị ông mắng nên bỏ đi thật.
Nhưng ông ta có thể đi đâu?
Hà Đại Tiến vừa vót vừa nghĩ. Con dao chẻ củi sắc bén “vút” một cái, bỗng ngón tay đau nhói. Ông cúi đầu nhìn, ngón trỏ bị rạch một vết, máu tươi trào ra, thấm đỏ cả một bàn tay.
Đường Tam Bàn đang xếp lại chỗ nan trúc ngẩng đầu nhìn lên, thiếu điều nhảy dựng:
- Ông Đại Tiến!