Ôsin Nhà Bộ Trưởng

Chương 16: Chương 16: Kiếm Đủ Tiền Chữa Bệnh Cho Cha




Những ngày tháng còn được ở lại Ngân hàng Viêm Hoàng của Vương Hãn Đông đang ngày càng ít, ông liệt kê ra những việc mình phải hoàn thành trước khi rời khỏi đây. Việc đầu tiên là khoản vốn vay của Ngũ Văn Hổ. Việc thứ hai là bảo lãnh vay vốn cho các nhà thầu và cổ đông của Công ty Kiến thiết đường cao tốc. Việc thứ ba là vấn đề sắp xếp công việc cho chính mình. Trong ba việc này, việc thứ ba là việc quan trọng nhất, nhưng lại không thể quá vội vàng, nếu hai việc trước chưa hoàn thành đã bắt ông rời nhiệm sở thì cả ông và Chương Kiến Quốc đều không cam lòng.

Việc vay vốn của Ngũ Văn Hổ tiến hành rất thuận lợi, tính tích cực của ông ta vượt ra ngoài tưởng tượng của Vương Hãn Đông. Nhưng nóng ruột quá chẳng có tác dụng gì, chiều hôm sau khi Ngũ Văn Hổ mời Vương Hãn Đông đi sauna, vừa mới tới giờ làm, ông ta đã gọi điện thoại cho Vương Hãn Đông:

- Giám đốc Vương, thủ tục vay vốn của tôi khi nào thì làm được? Vương Hãn Đông cố tình úp úp mở mở trong điện thoại:

- Tôi đang liên hệ với công ty bảo lãnh, sợ nhỡ họ có thay đổi gì đột xuất trong việc phí bảo lãnh, lại nảy sinh ra nhiều rắc rối không cần thiết. Tôi đoán bây giờ không có vấn đề gì to tát đâu. Có điều trong số những tài liệu vay vốn mà hôm qua tôi mang về, đơn xin vay vốn vẫn cần phải sửa lại. Bây giờ ông qua chỗ tôi một lát, nhân tiện mang dấu của công ty tới đây.

Ngũ Văn Hổ vừa nghe Vương Hãn Đông nói tới những rắc rối thì trong lòng đã hoảng hốt: Đoán là không có vấn đề gì to tát, là đoán? Ngộ nhỡ cái “đoán” đó thành sự thật thì sao? Không có vấn đề “to tát”, nhưng có vấn đề “nhỏ” thì sao, chẳng phải cũng sẽ gây cản trở cho việc vay vốn sao? Ngũ Văn Hổ không dám chậm trễ, lập tức lái xe tới Ngân hàng Viêm Hoàng “tấn kiến” giám đốc Vương.

Ngũ Văn Hổ vừa mới tới phòng làm việc của Vương Hãn Đông ở ngân hàng đã vội vàng hỏi:

- Chúng ta nói chuyện ở đây hay đi chỗ khác?

- Người khác thì khách tùy chủ, tôi thì chủ tùy khách. Ông thấy nói chuyện ở đâu thì được?

- Thôi cứ tới Đại Hào Hoa đi. Hộp đêm Đại Hào Hoa chỉ đông khách vào buổi tối thôi, bây giờ vắng khách lắm, ở chỗ ông thi thoảng lại có người tới làm phiền, nói chuyện không tiện lắm.

Vương Hãn Đông nghe lời Ngũ Văn Hổ, hai người lái xe tới hộp đêm Đại Hào Hoa. Tới nơi, Ngũ Văn Hổ bỗng dưng trở thành chủ, còn Vương Hãn Đông lại biến thành khách. Ngũ Văn Hổ thuê riêng một phòng kín trên tầng hai của hộp đêm Đại Hào Hoa, ông ta gọi hai ấm trà Long Tỉnh Phúc Kiến, mỗi người uống một ấm của mình cho tự nhiên. Ngũ Văn Hổ lại gọi một đĩa hoa quả lớn gồm có kiwi, nho Úc, dưa Mỹ… Hai người chờ nhân viên phục vụ mang mọi thứ lên đầy đủ rồi, Vương Hãn Đông mới lên tiếng trước:

- Giám đốc Ngũ, hôm nay tôi có tin tốt lành muốn nói với ông, không biết ông có tin tốt lành nào muốn nói với tôi không?

Ngũ Văn Hổ hôm qua sau khi cùng Vương Hãn Đông đi sauna về tới nhà, mặc dù bị Lục Lệ hành hạ cho xương cốt mỏi nhừ nhưng vẫn gọi điện thoại cho Ngũ Văn Long, kể cho ông ta về ý muốn của Vương Hãn Đông. Ngũ Văn Long nghe điều kiện mà Vương Hãn Đông đặt ra, cái giá cũng không phải quá cao, nên ngay trong điện thoại đã vui vẻ đồng ý với em trai:

- Chỉ cần Vương Hãn Đông có thể cho vay vốn thì việc nhỏ này em cứ đồng ý với ông ta.

Ngũ Văn Hổ nghĩ, có lời đảm bảo của anh mình ngày hôm qua thì câu hỏi của Vương Hãn Đông ngày hôm nay cũng không còn khó khăn với ông nữa:

- Giám đốc Vương, hôm nay tôi cũng có một tin tốt lành muốn nói với ông. Ông nói trước hay tôi nói trước?

- Vậy thì ông nói trước đi!

- Hôm qua về nhà tôi đã nói với anh tôi về yêu cầu của ông, đáp án của anh ấy chỉ có ba chữ “Không vấn đề”. Giờ tới lượt ông nói đi.

- Tin tức tốt lành của tôi là: Phí bảo lãnh của công ty đã ổn thỏa rồi, không có gì thay đổi nữa.

- Được! Công ty bảo lãnh bao giờ sẽ làm thủ tục bảo lãnh cho tôi?

Vương Hãn Đông cố ý do dự một lát:

- Ông không cần phải vội, lát nữa chỉ cần tôi gọi một cú điện thoại là người của công ty lập tức tới. Bây giờ các ông còn vài vấn đề cụ thể nữa cần giải quyết.

- Chúng tôi còn những vấn đề gì?

- Thứ nhất là công ty ông cần phải mở một tài khoản vay vốn ở ngân hàng chúng tôi. Không có tài khoản thì vốn vay để vào đâu? Có điều vấn đề này rất đơn giản, ông mang theo con dấu của công ty, lát nữa chúng ta quay về ngân hàng sẽ làm luôn. Vấn đề thứ hai hơi phức tạp một chút. Công ty bất động sản muốn vay vốn buộc phải có khoản vốn tự có là ba mươi phần trăm trở lên, bây giờ các ông đang có bao nhiêu tiền? - Vương Hãn Đông vô tình khiến Ngũ Văn Hổ chột dạ.

Ngũ Văn Hổ không dám dối trá:

- Không dám giấu ông, hiện nay công ty tôi không có tiền.

Vương Hãn Đông cố ý kéo dài giọng:

- Công ty các ông không có tiền? Vậy thì khó giải quyết đây!

Ngũ Văn Hổ sốt ruột:

- Sao lại khó giải quyết?

- Nếu khoản vốn tự có không đủ ít nhất ba mươi phần trăm thì ông không có đủ điều kiện cần thiết để vay vốn, chẳng phải là sẽ khó giải quyết sao?

- Bây giờ người ta vẫn thường nói khó khăn không nhiều bằng biện pháp, tôi tin chắc chắn giám đốc Vương có cao kiến gì đó, ông góp ý cho tôi đi!

- Trên đời này không có ngọn núi nào không trèo qua được. Cách thì vẫn có, có điều cách này là vạn bất đắc dĩ, tôi vì ông mà phải chịu nguy hiểm rất lớn, bởi vậy cần phải xem tôi có đáng để làm như vậy hay không.

- Cho dù là cách nào, chỉ cần có thể giải quyết được thì đều đáng làm thử. Còn việc ông phải chịu mạo hiểm, tôi sẽ đền bù ông xứng đáng. Ông ra giá đi! Chỉ cần ông nói ra một con số, chắc chắn tôi sẽ không nói hai lời. - Ngũ Văn Hổ là một người lăn lộn trên thương trường đã nhiều năm, luôn tin tưởng câu nói “có tiền có thể xui ma khiến quỷ”, bởi vậy khi nói chuyện, ông ta không thể rời được chữ “tiền”.

- Ông là em trai của bí thư Ngũ Văn Long. Lần này tôi có thể nghĩ cách cho ông, nhưng là vì nể mặt ông ấy, lần giúp đỡ này không liên quan gì tới tiền. Tôi giúp anh em ông làm xong việc này, bí thư Ngũ đừng qua cầu rút ván. Sự thật mất lòng, tôi cứ nói chuyện, việc cho vay và thu hồi khoản vay của ngân hàng chỉ dựa vào vài cú click chuột, trong chớp mắt là có thể hoàn thành được.

Ngũ Văn Hổ chỉ cần giải quyết được khoản vốn vay, cho dù bây giờ bắt ông ta phải gọi Vương Hãn Đông là bố, ông ta cũng cam lòng:

- Dạ vâng, dạ vâng. Ông nói xem, thao tác cụ thể như thế nào?

Cách mà Vương Hãn Đông đưa ra khiến Ngũ Văn Hổ giật mình:

- Tôi làm cho ông một hóa đơn gửi tiền ngân hàng giả trị giá 100 triệu, tờ hóa đơn giả này chỉ dùng để phô tô, sau đó sẽ hủy luôn. Dùng hóa đơn phô tô kẹp trong hồ sơ xin vay vốn của ông rồi gửi lên tổng ngân hàng phê chuẩn, như vậy có thể an toàn lừa được mọi người.

Lời nói của Vương Hãn Đông vừa dứt, Ngũ Văn Hổ đã vỗ tay khen hay:

- Hay! Đúng là cách hay! Ông đi một nước cờ tuyệt diệu. Giám đốc Vương, cứ làm như thế nhé! Tôi biết là không có việc gì làm khó được giám đốc Vương mà.

Vương Hãn Đông rất thích câu nịnh của Ngũ Văn Hổ, nhưng ông ta không hề quên mục đích chính của mình khi đến đây:

- Tôi làm như vậy thì việc của tôi ở chỗ bí thư Ngũ sẽ không có vấn đề gì chứ?

- Chuyện của ông chưa bao giờ có vấn đề gì cả, bây giờ đương nhiên lại càng không có vấn đề được, anh tôi đã đích thân đảm bảo với tôi tối hôm qua rồi. Ông cứ yên tâm đi! Tập trung toàn bộ sức lực vào việc giúp tôi vay vốn. Việc của ông tôi bao thầu, nếu không làm được ông cứ tìm tôi tính sổ! - Ngũ Văn Long nói xong bèn vỗ ngực mình để nâng cao sức thuyết phục trong lời nói.

- Hôm nay tôi tin ông một lần, sau khi về tới ngân hàng, tôi sẽ lập tức bắt tay vào việc của ông. Mọi việc trên đời này nói lạ thì cũng lạ, có những việc tưởng chừng rất đơn giản nhưng khi làm thì lại vô cùng khó khăn; có những việc nhìn tưởng chừng khó khăn nhưng thực tế lại vô cùng đơn giản, chỉ mất vài phút đã có thể giải quyết xong. Ông nói có phải thế không?

Câu nói của Vương Hãn Đông quả là nhiều hàm ý. Đương nhiên lúc này Ngũ Văn Hổ cũng cảm thấy như vậy. Hai người nói chuyện với nhau một lúc lâu, quên cả uống trà. Lúc này Vương Hãn Đông mới nhấc tách trà lên uống một ngụm:

- Trà nguội mất rồi, ông cũng uống đi, uống xong rồi về, tranh thủ thời gian làm việc. Hôm nay người chưa về, trà đã nguội. Giám đốc Ngũ, ông đừng có như vậy nhé!

Thi thoảng Vương Hãn Đông lại nói kích Ngũ Văn Hổ, Ngũ Văn Hổ chỉ đáp:

- Giám đốc Vương, những lời Ngũ Văn Hổ tôi đã nói thì như cốc nước đã hắt đi, muốn thu về cũng không được. Nếu tôi lừa ông, tôi sẽ chết không toàn thây.

Thấy Ngũ Văn Hổ thề độc, Vương Hãn Đông vội vàng nói:

- Giám đốc Ngũ, nặng lời rồi! Sao tôi lại không tin anh em ông chứ? Anh trai ông đường đường là bí thư thị ủy, nhất ngôn cửu đỉnh, đâu có nói lời rồi nuốt lời. - Trong lúc nói, Vương Hãn Đông lại kéo Ngũ Văn Long vào. - Bây giờ còn một việc quan trọng hơn, đó là vấn đề bảo lãnh khoản vốn vay cho công ty ông. Tôi sẽ lập tức gọi điện thoại mời giám đốc của công ty bảo lãnh tới đây.

Vương Hãn Đông lập tức rút điện thoại ra gọi điện cho Châu Lệ, bảo cô mang hợp đồng bảo lãnh, nhanh chóng tới tầng hai của hộp đêm Đại Hào Hoa. Trong lúc chờ Châu Lệ tới, Ngũ Văn Hổ hỏi Vương Hãn Đông:

- Người của công ty bảo lãnh sắp tới rồi, có cần gọi thêm ấm trà Long Tỉnh nữa không?

- Không cần đâu. Kí hợp đồng cũng mất không lâu thời gian, gọi phục vụ mang thêm cái chén là được rồi.

Ngũ Văn Hổ ấn chuông gọi phục vụ mang thêm bộ chén đĩa. Hai người vừa ngồi chờ vừa ăn hoa quả để giết thời gian, thi thoảng lại nói vài câu vô thưởng vô phạt.

Mười phút sau, Châu Lệ vội vàng chạy vào. Một người phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp bước vào căn phòng khiến Ngũ Văn Hổ giật mình: Những người phụ nữ xung quanh Vương Hãn Đông đều là yêu quái cả sao? Ngũ Văn Hổ vô cùng ngưỡng mộ diễm phúc mà Vương Hãn Đông có.

Ngũ Văn Hổ thấy Châu Lệ bước vào, vội vàng đứng lên chào theo phép lịch sự. Vương Hãn Đông ngồi ở đó giới thiệu:

- Đây là tổng giám đốc Châu của Công ty bảo lãnh đầu tư Tam Giang. Vị này là giám đốc Ngũ của công ty phát triển nhà đất, là em trai của bí thư Ngũ. - Châu Lệ và Ngũ Văn Hổ cùng nói mấy câu khách sáo đại loại như “Nghe tên đã lâu, xin lỗi, cảm ơn” rồi vào chỗ ngồi. Ngũ Văn Hổ rót cho Châu Lệ một tách trà:

- Cô Châu tuổi trẻ tài cao, quả là khâm phục!

Châu Lệ đáp lời:

- Nghe tiếng tổng giám đốc Ngũ đã lâu.

Vương Hãn Đông không thích những câu nói khách sáo này:

- Chúng ta mau vào chủ đề chính đi! Giám đốc Châu, cô đưa hợp đồng cho giám đốc Ngũ xem đi.

Châu Lệ đưa hợp đồng cho Ngũ Văn Hổ. Ngũ Văn Hổ xem lướt qua rồi bỏ xuống. Đây là một hợp đồng theo hình thức, cũng không có gì phải xem nhiều. Ông chỉ quan tâm tới hai chỗ quan trọng nhất là khoản tiền bảo lãnh và chi phí bảo lãnh mà thôi:

- Tôi không có ý kiến gì về bản hợp đồng này cả. Chúng ta kí thôi!

Châu Lệ và Ngũ Văn Hổ lần lượt kí tên và đóng dấu lên bản hợp đồng. Hợp đồng gồm có sáu phần, hai bên kí hợp đồng và ngân hàng, mỗi bên hai phần. Việc kí hợp đồng chỉ diễn ra trong vòng ba phút. Thông thường thì kí một hợp đồng lớn trị giá tới 300 triệu nhân dân tệ như thế này, chắc chắn sẽ phải chuẩn bị rất nhiều công đoạn, như tiến hành thẩm tra, trao đổi, bàn bạc rồi tiến hành lễ kí kết chính thức… Nhưng việc kí kết bản hợp đồng quan trọng ngày hôm nay không có khách quý, không có hoa tươi, không có tiếng vỗ tay, chỉ âm thầm được thực hiện trong hộp đêm Đại Hào Hoa.

Sau khi kí xong hợp đồng, cả ba người đều thở phào nhẹ nhõm. Hôm nay Vương Hãn Đông là người thắng lớn nhất, ông ta vừa tìm được chỗ dựa lớn là Ngũ Văn Long, lại kiếm thêm được một món hời. Ngũ Văn Hổ hôm nay lừa được một khoản vốn vay lớn, thu hoạch cũng không phải là ít, bây giờ ông ta đã có đủ tất cả, chỉ còn thiếu một ngọn gió đông, mọi người đều đang chờ văn bản phê chuẩn trên tổng ngân hàng gửi xuống.

***

Quỳnh Hoa sau khi đã có ba mươi vạn mà Từ Thẩm Bình cho đã lập tức bắt tay vào việc chuẩn bị thay thận cho thầy, chỉ cần chờ mười vạn tệ nữa là phẫu thuật thay thận có thể tiến hành. Nhưng bao giờ có nốt mười vạn cuối cùng thì Từ Thẩm Bình không hề đưa ra thời gian cụ thể. Quỳnh Hoa rất muốn nhanh chóng cho thầy làm phẫu thuật, tuần nào cũng phải tới bệnh viện ba lần lọc máu không những phiền phức mà lần nào cũng như bắt thầy cô phải chịu cực hình. Mặc dù lọc máu không bị đau đớn như nhiều cách chữa trị khác, nhưng mỗi lần trở về, Ngô Giải Phóng đều cảm thấy khó chịu trong người, nghỉ ngơi một, hai tiếng đồng hồ sau mới cảm thấy đỡ hơn. Các công việc chuẩn bị cho việc thay thận của Ngô Giải Phóng đã bắt đầu, trước tiên là tìm nguồn thận thích hợp. Bác sĩ nói pháp luật nước Trung Quốc không cho người ta thực hiện các vụ mua bán cơ quan nội tạng, bởi vậy mặc dù việc tìm nguồn thận thích hợp rất quan trọng nhưng vẫn phải bình tĩnh chờ cơ hội, cho dù có tìm được nguồn cũng chưa chắc đã thành công, không ai biết trước được điều gì. Lúc này Quỳnh Hoa mới hiểu, thay thận không chỉ là vấn đề tiền nong, trong chuyện này, không có tiền thì không được, nhưng có tiền cũng chưa chắc đã được.

Ngoài việc tìm nguồn thận để thay, Quỳnh Hoa còn phải đối mặt với một khó khăn lớn nữa: Cô nên giải thích thế nào về khoản tiền lớn để tiến hành thay thận. Đại Xuân và Quế Hương đã biết tiền này là do cô “lấy” của nhà chủ. Bây giờ chữ “lấy” đó đã biến thành chữ “kiếm”, nhưng trong tâm lí của tất cả những người nhà họ Ngô vốn xuất thân từ nông thôn, thì “kiếm” tiền còn là việc đáng bị sỉ nhục hơn cả “lấy” tiền. Cho dù thế nào, cô cũng không thể để họ biết sự thật cô làm ôsin lên giường, ít nhất thì cũng không được để Ngô Giải Phóng biết. Với tính cách của Ngô Giải Phóng, cho dù có chết, ông cũng không thèm dùng những đồng tiền bẩn thỉu mà con gái ông kiếm về để trị bệnh.

Quỳnh Hoa nghĩ hàng chục lí do, nhưng không có cái nào khiến cô thấy hài lòng, cho dù muốn thuyết phục bản thân cũng còn khó, đừng nói chi người khác. Lúc đầu cô định nói là mình trúng xổ số, nhưng một cô gái làm thuê mà trúng xổ số ngần ấy tiền, chắc chắn sẽ là tin chấn động cả thành phố, làm sao có thể giấu được. Khi đó họ càng hỏi nhiều thì lời nói dối của cô càng dễ bị phát giác. Nếu cô trúng xổ số chỉ là một tin giả, vậy thì người trên thế giới này sẽ biết hết, tới lúc đó thì biết làm thế nào? Cô lại nghĩ, đi đường nhặt được một khoản tiền lớn. Như vậy cũng không được. Trong lòng những người dân thôn dã thuần phác, nhặt được đồ của người khác không trả cho người ta thì cũng chẳng khác gì đi trộm, đi cướp. Quỳnh Hoa từ nhỏ đã nhận được sự giáo dục truyền thống, cô cũng đã từng được học bài “Nhặt được của rơi, trả người đánh mất”, một đồng tiền cũng phải giao lại cho cảnh sát, bốn mươi vạn tệ mà không giao (Quỳnh Hoa vẫn chưa biết rằng trong luật pháp còn có điều luật có liên quan tới việc “Được lợi không hợp pháp”)? Điều này rõ ràng là không cần nói cũng biết. Quỳnh Hoa nghĩ mãi mà không nghĩ ra được kế sách nào vẹn toàn. Cô nhìn đồng hồ treo tường, đã tới thời gian làm bữa tối, cô bèn vào bếp nhặt rau, rửa rau. Quỳnh Hoa vừa làm vừa suy nghĩ. Trí tuệ tới từ sự suy nghĩ, Quỳnh Hoa nghĩ một lúc lâu, cuối cùng cũng nghĩ ra một cách hay.

Nhà họ Từ rất quan tâm tới chế độ dinh dưỡng của các bữa ăn, tuần nào cũng được lên một thực đơn cố định, trong đó có một ngày phải ăn canh ba ba hoặc canh rùa đen. Quỳnh Hoa khi rửa rau ở trong bếp, nhìn thấy thực đơn ngày mai cần chuẩn bị là rùa đen. Quỳnh Hoa nhìn chữ “rùa đen” bỗng nhớ ra “con rùa vàng”, Quỳnh Hoa biết cái gì là “con rùa vàng”, tất cả là nhờ cô thường xuyên xem ti vi. Có một hôm Quỳnh Hoa nghe trong phim có một câu thoại, nhân vật nữ chính nói cô ta câu được một “con rùa vàng”. Khi đó Quỳnh Hoa không biết tại sao lại gọi như vậy, sau đó khi tới Mỹ Lô làm vệ sinh, cô có hỏi Từ Thẩm Bình, Từ Thẩm Bình cười nhạo cô ngay cả từ đơn giản như thế mà cũng không biết, “con rùa vàng” chính là một ông con rể có rất, rất nhiều tiền. Sau khi nghĩ ra “con rùa vàng”, tư duy của Quỳnh Hoa cũng trở nên rõ ràng hơn: Mình chỉ cần nói mình tìm được một người bạn trai rất giàu, số tiền này là do anh ấy cho mình, chẳng phải thế là được sao? Lúc này cô cũng ngạc nhiên với chính mình, tại sao một vấn đề phức tạp như vậy mà cô có thể giải quyết chỉ trong chớp mắt? Trong lòng cô rất vui, bèn lẩm nhẩm một bài hát mà mình được học từ khi còn nhỏ: “Em đi đường nhặt được một đồng tiền, bèn mang tới cho chú cảnh sát”…

Có điều cô gái Quỳnh Hoa hai mươi tuổi đã không còn là một Quỳnh Hoa vô tư, vui vẻ nữa rồi. Cô “lấy” chín vạn tệ dưới gầm giường, rồi lại “kiếm” ba mươi vạn tệ trên giường, bây giờ cô còn tư cách để hát câu đó sao?

Quỳnh Hoa vừa mới hát được hai câu đầu, bỗng dưng cảm thấy khó chịu, trong dạ dày có cái gì đó chua chua. Cô lập tức nôn ra ngoài, nhưng nôn rất lâu mà không thấy có gì trôi ra. Cô lại vội vàng uống một cốc nước trắng, tạ ơn trời đất là tới lúc này cô đã cảm thấy đỡ hơn. Chờ một lúc sau khi cảm giác buồn nôn qua đi, cô lại tiếp tục làm bữa tối.

***

Tối hôm đó, Từ Thẩm Bình không về nhà ăn cơm, anh và Nhan Lệ dùng Buffet tại khách sạn Cổ Đô, mỗi người hết 78 tệ. Nhan Lệ rất thích các món hải sản ở quán ăn Buffet của khách sạn Cổ Đô, lần nào tới đây cô cũng chỉ chăm chăm tới những món hải sản, ngoài mấy món này ra, tất cả những món khác đều không được cô chú ý tới, nếu không ăn tới lúc hết sạch thức ăn thì cô chắc chắn không chịu buông đũa. Hôm nay Từ Thẩm Bình tới khách sạn Cổ Đô tìm Nhan Lệ là vì muốn lấy của Nhan Lệ mười vạn tệ để đưa cho Quỳnh Hoa, như vậy anh đã hoàn thành lời hứa của mình với Quỳnh Hoa.

Từ Thẩm Bình lần nào lấy tiền cũng nói là để mua tác phẩm mới, nhưng Nhan Lệ chỉ thấy Từ Thẩm Bình mang tiền đi mà không bao giờ thấy anh mang tác phẩm mới về. Nhan Lệ tất nhiên là không thể phản đối hay hỏi nhiều về chuyện của ông chủ. Có một lần cô gọi điện thoại cho Vương Hãn Đông và nhắc tới chuyện này, Vương Hãn Đông lúc đó cảnh cáo cô:

- Em đừng nhiều chuyện. Chuyện của Từ Thẩm Bình không liên quan gì tới em. Em cứ hưởng thụ cuộc sống sung sướng của mình đi, hãy giữ chặt cái mồm của mình, nếu không em sẽ không được sống sung sướng nữa đâu.

Nhan Lệ đã làm việc ở hộp đêm Đại Hào Hoa mấy năm, cảnh tượng đáng sợ nào cô cũng đã trải qua, bởi vậy không thể nào bỏ ngoài tai những lời cảnh cáo của Vương Hãn Đông, càng không dám tỏ ra coi thường. Từ đó, ngoài những lúc ở trên giường ra, những việc khác của Từ Thẩm Bình, cô luôn giả câm giả điếc.

Từ Thẩm Bình và Nhan Lệ dùng cơm tối xong, cô đâu chịu dễ dàng thả cho anh về luôn? Từ Thẩm Bình cũng đâu phải loại người có mồi ngon ngay trước mắt mà còn buông tay? Hai người về phòng kịch chiến trên giường mấy trận, bất phân thắng bại, cuối cùng đành “bắt tay giảng hòa”.

Từ Thẩm Bình về tới nhà đã là nửa đêm. Anh dùng chìa khóa riêng mở cánh cổng nhỏ, vào trong sân rồi mới mở cổng lớn rồi đánh ô tô vào. Anh dừng xe cẩn thận, đóng kĩ hai cửa, cố ý giậm mạnh bước chân lên lầu. Từ Thẩm Bình giở chiêu này là vì Quỳnh Hoa đã nói với anh về việc Thẩm Thái Hồng “tra khảo” cô:

- Dì Thẩm hỏi hôm đó chúng ta làm gì trong sân, tôi nói với dì là đang rửa xe…

Từ Thẩm Bình biết, mẹ anh không cho phép anh và Quỳnh Hoa nảy sinh bất cứ hành vi không đoan chính nào. Hôm nay anh phải vào phòng Quỳnh Hoa đưa cho cô mười vạn tệ, anh cố ý gây ra tiếng động để chứng tỏ cho mẹ anh biết là anh đã về phòng, rồi sau đó lại nhẹ nhàng đi xuống lầu.

Anh cởi áo khoác và giày ra, đi chân trần xuống căn phòng của ôsin ở dưới tầng 1, anh gõ cửa nhè nhẹ. Quỳnh Hoa đang ngủ, bị tiếng gõ cửa làm thức giấc, cô hỏi nhỏ:

- Ai thế?

Từ Thẩm Bình cũng thì thào đáp:

- Là anh đây, Từ Thẩm Bình.

Quỳnh Hoa cảm thấy rất ngạc nhiên, nửa đêm canh ba, Từ Thẩm Bình còn định làm gì? Cô ra mở cửa cho Từ Thẩm Bình trong bộ dạng ngái ngủ. Từ Thẩm Bình chui ngay vào trong phòng, tiện tay đóng cửa lại rồi ôm Quỳnh Hoa vào lòng, tay kia giơ xấp tiền lên:

- Quỳnh Hoa, anh vừa mang mười vạn tệ về. Ban ngày đưa cho em không tiện lắm, bởi vậy bây giờ đành len lén mang vào đây.

Quỳnh Hoa thoát ra khỏi vòng tay của Từ Thẩm Bình, nhận tiền rồi đặt lên bàn:

- Cảm ơn anh Từ. Hôm nay tôi không khỏe lắm, những việc khác mai nói được không? Nếu để dì Thẩm biết là nửa đêm anh còn ở trong phòng tôi, tôi sẽ không được ở đây nữa.

Điều mà Quỳnh Hoa lo lắng cũng là điều Từ Thẩm Bình sợ hãi. Vì nửa tiếng trước anh vừa bị Nhan Lệ hành hạ tới kiệt sức, giờ cũng không có chút dục vọng nào, bởi vậy anh đành lẳng lặng đi ra khỏi phòng của Quỳnh Hoa.

***

Việc đầu tiên mà Quỳnh Hoa làm vào buổi sáng hôm sau chính là giấu mười vạn tệ mà Từ Thẩm Bình đưa cho. Cô học theo cách của Thẩm Thái Hồng, cũng đặt một cái hộp giấy nhỏ dưới gầm giường. Cô kéo cái hộp giấy ra, mở nắp, ba mươi vạn mà Từ Thẩm Bình đưa lúc trước đang lặng lẽ nằm trong hộp, thêm vào mười vạn tệ ngày hôm nay, vậy là cái hòm giấy đã sắp đầy, điều này dường như muốn ám chỉ với Quỳnh Hoa rằng: Tiền thay thận cho cha đã đủ rồi. Quỳnh Hoa nhìn số tiền trong cái hòm giấy, trong lòng vô cùng phức tạp: Thầy mình được cứu rồi! Nhưng cô cũng trở nên sa đọa hơn! Một giọt nước mắt nhỏ xíu hiện dần lên từ đáy mắt. Cô không biết đây là những giọt nước mắt vui mừng hay đau khổ.

Quỳnh Hoa nghe thấy tiếng động ở trên lầu, biết là vợ chồng Từ Văn Tuấn đã dậy. Cô vội vàng giấu cái hộp giấy vào gầm giường, mở cửa đi ra nhà bếp, chuẩn bị đồ ăn sáng cho mọi người. Khi họ dùng bữa sáng, Quỳnh Hoa nói với Thẩm Thái Hồng:

- Ngày mai là thứ bảy, cháu xin nghỉ một ngày để đi thăm thầy cháu. Hôm nay cháu sẽ chuẩn bị đầy đủ rau quả và thức ăn cho ngày mai, để vào tủ lạnh.

Bởi vì mỗi tháng đều có một ngày nghỉ theo đúng quy định nên Thẩm Thái Hồng vui vẻ đồng ý. Quỳnh Hoa chờ cả nhà họ đều đã đi làm rồi mới trở về phòng mình, lôi cái hộp giấy dưới gầm giường ra. Vì tiền đã có đủ, cô muốn mang số tiền này ra khỏi nhà họ Từ. Cô làm như vậy, thứ nhất là vì có tật giật mình, sợ bị Thẩm Thái Hồng tình cờ phát hiện ra một khoản tiền lớn trong phòng mình, tới lúc đó không nói rõ được thì sẽ gặp chuyện lớn. Thứ hai là để tiền ở chỗ khác, lúc cần dùng tới sẽ thuận tiện hơn, không cần lén lét lút lút về nhà lấy tiền như một kẻ trộm. Quỳnh Hoa “có tật giật mình” nhưng lại không chịu “như một kẻ trộm”, đó chính là chỗ đáng yêu và ngây thơ của cô.

Quỳnh Hoa sợ ngày mai chuyển số tiền này đi sẽ không thoát được cặp mắt dò xét của Thẩm Thái Hồng, cô nghĩ hôm nay cứ làm trước một bước. Chờ mọi người đi hết, Quỳnh Hoa tìm mấy tờ báo cũ gói cẩn thận cái hộp giấy nhỏ, sau đó lại dùng dây ni lông buộc chặt, số dây còn thừa để làm quai xách. Quỳnh Hoa ra bến xe buýt trước cửa nhà, đi thẳng tới khu biệt thự phía đông. Lần này trước khi đi, Quỳnh Hoa không gọi điện cho Đại Xuân, thứ nhất là mục đích chuyến đi không thể nói rõ trong điện thoại; thứ hai là Quế Hương cả ngày làm lao công trong tiểu khu, muốn tìm thấy chị cũng dễ, bởi vậy cô không gọi điện trước cũng không sao.

Đúng như Quỳnh Hoa dự đoán, cô vừa xuống xe buýt, đi vào tiểu khu đã gặp ngay Quế Hương đang bận rộn làm việc. Quế Hương thấy Quỳnh Hoa tới thì vui lắm, bỏ việc rồi đưa Quỳnh Hoa xuống căn nhà nhỏ của họ dưới tầng hầm. Vào phòng, Quỳnh Hoa đặt cái hộp giấy vào một góc nhỏ trong phòng, nói với Quế Hương:

- Hôm nay em tới chẳng có chuyện gì quan trọng, chỉ có cái hộp giấy nhỏ gửi chỗ anh chị. Lát nữa em còn phải về làm bữa trưa, không thì ông bà chủ lại mắng.

Quỳnh Hoa gửi hộp tiền ở đây thì rất yên tâm. Người nhà quê mặc dù rất tò mò nhưng lại rất cổ hủ, họ không bao giờ tùy tiện động vào đồ mà người khác đã gửi.

Quế Hương thấy Quỳnh Hoa chỉ vì một việc nhỏ này mà tới nên không giữ cô lại:

- Vậy em mau về làm bữa trưa đi, chị cũng không dám giữ em lại. Hôm nào có thời gian thì tới đây, cả nhà mình phải sum họp một bữa.

- Ngày mai em được nghỉ, trưa em sẽ tới mời chị với anh Đại Xuân ăn cơm.

Quế Hương nói khi Đại Xuân tan ca quay về, cô sẽ nói lại với anh về ý của Quỳnh Hoa. Quỳnh Hoa và Quế Hương tạm biệt nhau, vội vội vàng vàng đi làm việc của mình.

***

Hôm sau là thứ bảy, các bệnh viện lớn nhỏ trong thành phố vẫn mở cửa như bình thường. Sáng sớm, Quỳnh Hoa đã vội vàng đi ra khỏi nhà họ Từ, không ăn sáng cùng với họ mà ăn mấy thứ linh tinh dọc đường, sau đó tới Bệnh viện Nhân dân thành phố. Quỳnh Hoa từ sau hôm bị nôn, cứ tưởng rằng do mình không khỏe, khi nào khỏi rồi sẽ tự hết, nhưng liên tiếp mấy ngày liền cô vẫn thấy có triệu chứng này, bởi vậy tới bệnh viện khám xem sao, nhỡ có bệnh gì còn phát hiện ra sớm.

Quỳnh Hoa hỏi thăm bác sĩ ở bàn tư vấn: Bị nôn thì nên tới khoa tiêu hóa. Quỳnh Hoa nghe theo sự hướng dẫn của bác sĩ bệnh viện, xếp phiếu xin khám ở khoa tiêu hóa. Bây giờ áp lực cạnh tranh trong xã hội rất lớn, bởi vậy những người mắc các bệnh liên quan tới đường tiêu hóa vô cùng nhiều. Quỳnh Hoa chờ trước cửa phòng của khoa tiêu hóa hơn một tiếng đồng hồ mới tới lượt mình được khám. Người khám bệnh cho Quỳnh Hoa là một nữ bác sĩ không còn trẻ lắm. Quỳnh Hoa kể triệu chứng bệnh của mình xong, bác sĩ bảo cô nằm xuống giường, dùng tay bóp bụng cô, rồi dịch dần lên phía trên. Bác sĩ kiểm tra xong, hỏi Quỳnh Hoa:

- Gần đây kinh nguyệt có bình thường không?

Nghe bác sĩ hỏi vậy, Quỳnh Hoa mới nhớ ra, lẽ ra mấy ngày này phải có rồi, nhưng mà không thấy gì. Kinh nguyệt của Quỳnh Hoa trước nay vốn không theo quy luật, có tháng đến sớm vài ngày, có tháng lại đến muộn vài ngày, bởi vậy cô cũng không chú ý lắm:

- Lẽ ra mấy hôm nay phải có, nhưng mà không thấy.

Bác sĩ nhanh chóng viết cho Quỳnh Hoa một giấy giới thiệu xét nghiệm:

- Cô đi xét nghiệm đã, xét nghiệm nước tiểu.

Quỳnh Hoa khó hiểu:

- Dạ dày không thấy khó chịu, sao lại phải xét nghiệm nước tiểu?

Bác sĩ một buổi sáng phải khám cho mười mấy người, không có thời gian để giải thích nhiều cho Quỳnh Hoa:

- Cô đừng có đứng ở đó nữa, bảo đi xét nghiệm nước tiểu thì cứ đi đi. Người bệnh tiếp theo.

Quỳnh Hoa thấp thỏm cầm tờ giấy xét nghiệm, tới phòng xét nghiệm lấy một cái cốc rồi đi vào nhà vệ sinh nữ.

Quỳnh Hoa mang cốc đựng nước tiểu tới phòng xét nghiệm, sau đó ngồi ngoài chờ đợi. Nửa tiếng đồng hồ sau, kết quả xét nghiệm đã có. Trên giấy xét nghiệm đóng một cái dấu màu xanh: Mang thai sớm, dương tính. Quỳnh Hoa chỉ biết mang thai là mang thai, không biết mang thai với mang thai sớm có giống nhau không? Lại còn dương tính có nghĩa là gì? Những cái này đành phải đi hỏi bác sĩ.

Quỳnh Hoa cầm giấy xét nghiệm quay lại phòng khám vừa nãy. Bác sĩ nhận tờ giấy, xem một lát rồi nói:

- Bệnh này của cô không khám ở đây. Giờ cô xếp số tới khám ở khoa phụ sản.

Quỳnh Hoa lập tức thấy khó hiểu:

- Sao cơ?

- Cái gì mà sao cơ? Trên giấy xét nghiệm ghi rõ cô có thai rồi. Cô không bị bệnh tiêu hóa. Hiểu không hả?

Quỳnh Hoa sững sờ đứng im, dường như cả bầu trời đã sụp xuống. Cho tới lúc một người khác đi vào phòng khám và đụng phải cô, cô mới hoàn hồn.

Quỳnh Hoa thất thểu bước ra khỏi phòng khám, cho tới khi đi tới quảng trường trước bệnh viện, ngồi bệt xuống bậc cấp. Tâm trạng cô rối như tơ vò, cô cần thời gian để đầu óc bình tĩnh trở lại. Giờ cô không muốn đi khám ở khoa phụ sản nữa, nếu thực sự mang thai, vậy thì cô không cần phải tìm bác sĩ phụ khoa, trừ phi cô muốn phá bỏ nó. Cô tự hỏi lòng mình, tính tới ngày hôm nay, cô chỉ ngủ với mỗi Từ Thẩm Bình, cha của đứa bé này chắc chắn là anh ta, có nên nói với anh ta chuyện cô đã mang thai không? Nếu bỏ đứa bé này đi, có cần bàn bạc với anh ta không? Đối với một loạt những câu hỏi này, Quỳnh Hoa không biết phải trả lời thế nào. Cô lại đi vào đại sảnh của bệnh viện, nhìn chiếc đồng hồ treo trên tường, đã không còn sớm nữa, cô đã hứa là trưa nay sẽ mời Đại Xuân và Quế Hương ăn cơm, bây giờ cô phải đi tới chỗ họ đã.

Trên chuyến xe buýt đi tới chỗ Đại Xuân, Quỳnh Hoa luôn nghĩ: Mục đích ban đầu cô muốn mời Đại Xuân và Quế Hương ăn cơm là vì cô muốn kể cho họ nghe câu chuyện về một “con rùa vàng”. Nếu họ tin lời cô thì cô có thể yên tâm đưa số tiền trong cái hộp giấy cho Đại Xuân giữ. Mấy ngày nữa Đại Xuân sẽ kể câu chuyện “con rùa vàng” cho thầy cô và Kim Hoa nghe, chắc chắn hai người họ sẽ tin lời Đại Xuân nói. Bây giờ lại xảy ra chuyện này, khiến kế hoạch ban đầu của cô rối loạn hết cả. Hôm nay cô biết nói với Đại Xuân và Quế Hương thế nào đây?

Xe dừng trước cổng tiểu khu, Quỳnh Hoa xuống xe. Cô không đi thẳng tới chỗ Đại Xuân mà men theo con đường gần đó, đi tới một bãi cỏ ở cạnh hồ Đông rồi ngồi xuống. Cô nghĩ trước tiên phải cân nhắc xem nên nói những cái gì rồi mới tới gặp họ.

Mặt hồ phẳng lặng như một tấm gương, in bóng trời xanh, mây trắng. Cách đó không xa, ngọn núi Đông xanh ngắt. Quỳnh Hoa không có tâm trạng nào để thưởng thức cảnh đẹp này, chỉ chìm đắm vào những suy tư của riêng mình. Lúc này, cô ao ước biết bao có một vị tiên nào đó đột nhiên hiện ra và chỉ dẫn cho cô những bước tiếp theo, hoặc có một chàng hoàng tử bạch mã nào đó xuất hiện và đưa cô ra khỏi tình cảnh này. Nhưng giờ đã là giữa trưa, ngoài những cơn gió nhẹ thi thoảng làm mặt hồ gợn sóng lăn tăn, xung quanh cô không một bóng người. Sau một hồi suy nghĩ, cô quyết định làm người thật thà, có gì nói nấy, cứ nói thật mọi việc với Đại Xuân, nhưng yêu cầu anh không được nói chuyện này với Kim Hoa và thầy cô, Ngô Giải Phóng.

Quỳnh Hoa giống như một tên tội phạm đã quyết định ra tự thú, sau khi đã hạ quyết tâm, linh hồn cô như được cứu rỗi, áp lực tâm lí cũng nhẹ nhàng hơn. Thậm chí cô còn có cảm giác mong muốn mau chóng được ăn cơm cùng Đại Xuân và Quế Hương.

***

Quỳnh Hoa tìm Đại Xuân và Quế Hương, ba người cùng tới một tiệm cơm do một người nhà quê lên thành phố mở. Đó là một quán ăn của đôi vợ chồng người Giang Nam mở ra, người đầu bếp là ông chồng, chạy bàn là bà vợ, chỉ có điều họ mặc quần áo nông dân, nhưng lại đội cái mũ trắng cao cao của đầu bếp, cách ăn mặc không ra tây, chẳng ra ta này khiến người khác nhìn vào phải bật cười.

Giờ cơm trưa nên quán cơm rất đông khách, bọn Quỳnh Hoa tìm được một chỗ khá yên tĩnh rồi ngồi xuống. Quế Hương thấy rất tò mò khi Quỳnh Hoa tìm được một chỗ như thế này:

- Quỳnh Hoa, sao em biết ở đây có một quán cơm? Quỳnh Hoa nói:

- Tiết mục “Ẩm thực” trên ti vi có nói tới quán cơm này. Em rất hay xem chương trình đó để học nấu ăn.

Nhân viên phục vụ của quán cơm mang trà lên mời mọi người. Trong lúc chờ thức ăn, Quỳnh Hoa nói:

- Hôm nay em có một chuyện vô cùng quan trọng cần phải nói. Khi em nói, anh chị đừng hỏi gì cả, có chuyện gì thì chờ em nói xong hãy hỏi.

Quỳnh Hoa vừa nói đã tỏ ra quá thẳng thắn khiến Đại Xuân cảm thấy không bình thường, chắc chắn là Quỳnh Hoa đã xảy ra chuyện gì đó bất thường. Anh bắt đầu cảm thấy bất an:

- Quỳnh Hoa, em làm sao thế?

- Anh chị đừng sốt ruột! Để em từ từ nói!

Quỳnh Hoa cúi thấp đầu kể hết cho Đại Xuân và Quế Hương nghe những việc xảy ra ở nhà họ Từ. Từ “lấy” tiền cho tới “kiếm” tiền, không giấu giếm điều gì. Chỉ có điều khi nói tới kết quả kiểm tra ở bệnh viện ngày hôm nay, cô ngập ngừng một hồi lâu mới nói nên lời. Đối với một cô gái ở nhà quê ra tỉnh như Quỳnh Hoa, chưa có chồng mà đã mang thai dù sao cũng là một việc vô cùng nhục nhã.

Quỳnh Hoa nói xong mới chậm chạp ngẩng đầu lên, chỉ thấy sắc mặt Đại Xuân tái xanh, Quế Hương thì kinh ngạc tới mức quên cả ngậm miệng lại. Mọi người ngồi một lúc lâu, không ai nói với nhau câu nào, cứ như thể không khí đã ngưng đọng, thời gian đã ngừng trôi.

Nhân viên mang thức ăn lên phá vỡ sự im lặng của bàn ăn. Đại Xuân nói:

- Chúng ta ăn cơm trước, ăn xong rồi nói sau.

Ba người cắm cúi ăn cơm. Thức ăn ở đây đã không còn sức hấp dẫn gì với họ. Lúc này tâm trạng của cả ba người đều vô cùng tồi tệ, cho dù thức ăn có ngon, có thơm đến đâu đi nữa thì cũng không thể kích thích được dạ dày của họ. Quỳnh Hoa chỉ lùa vội mấy miếng cơm vào miệng rồi buông bát đũa, sau đó tới Quế Hương, Đại Xuân cũng chỉ ăn có nửa bát. Thức ăn vẫn còn ê hề. Khi Quỳnh Hoa gọi nhân viên lên tính tiền, đây là lần đầu tiên người ta thấy thức ăn còn nhiều như thế, bèn hỏi:

- Đồ ăn hôm nay không hợp với khẩu vị của quý khách sao? Thức ăn còn thừa có cần mang về không?

Đại Xuân buồn bã đáp:

- Anh thu tiền là được rồi, nói nhiều quá. Đồ ăn còn thừa mang nuôi lợn hết, chúng tôi không cần.

Nhân viên bị mắng không dám nói gì thêm, vội vã thu tiền, dọn thức ăn và “biến”.

Quỳnh Hoa cùng hai người kia trở về tiểu khu. Đại Xuân vào phòng bảo vệ xin phép chiều nay tới muộn một chút, sau đó đưa Quỳnh Hoa và Quế Hương tới bên hồ Đông.

Đại Xuân, Quỳnh Hoa và Quế Hương cùng tìm một chỗ sạch sẽ trên thảm cỏ ven hồ Đông rồi ngồi xuống. Quỳnh Hoa cúi thấp đầu, Quế Hương nhìn Quỳnh Hoa, Đại Xuân thì nhìn chăm chăm ra mặt hồ, không ai muốn là người đầu tiên lên tiếng. Ba người chìm vào sự lạnh lẽo vô bờ, cuối cùng vẫn là Đại Xuân nói trước:

- Quỳnh Hoa, sự việc đã tới nước này, anh nói cái gì cũng là thừa. Em nói xem, sau này em định thế nào?

- Bây giờ em cũng không biết phải làm thế nào! Nếu không mang thai thì em đã tính toán xong xuôi rồi: Trong cái hộp giấy nhỏ mà hôm qua em mang tới có bốn mươi vạn tệ, đủ cho thầy em thay thận. Em bịa một câu chuyện, chỉ nói là đã có đối tượng, là một ông chủ lớn, số tiền này là anh ấy cho, coi như là chút thành ý để giúp cha vợ tương lai trị bệnh, hi vọng ông được sống mấy năm tuổi già nhàn hạ và hạnh phúc. Câu chuyện này anh chị cũng biết là giả, nhưng nếu nói với thầy em và Kim Hoa như thế, chắc chắn họ sẽ tin. Nếu thầy em mà biết tiền chữa bệnh là do em “kiếm” được, chắc chắn thầy em sẽ chết vì tức mất thôi. Tính thầy em em biết, thà chết chứ không dùng đồng tiền bẩn thỉu để thay thận, nếu thế thì chính là em hại chết thầy em. Thầy em mà chết rồi, em cũng không muốn sống nữa. Hôm nay phát hiện ra mình mang thai, chưa bao giờ gặp tình cảnh này nên em cũng không biết làm thế nào.

Quế Hương là phụ nữ, dầu sao cũng cảm thông sâu sắc:

- Lần đầu tiên em gặp phải chuyện này, vậy em định có lần thứ hai sao? Có một lần đã đủ lắm rồi, đừng để có lần sau. Chẳng phải em mang thai đứa con nhà họ Từ sao? Thằng nhóc đó vẫn chưa có vợ phải không? Vậy thì bảo nó lấy em. Bây giờ chưa chồng đã có thai không phải là chuyện gì mới mẻ cả, không cần phải lo.

Đại Xuân trong lòng vẫn còn lửa giận, Quế Hương nói như vậy khiến anh càng giận dữ hơn:

- Quế Hương, em chưa hiểu rõ sự việc thì đừng có nói bừa. Thằng nhóc nhà họ Từ liệu có tình cảm thật với Quỳnh Hoa không? Anh thấy nó chỉ là hạng háo sắc, thích chơi gái mà thôi. Em mở to mắt ra mà nhìn, nhà họ Từ là người như thế nào? Chúng ta là người như thế nào? Có giống nhau không? Người ta vẫn nói: Môn đăng hộ đối. Anh thấy Quỳnh Hoa chỉ có thể chịu nhục, phá cái thai đi, cũng không làm ôsin nữa. Ít nhiều gì thì Quỳnh Hoa cũng đã lấy tiền nhà họ, mọi người hòa nhau, chẳng ai nợ nần ai nữa.

Quế Hương vẫn cho rằng Từ Thẩm Bình nên lấy Quỳnh Hoa:

- Vậy cứ bỏ qua cho thằng nhóc đó sao? Nó ngủ với con gái người ta rồi, tưởng ném ra mấy đồng tiền thối là xong hả? Em thấy cứ để Quỳnh Hoa sinh con ra, tới lúc đó nhà họ Từ không muốn nhận cháu cũng không được. Bây giờ trên pháp luật có quy định, trẻ con cho dù là sinh sau khi kết hôn hay là con riêng, đều được hưởng quyền lợi như nhau. Nhà họ Từ chẳng phải có nhiều tiền lắm sao? Quỳnh Hoa cứ nuôi con cho lớn rồi tới nhà họ đòi chia tài sản.

Đại Xuân dở khóc dở cười trước ý kiến của Quế Hương:

- Quế Hương, em nói nghe thì dễ lắm, nhưng Quỳnh Hoa vẫn còn là một đứa trẻ con, bắt nó phải nuôi một đứa trẻ bé hơn, có dễ dàng không? Muốn chia tài sản thì ít nhất cũng phải chờ đứa bé lớn lên, phải mất mười mấy năm nữa! Lại còn phải chờ người nhà họ Từ chết rồi thì mới thừa kế được! Thế thì phải chờ tới năm nào tháng nào? Nếu tới lúc đó nhà họ Từ không chịu thì biết làm sao?

Quế Hương đã xem trên ti vi mấy vụ giám định ADN. Chẳng hiểu người bây giờ làm sao nữa, hở một chút là lôi những mâu thuẫn gia đình lên ti vi, hở một chút là mang đi giám định huyết thống, đúng là loạn cả, Quế Hương cũng nhiễm chút tuyên truyền pháp luật trên ti vi, biết rằng con riêng và con chung có quyền lợi như nhau đã là một bước tiến bộ lớn, cô còn biết cả việc “giám định ADN”, thêm cả bằng chứng khoa học, thế là càng tỏ ra tự đắc:

- Tới lúc đó không sợ nhà họ Từ không chịu nhận, họ mà dám giở trò, chúng ta kiện ra tòa và yêu cầu đi xét nghiệm ADN.

Kiến thức pháp luật của Quế Hương dù sao cũng chỉ có hạn, cô không biết là việc xét nghiệm ADN là do cơ quan pháp y và cơ quan y tế thực hiện. Đại Xuân thấy Quế Hương càng nói càng hăng, càng nói càng phi thực tế:

- Em đừng có nói mấy câu vô dụng. Vấn đề trước mắt là lúc nào đi phá thai. Con gái chưa chồng đã có con, về quê thì biết để mặt mũi vào đâu?

- Sao em lại nói linh tinh? Câu nào em nói vô dụng hả?

Quỳnh Hoa ngồi im không lên tiếng, để mặc hai vợ chồng Đại Xuân tranh luận gay gắt với nhau. Đại Xuân vẫn nhớ chiều nay mình phải đi làm, không muốn tranh cãi với Quế Hương nữa, bởi vậy anh quay sang hỏi Quỳnh Hoa:

- Quỳnh Hoa, em nghĩ thế nào?

- Em nghĩ anh Đại Xuân nói đúng. Cho dù thế nào thì con gái chưa chồng đã sinh con đều là chuyện rất mất mặt. Nhưng đứa trẻ trong bụng em cũng có phần của nhà họ Từ, em muốn nói cho họ về việc đứa bé này. Nếu họ không chịu nhận thì em phá nó đi.

Đại Xuân nói:

- Chẳng cần hỏi cũng biết, chắc chắn nhà đó không chịu nhận đâu. Nhưng em cứ hỏi đi cũng được, chúng ta nói cho họ biết là đã cạn nhân nghĩa, nếu em thực sự phá cái thai đi thì họ cũng không nói được gì. Có điều có một vấn đề mà em phải cẩn thận. Mặc dù nhà họ Từ là quan lớn trong thành phố, với mức lương của họ thì chắc chắn không thể có nhiều tiền như thế. Người không có tiền không giàu, ngựa không có cỏ không béo. Những đồng tiền không rõ lai lịch của nhà họ Từ càng nhiều thì sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra chuyện. Em dùng tiền của họ, cũng là đồng phạm. Anh thấy chờ bệnh của thầy em ổn định rồi thì bỏ nhà đó đi. Nhà họ Từ là chốn thị phi, không thể ở lâu được!

Quỳnh Hoa gật đầu đồng ý. Cô lại dặn dò Đại Xuân và Quế Hương tuyệt đối không được hé ra nửa lời về việc này với Kim Hoa và Ngô Giải Phóng, ngoài ra tiền trong cái hộp giấy phải cất cẩn thận, không được để mất. Đại Xuân đồng ý với cả hai yêu cầu này của Quỳnh Hoa. Ba người sau khi đã phân tích việc mang thai ngoài ý muốn của Quỳnh Hoa, tạm thời cũng chỉ đưa ra được biện pháp giải quyết này. Xong việc, cả ba chia tay nhau ở hồ Đông, Đại Xuân và Quế Hương về tiểu khu, còn Quỳnh Hoa vào siêu thị đối diện tiểu khu mua một ít hoa quả, thức ăn và một cái thắt lưng, tới thăm thầy cô, Ngô Giải Phóng.

Khi Quỳnh Hoa tới căn nhà trọ đã thuê cho Ngô Giải Phóng mấy tháng trước, thấy Kim Hoa đang ngồi ngoài sân giặt quần áo. Cô nhìn thấy em gái tới, vội vã đứng lên rồi đỡ mấy túi đồ trong tay Quỳnh Hoa, dẫn Quỳnh Hoa vào nhà. Quỳnh Hoa vừa vào tới nhà đã gọi “thầy”. Ngô Giải Phóng lúc này đang xem ti vi, mặc dù cái ti vi hơi cũ, hơi nhỏ nhưng vẫn có màu, Ngô Giải Phóng vô cùng thỏa mãn. Ngày xưa còn ở thôn Hạo Sơn, ông chỉ hút thuốc lào, nhưng giờ đã chuyển sang hút thuốc lá. Ông rất thích thuốc lá hiệu “Đại Tiền Môn”, không phải thuốc này thì ông kiên quyết không hút. Lí do ông đưa ra vô cùng đơn giản, thứ nhất là giá cả phải chăng, một bao thuốc mới có 1,8 tệ; thứ hai là cũng hợp khẩu vị của ông. Chỉ cần hai lí do này, cho dù đặt thuốc lá “Trung Hoa” bên cạnh Ngô Giải Phóng, ông cũng không thèm động tới. Một sự thay đổi nữa của Ngô Giải Phóng từ khi vào thành phố là có sự tiến bộ về quan niệm. Việc Quỳnh Hoa nhuộm tóc màu nâu, ông nhìn lâu rồi cũng không thấy ngứa mắt nữa. Rồi đi trên đường nhìn thấy những cô gái chỉ mặc một cái váy ngắn, nhiều lúc lộ cả mông ra, nhưng ông nhìn nhiều cũng quen. Một chức năng rất quan trọng của thành phố lớn, chính là giúp anh em nông dân thay đổi quan niệm một cách nhanh chóng, đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa nông thôn.

Kim Hoa đặt túi đồ Quỳnh Hoa mang tới lên chiếc bàn vuông ở giữa nhà, sau đó mang cho Quỳnh Hoa một chiếc ghế, kéo em gái ngồi xuống. Không cần Kim Hoa nói, Quỳnh Hoa cũng nhận ra tình trạng sức khỏe của thầy cô dạo này khá tốt, tâm trạng cũng thoải mái, bởi vậy những câu thăm hỏi thông thường có lẽ là không cần nữa. Ngô Giải Phóng thấy con gái út tới chơi thì mừng lắm. Người con mà ông thương yêu nhất chính là Cùng Hoa, nhưng bây giờ cô đã không còn là một con nhóc quê mùa quanh năm sống ở thôn Hạo Sơn nghèo khó nữa rồi, mà cô đã thành một người thành phố với cách ăn mặc hoàn toàn khác, từ trong thâm tâm của mình, ông cảm thấy rất hãnh diện về Quỳnh Hoa. Quỳnh Hoa nói:

- Thầy, con có một tin vui muốn nói với thầy, không, phải là hai tin vui. Thầy muốn nghe tin nào trước?

Cho dù là người lớn tuổi đến đâu thì đứng trước mặt cha mẹ vẫn chỉ là trẻ con. Không ai hiểu con bằng tấm lòng cha mẹ, Ngô Giải Phóng cũng vậy. Tính cách nghịch ngợm hồi nhỏ của Quỳnh Hoa lúc này lại lộ ra. Ông nói:

- Nói tin tốt hơn trước, còn tin tốt vừa vừa thì nói sau.

Quỳnh Hoa bắt đầu làm nũng:

- Nhưng người ta không thích! Người ta thích nói tin tốt vừa vừa trước.

Kim Hoa cũng bật cười trước hành động của em gái:

- Chẳng phải nói là để cho thầy chọn sao? Sao giờ lại nuốt lời hả?

- Em thích nói tin tốt vừa vừa thì sẽ nói tin đó trước. Kim Hoa, chị nghe nhé, tin tốt này là em mua cho thầy một… - Quỳnh Hoa cố ý dừng lại không nói tiếp.

Kim Hoa sốt ruột:

- Thuốc lá? Cùng Hoa, đừng giả vờ nữa, em mua cho thầy cái gì?

- Không phải là thuốc lá, mà mua cho thầy một sợi dây lưng. - Quỳnh Hoa lấy ra một chiếc dây lưng từ chiếc túi khoác theo bên mình, đưa cho Ngô Giải Phóng.

Ngô Giải Phóng nhận cái thắt lưng, cười hạnh phúc. Ngày trước ông chỉ thấy các cán bộ xã đeo thắt lưng, ngay cả trưởng thôn Hạo Sơn cũng làm gì có thắt lưng mà đeo, chỉ dùng một sợi dây màu đỏ để buộc quần. Ngô Giải Phóng đặt cái thắt lưng vào lưng mình đo thử, đóng khóa lại, sau đó ném sợi vải đen mà mình đã đeo nhiều năm đi.

Quỳnh Hoa lại lấy ra một lọ sữa rửa mặt, đưa cho Kim Hoa. Cái này là mấy ngày trước cô ra phố, đặc biệt mua cho Kim Hoa. Lúc mọi người đang hân hoan vì nhận được quà thì Quỳnh Hoa nói:

- Bây giờ con nói tin tốt lành. Tin tốt là tiền thay thận cho thầy đã có hi vọng rồi.

Quỳnh Hoa hôm nay chỉ nói là “đã có hi vọng” là vì muốn thăm dò trước, vì sợ tới lúc Ngô Giải Phóng phải thay thận mà lại có việc gì đột ngột xảy ra thì khó mà giấu được ông.

Kim Hoa hỏi:

- Hi vọng gì?

- Em có một người bạn rất giàu, anh ấy đồng ý giúp đỡ.

Ngô Giải Phóng không mấy tin tưởng vào những việc may mắn tới quá dễ dàng:

- Người này như thế nào? Sao anh ta lại giúp chúng ta? Giúp cái gì?

- Bây giờ chỉ là có khả năng thôi, con có nói là chắc chắn người ta sẽ giúp đâu. Có chút hi vọng thì dù sao cũng hơn là không có hi vọng.

Kim Hoa dựa vào trực giác của phụ nữ, lại hỏi:

- Người giàu có này có phải bạn trai của em không? Anh ta muốn cưới em hả?

Quỳnh Hoa chỉ đành tiếp tục diễn kịch:

- Bây giờ vẫn chưa thể coi là bạn trai được, chỉ có điều quan hệ đôi bên khá tốt. Em cũng cảm thấy anh ấy có ý đó. Em nói tới chuyện của thầy, anh ấy bảo sẽ cố gắng giúp đỡ. Chỉ thế thôi.

Nghe nói Quỳnh Hoa có bạn trai, Ngô Giải Phóng đương nhiên là rất vui:

- Nếu đã có ý đó rồi thì hôm nay đưa đến đây cho thầy xem mặt.

Ngô Giải Phóng lại ra cho Quỳnh Hoa một câu hỏi khó: Tiền thì đúng là cô đã có, nhưng cô biết đi đâu tìm người bạn trai do chính mình hư cấu nên đây?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.