Phi cơ đáp xuống sân bay riêng của họ Võ Gia vào đúng 5h chiều. Cái nóng oi bức của ngày hè trên đất Việt dường như không tồn tại nơi đây. Gió lồng lộng vuốt ve cây cối, tạo nên những thanh âm huyền bí, khơi gợi khát khao tìm về cội nguồn nơi con người xứ nắng. Thanh bình đến khó tả. Quả thật là nơi rất thích hợp để an dưỡng bệnh tật.
Cửa phi cơ hé mở, thang được đẩy đến, Luigi cùng một số tùy tùng đem hành lý tiến xuống xe đã đợi sẵn. Chủ nhân của họ chậm rãi bước theo phía sau, gương mặt thẫn thờ, tâm trí dường như đã lạc mất đâu đó giữa những làn gió rít và tiếng chim gọi bầy.
Chân vừa chạm xuống mặt đường thì lại bị một âm thanh khác tràn vào giật lại tâm tư.
“Chính Luận, đón lấy!”
Quay người, mọi tế bào trên cơ thể anh dường như đang ra gức gào thét. Bấn loạn vô cùng bởi cảnh tượng trước mắt.
Với biểu cảm lạnh như băng đá, gã đàn ông họ Nguyễn vươn một tay đẩy mạnh người phụ nữ bé nhỏ mình đang dìu dắt.
Cô lao thẳng xuống thang, ngã ập ngay vào lòng một người đàn ông khác – lúc bấy giờ đang dang rộng tay chờ, khuôn mặt trắng bệch không còn chút máu.
“Nguyễn–Đỗ–Văn–Thành! Anh–!”
Thanh âm nóng giận xé toạt gió phóng về phía kẻ vừa đẩy người, run rẩy mà phẫn nộ. Nếu không vì phải đỡ lấy Nguyễn Ái, Võ Gia Chính Luận đã lao mình đến gã đàn ông kia. Hắn điên rồi sao? Làm sao có thể đùa cợt kiểu này–?
“Sao rồi? Không sợ độc phát nữa sao?” một cách khoan thai, Văn Thành bước xuống những bậc thang trắng, giọng nói đều đều, mắt vẫn khóa vào con người đang tức giận, không hề có ý né tránh. “Cậu hãy nhìn lại xem, cô ta có bị rữa nát khi nằm trong vòng tay cậu không?”
“Anh vì muốn chứng minh điều đó mà liều lĩnh đẩy một kẻ không chút tự vệ xuống thang?!” Chính Luận mở to mắt, tay nắm chặt lại run rẩy, dù vẫn không thể rời khỏi sinh vật đang chui rúc vào lòng. “Anh có óc não không?! Nếu tôi chậm đi một giây thì sao?!!”
“Thì cô ta sẽ bị thương. Hoặc chết.”
“Khốn kiếp–!”
“Đúng vậy,” đưa một tay lên ra dấu ngăn cản, Văn Thành thản nhiên tiếp lời. “Trên đời này có nhiều kẻ khốn, càng có nhiều việc khốn. Hôm nay tôi đẩy Nguyễn Ái, cậu đỡ được. Một ngày nào đó cuộc sống khiến cô ta vấp ngã, với tình trạng của cậu hiện giờ, liệu có kịp bắt lấy cô ta? Nên nhớ, cuộc đời so với tôi còn tàn nhẫn hơn nhiều.”
“Muốn giáo huấn? Anh không biết dùng lời nói? Lại phải sử dụng cách chứng minh khốn nạn này?! Anh không quan tâm đến tính mạng của Nguyễn Ái hay sao?!”
“Đúng.”
“Cái gì?!”
Tay đút vào túi, Văn Thành hất đầu về phía Nguyễn Ái, thái độ hững hờ. “Tôi xem Nguyễn Ái là bạn. Nhưng trên đời này tôi có rất nhiều bạn, mất đi một vài cũng không sao. Lỡ cô ấy có chuyện, dĩ nhiên tôi buồn. Nhưng nỗi buồn cho một người bạn cũng có giới hạn. Ngược lại, cậu hãy tự hỏi bản thân sẽ ra sao nếu Nguyễn Ái không may gặp tai nạn hoặc xui xẻo hơn – lìa đời, mà cậu lại không hề làm gì để ngăn cản điều đó xảy ra…?”
Nỗi hoang mang tràn vào khiến nộ khí dịu đi đôi chút trên gương mặt gã người Ý. Anh siết chặt vòng tay hơn, bất giác lùi lại một chút, thể như e sợ con người trong lòng mình sẽ bị cướp đi bất cứ lúc nào.
“Có thể cậu là kẻ duy nhất có khả năng tổn hại cô ta sâu sắc. Nhưng thế gian này, cũng chỉ có duy nhất cậu yêu thương cô ta đủ sâu để cản ngăn những tổn hại ấy.”
Nói rồi quay gót, bỏ xa hai số phận lận đận giữa phi trường trống trải.
Võ Gia Chính Luận mắt nhắm nghiền, mặt ngửa lên đầy khổ não. Ôm được cô vào lòng, anh mới nhận ra mình nhớ cô đến mức nào. Không phải nỗi nhớ khi cách xa da thịt, mà là nỗi nhớ khi ly biệt tâm tư. Thật lạ, con người ta khi gần nhau như vậy, sao vẫn thấy xa xăm vô cùng, để rồi nhớ nhung nhau vô hạn…
Cơn thịnh nộ qua đi, cảm giác xâm chiếm cõi lòng lúc bấy giờ là nỗi sợ hãi. Anh chờ. Chờ bất cứ dấu hiệu gì của sự quỵ ngã, của sự ghê tởm, của sự bấn loạn nơi thân hình mềm mại trong vòng tay. Nhưng chúng không hề đến. Anh sợ cô đau, sợ đau khi trông thấy cô đau, sợ cả nỗi sợ cơn đau đó. Như vậy thì sao? Có lẽ Văn Thành đã đúng? – Không, anh biếtVăn Thành đã đúng. Nguyễn Ái có còn ai trên đời ngoài anh? Nếu anh cứ mãi vì sợ mất cô mà không dám tiếp xúc, chẳng khác nào ngay từ đầu anh đã mất cô thật sự?
Rúc đầu vào mái tóc đen tuyền, anh đứng sững, ôm ghì lấy cô thật lâu, cảm thấy trái tim cũng dường như sững ra.
Nếu đã dám siết chặt cô vào tim, anh còn hãi sợ gì ôm cô vào lòng?
* * *
Địa điểm dưỡng bệnh do một tay Văn Thành sắp xếp, dĩ nhiên đã được mọi thành viên trong cuộc đảm bảo tuyệt mật. Đó là một địa phương vắng vẻ, nhưng không thiếu thốn tiện nghi. Dân chúng xung quanh cũng là người miền núi thật thà, chất phát, không ai quan tâm nhiều đến những sự kiện nằm ngoài cái làng bé nhỏ của họ. Sự xuất hiện của Võ Gia nơi đây cũng chẳng phải là chuyện lạ lẫm. Người dân chung quy đã quá quen thuộc với xưởng gỗ của gia tộc này từ những ngày đầu độc lập, vậy nên cũng không lấy làm lạ trước sự xuất hiện bất chợt của những nhân vật ngoại tộc. Ngôi biệt thự mà họ thường cho là “pháo đài trắng” nằm sừng sững trên sướn đối cũng thường xuyên có người vào ra chăm chút, mặc dù chủ nhân của nó chẳng lắm khi ra mặt.
Đây vốn là nơi nghỉ mát của Võ Gia Hùng, xưởng gỗ chẳng qua được dựng lên để tạo công ăn việc làm cho người dân bản xứ, từ đó thu nhận được sự chấp nhận từ họ. Ngôi biệt thự, theo lời căn dặn của Đan Thanh Tân, đã được bài trí lại – hệt như căn hộ tại Quang Hưng, từ thảm lót cho đến bóng đèn, từ bàn ăn cho đến họa tiết trên vòi sen trong phòng tắm. Mục đích dĩ nhiên không ngoài kích thích trí nhớ kẻ từng sống trong hoàn cảnh hệt như thế.
Yên tâm vì lúc này Chính Luận đã vài phần ổn định tâm lý, Văn Thành cùng thuộc hạ của mình rời khỏi. Kẻ lưu lại chỉ có Luigi, Đan Thanh Tân và một số bác sĩ ngoại khoa. Song ngoài Đan Thanh Tân, những người còn lại Chính Luận chỉ cho phép lưu lại tại nhà nghỉ đầu thôn, tuyệt đối không bén mảng đến gần ngôi biệt thự. Anh không muốn họ khiến vợ mỉnh kinh động.
Thế rồi, cuộc sống trôi qua một cách tẻ nhạt, với những con người không–tẻ–nhạt tồn tại trong nó. Nguyễn Ái ngày qua ngày, vẫn biểu cảm đó, vẫn sự lặng thinh đó, vẫn đôi mắt vô hồn đó – đối diện với chồng mình. Ban đầu cô không hề ăn uống, vì thế cần sự trợ giúp từ phía y tế. Thời gian dần dà, tuy tinh thần không hề được khá hơn, thuốc thang và bản năng con người đã giúp cho việc tiếp nhận thực phẩm ở cô trở nên dễ dàng hơn, không cần phải nhờ đến nước biển và các phương pháp tiêm chích khác.
Trong khoảng thời gian đó, Võ Gia Chính Luận luôn ở bên cạnh cô, ngày ngày tận tình chăm sóc, từ việc ăn uống, sinh hoạt, cho đến chuyện trò về những ngày xưa cũ. Anh đưa cô đi dạo, chỉ cho xem những loài cây lạ, đêm đến lại nói với cô về những nhân vật thú vị anh đã từng gặp trong suốt năm năm qua. Chưa bao giờ Chính Luận nói nhiều như vậy, làm nhiều như vậy, lo nhiều như vậy. Gương mặt thân thương kia khi dõi về anh luôn mang vẻ lắng nghe, song anh hiểu đó chỉ là một loại phản ứng vô điều kiện. Nguyễn Ái thực chất không nghe được gì.
Anh không biết tình trạng này kéo dài đến bao giờ, có thể là vài ba tháng, có thể là cả đời. Nếu tỉnh lại cũng là vì anh, cô đã tỉnh lại từ sớm. Đằng này, cô không khác gì một đứa trẻ mắc bệnh trầm cảm, phản ứng với những chuyện thông thường tuy có, song lại cứ ảo ảo hư hư, đôi lúc lại dường như mất hẳn.
Chúng khiến anh lo sợ.
Thể như, có một lần cô muốn uống nước, cư nhiên lại biết tự giác đi lấy, song khi tay chạm đến ấm trà đang nóng lại không hề có phản ứng giật lại. Giờ phút nâng niu đôi bàn tay nhỏ bé bị phỏng rộp nặng nề, gã đàn ông đột nhiên run rẫy, chẳng biết làm gì hơn ngoài việc đau lòng.
Quá thương tâm rồi lỡ miệng mắng cô. Cô lại chẳng nghe thấy gì.
Lại đau. Lại tuyệt vọng.
Vậy mà, mỗi lần nhìn thấy ánh mắt cô đảo theo mình một cách lơ đãng, anh lại nhen nhóm lên thứ gọi là hy vọng – dù anh cũng chẳng rõ, trong mắt cô, anh chính là Chính Luận, hay chẳng qua chĩ là một vật thể biết di động cần sự chú ý.
Cô thích xem TV, có thể ngồi hàng giờ trước những hình ảnh đua nhau nhảy múa, sự chú tâm có lắm lúc khiến anh kinh ngạc. Song khi anh ngẫu nhiên chuyển đài, cô vẫn tiếp tục dõi về khoảng không trước mặt với sự tập trung không suy suyển. Dường như cô không phải đang xem, cũng chẳng phải đang nghĩ. Chỉ đơn thuần là ngồi đấy trò chuyện cùng sự thinh lặng trong tâm tư.
Anh đến phát điên mất!
“Ái à, là anh đây…”
Đã không ít lần anh mơn nhẹ trên gương mặt xanh xao kia, miệng bất thần thốt ra những từ ngữ như vỡ nát tâm can. Anh muốn cô quay lại nhìn anh, dù chỉ một lần. Anh có thể đánh đổi cả khả năng nhìn thấy của mình để điều đó xảy ra.
Song sự thật ập đến. Anh vẫn là kẻ nhìn thấy. Và cô vẫn không nhìn thấy anh.
Nếu ban ngày đã là dằn vặt tâm tư, thì đêm về lại đem đến xót xa trong giấc ngủ. Ôm thấy thân hình ấm áp vào lòng, trong tim anh không hiểu sao lại muôn phần giá lạnh. Cái lạnh không phải của sự hờ hững vô tình, mà của khi con người ta áp tay vào tảng băng tinh khiết nhất. Ban đầu là sự yên bình giả dối, sau là cảm giác tê rần, đến cuối cùng là rát bỏng muôn phần khi băng đá bắt đầu ăn sâu vào da thịt.
Anh chỉ có thể ngủ vào một khi cô đã an giấc. Giấc ngủ thường không mang theo mộng mị, song cũng chẳng hề bình yên. Ngay cả khả năng mơ anh cũng chẳng còn sở hữu nữa rồi, cho dù có về nghĩa này hay nghĩa khác.
Một lần giật mình thức giấc, không tìm thấy cô bên cạnh. Anh hoảng loạn bật dậy tìm kiếm, ruột gan không biết đã bị xé toạt bao mảnh khi trông thấy bóng lưng mảnh mai bên ngoài ban công, đôi tay run rẩy bám chặt vào thành lan can như thể đang kiềm chế bản thân.
Từ đó về sau, Đan Thanh Tân dường như không còn trông thấy anh ngủ.
Nhật ký của cô anh không dám đọc, sợ rằng những đau khổ cô lưu lại trên những trang giấy sẽ khiến sự kiên định trong anh bị nhàu nát. Anh sợ mình sẽ bỏ cuộc, sợ sự đau đớn sẽ vắt kiệt đến sức sống cuối cùng trong bản thân. Ấy vậy mà lúc đưa tay lên gạt đi những giọt nước mắt cô vô thức để rơi trong giấc ngủ, sự hối hận trong anh lại oằn lên gào thét. Anh đáng bị hành hạ như thế. Anh rất đáng.
Quyển ký thư mỏng hơn độ dày chính đáng của nó. Lúc lật ra xem thì đã mất đi một khoảng lớn. Có lẽ là khoảng thời gian Nguyễn Ái mang thai. Đan Thanh Tân đã sớm loại bỏ phần đó, hy vọng một cách mù quáng rằng: xóa bỏ những ghi chép về quá khứ là có thể xóa đi quá khứ.
Sự thật đã chứng minh, nó vốn không dễ dàng đến vậy.
Ngày…, tháng…, năm…
Luận à.
Ở đây hoa cúc dại nở rất đẹp, còn đẹp hơn cả hoa hồng đỏ chốn thành thị. Con người cũng muôn phần thân thiện, vì vậy họ còn đẹp hơn những bông hoa. Thời tiết không nóng bức như Việt Nam, cũng chẳng ồn ào, không náo động. Sự thanh bình trải ra khiến đến cả yêu đời cũng cũng trở thành một điều giản dị.
Vậy mà sao đến cả điều giản dị nhất em cũng chẳng thể tìm thấy.
Em rốt cục là vì sao đã tồn tại ở nơi đây đến cả hai năm? Một nơi không hề có anh?
Ngày…, tháng…, năm…
…Luận à, hôm nay chị Hòa bảo em: “Yêu là phải biết buông tay.”
Vậy rồi, người phụ nữ đó bỏ đi cùng một gã đàn ông khác.
Nhưng em không thể. Em không muốn buông tay, lại càng không muốn người ta buông em ra.
Vậy nên, đừng làm việc đó nha Luận…
Ngày…, tháng…, năm…
Người ta nói “Hạnh phúc là khi người mình yêu hạnh phúc.”
Nhưng tại sao khi trông thấy nụ cười rực rỡ của anh khi dắt tay người đàn bà đó bước vào nhà hát trên bề mặt tạp chí, em lại chỉ muốn phá hủy chính bản thân thứ gọi là hạnh phúc?
Anh giả dối hay thật lòng? Anh cười thật hay vờ vịt? Tại sao nó lại nồng ấm đến thế? Hay là vì bức ảnh quá nhỏ, quá mờ, và mọi chuyện là do em tưởng tượng ra? Hoặc là em đã sớm biến thành những con người ngu muội kia, một hai tin vào những gì báo chi thêu dệt?
Em muốn anh hạnh phúc. Lại không muốn anh hạnh phúc.
Không có em, anh hạnh phúc thì em biết phải làm sao đây… hả Luận…?
…
Anh biết không. Có cái đau chì chiết, có cái đau âm ĩ, có cái đau đến đốt nát tâm can. Nhưng khi em đặt bút xuống toan viết ra những dòng chữ đó, em chợt khựng lại.
Chúng thì có gì khác nhau hả anh? Đều là đau cả mà.
Em không văn vẻ, nên cũng không cách nào tìm ra tử ngữ chính xác để diễn đạt nỗi đau của mình. Nhưng em biết những cụm từ trên chẳng có chút liên hệ gì đến tâm trạng em lúc này cả.
Giả sử, ừ, cho là giả sử đi, anh sẽ hỏi em đau ra sao. Em sẽ nói: cái đau của em là cái đau trong một đêm tối trời, đứng nơi lang cang nhìn ra con sông đen đúa và lạnh toát, chợt cảm thấy muốn lao xuống.
Cũng có thể là cái đau trong những lúc nằm yên bình trong làn nước ấm, bỗng nhiên có nghĩ thôi thúc muốn cầm dao cứa vào cổ tay.
Hay những đêm trằn trọc, có mong muốn lái xe đổi gió, rồi lại thôi không đi nữa. Sợ rằng mình không còn đủ can đảm, sẽ ko dằn nỗi mà buông ra tay lái.
Cứ nghĩ làm những việc đó, cái đau sẽ chấm dứt.
Người nào đã từng nói “Đau đến chết!” rõ ràng là một kẻ dối trá. Vì với em, cái chết chính là liều thuốc chữa trị nỗi đau.
Đúng đó, em cố tình viết cho đau thương như vầy, để khi đọc anh sẽ hết sức đau. Hết sức.
Nghĩ cho cùng, đây cũng là một loại nỗi đau mà, phải không anh…?
…
Đóng sập quyển sổ đen, Chính Luận đưa tay vò bóp trán mình, đầu cúi xuống một cách thảm não…
“Đúng vậy, Ái à,” anh vừa nói vừa khẽ vuốt tóc cô, nước mắt tự lúc nào đã vỡ lăn trên gò má.
“Đây cũng là một loại nỗi đau.”
Là nỗi đau của một thằng đàn ông phát hiện ra, bản thân đã dồn ép người đàn bà mình yêu thương vào tận cùng của đau khổ.