Mùa đông năm nay đến rất đột ngột, nhiệt độ giảm xuống mà không hề báo trước, như thể chỉ trong vòng một đêm, tất cả mọi nơi đều lạnh ngắt.
Mặt nước của lắm con sông trong vùng Thường Dương kết thành một lớp băng mỏng vào sáng tinh mơ khi mà khí lạnh dày nhất.
Có rất ít người đi đường dạo ngang bờ sông, họ chỉ cần há miệng là có thể phà ra một làn khói trắng. Vỉ hấp của những quầy hàng bán đồ ăn sáng bốc hơi hầm hập, lác đác vài ánh đèn le lói.
Bây giờ còn quá sớm, thành phố vẫn chưa thức giấc, khu dân cư rất là yên ắng.
Thỉnh thoảng có người vừa làm xong ca đêm, đậu xe đạp điện bé xinh trong ga-ra, hà hơi vội vàng băng qua, lúc đi ngang tòa nhà số 9, họ sẽ xoay đầu nhìn một phát.
Trước tòa nhà ấy có dựng một cái rạp đám ma, có người không thể sống qua nổi mùa đông lạnh giá này.
Người già chiếm số đông trong cư xá này, mấy chuyện như vầy thường sẽ xảy ra vào những ngày lạnh nhất và nóng nhất. Vài người mắc bệnh cấp tính, vài người lại là chết già.
Bất kể là kiểu nào cũng không thể tránh được việc sẽ có người bi ai và sẽ có người thổn thức.
Người trong rạp vẫn chưa ra, trên vách còn treo tang phục đay trắng và mũ đay trắng được cởi ra đêm qua, kèm theo túi này nối liền túi nọ, dán họ và tên được ghi vội. Có gia quyến, có hàng xóm, còn có một tờ trống trơn, như là đang chờ ai đó đến điền.
Tang lễ này tiếp diễn rất nhiều ngày và đã kết thúc vào tối hôm qua.
Cổng chào còn sót lại hôm nay sẽ bị dỡ bỏ, về sau cũng không để lại bất cứ dấu vết nào cả. Tờ giấy trống ấy sẽ dấy lên một đợt gió lạnh sáng sớm rồi bị vứt vào chậu lửa cuối cùng chung với cái túi.
Nếu có hỏi người quen với gia đình này rằng tờ giấy trống đó vốn nên thuộc về ai, họ sẽ trả lời đó là một người không đuổi kịp tang lễ này tên là ‘Lan Lan’, cháu ngoại mà bà cụ này một tay nuôi nấng nên người. Bà cụ đặt tên mụ này cho cô cũng vì loài hoa mà bà thích nhất là hành lan.
(*) hành lan: phong huệ trắng.
Có một tảng lớn trong bồn hoa trước tòa nhà số 9 đều được trồng bởi bà cụ khi còn sống. Ngặt nỗi vừa khéo lỡ mất thời kỳ ra hoa, chẳng có đóa nào nở cả.
Giống như cô gái tên ‘Lan Lan’ ấy không thể chạy kịp tới tang lễ ——
Không phải do mâu thuẫn gì, chỉ là trời xui đất khiến bị kéo chân. Thế là cô đã bỏ lỡ lần cuối để nhìn mặt bà cụ, không thể nói một lời tạm biệt đàng hoàng.
Và dường như nhiều chuyện tương tự trên đời này… cũng luôn gắn liền với nỗi tiếc nuối đó.
Nhưng người ngoài nào biết, thực ra Lan Lan có quay về. Khi đến nhà vào lúc rạng sáng, cô trông thấy miếng vải đen ghi một chữ ‘cúng’ tại cửa ra vào, khóc gọi một tiếng “bà ngoại ơi mở cửa cho con với” rồi tức thì chìm vào một giấc mộng.
—— Cô đã vào lồng.
Không biết là vì cô tan nát cõi lòng không buông bỏ được, hay là vì bà ngoại vẫn luôn đợi cô về.
Có lẽ là cả hai.
Nói cho cùng, vui buồn hợp tan cũng luôn đến từ hai chiều.
Đây là cái lồng thứ 9 mà bọn Văn Thời tiến vào, không đặc biệt mà cũng không phức tạp, giống như vô số cái lồng mà họ từng vào trước đó.
Ngay cả lý do thành lồng cũng rất cỏn con. Nếu người không biết chuyện mà nghe được, thậm chí còn chẳng hiểu tại sao điều này lại tạo nên cái lồng. Nhưng Văn Thời và Trần Bất Đáo lại hiểu.
Bởi vì đây mới là tình trạng thông thường của thế gian.
Vui vì một chuyện rất nhỏ, đau lòng vì một chuyện bé xíu, không thể buông bỏ một ai đó vì một chuyện không đáng kể, bịn rịn không thôi vì một chuyện tí hon.
Giống như sáng nay khi trời còn chưa sáng, trong cái lồng mà người thường không nhìn thấy. Trần Bất Đáo buông tay xuống, Văn Thời thu lại dây rối, cả hai đứng lặng ở một chỗ cách đó hơi xa, chờ bà cụ ấy nắm chặt tay Lan Lan, vừa vuốt nhẹ vừa tạm biệt.
Bà nhìn cô gái trẻ rơi lệ không dứt, muốn móc từ trong túi ra chiếc khăn tay vừa mang theo, song lại phát hiện quần áo đã đổi thành áo liệm từ lúc nào nên không có túi, cũng chẳng có khăn tay.
Thế là bà chỉ có thể lau đi nước mắt bằng lòng bàn tay và mu bàn tay, dỗ dành rằng: “Thôi nào con đừng có khóc, đừng khóc mà con.”
“Bà ngoại luôn đợi con mà. Không gặp được con, sao bà ngoại lại cam lòng được chứ?”
“Con được bà nuôi lớn, từ một cục bé xíu nuôi đến cao như vậy, đùng một phát trở thành một thiếu nữ. Năm nay lạnh đến thế, một mình con sống ở chốn xa như vậy, bà ngoại lo lắm con à.”
“Bà đã kêu cha mẹ con đừng có báo tin cho con biết, chẳng phải gần đây con đang tìm việc à? Còn bảo là cầm được khoản tiền lương đầu tiên thì sẽ dẫn bà ngoại đi ăn món ngon đồ nữa, bà nghĩ ấy… ráng chịu tí nữa biết đâu lại có sức mạnh, để có thể ra ngoài đường cùng con.”
Chóp mũi của cô gái đỏ bừng, tay nắm chặt bàn tay của bà ngoại, mắt thì híp lại, nghẹn ngào đến không thể thốt câu nào nên lời, cuối cùng nói hòa theo tiếng khóc: “Vậy bà đợi con thêm chút nữa đi bà.”
“Con tìm được rồi bà ơi, đợi mấy bữa nữa thì sẽ có thể có khoản tiền lương đầu tiên, sao bà lại không đợi con thêm chút nữa vậy…”
“Chẳng phải bà đang đợi rồi đây hả?” Bà cụ nói, “Thực ra bà còn đi đâu được nữa đâu con ơi, bà chỉ muốn nhìn con thêm một chút thôi. Đêm đó, bọn họ đều tụ họp trong phòng bà rồi khóc tùm lum tà la, thực ra bà biết rõ, chỉ là không mở mắt ra được thôi…”
“Lúc đó bà nghĩ, làm sao đây ta ơi, Lan Lan còn chưa dàn xếp ổn thỏa, bà còn chẳng biết sau này cục cưng của bà sẽ ở đâu nữa mà.”
Bà cụ ôm mặt cô gái và nói: “Bà ngoại của con ấy, sẽ không nhận ra nhà con sau này đâu.”
“Ở Quảng Viên…” Cô gái nghe câu này thì khóc không thành tiếng, thút tha thút thít báo địa chỉ: “Tòa nhà số 2 chung cư số 3… căn hộ số 504, con… mới thuê xong, con sẽ không đổi nhà đâu. Bồn hoa dưới lầu cũng… cũng có trồng cây ngọc lan giống dưới lầu nhà mình, một khóm bự chảng luôn bà ơi.”
“Ừm con.” Bà cụ gật đầu.
“Con còn mua rất nhiều chậu hoa, lúc về con sẽ đi mua hành lan ngay.” Cô gái nói, “Con sẽ… sẽ đặt chúng trên ban công, dàn một hàng luôn, bà chỉ nhìn là sẽ nhận ra thôi.”
“Ừm con.” Bà cụ cười: “Hành lan phải không, bà ngoại sẽ ghi nhớ.”
Cô gái tên ‘Lan Lan’ đó khóc rất lâu, khóc đến không còn hơi sức, lảo đảo sắp ngã. Mà bà cụ kia vẫn ôm lấy mặt cô, phủ lên tay cô rồi kéo cô vào lòng như biết bao cụ già khác cũng thích làm.
Giây cuối của phút cuối, bà cụ sờ đầu cô, chầm chậm rằng: “Đợi được con nên bà ngoại đã cảm thấy thỏa mãn, cũng nên đi rồi…”
Bà ngẩng đầu nhìn về phía Văn Thời và Trần Bất Đáo, gật đầu dịu dàng rồi nói: “Cảm ơn nhé.”
Văn Thời cũng gật đầu với bà một cái, sau đó đảo mắt nhìn về phía Hạ Tiều đang ngồi xổm ở một bên. Có lẽ cậu cũng nhớ lại ông cụ nào đó trước đây và đã khóc theo chẳng biết bao lâu.
Văn Thời lẳng lặng một hồi rồi đưa tay đẩy lưng cậu một cái không nhẹ không nặng: “Lần này cậu làm đi.”
Lúc xoay lại, anh đối diện với ánh mắt trầm ấm của Trần Bất Đáo.
Đây là cái lồng đầu tiên mà Hạ Tiều tự tay giải.
Khi cậu đắp ngón tay lên vai bà cụ, từng sợi sương đen men theo đầu ngón tay tràn vào trong cơ thể của cậu, giống như vô số lần mà Văn Thời và Trần Bất Đáo từng làm.
Nhiều người chẳng hiểu sẽ cảm thấy cái thứ sương đen pha lẫn và đậm đặc này rất là ‘bẩn’, nhưng đối với họ, thứ này được gọi là ‘trần duyên’, là nỗi lo của người phàm trần.
Cậu có thể nếm được tất cả mùi vị từ đó.
Đó là cả đời của một ai đó, cũng là khoảnh khắc mà cái lồng tan rã.
Bức danh phả in tên các vị Phán Quan đã đứng hình rất lâu cuối cùng cũng có thêm một cái tên, nằm ngay phía sau Thẩm Kiều.
***
Lúc Hạ Tiều chú ý tới sự biến đổi trên bức danh phả thì đã là hai ngày sau.
Hôm đó họ thu dọn hành lý chuẩn bị rời Tây An về Ninh Châu. Trước khi đi, Văn Thời dẫn cậu đến thăm nơi Thẩm Kiều từng ở tại Tây An.
Chỗ ấy sớm đã đổi thay triệt để, vùng giải phóng cũ trước đây biến thành một khu thương mại, trời đông giá lạnh mà cũng vô cùng đông đúc, không nhìn thấy bóng hình của quá khứ.
Nhưng Hạ Tiều vẫn quyến luyến ở đó thật lâu.
Lâu đến nỗi họ còn gặp được một người.
—— Cô gái tên ‘Lan Lan’ mặc áo lông trắng, đội mũ len đỏ, khăn quàng cổ đồng bộ che mất cằm, chóp mũi thì đỏ rực trong gió rét.
Nhắc đến thì có hơi dở khóc dở cười, Lan Lan khóc không thành tiếng trong lồng luôn cúi đầu, họ không mấy ấn tượng với mặt mũi của cô, thế mà là cảm thấy có phần quen thuộc khi cô cúi đầu rũ mắt.
Ánh mắt của cô vẫn còn hơi sưng, không biết ba bữa qua lại khóc bao nhiêu bận, thoạt nhìn có chút mất tập trung và mỏi mệt.
Mãi đến khi gặp thoáng qua Văn Thời, cô gái ấy mới chợt tỉnh táo lại, nhìn chằm chằm bọn Văn Thời một hồi lâu, suýt chút nữa va vào những người đi tới trước mặt.
Và giống rất nhiều người đã từng vào lồng, thực ra cô cũng không nhớ được chuyện trong lồng, chỉ có chút ấn tượng ngờ ngợ mà thôi.
Trong ấn tượng, cô từng có một giấc mơ, trong mơ nhìn thấy bà ngoại, hình như còn có vài người tiễn bà ngoại đi cùng mình nữa.
Nhưng cô không nhớ rõ dáng dấp của người cùng mình trong mơ ra sao, chỉ là ngẫu nhiên nhìn thấy một ai đó trên đường thì sẽ cảm thấy hơi quen mặt, như thể đã từng biết nhau.
Lan Lan rốt cuộc vẫn không mở miệng gọi ai cả.
Cô chỉ đứng yên tại chỗ với một nỗi ngờ vực không tóm bắt được trong đầu, sau đó cô lắc đầu xoay người hòa mình vào biển người.
Chuyện này là một giây phút cực kỳ ngẫu nhiên đối với cô, nhưng đối với Văn Thời và Trần Bất Đáo, nó lại là một điều bình thường, dù sao họ cũng từng tiễn đưa quá nhiều người, không cảm thấy kinh ngạc gì hết.
Hôm nay chỉ là một ngày yên bình trong đời, cũng chẳng có gì kỳ quặc cả.
Không biết Trần Bất Đáo có mưu mô gì, chọn một cửa hàng đồ ngọt xếp hàng dài đằng đẵng gần khu thương mại kia rồi dắt Văn Thời đi mua chút bánh ngọt. Kế tiếp, hắn vừa cười vừa thưởng thức biểu cảm ‘ngu vồn xếp hàng dài như thế này mà cũng có người muốn ăn khổ nỗi mình lại không thể tạo phản’ trên mặt lão tổ rối thuật.
Nhưng hắn nhanh chóng bị trả thù ——
Lão tổ rối thuật lấy ra trò bịp chả ra gì của mình, dùng lời nói xạo kỳ lạ vừa nghe đã biết không giống điều anh sẽ nói, rằng ‘ở Tây An có một tiệm cũ trăm năm mà anh từng thường đến, thức ăn cực ngon, anh thèm dữ lắm’ để lừa Trần Bất Đáo gật đầu đồng ý.
Sau đó, anh dựa vào ký ức hơn hai mươi năm trước và tìm ra tiệm cũ trăm năm nổi tiếng nhờ các món (cay) ngon đó, để vị Tổ sư gia hoàn toàn không đụng vào một chút đồ cay nào ăn một bữa lớn với mình.
Miêu tả dành cho bàn ăn này chỉ có ba chữ: đỏ ngập sông.
Mà đánh giá của Trần Bất Đáo dành cho bữa cơm này cũng chỉ có một câu: Đả thương địch thủ một nghìn tự tổn hại mất tám trăm.
…
Vì ai đó thực ra cũng không thể ăn cay.
Hôm đó, họ định về thẳng núi Tùng Vân, vì cách ngày mai trắng nở không còn bao lâu, họ phải trông coi trận nuôi linh. Nhưng cuối cùng cửa trận lại mở đến trước mặt tủ lạnh trong phòng khách của biệt thự Thẩm gia.
Lúc hạ cánh, Hạ Tiều đã rất là hoang mang.
Cậu mặt đối mặt với chiếc tủ lạnh cao cỡ một người, sau đó xoay đầu nghiêm túc hỏi Văn Thời: “Ủa anh ơi, anh thấy nóng hay anh thấy đói vậy?”
Anh cậu còn chưa mở miệng, Tổ sư gia đã tiếp lời: “Ẻm bị cay chết bà rồi, muốn trộm nước uống của con đấy.”
Văn Thời: “…”
Đồ nhà tui, trộm cái đách chứ trộm.
Văn Thời xoay đầu trừng mắt với Trần Bất Đáo.
Anh quả thực cũng hoang mang đáo để. Cả hai đều là người không ăn cay, đúng ra Trần Bất Đáo không đụng tới đồ cay, cũng thường chẳng ăn gì, không phải phản ứng của hắn nên khủng khiếp hơn à? Sao chỉ có môi anh đỏ bừng thôi vậy?
Màn trừng mắt này chỉ kéo dài vài giây.
Nhưng đợi lúc Văn Thời quay người lại, kéo cửa tủ lạnh ra, anh lập tức phát hiện ngăn mát của tủ lạnh trống trơn, chẳng thừa một chai nước nào cả.
Ma cũng không biết nó đã đi đâu.
Lão tổ không tin tà, lại cau mày kéo ngăn lạnh ra, phát hiện ngay cả cà rem kem ly thì cũng mất bóng, như là đã bốc hơi khỏi nhân gian.
Lão tổ: “…”
“Đậu mé, nước uống với đồ ăn vặt của em đâu mất tiêu rồi?!” Hạ Tiều trợn mắt hốc mồm, nhất thời chưa kịp hiểu có chuyện gì đang xảy ra.
Chỉ có Văn Thời là người biết chuyện, dù sao từ nhỏ đến lớn không biết đã từng bị trêu biết bao nhiêu lần. Ngoại trừ Trần Bất Đáo, còn có ai khác làm được chuyện như thế này ư?
Anh liếm khóe miệng nóng rát một cái, mặt không đổi sắc nắm cửa tủ lạnh đứng một hồi, cảm thấy mình không tài nào sống nổi hôm nay nữa.
Thế là anh ném cho Hạ Tiều một câu “đi đây” rồi xoay đầu biến mất.
Khi Trần Bất Đáo mở cửa trận về núi Tùng Vân, Lão Mao và Đại Tiểu Triệu đang đứng gác trên đường núi. Nhìn thấy rối chủ mà cũng chẳng thèm chào hỏi, không hề nhúc nhích, nghiêm mặt, như là ba cây tùng đón khách.
“Người đâu, về chưa?” Trần Bất Đáo.
Khóe miệng của Đại Triệu co quắp một phen, như thể muốn khai báo, nhưng lại nhịn xuống: “Dạ… chưa về.”
Tiểu Triệu nói theo: “Thực sự… chưa về ạ.”
Lão Mao lẳng lặng trợn mắt, chịu hai nha đầu này luôn. Cũng không biết dáng vẻ không biết nói dối này giống ai nữa.
Trần Bất Đáo nhìn thoáng qua cửa phòng khép chặt cách đó không xa, cố nhịn cười hỏi: “Giận lắm hả? Trong phòng ta hay trong phòng em ấy?”
Đại Triệu lại co quắp một phát, nói rằng: “Dạ… trong phòng anh ấy ạ.”
Tiểu Triệu lặng lẽ vả vào mồm mình một cái.
Lão Mao từ bỏ, kìm nén cú trợn mắt thứ hai: “Trong phòng của ngài.”
Rõ ràng bằng bản lĩnh của hai vị sư đồ này, chim trốn chỗ nào trên núi thì họ cũng biết tỏ tường, ấy thế mà một người kêu không nói, một người lại còn đến hỏi.
Diễn như thật vậy trời, đây là cách chơi mới lạ gì thế này?
“Ừm.” Trần Bất Đáo diễn như thật gật đầu một cái, cất bước đi vào nhà.
Lúc hắn mới về núi thì vẫn với bộ dáng hiện đại lịch sự, tóc ngắn, áo sơ mi. Trong quá trình bước vào cửa nhà, tóc biến từ ngắn thành dài, áo choàng đỏ thắm và áo trong trắng tuyết lướt qua đá núi cỏ dại, tựa như bóng mờ cởi bỏ vỏ bọc che mắt dưới ánh trăng dần dà tràn đến.
Hắn tựa lên mép cửa, giơ tay gõ vài cái một cách ‘thành khẩn’.
Lúc đó, Văn Thời đang ngồi trước bàn, đanh mặt cầm cái tách nhỏ lên từ trong mâm tre, đặt trước mặt với lực tay vừa phải, tay áo trắng rộng thùng thình nằm xếp trên mặt bàn, sau đó lại nhanh chóng buông lơi xuống dưới.
Kế bên tay anh có một bếp lò nhỏ, trên lò nước sôi sùng sục, hương trà thơm nhẹ xuôi theo sương mù tản ra khắp phòng.
Khi tiếng gõ cửa vang lên, anh thầm trả lời trong lòng một câu ‘điếc rồi, không nghe thấy’.
Nhưng chưa được bao lâu sau, anh vẫn ngẩng đầu lên.
Người bên ngoài như có thể cảm nhận được động tác của anh, cửa hé mở kêu ‘kẽo kẹt’ ngay chớp mắt anh ngẩng đầu. Chỉ là kẻ vào không phải Trần Bất Đáo, mà là một chú lùn.
“…”
Cái quái gì thế?
Nương nhờ ánh trắng ngoài cửa rọi vào, Văn Thời rốt cuộc thấy rõ ‘khách đến’.
Đó là bảy, tám con thỏ được rối thuật vê nên, tròn vo như một đống nắm tuyết nhỏ. Dùng tư thế mà thỏ thường không thể làm được, bọn chúng giơ hai vuốt lên, trên đầu là Coca-Cola, trật tự ngăn nắp, khí thế hùng hổ… xếp thành một tiểu đoàn rồi lăn… à không, đi về phía Văn Thời.
Đứa dẫn đầu thì hơi khác, trên lon Coca-Cola mà nó giơ cao có dán một tờ giấy, trên đó có ghi một dòng chữ vô cùng rắn rỏi: Xin lỗi đến rồi, cười một cái nào.
Văn Thời: “…”
Đây là chuyện mà Tổ sư gia của các Phán Quan đã làm ra.
Văn Thời hờ hững ngồi một hồi, sau đó, những nắm tuyết ấy bắt đầu níu lấy áo choàng và leo lên cơ thể của anh.
Mấy giây sau, anh níu lấy cổ áo để tránh bị bọn thỏ kéo xuống. Kế tiếp, anh cầm lấy một lon Coca-Cola, bật nắp kêu cái ‘tách’ rồi uống một hớp, lúc này mới ngước mắt nhìn lên.
Rồi anh thấy Trần Bất Đáo tựa lên mép cửa, đằng sau là trắng sáng chiếu đến, ánh mắt hắn quét qua bàn và bếp lò đỏ ngầu, nói với anh rằng: “Ta tới để lấy trà.”
***
Mà ngay giây phút này, Hạ Tiều đang đứng bên bức tường trong phòng khách Thẩm gia, rụt tay về từ phần cuối của bức danh phả. Cậu quệt một cái trên tên mình, không có vết mực dính trên bụng ngón tay.
Bởi vì lần này, hai chữ ‘Hạ Tiều’ đã không phải bị cậu cưỡng ghi thêm vào nữa.
Cậu nhìn thật lâu rồi quay về phòng ngủ.
Cậu ngồi xuống trước chiếc bàn gần cửa sổ trong đó, lấy từ trong ngăn kéo ra một quyển sách, lật tới một trang trống nào đó thì cầm bút ghi.
Hồi còn nhỏ xíu, khi nhìn thấy Thẩm Kiều cúi đầu viết nhật ký, cậu kiểu gì cũng sẽ không nhịn được phải hỏi một câu: “Ông nội ơi, ông viết cái này chi vậy?”
Thẩm Kiều đáp: “Ông muốn ghi nhớ vài điều ấy mà.”
“Bộ ghi nhớ bằng đầu không được hả ông?”
“Nhiều lắm, kiểu nào cũng sẽ quên đi đôi chút thôi con.”
“Lỡ quên thì nghiêm trọng lắm sao ông?”
“Không nghiêm trọng đâu con.” Thẩm Kiều nói, “Nhưng mà sẽ rất là tiếc.”
“Tại sao vậy ạ?”
Thẩm Kiều cân nhắc rồi nói: “Tại vì có vài chuyện thực ra rất là quan trọng, nhưng người trong truyện tỉnh lại thì có khả năng sẽ quên béng. Nếu có người có thể thay họ ghi nhớ đôi điều thì sẽ tốt hơn.”
Hồi nhỏ Hạ Tiều nghe không hiểu, do đó sau khi Thẩm Kiều qua đời, quyển nhật ký ấy đã bị ngắt đoạn.
Cũng may là bây giờ cậu đã hiểu, cậu sẽ lại ghi tiếp những chuyện đó.
Cậu viết rất lâu, ghi lại những người mình gặp được và lồng đã giải suốt mấy ngày ở Tây An, ghi lại cô gái tên ‘Lan Lan’ và cả bà ngoại đã lìa đời của cô.
Mãi đến lúc trăng tròn chậm rãi dời từ một góc cửa sổ đến chính giữa, tia sáng bạc trắng phủ kín cả bàn, cậu ngửi thoang thoảng thấy một mùi thơm nhàn nhạt tỏa ra từ giữa khe hở của cửa sổ.
Cậu giật mình một lúc, đưa đầu nhìn lên và trông thấy trên đỉnh cành gầy trơ của cây mai trắng đứng im lặng trong bóng đêm kia không biết từ thuở nào lại lặng lẽ nở rộ một đóa hoa.
… Ông nội?
Ngón tay cậu run một cái, gác bút rồi vội vàng chạy ra ngoài.
Cây bút trên bàn lăn một vòng, một giọt mực nhuộm trên trang giấy.
Phía trên vết mực là mấy dòng cuối cùng cậu vừa viết xong.
…
Trong sách tôi từng đọc trước đây có nói, chư pháp vô thường, chư lậu giai khổ, chúng sinh hung sát như thế, trên đời lại có quá ít kẻ trong sạch. Mà Phán Quan vốn tồn tại nhằm giúp mọi người trừ vướng hóa sát.
Khi đó, tôi chưa từng vào lồng, cũng chưa từng giải lồng, người từng gặp lác đác mấy mống, hiểu lầm ý của những lời này. Tôi tưởng đó chỉ là hi vọng mọi người đừng lo nghĩ mà thôi.
Về sau mới biết mình đã đoán sai.
Phán Quan không đến để đặt dấu chấm hết cho những nỗi lo ấy, mà là để cho chúng có nơi để về.
Ông nội có bảo, đây là một con đường dài không thấy điểm dừng. Đã có người đi suốt hơn một nghìn năm, không biết tôi sẽ đi bao lâu đây.
Mặc kệ bao lâu, tôi cũng sẽ ghi nhớ giống như ông nội, bởi đây là minh chứng cho việc những chuyện đó đã từng xảy ra.
Hôm trước là tiết Tiểu hàn, một cô gái tên ‘Lan Lan’ đã gặp được bà ngoại của mình lần cuối. Tuy cô đã quên chuyện trong lồng, thế nhưng bà ngoại biết chỗ cô ở, bà không để lại bất cứ nỗi niềm tiếc nuối nào nữa và đã mỉm cười lúc ra đi.
Đây là ý nghĩa cho sự tồn tại của dòng dõi chúng ta đây.
w●ebtruy●enonlin●e●com
Ngày 7 tháng 1 năm 2021, mai trắng nở hoa.
Hạ Tiều ở Ninh Châu.
***
Có lẽ người đã không còn nhớ…
Thực ra người đã nói xong lời chào tạm biệt với người đã rời đi, trong một đêm dài nào đó.
(*) Kiến giải của mình về câu cuối: ý nghĩa của nó là dành cho chúng ta. Đời người có sinh lão bệnh tử, tử vong là một điều không thể tránh khỏi. Có nhiều người khi qua đời, mình chỉ cảm thấy buồn man mác, nhưng sự ra đi của một vài người lại làm chúng ta day dứt, không thể buông bỏ, có lẽ là vì còn khúc mắc, cũng có lẽ chỉ đơn giản là chưa nói ra được lời chào tạm biệt cuối cùng. Bởi thế, chị Mộc viết câu này để an ủi chúng ra, mong chúng ta đừng quá dằn vặt bản thân, mà hãy nghĩ thoáng hơn. Rằng nỗi tiếc nuối khôn xiết ấy đã tạo thành lồng, và ở trong cái lồng đó, chúng ta đã gặp lại được người mà chúng ta mong mỏi và đã nói chào tạm biệt với đối phương. Song cuộc gặp gỡ này lại tựa như một giấc mơ ập đến vào một buổi đêm nào đó. Sau khi tỉnh giấc, chúng ta quên mất rằng mình đã vào lồng, song nỗi day dứt của chúng ta chắc chắn sẽ vơi đi phần nào.
HẾT QUYỂN 7
- CHÍNH VĂN HOÀN-
Lời tác giả:
Hồi trước tôi sợ viết mấy thứ như lời mở đầu và lời cuối sách này lắm, nhưng áng văn này thì hơi lận đận, tôi cảm thấy nên cho tất cả những ai đọc đến cuối truyện một câu trả lời.
Đối với tôi, năm nay không mấy dễ chịu. Từ hồi giữa năm đến giờ, trưởng bối trong nhà có một người qua đời, hai người mắc bệnh nặng, cũng ở trong cùng một bệnh viện và một tòa nhà. Năm nay trong suốt một thời gian rất dài tôi vẫn luôn chạy qua chạy lại giữa các tầng của tòa nhà, riết rồi có chút bóng ma với chỗ đó luôn. Trước những ảnh hưởng này, màu giọng của áng văn này cũng khác biệt rất lớn so với dự tính ban đầu của tôi, quả thực không tính là bánh ngọt gì hết, bởi vậy tôi vẫn phải nói một lời xin lỗi với mọi người. Lần xin nghỉ dài hạn đầu tiên vào cuối tháng 9 là vì bà nội ói ra rất nhiều máu. Tôi nghe máy lật đật vọt về quê, buổi đó nhận được giấy thông báo về những bệnh tình nguy kịch. Bác sĩ nói bà nội đã quá lớn tuổi rồi, khối u từ tuyến dịch lim-pha kéo dài đến khoang bụng, trong phổi và bụng đều rối nùi, đè lên các cơ quan nội tạng, điều trị cũng không còn ý nghĩa gì nữa, đề nghị chúng tôi sớm chuẩn bị mấy thứ cần thiết cho hậu sự. Trưởng bối trong nhà đều khá là bảo thủ về mặt này, nhưng tôi không cam tâm lắm nên bày tỏ ý khác, đến mức thời gian và tinh lực tôi tốn vào chuyện này còn nhiều hơn so với trong dự đoán. Đợt giữa cũng không biết nên miêu tả lý do xin nghỉ ra sao, cứ tính là nghỉ phép dài hạn. Lúc ấy cảm xúc của tôi rất tệ, không muốn lên mạng gì hết. Thành thật xin lỗi vì đã khiến cho mọi người càng thêm buồn bực và gây ra rất nhiều phiền toái bởi sự trốn tránh và tùy hứng trong một phút chốc của tôi. Nhưng tôi thực lòng muốn cảm ơn sự khoan dung và thông cảm của mọi người, nhờ đó mà để cho tôi có gần hai tháng để chạy đến thành phố khác, tìm một bệnh viện thích hợp hơn, có nhiều chuyên gia có phương hướng hơn. Lúc đầu thành thật mà nói tôi không ấp ủ hi vọng gì cả, chẳng qua là cảm thấy mình phải cố gắng hết sức, nếu không sẽ tiếc dữ lắm. Không ngờ sau đó gặp được vận may to lớn, gặp được bác sĩ thích hợp. Hiện giờ, đợt trị liệu thứ hai của bà nội đã qua được phân nửa, trạng thái tốt đến bất ngờ, khối u cũng đang dần thu nhỏ. Đây là chuyện làm tôi vui nhất năm nay. Chỉ mấy hôm nữa thôi sẽ hết năm 2020, áng văn này cũng đã đến cột mốc ‘chính văn hoàn’, cảm ơn mọi người đã bầu bạn suốt tám tháng qua.
Tiếp theo đây sẽ vẫn có phiên ngoại, nhưng chắc phải đợi một hồi đã. Vì giường bệnh khá kín, khoảng thời gian này bên bà nội luôn luôn cần đưa đón, xong hết vụ này thì tôi sẽ viết phiên ngoại nhé.
Truyện mới là cổ đam, nội dung tổng thể và thiết lập nhân vật cũng không khác mấy, nhưng tên truyện nghĩ hoài mà cứ thấy không thích hợp sao ấy, chắc sẽ mở hố khá trễ. Đợi chừng nào tôi xử lý xong mấy chuyện ngoài đời, chuẩn bị kỹ và đầy đủ bản thảo rồi tôi lại mở hố nghen.
Tôi từng cảm thấy lời chúc phúc dễ nghe nhất chính là ‘bình an vui vẻ’, bây giờ càng cảm thấy như thế. Vì vậy, năm mới sắp đến, chúc mọi người sức khỏe dồi dào và bình an vui vẻ trong tương lai dài lòng thòng từ nay về sau nha.
Ngủ ngon~