Phán Quan

Chương 98: Chương 98




Không biết Tạ Vấn đang nhớ đến điều gì mà giọng điệu trở nên rất lạnh nhạt, “Cứ coi như là có biết đi.”

Văn Thời lại nhìn về phương xa, cảm thấy khá hoang mang.

Có rất nhiều người từng nói rằng Tổ sư gia Trần Bất Đáo có một cơ thể bán tiên. Mà ai là bán tiên cũng không nhớ chuyện nhân gian.

Không phải trí nhớ kém, mà bởi hắn đã sống quá lâu, đi qua quá nhiều nơi, cũng từng gặp quá nhiều người, nếu phải nhớ kỹ hết mọi điều, bao nhiêu trái tim mà chứa cho nổi.

Vì vậy ai cũng nói Trần Bất Đáo không thích ghi nhớ cho lắm.

Nhưng Văn Thời biết, lời nói kia cũng không đúng hoàn toàn. Chẳng qua, cách ghi nhớ của hắn khác biệt so với người thường mà thôi, không có vụ canh cánh trong lòng hoặc nhớ mãi không quên, mà là kiểu không nặng buồn vui như một kẻ đứng xem đón người về tiễn người đi.

Thoạt nhìn cứ như chuồn chuồn lướt nước, gió thổi qua rừng sâu, đã vút qua thì sẽ không để lại bất cứ dấu vết nào. Thực ra, chỉ cần từng gặp gỡ và nói đến, hắn gần như đều sẽ có ấn tượng… dù đó có là một đàn kiến bò thành một hàng men theo khe đá đi chăng nữa.

Nhưng có ấn tượng và có biết là hai chuyện khác nhau.

Dù xuất hiện ở bất cứ ngọn núi sâu thẳm nào, mảnh rừng hoang và lác đác vài ánh đèn nơi xa xăm ấy cũng không hề mang lại cảm giác mâu thuẫn. Cảnh tượng tương tự không có chục triệu thì cũng có hàng trăm, chỉ riêng bản thân Văn Thời thôi cũng từng thấy kha khá, huống chi là Tạ Vấn.

Từ xa trông thấy cảnh như vậy, nói quen mắt cũng bình thường thôi, nhưng nói biết… thì hơi lạ lùng rồi.

“Có thấy điều gì đặc biệt đâu.” Văn Thời khẽ lẩm bẩm một câu.

“Đúng là cảnh vật không có gì đặc biệt cả.” Tạ Vấn đáp.

“Vậy sao ông lại nhận ra?”

“Thấy người.” Tạ Vấn nói, “Dù sao đây cũng là một cái lồng mà.”

Văn Thời chợt tỉnh ngộ. Đây là lồng của Trương Đại Nhạc, nhưng anh lại vô thức chỉ suy nghĩ từ góc độ của Tạ Vấn.

Chẳng những Tạ Vấn, ngay cả Trương Đại Nhạc cũng từng thấy nơi này, vả lại nó còn cực kỳ đặc biệt đối với gã, đặc biệt đến nỗi sắp chết rồi mà vẫn vương vấn không quên và không bỏ xuống được.



Văn Thời nhíu mày nghĩ ngợi vài giây, đang định mở miệng, thì cảm thấy ót mình bị người nọ vỗ nhẹ một cái. Anh ngước lên thấy Tạ Vấn đang chỉ vào mấy ngọn đèn kia: “Chỗ đó là một khe núi, giữa thung lũng cũng có một cái hồ, rất giống với hồ Thanh Tâm của núi Tùng Vân. Ngặt nỗi sẽ có chướng khí vào hai mùa hạ thu, không thích hợp để ở lâu.”

Văn Thời khá sửng sốt, đột ngột nhớ lại hình như mình từng nghe nói về một điều gì đó tương tự cách đây rất lâu…

Chắc phải là năm mười bảy, mười tám tuổi.

Vào những năm ấy, dưới chân núi luôn rất loạn, chiến tranh và dịch bệnh chưa từng ngừng nghỉ. Trần Bất Đáo luôn không có mặt ở núi Tùng Vân, đôi lúc không thấy bóng dáng đâu suốt mấy tháng liền. Có một lần, hắn đeo mặt nạ trở về, bước trên đường núi rơi đầy lá rụng tựa như một vị khách quen mà lạ.

Cũng đúng lần nọ, Văn Thời cảm thấy giữa họ bất thình lình có khe nứt, từ đó về sau chính là ngọn nguồn để tất cả si vọng và tình cảm sinh sôi.

Nhưng lúc ấy, Văn Thời chỉ mẫn cảm cảm nhận được một chút cảm giác xa lạ mà thôi, cũng bởi vậy mà buồn rầu suốt rất nhiều ngày, Trần Bất Đáo có ghẹo chọc như thế nào cũng không dứt.

Anh không thể phân biệt rõ những cảm xúc đó là gì, vì thế đành phải quy chụp lại thành lâu rồi không gặp nên thấy hơi nhớ thôi. Nhưng bắt anh thừa nhận điều này còn không bằng treo cổ anh cho rồi. Thế nên, anh nghẹn suốt nửa buổi, cuối cùng chỉ nhả ra một câu hỏi: “Sao lần này xuống núi lâu dữ vậy?”

Sau đó, Trần Bất Đáo cầm chung trà bằng sứ men xanh và mỉm cười.

Biểu cảm của Văn Thời càng trở nên căng cứng và lạnh lùng trước khuôn mặt không nhịn nổi cơn cười của hắn. Đang định kéo Kim sí Đại bàng xuống từ trên cành cây và xoay đầu rời đi, anh nghe đối phương mở miệng bảo: “Có hơi nhiều việc nên tốn thêm chút thời gian thôi con.”

Văn Thời dừng bước ngoảnh lại, sau một lát thì nói: “… Nghe nói ngươi đã nán lại ở vùng Sầm Châu rất lâu.”

Động tác uống trà của Trần Bất Đáo hơi khựng lại, nụ cười càng sâu, “Con nghe ai nói, coi bộ không chính xác lắm.”

Văn Thời: “…”

“Ta thấy hình như không phải nghe nói, có vẻ là bày gỗ bói ra đây mà.” Tay nắm chung trà của Trần Bất Đáo giơ ra ngón trỏ, chỉ về phía Văn Thời từ xa.

Con chim đứng trên tay Văn Thời nghe hắn nói thế thì ngón chân bỗng nhúc nhích, vô thức siết chặt móng vuốt.

Kim sí Đại bàng mắt nhìn lên trời còn thân thì đứng thẳng, khổ sở ngoái đầu nhìn rối chủ của mình.

Ai dè rối chủ chơi ác, đâm thêm một câu: “Bốc Ninh chắc chắn không phải người đã bói. Chuyên tu quẻ thuật mà lại tính ra kết quả này, phải phạt.”

“Nhưng nếu một người chưa từng học quẻ thuật mà lại có thể bày ra kết quả này, vậy thì rất ư là thông minh.” Trần Bất Đáo làm bộ suy nghĩ một hồi, cong mắt nói: “Thông minh như vậy, tám phần là học rối thuật.”

Văn Thời: “…”

Anh hơi bực vì tâm tư bị vạch trần, giọng điệu cũng càng đơ đơ và rét lạnh: “Rảnh rỗi không có chuyện gì làm nên bày đại.”

Trần Bất Đáo khen ngợi: “Vậy thì càng thông minh.”

Văn Thời: “…”

Kim sí Đại bàng ‘chiếp’ một tiếng, vỗ cánh phành phạch. Thấy người tuyết định động thủ, Trần Bất Đáo lại mở miệng ——

Trà được nấu trong phòng, hơi nước mỏng lượn lờ bay lên từ trong miệng ấm. Ánh mắt của hắn cách tầng hơi nước dừng trên người Văn Thời, nói rằng: “Ta nán lại một nơi suốt một thời gian dài, tuy nhiên không phải Sầm Châu, mà là một nơi khác. Nơi đó cũng có núi có nước, đón gió gom hơi, rất nhiều linh khí, khá giống với núi Tùng Vân của chúng ta.”

Văn Thời cứ tưởng hắn sẽ kể ra đó rốt cuộc là nơi nào, song lại thấy hắn lặng im trong chốc lát rồi ngừng kể. Hắn vỗ xuống chỗ trống bên cạnh và bảo: “Đừng đứng đó cho rét nữa, lại đây uống trà đi.”

Khi đó, Văn Thời tin hắn vô điều kiện, cảm thấy hắn nói gì hoặc không nói gì cũng có lý do của mình thôi, anh sẽ không lỗ mãng truy hỏi đến cùng.

Huống hồ lúc ấy suốt ngày cứ bị trêu đùa, cũng không có tâm trạng để đào bới ngọn nguồn.

Vì thế, anh vứt ra một câu “không uống” rồi dẫn chú chim lạnh ngắt rời khỏi. Trước khi đi, anh còn quấn dây rối lên tay, nặng lòng trả thù mà thổi gió vào lò pha trà của Trần Bất Đáo.



Chuyện cũ năm xưa hiện lên nhanh như thoắt trong đầu, Văn Thời lên tiếng: “Sầm Châu?”

Nghe thấy hai chữ đó, Tạ Vấn cười một tiếng đầy mơ hồ. Hiển nhiên, hắn cũng nhớ rõ chút ký ức ấy, buông lời nói: “Chỉ nhớ ra nơi mà em tính bậy ra thôi.”

Dứt lời, hắn chững lại trong một chớp nhoáng, không biết là nhớ đến điều gì, mà tiếng nói dịu dàng đi rất nhiều: “Hình như lúc đó ta quên nói với em, rằng ta từng nghĩ đến việc chờ thời cơ thích hợp thì sẽ dẫn em đi xem.”

Văn Thời ngoái đầu lại: “… Xem cái gì?”

Cách một nghìn năm, cuối cùng anh lại nghĩ tới câu hỏi từng bị ngắt ngang. Anh muốn biết vì sao người trước mặt này nán lại ở khe núi kia, muốn biết nơi đó có thứ gì.

Nhưng anh vừa nói xong, một giọng nữ khe khẽ đã vang vọng khắp cả đồng hoang, như có như không, xen lẫn trong tiếng gió và lẻn qua cỏ tranh cao lớn.

Cái giọng nghe nức nở, không có nội dung, thoạt tưởng có người phụ nữ nào đó đang khóc.

Vẻ mặt của Văn Thời rung lên, nhìn xung quanh một vòng. Tiếng khóc như có như không đó vờn quanh trước sau, thoắt khẽ thoắt lớn, nghe chẳng hiểu gì.

Ngay lúc anh cất bước định làm rõ phương hướng, anh chợt nhận ra một vấn đề ——

Rõ ràng là anh đã dừng chân, vậy mà tiếng đế giày nghiền lên cát đá và bùn cỏ kêu sột soạt này vẫn còn vang tiếp…

Ở ngay sau lưng.

Văn Thời chợt quay đầu trông thấy khuôn mặt tái nhợt của một người phụ nữ.

Nếu kẻ đang đứng đây là người nhát gan, ví dụ như Hạ Tiều, e là đã ngất xỉu vào giờ phút này. Văn Thời lại chỉ ngừng thở một cái rồi nhíu mày nói: “Là cô ư?”

Người phụ nữ có khuôn mặt trắng bệch đó không phải ma quỷ xa lạ gì, người nọ là Trương Bích Linh.

Biểu cảm của Trương Bích Linh trông vừa khẩn trương vừa thận trọng, cẩn thận nhìn qua Văn Thời và Tạ Vấn từ trên xuống dưới, mới thở ra một hơi thật dài và nói: “Là hai con thật rồi…”

Câu cảm thán được thốt ra theo bản năng. Than xong, cô mới nhận ra hai người trước mặt này rốt cuộc là ai, mặt lập tức đỏ lên và trở nên lúng túng.

Sau vụ này, cô chắc hẳn là người chịu nhiều kích thích nhất —— tên ma ốm mà mình luôn qua lại biến thành Tổ sư gia không ai dám nhắc đến, hậu bối trẻ măng từng vào lồng chung và cũng từng giải lồng là lão tổ rối thuật, Chu Húc con ruột của mình lại là Bốc Ninh.

Đổi thành ai thì cũng suy sụp thôi, nhưng Trương Bích Linh vẫn có thể gắng gượng chống đỡ.

Có lẽ do bà từng có một mối quan hệ thân thiết với Trương Uyển, mẹ của Tạ Vấn, nên có chút dự cảm từ sâu xa đâu đó.

“Trước… trước đó, con không nhận ra con đã vào lồng, đụng phải hai ‘người giả’ song lại không phòng bị, suýt chút nữa đã bị lừa.” Trương Bích Linh hít sâu một hơi, giải thích cho phản ứng của mình.

Có thể nhìn ra bà đang cố gắng hết sức để giữ bình tĩnh, nhưng giọng nói nghe vẫn căng thẳng và hơi run.

“Cô đến đây từ đâu?” Văn Thời hỏi.

“Con vẫn luôn đứng yên trong rừng ạ.” Trương Bích Linh chỉ vào mấy cành cây khô quắt san sát nhau ở bên cạnh, “Vừa nãy nghe hai ngài đi tới, nên con mới đi ra coi thử.”

“À phải rồi, không chỉ một mình con vào lồng, em trai của ngài cũng ——” Trương Bích Linh nói rồi dừng lại, vì cô đột nhiên nhớ ra, lão tổ rối thuật Văn Thời trong truyền thuyết không có em trai.

Bà đang lo phải sửa lời như thế nào, Văn Thời đã nói tiếp: “Hạ Tiều ư?”

“Dạ vâng.” Trương Bích Linh vén mấy cành cây già đan vào nhau ra và nói: “Nó ở bên kia, tuy nhiên trạng thái thì hơi lạ. Con có gọi nhưng nó không tỉnh lại, cũng không thể vứt nó ở đây rồi tự mình trốn đi, vì vậy chỉ có thể ở đây chờ người tới thôi ạ.”

“Gọi nó không tỉnh?”

Văn Thời và Tạ Vấn nhìn nhau một cái, nhanh chân bước sang đó.

Lướt qua vài bụi cây thấp, họ nhìn thấy một bóng dáng gầy nhom quỳ gối trong rừng, đưa lưng về phía họ, đầu thì cúi xuống, không hề động đậy.

Áo thun trắng trên người cậu trông có vẻ quá rộng, bị gió thổi mà hơi phấp phới, tựa như một miếng vải bố bị treo trên nhánh cây.

“Hạ Tiều.” Văn Thời vòng tới trước bóng dáng nọ, nửa ngồi xổm xuống và gọi cậu một tiếng.

Người đang quỳ thủ chỉ co rụt lại một cái, đầu ngón tay vùi xuống bùn, song vẫn không hề ngẩng đầu lên.

“Để ta.” Tạ Vấn khom lưng, bàn tay vỗ nhẹ lên đầu Hạ Tiều một cái.

“Á ——”

Người đang quỳ bỗng bừng tỉnh, hít vào một ngụm khí lạnh, rút tay ra định phóng lên khỏi mặt đất.

Động tác của cậu vừa vội vừa mạnh, quất trúng cổ tay của Tạ Vấn, lại định đẩy Văn Thời ra. Cả người nôn nóng bất ổn, cực giống như đang giãy giụa theo quán tính.

“Hạ Tiều!” Văn Thời lại gọi cậu một tiếng, giọng nói hơi trầm, cùng lúc đó, dây rối trên ngón tay đã bắn thẳng ra ngoài rồi trói chặt cái tên khác thường này chỉ trong chớp mắt.

Dây rối toàn cuốn theo linh, nếu bị trói, phản ứng đầu tiên của người thường là phản kháng. Hạ Tiều thì khác, lúc bị dây rối của Văn Thời quấn lấy, cậu lại trở nên bình tĩnh, vừa thở hổn hển vừa sụp vai xuống.

Chặp lâu, cậu mới mù mịt ngẩng đầu lên và nói: “Anh? Tạ… Tổ, Tổ sư gia?”

Cậu lại cúi đầu nhìn dây rối trên người mình, tủi thân ngỏ lời hỏi: “Sao anh cột em vậy?”

Văn Thời: “…”

Thằng ngốc này còn mặt mũi hỏi han nữa ư?

“Có thể coi là đã tỉnh.” Trương Bích Linh theo tới, thấy Hạ Tiều mở to đôi mắt đen thui thì thở phào nhẹ nhõm một hơi, “Hồi nãy con như thế thực sự dọa chết dì luôn đó.”

“Cậu bị làm sao thế?” Văn Thời hỏi.

Hạ Tiều chớp mắt, chợt nhớ ra điều gì đó: “Em nằm mơ.”

Văn Thời: “?”

Họ quậy long trời lở đất ở Trương gia, nào ngờ thằng ngốc này lại đi nằm mơ??? Tạ Vấn vẫn tốt tính hỏi một câu: “Mơ thấy điều gì, nói nghe thử xem.”

Hạ Tiều rũ mắt hồi tưởng đôi chút rồi giật mình: “Không nhớ rõ, chỉ nhớ rõ lúc Chu Húc… à không, lão tổ Bốc Ninh dẫn dắt người mọi nhà từ từ phá vỡ trận địa dưới lòng đất của Trương gia, em có ngửi thấy một cái mùi.”

Cậu thử nhớ lại cái mùi đó và ráng miêu tả thành lời, song lại thất bại: “Không thể nói rõ, nói chung là đặc biệt lắm, em cứ cảm thấy mình từng ngửi thấy nó ở đâu đó rồi. Sau đó, em cảm giác đầu em bị ai đó vung chày đập một phát, cả người tê rần luôn.”

“Kế tiếp, em cứ nằm mơ mãi.” Hạ Tiều cố rặn nửa ngày, “Em không nhớ nổi mấy điều khác, nhưng lại nhớ rõ hình như em cảm thấy đau dữ lắm, đau nguyên người luôn, cứ như đang tránh né ai đó.”

Nói xong, cậu ngẩng đầu chơi trò mắt to trừng mắt nhỏ với anh mình.

Ít lâu sau, Văn Thời nhíu mày: “Rồi sao nữa?”

Hạ Tiều: “Rồi em tỉnh lại đó anh.”

Văn Thời: “…”

“Anh ơi, nói nghe thì hơi kỳ, nhưng có phải em đã nhớ lại chuyện hồi nhỏ không anh?” Hạ Tiều nói nghiêm túc.

Văn Thời đanh mặt: “…”

Hỏi câu này chẳng khác gì đang hỏi quỷ, quỷ biết quỷ ngủm liền.

Nhưng theo như họ được biết, Hạ Tiều sống với Thẩm Kiều lúc bé. Nếu có tránh né ai đó, người đó tuyệt đối không thể là Thẩm Kiều.

Trừ khi… điều cậu mơ thấy là mấy chuyện cũ hơn.

Nhưng giờ không nghĩ ra cũng không thể cố rặn, Hạ Tiều ráng nhưng không có kết quả, đành phải ngồi dậy khỏi mặt đất, phủi đi bùn đất trên người, nói rằng: “Nếu đã vào lồng, có phải tụi mình cần đến tâm lồng trước không ạ?”

Ngay cả Hạ Tiều cũng đã quen việc: thông thường, tâm lồng là một tòa kiến trúc, hoặc nên nói là nơi gắn kết với ý thức của chủ lồng nhiều nhất.

Họ đến đây từ Trương gia, chỗ đó đã ngập vẻ tan hoang, không được gọi là kiến trúc gì, cũng không giống nơi gắn kết với ý thức của Trương Đại Nhạc.

Căn cứ vào cảnh lồng trước mắt, nếu không có điều gì bất ngờ xảy ra, tâm lồng chắc hẳn là nơi lấp lóe ánh đèn đằng kia.

Nơi đó trông xa xôi và khó tiếp cận, thực ra đi chẳng bao lâu đã tới.

Họ chui ra khỏi mảnh rừng hoang này, trước mặt là một con đường hẻo lánh có thể đi bằng xe ngựa, trên đường có dấu bánh xe rất sâu.

Cuối đường là mặt sau của một ngọn núi, ánh đèn mà họ trông thấy trước đó lơ lửng trên chỗ cao của bóng núi đen sì.

Vứt mấy ánh đèn kia sang một bên, thực ra dưới chân núi cũng có một ngọn đèn đang phát sáng trong một tòa miếu thổ địa đổ nát dữ dội.

Miếu thổ địa nhỏ xíu, song lại văng vẳng tiếng người nói chuyện, không biết có ai đang tá túc ở đó nữa.

Thoạt đầu, Văn Thời cứ tưởng người của các gia tộc khác đã vào lồng, sau đó lại phát hiện là không phải.

Vì giọng nữ nghẹn ngào, không biết đang khóc hay đang cười vẫn còn ngân vang khắp cả núi rừng. Nếu không vì sợ Tạ Vấn, thằng nhát gan Hạ Tiều này chắc chắn đã đu chắc lên người Văn Thời, có kéo cũng không kéo ra.

Nhưng người trong miếu thổ địa lại vẫn tán gẫu rôm rả giữa tiếng gió thổi, như thể hoàn toàn không nghe thấy tiếng người phụ nữ nào khóc hết.

Như vậy xem ra họ chắc hẳn không phải người ngoài lồng vào lộn, mà đúng là người trong lồng —— người trong ký ức và ý thức của Trương Đại Nhạc.

Người trong miếu không hề nhận ra khi bọn Văn Thời đi đến cạnh miếu. Họ thấy hai, ba người nọ ngồi quanh đống lửa được đốt lên bằng củi bổ, vừa xoa tay vừa nói: “Đèn trên núi lại sáng rồi, người ta hay nói thế nào vậy nhỉ?”

“Thì lại làm phiền quỷ núi chứ sao.”

“Nói vậy chỉ để dọa người thôi. Chúng ta thường phải băng qua chỗ này, không thể coi đó là thật.”

“Sao lại không thể coi đó là thật được? Ta từng gặp quỷ núi rồi đấy!”

“Thật hả? Hồi nào?” Có người hỏi theo.

Một người với giọng già dặn hơn buông lời: “Rất nhiều năm về trước.”

“Quỷ núi trông ra sao? Có mấy tay mấy chân mấy đầu? Thấy ghê không?”

“Ủa sao ta biết, ta chỉ thấy được một chút thôi, nhưng mà chướng khí ngập trời luôn nhé. Bóng dáng của quỷ núi cao lêu nghêu, khoác áo choàng rộng thùng thình, áo choàng thì đỏ tươi, vừa chớp mắt đã không thấy tăm hơi.”

HẾT CHƯƠNG 98 („• ֊ •„)

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.