“A, có phải chú Lâm ngày xưa hay vào đây thăm bố mẹ rồi cho con kẹo đúng không?”
“Đúng rồi, đấy, chính chú đấy đấy.”
Bà Liên theo bản năng xoa đầu con gái nhỏ. Ông Long nhấp một ngụm trà, cười ha ha.
“Xưa chú ấy theo đuổi mẹ con, mà thua cuộc. Giờ vẫn quyết định ở giá đấy. Hà hà...”
“Phụtttt...”
Hoàng đang bưng cốc trà, tính ngửa cổ lên tu, nghe xong liền phụt nước phì cười. Lão Long thấy vậy bất bình.
“Mày cười gì thằng kia?”
“Ặc ặc... Thầy, con không ngờ thầy lại có thể chiến thắng tình địch đấy...”
“Ha ha. Chắc đây là chiến thắng vẻ vang của Thôi Chấn Long đại hiệp ta trên tình trường, vợ nhỉ?”
Lão nói xong, đoạn quay ra cười với vợ. Bà Liên nguýt một cái.
“Chẳng qua ngày đó tôi thương tình giúp ông, chứ không thì giờ chúng ta đã là người xa lạ rồi.”
“Hì hì, tôi biết tôi biết.”
Ông Long cười lấy lòng vợ, Hoàng càng thắc mắc ngày xưa tại sao lão lại có thể lấy được mợ Liên. Hoàng chỉ biết sư phụ của lão chính là bố ruột của mợ, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì không phải do sắp xếp của sự cố chứ? Tuy bây giờ mợ cũng đã tuổi xế chiều, nhưng mợ vẫn còn lưu giữ được nét đẹp thiếu nữ năm nào lắm. Mà không phải là Hoàng chê lão Long hói không đẹp trai, à mà không đẹp trai thật, nhưng tuyệt nhiên với tính cách như lão, hiếm ai khí chất như mợ Liên lại có thể nhận lời cưới một người như vậy được. Nên càng nghĩ càng tò mò.
“Mày làm gì ngẩn ngơ ra thế Hoàng?”
“Ha ha, thầy, con chỉ không nghĩ làm sao thầy có thể cưới được một người như mợ Liên.”
“Còn phải nói.”
Lão bĩu môi.
“Muốn nghe hả?”
Bà Liên thấy vậy thì cười.
“Dạ.”
“Tôi kể ông nhé?”
“Tuỳ bà.”
Ông Long khoát tay tỏ chí vô tư, bà Liên cười phá lên, uống chén trà, bắt đầu mơ màng về một miền kí ức xa xôi mà bà không bao giờ được quay lại nữa...
“Năm đó, mợ mười bảy, lão già hói này hai hai...”
Năm đó, trong binh đoàn bộ đội đang tiến vào Quảng Trị, vùng đất khốc liệt trong chiến tranh, đại đội trưởng Nguyễn Văn Long cùng gần một trăm anh em binh lính, chủ yếu là học sinh, sinh viên của trường sư phạm tại Hà Nội đang trên đường hành quân, đi qua một đoạn thuộc khu núi rừng Trường Sơn, có đóng quân tại bìa rừng, nơi mà bản làng của người dân tộc đã lui sâu vào bên trong để trốn giặc.
Khi ấy là lúc trời nhập nhoạng tối. Đoàn quân chuẩn bị mắc võng ven các cành cây bìa rừng, tuy là đông người, nhưng chốn thâm sơn cùng cốc này lại dễ khiến các cậu sinh viên Hà Thành bấy giờ, run sợ trong lòng.