Ba người ra phố ăn cơm, Trang Chi Điệp nói, Liễu Nguyệt chẳng giống người nhà quê, ngoan đấy! Triệu Kinh Ngũ nói:
- Ai ngờ con bé thay đổi nhanh thế. Dạo mới đến ăn mặc quần vải thô, thấy người cứ cúi gằm mặt xuống, không chịu nói gì cả. Một hôm, gia đình kia đi làm, mở luôn tủ, lấy quần áo của chị chủ nhà mặc từng cái vào, đứng soi gương, vừa vặn bị người nhà bên nhìn thấy, bảo một câu “Cô giống Trần Xung”, cô ta bảo “Thế ư?” nhưng lại khóc hu hu chẳng ai hiểu tại sao nó khóc! Tháng đầu tiên trả tiền coi trẻ, chủ nhà bảo, cháu gởi tiền cho bố cháu một ít, cuộc sống ở vùng cao đất vàng cực khổ lắm. Cô ta không gửi, đem mua hết quần áo. Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân, cô ta bỗng nổi hẳn lên, mọi người trong khu ấy ai cũng bảo giống Trần Xung. Từ đó mỗi ngày một khác, đã thay đổi toàn bộ tính cách.
Trang Chi Điệp nhắc tới Liễu Nguyệt, là cảm thấy cô bé ấy có tính cách đáng yêu, vô tình nói ra một câu, song đã làm cho Triệu Kinh Ngũ tuôn ra hàng đống, thấy Triệu Kinh Ngũ lại bảo:
- Anh định nhận cô ta đến nhà anh thật sao? Đừng có thuê bảo mẫu, hãy mời một tiểu thư!
Trang Chi Điệp không muốn bàn nhiều, liền một mình đi thẳng lên phiá trước. Đi qua một ngõ nhỏ, nhìn thấy sân nhà ai cạnh đó có một cây thị cành lá rậm rạp, một chiếc lá vàng chợt bị một cơn gió thổi, rơi đúng vào tròng mắt bên phải, liền hỏi đột ngột:
- Kinh Ngũ ơi, từ ngõ này rẽ đi, có phải là am ni cô không?
Triệu Kinh Ngũ đáp:
- Phải đấy!
Trang Chi Điệp nói:
- Mình mới quen một người bạn ở gần đây, tại sao không gọi đi ăn món bầu cho vui nhỉ?
Triệu Kinh Ngũ hỏi:
- Có phải là ni cô Tuệ Minh không hả anh?
Trang Chi Điệp nói:
- Người ta là người cửa Phật, đi ăn lòng già lợn thế nào được cơ chứ?
Triệu Kinh Ngũ bảo:
- Xúc phạm đấy, đã là bạn của anh, thì cũng nên mời đến làm quen!
Trang Chi Điệp nói:
- Mình sẽ đi nhanh về nhanh.
Liền nổ máy xe “Mộc lan” bình bịch phóng đi luôn. Xe máy vừa nổ trước cổng, trên bờ tường sân thấp lè tè, một cái đầu thò lên bóng mượt, gọi:
- Thầy giáo Điệp ơi!
Trang Chi Điệp quay sang nhìn thì chính là Đường Uyển Nhi đứng nhìn mình cười toe toét. Trên mặt tường phủ đầy dây leo, Trang Chi Điệp nghĩ không hiểu tại sao người đàn bà này lại phát hiện ra mình khéo đến vậy, thì cái đầu bóng và khuôn mặt phấn mất hút trong màu xanh lá cây từ trong bức tường vọng ra tiếng nói:
- Xin chờ cho một lát, em ra mở cổng.
Thì ra người đàn bà đang đi đại tiện, ngồi xổm trong chuồng tiêu, nhìn chân tường bị xước ngấm mòn, để lại những vết tích lốm đốm, đã nhìn ra khá nhiều hình người ở đó, không hiểu tại sao liền nghĩ đến Trang Chi Điệp, tự nhiên mặt đỏ lên xấu hổ. Giữa lúc ấy nghe tiếng xe máy, liền cuống quít đứng dậy nhìn ra, thì vừa vặn là Trang Chi Điệp vội vàng kéo cái váy màu vàng nhạt tụt đến tận cổ chân lên, xồn xồn chạy ra. Trang Chi Điệp nhìn qua khe cổng, thấy Đường Uyển Nhi vừa chạy, những thắt dải váy, song không chạy ra mở cổng, mà đi vào trong nhà, nhìn rõ cái mông phốp pháp hơi cong lên đang vặn bên này vẹo bên kia, trong lòng chợt thấy rạo rực.
Ở trong nhà Đường Uyển Nhi đang soi gương sửa lại mái tóc, lấy một miếng mút chấm vào sáp xoa vào chỗ gò má, bôi môi son, rồi chạy ra mở cổng. Sau đó cứ tựa vào cánh cổng, tươi cười âu yếm nhìn khách mãi.
Trang Chi Điệp nhìn vào đôi mắt kia, đã nhìn rõ trong đó có một con người nhỏ xíu, hiểu ra con người nhỏ xíu đó là mình, liền nói ngay:
- Chu Mẫn đâu? Chu Mẫn không ở nhà ư?
Đường Uyển Nhi nói:
- Hôm nay anh ấy đi xưởng in, đi ngay từ sáng sớm. Thầy giáo Điệp vào nhà đi. Trời nắng chang chang thế này cũng không đội mũ.
Trang Chi Điệp cảm thấy mơ hồ, không rõ Chu Mẫn vắng nhà đối với mình là một thất vọng hay là một hy vọng, liền xách túi đi vào. Ngồi vào ghế, Đường Uyển Nhi rót trà lấy thuốc, mở quạt điện, nói:
- Thưa thầy giáo Điệp, chúng em biết cám ơn thầy thế nào đây. Con người nổi tiếng như thầy, người ta muốn gặp cũng chẳng được gặp, mà chúng em lại được nhận ân huệ quá nhiều đến thế.
Trang Chi Điệp hỏi:
- Nhận ơn huệ gì của tôi mới được chứ?
Đường Uyển Nhi đáp:
- Thầy gởi nhiều dụng cụ ăn uống như thế, chẳng cần nói hiện giờ đúng là dùng không hết, cho dù sau này chính thức đi vào cuộc sống gia đình cũng không dùng hết đâu.
Lúc này Trang Chi Điệp mới nhớ tới cửa hàng tạp hoá chuyển dụng cụ gia đình đến tặng, liền cười bảo:
- Có đáng mấy đâu, chỉ tiêu hết nhuận bút của một bài báo nhỏ.
Đường Uyển Nhi cũng bê chiếc ghế đặt trước mắt Trang Chi Điệp, ngồi xuống, vắt chân lên bảo:
- Một bài văn nhỏ màu mua được nhiều thứ thế kia ư? Anh Chu Mẫn bảo, trả tiền nhuận bút tính số chữ, dấu chấm dấu phẩy cũng được coi là chữ, vậy thầy viết một cuốn sách, chỉ riêng dấu chấm dấu phẩy cũng được bao nhiêu là tiền.
Trang Chi Điệp phì cười:
- Nếu chỉ có dấu chấm, dấu phẩy, thì không ai trả tiền nhuận bút đâu.
Đường Uyển Nhi cũng cười ngặt nghẽo, cười thành tiếng, nhưng lập tức, chị ta nhấc chiếc áo sơ mi cổ tròn tụt xuống cổ, bởi vì khi cười áo sơ mi cổ tròn đã thõng xuống, để lộ rõ một mảnh ngực rất to rất trắng. Song nhấc áo lên như vậy đã làm Trang Chi Điệp chột dạ, về sau ánh mắt mỗi khi chạm đến đấy lại trượt đi. Đường Uyển Nhi nói:
- Thưa thầy Điệp, em xin hỏi thầy một vấn đề. Trong tác phẩm của thầy, nhân vật nào cũng có mốt phải không?
Trang Chi Điệp đáp:
- Nói thế nào nhỉ? Nhiều cái do tôi suy nghĩ tưởng tượng ra đấy.
Đường Uyển Nhi hỏi:
- Sao thầy tưởng tượng được chi tiết như thế? Em bảo với anh Chu Mẫn, thầy giáo Điệp là con người tinh tế giàu tình cảm, có một người chồng như vậy, thì vợ thầy hạnh phúc vô cùng.