Một hôm, vào lúc sáng sớm, Ngưu Nguyệt Thanh ra ban công phơi quần áo, chim bồ câu đậu trên sàn cửa sổ hót cúc cu. Thường ngày chị cũng thích con chim khôn nhỏ bé này, thấy lông trắng đo đỏ hót rất hay, chị liền đặt chậu xuống đến bắt, nô nghịch trên bàn tay một lát, chợt nhìn thấy trên chân chim bồ câu có một mẩu giấy nhỏ gấp lại. Chị liền gỡ ra xem, trên đó viết ba chữ “Em cần anh”, lại được đóng một vòng tròn môi son. Ngưu Nguyệt Thanh lập tức ngẩn người, suy nghĩ chắc chắn đây là giấy hẹn gặp của Đường Uyển Nhi gửi đến. Chị liền lấy dây buộc chân chim bồ câu lại, ngồi ở phòng khách chờ Liễu Nguyệt đi mua dầu về. Liễu Nguyệt vào cửa, Ngưu Nguyệt Thanh liền cài then, một cái ghế tròn nhỏ, được để ở giữa nhà, từ buồng ngủ, chị lấy ra một cái roi đập bụi làm bằng da, bảo Liễu Nguyệt ngồi trên ghế tròn. Liễu Nguyệt nói:
- Em vào bếp rót dầu. Hôm nay đường phố đông người lắm, em không chen vào nổi, liền hét to có dầu, có dầu rồi! Thế là đám đông liên tách ra một lối đi.
Chị Thanh nói:
- Tôi bảo cô ngồi thì cô cứ ngồi vào!
Liễu Nguyệt bảo:
- Hôm nay chị cả làm sao thế? Em không ngồi đâu!
Ngưu Nguyệt Thanh giơ roi vụt, những sợi dây da xoè ra quật vào người Liễu Nguyệt. Liễu Nguyệt kêu thành tiếng, sắc mặt tái đi, hỏi:
- Chị đánh em à?
Ngưu Nguyệt Thanh đáp:
- Tôi đánh cô đấy. Tôi là chủ của cái nhà này, cô là người giúp việc, cô cấu kết với đàn bà hư hỏng bên ngoài làm hại nhà chủ, sao tôi không đánh được hả? Dù cho ông chủ tịch có đến đây cũng không dám ngăn cản. Cô nói đi, cái con đĩ Đường Uyển Nhi bán trôn đã đến đây bao nhiêu lần? Cô đã trải giường đắp chăn như thế nào, theo dõi canh gác ra sao?
Liễu Nguyệt cứ tưởng chị chủ vẫn còn cay cú, nên đáp:
- Sao em biết được thầy Điệp và Đường Uyển Nhi có chuyện ấy hay không có chuyện ấy cơ chứ? Lần trước em nói với chị như thế chỉ là tức mà nói thôi, song chị đã cho là thật, đã làm cho không khí gia đình rối tung rối mù lên rồi. Hôm nay chị lại chẳng hỏi rõ đầu cua tai nheo, cứ hùng hục lấy roi da đánh em! Kẻ giúp việc có hèn kém đến mấy, thì cũng là con người, chị đánh em đau thế này là định giết em phải không? Cho dù chị không coi em ra gì, không coi bố mẹ em làm nông dân ra cái gì, nhưng bây giờ em đã là người của gia đình chủ tịch uỷ ban thành phố, chị dựa vào điều nào luật nào mà đánh em hả?
Ngưu Nguyệt Thanh liền đưa con chim bị trói chân vào, lấy mẩu giấy vứt dưới chân Liễu Nguyệt, mắng:
- Tôi dựa vào những thứ này để đánh cô! Hàng ngày cô ở nhà, bồ câu do cô nuôi, thư do cô nhận, việc xấu xa nào chẳng thiếu được cô? Tôi không đánh cô thì cám ơn cô hay sao?
Cứ chửi một câu, chị lại vụt một cái, chửi một câu, lại vụt một cái, từng vết, từng vết đỏ trên cánh tay, trên chân Liễu Nguyệt. Liễu Nguyệt thầm nghĩ “Chết cha, chị ấy biết hết rồi!” rồi hốt hoảng, không nói cứng nữa, giơ tay nắm chặt roi da, bảo:
- Hai người yêu nhau, thì có liên quan gì đến em cơ chứ?
Chị Thanh hỏi:
- Yêu nhau như thế nào, hôm nay cô phải nói thật với tôi từng sự việc. Nếu cô không nói, tôi đánh cô xong còn nói chuyện này với mẹ con Đại Chính. Người ta nếu bằng lòng lấy cô, thì cô vào trong trụ sở uỷ ban nhân dân thành phố mà làm chuyện dâm loạn, nếu người ta không lấy, thì cô lột hết quần áo trên người, cút xéo về nơi rừng sâu núi thẳm Thiểm Bắc của cô.
Liễu Nguyệt liền khóc rồi kể hết, Trang Chi Điệp và Đường Uyển Nhi ngủ với nhau ở nhà như thế nào, hẹn gặp ở nhà Đường Uyển Nhi ra sao, nói cách chim bồ câu đưa thư như thế nào, trong thư có dấu môi son, có cả lông âm hộ. Để vui lòng chị cả giảm bớt lỗi lầm của mình, cô ta đã có nói có, không có cũng nói có. Lúc đầu Ngưu Nguyệt Thanh cũng nghi ngờ trong lòng, thành ra có nhiều tưởng tượng của mình. Nghe Liễu Nguyệt khai ra như vậy, trước mặt chị đã lần lượt hiện ra hàng đống hàng đống những bức tranh cụ thể chi tiết, lại cảm thấy chẳng thà không hay biết hay hơn, mà biết rồi lại không sao chịu nổi, liền sôi máu lên, thịt da run rẩy, trời đất quay cuồng. Chị hừ lên:
- Trời ơi, tôi mù, tôi điếc, sự việc đã đến mức này mà tôi không hề hay biết.
Chị trợn tròn hai mắt, nắm chặt hai tay, hai hàm răng va vào nhau cầm cập, chị nói với Liễu Nguyệt:
- Bây giờ chị còn gì nữa hả Liễu Nguyệt? Em nói đi, bây giờ chị chẳng còn gì nữa, chị trơ trọi một mình.
Liễu Nguyệt tụt khỏi ghế, quỳ trước mặt chủ nhà, nói:
- Chị cả ơi, việc này lẽ ra em phải nói với chị, nhưng em là kẻ hầu người hạ trong nhà, em đâu có dám nói với chị? Em nói ra thì lúc ấy chị có tin em không? Em đã giúp họ, đã tạo thuận lợi cho họ, em có lỗi với chị, chị hãy đánh em đi, hãy đánh chết em đi!
Ngưu Nguyệt Thanh quẳng roi đi, ôm Liễu Nguyệt khóc thảm thiết. Chị khóc xin Liễu Nguyệt cứ giận chị. Chỉ vốn định doạ Liễu Nguyệt, nhưng Liễu Nguyệt không nói thật, nên chị mới đánh. Chị nói:
- Chị chịu không nổi, chị đã đánh em, em tha thứ cho chị cả đáng thương này. Em có thông cảm hay không hả em?
Liễu Nguyệt đáp:
- Em thông cảm lắm.
Cô ta cũng khóc. Khóc một trận xong, Ngưu Nguyệt Thanh dần dần bình tĩnh lại, lau nước mắt, lau cả nước mắt cho Liễu Nguyệt. Liễu Nguyệt nói:
- Chị cả ơi, em dẫn chị đi, chị em mình đi tìm con đàn bà dâm đãng kia, xé nát cái mặt của nó ra!
Ngưu Nguyệt Thanh lắc đầu nói:
- Nó là cái thứ gì! Đồ bỏ chồng bỏ con đi theo người đàn ông khác, đã bỏ đi theo đứa khác rồi, còn rủ rê người đàn ông khác nữa, một thứ rẻ tiền hễ nhìn thấy đàn ông là lao vào, chị đánh nó làm gì cho bẩn tay? Nếu chị em mình đi tìm đánh nó, tin loan truyền đi, người người đều biết. Thầy Điệp em với nó thế nào thế nào, thì thầy Điệp mất thanh danh, mà nó thì được thơm lây. Trên đời có bao nhiêu người sùng bái thầy Điệp em, được gặp mặt một cái cũng khó, nhưng nó thì được ăn nằm với danh nhân cơ chứ! Hơn nữa, vài hôm nữa, em sẽ lấy Đại Chính, nhà mình xảy ra chuyện ấy thì còn mặt mũi nào đi gặp ông chủ tịch uỷ ban thành phố thông gia nữa hả em? Thầy Điệp em tuy đã làm tan nát lòng chị, anh ấy không cần đến tiền đồ, sự nghiệp, công danh và uy tín của mình, thì chị còn phải hết sức cứu vớt anh ấy. Chị sẽ chịu nhịn nhục không làm ầm ĩ ở nhà, nếu ra ngoài làm ầm lên, chỉ có thể làm cho anh ấy bất cần tất cả, càng nảy sinh tư tưởng cứ đòi chung sống với con mụ dâm đãng kia, vậy thì anh ấy cũng hết nốt. Anh ấy gian khổ phấn đấu tới mức xuất chúng cũng có phải dễ đâu hả em? Bây giờ chị cũng không cứu anh ấy gì đâu, chỉ cần anh ấy cải tà quy chánh, không bao giờ đi lại với con mụ dâm đãng kia là được. Cho nên, em ra ngoài chớ để lộ lời nói nào. Em cứ mặc kệ chị cãi nhau với anh ấy, làm ầm ĩ với anh ấy như thế nào, em không được lắm điều, cứ làm như không biết chuyện này, nhưng em còn quan tâm tới chị cả này, thì chị sẽ nói với em, trong trái tim chị em mình trong nhà, lại phải biết căn bệnh của anh ấy, chỉ có điều phải hết sức cảnh giác đề phòng, em hiểu ý chị nói chứ?
Lần đầu tiên Liễu Nguyệt phát giác Ngưu Nguyệt Thanh còn có tâm tư như vậy và tỏ ra đáng thương. Làm bà chủ trong nhà còn khó xử như thế đấy, cô ta liền gật đầu. Ngưu Nguyệt Thanh lại dặn dò một lúc như vậy sau đó bảo Liễu Nguyệt rửa mặt chải đầu, đánh phấn bôi son ra đi.
Liễu Nguyệt đã đến nhà Đường Uyển Nhi. Đường Uyển Nhi đang đứng ngồi không yên mong ngóng ra cổng. Nhìn thấy Liễu Nguyệt đến, bước lại gần cửa hỏi:
- Em từ nhà đến phải không? Có nhìn thấy thư chim bồ câu đưa đến không? Thầy Điệp không có nhà ư?
Liễu Nguyệt đáp:
- Thầy Điệp ở nhà, chị cả hôm nay sang bên Song Nhân Phủ, thầy Điệp bảo chị sang nhà nói chuyện.
Đường Uyển Nhi hớn hở, lấy kẹo trong hộp mời Liễu Nguyệt ăn, Liễu Nguyệt không ăn, chị ta cứ bóc ra nhét vào mồm Liễu Nguyệt và bảo:
- Kẹo này ngọt lắm, mút từ từ sẽ ngọt tận trái tim. Thầy Điệp ở nhà, sao không sai bồ câu đem thư đến, việc gì phải cử em đi cho mệt!
Liễu Nguyệt đáp:
- Em phải đến cửa hàng tương mì nhà Dương ở ngõ Đức Thắng mua bột mì và tương, cách đây không xa, tiện thể nhắn tin cho chị.
Nói xong là đi luôn. Đường Uyển Nhi cũng ăn diện tử tế, rồi đạp xe đến khu nhà tập thể hội văn học nghệ thuật.