Đường Uyển Nhi mở hộp thuốc, trong hộp có một lọ thuốc bé xíu, mở nắp lọ thuốc, thì trong lọ không có thuốc, chỉ có mẩu giấy nhàu vê thành cục. Trên đó có chữ “Giữ sức khoẻ“. Đường Uyển Nhi đã oà khóc. Từ hôm ngựợng chín mặt đi ra khỏi cửa ngôi nhà ở khu tập thể hội văn học nghệ thuật, chị ta cảm nhận sâu sắc nỗi nhục mình phải chịu. Chị ta biết thổi một quả bóng hơi, thổi càng to càng có nguy cơ bị nổ, nhưng quả bóng hơi một khi đã thổi lên, lại không thể kìm hãm tham vọng và niềm vui muốn thổi phồng to hơn. Chị ta không thể không yêu Trang Chi Điệp, có lẽ Ngưu Nguyệt Thanh càng đối xử với chị ta tốt, thì khi yêu Trang Chi Điệp, chị ta càng thấy ân hận và không yên. Chính vì nỗi ân hận và không yên này, chị ta đã hết sức tránh gặp Ngưu Nguyệt Thanh, cũng đã không hay đến ngôi nhà ấy gặp lén lút nữa. Chị ta cũng biết tại sao Trang Chi Điệp đã nhiều lần hỏi chị ta có phải anh là người hư hỏng. Tuy chị ta đã từng nói với Trang Chi Điệp:
- Anh cảm thấy khó quá, thì chúng mình chỉ là bạn, không làm chuyện kia nữa.
Tuy chị ta nói thế là để thăm dò, tuy Trang Chi Điệp không trực tiếp trả lời chị ta, mà mỗi lần hai người gặp nhau lại tự nhiên, thậm chí lại vô tình làm chuyện đó. Song Ngưu Nguyệt Thanh đã giận dữ giết chết chim bồ câu, giết rồi lại hầm thành canh thịt cho chị ta và Trang Chi Điệp ăn, thì tình cảm ân hận của chị ta đối với bà chủ gia đình ấy bỗng chốc không còn nữa. Nếu ta làm tổn thương người, thì người cũng làm tổn thương ta. Một hoà, chúng ta chẳng còn ai nợ ai nữa, chúng ta như người lạ qua đường chưa hề gặp mặt nhau.
Đường Uyển Nhi nghĩ ở dọc đường như thế, khi về đến nhà chị ta thấy nhẹ nhõm, thậm chí đột nhiên chăm chỉ quét nhà, giặt quần áo. Trong đêm ấy chị ta bảo Chu Mẫn:
- Anh không mau mau đi ngủ ư?
Chu Mẫn đi thổi huyên về, đang viết quyển sách không ký tên kia, liền đáp:
- Ngủ đây, ngủ đây!
Liền thu gọn bản thảo, sau đó lấy nước nóng lau rửa nửa người phía dưới rồi hớn hở leo lên giường, nhưng chị ta đã ngáy khò khò. Hễ đi nằm là chị ta nằm một lèo ba ngày không dậy. Chị ta đã mơ một giấc mơ cực kỳ kinh khủng, tỉnh dậy chiếc áo đã ướt sũng, nhưng chị ta không nhớ rõ tình tiết của giấc mơ, chị ta thấy cô đơn và buồn tẻ vô cùng, đau đớn như một con cá nướng trên bếp lò. Ba ngày sau, chị ta lảo đảo trở dậy, hết ngồi ở mép giường lại ngồi ở ghế sa lông, hết ngồi ở ghế sa lông lại ngồi ở mép giường. Hình như chị ta nghe rõ tiếng gù của chim bồ câu, nhón chân chạy ra, dựa vào cây lê trong sân nhìn trời. Trời cao tít tắp, trên trời có mây, trắng lắm, trắng lắm, đó là mây, Chứ có phải là chim bồ câu đâu, tự nhiên nước mắt chị ứa ra.
Trong thành phố mà chị ta và Trang Chi Điệp đang sống này, trên đất đã không có đường thông, mà trên trời cũng không có lối ư? Trong sân đã rụng đầy lá, mà đầu cành vẫn lá rơi lả tả. Mùa thu đã đến, tiếng ve thưa dần, trận gió đêm qua, đã làm cho cây lê đầy đặn gầy rạc hẳn đi! Thế là Đường Uyển Nhi cảm thấy mông mình tọp đi, má mình hóp lại, năm tháng này, thời gian này cũng gầy xọp hẳn đi, chỉ còn lại một tiếng thở dài của gió đang đập vào tấm rèm trúc trên cửa sổ.
Khi Chu Mẫn đi làm về, lại định lên tường thành thổi huyên, chị ta đã không cho anh đi, chị ta đòi anh thổi ở dưới cây lê. Chị ta bảo chị ta không phản đối thổi huyên nữa, chị ta cũng đã thích tiếng huyên này. Chu Mẫn ngạc nhiên nhìn chị ta, bảo:
- Anh đã nói rồi mà, tiếng huyên này hay lắm. Em cứ bảo khó nghe, bây giờ đã thưởng thức ra mùi vị rồi hả?
Rồi anh thổi u u, vừa thổi, vừa nháy mặt rướn mày lấy lòng chị ta. Chị ta ngả người vào ngưỡng cửa lắng nghe, nhưng đột nhiên một cảm giác ập vào trái tim, cảm giác này dẫn chị ta đến đầu cầu ngoài cửa thành Nam, đến dưới cái cây hình chữ nhẫn để được ở gần chỗ đầu cầu ấy.
Chị ta tin vào cảm giác của mình. Trước kia Mạnh Vân Phòng đã từng xem đường chỉ tay của chị ta, nói chị ta có bàn tay kiểu dự cảm. Bây giờ trong lòng chị ta chỉ có một ý nghĩ: không có lối đi đến chỗ anh ấy nữa, nếu muốn đi, thì chờ ở dưới gốc cây ấy.
Thế là chị ta đứng dậy thay quần áo, đánh phấn bôi son, đi gôi giày da cao gót kia vào. Chu Mẫn hỏi:
- Em định đi à, đi đâu vậy?
Đường Uyển Nhi đáp:
- Em đi mua khăn vệ sinh, em đã đến kỳ.
Chị ta bảo đã đến kỳ, chị ta đến kỳ thật, chị ta đã lấy giấy lót vào trong xi líp, rồi hấp tấp ra khỏi cửa. Chu Mẫn bảo:
- Tối thế này rồi, để anh dẫn em đi.
Đường Uyển Nhi đáp:
- Trong thành phố có sói có báo hay sao mà anh phải dẫn em đi? Anh cứ yên chí ở nhà viết cho xong quyển sách kia đi.
Đường Uyển Nhi đi qua đường cái, trên đường cái vẫn là người và xe đi lại nhộn nhịp, chị ta đã tìm đến đầu cầu đá ở ngoài cửa nam thành phố. Nhưng Trang Chi Điệp không ở đó. Chị ta đã chờ đến mười hai giờ đêm, cũng không thấy Trang Chi Điệp xuất hiện ở đó. Mãi cho đến lúc đêm đã khuya lắm, trên đầu cầu không có ai đi lại nữa, chợt chị ta nẩy ra một ý nghĩ lạ lùng, quệt máu ấy thấm ướt cả bàn tay rồi đóng lên lan can đầu cầu, đóng lên thân cây kia, đóng lên cả hòn đá kẹp giữa chạc cây. Dấu bàn tay in trên hòn đá kia hoàn chỉnh vô cùng, có thể nhìn được từng vân trong đó. Mạnh Vân Phòng đã từng nói, dấu tay của mỗi người là bản vẽ mạng sống của người đó. Trang Chi Điệp ơi, nếu anh đã đến đây, anh có thể nhìn thấy đây là bản vẽ mạng sống của em, em đã từng chờ đợi anh ở đây.
Mấy ngày liền, Đường Uyển Nhi đã đi đến gốc cây đó. Nhưng Trang Chi Điệp vẫn không có tăm hơi chi. Chị ta chắc chắn Trang Chi Điệp đang ở hoàn cảnh gian nan, không được tự do, không đến được, cuối cùng khi Trang Chi Điệp đã gửi tin đến trong hộp thuốc, thì sau khi khóc to một trận thoải mái, người phụ nữ ấy đã sắt son thề nguyền: ta nhất định phải gặp anh ấy, cho dù là lần cuối cùng của kiếp này, ta cũng phải gặp mặt anh ấy lần cuối cùng.