Phế Đô

Chương 86: Chương 86




Ngưu Nguyệt Thanh đi về ở bên Song Nhân Phủ. Khu đất trũng ở Song Nhân Phủ đã bắt đầu cải tạo. Mấy ngõ phố ở đầu phía bắc người đã dọn đi. Bà già hoảng sợ. Sang tháng sau, sang mùa đông sẽ đến lượt bà chuyển đi. Vậy thì không bao giờ còn có cái ngõ cục quản lý nước này và cái nhà sàn giếng cổ kia. Bà già đem những cái bỉên nước bằng xương ra ngắm nghía một ngày mấy lần, làu bàu kể cho con gái nghe chuyện đời xưa đời nay, lúc thì chuyện người, lúc thì chuyện ma, chuyện người chuyện ma lẫn lộn làm một. Ngưu Nguyệt Thanh chăm sóc mẹ già, nhưng trái tim thì không lúc nào là không dành cho Trang Chi Điệp. Đi khỏi khu nhà hội văn học nghệ thuật, không có sự quấy rầy nhiều nữa, đáng lẽ chị có thể bình tĩnh suy nghĩ lại sự việc của hai vợ chồng, nhưng trước cảnh thanh vắng, thì con người đã quen với ồn ào nhộn nhịp, xét cho cùng lại đâm ra có phần hiu quạnh. Chị rời khỏi căn nhà ấy trong tâm trạng tức giận, đã thề không bao giờ gặp lại anh ấy nữa. Nhưng bây giờ đã đi xa anh ấy, chị mới biết mình yêu anh ấy như thế nào. Chị dự đóan Trang Chi Điệp về đến nhà, đọc xong bức thư dài kia sẽ có phản ứng như thế nào, sẽ nổi giận đùng đùng hay đau khổ không thiết sống nữa? Nếu như vậy, thì anh ấy sẽ nhanh chóng sang bên này, than khóc và kể lại với chị cái nguyên nhân của sự việc, hối hận về sự sai sót của mình, thề sẽ chia tay với Đường Uyển Nhi. Chị nghĩ tới lúc ấy, chị sẽ đẩy anh ra ngoài nhà, dùng chổi quét rác tung bụi lên xỉ vả anh, hắt một chậu nước bẩn lên người trừng phạt anh. Chị làm như vậy, mẹ chị sẽ can ngăn, chị phải cãi nhau với mẹ, sau đó mắng anh trước mặt mẹ, lấy tay rứt tóc anh, cho đến khi trút hết giận trong bụng, thì chị sẽ có thể chấp nhận anh.

Nhưng Trang Chi Điệp không đến, ngay một cú điện thoại cũng không gọi. Có lẽ nào điều Trang Chi Điệp trông mong lại chính là điều này? Anh ấy luôn luôn tìm cớ ly hôn, lại nghĩ mình không nói ra, chỉ dày vò tới mức để chị phải nói ra, tự mình làm, là trúng ngay ý định của anh ấy chứ gì? Ngưu Nguyệt Thanh lại nghĩ, có lẽ Trang Chi Điệp tức giận thật, tuy thường ngày anh ấy hiền lành, nhưng bướng bỉnh cố chấp, phải lấy cứng chọi cứng, chỉ chờ chị lại trở về bên này, mới chịu cúi đầu thì sao? Anh ấy là danh nhân, thường ngày mọi người đều kính nể, ở trong gia đình chị cũng đã quen, anh đã làm tổn thương đến chị, lại còn định bắt chị vỗ về vuốt ve, mới chịu quay lại chăng? Mấy lần Ngưu Nguyệt Thanh định sang bên nhà ở khu hội văn học nghệ thuật xem sao, nhưng đi đến giữa đường, chị lại quay về. Chị e làm như vậy liệu Trang Chi Điệp càng có ác cảm hay không? Cứ tưởng Ngưu Nguyệt Thanh này không rời được anh, mà mình về như thế này, thì hôm ấy việc gì phải viết bức thư dài như thế để lại ra đi!

Ngưu Nguyệt Thanh gọi điện thoại cho Mạnh Vân Phòng. Mạnh Vân Phòng đã biết chuyện này, trong điện thoại đã mắng chị giải quyết vấn đề không sáng suốt lắm, tại sao chị bỏ nhà đi không về nữa? Tại sao lại nêu ra đòi ly hôn? Chị điên tiết lên, nói trong điện thoại:

- Tại sao anh rặt bảo tôi sai, cho dù tôi xử lý vấn đề không tốt, thì anh ấy làm việc xấu xa kia là đúng ư? Đi ra ngoài lăng nhăng thì vợ còn phải cung kính anh ta như cũ sao? Anh ấy là danh nhân thì đương nhiên các anh chỉ được bảo vệ anh ấy, cái nhọt trên người anh ấy cũng đẹp tươi như hoa đào chứ gì?

Trút giận xong, chị quẳng ống nghe xuống. Chị cứ tưởng kỳ này Mạnh Vân Phòng cũng trở nên độc ác, không ngờ tối hôm ấy Mạnh Vân Phòng lại sang nhà, vừa bước vào đã cười với chị, anh bảo anh sang nghe chị chửi mắng đây. Thế là chị nói chuyện với anh. Chị bảo chị không sao hiểu nổi, người khác làm việc gì cũng bình an vô sự, mà Trang Chi Điệp đáng thương chỉ động đến Đường Uyển Nhi đã làm cho người tuy chưa chết, song gia đình đã tan vỡ.

Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:

- Anh còn hiềm anh ấy sa đọa chưa đủ ư?

Mạnh Vân Phòng đáp:

- Nhưng tôi có thể nói, trong phạm vi văn hoá của thành phố này, Trang Chi Điệp coi như tốt nhất.

Ngưu Nguyệt Thanh ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:

- Nhưng rút cuộc thì anh ấy không giống người khác, nếu anh ấy như Nguyễn Tri Phi, có xảy ra chuyện gì cũng chẳng ai bảo sao, nhưng hình tượng anh ấy trong con mắt và trái tim mọi người là thế nào mới được chứ? Là một người cao lớn, đứng đắn mà để xảy ra chuyện này thì ai tiếp thu nổi cơ chứ? Làm thế không những anh ấy huỷ diệt bản thân, mà còn huỷ diệt biết bao nhiêu người nữa? Tuy anh ấy không bỏ đi ra ngoài, nhưng đêm nào anh ấy cũng ngủ ở phòng khách, tuy không nêu ra ly hôn, nhưng đấy chỉ là vấn đề thời gian. Đã như vậy thì việc gì tôi phải bám vào anh ấy?

Mạnh Vân Phòng nói:

- Về đỉêm này chị nói rất đúng. Người khác ra ngoài gái gụ chỉ là gặp thì chơi cho vui mà thôi. Nhưng Trang Chi Điệp thì dành tình cảm thật sự. Anh ấy đúng là người thật thà. Anh ấy đi lại như vậy với Đường Uyển Nhi, tôi không tán thành lắm đâu, điều tiết một chút đời sống, thì được, chứ làm tới mức ấy, thì có khác gì với vợ mình?

Ngưu Nguyệt Thanh nghe xong, trong lòng buồn bã, chị nói:

- Ý anh nói là để anh ấy ra ngoài bậy bạ, gặp ai yêu người đó, yêu người này bỏ người kia, về nhà lại nói dối, dỗ dành tôi chứ gì?

Mạnh Vân Phòng nói:

- Hôn nhân là hôn nhân, tình yêu là tình yêu, hai chuyện ấy khác nhau, nhưng lại là thống nhất. Đừng tưởng Trang Chi Điệp sống ở thành phố này mấy chục năm, nhưng anh ấy chưa có tư duy hiện đại. Ở thành phố, mà vẫn còn nguyên ý thức con người nhà quê.

Ngưu Nguyệt Thanh bảo:

- Điều mà tôi cần là hôn nhân, là tình yêu, tình yêu là hôn nhân!

Mạnh Vân Phòng đáp:

- Về điểm này chị và Trang Chi Điệp thường phản đối tôi, nhưng tình hình hiên thực thì như thế nào? Chẳng phải các bạn đang sa vào tình trạng đau khổ to lớn đó ư?

Ngưu Nguyệt Thanh bảo:

- Vân Phòng ơi, chúng mình không nói nữa, có nói cũng chẳng thông thoát được đâu mà. Nếu anh uống nước, tôi sẽ rót cho anh, nếu không uống, thì anh cứ đi làm chuyện khác của mình.

Mạnh Vân Phòng ngượng chín mặt, song đã cười hì hì:

- Ái chà, chị đuổi tôi đấy à? Nhưng tôi không đi đâu. Tôi đã ăn cơm nhà chị quen rồi. Hôm nay vẫn phải ăn cái đã rồi đi đâu mới đi!

Ngưu Nguyệt Thanh nghẹn ngào khóc bởi nỗi lo phiền hoảng hốt của mình. Mạnh Vân Phòng thấy chị khóc càng đau lòng, liền nói:

- Nguyệt Thanh này, tôi là kẻ thối mồm, nói những điều ấy có lẽ chị không thích nghẹ nhưng từ đáy lòng, tôi đồng tình với chị. Chi Điệp cũng đã nói với tôi chị bỏ nhà ra đi, tôi đã phê bình anh ấy. Tôi bảo Chi Điệp này, nói về lương tâm, thì Ngưu Nguyệt Thanh là một người vợ tốt, chị ấy sống với anh đã hơn mười năm lại không sai trái gì quá mức, anh có yên tâm không?

Ngưu Nguyệt Thanh đáp:

- Tôi không cần đồng tình, tôi cũng có thể nhìn ra, sở dĩ Trang Chi Điệp không chủ động nêu ra ly hôn là đồng tình với tôi là suy nghĩ tới con đường sau này của tôi. Xét từ điểm này, thì anh ấy là một người còn có lương tâm. Nhưng tôi cần đồng tình ư? Điều tôi cần là tình cảm! Tôi không phải không yêu anh a, chính vì tôi còn yêu anh ấy, tôi mới để cho anh ấy trọn vẹn, để anh ấy đi lấy Đường Uyển Nhi.

Mạnh Vân Phòng hỏi:

- Anh ấy lấy Đường Uyển Nhi ư? Chị không biết đấy thôi, Đường Uyển Nhi đã bị anh chồng cũ bắt giải về Đồng Quan.

Ngưu Nguyệt Thanh ngẩn người ra một lát rồi nói:

- Con cáo ngứa nghề ấy, nó còn có hôm nay ư, nó đã hại người ta đủ rồi. Nó về Đồng Quan rồi sao?

Mạnh Vân Phòng đáp:

- Đừng chửi Đường Uyển Nhi nữa, cô ta cũng đáng thương lắm.

Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:

- Nó còn đáng thương ư, con mụ dâm đãng lẳng lơ ấy!

Mạnh Vân Phòng nói:

- Đường Uyển Nhi đi rồi, thì các bạn hãy trở về chung sống tử tế với nhau! Tuy việc này có làm tổn thương đến tình cảm của nhau, phải có một thời gian khôi phục lại, nhưng tôi cảm thấy chỉ có hai bạn hoà hảo với nhau, thì mới có lợi với mọi người, như vậy thì Mạnh Vân Phòng này, sau đây có đến cũng có chỗ ăn cơm uống nước chứ!

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Anh có đến, tôi vẫn cho ăn cho uống, chỉ sợ sau này anh không bao giờ đến nữa!

Mạnh Vân Phòng nói:

- Tôi có ăn có uống hay không là chuyện vặt, nếu hai bạn ly hôn, chị giải thóat được nỗi đau nhất thời này, vậy thì sau này sẽ hạnh phúc hay sao?

Ngưu Nguyệt Thanh đáp:

- Anh ấy ly hôn xong, cho dù không lấy được Đường Uyển Nhi đi chẳng nữa, thì với địa vị và thanh danh của mình, anh ấy có thể lấy được gái mười tám, cũng có thể lấy được gái hai mươi, anh ấy không thể không hạnh phúc. Tôi không tìm được một người chồng danh nhân, nhưng tôi nghĩ, cũng có thể lấy được một công nhân, một viên chức nhỏ tầm thường. Có lẽ, tôi cũng chẳng lấy ai cả, tôi sẽ sống với mẹ tôi.

Mạnh Vân Phòng nói:

- Sao chị cố chấp thế! Trong xã hội cũ, một chồng nhiều vợ, dễ chừng những người làm vợ chết ráo cả hay sao? Chỉ cần chị chịu tha cho anh ấy lần này sẽ do tôi khuyên bảo! trước kia tôi đã nói, mặc dù thế nào đi chăng nữa, thì cũng không thể mất căn cứ địa. Đừng như tôi bây giờ, lúc đầu giận con người kia đến chết đi được, lấy vợ khác, lại cảm thấy không bằng vợ trước. Hiện giờ đêm nằm mơ tôi thường mơ thấy mẹ của Mạnh Tần, ngược lại chưa có lần nào nằm mơ thấy Hạ Tiệp.

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Anh vẫn cứ muốn anh ấy bắt cá hai tay ư? Uổng công anh đã góp ý thiu thối này cho anh ấy!

Mạnh Vân Phòng tắc nghẹn, không biết nói thế nào nữa. Ngưu Nguyệt Thanh liền bảo, chị đã buồn ngủ, đuổi Mạnh Vân Phòng đi ra khỏi buồng riêng.

Mạnh Vân Phòng ngượng nghịu chỉ cười trừ, đi ra, nhưng bà mẹ ngồi ở phòng khách hỏi:

- Anh chị nói gì như ma đọc kinh thế? Tai tôi nghễnh ngãng rồi, chỉ nghe thấy nói ai đi mất thôi?

--- ------ BỔ SUNG THÊM --- ------

Mạnh Vân Phòng đáp:

- Mẹ ơi, con người ta tai nghễnh ngãng một chút hay hơn lẩn thẩn một chút càng tốt. Đường Uyển Nhi đi mất rồi, mẹ còn nhớ không? Người đàn bà của Chu Mẫn ấy mà. Cô ấy đã đi mất mấy hôm nay chưa về.

Bà già bảo:

- Tôi đã bảo lúc đi ngủ ôm đôi giày vào lòng, các người có ai chịu nghe đâu? Bây giờ Đường Uyển Nhi đi mất rồi, đối với người đàn bà thì quan trọng là đôi giày. Khi đi cô ta đi giày màu gì?

Mạnh Vân Phòng đáp:

- Nghe nói là đôi giày da cao gót màu đen, bà ạ.

Ngưu Nguyệt Thanh gàn mẹ:

- Mẹ ơi, mẹ, sao mẹ nói lắm thế.

Mạnh Vân Phòng lại cười và bảo:

- Vậy tôi về nhé!

Nói xong cũng bước ra khỏi cửa ra về. Mạnh Vân Phòng vừa đi khỏi, Ngưu Nguyệt Thanh lại nghĩ, mình có nên tha thứ cho Trang Chi Điệp hay không, huống hồ Đường Uyển Nhi đã ra đi. Nhưng chị lại nghĩ, rõ ràng Trang Chi Điệp đã ác cảm với mình từ trong trái tim, bây giờ mình đã viết lá thư đó, anh ấy lại đẩy Mạnh Vân Phòng đến nói những lời như vậy, chắc chắn anh ấy càng muốn xa lánh mình. Cho dù Đường Uyển Nhi đã ra đi, biết đâu sau này Trang Chi Điệp lại còn có những Trương Uyển Nhi, Lý Uyển Nhi khác. Đã như vậy thì đau đớn lâu dài chẳng bằng đau đớn trong thời gian ngắn. Thôi, thôi, thôi! chị đã cắn răng sắt đá như vậy nhưng vẫn thắc mắc tại sao Trang Chi Điệp lại ác cảm với mình, mình đã từng phản bội anh ấy ư? Lính hầu hạ anh ấy không chu đáo ư? Điều này chỉ chứng tỏ Trang Chi Điệp không còn là Trang Chi Điệp trước kia. Ngưu Nguyệt Thanh này là số phận bi thảm thế đó.

Liên tục mấy ngày, Mạnh Vân Phòng lại đến, hơn nữa Triệu Kinh Ngũ cũng đến, vợ chồng Uông Hy Miên cũng đến. Họ đều đến khuyên giải thuyết phục. Nếu Trang Chi Điệp đích thân đến nhận sai xin lỗi chị, thì còn được, nếu tất cả bạn bè người quen đều không hỏi han đếm xỉa gì đến chuyện này, thì cũng thôi, nhưng Trang Chi Điệp thì mất tăm mất tích, còn bạn bè người quen, thì thay nahu đến gây sức ép nên Ngưu Nguyệt Thanh phải xử cứng chứ không xử nhũn, trái tim càng ngày càng buồn phiền, lời nói càng ngày càng căng cứng, sau đó thì ai đến khuyên giải, ngay đến gặp mặt chị cũng không gặp nốt. Trong mấy hôm biếng ăn, mất ngủ liên miên, người chị gầy rạc hẳn đi, tóc cũng rụng từng nắm. Mỗi buổi sáng soi gương, nhìn thấy dáng dấp của mình, chị nghĩ tóc cứ rụng mãi thế thì sẽ thành con mụ đầu trọc long lóc mất tho6i, nửaa cuộc đời về sau này sống càng thảm hại hơn, bỗng chốc hoàn toàn thất vọng, liền nghĩ tới Tuệ Minh ở am ni cô. Một buổi hoàng hôn, ráng đỏ như cháy, chim chóc nháo nhác trên mặt tường thành, cuối cùng Ngưu Nguyệt Thanh đã đi vào am ni cô. Trên cổng am có dán một tờ giấy đỏ, trên đó viết “Mồng một có lệnh tung thả ma đói,. Nội dung ma đói: Người sống trừ tai tránh nạn, sống lâu, sung sướng tốt lành như ý…Kẻ chết thoát nỗi khổ địa ngục hoá kiếp sang thế giới cực lạc….”

Ngưu Nguyệt Thanh không hiểu ma đói là gì, cứ thế đi vào, nghe thấy trong điện Quan âm râm ran tiếng chuông tiếng mõ, chẳng qua cùng vào xem cho vui, chị đi thẳng vào trong vườn nho bên phải, đẩy cánh cửa một ngôi nhà nhỏ độc lập. Tuệ Minh đang ngồi bên trong, bôi xoa nước thuốc gì đó lên đầu. Đầu Tuệ Minh rất tròn, tóc rất thưa. Thấy Ngưu Nguyệt Thanh đi vào, vội chào hỏi mời ngồi, hai tay vẫn bôi xoa nước thuốc trên đầu. Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:

- Chị đang làm phép công gì vậy?

Tuệ Minh đáp:

- Công mọc tóc đấy.

Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:

- Công mọc tóc ư? Người đi tu ai cũng cạo trọc đầu, sao chị còn làm phép mọc tóc hay không mọc tóc?

Tuệ Minh đáp:

- Đều là chỗ quen biết, xin kể để chị nghe. Người đi tu ai cũng cạo đầu thành sư, nhưng tôi ngày xưa không có tóc để cạo, nên mới đi tu đấy. Khi tôi mười tám tuổi, tóc đậm mượt mà, nào ngờ mùa hè năm ấy mái tóc rụng hết. Một người đàn bà không có tóc thì còn gì là đàn bà hả chị? Suốt nửa năm trời tôi không dám ra khỏi cửa. Sau đó mới dứt khoát đến núi Chung Nam làm ni cô. Rồi sau nữa mới vào học viện Phật học. Nhưng bây giờ tôi lại cần có tóc, tôi muốn đầu mình mọc tóc, rồi lại cạo đầu. Đây là thuốc mọc tóc do Bắc Kinh sản xuất, nó có tác dụng đáo để.

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Tôi thì lại muốn mái tóc dài này trong một đêm rụng hết, cũng đến đây theo chị làm ni cô.

Tuệ Minh cười đáp:

- Cho dù tóc chị có rụng hết, thì xem ra cũng giống tôi đi tu ngày nào. Đời thường cũng thế, đi tu cũng thế. Xét cho cùng đàn bà vẫn là đàn bà. Đàn bà liệu có thiếu được đàn ông không? Đàn bà làm sao có thể giải thoát khỏi đàn ông hả chị? Nông dân gặt lúa mạch, thì phải thu rơm mạch, áo rồng chăn điện có dám bảo ở trong không có rận?

Ngưu Nguyệt Thanh đáp:

- Thực tình là như vậy.

Tuệ Minh hỏi:

- Chị thấy ni cô như tôi mà còn dùng thuốc mọc tóc có cảm thấy lạ không? Nhưng điều tôi thấy lạ là tại sao chị cũng nghĩ là phải đến am ni cô! Thầy Điệp là nhân vật như thế nào, người khác có nỗi buồn phiền, phải chăng chị cũng có nỗi buồn phiền?

Đột nhiên Ngưu Nguyệt Thanh nhỏ hai giọt nước mắt, song không nói câu nào. Tuệ Minh thấy chị như vậy cũng không hỏi dồn, rót nước trà hai người cùng uống rồi tiễn ra tận cổng mới chia tay.

Ba ngày sau Ngưu Nguyệt Thanh lại đến am ni cô, nhưng Tuệ Minh vẫn ngồi trong chăn, nói:

- Tôi biết chị sẽ đến nữa mà. Tôi đã gọi điện thoại hỏi Mạnh Vân Phòng. Anh ta sợ tới mức kêu ầm lên trong điện thoại, bảo tôi khuyên can chị nhiều hơn. Tôi việc gì phải khuyên, chị đến xin đi tu cũng được. Mỗi người đều có chí hướng riêng, khuyên cũng chẳng được. Nhưng tôi cũng có thể nói với chị, chỉ có mình mới giải thóat được mình. Lúc mới đầu đi tu, tôi cứ tưởng đi tu là vạn sự thanh thản. Nhưng đã vào cửa Phật mới biết không phải tuỳ tiện làm ni cô được đâu, nếu như vậy thì nhà chùa là trại lánh nạn và Phật cũng không thánh thiện trong sạch được nữa. Tôi rất hiểu trái tim cánh đàn ông. Có mới nới cũ, ưa của lạ, thay đổi xoành xoạch như chong chóng là bẩm tính của họ. Thế giới này vẫn là thế giới của đàn ông. Đàn bà giống như đứa trẻ con của người lớn. Người lớn vui vẻ thì đến nô đùa với trẻ con, để trẻ con chia vui với họ, Khi người lớn buồn khổ thì cũng đến đùa với trẻ con, hoặc chửi mắng trẻ con, coi trẻ con là cái thùng trút giận, hay cái máy khử giận, để chia sẻ nỗi buồn phiền, hoặc đẩy sạch nỗi buồn phiền sang trẻ nhỏ. Bảo đàn bà là nửa bầu trời, đàn bà có thể lên trời, có thể xuống đất, rút cuộc có bao nhiêu? Trong các cửa hàng đầy của thành phố đang bán nhan nhản nào quần áo của đàn bà, nào đồ mỹ phẩm của đàn bà, dường như mọi thứ ngoài xã hội đều phục vụ đàn bà. Nhưng tất cả những cái đó đều vì cái gì mới được chứ? Chẳng phải để đàn bà chưng diện cho thật đẹp, cung phụng cánh đàn ông thưởng thức tiêu dùng đó sao? Trong thế giới mà đàn ông làm chúa tể này, đàn bà phải hiểu đây là thế giới của đàn ông lại phải sống cho tốt. Khi chưa cưới, thì để người khác thích, lúc cưới rồi, thì để chồng cưng chiều, đàn bà phải luôn luôn điều chỉnh bản thân, làm phong phú bản thân, sáng tạo ra bản thân, mới có thể dành quyền chủ động, mới có thể đứng ở vị trí không bị loại bỏ. Nếu lấy sắc đẹp làm vui đàn ông, thì sắc đẹp thường phai nhạt đi theo thời gian, mà sắc đẹp ở trên đời, thì muôn hình muôn vẻ, một mình bạn làm sao thoả mãn nổi cái dạ dày tham lam đầy ngũ cốc còn muốn xơi cả sáu vị của đàn ông. Nếu tất cả đều cứ xoay như chong chóng theo đàn ông, tất cả của đàn ông là tất cả của mịnh thì rút cuộc bạn chỉ có thể sống chẳng ra sao, bị người ta ruồng bỏ. Khổng Tử nói chỉ có đàn bà và tỉêu nhân khó nuôi, thật ra đàn ông khó nuôi nhất. Bạn xa anh ta không được, bạn gần anh ta lại phiền. Đối với đàn ông, đàn bà phải như gần như xa, y như con trạch để khi anh ta nắm trong tay, thì bạn lại rơi tuột xuống, y như một hạt dưa, ăn vào miệng rồi, nước bọt ứa ra thòm thèm mà lại không sao ních đầy bụng. Như vậy, đàn ông có một cảm giác hay hay đối với bạn, sẽ theo đuôi bạn dũng cảm như ruồi nhặng. Cho nên đàn bà phải sống vì mình, sống nhiệt tình đam mê, phải sống có mùi vị, có như thế mới là người đàn bà biết sống thật sự trong thế giới đàn ông này.

Tuệ Minh cứ thao thao bất tuyệt nói một lô một lốc như vậy, trong lòng Ngưu Nguyệt Thanh cứ sôi lên sùng sục, lúc thì cảm thấy chị ấy đang nói Đường Uyển Nhi, tại sao Đường Uyển Nhi sống tới mức ai ai cũng cưng chiều, phải chăng Đường Uyển Nhi biết những điều này? Lúc thì cảm thấy chị ấy đang nói mình, mình không được cưng chiều là do mình không hiểu được cái lý do đó hay sao?

Nhưng điều mà Ngưu Nguyệt Thanh không ngờ là Tuệ Minh còn trẻ, lại là ni cô, mà hiểu nhiều chuyện về đàn ông và đàn bà như vậy. Chị nói:

- Tuệ Minh sư phụ này, chị nói ra được những điều ấy tôi ngạc nhiên thật đấy.

Tuệ Minh hỏi:

- Vậy ư? Nếu tôi nói tiếp, chị sẽ chết khiếp cho mà xem

Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:

- Chuyện gì mà khiến tôi chết khiếp hả chị?

Tuệ Minh đáp:

- Vậy thì được, chị đã tin tưởng coi trọng tôi, đến đây với tôi, tôi cũng nói hết với chị. Chị không cảm thấy hôm nay tôi ngồi trên giường nói chuyện với chị là mất lịch sự hay sao? Tôi đã phá thai được hai ngày.

Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:

- Phá thai ư?

Tuệ Minh đáp:

- Chị khép cửa vào, đừng để ni cô khác nghe thấy. Vâng, phá thai, chị nên đánh giá tôi bằng con mắt như thế nào, có lẽ chẳng bao giờ chị còn đến gặp tôi nữa, phải không? Nhưng đó là sự thật, hễ tôi phát hiện trong người mình khang khác, lại tự pha thuốc nam phá đi. Thôi nhé, bây giờ chị có thể đi về được rồi.

Ngưu Nguyệt Thanh quả thật không biết còn định nói với Tuệ Minh điều gì nữa. Chị hồi hộp không dám nhìn Tuệ Minh, không phải chị sợ Tuệ Minh khó xử, mà là mình xấu hổ. Chị nghẹn ngào, quả thật đã đứng dậy ra về.

Vừa đúng bảy ngày, Ngưu Nguyệt Thanh báo cáo đơn vị xin nghỉ ốm, ở lì trong nhà không đi đâu. Sau khi xảy ra chuyện bê bối giữa Trang Chi Điệp và Đường Uyển Nhi, thì điều chị cảm thấy đau khổ nhất là người chồng yêu quý của mình lại như vậy, mà bây giờ, Tuệ Minh đi tu cũng phá thai, vậy thì trên đời này thì có gì là thật nữa? Còn có gì là tin tưởng, để sùng bái, để tín ngưỡng nữa? Suy nghĩ như vậy mà không tìm ra câu giải đáp thì quả nhiên bản thân lâm bệnh quỵ ngã là phải. Trên người chị bắt đầu tróc da, lúc đầu chị không chú ý, sau đó khi đi tâ t vào, trong ống tất có nhiều thứ như vỏ lúa mạch, sáng dậy phủi giường chiếu cũng thấy có, liền cảm thấy toàn thân ngứa ngáy khó chịu vô cùng. Cởi quần áo ra mới nhìn thấy rõ da mình sần sùi, giống như vằn da rắn, giống như vết vỏ cây. Buổi tối chị cởi hết quần áo ra, dùng bàn chải xoa toàn thân, kỳ rửa hết lần này đến lượt khác. Bước sang ngày thứ tám, chị lại đi làm việc, chị về muộn lắm, mẹ chị chặn con gái ở cửa ngắm nghía mãi. Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:

- Mẹ ơi, mẹ làm gì vậy? Không nhận ra con ư?

Bà mẹ đáp:

- Mẹ không nhận ra con thật mà. Con làm sao vậy hả con?

Ngưu Nguyệt Thanh cười đáp:

- Mẹ ơi, vậy thì mẹ nhìn lại con, con xinh đẹp lên hay xấu xí đi hả mẹ?

Bà mẹ đáp:

- Lông mày đen ra, tàn nhang trên mặt cũng đi đâu hết cả rồi?

Ngưu Nguyệt Thanh bảo:

- Vậy thì tốt.

Chị nói với mẹ, chị đi vào thẩm mỹ viện, lông mày đen là kẻ vẽ thêm, còn tàn nhang thì dùng một loại thuốc tẩy đi. Từ nay về sau, mỗi ngày phải đi một lần, đi bảy ngày liên tục thì tẩy sạch hoàn toàn. Chị còn phải đi đắp sống mũi, con phải là hết nếp nhăn trên trán, còn phải rút mỡ thừa trong bụng, còn phải làm gầy hai chân đi. Chị nói tới mức mẹ già ngạc nhiên bảo:

- Vậy thì cả người chẳng còn chỗ nào là con gái mẹ nữa, phải không?

Từ đó ngày nào bà cũng làu bàu, bà bảo con gái không phải là con gái của bà, là đồ giả. Đêm đã nằm ngủ bà còn lấy tay sờ lông mày sống mũi và cằm của Ngưu Nguyệt Thanh, cứ thế bà hoài nghi tất cả. Hôm nay bà bảo tivi không phải là cái tivi vốn có, mà bị người ta thay đồ dởm, ngày mai bà lại bảo cái nồi không phải là cái nồi ngày trước, ai đã thay đồ giả, phàm những bà con láng giềng thân thích đến nhà, bà cũng thường không tin là láng giềng thân thích thật sự. Sau đó liền bảo, bà có phải bà hay không, cứ thế hỏi xồn xồn Ngưu Nguyệt Thanh.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.