Phong Vũ Thanh Triều 2

Chương 72: Chương 72: Đối đãi hiền thần




Nói tới Dự Nhượng là hàng thần của Trí Bá Dao...

Sách Sử Ký của Tư Mã Thiên có ghi chép lại, Dự Nhượng vốn là người nước Tần, trước tiên theo hầu Phạm Trung Hàn nhưng không được trọng dụng. Cho đến khi Trí Bá Dao, một người đứng đầu họ Trí tay nắm quyền lực lớn nhất ở nước Tấn mang quân sang tiêu diệt Phạm Trung Hàn thì Dự Nhượng theo hầu chủ mới, và đã được Trí Bá Dao hết mực khoản đãi như bậc thượng khách.

Vào năm 455 trước công nguyên, Trí Bá Dao lại một lần nữa đem quân đi đánh Triệu Tương tử, người cầm đầu một gia tộc lớn khác ở nước Tấn nhưng lần này bị Triệu Tương Tử lập kế liên kết với Hàn Khang Tử và Ngụy Hoàn Tử đánh cho đại bại. Sau khi Trí Bá Dao chết, lại bị Triệu Tương Tử lấy đầu lâu để làm bình đựng rượu, phần đất đai của họ Trí cũng bị phân chia, lập nên “tam Tấn.”

Khi Dự Nhượng hay tin chúa công qua đời đã trốn vào trong hang động tìm cách báo thù. Và để trả mối huyết hải thâm thù đó, Dự Nhượng thay tên đổi họ, xin vào cung đình làm người khổ dịch dọn dẹp nhà xí, trong mình giấu sẵn chủy thủ để hành thích Tương Tử. Có lần, Triệu Tương Tử thấy người khổ dịch này nhìn mình bằng ánh mắt rất bén nhọn, dường như chất chứa sâu thẳm bên trong là lòng căm phẫn đến tột đỉnh bèn phái binh lính bắt lại. Khám trong mình thấy có binh khí, Triệu Tương Tử bèn tra vấn, Dự Nhượng đáp vì muốn báo thù cho Trí Bá Dao.

Tả hữu của vua Triệu khuyên nhủ nên trừ khử thích khách tuy nhiên Tương Tử nói:

- Ta xem hắn là người có nghĩa, chỉ cần cẩn thận tránh né là được. Vả chăng Trí Bá cũng chẳng có dòng nối dõi, nay hắn phục thù cho chủ nhân chứng tỏ hắn là người hiền trong thiên hạ.

Nói đoạn, nhà vua thả cho Dự Nhượng ra đi.

Không chịu bỏ cuộc, Dự Nhượng tự hủy hoại dung nhan. Ít lâu sau lại cải trang thành người hành khất mình đầy ghẻ chốc giống như cùi hủi, còn nuốt cả than hồng để hóa thành kẻ câm với mục đích không cho ai nhận diện ra kể cả người thân trong gia đình và bằng hữu thân thuộc.

Chờ mãi cho tới một hôm Triệu Tương Tử xuất cung, Dự Nhượng bèn nấp dưới chân cầu ngõ hầu đợi nhà vua đi ngang qua. Ngặt một nỗi khi xa giá tới nơi thì con tuấn mã của vua bột phát linh tính, lồng lên như ác thú. Triệu Tương Tử thấy vậy đoán là có kẻ sẽ ra tay hành thích mình, lập tức cho quân vây bắt mới phát hiện lại là Dự Nhượng, tự hỏi lòng rằng tại vì sao Dự Nhượng đã thờ mấy đời chủ mà vẫn hết lòng trả thù cho Trí Bá Dao?

Triệu Tương Tử nghĩ thế bèn lên tiếng trách cứ:

- Dự Nhượng, nhà ngươi đã từng bỏ Phạm Trung Hàn vì họ Phạm bị Trí Bá Dao diệt, ngươi chẳng màng báo thù cho chủ tử lại còn phải gửi mình làm tôi cho vua mới. Nay Trí Bá cũng bị quả nhân giết chết rồi, tại sao nhà ngươi lại khăng khăng vì hắn mà báo thù sâu sắc như vậy chứ?

Ánh mắt hằn tia đau khổ, Dự Nhượng đáp:

- Trước tôi có thờ Phạm Trung Hàn thực, nhưng vua Phạm đãi tôi như bọn tầm thường nên lấy cách tầm thường mà trả. Sau tôi thờ Trí Bá, vua Trí đãi tôi như bậc quốc sĩ nên tôi lấy cách quốc sĩ mà đền ân!

Triệu Tương Tử nghe vậy thở dài ngậm ngùi mà rằng:

- Dự Nhượng, nhà ngươi vì Trí Bá Dao mà báo thù, nay danh cũng đã thành rồi, quả nhân tha cho nhà ngươi như thế cũng đã đủ. Nhà ngươi hãy tự liệu lấy thân. Quả nhân không thể cứ hết lần này đến lần khác tha mạng cho nhà ngươi được nữa!

Dự Nhượng bất cần ai tha bổng, cười lớn nói:

- Việc ngày hôm nay cố nhiên tôi xin chịu chết, nhưng nhà vua cho tôi xin cái áo của ngài để tôi được thỏa ý định phục thù, tuy chết mà cũng không ân hận!

Triệu Tương Tử nghe vậy gật gù cảm khái, bụng bảo dạ rằng mình không thể lung lay quyết tâm báo oán của y nên đành phải cho quân sĩ giết y để răng trăm họ. Cơ mà trước khi khai đao, vua Triệu nhận biết tên thích khách này quả là người có nghĩa khí thành thử cho y được toàn tâm nguyện, sai binh sĩ mang áo đưa cho y.

Dự Nhượng tuốt kiếm, vung tay đâm ba lần vào long bào và hô to:

- Rốt cuộc ta có thể chết để báo ơn Trí Bá được rồi!

Nói đoạn phục gươm tự sát. Toàn thể kẻ sĩ nước Triệu nghe chuyện Dự Nhượng chết ai nấy đều không khỏi bùi ngùi.

Lại nói về nữ tử thần y...

Thần người một hồi, nàng gật đầu nói:

- Nô tì có nghe qua. Năm xưa, Dự Nhượng là một người nước Tấn sống vào cuối thời Xuân Thu Chiến Quốc, được người đời biết tới trong vai trò là một đại thích khách. Tư Mã Thiên ghi lại trong tác phẩm Sử Ký lúc bấy giờ Dự Nhượng kiên trì ám sát Triệu Tương Tử để trả thù cho chúa công.

Ánh mắt thoáng xa xăm, nàng bồi hồi nhớ lại câu chuyện mà năm xưa Mã Lương lão nhân của Hắc Viện học đường có lần kể:

- Trí Bá của Tấn quốc bị Triệu Tương Tử tiêu diệt. Hàn thần của Trí Bá là Dự Nhượng cạo đầu xuống tóc, chịu nhẫn chịu nhục, đi ăn mày ở trong thành, hy vọng có dịp giết chết kẻ thù cơ mà rất tiếc đã thất bại. Trước khi chết, Dự Nhượng van xin vua Triệu đưa cho long bào đặng đâm vào đó coi như là đã báo được thù rồi tự sát để tỏ lòng trung liệt.

Chờ cho Nữ Thần Y kể xong, Dương Tiêu Phong gật đầu thêm lời:

- Thật ra ban đầu Dự Nhượng là thần của vua Phạm, sau đó đã chịu quy hàng Trí Bá. Lẽ ra Dự Nhượng không được tiền triều trọng dụng cho nên mới thần phục Trí Bá. Mặc dầu là một hàng thần nhưng lại được Trí Bá hậu đãi, xem như tâm phúc, và vì để đền ơn nghĩa đã quyết lấy chết để thiện chung. Trí Bá do đó là người đáng phục. Bởi từ một Dự Nhượng tầm thường, nếu không nói là hèn kém, mà có thể rèn luyện thành hàng quốc sĩ nổi tiếng cổ kim. Thành ra Trí Bá Dao đáng xếp vào hàng vương đạo. Thử hỏi sống ở trên cõi đời có mấy ai có đủ cái đảm lược để đãi người bằng cả cái chí thành như Trí Bá Dao? Thường thì một chút ích kỉ, một chút hồ nghi, vì quá yêu chính bản thân cho nên mãi đo lòng người khác. Cớ nhưng mà chỉ một chút băn khoăn, một chút cẩn trọng đó có đôi khi vụt mất người tri kỉ. Giá như trong thiên hạ ai ai cũng hội tụ đủ cái tâm để sống chí thành với tình bằng hữu, và khoản đãi mọi người xung quanh mình thì cuộc sống lúc ấy sẽ dễ chịu biết mấy với lòng tin cẩn.

Dứt lời, Dương Tiêu Phong quay sang, phát hiện Nữ Thần Y đang chống tay lên cằm chăm chú lắng nghe thì chậm rãi hỏi nàng hai câu:

- Vậy theo nàng, Dự Nhượng có nên theo phò Trí Bá Dao không? Lại nữa, nàng có cho rằng Dự Nhượng là người trung liệt hay không?

Nữ Thần Y đột ngột bỏ tay xuống, biến sắc mặt, nét hồng hào dần dần tiêu tán, đôi mắt khôi phục lại vẻ thanh lãnh, chiếu ra những tia long lanh. Nàng ngồi yên đó trầm tư không đáp lời, trong lòng suy nghĩ rất lung, thầm hiểu người bên cạnh nàng nói vậy ý chừng là bảo sư huynh nàng Cửu Dương nên noi theo tấm gương của Dự Nhượng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.